Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 08 décembre 2022 12:18

Nâng chuẩn nghèo để ai cũng giàu ?

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 4242/BHXH-TST gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy định chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

ngheo2

Tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng

Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 như sau : Năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể : Tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng.

Giai đoạn 2022 – 2025, chuẩn nghèo đa chiều thực hiện theo tiêu chí thu nhập là 1.500.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. "Như vậy, số bệnh nhân khó khăn có thu nhập trong khoản này khi vào bệnh viện sẽ gia tăng nhiều và mang gánh nặng chi trả các dịch vụ y tế" – bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện phụ sản Hùng Vương, nói.

Theo bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, các bệnh viện hiện tại đều có chính sách chủ động miễn giảm chi phí dịch vụ y tế cho các bệnh nhân nghèo, cận nghèo hay bệnh nhân không đủ tiền chi trả. "Và chi phí hỗ trợ, chia sẻ này chúng tôi sử dụng từ thu nhập của nhân viên y tế từ nguồn chênh lệch thu chi" – bà Hoàng Thị Diễm Tuyết khẳng định, đồng thời cho biết vô hình trung sự chia sẻ này đã làm giảm đi thu nhập của nhân viên y tế vốn đã rất khó khăn.

Bà nói : "Do đó, tôi mong có sự quan tâm đối với chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là người dân ở thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh vốn có mức sống cao, để giúp họ đỡ gánh nặng lúc ốm đau bệnh tật, cũng là hỗ trợ cho bệnh viện vơi gánh nặng lẫn không làm giảm thu nhập của nhân viên y tế".

Trước mắt, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết mong UBND các quận, huyện rà soát chính xác đối tượng cần được nhận hỗ trợ bảo hiểm y tế, để giảm trường hợp khi vào bệnh viện, họ vừa không có tiền vừa không có bảo hiểm y tế sẽ rất khổ.

Một dẫn chứng. Bác sĩ Ngọc Châu, Khoa Tim mạch – Lão học của bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết, bệnh nhân Cao Thị Tươi năm nay 68 tuổi, bị lao phổi cách đây 6 tuần, đang điều trị theo phác đồ tấn công 2 tháng, sau đó còn phải theo dõi và uống thuốc thêm 4 tháng.

Mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng bệnh của bà hiện tại có nguy cơ lây nhiễm cao nên phải nằm phòng riêng. Thêm vào đó, thể trạng bà suy kiệt do ăn uống kém thời gian dài, bác sĩ phải truyền thêm dinh dưỡng. Chưa kể tiền thuốc thang, làm xét nghiệm và đồ dùng hằng ngày như bỉm, sữa, giấy lau…

ngheo1

Người nghèo thành thị là người ở khu vực thành thị có thu nhập 2.000.000 đồng/người/tháng.

Hơn 10 năm trước, khi xóm bờ kè trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) nơi nhà bà Tươi sinh sống còn chưa giải tỏa, 4 gia đình nhỏ đều nương nhờ bà. Sau này phải rời đi, họ được đền bù vài chục triệu đồng, rồi tách ra mướn phòng trọ, lo cuộc sống mưu sinh. Bà Tươi sống cùng con trai, gia đình thuộc hộ cận nghèo ở phường 7, quận 8.

Xót xa cảnh cụ bà tuổi cao sức yếu nhiều lần xin xuất viện vì gánh lo tiền bạc, phòng công tác xã hội bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghiệp đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Từ cụ thể hoàn cảnh trên, theo diễn giải của bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết thì lâu nay Thành phố Hồ Chí Minh đều có chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, với việc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành công văn để thực hiện Nghị định số 07 có sự thay đổi về tiêu chuẩn, thu nhập của đối tượng được bảo hiểm xã hội chi trả, cụ thể là hộ nghèo nên dù có bảo hiểm chăng nữa thì người nghèo vẫn chịu khổ trăm bề về viện phí.

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 08/12/2022

Published in Diễn đàn