Vụ tiến sĩ tố tiến sĩ, hậu trường vẫn còn chưa rõ
Hoài Nguyễn, 02/10/2020
Ngày 30/9, ông Phạm Đình Trang (ngụ phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), cho biết vừa nhận Thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk về sự việc liên quan đến con trai ông là Phạm Đình Quý, học vị tiến sĩ. "Tôi nhận được giấy từ bưu điện vào 11 giờ trưa hôm nay" – ông Trang xác nhận.
Theo thông báo ghi ngày 27/9, ông Phạm Đình Quý đã bị công an tỉnh này bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, ông Quý đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, đã phạm vào Điều 156 Bộ luật Hình sự. Hiện ông Quý đang bị tạm giữ tại công an tỉnh này.
Luật sư Phạm Văn Thọ – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, thắc mắc :
"Tôi đặt giả thiết, nếu như Công an Đắk Lắk truy tố ông Phạm Đình Quý theo khoản 01 của Điều 156 Bộ luật hình sự, thì phải căn cứ Theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tức là phải có Đơn yêu cầu khởi tố của bị hại, thì Công an Đắk Lắk mới được khởi tố.
Điều 155 quy định : Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 156 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) khi có yêu cầu của bị hại.
Vậy ai là bị hại trong vụ án này ? Nếu bị hại là ông Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk – tên Cường, thì ông này đã gửi Đơn yêu cầu khởi tố đến cơ quan điều tra chưa ?
Thế nhưng, theo nhận định của tôi, thì nhiều khả năng Công an Đắk Lắk sẽ không truy tố ông Quý theo khoản 1, vì "quá nhân văn", mà sẽ truy tố cả hai ông Quý và Tuấn theo khoản 2 Điều 156, bởi các lẽ sau : Theo thông tin trước đó, ngày 21/9, Công an Đắk Lắk đã bắt võ sư – tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980, là học trò Tiến sĩ Quý) khi người này đang trên đường từ nơi cư trú ở huyện Cư Kuin di chuyển xuống Khánh Hòa để điều tra, vì cho rằng cả hai ông Quý và Tuấn có hành vi vu khống một lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.
Như vậy, Công an Đắk Lắk truy tố theo khoản 2 Điều 156, thì sẽ không lệ thuộc vào điều kiện phải có Đơn yêu cầu khởi tố của bị hại. Điều đặc biệt chú ý, rất có thể là họ sẽ áp dụng được các tình tiết định khung tăng nặng, như các điểm : "a) Có tổ chức ; c) Đối với 02 người trở lên ; và e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội…".
Thật quá kinh khủng ! Tôi tin các luật sư của ông Phạm Đình Quý chắc đã dự liệu điều này !".
Đồng nghiệp chung Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh với luật sư Phạm Văn Thọ là luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nhận định, ông Phạm Đình Quý bị Công an tỉnh Đắk Lắk áp dụng 3 biện pháp ngăn chặn. Đó là "Giữ người trong trường hợp khẩn cấp" ; "Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" và "Tạm giữ" quy định tại điều 110, 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Đây là vụ việc mang tính chất của tội phạm hình sự, không phải là tạm giữ hành chính.
Điều kiện để áp dụng biện pháp "Giữ người trong trường hợp khẩn cấp" khi thuộc một trong những trường hợp : Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ; người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn ; có dấu vết của tội phạm ở người, hoặc tại chỗ ở, hoặc nơi làm việc, hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Theo nội dung vụ việc và loại tội phạm ông Quý bị cáo buộc là tội vu khống (theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015), ông Quý có thể bị xác định có hành vi vi phạm khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 156. Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng có khung hình phạt dưới 3 năm tù. Do đó, cơ quan công an có thể căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để ra lệnh giữ người. Thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp không được quá 12 giờ.
Khi áp dụng biện pháp "Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người (trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp), cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó.
Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ cùng lý do, căn cứ. Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định ; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị giữ và phải lập biên bản về việc giữ ; giao lệnh, quyết định cho người bị giữ.
Với biện pháp "tạm giữ", biện pháp này có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị giữ, hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ 2 nhưng không quá 3 ngày.
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì cơ quan điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Trường hợp ông Quý bị khởi tố bị can thì có thể bị tạm giam nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc có thể được cho tại ngoại bằng các biện pháp ngăn chặn khác như bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cứ trú.
Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết. Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay.
Hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cấm mời làm việc/tạm giữ ban đêm, chỉ cấm bắt vào ban đêm. Theo quy định, sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã. Trừ trường hợp việc thông báo gây cản trở điều tra.
Tất cả cơ quan tiến hành tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu trong quá trình bắt giữ người trái với quy định của pháp luật thì người bị tạm giữ, người bị bắt và gia đình người thân có quyền gửi đơn khiếu nại đến cơ quan cấp trên về hành vi này.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 02/10/2020
*********************
Phân tích thông báo của Công an Đắk Lắk bắt ông Phạm Đình Quý
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 01/10/2010
Ông Phạm Đình Quý - một tiến sĩ đang giảng dạy tại trường đại học Tôn Đức Thắng - bị bắt mà theo thông báo mang số 9381/TB-CSHS ngày 27/9/2020 của Công an tỉnh Đắk Lắk là "bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" với tội danh "Vu khống" theo điều 156 Bộ luật hình sự.
Thông báo số 9381/TB-CSHS ngày 27/9/2020 của Công an tỉnh Đắk Lắk bắt ông Phạm Đình Quý
Xung đột về thuật ngữ luật theo Bộ luật Tố tụng hình sự
Theo thông báo thượng dẫn, Công an Đắk Lắk đã sử dụng thuật ngữ "bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" căn cứ vào khoản 2 điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với ông Quý. Trong khi đó, điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự lại quy định "Giữ người trong trường hợp khẩn cấp".
Cách sử dụng tiếng Việt như vậy, đã gây ra xung đột trong việc làm rõ hai khái niệm nói trên. Nghĩa là, chữ "bắt người bị giữ"và chữ "giữ người" rất tối nghĩa khi so sánh với nhau. Luật pháp không cho phép điều đó diễn ra. Đây là lỗ hổng rất lớn của những chuyên gia soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự khi sử dụng tiếng Việt và là lỗi trầm trọng của đại biểu Quốc hội khi thông qua.
Sự tối nghĩa không dừng lại như trên, bởi khoảng thời gian từ tối 23 tháng Chín đến 26 tháng Chín, không có quyết định tạm giữ công dân Phạm Đình Quý như luật định. Tức là ông Quý biệt dạng trong suốt 3 ngày liền. Do đó, gia đình công dân Phạm Đình Quý gọi tên "bắt cóc" là có căn cứ xác đáng, kh kết hợp với lời tường thuật của vợ ông Quý cho biết, khi đang ăn tối thì bị nhiều người mặc thường phục bắt đi.
Phân tích trên cho thấy, đó chính là kẽ hở để diễn giải theo "luật miệng" với hậu quả, phía công an (tất nhiên) luôn luôn đúng mà lẽ ra chỉ có Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội - nơi duy nhất giữ quyền giải thích luật. Điều đó cũng lý giải tại sao những phản đối quyết liệt từ gia đình công dân Phạm Đình Quý cũng như dư luận rất rầm rộ.
Vậy, ông Phạm Đình Quý đang bị lâm vào tình trạng "bắt người" hay tình trạng "giữ người" ? Đó là câu hỏi về thuật ngữ luật học mà Công an Đắk Lắk buộc phải trả lời trước gia đình ông Phạm Đình Quý và trước công luận.
Sai phạm về thủ tục và nội dung bắt người
Cũng theo thông báo thượng dẫn, phía Công an Đắk Lắk cho biết công dân Phạm Đình Quý "bị tạm giữ" tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Thông báo được gởi đến ông Phạm Đình Trang - cha ông Quý và Ủy Ban Nhân Dân phường Tân An thị xã Lagi tỉnh Bình Thuận.
Khi một người "bị tạm giữ"(trong trường hợp này chính là ông Quý) chưa chắc là tội phạm, đó là điều rõ ràng không thể chối cãi.
Thông báo nói trên không phải là và không thay cho quyết định khởi tố. Điều này có nghĩa, cho đến thời điểm hiện tại, ông Phạm Đình Quý vẫn là một công dân. Do đó, phía Công an Đắk Lắk không thể giải thích được sự vắng mặt của ông Quý trước gia đình ông ấy cũng như trước dư luận nói chung. Vì vậy, phía công an Đắk Lắk, trước khi công bố thông báo, cho thấy sự mờ ám khi cho báo giới biết là "mời" ông Quý làm việc ( !).
Theo khoản 1 điều 8 Bộ luật hình sự quy định "tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội". Như vậy, để xác định hành vi nguy hiểm hay không nguy hiểm, phải căn cứ vào điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó, ông Phạm Đình Quý chưa hề bị khởi tố.
Theo khoản 2 điều 8 Bộ luật hình sự quy định "những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".
Như vậy, Công an Đắk Lắk không được phép tùy tiện dùng chữ "hành vi" để gán tội danh "vu khống" cho ông Phạm Đình Quý trước khi "xác định sự thật của vụ án" theo điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thêm vào đó, trong thông báo số 9381, Công an Đắk Lắk cho rằng ông Quý "đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", tức là thuộc mục a khoản 1 điều 156, với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Trớ trêu thay ! Khi trung tá Lê Hồng Hải ký thông báo này, mặc nhiên đã tự công nhận "kết tội trước" đối với ông Phạm Đình Quý.
Với phân tích trên, dư luận không khó để nhận ra, Công an Đắk Lắk đang làm một quy trình ngược đời trong một sự vụ có liên quan đến ông Bùi Văn Cường - đương kim Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk.
Mối quan hệ trái khoáy
Theo báo Nhân Dân [1], ngày 30/9/2020, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đã ký Quyết định số 190/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Môi trường và Xã hội vì thông tin sai sự thật về Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trong bài : "Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố "đạo" luận án, gian dối học thuật ?", đăng trong số đặc biệt 16/2020. Bài báo này cho biết nhân vật Phạm Đình Quý đã tố cáo ông Bùi Văn Cường. Địa điểm ông Quý ghi trong đơn tố cáo là Bình Thuận.
Theo điều 163 khoản 4 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định "Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình". Điều này có nghĩa, Công an Đắk Lắk đã vi phạm nghiêm trọng. Bởi thẩm quyền điều tra ông Quý (nếu có) phải thuộc về Công an Bình Thuận (nơi ông Quý gởi đến tố cáo) hoặc Công an Thành phố Hồ Chí Minh (nơi ông Quý đang dạy học và tạm trú theo quy định pháp luật). Ngay đây, tình tiết như BBC cho biết [2] "...hôm 23/9, tiến sĩ Phạm Đình Quý và vợ ông bất ngờ bị tám công an mặc thường phục vây bắt. Sau đó, công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Tiếp đó, ông Quý được đưa đến cơ quan Công an Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk"... gây cho người đọc cảm giác mờ ám trong sự "hợp đồng" bắt người trái pháp luật và vi phạm khoản 4 điều 163, giữa Công an Đắk Lắk và Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, giả sử ông Bùi Văn Cường bị ông Quý vu khống, tức là ông Cường phải có đơn tố giác tội phạm theo quy định.
Ngay đây, dư luận dễ nhận ra [3] "luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã bị xóa trang web của Viện Đào tạo sau đại học - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam" cốt nhằm mục đích gán tội "vu khống"cho đủ căn cứ đối với ông Quýnhưng họ quên quan hệ chủ thể - khách thể trong luật học.
Điều này có nghĩa, có bên "bị" (tức là ông Quý) nhưng liệu bên "nguyên" (tức ông Cường) có đủ can đảm ra trước tòa đối chất không ? Và liệu bên "nguyên" có làm đơn tố giác bên "bị" để bảo đảm đủ yếu tố cấu thành tội phạm ? Và nữa, liệu luận văn bị xóa trên web thì bằng cấp giấy trắng mực đen kia chẳng lẽ đem đi thiêu hủy ? Lại còn chức danh vẫn sờ sờ ra đó cho kỳ đại hội đảng sắp tới sẽ xoay sở ra sao ?
Cần phân biệt sự khác biệt giữa khái niệm "tố cáo" và "tố giác". Tố cáo được thực hiện theo Luật Tố Cáo, còn tố giác tuân theo Bộ luật hình sự đã được quy định tại điều 19 và điều 389, 390.
Kết
Với sự phân tích về pháp luật và pháp lý như trên, dư luận dễ nhận thấy hệ thống pháp luật và tư pháp của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn quá yếu kém về chuyên môn và khoảng cách để đạt chuẩn chuyên nghiệp nhằm đuổi kịp thế giới vẫn mãi là "đường xa vạn dặm" !
Soạn thảo luật để sao cho mọi người, đặc biệt những người thi hành công vụ đều hiểu và hiểu đúng một kiểu, đó là những nhà soạn luật giỏi. Rất buồn để nói, điều giản dị đó còn quá xa vời đối với Việt Nam.
Trên hết, khi khoản 3 điều 2 của Hiến pháp 2013 còn xác định "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" thì vẫn còn nhiều vụ bắt bớ tùy tiện tiếp tục xảy ra.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 01/10/2020 (nguyenngocgia's blog)
[1] https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/xu-phat-tap-chi-moi-truong-va-x...
[2] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54335906
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54335906
***********************
Phạm Đình Quý bị ‘bắt khẩn cấp’, gia đình tố bí thư Đắk Lắk ‘cường quyền’
VOA, 30/09/2020
Thông báo của công an Đắk Lắk về việc "bắt khẩn cấp" tiến sĩ Phạm Đình Quý được gửi đến gia đình ông lúc 11 giờ hôm 30/9, ông Phạm Đình Trang, bố của tiến sĩ Quý cho VOA biết.
Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Ông Trang cho hay thông báo của công an nói rằng tiến sĩ Quý bị cáo buộc "hạ thấp uy tín, bôi nhọ người khác".
Như VOA đã đưa tin, tiến sĩ Quý, 39 tuổi, giảng viên trường đại học Tôn Đức Thắng, bị công an Đắk Lắk "mời làm việc" hôm 23/9 khi ông và vợ đi ăn tối ở thành phố Hồ Chí Minh, và từ đó đến nay gia đình ông Quý không được gặp ông.
Cách đây vài tuần, tiến sĩ Quý gửi đơn đến một số cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước tố cáo rằng ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, đã đạo văn để làm luận án tiến sĩ.
Sau khi nhận thông báo từ công an Đắk Lắk về việc con trai bị bắt khẩn cấp, ông Phạm Đình Trang nói với VOA vào chiều 30/9 rằng phía nhà chức trách "lạm quyền" và "làm sai luật" :
"Con tôi khiếu nại ông Bùi Văn Cường đạo văn luận án tiến sĩ trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu sai, theo luật Việt Nam, ông Bùi Văn Cường làm đơn kiện lại con tôi ra tòa, hoặc chờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương mời hai bên về giải quyết. Bên nào sai, bên ấy chịu trách nhiệm trước nhà nước. Con tôi khiếu kiện là vấn đề dân sự. Cho công an đi bắt con tôi thì tôi xác định việc này là sai nguyên tắc, dùng áp chế, cường quyền là không đúng với luật pháp".
Ông Trang, 70 tuổi, chỉ ra những việc làm sai của công an Đắk Lắk bao gồm khống chế và đưa con trai ông đi mất trong khi không đưa ra lệnh bắt ; bắt người ở địa phương khác bên ngoài tỉnh Đắk Lắk ; tạm giữ người trên 24 giờ nhưng không báo cho gia đình, cơ quan ; 8 người bắt tiến sĩ Quý đều mặc thường phục.
Bố của tiến sĩ Quý lưu ý thêm rằng công an Đắk Lắk không chỉ bắt giữ ông Quý hôm 23/9 mà cả vợ mới cưới của ông Quý. Tuy nhiên, người vợ được thả ra vào sáng sớm hôm sau kèm theo cam kết với phía công an là "không được tiết lộ vụ việc cho bên thứ ba".
Một học trò của ông Quý là tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn cũng đã bị công an Đắk Lắk "mời làm việc" vì có liên quan.
Trong hai hôm 25 và 26/9, gia đình ông Trang gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan của đảng và nhà nước Việt Nam, nhờ luật sư giúp đỡ, cũng như đưa lên mạng xã hội, thu hút nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng.
Hiện nay, anh trai của tiến sĩ Quý là ông Phạm Đình Phú cùng một số luật sư đã đến Đắk Lắk để gặp công an tỉnh, nhưng ở thời điểm cuối buổi chiều 30/9, gia đình chưa nhận được thêm thông tin, ông Phạm Đình Trang, bố tiến sĩ Quý cho biết.
Theo ông Trang, công an Đắk Lắk đã lần lữa, câu giờ trong nhiều ngày, khi các luật sư đề nghị được gặp để làm việc về vụ bắt giữ ông Quý.
Nói về thực trạng gia đình phải đương đầu với nhà chức trách Đắk Lắk, ông Trang chia sẻ tâm tư :
"Gia đình chúng tôi rất lo lắng. Một Ủy viên Trung ương Đảng có quyền hạn rất lớn. Ông Bùi Văn Cường chỉ đạo cho công an bắt con tôi chứ không phải ‘mời’. Tôi cũng biết là đụng với ông Cường, Bí thư Đảng ủy tỉnh, Ủy viên của Trung ương, thì tôi biết chuyện này sẽ khó khăn cho con cái tôi rồi".
Mặc dù vậy, bố của tiến sĩ Quý vẫn bày tỏ rằng ông tin vào pháp luật công minh, cũng như hy vọng là các luật sư, công luận và báo chí sẽ giúp con ông không bị đối xử bất công.
Phóng viên VOA cố gắng liên lạc với ông Bùi Hồng Quý, người phát ngôn của chính quyền tỉnh Đắk Lắk, để tìm hiểu thêm về vụ việc. Quan chức này nói :
"Anh gọi, anh hỏi bên công an tỉnh. Tôi không biết cái việc đó, nha anh. Tôi không nắm tin đó, anh".
Khi phóng viên VOA gọi điện đến công an tỉnh Đắk Lắk, cuộc gọi không được hồi đáp.
Trong một diễn biết liên quan, các báo Việt Nam trong đó có Người Lao Động và An Ninh Thủ Đô đưa tin hôm 30/9 rằng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xử phạt 50 triệu đồng đối với tạp chí Môi Trường và Xã Hội vì "thông tin sai" về Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường.
Bộ nói tạp chí đã đăng "thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng" trong bài viết mang tít "Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố ‘đạo’ luận án, gian dối học thuật ?", in trong số đặc biệt 16/2020.
Bên cạnh đó, tạp chí còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động trong 2 tháng.
Nguồn : VOA, 30/09/2020
Vấn nạn người tố cáo bị ngược đãi, đe dọa, trả thù qua vụ giảng viên Phạm Đình Quý
RFA, 30/09/2020
Truyền thông trong nước vào ngày 30/9 dẫn nguồn từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay cơ quan này vừa có lệnh bắt khẩn cấp đối với Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, để điều tra hành vi vu khống người khác theo điều 156 Bộ luật Hình sự.
Tiến sĩ Phạm Đình Quý và lệnh bắt giữ khẩn cấp. RFA edit
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Quý bị bắt vì đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Vào khoảng cuối tháng 8 năm 2020, một số tờ báo trong nước đăng tải bài viết của ông Quý, tố cáo ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk "đạo luận án tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân".
Các bài viết này sau đó đã bị gỡ xuống, trong khi tin bắt giữ ông Quý không cho biết cụ thể ai là người bị ông Quý vu khống.
Theo thông tin từ gia đình ông Quý cung cấp, ông Quý đã bị công an khống chế và bắt giữ vào chiều ngày 23/9, khi ông cùng vợ mới cưới đang đi ăn trên đường D1, gần trường Đại học Tôn Đức Thắng, thành phố Hồ Chí Minh.
Trao đổi với RFA vào tối 30/9, Phó Giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục nhận định về vụ việc như sau :
"Chuyện làm đơn tố cáo đến các cơ quan cái luận án ấy đạo văn thì đó là chuyện của người ta, ai cũng có quyền đó. Còn ông Cường – Bí thư Đắk Lắk thấy người ta tố cáo như vậy thì sẽ làm đơn gửi đến các cơ quan để nói đấy là vu cáo, bịa đặt, luận án của tôi đây đã được hội đồng đánh giá, trình ra rồi người ta sẽ xử xem ai đúng. Nếu người kia tố cáo đạo văn mà đúng là đạo văn thì hội đồng sẽ xem xét luận án đó, còn nếu ông kia vu khống thì hội đồng đánh giá là không đạo văn, ông kia vu khống phải xin lỗi, thậm chí phải phạt theo pháp luật. Đó mới gọi là hành xử văn minh. Còn bây giờ nghe người ta tố cáo mà lại đến bắt cóc đi thì đó là hành động vô pháp, không đúng pháp luật, hành động như mafia, nhiều người gọi đó là hành động của phường thảo khấu, như bắt cóc. Chuyện đó vô pháp, không đúng nên tôi thấy nhiều người lên án lắm".
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ sự bất bình về vụ việc này :
"Mình thấy người ta tố cáo sai phải đưa ra tòa án, kiện lại anh ta nói sai, bêu xấu tôi là không đúng, phải xử phạt anh ta. Luật lệ của Việt Nam cũng có luật để trừng trị những người tố cáo sai, vu cáo làm ảnh hưởng nhân cách, quyền lợi người ta thì tại sao lại không sử dụng luật mà lại chơi ‘luật rừng rú’, nhưng người Tây Nguyên họ văn hóa, văn minh ghê gớm lắm nên lên đấy là phải học văn hóa người ta mà sống, không phải biến mình thành thứ man rợ rừng rú mà ứng xử".
RFA có liên lạc với Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn để hỏi rõ hơn về điều luật bắt giữ người trong luật pháp hiện hành và nhận được trả lời :
"Riêng trong trường hợp ông Quý thì việc cơ quan điều tra tỉnh Đắk Lắk bắt ông Quý thì về phương diện pháp lý là hoàn toàn không có cơ sở để bắt vì ông Quý đang đeo đuổi một vụ về khiếu nại, tố cáo. Việc khiếu nại, tố cáo của ông Quý thì lại chưa có sự kết luận là ông tố cáo đúng hay sai. Cơ quan công an điều tra vội nhảy vào để bắt ông tội vu khống. Tội vu khống chỉ bắt trong trường hợp người ta tố cáo sai, còn đây sự tố cáo chưa kết luận. Riêng trong trường hợp ông Quý việc đặt vấn đề có sự trù dập đối với người khiếu nại, tố cáo là có cơ sở".
Quyết định xử phạt hành chính đối với tạp chí Môi trường và Xã hội vì thông tin sai về Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Nguồn : Dân Trí
Bên cạnh đó, Luật sư Mạnh cũng chỉ ra những vi phạm về thủ tục cũng như những điểm vô lý trong trường hợp bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý của phía Công an tỉnh Đắk Lắk. Ông nói :
"Những trường hợp bắt khẩn cấp được dùng khi hành vi tội phạm mang tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và được căn cứ vào mức hình phạt từ 7 năm trở lên. Trong khi đó tội danh theo Điều 156 thì hình phạt nặng nhất, cao nhất là 7 năm, nên nếu áp điều này vẫn là không đúng. Cái thứ hai là (vi phạm) cả quy định việc bắt giữ. Theo anh theo dõi và biết thì ông bị bắt vào 23 tây nhưng mãi đến 27 tây thì họ mới ra văn bản thông báo. Lẽ ra khi bắt thì họ phải thông báo ngay cho gia đình nhưng đến 4 ngày sau họ mới báo. Vi phạm không chỉ thủ tục bắt mà cả thời hạn thông báo cho gia đình biết".
Gia đình ông Phạm Đình Quý cho biết sau khi ông Quý bị công an bắt giữ thì người thân đã gửi đơn kêu cứu vì gia đình không được gặp ông Quý đang bị tạm giam.
Theo Phó Giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang, sở dĩ xảy ra sự việc công an bắt giam Tiến sĩ Phạm Đình Quý sai luật và không thông báo cho cả người nhà ông Quý là do cơ chế bộ máy nhà nước hiện nay :
"Cái này do chế độ độc đảng, độc tài toàn trị thì người đứng đầu địa phương là Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an địa phương có nhiều hành động vô pháp lắm. Người ta độc quyền, ông Bí thư Tỉnh ủy thì to lắm vì công an, quân đội, bộ máy tuyên truyền ở trong tay ông ấy nên ông có thể làm chuyện đổi trắng thay đen, làm chuyện ngang ngược. Bây giờ có trang mạng xã hội người ta còn lên tiếng, ngày xưa người ta không lên tiếng được thì nguy hiểm lắm".
Trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, sự việc bắt giam khẩn cấp Tiến sĩ Phạm Đình Quý hiện đang được chia sẻ rộng rãi với kêu gọi chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần tuân thủ theo đúng quy trình mà luật pháp đưa ra.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng việc này hoàn toàn không dễ thực hiện :
"Ở trong thể chế độc tài toàn trị thế này rất khó, bây giờ chỉ có dư luận xã hội, mạng xã hội lên tiếng. Tôi thấy mạng xã hội lên tiếng vừa rồi rất nhiều tác động, tạo ra dư luận mạnh mẽ và cũng bớt đi những ngang ngược, bớt đi những hà hiếp, bớt đi bất công phi lý".
Luật sư Đăng Đình Mạnh cũng bày tỏ hy vọng trong vụ việc lần này của Tiến sĩ Phạm Đình Quý :
"Công luận lên tiếng về việc này rất nhiều. Với phản ứng của công luận như vậy tôi nghĩ rằng rất có thể công an Đắk Lắk phải có hành xử cho phù hợp hơn chứ nếu họ cứ cố chấp đeo đuổi theo cách họ vừa làm thì không ổn".
Không chỉ riêng ông Phạm Đình Quý bị bắt tạm giam vì đã tố cáo ông Bùi Văn Cường mà tạp chí Môi trường và Xã hội vào ngày 30/9 cũng bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động báo in trong hai tháng vì đã đưa thông tin sai về Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Cụ thể, báo Tuổi Trẻ trong cùng ngày đăng tin cho biết Cục báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định có đoạn viết : "thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết : "Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố "đạo" luận án, gian dối học thuật ?", đăng trong số đặc biệt 16/2020".
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc dám góp ý kiến, phê bình những cái sai, tố cáo những cái không đúng của cán bộ, nhất là những người ở cấp chiến lược nói lên trình độ văn hóa xã hội và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, ông Mai cho rằng với sự bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý vừa rồi, chính quyền đã chà đạp lên văn hóa, tinh thần đạo đức của xã hội và con người Việt Nam.
Nguồn : RFA, 30/09/2020
***********************
Đảng phải thế nào thì mới có những ông Cường như thế chứ !
Trân Văn, VOA, 29/09/2020
Năm ngày sau khi đổ đến Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu các đồng nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ để tổ chức bố ráp – bắt giữ ông Phạm Đình Quý, Giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của Đại học Tôn Đức Thắng, áp giải ông về Đắk Lắk (1), Công an tỉnh Đắk Lắk mới xác nhận đang giam giữ ông Quý nhưng giải thích đó chỉ là mời làm việc và khẳng định chuyện mời làm việcnhư thế là… đúng pháp luật (2) !
Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường : Đặc biệt coi trọng chất lượng nhân sự Đại hội 13 - Ảnh Tiền Phong
Thậm chí, trong scandal… mời làm việc này, có viên chức hữu trách ở Đắk Lắk còn mượn hệ thống truyền thông chính thức nhắn với công chúng rằng :Các cơ quan hữu trách ở Đắk Lắk đang chờ Công an Đắk Lắk để yêu cầu Sở Văn hóa – Thông tin và Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý nhũng người đưa tin không chính xác là ông Quý bị bắt(3) !
Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã chính thức xác nhận, ngoài ông Quý, họ cònmời ông Hoàng Mạnh Tuấn – một giáo viên trung học cư trú tại huyện Cư Kuin ở tỉnh Đắk Lăk – đến… làm việc ! Sở dĩ ông Quý và ông Tuấn đượcmời làm việc vì cả hai cùng liên quan đếnvụ án vu khống mà Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vào ngày 19 tháng 9.
***
Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự ở Việt Nam, "vu khống” là một trong những tội mà các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố nếu người bị hại yêu cầu điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự song Công an tỉnh Đắk Lắk lờ đi, không tiết lộbị hại trong vụ án vu khốngmà họ đã khởi tố là ai.
Tuy nhiên thiên hạ vẫn có thể xác định ngay lập tức, ai là… bị hại trongvụ ánấy ! Trước khi bị Công an tỉnh Đắk Lắk… mời làm việc, ông Quý và ông Tuấn từng tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk :Đạo văn, gian dối học thuật để trèo cao với mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân.
Tố cáo ghi rõ tên, nơi cư trú của ông Quý, ông Tuấn, từng được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, thậm chí còn được in trong một tạp chí thuộc hệ thống truyền thông chính thức, sau đó được nhiều người dẫn lại trên mạng xã hội đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng cụ thể, chứng minh ông Cường sao chép luận văn, sách vở của người khác nhưng… lờ đi nguồn gốc để hoàn tất luận văn tiến sĩ về hàng hải của mình.
Thậm chí, tố cáo còn khắc họa những biểu hiện, khiến người đọc buộc phải tự hỏi, phải chăng ông Cường thuê người khác thực hiện luận văn ? Nếu không, làm sao ngày 15/7/2017, ông Cường tiến hành… nghiên cứu thực địa tại… Hải Phòng để thu thập các dữ liệu khoa học làm nền tảng cho luận văn của ông và cũng ngày đó, trong vai Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông có mặt tại Khánh Hòa để chủ trì Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (4) ?
***
Không phải tự nhiên mà việc Công an tỉnh Đắk Lắkmời ông Qúy, ông Tuấnlàm việc trở thành scandal khuấy động dư luận. Tuy nhiên khoan bàn đến tương quan giữa các qui định pháp luật hiện hành với hành động của Công an tỉnh Đắk Lắk bởi xét cho đến cùng, nhân vật chính của scandal này chính là ông Bùi Văn Cường.
Theo Wikipedia thì ông Cường là một người trưởng thành từ hoạt động "cờ, đèn, kèn trống” (Đội, Đoàn) ở cả Hải Phòng lẫn Ban Chấp hành trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Sau đó, ông Cường được sắp đặt làm đại biểu Quốc hội, trở thành Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Ban Dân vận của Ban chấp hành trung ương đảng, chuyển qua làm Bí thư Khối Doanh nghiệp trung ương, rồi Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk)… Nhìn một cách tổng quát, ông Cường là một cán bộ cấp chiến lược tiêu biểu, có thể ngồi ở bất kỳ mâm nào.
Hồi tháng sáu vừa rồi, khi các tỉnh, thành phố đang rầm rộ tổ chức đại hội đảng các cấp để sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở các địa phương, ông Cường đăng đàn, tuyên bố xanh rờn :Hồ sơ đẹp, tướng mạo được chưa hẳn là nhân sự tốt cho đại hội đảng !
Ông Cường nhận định :Công khai, minh bạch và kết luận rõ ràng mới là những yếu tố quan trọng để lựa chọn nhân sự. Đặc biệt là trong trường hợp có đơn, thư về chuyện nọ, chuyện kia thì phải giải quyết dứt điểm. Giải quyết không xong thì tôi hay bất cứ nhân sự nào cũng phải để lại, chúng tôi sẵn sàng để khuyết vị trí đó cho đến khi kiểm tra nhân sự có kết luận rõ ràng mới bầu bổ sung để đảm bảo chắc chắn chọn đúng, trúng nhân sự.
Chưa kể ông Cường còn nhấn mạnh :Nếu có đơn, thư, dư luận mà không tiến hành xác minh, cứ bầu, sau đó có vấn đề sẽ không tốt cho cả nhiệm kỳ. Việc này phải làm kỹ lưỡng, đúng quy định. Nếu chọn được đúng cán bộ, chọn được người đứng đầu tốt, có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu thì thúc đẩy địa phương phát triển, dân được nhờ ; còn nếu bố trí không đúng thì kéo lùi sự phát triển của địa phương(5).
Không may cho ông Cường là sau đó ít tuần, ông bị ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Mạnh Tuấn tố cáođạo văn, gian lận học thuật ! Thay vì hành xử đúng như đã từng lập ngôn trên báo điện tử VietNamNet, ông tự nhận là bị hại và rõ ràng nếu… bị hại không phải là Bí thư tỉnh, chắc chắn Công an tỉnh Đắk Lắk khôngmời ông Quý, ông Tuấnlàm việctheo kiểu càn rỡ như vậy !
Hóa ra những tuyên bố của ông Cường như :Lựa chọn nhân sựphảicông khai, minh bạch, kết luận rõ ràng, giải quyết dứt điểm, giải quyết không xong thì tôi hay bất cứ nhân sự nào đều phải để lại, đảm bảo chắc chắn chọn đúng, trúng nhân sựvì người đứng đầu tốt, có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu thì thúc đẩy địa phương phát triển, dân được nhờ ; còn nếu bố trí không đúng thì kéo lùi sự phát triển của địa phương– đều là… nói dóc ! Dại dột mà tin thì ráng chịu !
***
Cho đến giờ này, chưa có cá nhân, cơ quan hữu trách nào xem xét, xác định tố cáo của ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Mạnh Tuấn là đúng hay sai nhưng việc Công an Đắk Lắk khởi tố vụ án "vu khống” và cách Công an Đắk Lắkmời ông Quý, ông Tuấnlàm việc đã giúp khắc họa ông Cường trơ trẽn, trâng tráo đến mức nào !
Trong scandal mời làm việc có một yếu tố quan trọng phải xem xét, đó là :Bí thư tỉnh Đắk Lắk phải thế nào thì Công an tỉnh Đắk Lắk mới như thế ! Rộng hơn :Đảng phải thế nào thì Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Bùi Văn Cường mới như thế !
Trước, khi đề cập đến bang giao giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức đa phương, ông Nguyễn Phú Trọng từng hết sức hoan hỉ khi gợi ý cho toàn đảng, toàn dân cùng nghĩ :Mình phải như thế nào thì người ta mới như thế ! Giờ, sau khi đối diện với vô số scandal liên quan đến những cán bộ cấp chiến lược như ông Cường, không rõ ông Trọng có biết tự vấn : Đảng như thế nào mà các Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng lại như thế ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/09/2020
Chú thích
*********************
Khởi tố vụ án, nhưng có khởi tố bị can hay chưa ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 29/09/2020
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, bị tố "đạo luận án, gian dối học thuật" - Ảnh minh họa
Chiều 28/9, được sự ủy quyền của lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, trung tá Nguyễn Trọng Hữu, cán bộ điều tra Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã mời ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn (trú Cư Kuin, Đắk Lắk) làm việc.
Theo ông Hữu, công an mời ông Quý và ông Tuấn làm việc vì có liên quan đến vụ án vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự, đã được khởi tố vào ngày 19/9.
"Quá trình làm việc đối với ông Quý, ông Tuấn đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự", ông Hữu khẳng định. Tuy nhiên phía PC02 Công an tỉnh Đắk Lắk không cho biết thủ tục về khởi tố bị can đã được thực hiện ra sao, có phù hợp với quy định về tố tụng hay không ?
Liên quan đến việc ông Phạm Đình Quý – Giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) bị công an mời làm việc, chiều 28/9, trả lời báo chí, ông Phạm Đình Trang (thân phụ của ông Quý) cho biết, từ ngày ông Quý bị công an mời làm việc, gia đình không nhận được bất cứ thông tin gì về con trai.
Ông Trang cho biết, tối 23/9, con trai ông cùng vợ đi ăn tại một quán ăn trên đường D1 (gần Trường Đại học Tôn Đức Thắng, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) thì bị nhiều công an mặc đồ thường phục đến mời làm việc. Sự việc xảy ra có nhiều người chứng kiến. Vợ chồng ông Quý bị công an đưa về nhà trọ, sau đó được đưa đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh (số 459, đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
"Con dâu tôi bị mời đi cùng tối hôm đó, đến 4 giờ sáng ngày 24/9 thì con dâu tôi được thả cho về. Tuy nhiên, trước khi về thì con dâu tôi được yêu cầu ký vào biên bản với nội dung không được để người thứ ba biết, cũng như không được nói về việc ép cung tại đó", ông Trang nói. Theo ông Trang, sau 6 ngày ông Quý bị công an mời làm việc, hiện gia đình không nhận được bất cứ thông tin gì về con trai. Ông Trang đã cố gắng để lại số điện thoại của ông tại các đơn cầu cứu, để mong công an liên lạc báo tình hình nhưng đều vô ích.
Cũng theo ông Trang, trước đó, ông Phạm Đình Quý gửi đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường – Bí thư tỉnh Đắk Lắk đạo văn luận án tiến sĩ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Cục Báo chí. Đến ngày 9/9/2020, ông Trang nhận được 3 phiếu báo của bưu điện từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Cục Báo chí về việc đã nhận được các hồ sơ do ông Quý gửi đến.
Bùi Văn Cường, người được cho là liên quan đến vụ việc kể trên, năm nay 55 tuổi, hiện là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lăk, nguyên là đại biểu Đoàn Gia Lai, nguyên là Phó Chủ tịch liên hiệp công đoàn Thế giới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương ; Ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII tỉnh Gia Lai.
Về mặt luật pháp, vụ án kể trên chịu sự điều chỉnh cụ thể như sau :
Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Tội vu khống như sau :
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm : a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác ; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm : a) Có tổ chức ; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn ; c) Đối với 02 người trở lên ; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình ; đ) Đối với người đang thi hành công vụ ; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội ; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% ; h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm : a) Vì động cơ đê hèn ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên ; c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định :
"Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ". "Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính ; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai ; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại".
Điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, cấm hành vi "Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân". Điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi :"Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" sẽ bị xử phạt tiền từ : 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Lưu ý, trong trường hợp tố cáo ông Bùi Văn Cường có hành vi gian dối học thuật trong quá trình làm luận án tiến sĩ, thì nếu cho rằng có người đã phạm tội vu khống, thì đây là thuộc trường hợp quy định ở khoản 1 của điều 156, chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại – tức ông Bùi Văn Cường có đơn yêu cầu khởi tố hình sự với tư cách là công dân Bùi Văn Cường, chứ không phải là đương kim Bí thư Tỉnh ủy ban ‘khẩu dụ’…
Nói thêm, ông Hoàng Minh Tuấn, giáo viên tại trường trung Học Lê Thánh Tôn, ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã làm đơn kiến nghị lên Ủy ban Kiểm tra Trung Ương về việc làm luận án tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường có một số thông tin và tài liệu không đúng với quy định.
Ngày 20/9/2020, bà Vân, vợ ông Tuấn viết đơn kêu cứu đề gửi Ủy ban Kiểm tra Trung Ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan khác khi bà được thông báo qua điện thoại rằng ông Tuấn đã bị bắt và bị đưa về trại giam của Công an tỉnh Đắk Lắk…
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 28/09/2020
************************
Gia đình thông tin vụ giảng viên bị công an ‘mời làm việc’ theo kiểu ‘bắt cóc’
Khánh An, VOA, 28/09/2020
Cho đến tối 28/9, sau khi Công an tỉnh Đắk Lắk lên tiếng khẳng định vụ "mời làm việc" một giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng là "theo đúng quy định của pháp luật", thì gia đình ông nói với VOA rằng họ vẫn chưa nhận được giấy mời và không biết vì sao thân nhân của mình bị bắt.
Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Thông tin về vụ bắt Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên khoa Khoa học thể thao của trường Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu được biết đến vào cuối tuần qua khi "đơn kêu cứu" của ông Phạm Đình Phú, anh trai của Tiến sĩ Phạm Đình Quý, được đưa lên mạng xã hội vào ngày 25/9.
Trong đơn, ông Phú cho biết vào lúc 6 giờ chiều 23/9, khi đang đi ăn tối cùng vợ mới cưới tại khu vực gần trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tiến sĩ Phạm Đình Quý và vợ đã "bị khống chế và vây bắt do Công an Đắk Lắk thực hiện" trước sự chứng kiến của nhiều người. Tuy nhiên, ông Phú và gia đình hoàn toàn không biết thông tin cho tới khi nhận được tin báo từ các sinh viên.
Ông Phạm Đình Phú nói với VOA :
"Em dâu tôi báo là bữa đó nó cũng bị bắt, bị "mời" về làm việc chung với Quý và 4 giờ sáng nó được thả ra. Bên Công an người ta bắt em dâu tôi ký vào một tờ giấy không được tiết lộ thông tin cho người thứ ba".
Vẫn theo lời ông Phú, sau khi bắt Tiến sĩ Phạm Đình Quý, công an đã đưa vợ ông Quý trở về nhà trọ của hai vợ chồng để tiếp tục làm việc.
"Nghe em dâu kể lại là khi về nhà trọ để lấy laptop của Quý thì (công an) bắt chủ nhà trọ tắt hết camera".
Sáng 28/9, ông Phạm Đình Phú lên công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi thông tin liên quan đến em trai.
"Trước nhất tôi hỏi em tôi có bị tạm giam ở đây không thì các đồng chí trả lời là, ‘Có, đang bị tạm giam ở đây’ và nói có đưa cho mình một thông báo. Tôi hỏi lý do gì mà tạm giam em tôi mà gia đình tôi không biết thì (họ nói) chắc gửi về nhà theo đường bưu điện nên nó lâu", ông Phú nói với VOA.
Ông Phạm Đình Phú cho biết ông xin được gặp em trai nhưng cơ quan công an trả lời rằng vì Tiến sĩ Phạm Đình Quý đang trong quá trình điều tra nên không được phép gặp gia đình.
"Tôi hỏi về tình hình sức khoẻ thì các đồng chí nói là sức khỏe em mình hơi yếu, hình như bị viêm xoang. Và tôi xin tiếp tế, đưa quần áo vô vì từ hôm bị bắt tới giờ chỉ có một bộ quần áo, thì các đồng chí nói để các đồng chí xem xét, hôm giờ các đồng chí cũng mua một ít quần áo cho Quý rồi",ông Quý cho biết thêm.
Theo lời ông Phạm Đình Phú, sau khi em trai bị bắt, ông có lên trường Đại học Tôn Đức Thắng để hỏi thăm, nhưng một cán bộ hành chính cho biết nhà trường không biết thông tin gì về việc Tiến sĩ Phạm Đình Quý bị bắt.
Hôm 28/9, một đại diện trường Đại học Tôn Đức Thắng xác nhận với VTC News về thông tin Tiến sĩ Phạm Đình Quý bị công an "mời làm việc", nhưng cho biết nhà trường "không nắm được" nguyên nhân mà chỉ biết tin thông qua báo chí.
Vụ "mời làm việc", theo lời ông Phú nói trong "Đơn kêu cứu" xuất hiện trên mạng là "giống như một vụ bắt cóc", đang thu hút sự chú ý của công luận.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu viết trên trang Facebook cá nhân : "Nay nghe tin mà kinh sợ, rằng Công an Đắk Lắk đã vây bắt, áp tải võ sư tiến sĩ Phạm Đình Quý vào lúc 18h ngày 23/9 tại địa bàn quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh trước bàn dân thiên hạ, không cáo trạng, không đọc lệnh bắt giam, để áp tải lên Đắk Lắk "làm việc", chỉ vì võ sư tiến sĩ Phạm Đình Quý và đồng nghiệp đã viết đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk về việc đạo luận án tiến sĩ".
Vị tiến sĩ toán học nổi tiếng đặt câu hỏi rằng liệu "đất nước có còn quốc pháp" khi công an tham gia vào vụ án dân sự về việc kiện tụng giữa Võ sư- Tiến sĩ Phạm Đình Quý và ông Bùi Văn Cường. Ông kêu gọi Quốc hội Việt Nam "không làm ngơ" trước vụ việc này.
Lên tiếng trước báo giới chiều 28/9, công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định việc bắt Tiến sĩ Phạm Đình Quý là "theo đúng quy định của pháp luật".
Ngoài Tiến sĩ Phạm Đình Quý, còn có một người khác là đảng viên Hoàng Minh Tuấn bị bắt. Cả hai đều là những người công khai tố cáo ông Bùi Văn Cường "đạo luận văn tiến sĩ".
Trung tá Nguyễn Trọng Hữu, cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát Hình sự của Công an tỉnh Đắk Lắk, hôm 28/9 nói rằng việc "mời" ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn về làm việc "vì có liên quan đến vụ án vu khống" theo điều 156 Bộ Luật Hình sự, và vụ án này đã được khởi tố vào ngày 19/9.
"Hiện nay trên mạng cũng xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt, tuy nhiên Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ có thể thông tin đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra", báo Tuổi Trẻ dân lời Trung tá Nguyễn Trọng Hữu nói.
Tin cho hay Tiến sĩ Phạm Đình Quý sinh năm 1981. Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ thuật. Trước khi trở thành giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng, ông từng đoạt nhiều giải thưởng. Năm 13 tuổi, ông đoạt giải vô địch thi quyền quốc gia. Năm 2004, ông đoạt huy chương vàng hạng cân 51kg giải vô địch toàn quốc.
Năm 2007, ông Phạm Đình Quý trở thành giảng viên võ cổ truyền tại Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2010, ông bảo vệ luận án Thạc sĩ tại Đài Loan và năm 2015 nhận được bằng Tiến sĩ Võ học tại Trung Quốc.
Gia đình Tiến sĩ Phạm Đình Quý cho VOA biết hiện họ đã nhờ luật sư tư vấn và làm đơn kêu cứu gửi lên các cơ quan trung ương và báo đài.
Giảng viên tố cáo bí thư Đắk Lắk bị ‘mời làm việc’ hay bị 'bắt cóc' ?
BBC, 28/09/2020
Công an đã bất ngờ bắt giữ tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, liên quan đến việc ông này tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Nhiều người tố cáo công an đã hành xử không đúng pháp luật khi "bắt cóc" công dân.
Ông Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng được xác nhận bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk mời làm việc.
Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đạo nhái luận án tiến sĩ đã bị công an tỉnh Đắk Lắk mời làm việc. Tuy nhiên, gia đình ông Quý cho rằng đây là cuộc bắt cóc.
Tuổi Trẻ đưa tin, tối 23/9, khi ông Phạm Đình Quý đang đi ăn cùng vợ tại Thành phố Hồ Chí Minh thì có cán bộ công an đến gặp và "mời phối hợp cung cấp thông tin". Công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Sau đó, ông Quý được đưa đến cơ quan công an Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk.
Gia đình ông Quý cho rằng đây là hành vi bắt cóc vì gia đình không nhận được bất kỳ thông tin gì về việc triệu tập cũng như không được phép gặp ông Quý.
Gia đình nói gì ?
Trong đơn cầu cứu, ông Phạm Đình Phú thuật lại rằng em trai của ông là Phạm Đình Quý bị khống chế và vây bắt vào lúc 18g ngày 23/9 trong lúc đang đi ăn cùng vợ. Vợ ông Quý nói rằng bà bị bắt cùng với ông Quý nhưng đến 4g sáng ngày 24/9 thì được thả và bị buộc phải ký giấy cam kết là không được tiết lộ với người thứ ba về việc vây bắt này.
Ông Phạm Đình Phú viết rằng sáng 24/9 ông đã đến Phòng Cảnh sát hình sự quận 1 để tìm hiểu và xin được gặp em trai nhưng không được chấp nhận vì lý do "đang bị điều tra nên không được gặp". Ông Phú cho rằng đây là "vụ bắt cóc chứ không phải được mời để phối hợp điều tra" vì "cuộc vây bắt này không được thông báo hay mời làm việc theo quyết định tạm giam như luật pháp Việt Nam quy định".
Đơn kêu cứu của ông Phạm Đình Phú, anh trai ông Phạm Đình Quý.
Thông tư 46/2019 của Bộ Công an có quy định đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đang ở trụ sở Cơ quan điều tra. Theo đó, trong thời hạn không quá 12 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa và người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, ông Phú khẳng định tính tới thời điểm ông viết đơn, gia đình ông chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc em trai ông bị công an Đắk Lắk bắt giữ.
Gia đình ông Quý còn cho biết thêm, từ hôm bị bắt, ông Quý vẫn không liên lạc với gia đình hay nơi ông công tác.
Đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nơi Tiến sĩ Phạm Đình Quý đang công tác, cũng xác nhận với báo Tuổi Trẻ nhà trường hoàn toàn không có thông tin liên quan tới vụ việc.
"Đại diện gia đình của giảng viên Phạm Đình Quý đã đến liên hệ với nhà trường để hỏi thông tin. Chúng tôi đã trả lời đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa chính thức làm việc với trường về việc này", đại diện trường cho biết.
Dư luận nói gì ?
Trên Facebook cá nhân, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu ý kiến :
"Về tố tụng, việc đưa người đi như vậy cần phải có các quyết định tố tụng được phê chuẩn bởi Viện Kiểm sát, trừ trường hợp bắt phạm tội quả tang. Nếu không có các quyết định này, dù bổ sung sau đó, Công an Đắk Lắk không có quyền làm như vậy.''
''Lưu ý nữa, hành vi phạm tội ở đâu thuộc thẩm quyền của công an địa phương đó thụ lý, nếu Tiến sĩ Quý thực hiện những lời tố cáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì công an Đắk Lắk không có quyền đến địa phương này để đưa người đi".
Theo luật sư Hưng, "hành động công an Đắk Lắk đến Thành phố Hồ Chí Minh để 'xử lý' Tiến sĩ Quý cũng khiến dư luận thắc mắc, có hay không sự khách quan, khi chính người bị tố cáo là cấp lãnh đạo của công an tỉnh này. công an Đắk Lắk cần công khai các hoạt động tố tụng đối với Tiến sĩ Quý, nếu sai 2 nội dung trên, các vị có thể bị xử lý ngược !", luật sư Hưng nêu.
Một người dùng Facebook tên Hưng Phạm Ngọc viết :
"Việc bí mật bắt tiến sĩ Quý, rồi sau đó phản ứng trước dư luận bằng cách chối bắt người, thay thế bằng 'mời làm việc' cho thấy ông bí thư Đắk Lắk có điểm yếu. Ông sợ dư luận chú ý đến vụ đạo văn, nhất là trước kỳ hội nghị trung ương tháng 10 sắp xếp nhân sự trình đại hội".
Một lần nữa, dư luận đặt dấu hỏi về nền tư pháp và quyền hạn của công an Việt Nam.
Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu bình luận trên Facebook cá nhân :
"Đơn của võ sư - tiến sĩ Phạm Đình Quý cùng đồng nghiệp tố cáo ông Bùi Văn Cường được thực hiện công khai, gửi đến các cơ quan báo chí, và đã được các cơ quan báo chí đăng tải rộng rãi.''
''Nếu ông Bùi Văn Cường thấy mình bị vu cáo thì kiện võ sư tiến sĩ Phạm Đình Quý ra tòa án. Tại sao Công an Đắk Lắk vây bắt, áp giải võ sư - tiến sĩ Phạm Đình Quý ? Sao lại 'mời lên làm việc' theo cách vây bắt áp giải ?"
Ông Chu còn chất vấn : "Nếu ông Bùi Văn Cường không phải là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk thì Công an Đắk Lắk có thực hiện vây bắt võ - sư tiến sĩ Phạm Đình Quý không ? Việc kiện tụng giữa võ sư - tiến sĩ Phạm Đình Quý và ông Bùi Văn Cường là việc dân sự giữa 2 cá nhân, sao lại có Công an Đắk Lắk tham gia ?"
Ông Phạm Đình Quý là ai ?
Tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý quê Bình Thuận, công tác tại Khoa Khoa học Thể thao Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông đã tham gia giảng dạy, huấn luyện đội võ cổ truyền và muay của trường từ tháng 4/2019.
Vào khoảng cuối tháng 8/2020, vài tờ báo đã đăng tải bài viết của ông Phạm Đình Quý tố cáo ông Bùi Văn Cường "đạo luận án tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân".
Những bài viết ghi lại đơn tố cáo luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó.
Bài viết này chỉ ra bằng chứng ông Cường còn sao chép từ các công bố khác nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo. Ông Quý cho rằng đây là gian dối trong học thuật và viện dẫn, theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ông Cường không đủ điều kiện bảo vệ luận án. Tuy nhiên, ông Cường vẫn được cấp bằng tiến sĩ.
Các bài viết này hiện đã bị gỡ xuống.
Ông Phạm Đình Quý (bìa trái) từng đoạt nhiều giải thưởng võ thuật các cấp.
Được biết, ông Phạm Đình Quý sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống võ thuật ở Bình Thuận. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng võ thuật các cấp, trong đó đoạt huy chương vàng hạng cân 51kg giải vô địch toàn quốc năm 2004 tại Tây Ninh.
Tháng 9/2007, ông trở thành giảng viên Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 2010, ông bảo vệ thành công chương trình thạc sĩ thể thao tại Đài Loan.
Năm 2015, ông bảo vệ thành công chương trình tiến sĩ thể thao tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Nguồn : BBC, 28/09/2020
***********************
Giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng bị công an 'mời làm việc' vẫn chưa được gặp gia đình
RFA, 28/09/2020
Cho đến ngày 28/9, gia đình của ông Phạm Đình Quý - giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết vẫn chưa được gặp ông này từ khi bị Công an tỉnh Đắk Lắk tạm giữ.
Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Courtesy Phạm Đình Quý
Trả lời báo chí nhà nước Việt Nam hôm 28/9, ông Phạm Đình Phú, là anh của tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý, cho biết ông đã đến cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi thông tin về vụ em trai của ông bị công an ‘mời làm việc’.
Theo ông Phú, Công an tỉnh Đắk Lắk đã xác nhận ông Quý đang bị tạm giữ tại Đắk Lắk. Nhưng công an từ chối việc cho phép gia đình gặp ông Quý, vì cho rằng đang trong quá trình điều tra nên không cho ai gặp. Tuy nhiên, cơ quan công an, có hướng dẫn đến khu tạm giam để gửi đồ cho ông Quý nếu cần.
Ông Phạm Đình Phú cho biết, gia đình đã mời một luật sư ở Hà Nội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Quý. Hiện gia đình không biết lý do vì sao ông Quý bị công an mời làm việc và tạm giữ... Nguyện vọng của gia đình là làm sao để ông Quý sớm được trả tự do.
Trước đó, theo đơn kêu cứu của gia đình, từ tin báo của sinh viên, vào khoảng 18h ngày 23/9, ông Phạm Đình Quý cùng vợ mới cưới đang đi ăn trên đường D1, gần Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trước sự chứng kiến của nhiều người, đã bị công an khống chế và vây bắt. Gia đình đến Phòng Cảnh sát hình sự công an Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần để tìm hiểu và xin gặp em trai nhưng không được chấp thuận.
Trả lời báo chí trưa ngày 28/9, đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng Thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận thông tin tiến sĩ Phạm Đình Quý - Giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của Trường bị công an ‘mời làm việc’ tối 23/9. Nhưng trường không rõ nguyên nhân.
Cũng tin liên quan, hôm 28/9 Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã hồi đáp 'thư báo cáo và kêu cứu' của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, về việc xem xét phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Theo Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, những vấn đề Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang gặp phải về tự chủ Đại học là 'không bình thường' và Hội quyết tâm sẽ bảo vệ quyền lợi của hội viên.
Hiệp hội khẳng định những đánh giá của Hiệp hội về thành tựu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đến nay vẫn không thay đổi. Cần nhân rộng mô hình nổi trội về tự chủ đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Hiệp hội cũng khẳng định lại việc cần tôn vinh thành tích của tập thể anh hùng...
Nguồn : RFA, 28/09/2020