Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 20 septembre 2022 19:59

Chạy án tham nhũng

Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức…

chayan1

Tịch thu số tiền 2,67 triệu USD dùng "chạy án" cho Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức - Ảnh minh họa Sáu bị cáo nghe Hội đồng Xét xử tuyên án. Ảnh: AD

"Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định" – trích Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Nhẫn một chút sóng yên gió lặng…

Lập luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện ; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Vẫn theo quan điểm của Tổng bí thư, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì sau khi bị kỷ luật việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm sẽ theo định hướng như sau : Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau : Đối với trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm : Cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.

Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên : Cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như nêu trên.

Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.

Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Khác nào chạy án tham nhũng

Nhận xét về nội dung trên của Bộ Chính trị, có thể thấy đây là "căn cứ pháp lý" cho chuyện chạy án tham nhũng, với 3 cấp độ như sau ở trước mắt và trong tương lai :

Cấp độ 1, là sự tác động vào tư tưởng, quan điểm, chủ trương, chính sách. Cấp độ này thường được ghi nhận trong các nghị quyết, văn kiện chính trị, làm căn cứ cho việc ban hành hệ thống pháp luật, thể chế vận hành…

Cấp độ 2, là sự mua bán, tác động vào quá trình dự thảo, ban hành và cơ chế điều hành, áp dụng pháp luật. Cấp độ này gồm các bậc như sau : Ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội ; nghị quyết, nghị định của chính phủ ; nghị quyết, văn bản phối hợp của các cơ quan tư pháp tối cao như tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Cấp độ 3, là sự tác động và trực tiếp áp dụng của hệ thống cơ quan tư pháp toà án, viện kiểm sát…

Trong quá trình "chạy án" này, có lẽ "ăn dày" và đều đặn nhất là cấp độ 2. Còn cấp độ 3 chỉ "ăn" những vụ việc lẻ khi đối tượng có rất nhiều tiền và có thế lực lớn bảo kê.

Hiện tại có khá nhiều biểu hiện "chạy án" trên thực tế. Đặc biệt là các biểu hiện của cấp độ 1 và 2 nhằm có hệ thống pháp luật và cơ chế áp dụng hoàn toàn có lợi cho các tập đoàn và các nhóm lợi ích, quan tham cao cấp cấp bộ : bộ trưởng, thứ trưởng và cấp tỉnh : Bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch…

Tin tức liên quan vấn đề nêu trên : Sáng 19-9-2022, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Trần Cẩm Tú – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Tóm tắt bảng tin trên, có nghĩa là, "Phải chống tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng" ( ? !)

Thanh Bình

Nguồn : VNTB, 20/09/2022

Published in Diễn đàn