Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lần đầu tiên trong 90 năm có đảng, chưa bao giờ có nhiều đảng viên nghỉ hưu đã bỏ đảng không mảy may luyến tiếc mà còn hối hận cho quyết định nông cạn đã vào đảng thời niên thiếu.

SRILANKA/

Chưa bao giờ có nhiều đảng viên nghỉ hưu đã bỏ đảng không mảy may luyến tiếc mà còn hối hận cho quyết định nông cạn đã vào đảng thời niên thiếu.

Hãy đọc :

Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên Cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19/5/1970. Đến nay, 20/11/2009, tôi tự thấy Đảng cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng… Tình cảm của tuổi trẻ đưa tôi đến với Đảng cộng sản. Hiểu biết của nhận thức và thực tế cuộc đời đưa tôi đến quyết định từ bỏ sự lựa chọn cảm tính của tuổi trẻ. Tôi đã tự nguyện vào đảng, nay tôi tự rút ra khỏi đảng cũng là việc rất bình thường, lành mạnh đối với đảng cũng như với riêng tôi.

Ông Phạm Đình Trọng, hiện cư ngụ tại Sài Gòn, sinh năm 1944, mang quân hàm Đại tá khi nghỉ hưu.

Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang viết vào ngày sinh nhật thứ 90 của đảng (3/2/1930-3/2/2020) :

Tôi quyết định "thoái Đảng" (tức lẳng lặng bỏ Đảng, không chuyển sinh hoạt Đảng) từ giữa năm 2003 ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày 3/2/2020 này, tôi đã "thoái Đảng" được suýt soát 17 năm ! Còn trong thực tế, xin tiết lộ điều "bí mật" sau đây : Ngay khi còn đang phục vụ trong lực lượng võ trang, tôi đã âm thầm "khai trừ Đảng khỏi lòng tôi" rồi ! Chính xác việc trên là từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ !

…Tôi "thoái Đảng" vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của "một thời đáng quên !". Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau.

Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để "tạm biệt" Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45% ! Số còn lại, mang tiếng là "vẫn yêu Đảng", nhưng thực tế đa số họ đã "chán Đảng", họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến "sổ hưu", tức kế sinh nhai hàng ngày của họ.

Ông Quang tự hỏi :

Vậy phong trào "thoái Đảng" do đâu mà có ?

Ông trả lời :

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể khẳng định nó bắt đầu từ lòng tin (vào Đảng cộng sản Việt Nam) bị giảm sút, đến chỗ hồ nghi sự lãnh đạo của Đảng, và cuối cùng là mất sạch lòng tin vào Đảng. Thế là bệnh "chán Đảng", như một hệ lụy tất yếu, nó xuất hiện trong sâu thẳm tâm can rất nhiều đảng viên. Bệnh "chán Đảng" nhanh chóng trở thành phong trào "thoái Đảng". Căn bệnh này lây lan rất nhanh, song nó không gây nguy hiểm cho đất nước và xã hội, nhưng lại rất nguy hiểm cho đảng cầm quyền.

Người bỏ đảng nổi tiếng năm 2018 là Giáo sư Chu Hảo, 80 tuổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ 1996 đến 2005. Trong tuyên bố ra đảng, ký ngày 26/10/2018 nhưng chỉ được lan truyền trên internet ngày 29/10 (2018), ông viết rằng Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản) mà ông gia nhập 45 năm trước "không còn tính chính danh".

Ông Chu Hảo cho rằng đảng này (hiện có trên 4 triệu thành viên), "có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".

Trước đó, vào ngày 25/10/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, và cáo buộc ông "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" khi xuất bản những cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Đến ngày 15/11/2018, ông bị chính thức khai trừ khỏi đảng, sau khi ông đã tuyên bố bỏ đảng từ ngày 26/10/2018.

Sau sự việc đảng đối xử với một người được nhiều người trong và ngoài nước kính trọng như Giáo sư Chu Hảo, nhiều trí thức cũng tuyên bố ra khỏi đảng để phản đối, trong đó có Giáo sư Mạc Văn Trang và Nhà văn Nguyên Ngọc.

Trước Giáo sư Chu Hảo cũng đã có hai Giáo sư nổi tiếng khác ra khỏi đảng là Giáo sư Nguyễn Đình Cống và Giáo sư Tương Lai.

Giáo sư Cống, 83 tuổi, người đã nghỉ hưu từ Đại học Xây dựng, tuyên bố ra đảng từ ngày 3/2/2016, sau khi lãnh đạo đảng không trả lời đề nghị đảng từ bỏ chủ nghĩa Cộng sán Mác-Lenin để thành lập một chế độ tự do và dân chủ với tam quyền phân lập.

Giáo sư Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương, sinh năm 1936 tại Thừa Thiên, Huế), cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Ðảng cộng sản do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo từ ngày 02-09/2017. Ông Tương Lai từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải là người có lập trường chống lệ thuộc vào Trung Hoa. Ông chỉ trích Đảng cộng sản của ông Trọng "không còn là một đảng của dân tộc".

Nhưng trước tất cả, phải kể về quyết định ra khỏi đảng sau 45 năm là đảng viên của Luật sư Lê Hiếu Đằng (6/1/1944 – 22/1/2014), nguyên là phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, nguyên Tổng thư ký Ủy ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước 1975, ông Đằng từng là thành viên Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn. Ông đã cùng một số lãnh đạo phong trào sinh viên-thanh niên chống chiến tranh, chống Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và chống Hoa Kỳ. Luật sư Lê Hiếu Đằng là khuôn mặt tiêu biểu của nhóm trí thức thân Cộng đã chạy ra bưng theo Mặt trận Giải phóng miền Nam. Nhưng sau đó thất vọng vì Đảng cộng sản Việt Nam đã không đem lại cho ông hy vọng ông từng ôm ấp khi đất nước hòa bình.

Vì vậy, theo Bách khoa toàn thư mở :

Vào tháng 8/2013, trong bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh", ông Lê Hiếu Đằng đã công khai nói lên những suy nghĩ của mình. Về việc Đảng cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ, trong đó có ông, cũng như việc cần thiết phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng để cứu đất nước thoát khỏi tình thế nguy cấp hiện tại.

Vào ngày 4/12/2013, ông viết tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam  vì theo ông, "Đảng cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân".

Tiếp tục quay lưng

Nhưng không chỉ có bấy nhiêu người nổi tiếng đã bỏ đảng được biết đến từ năm 2013 mà còn hàng hà sa số cán bộ, đảng viên khác, nhất là giới trẻ đã âm thầm "nhạt đảng", "khô đoàn" từ lâu khiến đảng lo sót vó.

Trước biểu hiện ngại dấn thân gia nhập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ngại học tập chủ nghĩa cộng sản Mác-Lenin, không muốn gia nhập đảng và suy thoái tư tưởng, lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói vào cuối năm 2017 (khi ấy ông chưa được trao chức vụ Chủ tịch nước) :

Tôi chỉ xin lưu ý, nhấn mạnh thêm một vài điểm đặc biệt quan trọng là, hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ; thậm chí có một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại bản chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc.

Ông Trọng lưu ý :

Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh còn chậm và lúng túng trong nghiên cứu, đề xuất giải pháp để khắc phục, giải quyết các vấn đề đặt ra, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi.

Ông vạch ra rằng :

Công tác giáo dục của Đoàn tuy rộng nhưng chưa sâu, một số hoạt động còn nặng về "bề nổi", dàn trải, hình thức. Một số phong trào mới chỉ thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững. 

Chất lượng tổ chức Đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn yếu. Một bộ phận cán bộ đoàn chưa bắt nhịp kịp thời với những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức, đời sống của thanh niên. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, trong đó có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức đoàn.

Cuối cùng, người đứng đấu đảng khuyến cáo :

Đoàn phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống thanh niên. 

Đặc biệt, Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội ; tránh tình trạng "nhạt Đảng", "khô Đoàn", "xa rời chính trị".

(Trích phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, ngày 14/12/2017)

Nguyên do thanh niên đã phai nhạt lý tưởng với đảng vì đã có rất nhiều đảng viên, nhất là lớp cha, anh có chức có quyền đã làm gương mù cho lớp trẻ bằng những hành động tham nhũng, lãng phí của công, tranh chức, chạy quyền, mua quan bán tước, mua bằng, bán dự án, cướp đất, đàn áp dân như đã xẩy ra ờ Đồng Tâm ngày 9/1/2020.

Nhưng không chỉ có thanh niên mới chán đảng như bịt mũi trước cơm thiu mà còn cả những đảng viên, cán bộ đương chức và nghỉ hưu cũng hoặc âm thầm, hay công khai muốn xa đảng chừng nào tốt chừng ấy.

Bằng chứng đã xuất hiện những dấu hiệu không bình thường bởi thái độ thờ ơ và chán nản của đảng viên trong công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam tháng 01 năm 2021.

Tình trạng này là hậu quả của
việc thi hành chưa thành công toàn diện "Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhìn nhận :

Bên cạnh những thành tích đạt được… những hạn chế, khuyết điểm của ngành, cụ thể chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ chưa được như mong muốn ; những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp ; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên trước sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị kết quả chưa cao.

(trích phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức sáng 25/12, tại Hà Nội.)

Về phần mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhìn nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng vẫn còn dang dở, do đó ông hứa sẽ :

Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với thực hiện có chiều sâu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, chạy chức, chạy quyền.

(Bài phát biểu chúc Tết ngày 22/01/2020)

Bệnh kinh niên

Bên cạnh những chứng tật ai cũng "biết rồi khổ lắm nói mãi" của cán bộ, đảng viên, báo chí đảng còn nhắc đến các biến chứng nan giải khác, từng được ông Hồ Chí Minh cảnh giác khi còn sống, lại đang nở hoa trong nội bộ đảng bao gồm "chủ nghĩa cá nhân", "Óc bè phái, Bệnh kiêu ngạo- Bệnh hiếu danh, Óc hẹp hòi, Kéo bè kéo cánh, Bệnh tị nạnh, Tự kiêu, Ghen ghét, đố kỵ"

Phản ảnh tình trạng nan giải này là nội dung của bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 30/01/2020, theo đó :

Thực tế là, những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những tật bệnh nêu trên dường như không mất đi mà ngày càng có biểu hiện ăn sâu trong nhận thức và hành động của không ít người ; trong đó, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị. Có thể thấy, những thói hư, tật xấu, như : Bè phái, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, tị nạnh, tự kiêu nên sự ghen ghét, đố kỵ thường xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì ghen ghét, đố kỵ, nên khi thấy bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí cấp dưới, cán bộ trẻ giỏi hơn mình về chuyên môn, nghiệp vụ, đạt được kết quả cao hơn trong công tác, nhất là được cấp trên ghi nhận với sự tín nhiệm cao thì khó chịu, "không cam tâm" với những kết quả, thành tích người khác đạt được. Bộ phận những kẻ suy thoái này không chỉ luôn soi mói, dè bỉu, không công tâm, khách quan nhìn nhận, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của đồng chí, đồng nghiệp mà còn tìm mọi cách lôi kéo những người có chung những uẩn ức như mình để cùng tìm cách cản trở mọi người xung quanh phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên. Vì chỉ yêu bản thân, nên họ thường so sánh mình với người khác ; không những không hợp tác với những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì tập thể mà còn hả hê, thậm chí tỏ vẻ thông cảm, thấu hiểu ngoài mặt nhưng trong lòng lại thỏa mãn trước thất bại của người khác.

(QĐND, 30/01/2020)

Bài báo viết tiếp :

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những biểu hiện suy thoái này đã và đang hiện hữu tại một số địa phương, cơ quan đơn vị. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ thực trạng này trong 27 biểu hiện suy thoái. Đó chính là biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện về suy thoái về đạo đức, lối sống : "Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể ; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình".

Những biểu hiện suy thoái này không chỉ làm nản lòng, nhụt chí và cản trở sự phấn đấu của những nhân tố tích cực, nhất là lớp cán bộ trẻ mà còn gieo rắc sự hoài nghi lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, làm xói mòn đạo đức, văn hóa Đảng, dẫn đến hiệu quả công việc kém và mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất, tạo nguyên cớ cho sự nhen nhóm bè phái, lợi ích nhóm, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Bỏ Đảng tràn lan

Bên cạnh chứng ung thư kinh niên này là hiện tượng cán bộ, đảng viên, kể cả quân nhân nghỉ hưu đã tìm mọi cách bỏ sinh hoạt đảng vì họ đã chán đảng lắm rồi. Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang tiết lộ số này ít nhất cũng chiếm 45% trong số những ngưởi nghỉ hưu, và số còn lại cũng chỉ tiếp tục sinh hoạt để không bị trù dập hay hại đến sổ lương hưu.

Dưới tiêu đề "Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng và những hệ lụy đáng lo ngại", đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) viết ngày 31/10/2017 :

Gần đây, dư luận trong đảng và nhân dân tại nhiều địa phương băn khoăn, thậm chí bất bình về hiện tượng một số đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng ở địa bàn cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh người đảng viên, cũng như uy tín của Đảng và phần nào thể hiện sự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên như Nghị quyết TW4, khóa XII đã chỉ rõ. Đáng lo ngại hơn là hiện tượng này ngày càng phổ biến tại nhiều nơi.

Bài báo nêu đích danh :

Đảng bộ phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có 527 đảng viên, phần lớn là cán bộ nghỉ hưu. Nhiều đảng viên mặc dù tuổi cao song vẫn tích cực tham gia sinh hoạt Đảng và là nòng cốt trong các phong trào, hoạt động ở khối phố, khu dân cư. Thế nhưng có đến 38 đảng viên mà đa số là cán bộ, công chức, viên chức trong đó có cả đảng viên là bộ đội sau khi nghỉ hưu lại không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng tại Đảng bộ phường.

VOV viết tiếp :

Ông Trần Quốc Toản, Bí thư Đảng ủy phường Nam Hồng cho rằng, thật đáng buồn khi có những đảng viên sau khi nghỉ hưu, đang còn sung sức, hoàn cảnh gia đình không khó khăn nhưng lại không nộp hồ sơ tham gia sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú.

Những đảng viên này trong quá trình sinh hoạt đảng viên ở nơi cư trú cũng đã thiếu gương mẫu, nên khi về nghỉ hưu, họ không nộp hồ sơ. Rồi họ viện nhiều lý do như phải đi làm kinh tế trong khi thực tế thu nhập thì cao, lương hưu 7,8 triệu đến 10 triệu ; có người bảo phải đi thăm con, đi trông giữ cháu.

Thế rồi, dưới tiêu đề "Bỏ sinh hoạt đảng là biểu hiện cụ thể "tự diễn biến" "tự chuyển hóa", VOV cho biết :

Hiện nay, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng đáng buồn là tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu diễn ra khá phổ biến không chỉ ở các địa phương mà ngay tại những đô thị lớn. Ông Nguyễn Anh Cường, Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn quận, tuy số lượng đảng viên không sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu không nhiều nhưng đang có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2014 đến tháng 6/2017, có 16 đảng viên bị xóa tên, trong đó có 2 đảng viên bị xóa tên do bỏ sinh hoạt Đảng vì không chuyển hồ sơ về nơi cư trú và tỷ lệ này đang tăng lên.

Theo ông Nguyễn Anh Cường, tuy số lượng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng rất ít so với một quận có 27.000 đảng viên, nhưng đây cũng là thực tế cần phải cảnh báo.

"Đấy là một biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái về chính trị, tư tưởng. Suy thoái về chính trị tư tưởng tức là động cơ, mục đích của người ta không đúng với khi vào Đảng, thề dưới cờ Đảng. Đang đương chức đi làm, người ta nghĩ rằng Đảng viên thì có quyền lợi này, quyền lợi kia, khi về hưu người ta bảo chả phấn đấu chức quyền gì, về có khi cũng chả muốn sinh hoạt nữa, đi sinh hoạt những chỗ khác. Ham muốn khác cao hơn lý tưởng thì người ta bỏ", ông Cường nêu thực tế.

Tính đến tháng 1/2019, Đảng bộ thành phố Hà Nội có 52 đảng bộ trực thuộc với 2.523 tổ chức cơ sở Đảng. Tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ là 441.341 đồng chí, sinh hoạt tại 17.273 chi bộ. Theo Ban Tổ chức Thành ủy, hiện nay chưa có kết quả khảo sát cụ thể về tình hình đảng viên bỏ sinh hoạt đảng trong Đảng bộ, nhưng qua theo dõi trong thời gian gần đây, tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt có chiều hướng gia tăng. Trong đó, số đảng viên bỏ sinh hoạt chưa bị xem xét, xử lý nhiều nhưng mới chỉ nắm được số đảng viên bỏ sinh hoạt đã bị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 /2020 đến nay, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã xem xét, quyết định xóa tên 1.141 đảng viên do bỏ sinh hoạt Đảng. Trong đó, từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2015 là 125 đảng viên ; năm 2016 là 195 đảng viên ; năm 2017 là 339 đảng viên ; năm 2018 là 396 đảng viên ; từ tháng 1/2019 đến 3/2019 là 86 đảng viên.

(theo Xây dựng Đảng, ngày 18/08/2019)

Đến phiên Thành phố mang tên Hồ Chí Minh, Thủ phủ ở trong Nam thì có một báo cáo tiêu biểu đã khoe rằng :

Tính đến nay Quận 4 có 38 đảng bộ, chi bộ cơ sở với 3.915 đảng viên. Tình hình quản lý đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực, việc chuyển sinh hoạt Đảng, giải quyết miễn công tác và sinh hoạt đảng viên ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định. Các cấp ủy khu phố đã phát huy vai trò của đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tham gia xây dựng địa phương bằng những việc làm thiết thực gắn với chăm lo đời sống nhân dân, tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh… Quận ủy cũng đã tổ chức nhiều cuộc giao ban chuyên đề, tập huấn nâng cao kỹ năng cho cấp ủy cơ sở, quản lý chặt chẽ tình hình diễn biến tư tưởng, góp phần ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên.

"Tuy nhiên", bài báo của Thành ủy lại mếu máo khai rằng :

Vẫn còn tình trạng nhiều đảng viên đã nghỉ hưu cư trú một nơi, sinh hoạt chi bộ tại một nơi khác ; đảng viên vắng sinh hoạt chi bộ không có lý do hoặc lý do không chính đáng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đảng viên sinh hoạt chi bộ thấp (dưới 80%) ; một số đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi làm việc về nơi cư trú sau khi nghỉ hưu sa sút ý chí phấn đấu, thiếu gương mẫu, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều lần ; một số cấp ủy chi bộ chưa thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin quản lý đảng viên

(Thanhuytphcm.vn, ngày 20/9/2019)

Với tình trạng bỏ đảng bơ vơ , hay "tình nghĩa đôi ta có thế thôi" đã báo hiệu đảng rã đám chưa hay mới tả tơi trước thềm Đại hội đảng XIII ?

Lý do hỏi vậy vì chuyện chán đảng của những người nghỉ hưu ở Hà Nội và Sài Gòn chỉ là hạt cát trong vô số báo cáo của các Tỉnh, Thành khác trong cả nước.

Liệu ông Nguyễn Phú trọng có dám chỉ thị cho Ban Bí thư làm tổng kết tình trạng này cho toàn dân biết không ?

Phạm Trần

(13/02/2020)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn