Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các lý thuyết về chính trị thường được xây dựng trên nền tảng lý thuyết về hành vi con người. Các lý thuyết này rút ra đặc tính thường xuyên trong hành động của con người từ khối lượng thông tin thực nghiệm mà chúng ta tiếp nhận về thế giới quanh mình, và hy vọng thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa những hành động này và môi trường xung quanh. Khả năng lý thuyết hóa là một yếu tố quan trọng đóng góp cho thành công tiến hóa của loài người. Nhiều cá nhân thực dụng khinh thường lý thuyết và khả năng lý thuyết hóa, nhưng họ lại luôn hành động dựa trên các lý thuyết ngầm ẩn nào đó mà họ đơn giản không nhận ra.

phanba01

Francis Fukuyama và tác phẩm "Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ" (Identity : The Demand for Dignity and the Politics of Resentment) - Ảnh minh họa

Kinh tế học hiện đại dựa trên một lý thuyết như vậy, cho rằng con người là những kẻ "tối đa hóa lợi ích duy lý" : họ là những cá nhân sử dụng khả năng nhận thức mạnh mẽ của mình để tìm kiếm tư lợi. Gắn liền với lý thuyết này là một số giả định.

Thứ nhất, đối tượng đề cập là cá nhân, chứ không phải gia đình, bộ lạc, quốc gia hoặc một nhóm xã hội nào khác. Mọi người hợp tác với nhau bởi vì họ tính toán rằng hợp tác đem lại lợi ích cá nhân tốt hơn cho bản thân so với việc tự mình hành động.

Giả định thứ hai liên quan đến bản chất của "lợi ích", sự ưa thích của cá nhân – với xe hơi, dục vọng, hay một kỳ nghỉ thoải mái – tạo nên cái mà các kinh tế gia gọi là "hàm lợi ích" của cá nhân. Các nhà kinh tế sẽ tranh luận rằng ngành khoa học này không bàn tới những ưu tiên cơ bản hay ích lợi mà cá nhân lựa chọn ; vì điều đó phụ thuộc vào cá nhân. Kinh tế học chỉ nói về cách thức những ưu tiên được theo đuổi một cách duy lý. Do đó, một nhà quản lý quỹ đầu tư đang tìm cách kiếm thêm một tỷ USD và người lính nằm lên quả lựu đạn để cứu đồng đội đều tối đa hóa những ưu tiên khác nhau của mình. Có lẽ những kẻ đánh bom tự sát – thật không may là đang trở thành một phần bối cảnh chính trị thế kỷ 21 – đơn giản là đang cố tối đa hóa số lượng trinh nữ mà họ sẽ gặp trên thiên đàng.

Vấn đề là lý thuyết kinh tế có ít giá trị dự đoán nếu những ưu tiên không bị giới hạn vào lợi ích vật chất, chẳng hạn như việc tìm kiếm thu nhập hay của cải. Nếu một người mở rộng khái niệm về lợi ích bao gồm các thái cực của cả hành vi ích kỷ và vị tha, thì đó không khác gì phép lặp thừa rằng con người sẽ theo đuổi bất cứ điều gì họ theo đuổi. Điều chúng ta thực sự cần là một lý thuyết giải thích tại sao một số người theo đuổi tiền bạc và an toàn, trong khi số khác chọn chết vì một lý tưởng hay dành thời gian và tiền bạc để giúp đỡ người khác. Nếu cho rằng Mẹ Teresa và một tay quản lý quỹ Phố Wall đều cùng tối đa hóa lợi ích của mình, chúng ta dường như bỏ qua điều gì đó quan trọng hơn về động cơ của họ.

Trong thực tế, hầu hết các nhà kinh tế học giả định rằng ích lợi phụ thuộc vào một số dạng thức tư lợi vật chất, [các dạng thức này] vốn ưu việt hơn các loại động lực khác. Đây là quan điểm được đồng tình bởi cả các nhà kinh tế thị trường tự do đương đại và những nhà Mác-xít cổ điển, họ vốn cho rằng lịch sử được định hình bởi các giai cấp xã hội theo đuổi lợi ích kinh tế của mình. Ngày nay, kinh tế học đã trở thành một ngành khoa học xã hội thống trị và có uy tín vì mọi người thường hành xử theo phiên bản hạn chế về động cơ hành động của các nhà kinh tế học. Động cơ vật chất có vai trò quan trọng. Ở Trung Quốc, năng suất nông nghiệp trong các trang trại tập thể thấp vì nông dân không được phép giữ lại thặng dư họ sản xuất ra ; do đó họ sẽ lẩn tránh thay vì chăm chỉ làm việc. Khi động cơ thay đổi vào cuối những năm 1970, cho phép nông dân giữ lại thặng dư, sản lượng nông nghiệp tăng gấp đôi trong vòng bốn năm. Một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là các chủ ngân hàng đầu tư đã được tưởng thưởng cho lợi nhuận ngắn hạn nhưng không bị trừng phạt khi các khoản đầu tư rủi ro sụp đổ vài năm sau đó. Để khắc phục vấn đề, cần phải yêu cầu thay đổi những động cơ như vậy.

Nhưng trong khi mô hình kinh tế tiêu chuẩn giải thích nhiều điều về hành vi con người, nó cũng có nhiều điểm yếu. Trong vài thập niên qua, các nhà kinh tế học và tâm lý học hành vi như Daniel Kahneman và Amos Tversky đã tấn công các giả định cơ bản của mô hình kinh tế bằng cách chỉ ra rằng con người không duy lý trong thực tế. Ví dụ, họ chọn các hành vi mặc định thay vì các chiến lược tối ưu hơn, hoặc tiết kiệm công sức suy nghĩ bằng cách sao chép hành vi của những người xung quanh.

Mặc dù kinh tế học hành vi vạch ra những điểm yếu của mô hình lựa chọn duy lý hiện có, nhưng nó không đưa ra một mô hình thay thế cụ thể về hành vi của con người. Cụ thể, nó không lý giải nhiều về bản chất những lựa chọn ưu tiên của con người. Lý thuyết kinh tế không giải thích thỏa đáng vì sao người lấy thân che lựu đạn, kẻ đánh bom tự sát, hoặc một loạt các trường hợp khác khi lợi ích vật chất không xuất hiện. Thật khó để nói rằng chúng ta "mong muốn" những thứ đau đớn, nguy hiểm hoặc tốn kém cũng tương tự cách chúng ta mong muốn thực phẩm hay tiền trong ngân hàng. Vì vậy, cần xem xét các cách giải thích khác về hành vi của con người vượt ra ngoài các lý giải về mặt kinh tế đang chiếm ưu thế hiện nay. Nền tảng hiểu biết bao quát hơn này luôn tồn tại ; vấn đề là chúng ta thường quên những gì chúng ta biết.

Các lý thuyết về hành vi con người được xây dựng dựa trên lý thuyết về bản chất con người : các quy tắc phát sinh từ gốc gác sinh học phổ quát của con người, trái ngược với những thứ bắt nguồn từ quy tắc hay tập quán của các cộng đồng khác nhau. Ranh giới giữa bản chất và dưỡng dục hiện nay đang gây nhiều tranh cãi, nhưng ít ai phủ nhận rằng hai thái cực của sự phân chia này có tồn tại. May thay, người ta không cần tạo lập ranh giới một cách chính xác để phát triển một lý thuyết mang đến góc nhìn sâu sắc hơn về động cơ của con người.

Các nhà tư tưởng thời kỳ đầu hiện đại như Thomas Hobbes, John Locke và Jean-Jacques Rousseau lập luận chi tiết về "trạng thái tự nhiên", thời điểm nguyên thủy trước khi xã hội loài người xuất hiện. Tuy nhiên, trạng thái tự nhiên chỉ là phép ẩn dụ cho bản chất loài người, nghĩa là những đặc điểm cơ bản nhất của con người tồn tại độc lập với một xã hội hay văn hóa cụ thể của họ. Trong truyền thống triết học phương Tây, những cuộc thảo luận về bản chất loài người khởi nguồn từ sớm hơn rất nhiều, ít nhất là với tác phẩm Cộng hòa (Republic) của Plato.

Cộng hòa là cuộc đối thoại giữa triết gia Socrates và hai nhà quý tộc Athens trẻ tuổi, Adeimantus và người anh trai là Glaucon, về bản chất của một thành phố công bằng. Sau khi làm sáng tỏ một số lý thuyết về công lý hiện có, như khẳng định của Thrasymachus rằng công lý không là gì khác ngoài lợi ích của kẻ mạnh, Socrates xây dựng một thành phố công bằng "về mặt diễn ngôn", dựa trên sự khai phá bản chất của linh hồn. Từ linh hồn (psyche, theo tiếng Hy Lạp) không còn được sử dụng, nhưng như từ nguyên gốc của nó cho thấy, môn tâm lý học (psychology) về cơ bản nghiên cứu chủ đề tương tự.

Cuộc thảo luận chính về bản chất của linh hồn xuất hiện trong quyển IV. Socrates lưu ý rằng một phần cơ thể khao khát tìm kiếm những thứ như thực phẩm và nước uống. Nhưng nhiều lúc, một kẻ khát nước sẽ không uống vì anh ta biết nước bị nhiễm độc và có thể bị bệnh. Socrates hỏi, "Liệu tồn tại thứ gì trong tâm hồn khuyến khích họ uống và thứ gì ngăn cản họ uống không, hay thứ gì khác biệt điều chỉnh những động cơ đó ?" Adeimantus và Socrates đồng ý rằng phần thứ hai khác biệt của linh hồn mang tính tính toán, và rằng nó có thể hoạt động trái ngược với phần phi lý, mang tính khao khát của linh hồn.

Cho đến thời điểm đó, Socrates và Adeimantus đã mô tả mô hình kinh tế hiện đại như sau : phần khao khát tương ứng với sở thích cá nhân, trong khi phần tính toán mang tính tối đa hóa duy lý. Mặc dù Sigmund Freud không còn được đề cao như trước, nhưng sự khác biệt này tương ứng với khái niệm của ông về cái tôi khao khát và bản ngã để giữ những khao khát đó trong tầm kiểm soát, phần lớn là do áp lực xã hội. Nhưng Socrates chỉ ra một loại hành vi khác bằng cách liên hệ đến câu chuyện về Leontius ở Athens, người đi ngang qua một đống xác chết do những kẻ hành hình bỏ lại. Leontius muốn nhìn vào các xác chết, nhưng đồng thời cố gắng tránh làm như vậy ; sau một hồi đấu tranh nội tâm, ông ấy nhìn đống xác chết và nói, "Nhìn này gã bất hạnh, hãy nhìn đi cho thỏa thuê". Leontius, trong khi cố gắng nuông chiều khao khát nhìn thấy xác chết, biết rằng điều đó đáng lẽ cần bỏ qua ; và rằng ông đã đầu hàng nỗi khao khát của mình và khiến dấy lên sự tức giận và ghê tởm bản thân. Socrates hỏi :

Và ở nhiều nơi khác, liệu chúng ta có nhận thấy rằng, khi khao khát buộc ai đó đi ngược lại với phần tính toán, anh ta lại tự trách móc mình và tinh thần của anh ta chống lại thứ đang thực hiện hành vi bị thúc đẩy kia ; và, cứ như thể có hai nhóm đối lập, liệu tinh thần của anh ta có thể trở thành đồng minh của lời nói ?

Chúng ta có thể dẫn chứng điều này tới một ví dụ hiện đại hơn, khi một tay nghiện ma túy hoặc nghiện rượu biết rằng một liều nữa sẽ có hại cho mình, nhưng vẫn thực hiện để rồi cảm thấy ghê tởm bản thân vì yếu đuối. Socrates sử dụng một từ mới, tinh thần, để nói đến phần linh hồn là nơi ẩn náu của sự tức giận đối với chính mình, vốn là từ được dịch sơ sài từ tiếng Hy Lạp thymos.

Socrates sau đó hỏi Adeimantus rằng liệu phần linh hồn không muốn nhìn vào xác chết chỉ là một ham muốn khác, hay là một khía cạnh của phần tính toán, vì cả hai đều phát triển theo một hướng chung. Quan điểm đầu là góc nhìn của kinh tế học đương đại, coi mong muốn chỉ bị giới hạn bởi tính toán : một mong muốn khác, quan trọng hơn, sẽ thay thế nó. Socrates hỏi, vậy liệu có một phần thứ ba của linh hồn ?

Những gì chúng ta đang giải thích về tinh thần là trái ngược với khẳng định gần đây của chính chúng ta. Lúc đó, chúng ta cho rằng nó có liên quan một cách nào đó đến phần mong muốn ; nhưng bây giờ ngược lại, chúng ta nói rằng trong phần đó của linh hồn, nó lại dang tay về phía phần tính toán.

Quả thực là như vậy, [Adeimantus] nói.

Vậy có phải nó cũng khác biệt với phần tính toán không, hay nó là một dạng đặc thù của phần tính toán để thực tế là không có ba hình thức tâm hồn mà chỉ có hai, phần tính toán và phần mong muốn ? Hoặc cũng giống như việc có ba giai cấp trong thành phố nhóm lại với nhau, để kiếm tiền, bảo vệ, và tranh luận, liệu có tồn tại mảng thứ ba của tâm hồn, về bản chất là phụ trợ cho phần tính toán, nếu không bị làm hỏng bởi dưỡng dục ?

Adeimantus đồng ý tức khắc với Socrates rằng phần linh hồn – thymos – không chỉ là một mong muốn hay khía cạnh khác của lý trí mà là một phần độc lập của tâm hồn. Thymos là nơi trú ngụ của cả phẫn nộ và kiêu hãnh : Leontius kiêu hãnh và tin rằng ông có bản ngã tốt để kháng cự việc nhìn vào xác chết, và khi thất bại trước mong muốn của mình, ông đã tức giận vì không thể sống theo chuẩn mực đó.

Hơn hai thiên niên kỷ trước khi kinh tế học hiện đại ra đời, Socrates và Adeimantus đã hiểu về những gì không được ngành khoa học này công nhận. Mong muốn và lý trí là những bộ phận cấu thành của tâm lý con người (tâm hồn), nhưng phần thứ ba, thymos, vận hành hoàn toàn độc lập với hai phần đó. Thymos là nơi phán xét có giá trị : Leontius tin rằng ông thừa đạo đức để không nhìn vào xác chết, cũng giống như tên nghiện ma túy muốn trở thành người lao động chăm chỉ hoặc một bà mẹ ân cần. Con người không chỉ muốn những thứ bên ngoài thân thể, như thức ăn, đồ uống, Lamborghini, hay cơn phê tiếp theo. Họ cũng khao khát những đánh giá tích cực về giá trị hoặc phẩm giá bản thân. Những đánh giá đó có thể đến từ nội tâm, như trong trường hợp của Leontius, nhưng chúng thường là của những người khác trong xã hội, những người công nhận giá trị của họ. Nếu nhận được đánh giá tích cực họ sẽ thấy tự hào, và ngược lại, họ sẽ cảm thấy tức giận (khi họ nghĩ rằng mình đang bị đánh giá thấp) hoặc xấu hổ (khi họ cho rằng mình đã không bắt kịp tiêu chuẩn của người khác).

Phần thứ ba của linh hồn, thymos, là nơi trú ngụ của chính trị bản sắc đương đại. Các chủ thể chính trị có tranh đấu về các vấn đề kinh tế : liệu thuế nên thấp hay cao hơn, thu nhập của chính phủ nên được phân chia như thế nào cho các bên khác nhau trong một nền dân chủ. Nhưng nhiều mặt của đời sống chính trị không mấy liên quan đến nguồn lực kinh tế.

Ví dụ như phong trào hôn nhân đồng tính, vốn lan rộng như cháy rừng ở khắp thế giới phát triển trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Vấn đề này có khía cạnh kinh tế, liên quan đến quyền kiêm hưởng, quyền thừa kế… đối với người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ sống cùng nhau. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nêu trên có thể và trong nhiều trường hợp được giải quyết thông qua các quy tắc mới về tài sản trong kết hợp dân sự (civil union). Nhưng kết hợp dân sự có vị trí thấp hơn hôn nhân : xã hội sẽ nói rằng người đồng tính có thể ở bên nhau một cách hợp pháp, nhưng mối quan hệ của họ sẽ khác với mối quan hệ giữa một người đàn ông và một phụ nữ. Điều này là không thể chấp nhận được đối với hàng triệu người muốn hệ thống chính trị công nhận rõ ràng phẩm giá bình đẳng của người đồng tính nam và nữ ; việc có khả năng kết hôn là một dấu hiệu của phẩm giá bình đẳng đó. Và những người chống đối muốn điều ngược lại : một sự khẳng định rõ ràng về phẩm giá thượng đẳng của sự kết hợp khác giới và qua đó là của gia đình truyền thống. Những cảm xúc dành cho hôn nhân đồng tính liên quan nhiều đến sự khẳng định về phẩm giá hơn là về mặt kinh tế học.

Tương tự, cơn phẫn nộ bùng nổ của phụ nữ thể hiện trong phong trào #MeToo, nổi lên sau những tiết lộ về hành vi của nhà sản xuất phim Hollywood là Harvey Weinstein, cơ bản là về sự tôn trọng. Mặc dù cách những gã đàn ông quyền lực quấy rối những phụ nữ dễ bị tổn thương có khía cạnh kinh tế, đánh giá sai nữ giới dựa trên giới tính hay vẻ ngoài, mà không phải vì những đặc điểm khác như năng lực hay tính cách, vốn tồn tại giữa những người đàn ông và phụ nữ tương đương nhau về quyền lực và sự giàu có.

Tuy thế, chúng ta dường như đi xa hơn trong câu chuyện của thymos và bản sắc. Socrates trong Cộng hòa không tranh luận rằng thymos là một đặc điểm được chia sẻ đồng đều giữa tất cả mọi người, và ông cũng không cho rằng nó tự biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó tồn tại giống như thứ liên quan đến một nhóm người nhất định trong thành phố tưởng tượng của ông, những kẻ giám hộ hoặc vệ binh chịu trách nhiệm gìn giữ thành phố khỏi kẻ thù. Họ là những chiến binh, khác với chủ cửa hàng vốn có đặc điểm chính là khao khát và sự hài lòng, cũng khác với tầng lớp lãnh đạo thông thái vốn dùng lý trí để xác định điều gì là tốt nhất cho thành phố. Socrates cho rằng những người bảo vệ thymos thường có tính cách dữ dội và so sánh họ với những con chó hung tợn với người lạ và trung thành với chủ nhân. Là những chiến binh họ phải can đảm, phải sẵn sàng mạo hiểm tính mạng và trải qua khó khăn theo cách mà cả tầng lớp thương gia lẫn tầng lớp thông thái không làm nổi. Sự tức giận và kiêu hãnh, thay vì lý trí hay ham muốn, thúc đẩy họ chấp nhận rủi ro.

Nói theo cách này, Socrates phản ánh thực tế của thế giới cổ điển, hay có lẽ là thực tế của hầu hết các nền văn minh trên thế giới, nơi xuất hiện tầng lớp quý tộc vốn đạt được địa vị xã hội cao do họ, hoặc tổ tiên của họ, là những chiến binh. "Quý ông" theo tiếng Hy Lạp là kaloskagathos, mang nghĩa "cao đẹp và tốt bụng", trong khi từ quý tộc (aristocracy) bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp mang nghĩa "trị vì bởi những người giỏi nhất". Các chiến binh này được cho là khác biệt về mặt đạo đức với những thương gia nhờ các đức tính của họ : họ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống vì lợi ích số đông. Danh dự chỉ dành cho những người sẵn lòng từ chối tối đa hóa lợi ích duy lý như trong mô hình kinh tế học hiện đại, vinh danh những ai sẵn sàng mạo hiểm với lợi ích quan trọng nhất trong tất cả, mạng sống của chính mình.

Ngày nay, chúng ta có xu hướng đánh giá lại giới quý tộc với rất nhiều hoài nghi, tích cực lắm thì coi họ là những ký sinh trùng tự cao và tệ nhất là những kẻ săn mồi hung bạo với phần còn lại của xã hội. Con cháu của quý tộc thậm chí còn tồi tệ hơn, vì bản thân họ không tạo ra địa vị mà gia đình họ nhận được, mà thông qua thừa kế. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận rằng trong các xã hội quý tộc tồn tại một niềm tin sâu xa rằng danh dự hay lòng tự trọng không bắt buộc phải có với tất cả mọi người, mà chỉ ở tầng lớp những người sẵn sàng hy sinh mạng sống. Âm hưởng của chính kiến đó vẫn tồn tại trong sự tôn trọng mà công dân của các xã hội dân chủ hiện đại thường dành cho những người lính hy sinh vì tổ quốc, hoặc cảnh sát và lính cứu hỏa liều mình vì nhiệm vụ. Nhân phẩm hay lòng tự trọng không bắt buộc với tất cả mọi người, ít nhất là với các doanh nhân hoặc người lao động có mục tiêu chính là tối đa hóa lợi ích của chính mình. Giới quý tộc cho rằng bản thân họ ưu việt hơn những người khác và sở hữu thứ mà chúng ta có thể gọi là megalothymia, mong muốn được công nhận là vượt trội. Các xã hội tiền dân chủ tồn tại dựa trên nền tảng của hệ thống phân cấp xã hội, vì vậy niềm tin vào sự vượt trội vốn có của một giai tầng nào đó là nền tảng cho việc duy trì trật tự xã hội.

Vấn đề với megalothymia là đối với mỗi người được công nhận là vượt trội, sẽ càng có nhiều người bị coi là thấp kém và không nhận được bất kỳ sự công nhận nào về giá trị nhân phẩm của mình. Trong khi Socrates và Adeimantus coi thymos chủ yếu liên quan đến tầng lớp người bảo vệ, họ dường như cũng nghĩ rằng tất cả loài người sở hữu cả ba phần của linh hồn. Những người không phải bảo vệ cũng có niềm kiêu hãnh của mình, niềm kiêu hãnh bị tổn thương khi nhà quý tộc tát vào mặt họ và ra lệnh cho họ tránh đường, hoặc khi cô con gái hay vợ họ bị ép buộc biến thành đồ chơi tình dục cho giai cấp "cao cấp" hơn. Dù có một số nhóm người nhất định luôn muốn được coi là vượt trội, cảm giác phẫn nộ mạnh mẽ sẽ xuất hiện khi một cá nhân bị coi thường. Hơn nữa, trong khi chúng ta sẵn sàng tán dương những người có thành tích nhất định, chẳng hạn như vận động viên hoặc nhạc sĩ vĩ đại, nhiều sự vinh danh xã hội bắt nguồn không phải ở sự vượt trội thực sự, mà là trong quy ước xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng phẫn nộ với những người được công nhận vì những thứ không mấy tốt đẹp, chẳng hạn như những kẻ có vai vế thích phô trương hoặc các ngôi sao chương trình thực tế hay khoe mẽ vốn có thể không giỏi giang gì hơn chúng ta.

Vì vậy, một động lực mạnh mẽ không kém của con người là được coi "cũng tốt" như người khác, yếu tố mà chúng ta có thể gọi là isothymia. Megalothymia là yếu tố mà nhà kinh tế học Robert Frank gọi là "tốt theo địa vị" – về mặt bản chất, điều này không thể chia sẻ vì nó dựa trên vị trí của một người so với người khác. Sự trỗi dậy của nền dân chủ hiện đại là câu chuyện về sự dịch chuyển từ megalothymia sang isothymia : những xã hội vốn chỉ công nhận một số ít giới tinh hoa được thay thế bởi xã hội công nhận quyền bình đẳng của mọi người. Ở Châu Âu, các xã hội phân tầng theo giai cấp bắt đầu công nhận quyền của thường dân, và các quốc gia vốn bị nhấn chìm trong các đế chế lớn tìm kiếm một địa vị riêng biệt và bình đẳng. Các cuộc đấu tranh lớn trong lịch sử chính trị của Mỹ – chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc, quyền của người lao động, quyền bình đẳng của phụ nữ – về cơ bản đều là những đòi hỏi, yêu cầu hệ thống chính trị phải mở rộng tập hợp các cá nhân được công nhận là có quyền bình đẳng.

Tuy nhiên, câu chuyện phức tạp hơn thế. Chính trị bản sắc đương đại được thúc đẩy bởi cuộc tìm kiếm sự công nhận bình đẳng của các nhóm đã bị xã hội của mình đặt ngoài lề. Nhưng mong muốn được công nhận là bình đẳng có thể dễ dàng chuyển sang yêu cầu công nhận sự vượt trội của nhóm đó. Đây là một phần lớn trong câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc và bản sắc dân tộc, cũng như trong một số hình thức chính trị tôn giáo cực đoan ngày nay.

Một vấn đề nữa với isothymia là một số hoạt động nhất định của con người chắc chắn sẽ đòi hỏi sự tôn trọng lớn hơn những hoạt động khác. Phủ nhận điều này là chối bỏ khả năng xuất sắc vượt trội của con người. Tôi không thể chơi piano và không thể vờ rằng mình ngang hàng với Glenn Gould hoặc Arthur Rubinstein trong lĩnh vực này. Bất kỳ cộng đồng nào cũng dành sự vinh danh lớn hơn cho người lính hoặc cảnh sát mạo hiểm mạng sống của mình vì lợi ích chung thay vì những kẻ hèn nhát bỏ chạy khi mới nhìn thấy hiểm nguy, hoặc tệ hơn là thông đồng với bên ngoài để phản bội lại cộng đồng. Việc công nhận tất cả mọi người có giá trị ngang nhau lại khiến chúng ta thất bại trong việc nhận ra giá trị của những người thực sự vượt trội trong một số mặt.

Isothymia yêu cầu chúng ta nhận ra giá trị cơ bản bình đẳng của đồng loại. Với Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, chúng ta khẳng định rằng trong các xã hội dân chủ, "tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng". Nhưng trong lịch sử chúng ta đã bất hòa về việc ai đủ điều kiện được công nhận là "tất cả mọi người". Tại thời điểm tuyên ngôn được ký, tập hợp này không bao gồm người da trắng không có tài sản, nô lệ da đen, người Mỹ bản địa hoặc phụ nữ. Hơn nữa, vì con người rõ ràng là rất đa dạng về tài năng và năng lực, chúng ta cần biết là mình sẵn sàng công nhận mọi người là bình đẳng cho mục đích chính trị theo nghĩa nào. Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ tuyên bố rằng điều này là "hiển nhiên", mà không có chỉ dấu nào để chúng ta hiểu về sự bình đẳng.

Thymos là phần linh hồn tìm kiếm sự công nhận. Ở Cộng hòa, chỉ có một nhóm người tìm kiếm sự công nhận về phẩm giá của mình, trên cơ sở họ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống để thành những chiến binh. Tuy nhiên, mong muốn được công nhận dường như cũng nằm trong tâm hồn mỗi con người. Các thương gia, nghệ nhân hoặc người ăn xin trên đường phố cũng có thể cảm thấy đau đớn khi bị coi thường. Nhưng cảm giác đó là lộn xộn, và họ không có ý thức rõ ràng về lý do tại sao họ nên được tôn trọng. X ã hội của họ lý giải rằng họ không đáng giá như quý tộc ; tại sao không chấp nhận phán xét đó của xã hội ? Trong phần lớn lịch sử loài người, đây thực tế là định mệnh của đại đa số đám đông.

Nhưng trong khi thymos là một khía cạnh phổ quát luôn tồn tại của bản chất con người, thì niềm tin rằng mỗi chúng ta đều có nội ngã đáng được tôn trọng, và xã hội xung quanh có thể đã sai khi không công nhận nó, là một hiện tượng xuất hiện gần đây hơn. Vì vậy, trong khi khái niệm bản sắc bắt nguồn từ thymos, nó chỉ xuất hiện trong thời hiện đại khi kết hợp với khái niệm về nội ngã và ngoại ngã, và quan điểm cực đoan rằng nội ngã có giá trị hơn vẻ bên ngoài. Đây là sản phẩm của cả sự thay đổi trong ý tưởng về bản ngã và thực tế của các xã hội, [các xã hội] bắt đầu phát triển nhanh chóng dưới áp lực của sự thay đổi kinh tế và công nghệ.

Francis Fukuyama

Nguyên tác : Identity : The Demand for Dignity and the Politics of Resentment

Khắc Giang, Quang Thái, Bảo Linh dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/10/2020

Bài viết lấy từ chương 2 cuốn Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ(Identity : The Demand for Dignity and the Politics of Resentment) của tác giả Francis Fukuyama, do Omega+ ấn hành tại Việt Nam.

Francis Fukuyama là nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ, nổi tiếng với luận đề "Sự cáo chung của lịch sử". Ông từng đạt giải Sách hay nhất năm 2018 của tờ The Times (Anh) và Sách chính trị hay nhất năm 2018 do Financial Times bình chọn.

Additional Info

  • Author Francis Fukuyama, Khắc Giang, Quang Thái, Bảo Linh
Published in Diễn đàn