Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ý kiến cử tri trên báo nhà nước liệu có phản ảnh thực tế tâm tư dân chúng ?

RFA, 03/03/2021

Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 3/3 đồng loạt đăng tải các bài viết với nội dung cử tri dành tình cảm cho ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

chua1

Người dân đọc báo tại một sạp áo ở Hà Nội AFP

Cụ thể, báo Thanh Niên có bài ‘Nhân dân vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước tái đắc cử’. Trong khi đó, bài viết với nội dung tương tự có tên ‘Cử tri vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử’ được đăng tải trên báo Dân Trí và nhiều báo mạng khác.

Tựa bài viết được dẫn từ phát biểu của cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trong buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Truyền thông nhà nước dẫn lời cử tri Nguyễn Văn Điệp ở phường Phan Chu Trinh cho biết ông "và nhân dân đã vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước tái đắc cử Tổng bí thư. Điều đó thể hiện sự tha thiết nguyện vọng của nhân dân và cán bộ đảng viên hiện nay, củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng".

Ngoài ra, một cử tri khác là Nguyễn Quyết Thắng, ở phường Hàng Mã cũng gửi lời chúc mừng ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhiều sức khỏe để cống hiến, đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng nhiều hơn nữa, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên...

Trao đổi với RFA tối cùng ngày, nhà hoạt động dân chủ Đàm Ngọc Tuyên cho rằng :

"Người ta thể hiện đó là sự dân chủ, trong trường hợp đó là vấn đề tín nhiệm cử tri về mặt đảng, nhân dân và cả cử tri những nơi đó nhất trí đồng lòng tín nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử lần thứ ba".

Tuy nhiên, theo ông Đàm Ngọc Tuyên, ý kiến được báo chí trích lời một vài cử tri như vừa nêu không hoàn toàn đại diện cho tất cả cử tri hay toàn thể nhân dân.

Từng công tác cho Tạp chí Cộng sản trong nhiều năm, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình nhận định :

"Đây là điều bình thường của nhà nước cộng sản Việt Nam. Một số cử tri họ đã lựa chọn ra, định hướng việc phát biểu của cử tri sau đó họ đăng lên. Đây là việc từ trước đến nay người ta đều làm như vậy sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, sau mỗi kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các vấn đề chính trị của đất nước".

Đồng quan điểm vừa nêu, nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên cho rằng trong những thập kỷ qua, hầu như tất cả những chuyện hệ trọng của quốc gia, mang tính buộc phải trưng cầu ý kiến người dân khắp nước thì chính quyền luôn gắn đuôi nhân dân vào để hợp thức hóa vấn đề.

"Lẽ ra người ta phải làm bằng những cuộc trưng cầu dân ý thực tế, đằng này người ta không làm vậy mà chỉ làm hình thức như vậy".

Vẫn theo Nhà hoạt động Đàm Ngọc Tuyên, những công tác tuyên truyền mang tính hình thức, được dàn dựng như vừa nêu hiện không còn tác dụng đối với xã hội hiện nay. Ông lý giải :

"Khi thời đại thông tin bùng nổ thì người ta chứng minh rất nhiều lần kể cả hình ảnh, tên tuổi của những người đó thì xoay qua xoay lại chỉ có bấy nhiêu cử tri đó được hỏi, phỏng vấn đề trả lời thôi".

Nhận xét về tình hình thực tế, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng người dân hiện chỉ lo làm ăn, không quan tâm lắm về vấn đề chính trị nhiều nên những thông tin từ bộ phận tuyên huấn, tuyên giáo, báo chí cũng chẳng ảnh hưởng gì. Ông nói tiếp :

"Còn người dân lấy thông tin từ thực tế cuộc sống, cộng đồng mạng, thông tin xác thực, còn những cái được tuyên truyền không ảnh hưởng gì nhiều đến người dân. Tất nhiên một số đối với hệ thống báo chí, hệ thống tuyên truyền vẫn nói nhưng người dân không quan tâm, mặc kệ".

Với kinh nghiệm cầm bút lâu năm, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng đối với nền báo chí của nhà nước cộng sản thì không bao giờ có tự do báo chí nên nó chỉ là phương tiện tuyên truyền của chế độ, của Đảng cũng như của nhà nước cộng sản.

"Những việc đó vẫn diễn ra thường xuyên vì bản thân bản chất gốc rễ là không có tự do nên những việc này chẳng ảnh hưởng nhiều vì có tự do đâu mà ảnh hưởng. Nếu nó có tự do thì khi anh làm những việc dối trá, những việc dàn dựng sẽ bị ảnh hưởng, không có tự do thì chẳng có vấn đề gì".

Trong khi đó, nhà hoạt động Phạm Ngọc Tuyên lại cho rằng nếu truyền thông Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đưa thông tin tuyên truyền như cách thức hiện nay sẽ tạo ra lỗ hổng rất lớn.

Theo ông Tuyên, người dân hoàn toàn không đồng ý với việc kiểm soát của đảng phái đang cai trị ở Việt Nam. Ông đưa ra dẫn chứng :

"Điều đó qua thực tế rất rõ như khi tiến hành thông qua Luật đặc khu chẳng hạn. Sau đó người dân khắp nước phản đối bằng hình thức biểu tình ôn hòa, lúc đó buộc chính quyền phải dừng lại. Người ta nói là từ từ xem lại và trưng cầu dân ý có nên tiến hành hay không nhưng người ta không hề làm.

Rõ ràng trừ Bắc Vân Phong, còn lại Vân Đồn và Phú Quốc đã hình thành một đặc khu mà không cần phải thông qua luật và cũng chẳng cần trưng cầu dân ý".

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Dự luật đặc khu được chính phủ Hà Nội soạn thảo vào năm 2018 đã gặp phải nhiều phản đối của người dân cả nước vào tháng 6 cùng năm.

Trong đó, ba địa phương trong danh sách là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, và Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa.

Hàng chục người dân tham gia vào cuộc biểu tình ôn hòa đã bị bắt giữ và tuyên án nặng nề sau đó.

Dưới sức ép từ phía dư luận, cuối năm đó, chính phủ Hà Nội quyết định dời lại việc bàn thảo về Dự luật này, tới nay vẫn chưa thông qua.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ Hà Nội đã cho Phú Quốc và Vân Đồn thành ‘khu kinh tế’ với mô hình ‘Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt’.

Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là cách thức mà lãnh đạo Việt Nam áp dụng để dự luật đặc khu được ‘lách’ thành công.

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người dân từ trước đến giờ chấp nhận sự lãnh đạo nhưng thực ra có rất nhiều cái bất công, cái xấu, cái ác của xã hội mà người ta không làm gì được.

"Người ta biết nhưng thấy rằng khả năng phản kháng của họ không giải quyết được nhiều, đây là người dân nói chung. Có những người đọc nhiều, tỉm hiểu rồi mở mang thì sẽ chuyển bước sang những người phản biện, đấu tranh…".

Dù vậy, thực tế cho thấy, những người có ý kiến phản biện, không đúng với đường lối đảng và nhà nước Việt Nam thường được quy kết là ‘phản động’ và bị xử với những mức án nặng nề.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 3/3, một cử tri phường Vĩnh Phúc tên Đặng Thị Mai Hòa, 61 tuổi, bên cạnh việc bày tỏ niềm tự hào và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng vào sự phát triển của đất nước, còn khẳng định Đại hội đã để lại nhiều dấu ấn và "không thế lực thù địch nào có thể chống phá".

Nguồn : RFA, 03/03/2021

*********************

Cúng dường qua ví điện tử : Chùa trọng tiền hơn đạo ?

Diễm Thi, RFA, 03/03/2021

Đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thử nghiệm cách cúng dường qua ví điện tử, một cách làm quá mới mẻ khiến nhiều người phản ứng. Người ta cho rằng đây là hình thức thương mại hóa chùa chiền, làm mất yếu tố tâm linh trong tôn giáo.

chua2

Một phụ nữ cầu nguyện tại chùa Tây Hồ, Hà Nội vào thời khắc giao thừa, ngày 11 tháng 2 năm 2021AFP

Cúng dường là dâng cúng các phẩm vật thiết yếu cho đức Phật và chư Tăng với lòng chân thành, cung kính. Mục đích cúng dường là để nuôi chư Tăng tu học, xây dựng chùa chiền, thỉnh tượng cúng chùa, đúc chuông, dâng hoa, trầm, hương, đèn, nến …

Cách cúng dường theo truyền thống xưa nay là đồng bào phật tử sẽ đến lễ chùa rồi bỏ tiền vào thùng công đức (thùng phước sương).

Thầy Thích Thiện Phúc, trụ trì Chùa An Cư ở Đà Nẵng nói với RFA :

"Công đức không căn cứ ở phẩm vật mà căn cứ ở sự thành tâm. Để giữ truyền thống tốt đẹp của một Phật tử cúng dường thì họ tự đem tới chùa họ cúng. Không nên cúng qua thẻ, qua tài khoản hay ví điện tử vì nó sẽ làm cho tâm bị chi phối và không còn cái giá trị nguyên bản của sự cúng dường trong nền tảng giáo dục của đạo Phật. Chưa bao giờ thầy thấy như thế cả".

Để hiểu thêm về cách cúng dường online mới mẻ này, RFA liên lạc với Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vào sáng ngày ba tháng Ba thì được thầy cho biết, tất cả ý kiến về việc này Thầy đã phát biểu và post hết lên Facebook mang tên Thầy, cứ lên đó mà lấy. RFA trích đăng một đoạn phát biểu của Thầy :

"Ban thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam áp dụng thử nghiệm trước Tết là sáu chùa. Trước rằm tháng Giêng thêm sáu chùa nữa là 12 chùa. Về phương diện kỹ thuật, bản thân tôi là người đã tới gần 30 quốc gia thuyết giảng cho cộng đồng Việt Nam thì tôi thấy đây là một tiện ích không thể thiếu, và đó là xu thế của toàn cầu.

Vấn đề thứ hai, một số người cho rằng giao dịch qua ví điện tử như vậy là mất yếu tố tâm linh, có thể tạo tiền đề cho thương mại hóa. Họ hiểu quá sai lầm…

Vấn đề thứ ba, tôi nêu cụ thể như Chùa Giác Ngộ của tôi, trên chánh điện chỉ có một thùng phước sương cho diện tích 300 mét vuông. Nhiều chùa diện tích to hơn nhiều mà chỉ có một hoặc hai thùng phước sương. Vào những ngày lễ lớn có hàng ngàn, hàng vạn người có thói quen bỏ tiền công đức vào thùng phước sương sau khi lễ Phật. Như thế sẽ mất bao nhiêu tiếng mới tới phiên mình ?

Nó mất rất nhiều thời gian và nhiều người muốn cúng họ không thể chờ được. Và phương tiện ví điện tử sẽ trở thành mô thức thực hiện giúp cho người muốn cúng dường tiết kiệm được thời gian và có độ chính xác cao".

cung0

Đồng bào Phật tử khấn nguyện tại chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội vào ngày 12 tháng 2 năm 2021, tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. AFP

Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện thử nghiệm cúng dường qua ví điện tử đối với các chùa : Phúc Khánh (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Phật Tích (Bắc Ninh), Đại Tuệ (Nghệ An).

Theo giải thích của Thượng tọa Thích Đức Thiện với truyền thông trong nước, việc cúng dường mà không cần tới chùa nhằm đáp ứng nhu cầu được cúng dường của người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời để các chùa dễ dàng minh bạch số tiền công đức mà chùa nhận qua việc cúng dường của người dân. Đây cũng là thử nghiệm để xác định một hướng mới trong tương lai cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động văn hóa, xã hội và tín ngưỡng.

Trong khi đó, một Phật tử từ Sài Gòn pháp danh Diệu Hạnh lại có quan điểm khác. Cô nói :

"Em sẽ không cúng online vì ai cũng có niềm tin, ai cũng có cái tâm hướng về Phật. Em vô chùa lễ Phật và bỏ tiền cúng vô thùng tam bảo để các thầy làm phụng sự trong chùa.

Em không cúng chùa bằng hình thức online chuyển tiền vào tài khoản cho chùa vì thực sư đó là số tài khoản của thầy trụ trì. Không phải tài khoản của chùa. Em chỉ bỏ vô thùng tam bảo tại chùa mà thôi". 

Điều cô Diệu Hạnh nói nhắc nhớ câu chuyện xảy ra với vị sư trụ trì chùa Nga Hoàng cách đây gần hai năm. Chỉ trong hơn 10 năm trụ trì, Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, đã có khối tài sản lên đến 300 tỷ do chính vị sư này công bố tại cuộc họp vào ngày 5 tháng 10 năm 2019 về việc xin xả giới, hoàn tục sau tai tiếng "gạ tình" phóng viên báo Phụ Nữ.

Việc đồng bào phật tử xưa nay đi chùa rồi cúng dường vào hòm công đức hay thùng phước sương là chuyện bình thường mà không ai phản đối hay phàn nàn. Đến năm 2020, đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều thứ trong xã hội, mà tôn giáo không là ngoại lệ.

Do đại dịch bùng phát, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những văn bản hướng dẫn cho các tăng ni phật tử, cơ sở tự viện lo việc chống dịch nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh theo văn hóa truyền thống của người Việt. Giáo hội đã thực hiện qua lễ cầu an và tụng kinh online. Từ đó dẫn tới việc cúng dường online.

Một số người không đồng tình với tính tâm linh ; một số người lo ngại thương mại hóa chùa chiền ; một số người quan ngại về khía cạnh pháp lý.

Luật sư Đặng Đình Mạnh có bài viết trên mạng xã hội liên quan vấn đề này và RFA đã được phép sử dụng một đoạn cho bài viết này :

"Về đạo lý xã hội, bằng việc cúng dường tam bảo, người cúng dường vốn thu hoạch được những lợi ích qua việc được truyền dạy đạo lý tốt đẹp làm người, nên thực hiện nghĩa vụ lương tâm "Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để đền đáp lại.

Với ý nghĩa đó, về pháp lý, việc cúng dường tam bảo là một hành vi ưng thuận kết ước Khế Ước Tặng Cho Tài Sản, là một loại khế ước đơn phương. Vì lẽ, khế ước chỉ phát sinh nghĩa vụ ở một bên mà thôi. Trong đó, bên cho là người cúng dường và bên nhận là đại diện cơ sở tôn giáo. Nghĩa vụ chỉ phát sinh đơn phương ở bên cho (tức bên cúng dường) là phải giao tài sản cho bên còn lại.

Hành vi giao nhận tài sản có thể trực tiếp trao tay, ghi vào sổ công đức hoặc phát hành chứng chỉ, chứng nhận công đức hay đặt tài sản cho vào thùng công đức (tức thùng phước sương). Là một khế ước đơn phương, nên bên nhận tài sản không có bất kỳ nghĩa vụ gì phải thi hành để đối ứng cho đối tác cả".

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc cúng dường qua ví điện tử mới chỉ là thử nghiệm ở 12 ngôi chùa. Đó là con số quá ít ỏi so với con số chùa, chiền… ở Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam năm 2020, Việt Nam hiện có hơn 4.600.000 tín đồ Phật giáo. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.500 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 03/03/2021

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt, Diễm Thi
Published in Diễn đàn