Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pakistan : Nạn nhân của trò chơi hai mặt với Taliban ?

Trọng Thành, RFI, 20/08/2021

Hoa Kỳ rút lui, chính quyền thân Mỹ sụp đổ, Taliban chiếm Kabul. Các quốc gia nào sẵn sàng kết giao với những ông chủ mới của Kabul ? Nếu như Trung Quốc sẵn sàng thiếp lập quan hệ ngoại giao với chế độ Hồi giáo, thì Pakistan tỏ ra rất dè dặt. Vì sao Pakistan, quốc gia từng mang lại các hậu thuẫn quan trọng và lâu dài cho Taliban lại thận trọng trước các ông chủ mới ở Kabul ?

pakistan1

Người Pakistan, với cờ của Taliban, đứng đón một người vừa được thả ra khỏi nhà tù và được đưa về cửa khẩu Hữu Nghị ở tỉnh Chaman (Pakstan) giáp giới với Afghanistan ngày 17/08/2021.  Reuters - Stringer

Theo nhiều nhà quan sát, trong chiến thắng vừa qua của lực lượng Taliban tại Afghanistan, không thể bỏ qua vai trò đáng kể của Pakistan. Trong số các quốc gia láng giềng, Pakistan đã can dự vào Afghanistan nhiều nhất. Islamabad bắt đầu hậu thuẫn lực lượng Taliban ít lâu sau khi phong trào Hồi giáo thành lập năm 1994. Vũ khí, nhiên liệu và kể cả chiến binh đã được cung cấp cho Taliban trong cuộc nội chiến chống lại Liên Minh Phương Bắc. Ngay sau khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001, Islamabad đã dành cho tàn quân Taliban hậu phương vững chắc trên lãnh thổ nước này. Cũng như trong giai đoạn trước, chính quyền Pakistan tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của Taliban, đặc biệt thông qua cơ quan tình báo quốc gia (ISI), kể cả đưa người chiến đấu trong hàng ngũ Taliban. Chính quyền Islamabad cũng đóng vai trò quyết định trong môi giới đàm phán giữa Taliban và chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump tại Qatar.

Hai lý do khiến Pakistan giúp Taliban 

Có hai lý chính khiến Islamabad hậu thuẫn Taliban. Lý do thứ nhất là nhằm đối trọng lại với ảnh hưởng của Ấn Độ. Một chính quyền Afghanistan thân Ấn Độ ở phía Bắc sẽ đặt Pakistan trong thế gọng kìm.

Lý do thứ hai là phong trào đòi độc lập của người Pachtoun, sắc tộc chiếm 15% dân số Pakistan, với khoảng 40 triệu người, sống sát vùng biên giới Afghanistan. Pachtoun cũng là sắc tộc đa số ở Afghanistan với gần 14 triệu dân, chiếm khoảng 40% dân số. Chính quyền Islamabad coi sự đoàn kết của những người Pachtoun ở hai bên biên giới là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tính toán của Islamabad là một mũi tên nhắm hai mục đích : việc hậu thuẫn phong trào Taliban thuộc sắc tộc Pachtoun cho phép Pakistan giành được lợi thế chiến lược với Ấn Độ.

Thúc đẩy ý thức hệ Hồi giáo, ý thức hệ Taliban, trong cộng đồng người Pachtoun, nhằm xóa mờ tình cảm sắc tộc ở người Pachtoun là chủ trương của Islamabad. Tuy nhiên, bởi lực lượng Taliban không thuần nhất, mà thái độ của Pakistan với Taliban cũng mang tính hai mặt. Islamabad phân biệt hai loại Taliban, "Taliban tốt" với "Taliban xấu", theo diễn đạt của nhà báo Kunwar Khuldune Shahid, thông tín viên của The Diplomat tại Pakistan. "Taliban tốt" là lực lượng Taliban chiến đấu vì các mục tiêu có lợi cho các lợi ích chiến lược của Pakistan. "Taliban xấu" cũng là những người theo cùng ý thức hệ Hồi giáo này, nhưng bị coi là "xấu", vì là những thành phần khủng bố tấn công Pakistan. Thái độ mang tính hai mặt với phong trào Taliban của Islamabad được duy trì chừng nào phe Taliban chưa chiếm được chính quyền.

Hành động bất ngờ của ông chủ mới 

Ngay khi Taliban chiếm được Kabul, tình thế đã thay đổi. Taliban mở cửa nhà tù, trả tự do 2.300 thành phần cốt cán của phong trào Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), tức lực lượng "Taliban Pakistan", phe Taliban mà chính quyền Islamabad vốn coi như kẻ thù. Chỉ ít ngày sau khi vào thủ đô Kabul, theo nhiều nguồn tin khu vực, phe Taliban Hồi giáo đã sớm tiếp xúc với chính quyền New Delhi, khẳng định vấn đề vùng lãnh thổ tranh chấp lâu đời Cachemire, giữa Ấn Độ và Pakistan theo đạo Hồi là chuyện "nội bộ và song phương" giữa hai nước.

Nỗ lực biến Taliban thành một thế lực chư hầu của Pakistan bất thành. Không những thế, nỗi lo khủng bố do các lực lượng Taliban Pakistan tiến hành đang ngày càng trở thành nguy cơ nhãn tiền. Theo một số thông tin báo chí tại chỗ, trong những tuần gần đây, đã xảy ra một số cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng quân đội Pakistan, với tác giả không ai khác hơn là phong trào TTP, đang được thêm vây, thêm cánh với đà chiến thắng của Taliban tại Afghanistan.

Islamabad phản ứng dè dặt 

Thắng lợi của Taliban tại Afghanistan đặt Pakistan trước hàng loạt áp lực, từ đe dọa khủng bố đến làn sóng tị nạn tràn qua đường biên giới dài khoảng 2.400 km giữa hai nước, thêm vào khoảng 3 triệu người Afghanistan tị nạn trong nước sẵn có. Chưa kể việc Islamabad có nguy cơ bị kẹp giữa một bên là lực lượng Taliban đã "vượt tầm kiểm soát" và bên kia là các đòi hỏi từ phía quốc tế buộc Pakistan phải có trách nhiệm chi phối thế lực vốn vẫn được coi là đồng minh, như nhận xét của cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani trên trang mạng Thụy Sĩ Le Temps.

Phản ứng của chính quyền Islamabad trước thắng lợi của Taliban đầy tương phản. Hôm thứ Hai, 16/08, một ngày sau khi Taliban tiến vào Kabul, tổng thống Pakistan Imran Khan ca ngợi "người dân Afghanistan đã phá bỏ được xiềng xích nô lệ". Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, 17/08, bộ trưởng Nội Vụ Pakistan, Rashid Ahmed, cảnh báo với đầy lo ngại : "Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền Afghanistan sẽ không cho phép lãnh thổ nước mình được sử dụng để chống lại Pakistan".

Thế cờ đảo ngược

Thắng lợi của Taliban tại Afghanistan có thể khiến Pakistan phải trả giá rất đắt. Trò chơi hai mặt của Pakistan với Taliban, cũng như với Hoa Kỳ trong hơn 20 năm gần đây, đang để lại những hậu quả khó lường với cường quốc Hồi giáo Nam Á này. Nhà báo Kunwar Khuldune Shahid của The Diplomat, trong bài phân tích mang tựa đề "Taliban sử dụng Pakistan như thế nào", dự đoán phe Taliban có thể sử dụng đúng sách lược hai mặt để xử sự với chính quyền Pakistan. Cũng có nghĩa là sẽ có "Pakistan tốt" và "Pakistan xấu". "Pakistan tốt" gồm những ai giúp Taliban đối phó với phương Tây, như Islamabad đã làm, còn từ giờ trở đi sẽ có thêm "Pakistan xấu", gồm những ai bắt buộc Taliban phải có nghĩa vụ với Pakistan về mặt địa chính trị hay ý thức hệ.

Theo nhà báo của The Diplomat, Pakistan không chỉ bị nạn khủng bố thánh chiến từ Afghanistan đe dọa, mà bản thân hệ thống chính trị của Pakistan – vốn đã bị cuốn sâu vào cuộc xung đột Afghanistan – sẽ tiếp tục chịu thêm những ảnh hưởng của tư tưởng Hồi giáo cực đoan Taliban. Tình hình sẽ càng tồi tệ hơn với xã hội Pakistan trong bối cảnh sự chi phối của Trung Quốc ngày càng thêm mạnh tại quốc gia này. Trong tương lai, không loại trừ sẽ là Taliban và Trung Quốc thỏa thuận về nhiều vấn đề liên quan đến Pakistan.

Trọng Thành

*******************

Taliban truy lùng những người từng cộng tác với quân đội Mỹ

Trọng Thành, RFI, 20/08/2021

Phe nổi dậy vừa chiếm được Kabul, thủ đô Afghanistan, hứa hẹn sẽ không trả thù các đối thủ cũ. Tuy nhiên, theo một báo cáo của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trái ngược với các hứa hẹn, trên thực tế, Taliban đang ráo riết truy lùng những ai đã cộng tác với quân đội Hoa Kỳ và NATO.

pakistan2

Chiến binh Taliban chận xét xe hơi trên đường phố Kabul, thủ đô Afghanistan, ngày 16/08/2021.  Reuters - Stringer

Theo bản báo cáo mật của nhóm chuyên gia đánh giá các nguy cơ của Liên Hiệp Quốc, mà AFP tham khảo được, quân Taliban có "một số danh sách ưu tiên" những người cần bắt. Những người có nguy cơ bị bắt hàng đầu là các chỉ huy quân đội Afghanistan, chỉ huy cảnh sát cũng như những người làm việc cho các cơ quan tình báo.

Bản báo cáo ghi ngày thứ Tư 18/08, do Trung Tâm Phân Tích Toàn Cầu Na Uy (Norwegian Center for Global Analyses - NCGA) cung cấp. NCGA có sứ mạng chuyên cung cấp tin tức tình báo cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực đặc biệt này.

Báo cáo cho biết cụ thể là để truy lùng những người cộng tác với quân đội Mỹ, Taliban đã thiết lập nhiều điểm kiểm soát tại các thành phố lớn, bao gồm thủ đô Kabul. Trả lời AFP, giám đốc của Norwegian Center for Global Analyses, Christian Nellemann, nói rõ là Taliban đang "nhắm vào các gia đình những người cộng tác với Mỹ không chịu ra đầu thú". Các công dân Afghanistan từng làm việc cho các nước phương Tây, cùng thân nhân họ "có nguy cơ bị trừng phạt theo Luật Hồi giáo (Charia)", "bị tra tấn, hành quyết".

Theo lãnh đạo trung tâm NCGA, với chiến dịch nói trên của Taliban đe dọa xóa sổ toàn bộ hệ thống cung cấp tin tức tình báo cho phương Tây, không chỉ là về các hoạt động của Taliban, mà cả "về Daech, hay các đe dọa khủng bố khác trong tương lai".

Từ khi chiếm được chính quyền, phe Taliban đã mở một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn để tranh thủ tình cảm của dân chúng, hứa hẹn ân xá toàn bộ cho những ai từng làm việc với chính quyền dân cử Afghanistan. Tuy nhiên, người dân Afghanistan nhất là phụ nữ và các cộng đồng thiểu số đều không quên những hành động tàn bạo của chế độ Hồi giáo toàn thống do Taliban thiết lập trong thời gian nắm quyền từ 1996 đến 2001.

Bắn chết thân nhân một nhà báo làm việc cho đài phát thanh Đức

Thân nhân một nhà báo làm việc cho đài truyền thanh Deutsche Welle (DW) bị bắn chết, trong lúc Taliban truy lùng người phóng viên này. Đài DW cho biết tin này hôm nay. DW không cho biết danh tính người phóng viên mà Taliban tìm kiếm, hiện đã có mặt tại Đức. Nhiều thân nhân của phóng viên này đã kịp thời trốn thoát, khi quân Taliban gõ cửa tìm bắt.

Tổng giám đốc của DW, Peter Limbourg, ra thông cáo lên án vụ sát hại xảy ra vào ngày hôm qua, 19/08, cho thấy của các nhân viên của đài, cùng các thân nhân của họ tại Afghanistan đang gặp nguy hiểm cao độ. Theo lãnh đạo DW, rõ ràng Taliban đang truy bắt các nhà báo tại Kabul và nhiều nơi khác. Ít nhất gia đình của ba nhà báo đã bị quân Taliban ập vào nhà. Nhà báo Nematullah Hemat làm việc cho đài truyền hình Ghargasht TV bị Taliban bắt, và người phụ trách đài Paktia Ghag bị giết hại, theo tổng giám đốc của DW.

Sau khi chiếm được Kabul và gần như toàn bộ đất nước, Taliban bảo đảm sẽ tôn trọng tự do báo chí.

Trọng Thành

********************

Chiến lợi phẩm để lại cho Taliban, một mối đau đầu khác cho Mỹ

Trọng Nghĩa, RFI, 20/08/2021

Sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng chính phủ Afghanistan, hầu như chỉ tháo chạy trước đà tiến của Taliban đã khiến cho một khối lượng vũ khí khổng lồ mà Mỹ trang bị cho quân đội nước này rơi vào tay phiến quân Hồi giáo. Chính cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan ngày 17/08/2021 đã thừa nhận rằng một số lượng vũ khí "khá lớn" của Mỹ đã rơi vào tay lực lượng Taliban. Thực tế này đã làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ vũ khí tối tân của Mỹ bị các nhóm khủng bố sử dụng hoặc bị Taliban giao cho Trung Quốc hay Nga.

pakistan3

Chiến binh Taliban chiếm được một chiếc xe thiết giáp Humvee do Mỹ chế tạo mà lực lượng chính phủ Afghnistan bỏ lại tại Herat (Afganistan) ngày 13/08/2021 - AFP

Hãng tin Anh Reuters ngày 19/08 đã nhắc lại một số sự kiện rất mỉa mai : Chỉ cách nay khoảng một tháng, Bộ Quốc phòng Afghanistan đã đăng trên mạng xã hội những bức ảnh chụp 7 chiếc trực thăng mới tinh vừa được Hoa Kỳ chuyển đến Kabul. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin vài hôm sau đã khoe với báo chí rằng Afghnistan "sẽ tiếp tục chứng kiến nhịp độ dồn dập" của viện trợ quân sự Mỹ.

Thế nhưng, chỉ trong vài tuần, Taliban đã chiếm được hầu hết lãnh thổ Afghanistan cũng như mọi loại vũ khí và thiết bị quân sự mà quân đội Afghanistan đã bỏ lại khi tháo chạy.

Nhiều đoạn video lưu hành trên mạng cho thấy phiến quân đang kiểm tra hàng dãy xe cơ giới và mở các thùng đựng nào là súng, nào là thiết bị liên lạc, thậm chí cả máy bay quân sự không người lái.

28 tỷ đô la vũ khí, từ Humvee đến Black Hawk

Trả lời Reuters, một quan chức Mỹ cho biết là mặc dù chưa có số chính xác, nhưng các thông tin tình báo hiện tại ước lượng là Taliban đang nắm trong tay hơn 2.000 xe thiết giáp, trong đó có loại Humvee hiện đại của Mỹ, và đến 40 phi cơ bao gồm loại trực thăng UH-60 Black Hawk, trực thăng trinh sát tấn công và máy bay quân sự không người lái ScanEagle.

Từ năm 2002 đến 2017, Hoa Kỳ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan ước tính 28 tỷ đô la vũ khí, bao gồm súng, tên lửa, kính nhìn ban đêm và thậm chí cả máy bay không người lái nhỏ để thu thập thông tin tình báo.

Trực thăng Black Hawk là dấu hiệu dễ thấy nhất về hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ và được cho là lợi thế lớn nhất của quân đội Afghanistan trước Taliban. Theo cơ quan chính phủ Mỹ GAO, từ năm 2003 đến năm 2016, Hoa Kỳ đã cung cấp cho các lực lượng Afghanistan 208 máy bay các loại.

Vào tuần trước, theo một quan chức Mỹ, có khoảng từ 40 đến 50 máy bay do các phi công Afghanistan điều khiển đã bay qua Uzbekistan để tìm nơi ẩn náu. Ngoài ra một số khác đã được đưa về Mỹ để đươc bảo trì. Một số đã bảo trì xong và đang trên đường qua Afghanistan sẽ được quân đội Hoa Kỳ sử dụng vào chiến dịch di tản khỏi Kabul.

Vũ khí Mỹ trong tay Taliban : Mối đe dọa cho Mỹ và đồng minh

Các quan chức Mỹ đương nhiệm hay cựu quan chức đều đã lo ngại trước nguy cơ các loại vũ khí này có thể được Taliban sử dụng để giết dân thường, hay là bị các nhóm chiến binh khác như tổ chức Nhà Nước Hồi giáo chiếm giữ để tấn công vào các lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực.

Trả lời Reuters bằng email, dân biểu đảng Cộng Hòa Michael McCaul thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ cho biết : "Chúng tôi đã thấy chiến binh Taliban dùng vũ khí do Mỹ sản xuất mà họ chiếm được từ tay lực lượng Afghanistan. Điều này gây ra mối đe dọa đáng kể đối với Mỹ và các đồng minh".

Chính quyền của tổng thống Joe Biden đang cân nhắc một số phương án đối phó trong đó có việc tấn công phá hủy các loại thiết bị lớn, chẳng hạn như máy bay trực thăng. Tuy nhiên khả năng này tạo ra lo ngại là điều đó sẽ chọc giận phe Taliban vào thời điểm và mục tiêu chính của Hoa Kỳ là sơ tán người của mình ra khỏi Afghanistan.

Các quan chức Mỹ tuy nhiên nói rằng mặc dù họ lo ngại về việc Taliban có thể sử dụng trực thăng, nhưng loại phương tiện này đòi hỏi phải được bảo trì thường xuyên và nhiều loại không thể dùng được nếu không được đào tạo chuyên sâu.

Nguy cơ đến từ khối lượng vũ khí cá nhân khổng lồ dễ sử dụng

Tuy vậy có một mối lo ngại trước mắt về một số vũ khí và thiết bị dễ sử dụng hơn, chẳng hạn như vũ khí hạng nhẹ và các thiết bị như kính nhìn ban đêm.

Kể từ năm 2003, Hoa Kỳ đã cung cấp cho lực lượng Afghanistan ít nhất 600.000 vũ khí dùng cho bộ binh, bao gồm súng trường tấn công M16, 162.000 thiết bị liên lạc và 16.000 thiết bị kính nhìn ban đêm.

Một số chuyên gia cho rằng các loại súng mà Taliban chiếm được như đại liên, súng cối, cũng như các loại pháo bao gồm cả pháo tự hành, có thể mang lại lợi thế cho Taliban khi phải đánh vào các thành trì nổi tiếng là chống Taliban trong lịch sử như vùng Thung lũng Panshir ở phía đông bắc Kabul.

Theo trang mạng thông tin The Hill ngày 19/08, Elias Yousif, phó giám đốc Trung Tâm Chính Sách Quốc tế (Center for International Policy’s Security Assistance Monitor), đặc biệt lo ngại trước khối lượng vũ khí cá nhân khổng lồ mà Taliban tịch thu được.

Trả lời phóng viên của The Hill, ông Yousif giải thích : "Chúng dễ bảo trì, dễ sử dụng, dễ vận chuyển. Điều đáng lo trong trường hợp các loại vũ khí nhẹ này là chúng là mặt hàng lâu bền và dễ chuyển nhượng hay bán đi. Chúng tôi đã thấy điều này trước đây mỗi khi một cuộc xung đột kết thúc và những vũ khí đã dùng ở đó được đưa đến mọi nơi trên thế giới".

Theo tạp chí Mỹ Politico ngày 19/08, Colin Clarke, giám đốc chính sách và nghiên cứu của The Soufan Group cho biết : "Tôi tin chắc rằng một số vũ khí sẽ rơi vào tay Al Qaeda và những thành phần xấu khác, đây là điều không thể tránh khỏi". Nguy cơ này lại càng cao khi lực lượng Taliban đang rất cần tiền để có thể điều hành đất nước Afghanistan.

Taliban sẽ cho Trung Quốc tiếp cận vũ khí Mỹ ?

Một trong những mối lo ngại khác được gợi lên là nguy cơ Taliban chia sẻ thiết bị quân sự Mỹ mà họ tịch thu được với các quốc gia đối thủ của Hoa Kỳ như Trung Quốc, nước bị tình nghi là đã từng đánh cắp công nghệ vũ khí của Mỹ.

Andrew Small, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, cho biết Taliban có khả năng cho Bắc Kinh quyền tiếp cận bất kỳ vũ khí nào của Hoa Kỳ mà họ nắm được trong tay.

Tuy nhiên, theo Reuters, một quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc có lẽ không cần đến điều này vì Bắc Kinh có thể đã tiếp cận được các loại vũ khí và thiết bị từ trước.

Tướng Lục Quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Joseph Votel, người từng giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Afghanistan khi còn là Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Trung Tâm Hoa Kỳ CentCom từ năm 2016 đến năm 2019, cho biết là hầu hết các thiết bị cao cấp lọt vào tay Taliban, bao gồm cả máy bay, đều không được trang bị công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ.

Theo ông Votel : "Trong một số trường hợp, nhiều loại vũ khí chỉ là chiến lợi phẩm để trưng bày mà thôi".

Trọng Nghĩa

********************

Biểu tình chống Taliban, con trai Massoud kêu gọi kháng chiến

Thanh Phương, RFI, 20/08/2021

Hôm 19/08/2021, đã nổ ra các cuộc biểu tình chống Taliban tại Afghanistan, trong khi đó con trai của cố tư lệnh Massoud kêu gọi kháng chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan.

pakistan4

Dân chúng biểu tình, mang theo quốc kỳ Afghanistan nhân ngày Độc Lập (Quốc Khánh) tại Kabul (Afghanistan) ngày 19/08/2021.  Reuters - Stringer .

Theo hãng tin AFP, hôm qua, tại Asadabad (miền đông Afghanistan) và ở nhiều nơi tại thủ đô Kabul, nhân kỷ niệm 102 năm Afghanistan độc lập, người dân đã xuống đường với lá quốc kỳ đen, đỏ và xanh, thay vì lá cờ màu trắng và đen mà phe Taliban yêu cầu treo trên các công thự sau khi giành chính quyền ngày 15/08.

Tại Kabul, một nhóm biểu tình nhỏ khi tuần hành đã gặp một xe chở chiến binh Taliban, nhưng các chiến binh này sau đó đi tiếp mà không cản trở cuộc biểu tình. Một người trong đoàn biểu tình đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chận việc "phá hủy 20 năm tiến bộ". Một cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra ở thành phố Asadabad và đã bị giải tán với những tiếng súng.

Trong khi đó, cùng với cựu phó tổng thống Amrullah Saleh, con trai của cố tư lệnh Masoud, Ahmad Massoud hôm qua đã kêu gọi người dân Afghanistan tham gia kháng chiến chống Taliban, tuyên bố "sẵn sàng đi theo vết chân của cha". Ahmed Shah Massoud là một tư lệnh nổi tiếng, từng chỉ huy lực lượng chống quân Liên Xô, rồi sau đó chống quân Taliban. Ông đã bị tổ chức khủng bố Al Qaida ám sát ngày 09/09/2001.

Phát biểu tại vùng thung lũng Panchir (tây bắc Kabul), vùng duy nhất mà phe Hồi giáo cực đoan chưa kiểm soát được, Ahmad Massoud khẳng định có rất nhiều quân nhân " bất mãn vì chỉ huy của họ đã đầu hàng" đã gia nhập hàng ngũ của ông. Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post, con trai cố tư lệnh Massoud kêu gọi Hoa Kỳ cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân kháng chiến.

Về phần cựu phó tổng thống Afghanistan Saleh, ông đã tuyên bố sẽ không quy phục phe Taliban và đã lui về cố thủ ở vùng thung lũng Panchir.

Tại một cuộc họp báo ở Moskva hôm qua, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng ghi nhận là cuộc kháng chiến chống Taliban đang được tổ chức tại vùng thung lũng Panchir, dưới sự chỉ huy của cựu phó tổng thống Saleh và con trai của cố tư lệnh Massoud.

Ông Lavrov khẳng định "Taliban không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan". Ngoại trưởng Nga kêu gọi mở các cuộc đàm phán để lập một chính phủ thật sự đại diện cho mọi thành phần ở Afghanistan.

Emmanuel Macron : Quốc tế cần hợp tác chặt chẽ về Afghanistan

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua 19/08 đã nhấn mạnh về việc quốc tế cần phải "hợp tác chặt chẽ" trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Afghanistan, trong một loạt cuộc điện thoại lần lượt với các đồng nhiệm Mỹ, Nga và Ý. 

Trong các cuộc nói chuyện trên, ông Macron nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải có phối hợp đồng bộ trong các nước đồng minh tại hiện trường để giúp di tản kiều dân của nước mình và những người Afghanistan đã làm việc cho đồng minh, và cả những người bị đe dọa.

Tổng thống Mỹ Biden và ông Macron nhất trí tăng cường hành động chung trong lĩnh vực nhân đạo, chính trị và chống khủng bố trong những ngày tới, đặc biệt trong khuôn khổ G7.

Trước đó trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga Putin, kéo dài 1giờ 30 phút, tổng thống Pháp đề cập nhiều đến Taliban. Lãnh đạo Pháp và Nga đồng ý sẽ phối hợp chặt chẽ trong những ngày và tuần lễ sắp tới trên phương diện song phương cũng như khuôn khổ Hội Đồng Bảo An về nhưng vấn đề liên quan đến Taliban.

Thanh Phương

*********************

Hàng ngàn thường dân vẫn kẹt lại ở sân bay Kabul

Thanh Phương, RFI, 20/08/2021

Hàng ngàn người dân Afghanistan vẫn tuyệt vọng tìm một chuyến bay để trốn khỏi nước, nhưng đang bị kẹt giữa các chốt kiểm soát của Taliban và các hàng rào mà quân đội Mỹ dựng lên ở sân bay quốc tế Kabul. Theo những thông tin trên các mạng xã hội mà hiện chưa được kiểm chứng, nhiều người đã bị chết khi quân Mỹ và quân Taliban cố kềm chế đám đông tuyệt vọng này.

pakistan5

Người dân Afghanistan tìm mọi cách để vào phi trường quốc tế Hamid Karzai tại Kabul, thủ đô Afghanistan, ngày 16/08/2021.  Reuters - Stringer

Nhiều người dân Afghanistan cũng đang đứng đợi bên ngoài các đại sứ quán ở Kabul để xin được di tản, nhưng họ không được vào các sứ quán này.

Nhóm G7 và nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc, cũng như bộ Ngoại Giao Mỹ đã kêu gọi phe Taliban để cho toàn bộ những người Afghanistan và người ngoại quốc muốn rời khỏi nước được ra đi một cách an toàn.

Trong khi đó, phương Tây tiếp tục chiến dịch di tản. Chiếc máy bay thứ ba của Pháp chở theo khoảng 200 người di tản từ Kabul đã hạ cánh xuống Paris hôm qua, trong khuôn khổ một cầu không vận được thiết lập kể từ khi phe Taliban giành chính quyền. Theo AFP, những người cần di tản đã được lính Pháp tháp tùng từ đại sứ quán Pháp ở Kabul đến sân bay quốc tế, rồi họ được một vận tải cơ A400M chở đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Từ nước này, một máy bay khác của không quân Pháp đưa họ về Paris.

Tối qua, Bộ Quốc phòng Canada thông báo hai phi cơ quân sự của nước này cũng sẽ bay đến Kabul để hồi hương các công dân Canada và người Afghanistan. Trong một cuộc họp báo, thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết sân bay Kabul nay đã trở lại dưới sự kiểm soát của Mỹ và của quốc tế, nhưng những người muốn được di tản đang gặp rất nhiều khó khăn vì phe Taliban đang chặn các ngõ vào sân bay.

Ông Trudeau cam kết chính phủ của ông sẽ "làm hết sức mình" để đưa về Canada nhiều người nhất có thể được. Vào tuần trước, Canada đã cam kết sẽ tiếp nhận 20.000 người tị nạn Afghanistan trong khuôn khổ một chương trình di dân đặc biệt.

Còn theo thông báo của Lầu Năm Góc, từ thứ bảy tuần trước cho tới hôm qua, Hoa Kỳ đã di tản tổng cộng khoảng 7.000 người. Washington đã huy động 6.000 binh lính để bảo đảm an ninh cho sân bay và để đưa đi khoảng 30.000 công dân Mỹ và Afghanistan.

Thanh Phương

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Trọng Nghĩa, Thanh Phương
Published in Diễn đàn