Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chùa Cầu Hội An, trùng tu hay phục dựng ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 30/07/2024

Mấy ngày nay cư dân mạng râm ran chuyện chùa Cầu Hội An sau mấy năm trùng tu nó không giống với chùa Cầu nguyên bản và câu chuyện trở nên kịch tính hơn khi chuyên gia nhảy vào cuộc, bàn về chuyện trùng tu chùa Cầu. Người được nhắc đến là ông Trần Đức Anh Sơn, một chuyện gia bảo tàng bảo tồn có uy tín trong nước, theo nhận định được đăng tải trên báo Quảng Nam, ông cho rằng quá trình trùng tu đã thành công. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây lại nằm ở khía cạnh khác, thế nào là trùng tu, và trùng tu cho ai ?

chuacau1

Di tích chùa Cầu là biểu tượng của phố cổ Hội An.

Đương nhiên, chùa Cầu là di sản văn hóa thế giới, một khi trùng tu chùa Cầu thì phải có UNESCO đồng ý, thông qua phương án mới có thể tiến hành. Tuy nhiên, quá trình tiến hành ra sao, có đi đến thành công hay không thì lại là chuyện khác.

Chuyện chùa Cầu được trùng tu và trong quá trình trùng tu, đã có lùm xùm về bản gốc và dị bản sau khi trùng tu, chính vì thiết kế của các chuyên gia có phần quá khác so với bản gốc nên đôi bên đã có lời qua tiếng lại, sau đó có những cuộc họp để đi đến kết quả chùa Cầu như ngày hôm nay đang thấy. Và, khi chùa Cầu chính thức được bóc bỏ, tức dở toàn bộ mái che cũng như tường bao bằng tôn thì nhiều người ngỡ ngàng vì thấy nó quá khác lạ. Có người nhìn thấy nó sến súa, có người nhìn thấy màu sơn có vấn đề, đường nét cũng khác lạ...

Các blogger, tiktoker bắt đầu đăng tải bài viết, nhận xét nhằm bày tỏ sự thất vọng sau khi tu bổ. Đương nhiên, về phía Hội An, các quan chức, cán bộ, đặc biệt là ông Nguyễn Sự, một cựu chủ tịch thành phố, về hưu cũng ngót nghét mười năm nhưng luôn có mặt trong mọi cuộc trả lời phỏng vấn về các vấn đề hệ trọng của thành phố này giống y như đương chức. Nhiều người mới nghe còn hiểu nhầm rằng ông Sự mới thực sự là chủ tịch Hội An chứ không phải người khác, càng không phải một người đã về hưu. Nhìn chung, hầu hết các ý kiến đều tụng ca quá trình trùng tu chùa Cầu.

Chưa dừng ở đó, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đăng một bài khá dài trên báo Quảng Nam để nói về quá trình "trùng tu hạ giải" chùa Cầu. Tức trùng tu bằng cách mở tung "tác phẩm", công trình để (có thể) xây dựng lại.

Như vậy, khái niệm trùng tu theo kiểu trùng tu hạ giải rất gần với khái niệm phục dựng, phục chế, thậm chí, các ví dụ của ông Sơn về quá trình trùng tu một số công trì ở Kyoto, cố đô Nara - Nhật Bản lại càng cho thấy sự nhập nhằng giữa phục dựng, phục chế với trùng tu. Ông Sơn viết : "Là người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm ; từng tu nghiệp trong ở lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2004, và đã vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét trong năm 2023, cũng như quan sát các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu (được báo chí và mạng xã hội đăng tải), tôi khẳng định rằng : đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn (...).

Tôi đánh giá cao việc lựa chọn phương án này, bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung : nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, nên Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng : phần móng bị lún, nghiêng ; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng ; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào ; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. Vì thế, lựa chọn phương án "trùng tu hạ giải" nhằm xử lý triệt để phần móng : cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực ; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát ; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu ; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết.

Nếu lựa chọn phương án "tu bổ từng phần" thì sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như 6 lần trùng tu trước đây.

Cũng như các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong hai ngày qua cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và "tính chân xác" của di tích Chùa Cầu, không có gì đáng phải phê phán, bỉ bai".

Rốt cuộc, câu chuyện có hạ nhiệt khi ý kiến chuyên gia được đưa ra hay vẫn tiếp tục sôi động ? Hình như mọi thứ càng lúc càng sôi sục chứ không hạ nhiệt. Bởi lẽ, ý kiến của ông Sơn cũng chỉ là một ý kiến riêng lẻ của một chuyên gia Việt Nam "mang tầm quốc tế" nhằm bảo vệ một cái đã rồi.

Và nếu hỏi các công trình được trùng tu ở Huế cho đến lúc này nó ra sao thì hầu hết có chung nhận xét là các chuyên gia còn lâu mới đuổi kịp các thợ mộc ở các làng nghề cổ trước đây và mô hình trùng tu họ đưa ra luôn mang dấu hiệu sến súa, hiện đại hóa một cách nửa nạc nửa mỡ. Hay nói đúng hơn, cái gọi là "trùng tu hạ giải" chỉ là phương thức đập bỏ cái cũ, xây lại cái mới có dùng một số nguyên vật liệu của cái cũ, phần nào khó tháo dở thì giữ nguyên, sơn phết lại cho có, gọi là giữ nguyên trạng, kì thực nó bị phá nát từ trong ra ngoài. Và khi nhìn cái được trùng tu, người ta chỉ biết ngỡ ngàng mà chấp nhận chuyện đã rồi.

Có rất nhiều công trình tại Việt Nam sau khi trùng tu chẳng ra làm sao cả, đến khi người dân lên tiếng quá nhiều thì chuyên gia mới thông báo "cái này chúng tôi đang thử nghiệm màu sơn", rồi sau đó sơn lại. Tình trạng chùa Cầu lúc này cũng y như vậy. Chưa bàn về chi tiết, chỉ nói về màu sơn, màu sơn mới của nó quá sáng so với màu sơn cũ. Có thể nói rằng rêu phong thì cần có thời gian, nhưng màu sơn thì theo thời gian mà phai nhạt đi chứ không bao giờ đậm hơn.

Nhìn vào chùa Cầu sau khi trùng tu, người ta thấy mọi thứ sáng trưng, tưng bừng và sặc sỡ, trong khi đó, màu sơn của chùa Cầu cũ có tông màu đậm, trầm, thần thái, hồn vía và sự cổ độ của chùa Cầu lại nằm ở màu sơn, nó đập vào mắt người thưởng ngoạn bằng một gam màu nóng, vững chãi và trầm mặc. Với màu sơn hiện tại, khi rêu phong mọc lên sẽ rất chói với màu sơn, nó có thể đen lại ở các phần trắng và lợt đi ở các phần màu khác, lúc đó, nó nhợt nhạt hơn chứ không bao giờ mộc mạc hơn, phải tin chắc điều này.

Và nói cho cùng, đương nhiên khi các chuyên gia vào cuộc (có điều kiện, các chuyên gia Việt, trí thức Việt chẳng bao giờ làm cái gì mà không có mục đích, danh lợi tính cả. Họ phải có lợi mới làm và đương nhiên là quá trình ăn chia chẳng nhỏ !) thì chuyện vốn đã rồi, lại càng thêm rồi. Thế nhưng trong con mắt của người dân, trong đó gồm các chuyên gia tự do và những người từng gắn bó với chùa Cầu, từng gắn bó với các công trình được trùng tu họ nghĩ gì, thấy như thế nào lại là chuyện khác !

Việc "hạ giải" một công trình rồi xây dựng lại, dùng một ít vật liệu của cái cũ để xây cái mới giống với cái cũ thì nên gọi là phục dựng, phục chế, tái thiết, tái chế hay trùng tu ? Cũng nên làm rõ các khái niệm này !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : 30/07/2024

*****************************

Di tích chùa Cầu Hội An gây tranh cãi sau trùng tu

RFA, 30/07/2024

Sau hơn một năm tu bổ, di tích Chùa Cầu ở Hội An gây tranh cãi, dư luận cho rằng công trình quá mới, hiện đại, không phù hợp với không gian cổ kính ở Hội An.

chuacau2

Di tích Chùa Cầu Hội An sau trùng tu. Ảnh thính giả gởi RFA

Một người dân sống gần phố cổ Hội An, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 30/7 cho RFA biết ý kiến :

"20 tỷ trùng tu không phải là ít, cho nên các anh phải ngồi lại tìm ra phương án tốt nhất, tìm chuyên viên, tìm những người có kinh nghiệm về cổ… Chứ không phải làm càng, để khi thăm dò dư luận rồi sửa. Không riêng gì Chùa Cầu mà tui đi qua rất nhiều nơi, nhất là đình làng, ngôi miếu… cứ thấy sơn son trát vàng xanh xanh đỏ đỏ, chướng mắt dễ sợ. Đủ trình độ hãy nhận trùng tu các công trình cổ, cố gắng giữ được nét nguyên bản nhiều nhất có thể, sửa đi sửa lại tốn tiền lắm luôn. Bỏ tiền làm mới Chùa Cầu rồi lại tốn tiền làm cho cũ đi, chuyện lâu nay vẫn thế của Việt Nam. Chưa kể đến chất liệu của cây cầu đã sửa, vấn đề này cũng cần kiểm tra. Vì rõ ràng có một đội ngũ không hoàn hảo tái tạo lại Chùa Cầu".

Vào năm 2022 theo truyền thông nhà nước, công trình Chùa Cầu Hội An xuống cấp nghiêm trọng, phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, lún, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng và đã được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hội An phê duyệt tu bổ với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Theo cơ quan này, công trình sau khi hoàn thành sẽ khánh thành vào ngày 3/8/2024, trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 20.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ từ Sài Gòn hôm 30/7 nhận định :

"Hầu hết chuyên gia mà tôi biết đều đồng tình với phương án trùng tu Chùa Cầu. Họ cho thấy rõ các bước đi cẩn thận của việc trùng tu như thế nào và duy trì hết mức cái cũ. Tuy nhiên nhiều người cũng thừa nhận rằng, xúc cảm về Chùa Cầu gắn với những hình ảnh cũ kỹ, mà bây giờ nó mới quá, nó đánh vào mắt làm người dân có phản ứng. Phản ứng đó xuất phát từ lòng yêu mến di tích của dân tộc. Đi tìm cái tốt đẹp thì cũng tốt, nhưng phản ứng quá đà thì thường nghiên về cảm cao quang bề ngoài, chứ về chuyên môn thì không đúng".

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc cho màu bớt mới đi rất rẻ, về mặt kỹ thuật khắc phục cái đó không tốn bao nhiêu tiền và cũng dễ làm. Nhưng ông Dũng cho rằng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Tức là khi làm ngoài tính phương diện kỹ thuật, phải tính đến phản ứng của công chúng.

chuacau3

Bên trong Di tích Chùa Cầu Hội An sau trùng tu. Ảnh thính giả gởi RFA.

Một kỹ sư xây dựng từng tham gia thi công trùng tu nhiều công trình cổ ở miền Trung, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 30/7 khi trao đổi với RFA giải thích, Chùa Cầu là một công trình nằm trong tổng thể phố cổ Hội An đã được hình thành khoảng 400 năm, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào ngày 4/12/1999. Vì công trình đã được hình thành 400 năm về trước, đến nay công trình đã xuống cấp nên cần phải trùng tu nhằm bảo đảm công năng như ban đầu. Do đó, ngân sách nhà nước đã bỏ ra trên 20 tỷ đồng để thực hiện việc trùng tu và đến nay việc trùng tu đã xong.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, khi trùng tu phải tuân thủ nguyên tắc di tích không được làm mới, có nghĩa là vẫn giữ nét rêu phong, cổ kính, nhưng Chùa Cầu sau khi trùng tu đã không tuân thủ nguyên tắc này, họ đã sơn phết bề mặt công trình như mới, hiện đại mặc dù cái cốt của công trình vẫn bảo đảm yêu cầu chống xuống cấp ! Ông nói tiếp :

"Sau khi có nhiều phản ứng của cư dân và du khách thì ông Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo cho sơn lại/làm cũ lại về hình thức như ban đầu. Tất nhiên, việc làm này sẽ tốn thêm chi phí, nhưng dù tốn thêm chi phí thì theo tôi vẫn chỉ là khắc phục việc ‘làm mới’ vì lớp sơn ‘làm lại cho cũ như ban đầu’ chỉ qua một thời gian ngắn, do tác động của khí hậu, môi trường thì lớp sơn ‘làm mới’ trước đó cũng sẽ hiện ra và sau đó lại vẫn ‘sơn lại làm cho như cũ’ cứ lập đi lập lại. Giá như khi trùng tu họ tuân thủ nguyên tắc không làm mới, giữ nét cổ kính, rêu phong của di tích thì sẽ không xảy ra tình trạng này ! Tôi từng trùng tu các tháp/cụm tháp Chăm ở tỉnh Bình Định như tháp Cánh Tiên, Tháp Đôi, cụm tháp Bánh Ít-4 tháp, cụm tháp Dương Long -3 tháp… đều tuân thủ nguyên tắc không làm như mới nên sau khi trùng tu thì nhìn vẫn giữ nét cổ kính, rêu phong !"

Không chỉ công trình Chùa Cầu gây tranh cãi, trước đây vào năm 2015, việc trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội cũng bị phản ứng về màu chói lóa, làm mất đi vẻ rêu phong. Sau hai lần sơn, Nhà hát Lớn Hà Nội đã được trả lại vẻ ngoài như phiên bản trùng tu năm 1997.

Hay vào tháng 5/2022, Nhà thờ Lớn Hà Nội cũng từng gây xôn xao với vẻ ngoài khác lạ sau thời gian tu sửa với nhiều lớp sơn khiến nhiều người ngạc nhiên.

Liên quan vấn đề này, vị chuyên gia xây dựng nhận định thêm :

"Hiện nay trên khắp 3 miền (Bắc, Trung, Nam) của đất nước có rất nhiều di tích, có những di tích đã hình thành hàng ngàn năm đang xuống cấp, có nguy cơ đổ sập. Do đó cần phải trùng tu, phục chế. Đối với những di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì tổ chức này tài trợ trùng tu, phục chế, nhưng những di tích còn lại thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra để thực hiện việc này. Theo tôi thì ngay từ bây giờ Bộ Văn hóa phải khảo sát toàn bộ các di tích để xác định thứ tự ưu tiên là di tích nào cần trùng tu trước, di tích nào cần trùng tu sau theo kế hoạch về mặt thời gian, làm căn cứ cho việc phân bổ ngân sách. Tình trạng hiện nay là có tiền đến đâu làm đến đó, không có thứ tự ưu tiên trước-sau cần được khắc phục trong thời gian tới !"

Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.

Nguồn : RFA, 30/07/2024

Additional Info

  • Author Viết từ Sài Gòn, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn