Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

I. Giới thiệu chương trình học                 

Đó là chương trình do Ban Tuyên giáo đưa ra, nhằm nâng cao nhận thức về lý luận chính trị và giáo dục đạo đức. Đối tượng học là đảng viên và cán bộ cơ sở của Đảng, cán bộ của Mặt trận cùng các đoàn thể và có thể mở rộng cho một số người dân.

hoc1

Chương trình học do ông Võ Văn Thưởng đề xuất cho các đảng viên và cán bộ cơ sở của Đảng, cán bộ của Mặt trận cùng các đoàn thể và có thể mở rộng cho một số người dân.

Nội dung gồm 6 vấn đề (Vấn đề : I, II… VI), mỗi vấn đề gồm một số chuyên đề (1 ; 2… 5)

Vấn đề I. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Chuyên đề 1. Cơ sở hình thành và phát triển Chủ nghĩa yêu nước.

Chuyên đề 2. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong lịch sử.

Chuyên đề 3. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Chuyên đề 4. Giáo dục Chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới.

Vấn đề II. Giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới

Chuyên đề 1. Đạo đức và vai trò của đạo đức.

Chuyên đề 2. Truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Chuyên đề 3. Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chuyên đề 4. Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Vấn đề III. Tư tưởng Hồ Chí Minh

Chuyên đề 1. Nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chuyên đề 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam.

Chuyên đề 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, nhà nước, đại đoàn kết.

Chuyên đề 4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, văn hóa, con người.

Chuyên đề 5. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng.

Vấn đề IV. Vấn để tôn giáo và chính sách tôn giáo

Chuyên đề 1. Tôn giáo trong đời sống xã hội.

Chuyên đề 2. Tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Chuyên đề 3. Chính sách tôn giáo của Đảng.

Chuyên đề 4. Đảng viên với tín ngưỡng và tôn giáo.

Vấn đề V. Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc

Chuyên đề 1. Vấn đề chung về dân tộc và quan hệ dân tộc.

Chuyên đề 2. Đặc điểm các dân tộc ở nước ta.

Chuyên đề 3. Công tác và chính sách dân tộc của Đảng.

Chuyên đề 4. Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng.

Vấn đề VI. Hội nhập quốc tế

Chuyên đề 1. Quan điểm, chủ trương về hội nhập quốc tế.

Chuyên đề 2. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Chuyên đề. Hội nhập quốc tế về văn hóa.

Chuyên đề 4. Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh.

Việc mở lớp học do các Huyện ủy, Quận ủy thực hiện. Mỗi chuyên đề được trình bày trong 1 buổi, ngoài ra còn thảo luận, liên hệ, tham quan, viết thu hoạch. Mỗi Vấn đề được học trong thời gian 3 đến 3,5 ngày, học viên được cấp Giấy chứng nhận.

Để chuẩn bị, Nhà xuất bản Chính trị phát hành 6 cuốn sách, ứng với 6 Vấn đề. Ban Tuyên giáo soạn và phổ biến, mỗi Vấn đề có 2 loại hướng dẫn : thực hiện chương trình và chi tiết các chuyên đề. Giảng viên do Ban Tuyên giáo cấp huyện đề xuất và cấp ủy quyết định.

II. Vài nhận xét về nội dung

Mới xem qua thấy rất phong phú, nhưng ít thích hợp với đối tượng. Phần lớn kiến thức ở các chuyên đề đầu là thuộc dạng hàn lâm, it phù hợp cho trình độ phổ thông hoặc quá chung chung. Trình bày những kiến thức đó mà không hấp dẫn thì chỉ làm người nghe thêm chán. Gần hết nội dung cơ bản của mỗi Vấn đề lại là những điều đã trở nên quá bình thường, nhiều học viên đã biết rõ từ trước, nay bị đặt vào thế "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Đó là chưa kể một số nội dung do suy luận, bị áp đặt, không phản ảnh thực tế khách quan. Bị nhồi nhét những nội dung như thế làm cho nhận thức bị chây lì, lệch lạc, xa rời chân lý.

Về vấn đề Chủ nghĩa yêu nước. Phải chăng tôn giáo đã thấy được tình cảnh đất nước có thể bị rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới nên đã đưa yêu nước lên thành chủ nghĩa. Tuy vậy không đề cập gì đến nguy cơ trước mắt mất dần biển đảo và chủ quyền vào tay Tàu phù. Hơn nữa một vài nội dung là yêu Đảng chứ không hẳn là yêu nước, là áp đặt, khó được chấp nhận.

Về vấn đề đạo đức. Chủ yếu viết chung chung, một vài nhận định chưa chính xác, chưa chỉ ra đúng nguyên nhân gốc của suy thoái đạo đức. Giáo dục đạo đức lại chủ yếu là đạo đức Hồ Chí Minh, trùng lặp qúa nhiều.

Về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyệt đại đa số dân Việt biết về Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua tuyên truyền một chiều, rằng ông không những là một lãnh tụ cách mạng mà còn là một vị thánh. Có thể điều đó là phù hợp với thời gian xa xưa trước đây, còn bây giờ, khi thông tin đa chiều đã khá phổ biến, khi nhiều bí mật đã được công khai, mà vẫn giữ cách tuyên truyền áp đặt như cũ, thì may ra chỉ có thể làm thỏa mãn một số ít người cuồng tín, còn đại đa số sẽ càng mất tin tưởng.

Về vấn đề tôn giáo. Bản chất của cộng sản là dị ứng với tôn giáo. Chấp nhận tự do tôn giáo chỉ là thế buộc phải làm. Trình bày tôn giáo theo quan điểm duy vật là khá xa rời bản chất tâm linh của nó. Vừa qua Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng và tôn giáo. Hội đồng Liên Tôn cho rằng Đảng đang đàn áp tôn giáo bằng cả luật pháp và hành động. Vậy nội dung của Vấn đề này ít phù hợp thực tế và khó thuyết phục được số đông có hiểu biết.

Về vấn để dân tộc. Viết nhiều về bình đẳng, về phát triển kinh tế, văn hóa, về sự quan tâm đến các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong lúc việc quan trọng và cấp thiết là sự hòa hợp dân tộc sau chiến tranh lại ít được bàn đến.

III. Vài điều bình luận

1. Nhận định chung

Thực trạng của đạo đức trong đảng đang suy thoái, có nguy cơ lớn đến sự tồn vong. Phải chăng tổ chức các lớp học như trên là cần thiết để cứu vớt sự tan rã về tư tưởng, sự yếu kém về nhận thức chính trị, để ngăn ngừa sự tự diễn biến trong nội bộ, để chống trả sự tấn công của các thế lực thù địch. Sự chuẩn bị là khá chu đáo. Thế thì tại sao dám có ý nghĩ là càng học càng bị tụt lùi.

Thưa rằng : Để việc dạy học làm phát triển và tích lũy được những phẩm chất tốt đẹp thì nội dung và phương pháp phải đúng, phù hợp, tiến bộ (hấp dẫn được càng tốt), người dạy và học đều có tinh thần say sưa và trách nhiệm cao. Nếu ngược lại, nội dung nhàm chán, lạc hậu hoặc không phù hợp thực tế, phương pháp áp đặt, gò bó, người dạy và học không say sưa, chỉ làm cho qua chuyện thì hiệu suất của dạy học rất thấp. Dạy và học như thế, với một số người, nói rằng càng học càng bị tụt lùi là còn nhẹ, nặng hơn là càng học càng lú lẫn, càng ngu muội, chỉ bị nhồi sọ hoặc tẩy não để trở thành công cụ và biết nói như vẹt. Kinh nghiệm hoạt động sư phạm hơn nửa thế kỷ qua cho tôi dự đoán về kết quả những lớp học nói trên như sau : Với Tuyên giáo và các tổ chức cơ sở của Đảng : Có được thành tích dổm để báo cáo và tuyên truyền. Với người học, phần lớn càng học càng xa rời thực tế và Chân, Thiện, Mỹ. Với xã hội, tạo ra sự lãng phí đáng kể.

2. Nhu cầu của việc học

Ban tôn giáo thấy rất cần mở các lớp học, nhưng liệu đảng viên và cán bộ cơ sở có thấy được, cảm nhận được đó là nhu cầu bức thiết không, hay là họ bị bắt đi học. Nếu học viên không có nhu cầu, không hứng thú, bị bắt buộc thì tại sao tôn giáo lại mở lớp. Ấy là vì duy ý chí, xa rời thực tế, thiếu trí tuệ / thiếu dũng khí để đánh giá đúng nguyên nhân gốc gây ra tình trạng suy thoái. Họ tưởng nhầm sự suy thoái chủ yếu do làm kém công tác tư tưởng mà không biết rằng chính vì Đảng đã phạm nhiều sai lầm.Trong những năm đầu của cách mạng, của chế độ, những lớp học chính trị như kể trên là đáng mong đợi, những cuộc chỉnh huấn là có tác dụng lớn về cải tạo tư tưởng, nhưng hiện nay không còn phù hợp. Hiện nay vẫn phải động viên tinh thần, vẫn phải làm công tác tư tưởng, nhưng phải tìm cách làm khác có hiệu quả. Tình hình đã thay đổi nhiều mà vẫn giữ cách làm không thích hợp thì chỉ có thất bại. Cuối đợt học thế nào chẳng có viết thu hoạch, có đánh giá kết quả. Chưa mở lớp cũng đã biết trước kết quả tốt đẹp. Liệu trong những thu hoạch, những đánh giá như vậy có bao nhiều phần là bịa đặt, dối trá.

3. Sự lãng phí

Khi huy động hết tất cả các đối tượng cần học theo quy định của tôn giáo thì số học viên là vài triệu. Nếu mỗi người đều học cả 6 Vấn đề thì phải mất nhiều chục triệu ngày công, tính thành tiền vào khoảng nhiều ngàn tỷ đồng, đó là chưa kể công sức và tiền của để chuẩn bị và phục vụ cho các lớp học. Khi bỏ ra công sức và tiền của lớn mà thu được kết quả mỹ mãn, làm cho tình trạng trở nên tốt hơn, có chuyển biến tích cực thì quá xứng đáng đồng tiến bát gạo. Nhưng như đã phân tích, các lớp học chỉ nặng về hình thức để tạo thành tích dổm, thế thì lợi bất cập hại là rõ ràng.

IV. Vài đề nghị

1. Nên làm cách khác

Để nâng cao tinh thần yêu nước, chấn hưng đạo đức, hòa hợp dân tộc và tôn giáo thì nên tìm cách làm khác có hiệu quả hơn là tổ chức các lớp học như trên. Sẽ vô ích và phản tác dụng khi một mặt dạy Chủ nghĩa yêu nước, mặt khác ngăn cản kỷ niệm các chiến sĩ hy sinh ở Vị Xuyên, ở Hoàng Sa, khủng bố người yêu nước dám thể hiện bất đồng quan điểm, khi một mặt kêu gọi đoàn kết lương giáo, mặt khác tổ chức ra Hội Cờ đỏ để quậy phá các Linh mục và giáo dân, khi một mặt nêu cao HTQT, mặt khác tổ chức mật vụ đến nước khác bắt người bất chấp luật pháp quốc tế v.v…

2. Nên học thứ khác

Đó là học kiến thức về nhân quyền, về tự do và dân chủ, về luật pháp, về cách người dân chống lại áp bức cường quyền, chống lại các oan sai, về đạo lý làm người lương thiện v.v…. Những điều này cơ bản được dạy trong các nhà trường, nhưng chưa đủ. Khi tôn giáo không thể hoặc không muốn dạy những thứ này thì hãy để cho các cá nhân, các tổ chức dân sự được tự do mở lớp. Vào Google và trên các trang mạng sẽ tìm được khá nhiều bài giảng rất hay.

3. Nên chấp nhận và tổ chức đối thoại

Tháng 5/2017 ông Võ Văn Thưởng đề xuất việc đối thoại giữa tôn giáo với những người bất đồng chính kiến để cùng nhau tiếp cận chân lý. Có tiếp cận được nó thì mới đề xuất được việc làm đúng, còn nhận thức sai thì càng tích cực bao nhiêu càng xa rời Chân Thiện Mỹ bấy nhiêu. Một số nội dung của 6 Vấn đề trên đây là không tiếp cận mà xa rời chân lý. Đã có một số người, trong đó có tôi, từng yêu cầu được đối thoại với Ban tôn giáo, với Hội đồng lý luận nhưng chưa được chấp nhận. Ban tôn giáo nên nghiên cứu để chấp nhận càng sớm càng tốt.

Nguyễn Đình Cống

Nguồn : Tiếng Dân, 08/01/2018

Published in Diễn đàn