Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian gần đây thừa nhận và cảnh báo về tình trạng "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị".
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh diễu hành trước lăng ông Hồ vào ngày 2/9/2015. Photo of AFP
Lần gần đây nhất mà báo chí đưa tin là tại Đại hội Đoàn toàn quốc khai mạc hôm 11/12 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng các đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị.
Cũng với nội dung tương tự, vào hôm 20/11, ông Trọng đã nhắc nhở lãnh đạo thành phố Hải Phòng cần giải quyết tận gốc tình trạng "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị".
Đây không phải là những lần đầu tiên cụm từ này được ông Tổng bí thư nói tới. Trước đây, thi thoảng ở đâu đó người ta vẫn thấy ông Trọng đề cập đến vấn đề này. Trong một văn bản về giáo dục tư tưởng từ năm 2009, cụm từ này đã được nhắc tới.
RFA đã trao đổi với một số nhân vật quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam và tất cả họ đều cho rằng với cương vị là người đứng đầu Đảng, ông Trọng tỏ ra lo lắng như vậy là điều dễ hiểu.
Cựu đại tá Bùi Tín, hiện đang sống tại Pháp nói với RFA rằng "chán Đảng, nhạt Đoàn" là một thực trạng đang xảy ra tràn lan ở Việt Nam hiện nay :
"Thanh niên hiện nay chúng chán lắm có muốn vào Đảng hay Đoàn đâu. Mà có bắt buộc vào chúng nó cũng có sinh hoạt gì đâu. Chúng không thấy gì bổ ích cả.
Đảng viên thì nhiều chi bộ không họp, họ chán quá rồi.
Tất cả những điều này là do uy tín của Đảng xuống thấp nhất, không được tin cậy nữa.
Trước kia người ta gọi là Đảng là Đảng ta, Đảng của mình. Còn bây giờ người ta gọi là Đảng của các ông ấy, các phe phái với nhau".
Theo ông Bùi Tín nói rõ tình trạng dân mất niềm tin vào Đảng phần lớn do chính ông Tổng Bí thư gây ra, điển hình qua chiến dịch chống tham nhũng thời gian gần đây.
Chiến dịch chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ hồi giữa năm ngoái đã phanh phui nhiều quan chức cao cấp trong Đảng lấy của công đút túi riêng, trong đó có những vụ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Mặc dù chiến dịch này có vẻ quyết liệt nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng đây là cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng.
Vấn đề Đảng viên và Đoàn viên chán nản không muốn sinh hoạt mà ông Bùi Tín nêu ra cũng là một sự thật được nhiều địa phương trên cả nước thừa nhận.
Năm 2011, Việt Nam cho biết số người tham gia Đảng giảm hơn 10.000 người so với năm trước đó là 2010. Đây là giai đoạn ngay sau khi Việt Nam thừa nhận tình trạng chán Đảng, nhạt Đoàn trong một văn bản giáo dục tư tưởng.
Từ Đà Nẵng, nhà báo tự do – blogger Trương Duy Nhất nhận thấy rằng khát vọng được vào Đảng và Đoàn của giới trẻ hiện nay phai mờ đi rất nhiều mà thay vào đó là những toan tính vào Đảng cho dễ tiến thân :
"Bây giờ thậm chí thanh trẻ muốn chen chân vào Đoàn để sau này ngóng một chức sắc nào đó trong bộ máy thì người ta mới háo hức vào Đoàn. Trong các trường học người ta vào Đoàn vì cái vị thế, điểm chác, rồi các sinh hoạt chuẩn bị sau này ra trường được cân nhắc thôi. Thực tế, lý tưởng và khát vọng về Đoàn bây giờ tôi cho rằng chỉ có ông hâm mới nghĩ đến chứ thanh niên giờ họ không màng đến chuyện đó đâu.
Tương tự, vào Đảng để làm gì ? Để kiếm một chỗ đứng nào đó. Trong bộ máy có một luật bất thành văn đó là cơ cấu cán bộ, muốn cân nhắc một trưởng ban, trưởng phòng nào đó thì dù anh có giỏi, có bằng cấp gì gì đi nữa thì điều tiên quyết anh phải là Đảng viên cái đã".
Ở Việt Nam hiện nay chưa thấy có một quy định nào về việc muốn làm lãnh đạo trong các doanh nghiệp của Nhà nước thì phải là Đảng viên. Tuy nhiên đây lại là một ưu tiên dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu.
Ngoài các doanh nghiệp Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam còn tích cực mở rộng lực lượng trong các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân. Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ trong 9 tháng đầu năm nay họ đã kết nạp hơn 2.500 đảng viên từ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
RFA cũng trao đổi với một blogger trẻ tuổi, anh Từ Anh Tú, một sinh viên từng bị buộc thôi học vì ủng hộ tinh thần đấu tranh dân chủ và chống Trung Quốc. Anh Tú cũng đồng tình rằng hiện nay giới trẻ không còn tha thiết tham gia vào Đoàn như trước kia nữa vì không mang lại tác dụng gì. Anh cũng nhận thấy nhiều người tham gia Đoàn nhưng vì không có vai vế nên tiếng nói của họ không được lắng nghe mà chỉ là
"tay sai cho thế lực khác". Anh Tú nói tiếp :
"Mình cho rằng những thế hệ trước như cha hay chú mình họ vào Đảng, Đoàn vì lý tưởng. Mình chưa bàn luận về đúng hay sai. Vào Đảng hay Đoàn họ nghĩ rằng có thể phục vụ, đóng góp và cống hiến cho đất nước.
Nhưng hiện nay mạng xã hội và công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người ta nhận thấy là vào Đảng hay Đoàn cũng chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó thôi chứ không thực sự vì lý tưởng như ngày xưa nữa".
Ngay trong buổi Đại hội Đoàn toàn quốc hôm 11/12 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng cũng cảnh báo là Đoàn Thanh niên cần định hướng cho thanh niên phản bác các thông tin sai trái trên mạng xã hội của các thế lực thù địch.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được xem là nơi chuẩn bị các đảng viên tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khá nhiều quan chức hiện nay của Đảng xuất thân từ những cán bộ của Đoàn Thanh niên, như ông Võ Văn Thưởng hiện đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng.
Ông Đinh La Thăng một cựu Ủy viên Bộ chính trị mới vừa bị bắt với cáo buộc tham nhũng, cũng từng là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016 có 4,5 triệu đảng viên. Việt Nam hiện có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Nhận thấy nhiệt huyết tham gia Đảng, Đoàn của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng không còn mạnh mẽ như xưa, cựu Đại tá Bùi Tín cảnh tỉnh rằng nếu Việt Nam không đổi mới để lấy lại niềm tin của dân thì nhiệt huyết này có ngày sẽ cạn kiệt :
"Điều kiện duy nhất là đổi mới thực sự chứ không phải đổi mà càng ngày càng cũ. Ví dụ nền tư pháp phải rạch ròi chứ không phải Đảng thu lượm tất cả hành pháp, quyền lập pháp và tư pháp. Đảng độc đoán thì làm sao có thể có sự cân bằng xã hội, làm sao tuân theo luật pháp được. Dân chủ cũng chỉ là hình thức bề ngoài giả dối thôi. Nhân dân người ta chán là như thế.
Ngân sách thì bị bọn tham nhũng nó lấy hết sạch, lấy hàng trăm hàng ngàn tỷ thì làm sao mà yên được".
Nền tư pháp rạch ròi với hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập được hiểu là "tam quyền phân lập". Mới hôm vừa rồi Việt Nam đã đưa ra quyết định Đảng viên nào đòi thực thi xã hội dân sự và tam quyền phân lập sẽ bị khai trừ.
Blogger Trương Duy Nhất lại cho rằng rất khó để giới trẻ lấy lại được lý tưởng tham gia Đảng, và Đoàn. Thay vào đó ông kêu gọi một thể chế mới có nhiều sự lựa chọn cho họ :
"Bây giờ Đảng phải cho người ta nhiều sự lựa chọn chứ. Bây giờ hình ảnh Đảng Cộng sản và Đoàn viên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thành một mô típ quá cũ với lý tưởng cũng quá cũ rồi. Bây giờ người ta cần một tổ chức mới, lý tưởng mới và chủ thuyết mới".
Blogger Từ Anh Tú cũng đồng ý với quan điểm của ông Trương Duy Nhất và anh bổ sung thêm rằng hiện nay nhu cầu mở các hội nhóm độc lập của người dân ngày càng lớn mạnh, Đảng và Đoàn không còn là con đường duy nhất giúp họ sinh hoạt chính trị nữa. Vì vậy anh dự tính trong tương lai giới trẻ sẽ tham gia vào các tổ chức chính trị khác nhau mà không nhất thiết cứ phải là Đảng hay Đoàn.
Nguồn : RFA tiếng Việt, 14/12/2017