Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Tỉ lệ khách hàng vay tiêu dùng không trả nợ ngày càng cao và có hiện tượng rủ nhau "bùng nợ" công ty tài chính khiến nợ xấu tăng, lãi suất vay khó giảm".

chovay1

Trên thực tế chuyện cho vay cắt cổ cũng đến từ các công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép

Đoạn nhận xét có phần đổ thừa ở trên được trích từ một văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi Ngân hàng Nhà nước về sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đen, đồng thời kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ thị trường tài chính tiêu dùng.

"Một số khách hàng vin vào những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần. Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp" – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có nhận xét như vậy.

Theo tính toán của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến cuối năm 2022, thống kê cho thấy nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Và trước thực tế đó, vẫn theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã buộc các công ty tài chính phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế đã ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh và hệ quả là lãi suất cho vay tiêu dùng điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp tới người đi vay.

"Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý… nhằm uốn nắn kịp thời. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan công an lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với những công ty biểu hiện vi phạm. Tuyên truyền để khách hàng không đánh đồng công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép với công ty cho vay tiền qua app, cho vay trực tuyến, tín dụng đen núp bóng…" – văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra đề xuất.

Cá nhân người viết bài này cho rằng các nội dung kể trên là thiếu sòng phẳng, vì trên thực tế chuyện cho vay cắt cổ cũng đến từ các công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Đơn cử, ở nhóm các dịch vụ tài chính tiện ích thì F88 là doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng cho vay cầm cố tài sản mà nhiều người vẫn gọi là cầm đồ.

Trang chủ của công ty này niêm yết 2 hình thức cho vay cầm cố là cầm cố đăng ký xe máy và cầm cố đăng ký ô tô. F88 cho biết, công ty áp dụng lãi suất cho vay 1,1%/tháng cho cả hai hình thức cho vay cầm cố này, tức hơn 13%/năm theo cách tính dư nợ giảm dần. Mức lãi suất này đã tuân thủ theo khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, không vượt quá 20%/năm.

Tuy nhiên, khi thực hiện vay vốn tại F88, người vay tiền cần phải trả thêm các khoản phí khác bên cạnh lãi suất như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố,…và tổng các loại phí này cao hơn nhiều lãi suất cho vay.

Những người lao động thu nhập thấp đang gặp khó khăn tài chính mới tìm đến các cửa hàng cầm đồ. Chính vì vậy, cách tính chi phí vay của F88 dù có thể đáp ứng được nhu cầu cần tiền ngay lập tức của người tiêu dùng, nhưng cũng tạo ra áp lực cho người vay khi phải chịu chi phí rất đắt đỏ, gấp 4 – 5 lần lãi suất vay ngân hàng ở cùng kỳ hạn.

Một vụ việc cụ thể mà nạn nhân chấp nhận để báo chí đăng công khai : Vào đầu tháng 12-2022, do mẹ bị ốm phải nằm viện cấp cứu, bà Nguyễn Vũ Phường V (TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đến chi nhánh công ty F88 trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức) cầm xe máy hiệu Honda air blade. Lúc này, nhân viên công ty quan sát chiếc xe và định giá có thể cầm với số tiền cao nhất là 22.431.274 đồng. Tuy nhiên, nhân viên F88 chỉ cầm cà vẹt xe và yêu cầu bà V làm các thủ tục cần thiết.

Theo giấy thoả thuận giữa bà V và F88 thì bà V bắt đầu thanh toán lần đầu tiền cả lãi lẫn gốc từ ngày 15/1/2023 với số tiền là 2.884.000 đồng và nợ gốc còn lại là 21.275.816 đồng.

Và như thế, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 11 bà V phải đóng tổng số tiền cả gốc lẫn lãi đều là 2.884.000 đồng và số tiền nợ gốc ở tháng 11 giảm xuống còn 2.962.885 đồng. Riêng tháng thứ 12, bà V cần phải đóng cả gốc lẫn lãi là 3.182.057 đồng, lúc này tiền nợ gốc sẽ còn 0 đồng. Như vậy tổng 12 tháng bà V cần phải đóng cả gốc lẫn lãi là 34.906.057 đồng đối với 22.431.274 đồng tiền đã vay.

Theo gia đình của bà V, từ tháng thứ 2 bà V không đủ tiền để trả thì bên F88 yêu cầu nộp phạt 54.000 đồng/ ngày. "Bên F88 liên tục gọi điện hối đóng tiền, 1 ngày gọi gần trăm cuộc. Mặc dù cháu V và chị gái tôi ở nhà riêng nhưng khi cả hai không nghe máy thì bên F88 gọi vào điện thoại bàn gia đình tôi để đòi tiền. Ngày nào cũng gọi mấy chục cuộc", người nhà của bà V nói thêm.

Như vậy, khoan bàn chuyện lãi suất cho vay vi phạm cụ thể như thế nào, chi riêng hành vi đòi nợ dạng khủng bố các loại của bên công ty tài chính đã là dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Thế nhưng thời gian rất dài, và cả đến tận hiện tại, việc xử lý từ nhà chức trách vẫn còn rề rà đến mức người dân có quyền ngờ vực ‘chuyện phải quấy’ của những công ty tài chính này với cấp nào đó ‘bề trên’.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 29/05/2023

Published in Diễn đàn

Trước hết, phải khẳng định mạnh mẽ rằng, cho người đang trong tình trạng khốn đốn về tài chính vay tiền với lãi suất cắt cổ, là hành vi của những người tham lam, tàn nhẫn và ác độc.

chovay1

Cho vay nặng lãi là hành vi của những người tham lam, tàn nhẫn và ác độc.

Họ làm giàu trên xương máu của đồng bào bằng hình thức cho vay lãi nặng, cấu kết và hối lộ quan chứcđể đổi lấy đặc quyền cho vay nặng lãi hoặc "tín dụng đen". Và trong số những chủ nợ cũng có không ít quan chức nhà nước và thân hữu, hành xử theo kiểu mafia, dùng pháp luật và xã hội đen để đàn áp, uy hiếp và thanh toán những người dám lên tiếng phản đối.

Nhà văn Tô Hoài sáng tác "Vợ chồng A Phủ" vào năm 1952, kể về Mị và A Phủ, là những người lao động nghèo khổ ở miền núi và cũng chính là nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi. Nhà văn Tô Hoài lên án sự độc ác của bọn cường hào, ác bá, cụ thể là sự bóc lột của cha con thống lí Pá Tra, đã làm giàu bằng cho vay lãi nặng. Mị và A Phủ phải làm việc quần quật cả ngày, như con trâu, con bò, con ngựa, trong tủi nhục và đau khổ đến cực độ để trả nợ.

Cứ ngỡ là hình thức bóc lột dã man của vay nặng lãi chỉ sinh sôi và nảy nở trong chế độ phong kiến. Cứ tưởng rằng, những con người tàn nhẫn và ác độc như thống lí Pá Tra, làm giàu bằng cách cho vay cắt cổ, đã chết theo sự tiến bộ của thế giới văn minh. Nhưng trong thực tế, xã hội Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều tên "thống lí Pá Tra", lợi dụng thể chế chính trị tồi dở và Pháp luật không nghiêm minh, đã cấu kết với quan chức, để làm giàu trên xương máu của những người dân nghèo bằng cho vay nặng lãi.

Tín dụng đen, vay nặng lằi hoành hành và bành trướng

chovay2

Vay tiền nhanh nhất, chiêu lừa của tín dụng đen khiến nhiều người cả tin rơi vào bẫy, để rồi không thể tìm được lối ra.

Mỗi bạn đọc trong nước hãy nhìn trung thực nơi mình đang sống để thấy ở đâu cũng có bóng dáng người cho vay nặng lãi. Hiện tại, muốn vay tiền ngân hàng, người dân phải tiến hành vô số thủ tục rườm rà, thế chấp tài sản, và phải được bảo lãnh bởi cơ quan công tác. Công nhân và nông dân nghèo thì làm gì có tài sản mà thế chấp ? Chính vì thế, vay tiền ngân hàng là một thử thách và rào cản không thể vượt qua được đối với những người có thu nhập thấp. Do đó, nhiều người dân trong hoàn cảnh khó khăn và khẩn cấp, đành phải với lấy"cái phao" của bọn cho vay nặng lãi.

Trường hợp của anh N.V.H, sau 3 vụ thất mùa trắng tay, đành vay nóng 30 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng. Sau 4 tháng, cả vốn lẫn lãi là 54 triệu đồng. Những trường hợp như anh N.V.H thì có mặt khắp nơi ở Việt Nam và điều này đã khiến cho dịch vụ tín dụng đen, vay cắt cổ tiếp tục bành trướng và nở rộ. ("Vòng xoáy nợ nần từ việc vay nặng lãi", báo Bạc Liêu, 28/7/2017)

Tín dụng đen là một kiểu "làm ăn" ngày càng khá phổ biến ở Việt Nam. Một số công ty tín dụng đen được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chiêu dụ và lừa gạt người nghèo, cho vay với lãi suất cao gấp 5-7 lần so với lãi suất ngân hàng. Khi nền "kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa"quá tụt hậu, không tạo ra được nhiều việc làm cho người dân, thì sẽ tạo ra tầng lớp người cho vay lẫn con nợ. Có người chỉ biết kiếm sống bằng cách cho vay bằng số tiền đang có với lãi suất thấp. Nhưng, bên cạnh đó, có nhiều người vì quá tham lam và dã tâm, nên bất chấp thủ đoạn cho vay với lãi suấtrất nặng.

Theo khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất, mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm (khoảng 1,7%/ tháng) và nếu thỏa thuận không rõ sẽ là 10%/năm (khoảng 0,83%/tháng). Trong thực tế, rất nhiều người dân vì quá túng thiếu và bức bách, nên chấp nhận mượn tiền với lãi suất cao hơn hàng chục lần so với qui định của Ngân hàng nhà nước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số người cho vay lãi nóng : 1 triệu đồng cho vay thì mỗi ngày sẽ thu 5.000 đồng tiền lãi. Vay 1 triệu, mỗi tháng trả tiền lãi 130.000 – 150.000 đồng, nghĩa là lãi suất 13%-15%/ tháng, và điều này đã vi phạm Điều 476 Bộ luật Dân sự 2015. Thử tính nhẩm, vay 10 hoặc 100 triệu đồng thì để thấy số tiền lãi cao đến ngất ngưởng.

Khi không có khả năng thanh toán và bị chủ nợ đòi nợ theo kiểu xã hội đen, nhiều người bị hành hung, gia đình tan vỡ và có người thậm chí treo cổ tự sát. Ngày 9/5/2017, báo Tuổi Trẻ tường thuật câu chuyện đau lòng về một nạn nhân của vay nặng lãi. Đó là con trai của bà Tư ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đã treo cổ tự sát :

"Lúc còn sống, đôi khi thiếu tiền xài, nó vay người ta 1 triệu đồng, tiền lời 200.000 đồng/tháng) Trả lãi đến khi nào trả đủ tiền gốc thì dừng. Lãi cứ chất chồng lên tới mức lương công nhân không đủ trả".

Vì tiền lãi chất chồng, có người phải bỏ trốn như con trai của bà P.T.L, huyện Vĩnh Cửu, đi biệt từ Tết Nguyên đán 2017, bỏ lại mẹ già, vợ và con thơ do không có khả năng trả dứt 200 triệu đồng cả nợ gốc và lãi cộng dồn. ("Tự tử vì tiền lãi vay nóng chất chồng", Tuổi Trẻ, 9/5/2017). Từ giữa tháng 6/2017, công an Thành phố Hà Nội đã bắt giữ hàng chục vụ cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen bằng cách hành hung và cướp tiền của nạn nhân (VTC, 30/6/2017)

Ngày 15/7/2017, báo Đắk Lắk tường thuật nhiểu người dân ở xã Cư Kty đã phải khốn đốn "tan cửa nát nhà" do vướng vào vòng xoáy nợ nần vì vay nặng lãi.

Ngày 29/9, báo Thanh Niên có một bản tin vô cùng đau đớn : một người mẹ lên kế hoạch tự tử cùng với con bằng cách ép đứa bé uống thuốc trừ sâu, để gia đình lấy tiền phúng điếu mà trả nợ. Phần lớn bạn đọc cho rằng người Mẹ này quá tàn nhẫn và ác độc. Người viết không bao giờ đồng ý với hành động nhẫn tâm đó của bà Mẹ, tuy nhiên, mọi người nên công tâm nhìn vào sự bế tắc, túng quẫn và suy sụp, về tinh thần và vật chất, của người mẹ mà dẫn đến suy nghĩ và hành động tàn nhẫn "ép con uống thuốc trừ sâu". Số tiền nợ trên 200 triệu đồng, vay đầu này đắp đầu kia với lãi suất rất cao, dồn người phụ nữ đến đường cùngvà chỉ có cái chết mới thanh toán được món nợ.

Vì sao vay nặng lãi, tín dụng đen vẫn ung dung tồn tại ?

Rõ ràng, hình thức cho vay với lãi suất rất nặng ngày càng công khai và bành trướng ở Việt Nam, mang tới nhiều hệ lụy đau lòng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn xã hội.

Phần lớn nạn nhân của vay nặng lãi là công nhân và nông dân nghèo. Họ cần tiền để chi tiêu trong những lúc cấp bách như chi phí chữa bệnh hiểm nghèo cho người thân. Vì thế, họ chấp nhận vay tiền lãi suất cắt cổ, với suy nghĩ sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để trả nợ. Thế nhưng, do lãi suất quá cao và thất nghiệp đột ngột, họ không có khả năng trả tiền lãi, nên lại vay nặng lãi từ người khác, để trả lãi cho người kia. Cứ như thế, vòng xoáy nợ nần, đeo bám họ từ ngày này qua tháng khác. Khi quá túng thiếu và bế tắc, nhưng lại không tìm được bất kì sự trợ giúp nào từ chính quyền, đã thế còn bị hăm dọa bởi bọn côn đồ, thì với nhiều người, chỉ có bỏ trốn hoặc cái chết mới giải quyết được mọi vấn đề.

Cho vay nặng lãi là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng như cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái phép. Căn nguyên của vấn nạn "vay nặng lãi" là do chính quyền không tạo điều kiện dễ dàng và thủ tục đơn giản cho người được vay ngân hàng nên tín dụng đen bành trướng và do Pháp luật không nghiêm minh nên những vi phạm không bị xử lý nghiêm khắc.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, cho biết tín dụng đen đang len lõi khắp ngõ ngách mà không gặp bất kì một trở ngại và thách thức nào từ nhà chức trách.

"Hỏi chuyện một người chuyên cho vay nặng lãi, người này cho biết mỗi năm cho vay doanh số thấp là 300 tỉ đồng, nhiều là 800 tỉ đồng, địa bàn hoạt động là các thị trấn lớn của Hà Tĩnh và không phải nộp bất cứ loại thuế gì. Còn ở đô thị, quảng cáo cho vay tiền dán nhan nhản khắp mọi nơi, chỉ cần một cuộc gọi là có tiền" ("Giải oan cho vay tiêu dùng", Pháp luật, 20/9/2017)

Pháp luật là công cụ của nhà nước cộng sản, được dùng để trục lợi, tham nhũng và duy trì quyền lực chính trị, chứ không phải để bảo vệ người dân. Chính vì thế, luật pháp Việt Nam không nghiêm minh, dẫn đến việc coi thường pháp luật trong mọi tầng lớp.

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, thì người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất qui định trong Bộ luật dân sự 20%/năm để thu lợi bất chính, sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi. Như vậy, theo qui định hiện hành, những trường hợp cho vay với lãi suất 100%/năm trở lên (5 lần x 20% Bộ luật Dân sự), mới được cho là "vay nặng lãi" và bị chế tài. Rõ ràng, đây là qui định thiếu thực tế và bất hợp lý thể hiện pháp luật không nghiêm minh, tạo điều kiện cho cho sự bùng phát của tệ nạn vay lãi cắt cổ.

Lương Quang Tuấn (nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao) cảnh báo : "Theo điều 163 Bộ luật hình sự, tội cho vay lãi nặng có khung hình phạt cao nhất chỉ 3 năm tù, vì vậy tín dụng đen vẫn hoạt động công khai. Khi người dân cần vốn để sản xuất, kinh doanh mà không có nên phải vay tiền với lãi suất rất cao và sau đó có rất nhiều hệ lụy. Trong khi để truy cứu trách nhiệm hình sự tội cho vay lãi nặng là rất khó khăn" ("Xử sao để không còn người tự tử vì vay lãi nặng?", Tuổi Trẻ, 10/5/2017).

Vì xem thường pháp luật, nên bọn cho vay nặng lãi tự ý nâng cao lãi suất khi muốn. Nếu người vay không có tiền trả, bọn chúng sẽ dùng vũ lực uy hiếp đòi nợ mà không sợ pháp luật trừng trị về những hành vi cố ý gây thương tích. Ngược lại, người vay nợ bị đe dọa và hành hung lại không tìm đến công an để nhờ xử lý, chỉ biết bỏ trốn hoặc tự sát vì mất niềm tin vào pháp luật và nhà nước.

Gỉai pháp nào ?

Hệ quả mà những nạn nhân của tín dụng đen, vay nặng lãi phải gánh chịu hết sức tang thương bao gồm : cuộc sống đảo lộn, gia đình tan vỡ, con cái bỏ học, mất nhà, mất tài sản, và thậm chí là tự sát. Chưa kể đến, hành vi đòi nợ của bọn cho vay nặng lãi phần lớn bằng vũ lực rất dã man bao gồm : chém người, phá hủy tài sản, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản, đổ xăng hoặc ném chất bẩn vào nhà, thậm chí dùng súng, chất nổ để uy hiếp và đe dọa.

Để chấm dứt tình trạng cho vay lãi suất cắt cổ, một giải pháp phổ biến, được nhiều người đề nghị, đó là thay đổi qui định và tạo điều kiện để người dân có thể vay tiền từ ngân hàng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên người viết tin giải pháp này không thể xảy ra khi nhà nước cộng sản còn cai trị Việt Nam. Bởi vì hiện tại chính quyền cộng sản còn đang nợ ngập đầu, thì chuyện tạo điều kiện thông thoáng cho người dân vay nợ từ Ngân hàng nhà nước là chuyện khó xảy ra. Hơn nữa, đảng cộng sản chưa bao giờ đặt lợi ích của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng, nên một giải pháp có lợi cho dân chỉ là một giấc mơ đẹp mà thôi. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là nền Pháp luật nghiêm minh qui định rõ ràng và chặt chẽ những hình phạt nghiêm khắc đối với hành vicho vay nặng lãi. Bất cứ ai dùng vũ lực đe dọa, bằng lời nói hoặc hành động, để đòi nợ cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo Pháp luật.

Ở những nước dân chủ phát triển, hình thức cho vay nặng lãi từ những tổ chức tín dụng đen và cá nhân tự phát rất ít vì qui định pháp luật rõ ràng và nghiêm minh. Tình trạng sử dụng xã hội đen đe dọa và uy hiếp bằng vũ lực để đòi nợ cũng ít xảy ra vì pháp luật rất nghiêm minh.

Trong những quốc gia dân chủ phát triển, với tinh thần thượng tôn pháp luật, thì không một cá nhân, một tổ chức, một quyền lực nào được phép đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật. Vì thế, mọi người đều tôn trọng pháp luật, không ai dám làm trái với qui định của pháp luật. Pháp luật nghiêm minh sẽ chế tài những hành vi làm giàu trên xương máu của người khác và ngăn chặn sự hung hãn, bạo lực vô nghĩa từ việc đòi nợ. Pháp luật nghiêm minh cũng không bao che và dung túng những sai trái của bất kì ai.

Câu hỏi : Pháp luật nghiêm minh có thể tồn tại trong thể chế độc tài toàn trị hay không ? Câu trả lời là không.

Nhà nước cộng sản áp đặt chế độ "đảng trị", nghĩa là dùng quyền lực của đảng để cai trị. Pháp luật là công cụ của đảng. Chính quyền là công cụ của đảng, và chỉ được dùng để đàn áp và bắt bớ những người quan tâm tới vận mệnh đất nước, chứ không để bảo vệ người dân. Do đó, phải khẳng định mạnh mẽ rằng trong thể chế độc tài không thể có được pháp luật nghiêm minh. Khi nào đất nước Việt Nam vẫn còn bị đảng cộng sản cai trị thì không thể có được pháp luật nghiêm minh.

"Mặc dù không có nội chiến và nội loạn, Việt Nam ngày hôm nay trên thực tế đang dần dần trở thành một trong những nước thiếu an ninh nhất thế giới. Mối đe dọa an ninh đầu tiên chính là đảng và nhà nước cộng sản. Bắt người trái phép, giam cầm và đánh đập dã man đã trở thành thông lệ. Tình trạng thiếu an ninh cũng do những thành phần bất hảo ngày càng đông đảo và ngày càng lộng hành, trong nhiều trường hợp với sự bao che của công an… Bảo đảm trật tự an ninh không có nghĩa là giới hạn tự do mà còn là một điều kiện bắt buộc để có tự do thực sự" (Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai).

Nhà nước cộng sản vẫn cố gắng duy trì ách thống trị bằng mọi giá, bỏ mặc an sinh xã hội và lợi ích của dân tộc. Chế độ độc tài hung bạo sẽ là môi trường màu mỡ dung dưỡng những con người độc ác, tham lam và tàn nhẫn, như cha con thống lý Pá Cha. Cho vay cắt cổ mà không sợ chế tài của pháp luật, bọn "cường hào ác bá" làm giàu trên xương máu của những người làm việc quần quật như trâu "quanh năm suốt tháng" mà vẫn nợ ngập đầu.

Sẽ không thể có lối thoát cho đất nước và nhân dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Nó phải được thay thế bằng một chế độ dân chủ đa nguyên, mà nền tảng của lòng yêu nước phải được quan niệm như tình yêu và sự gắn bó giữa người Việt Nam.

Dân chủ không phải là "một chiếc đũa thần kì" có thể ngay lập tức biến những người nghèo khổ trên một đất nước lụn bại về mọi mặt như Việt Nam có thể trở nên giàu có. Tuy nhiên, dân chủ đa nguyên là phương thức tổ chức xã hội hiệu quả nhất và là nền tảng của pháp luật nghiêm minh. Một Hiến pháp dân chủ trên tinh thần "Thượng tôn pháp luật" sẽ đẩy lùi tín dụng đen và chế tài nghiêm khắc những hành vi cho vay cắt cổ và mang đến công lý cho những nạn nhân.

Mai V. Pham

(22/09/2017)

"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"

Tham khảo :

- http://luatdoanhgia.vn/Luat-su-bao-chua/Quyen-bao-chua/Toi-cho-vay-lai-nang-Dieu-163-Bo-luat-hinh-su/14-76c2686.html

- http://tuoitre.vn/xu-sao-de-khong-con-nguoi-tu-tu-vi-vay-lai-nang-1311600.htm

- http://tuoitre.vn/tu-tu-vi-tien-lai-vay-nong-chat-chong-1311084.htm

- http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/tai-chinh-ngan-hang/201707/vong-xoay-no-nan-tu-viec-vay-nang-lai-2564166/

Published in Quan điểm