Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tôi không có đủ dữ liệu để bình luận về cảnh báo của Chủ tịch Trần Sĩ Thanh trước khả năng sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Các tiêu chí do hành chánh quan liêu đặt ra thì cũng có thể dùng hành chánh mà điều chỉnh nó. Một quận tốt không phải vì nó to hay nhỏ mà vì ở chỗ, người dân trong quận đó cả đời không cần biết đến chính quyền nhưng hễ cứ có việc cần là chính quyền có mặt liền.

dothi1

Nếu xây dựng chính quyền đô thị mà chỉ quan tâm đến quy mô hoặc phẩm hàm của người đứng đầu [đô thị loại I, loại II hay cái gọi là "thành phố trong thành phố" kiểu Thủ Đức city] thay vì tìm kiếm một mô hình phục vụ dân tốt hơn thì không bao giờ lựa chọn đúng.

Tại sao, "tinh giản biên chế" từng được đưa ra từ đầu thập niên 1990s đã chưa bao giờ thành công. Thập niên 1990s là thập niên bắt đầu bung ra, nhu cầu hành chính tăng thì không thể giảm biên chế được.

Chúng ta đi từ mô hình nhà nước làm tất cả sang mô hình "nhiều thành phần" được phép làm. Trước thập niên 1990s, chỉ ai được nhà nước cho đi lại [cả trong nước và ra nước ngoài] mới được đi lại, tới chỗ ai cũng có thể ra nước ngoài nếu có tiền. Chỉ riêng bộ máy cấp hộ chiếu đã cần tăng lên gấp trăm lần trước đó.

Nhà nước sinh ra để đảm trách phần lớn dịch vụ công. Có những dịch vụ cung cấp do nhu cầu của dân. Có dịch vụ đưa ra do nhu cầu quản lý. Tôi không bình luận về mô hình chính trị mà biên chế hưởng ngân sách không chỉ có những người ở trong bộ máy nhà nước.

Muốn tinh giảm biên chế thì phải thiết kế một bộ máy nhà nước tối ưu để phục vụ dân ; những thủ tục được đặt ra để phục vụ nhu cầu quản lý [như các giấy phép con, các loại lý lịch, giấy xác nhận…] nên bãi bỏ, cắt giảm hoặc [sau khi số hóa] các cơ quan nhà nước tự chia sẻ lấy.

Nếu vì phục dân thì nhà nước chỉ cần đưa ra các tiêu chí : môi trường, nước sạch, bệnh viện, trường học, đồn cảnh sát, phòng cháy chữa cháy và trạm cứu thương. Ví dụ, các cơ sở này phải được bố trí sao cho, khi dân gọi 113, mấy phút sau Phòng cháy chữa cháy hoặc cứu thương có mặt.

Chỉ riêng đưa ra và thực hiện đúng nguyên tắc, trường công chỉ được nhận học sinh ở khu vực khác sau khi đã nhận hết học sinh trên địa bàn [không phải phân bố theo quận, phường mà theo sự thuận tiện của giao thông] phụ huynh đã không phải xuôi ngược đưa đón con, mỗi ngày đã giảm được hàng triệu lượt tham gia giao thông không cần thiết.

Nếu xây dựng chính quyền theo tiêu chí này thì chính quyền thủ đô [với các quận đã đô thị hóa xong] không còn cần có cấp phường hoặc cấp quận nữa.

Khi chuẩn bị ý kiến phản đối việc nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhóm giúp việc của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, dẫn dắt bởi Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, đã xem xét rất nhiều mô hình đô thị trên thế giới. Nước Mỹ không cần mở rộng Washington D.C. mà D.C. không những vẫn hoàn thành vai trò Thủ đô mà còn đảm đương rất tốt hạt nhân đô thị của cả vùng. Vấn đề là tổ chức kết nối hạ tầng tốt không chỉ cho thủ đô mà còn cho cả Virginia và Maryland nữa [tương tự Boston trở thành hạt nhân cho đại đô thị vùng Massachusetts].

Nếu đi từ cách tiếp cận này thì ngay cả khi phát triển đô thị 2 bên sông Hồng, chẳng cần phải nhập Long Biên với Hoàn Kiếm. Vấn đề là khi Long Biên xuất hiện một khu dân cư, thì Hà Nội phải tiên liệu thêm mấy cái cầu qua sông Hồng cho nhu cầu qua lại. Tương tự, không cần phải sáp nhập Nghi Xuân với Cửa Lò, nhưng ngay từ bây giờ lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã phải trù liệu cho một thành phố hai bên cửa sông Lam với nhiều nhu cầu kết nối.

Cũng từng có mô hình sáp nhập như Buda - Pest nhưng điều làm nên giá trị của Budapest [Hungary] không phải là một quyết định hành chánh.

Hà Tây, cho dù mất địa giới trên bản đồ vừa đúng 15 năm, căn cước văn hóa Xứ Đoài không bao giờ có thể xóa. Đừng ngồi ở những nơi mà khi nhìn xuống chỉ thấy quận, huyện ở khía cạnh [cấp] hành chánh mà không nhìn thấy ở đó các địa danh. Trong rất nhiều tên làng, tên xóm, tên sông… có hàm lượng lịch sử, văn hóa của nghìn năm tụ lại.

PS1 : Ngay sau khi bài này được public, một cựu bộ trưởng từng phục vụ trong nội các của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải gọi điện thoại trao đổi thêm rất dài và nhiều vấn đề liên quan đến cải cách. Xin tóm tắt ở đây 4 ý chính ông nói có liên quan đến bài viết :

1. Khi tách tỉnh Bình Trị Thiên, ông cùng cả cả Chủ tịch Hội đòng Bộ trưởng Đỗ Mười và Phó chủ tịch Hội đòng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt vào kiểm tra ở Quảng Bình, chứng kiến cán bộ Quảng Bình không có đủ nhà và giường, phải rải chiếu ngủ dưới nền nhưng uống rượu liên hoan mừng vui như Tết. Ông kết luận, tách - nhập là nhu cầu của quan chứ không phải nhu cầu của dân.

2. Chuyện tách nhập các đơn vị hành chính chưa bao giờ thành công về mặt giảm biên. Vấn đề biên chế "nằm ở chỗ khác".

3. Chúng ta ra các quyết định hành chính tách nhập nhiều những chưa bao giờ quan tâm đến tâm lý của người dân ; có những tên làng, tên xóm là niềm tự hào nghìn năm của những cư dân ở đấy, nhưng ta sẵn sàng thay thế nó bằng một tờ A4.

4. Đừng nói "vì phục vụ dân" trừu tượng quá. Trong một lần lãnh đạo chính phủ ta thăm Pháp, chúng tôi hỏi vì sao nước Pháp nhỏ mà có tới 50 tỉnh. Họ trả lời rất đơn giản, ngày xưa lập tỉnh thì việc đầu tiên mà chính quyền phải tính là làm sao tỉnh lị đặt ở đâu để người dân có thể đi bộ lên tỉnh rồi trở về nhà trong ngày.

PS2 : Xin mời đọc trích đoạn bài viết của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt công bố trên báo Tuổi Trẻ sáng 5/8/2008, ngày Quốc hội khóa XII nhóm họp trong đó có nội dung bàn việc mở rộng thủ đô Hà Nội.

Võ Văn Kiệt : "Không được phép đưa Thủ đô làm nơi thí nghiệm"

"…Theo tôi, Thăng Long - Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú, hào hùng, với văn hóa được tích lũy nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.

Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.

Thủ đô Thăng Long - Hà Nội có đủ những yếu tố đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp, Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng…".

Huy Đức

Nguồn : fb.Osinhuyduc, 02/08/2023

Published in Diễn đàn

Tín hiệu cho sức mạnh của lá phiếu cử tri đảng viên ?

Thành phố Hồ Chí Minh : ‘Người đứng đầu phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ’.

Câu trên là được rút từ ý từ của nội dung đăng trên báo Thanh Niên số phát hành ngày 15/11/2020 : Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị người đứng đầu các cấp phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ với cam kết làm đúng nhiệm vụ được giao, báo cáo giải trình công khai, minh bạch (*).

bithutphcm1

Số là hôm 15/11, tại buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020), bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã từng bước đổi mới về phương thức, cách làm.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Tiếp sau bài diễn văn khánh tiết của bà Châu – một cán bộ xuất thân là dược sĩ đại học, quê gốc Bến Tre, thì đến lượt mình với tư cách "phát biểu chỉ đạo", Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên – theo tường thuật của báo Thanh Niên, đã rất ‘dại dột’ khi ‘lạy ông tôi ở bụi này’, như sau :

"Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp làm đúng và làm tốt chức năng của mình. Để hoạt động giám sát, phản biện, xây dựng Đảng có hiệu quả, ông Nên đề nghị mỗi tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ với cam kết "làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm báo cáo giải trình một cách công khai, minh bạch.

Ông Nên cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để huy động các nguồn lực từ trong nhân dân, kết nối với người giỏi, người tài, người có kinh nghiệm mong muốn đóng góp cho thành phố" (*).

Đoạn in nghiêng ở bản tin trích nói trên cho thấy ông Nên đã mâu thuẫn chính mình, vì khi về ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông không hề đưa ra bất kỳ chương trình hành động gì của cá nhân ông.

bithutphcm2

Cho đến nay, thậm chí trong đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì vai trò cá nhân với những đầu việc cụ thể được cam kết thực hiện của ông Nguyễn Văn Nên như thế nào trong mô hình mới này, cũng vẫn chưa được ông đề cập đến với người dân Sài Gòn.

Liệu ông Nguyễn Văn Nên có ‘há miệng mắc quai’ từ việc tuyên bố nhất là người đứng đầu các cấp phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ với cam kết "làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm báo cáo giải trình một cách công khai, minh bạch" ?

Rất có thể câu từ ở trên là trong ‘diễn văn’ mà đội ngũ thư ký báo chí của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp bút soạn cho ông, dựa theo ‘khẩu khí tuyên giáo’ vốn phải có của một người vừa rời ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng để ‘về thành’ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Há miệng mắc quai ở đây của ông Nguyễn Văn Nên còn là ‘méo mó’ cho Đại hội Đảng lần thứ 13 ở sang năm.

Liệu những tấm thẻ Đảng của ‘cử tri – đảng viên’ để biểu quyết ai đó vào vị trí chóp bu của Đảng, có buộc đưa ra một tiên quyết là ứng cử viên mặc dù có thể là duy nhất ấy, song – theo như lời của ông Nguyễn Văn Nên : phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ với cam kết "làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm báo cáo giải trình một cách công khai, minh bạch" ?

Có ý kiến là trong bối cảnh tranh tối – tranh sáng của hậu trường chính trị, hãy luôn nhớ giữ mồm – giữ miệng. Bởi ở đây còn là việc lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang trong tình trạng "một ghế hai ông", khi ông Nguyễn Văn Nên được bổ nhiệm về làm Bí thư Thành ủy       Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn giữ vai trò chỉ đạo Đảng Bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 18/11/2020

Chú thích :

(*)https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-nguoi-dung-dau-phai-co-chuong-trinh-hanh-dong-truoc-khi-duoc-giao-nhiem-vu-1305104.html

********************

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua

RFA, 16/11/2020

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 16/11.

luatdothi1

Một kỳ họp của Quốc hội Việt Nam trước đây. AFP

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết có 88,8% đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết.

Tin cho biết, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm 11 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Theo Nghị quyết này, ở cấp thành phố sẽ có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), ở quận và phường không có Hội đồng nhân dân mà chỉ có Ủy ban nhân dân, các cấp khác được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như: Quyết định dự toán thu chi ngân sách, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của quận; điều chỉnh dự toán ngân sách nếu cần thiết; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật; giám sát hoạt động của UBND, Tòa án địa phương, Viện kiểm sát quận và lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận.

Đối với quy định về UBND, Chủ tịch UBND Thành phố, Nghị quyết nêu rõ, UBND có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND thành phố thực có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận cũng như có thể bãi bỏ văn bản trái pháp luật của UBND quận.

Ngoài Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh còn quy định chi tiết nhiều vấn đề liên quan từ cấp quận huyện đến phường xã.

Nguồn : RFA, 16/11/2020

*********************

Chính quyền đô thị : mô hình tam quyền phân lập ở thế chế đơn nguyên ?

Vân Khanh, VNTB, 15/11/2020

Mục tiêu cao nhất của mô hình này không dừng lại việc loại bỏ bớt quy trình, thủ tục hay tiết giảm kinh phí. Đích đến là để hoạt động dân cử của cơ quan hành pháp, tư pháp nói chung và bộ máy chính quyền hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.

luatdothi2

Mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận và phường.

Quyền lực của lá phiếu cử tri

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, biện luận như sau :

"Vấn đề đặt ra khi không tổ chức Hội đồng nhân dân (Hội đồng nhân dân) quận, phường thì bên cạnh Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cử tri có thể "trông cậy" vào cơ quan dân cử nào khác ở địa phương để đại diện quyền lợi cho mình ?

Xin trả lời ngay là có. Chỉ khác là, cơ quan dân cử thay vì 4 cấp là Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân quận, Hội đồng nhân dân phường, thì với mô hình mới sẽ còn 2 cấp, là Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố. Như vậy, đối với cấp quận, phường, khi không có Hội đồng nhân dân thì chức trách dân cử, chức trách đại biểu sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố gánh vác.

Cử tri thay vì phải kiến nghị tuần tự từ cấp Hội đồng nhân dân phường lên Hội đồng nhân dân quận, rồi Hội đồng nhân dân thành phố, giờ đây có thể phản ánh thẳng với Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điểm lợi đối với cử tri.

Từ đó, đòi hỏi cao hơn đối với Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là phải luôn đổi mới, nỗ lực cải tổ hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Việc có cần tăng thêm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp thành phố đối với các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay không, cần phải suy nghĩ thêm.

Cơ cấu đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố cũng cần tính toán lại để có thể bao quát được hết công việc, nhất là ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường. Ngoài ra, mạng lưới, tần suất tiếp cử tri và những kênh thông tin để cử tri tương tác với Hội đồng nhân dân thành phố cũng cần mở ra thêm, tạo điều kiện cho cử tri có thể kết nối, tương tác, phản ánh trực tiếp với Hội đồng nhân dân thành phố.

Trong cách thức tiếp xúc cử tri, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các đường dây nóng với nguồn nhân lực phù hợp để phân loại rồi chuyển yêu cầu, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Khi kiến nghị của cử tri gặp trắc trở, Hội đồng nhân dân thành phố cần giám sát, lên tiếng với UBND quận, phường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri. Với cách làm khoa học này, tin rằng hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố và các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố sẽ đỡ vất vả và hiệu quả hơn".

Chính quyền đô thị-những vấn đề cốt lõi

Ông Trương Văn Lắm, cựu Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh-người theo sát đề án chính quyền đô thị từ giai đoạn đầu, phân tích :

"Trước hết cần phải hiểu nội dung tổng thể của Đề án này. Đề án có 3 nội dung cơ bản, cũng là 3 đề án hợp phần. Thứ nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường. Thứ hai, thành lập một số thành phố trực thuộc thành phố trên địa bàn. Thứ ba, đề nghị một số cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố.

Đề án hợp phần quan trong và nổi bật nhất là nội dung không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường. Điều này phù hợp với Luật sửa đổi tổ chức Chính phủ và Chính quyền địa phương năm 2019. Hai nội dung còn lại : về cơ chế chính sách đặc thù thì đã được chấp thuận trong Nghị quyết 54 của Quốc hội ; về tổ chức thành phố trong thành phố thì đang trình Trung ương đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập 3 quận : quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Tóm lại, mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện theo hướng : Cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Trung ương có Hội đồng nhân dân và UBND ; các huyện (Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ) có Hội đồng nhân dân và UBND ; thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, và Thủ Đức sẽ có Hội đồng nhân dân và UBND. Còn lại các quận, các phường thuộc quận và các phường thuộc thành phố Thủ Đức không có Hội đồng nhân dân, riêng chính quyền cấp xã vẫn duy trì Hội đồng nhân dân và UBND.

Lý giải về việc thành phố Thủ Đức có quy mô lớn, ông Trương Văn Lắm, cho biết thêm rằng nơi đây tương đối độc lập về hạ tầng so với khu trung tâm, nên Thành phố Hồ Chí Minh xác định có thể thành lập đô thị có tính chất toàn vẹn chứ không chỉ dừng lại là bộ phận của đô thị như các quận khác.

Bóng dáng của "tam quyền phân lập" ?

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đề án tổ chức chình quyền đô thị đã được thành phố ấp ủ từ năm 2007, sau đó điều chỉnh bổ sung năm 2013 ; do cơ sở pháp lý thời điểm đó chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai.

Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và đặc biệt là luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc để Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm đề án.

Chi tiết về đề án chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa công khai, song loáng thoáng về mặt quản trị cho thấy có chiều hướng phân lập quyền lực độc lập giữa 3 cơ quan lập pháp-hành pháp-tư pháp.

Hướng phân lập như trên còn được biết đến với tên gọi "tam quyền phân lập", hiểu theo nghĩa phân chia quyền lực đã được biết đến từ lâu nhờ sự xuất hiện của các bản hiến pháp của nhà nước tư bản, trong đó nổi bật là Hiến pháp Hoa Kỳ.

Các quy định trong những bản hiến pháp tạo cơ sở thừa nhận sự tồn tại độc lập, kiềm chế lẫn nhau giữa 3 cơ quan : lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tổ chức song song với nhau, và qua đó kiểm tra, giám sát hoạt động lẫn nhau.

Theo thể chế này, không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia. Khái niệm này lần đầu được đưa ra bởi nhà nghiên cứu chính trị người Pháp tên Charles de Secondat, Nam tước de Montesquieu. Khái niệm tam quyền phân lập sau này được mở rộng cho cơ chế điều hành đất nước, với nhiều hơn hay ít hơn ba nhánh cầm quyền.

Câu hỏi đặt ra : vậy thì chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản, liên quan gì chuyện "tam quyền phân lập" ?

"Đúng là thoạt nhìn không liên quan gì. Song hãy lưu ý việc thay đổi cách thức vận hành Hội đồng nhân dân từ mô hình chính quyền đô thị, với cam kết là quyền lợi của cử tri sẽ được bảo đảm tốt nhất vì giảm bớt tầng nấc trung gian.

Ở Việt Nam, nguyên tắc xây dựng chủ quyền nhân dân được chú trọng nhất, và Quốc hội theo lý thuyết là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tại Việt Nam. Vấn đề ở chỗ ban bệ của những cơ quan nhà nước cao nhất nằm hoàn toàn bên ngoài quyền quyết định của người dân Việt Nam, và kể cả thẩm quyền của Quốc hội.

Giờ đây, trong phạm vi hẹp của Thành phố Hồ Chí Minh, khi thực thi chính quyền đô thị, quyền quyết định của người dân Thành phố Hồ Chí Minh có trọng lượng hơn hẳn, và điều đó khá gần với câu chuyện giám sát quyền lực phân lập giữa ba nhánh hành pháp-lập pháp-tư pháp"-luật sư T.T., chia sẻ quan điểm cá nhân.

Vẫn theo luật sư T.T., Hiện nay, tổ chức bộ máy nhà nước tại Việt Nam, về bản chất vẫn bảo đảm tính tập quyền xã hội chủ nghĩa, song trên thực tế đã vận dụng những hạt nhân hợp lý của thuyết phân quyền, nghĩa là nhấn mạnh đến khía cạnh phân công quyền lực : "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". Đây là bước phát triển trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Vân Khanh

Nguồn : VNTB, 15/11/2020

*********************

Một số đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam

Nguyễn Nam, VNTB, 15/11/2020

"Bộ máy chính quyền cũng đã nhận thức được vẫn đề tập trung trách nhiệm vào người đứng đầu và tính giải trình. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản bởi việc chịu trách nhiệm và giải trình phải trở thành nền tảng cho cả bộ máy quản lý với người đứng đầu đô thị chịu trách nhiệm giải trình cao nhất với toàn thể dân cư của họ. Đó còn là vấn đề của hệ thống chính trị".

luatdothi3

Đô thị có quy mô nhỏ cũng cần hình thành chính quyền đô thị riêng

Nhận xét trên là của chuyên gia về đô thị học Nguyễn Ngọc Hiếu. Xin được trích lược ý kiến của ông Hiếu về đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là ở đô thị có quy mô nhỏ.

Đô thị có quy mô nhỏ cũng cần hình thành chính quyền đô thị riêng, dù phạm vi trao quyền về các lĩnh vực kỹ thuật phức tạp còn ít ; nhưng việc quản lý về mặt xã hội vẫn có đầy đủ, và chỉ có một cấp thực thi các việc được trao.

Cấp trên giao quyền thì ít can thiệp vào viêc cấp dưới, tránh để một việc hai cấp cùng có trách nhiệm. Đây là cốt lõi của việc phân công tổ chức bộ máy. Việc hình thành thang nấc tự chủ có thể phụ thuộc vào hệ thống phân cấp hiện hành nhưng cần điều chỉnh theo thực tế khi xem xét đầy đủ các yếu tố chín muồi.

Việc trao quyền không chỉ là khung hay tiêu chí mà cần có lộ trình và lựa chọn phù hợp với quy mô, đặc điểm năng lực hiện hành của từng đô thị qua các đánh giá chuyên môn và ý chí của Hội đồng thành phố quyết tâm chuyển đổi mô hình.

Chỉ với các đô thị có quy mô trung bình lớn thuộc cấp tỉnh mới được trao các thẩm quyền về quản lý kỹ thuật phức tạp như quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và kiểm soát phát triển đô thị. Các nội dung này khi trao quyền cần tiến tới mô hình một đầu mối để không còn trùng lặp chức năng quản lý giữa Sở Xây dựng và Phòng quản lý đô thị các đô thị trực thuộc tỉnh.

Nếu có trao thì nhất quán hỗ trợ năng lực cấp dưới ; còn không thì không giao nhưng phải bố trí đủ lực lượng sâu sát để thực hiện nhiệm vụ.

Tổ chức quản lý đô thị lớn cần cân nhắc mô hình đô thị lõi với các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh và trung ương. Đô thị loại 1 này có thể học tập mô hình quản lý xây dựng chính quyền quản lý riêng khu vực đô thị lõi và để các huyện ngoại vi quản lý tự chủ theo mô hình nông thôn. Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, và cả Huế có thể trao quyền rộng rãi hơn cho huyện, và tập trung quản lý khu vực đô thị với chỉ cần một cấp chính quyền.

Cần cân nhắc điều chỉnh lại quy mô chính quyền cơ sở và vùng đô thị loại đặc biệt.

Quy mô của thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội hiện nay quá lớn để chính quyền một cấp Hội đồng nhân dân có thể giám sát có hiệu quả. Nhưng cấp phường lại quá nhỏ bé để giám sát và đảm bảo thực hiện. Cấp quận là trung gian lại đang được đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân có thể dẫn đến nhiều bất cập về giám sát khi trao quyền lớn cho quận như hiện nay nhưng lại chỉ giám sát từ thành phố và không có ở phường.

Tại hai đô thị này, thiết nghĩ nên áp dụng mô hình chính quyền Tokyo với cấp quận làm cấp cơ sở và là đô thị hai cấp : quận và thành phố. Quy mô của mỗi đơn vị cơ sở có thể lấy từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn dân, nhưng phải có căn cứ lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị để phân chia cho hợp lý, không phải cắt theo quy mô đơn thuần.

Vùng ngoại vi đô thị cần xây dựng mô hình riêng. Hà Nội so với thành phố Hồ Chí Minh cùng những khác biệt do tỉ lệ diện tích và dân số nông nghiệp lớn. Có thể áp dụng mô hình đô thi lõi làm hai cấp, và bên ngoài là tỉnh Hà Nội. Bên trong đô thị lõi có thể áp dụng mô hình này với hai cấp chính quyền : cơ sở-quận hiện tại.

Bên ngoài Hà Nội là các huyện có cơ chế quản lý như huyện ngoại thành được trao quyền tự chủ cơ sở cao hơn. Các đô thị khác của tỉnh Hà Nội thuộc huyện quản lý như cũ, nhưng Sơn Tây cần trao quyền rộng rãi hơn để tự chủ trong quản lý (có thể không hoàn toàn giống như quận nhưng tương đồng).

Thành phố Hồ Chí Minh cũng có Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè ; Đà Nẵng cũng có huyện Hòa Vang rất khác biệt so với phần đô thị còn lại…

Nguyễn Nam ghi

Nguồn : VNTB, 15/11/2020

Published in Diễn đàn