Chính sách Đổi mới giúp Việt Nam có một thời kỳ "vàng son", trong đó kinh tế được mở rộng nhanh chóng kèm theo sự thái quá vật chất đồng thời với tham nhũng chính trị. Khác biệt với thời kỳ mạ vàng (Gilded age) [1] ở Mỹ vào từ khoảng những năm 1870 đến đầu những năm 1900, trong đó sự phát triển chủ nghĩa tư bản bùng nổ và hỗn loạn và, sau đó là hoàn thiện thể chế, luật pháp và dân chủ hóa đất nước, thì chế độ Đảng cộng sản toàn trị với sự tinh vi về hệ tư tưởng và bộ máy cai trị đặc quyền, không chỉ về cách tuyên truyền sai lệch nguyên nhân và động lực thật sự về tăng trưởng kinh tế mà còn diễn giải nạn tham nhũng và thực hành chống tham nhũng chỉ để duy trì chế độ. Hậu quả là tình hình ngày càng tồi tệ và chế độ đang đứng trước nguy cơ tồn vong ngày càng lớn. Thời kỳ mạ vàng qua đi, mô hình chuyên chế đã quay trở lại và cần được cảnh báo trước khi đặt vấn đề dân chủ hóa. Bài viết sẽ trình bày ba nội dung chủ yếu sau :
(I) Tham nhũng đã hủy hoại chế độ toàn trị ;
(II) Các kịch bản thay đổi ;
(III) Cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại.
Hình minh họa - Photo: RFA
I
Tham nhũng đã hủy hoại chế độ toàn trị
Thời kỳ "mạ vàng" (*) ở Việt Nam khởi đầu từ đường lối Đổi mới của Đảng cộng sản năm 1986 trước nguy cơ sụp đổ chế độ bởi những thách thức to lớn về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội. Trụ cột của Đổi mới là những chính sách về xóa bỏ chế độ quản lý quan liêu bao cấp và kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển đổi sang cơ chế thị trường chủ yếu "từ dưới lên" đồng thời với mở cửa nền kinh tế hội nhập với thế giới và cải cách thể chế để thích ứng với bối cảnh mới. Sự thành công về kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất và xóa đói giảm nghèo… đã làm thay đổi diện mạo đất nước. Giới lãnh đạo đã ngộ nhận và ‘ngạo mạn’ nói về công lao và năng lực của Đảng và Chính phủ trong khi lờ đi hay coi nhẹ động lực thị trường. Và, hệ quả hiển nhiên là cải cách chính trị dần trì trệ và chững lại ở thượng tầng, mà nguyên nhân bản chất là tha hóa quyền lực và vấn nạn tham nhũng là biểu hiện bề ngoài. Với bản chất đối nghịch với kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản chế độ đảng cộng sản toàn trị chỉ ‘lợi dụng’ nó như phương tiện tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh mà không thể tự thay đổi.
Chế độ đảng toàn trị đang sụp đổ vì tham nhũng. Và, đây là con đường từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị. Trên đó từ những khoản tiền tham nhũng vặt, chúng cứ lớn dần do người dân và doanh nghiệp bị ép buộc hay đòi hỏi phải hối lộ, ‘chia chác’ cho quan chức, công chức để thực hiện dịch vụ hành chính công, công vụ hay tiếp cận các nguồn lực công, các dự án từ ngân sách, đất đai và tài nguyên. Những bất cập thể chế và chính sách cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ không hiệu quả khiến cho công dân muốn có tự do hơn trong cuộc sống buộc phải hối lộ và các doanh nghiệp muốn kinh doanh buộc phải chia sẻ lời lãi. Trong điều kiện khan hiếm một ‘cuộc đua’ vô hình như trên khiến các quan chức làm giàu nhanh và trắng trợn. Ngoài ra, nhiều chính sách, cải cách nửa vời hay không hiệu quả, núp bóng dưới các hình thức cổ phần hóa, xã hội hóa, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đầu tư công… che giấu lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khiến tham nhũng trở thành quốc nạn, đang lan rộng và ngày càng nghiêm trọng.
Đảng cộng sản (chính thức thừa nhận tham nhũng là nguy cơ tồn vong chế độ tại Đại hội 11 (năm 2011), ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về chống tham nhũng. Ông Tổng bí thư phát động chiến dịch "đốt lò" và trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống năm 2012… Đảng đã tổng kết 10 năm [2] thực hiện chính sách này và, một trong những nhận định là "tình hình vẫn phức tạp" và "chưa đạt kết quả như mong muốn". Và, mới đây, trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội khóa 15, tại kỳ họp thứ 7 ngày 20/5/2024 vẫn chỉ ra trong năm 2023 : "Các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng… So với năm 2022, các cơ quan thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ. Riêng sáu tháng đầu năm nay, các đơn vị đã khởi tố mới 468 vụ liên quan tội phạm về tham nhũng, chức vụ với nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp…".
Tình hình tham nhũng đã tồi tệ đến mức giới lãnh đạo không thể công khai trước toàn dân về trách nhiệm giải trình. Người dân tuy biết nhưng đứng ngoài "trò chơi cung đình", trong đó sự theo đuổi, tranh giành quyền lực và thanh trừng nội bộ ở thượng tầng đang diễn ra khốc liệt. Trong vòng hơn một năm tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm viết bài đã có năm trong số 18 Uỷ viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng cộng sản, đã có lần lượt hai ông Chủ tịch nước, một Chủ tịch quốc hội, một Thường trực Ban bí thư, một phó Thủ tướng thường trực phải từ chức vì "trách nhiệm chính trị" và nhiều quan chức cao cấp khác bị kỷ luật dưới các hình thức khác nhau… Và, Đảng buộc phải dàn xếp, thay thế, phân công… Người ta gọi đó là "kiện toàn nhân sự lãnh đạo đảng-nhà nước, trong đó có quy trình Đảng cử và Quốc hội bầu đã diễn ra tại kỳ họp thứ 7 nêu trên…
Chính trị là cách thức cai trị. Cụ thể, đây là tập hợp các hoạt động liên quan đến việc lãnh đạo, quản lý một quốc gia hoặc khu vực có chủ quyền. Các hoạt động này liên quan đến việc đưa ra quyết định theo nhóm hoặc các hình thức quan hệ quyền lực khác giữa các cá nhân, chẳng hạn như phân phối tài nguyên hoặc địa vị, đặc biệt là việc tranh giành hoặc xung đột giữa các cá nhân hoặc các bên có hoặc hy vọng đạt được quyền lực. Khái niệm chính trị có thể được sử dụng trong bối cảnh của một "giải pháp chính trị" đang thỏa hiệp và bất bạo động hoặc được mô tả là "nghệ thuật hoặc khoa học cai trị" của một chính thể, đảng hay nhà nước, như trong trường hợp ở thượng tầng chế độ đảng toàn trị ở Việt Nam hiện nay.
Quốc nạn tham nhũng đã hủy hoại chế độ, khiến cho niềm tin vào chế độ giảm sút, chính trị khủng hoảng nghiêm trọng. Giới lãnh đạo đang nỗ lực cứu chế độ trước nguy cơ sụp đổ cận kề trong khi người dân đứng ngoài cuộc và, giới quan sát bàn luận về những sự kiện đang diễn ra, suy đoán theo các kịch bản coi đó là "trò chơi cung đình"…
Nguyễn Phú Trọng – Tô Lâm - Ảnh minh họa /Photo: RFA
II
Các kịch bản thay đổi
Quốc nạn tham nhũng và chống tham nhũng "không vùng cấm" được cho là quyết liệt nhưng không hiệu quả như mong muốn khiến cho niềm tin vào chế độ giảm sút và đấu đá khốc liệt ở thượng tầng khiến khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Giới quan sát cố gắng ‘giải mã’ "trò chơi cung đình", những biến cố trên chính trường Việt Nam, có thể dẫn đến các kịch bản thay đổi thế nào.
Tình hình đang diễn biến khó lường. Tuy nhiên, các kịch bản đưa ra nếu căn cứ vào bản chất toàn trị của chế độ thì sẽ phù hợp hơn với xu hướng quay trở lại của mô hình chuyên chế. Ngoài ra, lịch sử thăng trầm của các mô hình đảng cộng sản toàn trị cho thấy cách thức ứng phó với hoàn cảnh để sống sót và tồn tại, điển hình là mô hình Liên Xô, sụp đổ : tất cả ở thượng tầng – từ các lãnh đạo trong cơ quan quyền lực chóp bu - Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
Trong suốt lịch sử tồn tại của chế độ đảng toàn trị theo mô hình Liên Xô, từ cách mạng vô sản Nga năm 1917 đến nay, hệ thống "nomenklatura" tinh vi và khép kín, trong đó luôn giữ bí mật về tình trạng sức khoẻ và nguyên nhân thực sự của cái chết của các lãnh tụ chế độ, đã xác định xu hướng tuyệt đối hóa quyền lực, sùng bái cá nhân. Và, hệ quả là sự kế thừa người đứng đầu chế độ toàn trị hay chuyển giao quyền lực không mấy "suôn sẻ", nhưng hiếm khi xảy ra những cuộc đảo chính bạo lực đẫm máu hay loạn "mười hai sứ quân" [3]. Dưới đây là một vài sự kiện lịch sử.
V.Lênin qua đời năm 1924 được cho là bệnh nặng do bị ám sát, người kế thừa ông ấy là J. Stalin được cho là khá "êm thấm". Bí mật cũng bao trùm lên tình trạng sức khỏe của Stalin, "người cha dân tộc" 73 tuổi đầy quyền lực sau 30 năm cầm quyền, luôn bị bệnh nhồi máu cơ tim đe doạ, mất năm 1953 theo thông cáo chính thức là vì xuất huyết não.
Sự kế vị Stalin dù có khó khăn, nhưng người đạt được là Nikita Khrushchev với cương vị Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô và, năm 1958 ông kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, năm 1964 Khrushchev đã phải "từ chức" trong một âm mưu lật đổ ông [4] do những người cộng sự thân cận trong đảng lập ra rất tỉ mỉ. Một trong chi tiết của câu chuyện này là Khrushchyov đã quá tin vào các cộng sự và quá tự tin vào trí tuệ có vẻ như kiệt xuất của mình nên không kịp thời xử lý những thông tin trái chiều nhận được.
Trường hợp Leonid Brejnev, người kế vị Nikita Khrushchev, bị chứng xơ động mạch do nghiện rượu và thuốc lá, thường dùng thuốc ngủ, cuối đời hay đau ốm nhưng vẫn tại vị đến khi qua đời năm 1982. Có ý kiến phân tích cho rằng vì "Brejnev biết lắng nghe, lãnh đạo một cách tập thể, tránh sỉ nhục người khác kể cả không cùng phe, làm ngơ trước nạn tham nhũng đang hoành hành, không từ chối điều gì với quân đội, hào phóng phân phát huy chương, nên đại đa số quan chức thích một Brejnev sức khỏe kém…" [5]. Ngoài ra, một số người cũng sợ khi Brejnev chết tình hình sẽ hỗn loạn. Tuy nhiên, sau ông sự kế vị không mấy suôn sẻ nhưng bạo lực không xảy ra như lo sợ...
Mikhail Sergeyevich Gorbachev (1931-2022), vị Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô cuối cùng, người được cho là nguồn cơn tranh luận từ khác biệt ý thức hệ về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Ông ấy khi cầm quyền là người khởi xướng, lãnh đạo "cải tổ" (perestroika) và "công khai" (glasnost), khi Liên Xô sụp đổ bị coi là "tội đồ" khi bị chỉ trích là đã từ bỏ ý thức hệ cộng sản, là "người hùng" từ quan điểm phương Tây khi nỗ lực dân chủ hóa đất nước. Gorbachev bị buộc thoái vị khi Liên Xô tan rã, lãnh đạo các nước cộng hòa như Liên bang Nga, Ukraine và Belarus, đặc biệt vai trò của Boris Yeltsin, "đảo chính" hòa bình. Sau này, "bày tỏ sự hối tiếc về sự tan rã của Liên Xô nhưng trích dẫn những gì ông thấy những thành tựu của chính quyền khi ông lãnh đạo là : "tự do chính trị và tôn giáo, sự kết thúc của chủ nghĩa toàn trị, sự ra đời của nền dân chủ và nền kinh tế thị trường, và sự kết thúc của cuộc chạy đua vũ trang và Chiến tranh Lạnh" [6].
Tiếp nối M. Gorbachev là Tổng thống Boris Yeltsin cầm quyền nước Nga trong một thập kỷ khủng hoảng toàn diện khi chuyển đổi chế độ. Yeltsin đã chọn V.Putin kế vị với phẩm chất độc đoán đến "lạnh lùng" và vì sự an toàn cho bản thân và gia đình ông ta. Tất cả những gì xảy ra sau đó, từ năm 2001 đến nay, trong hơn một phần tư thế kỷ dưới quyền cai trị của nhà độc tài xuất thân từ một sĩ quan KGB – cơ quan mật vụ Liên Xô, cho thấy những cách thức cai trị thay đổi phức tạp, nhưng Putin vẫn phải dựa vào hệ thống "nomenklatura" nhưng dưới hình thức khác [7] để duy trì quyền lực. Nước Nga đang ở trong thời kỳ chế độ độc tài kiểu mới…
Một số bài học chủ yếu là : Một là, sự thay đổi chỉ diễn ra trên thượng tầng, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban bí thư ; Hai là, với quyền lực tuyệt đối vai trò người đứng đầu quyết định ; Ba là, Tổng bí thư có xu hướng cầm quyền suốt đời ; Bốn là, sự chuyển giao quyền lực này luôn khó khăn ; Năm là, những người thân cận khó đạt thoả thuận để có thể "đảo chính" ; Sáu là, không thể có người kế vị là những thời khắc thay đổi ; Bảy là, ai tích luỹ đủ quyền lực áp đảo tập thể lãnh đạo sẽ là người thay thế… Và, cuối cùng và quan trọng nhất là chế độ đảng toàn trị không dễ dàng sụp đổ. Dưới đây là hai kịch bản thay đổi có thể.
Một, người đứng đầu Đảng, ông Tổng bí thư, mặc dù có hạn chế về tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn làm chủ "cuộc chơi" theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thủ trưởng quyết định. Các lãnh đạo chóp bu như nêu ở trên bị kỷ luật vẫn theo nguyên tắc này. Ngoài ra, cơ chế "đảng cử, dân bầu" vẫn được vận hành ‘suôn sẻ’ chứng tỏ mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của Đảng và người đứng đầu. Bởi vậy, trường hợp tân Chủ tịch nước, mới được "đảng cử và dân bầu", một chức vị "hữu danh vô thực", mang tính biểu tượng, đối ngoại, cũng nằm trong sự ‘tính toán’, thậm chí bị coi là "vật tế thần" [8] cho quyền lực tuyệt đối như hai người tiền nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng vừa phải "chịu trách nhiệm chính trị".
Kịch bản thứ hai là ông Tổng bí thư có thể đã bị "tiếm quyền". Luồng ý kiến này cho rằng, mặc dù trên danh nghĩa có quyền lực tuyệt đối, nhưng hạn chế về tuổi cao sức yếu khiến ông dần mất kiểm soát. Để chống tham nhũng "không vùng cấm" kéo dài ông Trọng vẫn phải dựa vào Bộ Công an, và, như hệ quả ngày càng lệ thuộc vào nó. Sức mạnh của Bộ Công an được nhân lên và, ông Bộ trưởng đã ‘khôn khéo’ chuẩn bị lực lượng, đặc biệt là nhân sự... Với ưu thế này và, lợi dụng chủ trương chống tham nhũng kết hợp với thanh trừng phe phái, ông Bộ trưởng công an có thể ‘hạ bệ’ các đối thủ cạnh tranh ngôi kế vị Tổng bí thư. Và khi ông Tô Lâm còn đủ các tiêu chuẩn để tiếp tục ở nhiệm kỳ Đại hội 14 thì cương vị Chủ tịch nước chỉ là quá độ và, chức Tổng bí thư, mới chính là tham vọng thực sự...
Các quý vị có thể nêu kịch bản của riêng mình, nhưng sự sụp đổ chế độ toàn trị là không dễ dàng và chưa phải lúc này. Dù ông Tổng bí thư có vẫn làm "chủ tình hình" hay bị "tiếm quyền" thì ông ấy vẫn kiên định bảo vệ chế độ và, Bộ Công an và cá nhân ông Bộ trưởng vẫn là "công cụ đắc lực" để thực thi. Bộ chính trị đã được "kiện toàn" khi bổ sung 3 nhân sự từ trưởng của ba Ban của Đảng : Tuyên giáo, Dân vận và Văn phòng Trung ương và, một là từ Chủ nhiệm chính trị Bộ Quốc phòng… Tuy nhiên với các nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị là công an, quân đội, thì mô hình chuyên chế theo kiểu công an trị cần được cảnh báo…
Ảnh minh họa – Photo : RFA
III
Cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại
Mô hình chuyên chế đã quay trở lại, trong đó Đảng – Nhà nước được củng cố theo hướng "nhất thể hóa" với tính chất cách mạng, thiên về sử dụng sức mạnh bạo lực được thúc đẩy. Sự thay đổi này được coi như một phản ứng ‘tự vệ’ trước sự tồn vong của chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối" trong bối cảnh quốc tế biển đổi nhanh, phức tạp khó lường. Sự "chuyển đổi" này có thể quan sát thấy qua nhiều sự kiện liên tục và, đặc biệt các biến cố chính trị gần đây. Trong đó, một là, khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng, "tứ trụ" liên quan đến chống tham nhũng và vẫn đang diễn biến khó lường, với các nhân sự "kiện toàn" bộ máy Đảng có nguồn gốc từ các bộ sức mạnh ; Hai là, khó khăn kinh tế, hiệu ứng phức tạp của thị trường, niềm tin vào chế độ giảm sút ẩn chứa bất ổn xã hội… ; Ba là, các yếu tố trong và ngoài nước khác đang thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống người dân để đảm bảo tính chính danh của chế độ. Đây là tình thế có thể đẩy đất nước vào giai đoạn thay đổi khó lường, bởi vậy cần thiết phải nâng cấp cảnh báo.
Là một chính đảng cầm quyền, Đảng cộng sản Việt Nam nhìn nhận vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh chế độ. Ngày 13/7/2023 Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 24-CT/TW (kiểu chỉ thị nội bộ có đóng dấu "Mật") về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng". The 88 Project [9] (Dự án 88 hộ trợ và khuyến khích thực hiện nhân quyền ở Việt Nam) "phát hiện" và giải mật vào thời điểm "nhạy cảm" khi Tổng thống J. Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược toàn diện và, sau đó ít ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đã đến Hà Nội củng cố cấp quan hệ cao nhất giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam tiến hành ngoại giao cây tre trong môi trường quốc tế và khu vực phức tạp khi Mỹ và Trung Quốc vừa là đối tác thương mại vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ngoài ra, Việt Nam là "đồng minh" ý thức hệ với Trung Quốc khiến giới quan sát chú ý tới "Chỉ thị số 9" của Đảng cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh về nguy cơ an ninh chế độ khi hội nhập, mở cửa làm ăn với phương Tây.
Trong khi những tranh luận vẫn diễn ra căng thẳng đối nghịch nhau về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền nói chung và từ nội dung của Chỉ thị 24-CT/TW nói riêng, thì sự "chuyển đổi" từ "toàn trị" sang "chuyên chế" đã diễn ra như con sóng ngầm, không thấy trên bề mặt nhưng mạnh mẽ dưới tầng sâu. Như đã biết, với đặc trưng là đứng trên nhà nước để cai trị, giới lãnh đạo chế độ Đảng cộng sản trong những năm đầu thực hiện chủ trương Đổi mới đã "nhận ra" những rào cản thể chế và đã dần gỡ bỏ, trong đó sự "song trùng" giữa hai cơ quan của Đảng và Nhà nước nhưng cùng một chức năng, chẳng hạn Ban nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp… Tuy nhiên, những đòi hỏi cải cách thể chế mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu từ thực tế, tăng cường hội nhập và mở rộng kinh tế thị trường để tăng trưởng đã thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng…
Thay vì cải cách thể chế chính trị tương thích với thể chế kinh tế, Đảng vẫn theo đuổi quyền lực tuyệt đối để tạo ra những chủ trương, chính sách và các cơ quan, tổ chức "chuyên chế" để đối phó với tham nhũng đã lan rộng và nghiêm trọng… Không khó để nêu các thể chế như vậy. Các Ban đảng như ban Nội chính, Ban Kinh tế… được tái thiết lập và tăng cường, trong đó nổi bật nhất là hệ thống Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trải dài từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, các quy tắc đảng cũng là những "đặc sản" của chế độ toàn trị. Chẳng hạn, Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng, trong đó Bộ Chính trị (hay Cấp Ủy) giới thiệu ứng cử viên duy nhất để bầu trong các đại hội đảng ; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo cho phép lãnh đạo vùng cấm như ở Bộ chính trị "hạ cánh an toàn, không bị truy cứu hình sự" dưới hình thức "chịu trách nhiệm chính trị" ; Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm ; Và mới đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới… Ông Tổng bí thư Đảng từng được ‘ca ngợi’ là "một bậc thầy về các quy tắc phức tạp" [10]
Như một hệ quả của sự tập trung quyền lực để cai trị, sự tăng cường của các bộ sức mạnh như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và sự đại diện của các lãnh đạo trong cơ cấu của cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, Bộ Chính trị. Diễn biến trên chính trường đang khó lường, nhưng như một phản xạ không điều kiện, có thể quan sát nền chính trị của đồng minh ý thức hệ Trung Quốc để đối phó. Tuy nhiên, những khác biệt về thời điểm và sự chuyển giao ngôi vị Tổng bí thư khiến giới quan sát không khỏi "lo lắng" những gì sẽ đến với đất nước và người dân Việt Nam. Một điều không thể trong lúc này là bản chất chế độ không thay đổi.
Chế độ đảng toàn trị với bản chất chuyên chế, cách mạng, cai trị dựa vào hai trụ cột chủ yếu : bộ máy đặc quyền (nomenklatura) và ý thức hệ cộng sản (chủ nghĩa xã hội). Ngoài những tính chất quyết đoán, bạo lực, kỷ luật, khép kín, có niềm tin, tư duy phức tạp… hai trụ cột này giúp chế độ trở nên tinh vi, dẻo dai và ứng phó cao… Nomenklatura theo tiếng Latin là nomenclature [11], chế độ "danh pháp", nghĩa là đặt tên hay tạo ra quy tắc đặt tên các tổ chức, dựa trên hệ tư tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác – Lênin không ngừng biến đổi nhằm cải tạo hiện trạng nhằm mục đích tiến tới xã hội cộng sản. Với các trụ cột cai trị này chế độ đảng toàn trị đã "ủ bệnh" và phát tác bất cứ khi nào có cơ hội và dưới các hình thức khác nhau…
Mô hình Putin vẫn phải dựa vào "nomenklatura", như một tầng lớp cai trị (ruling class) [12], kết hợp với việc sử dụng thân tín, hệ thống đầu sỏ (oligarchs) như một công cụ sức mạnh để cai trị… Và, khi một Trung Quốc đang trỗi dậy hung hăng với mô hình chuyên chế mà ông Tập Cận Bình đang tiến hành khiến cho nhiều nước, đặc biệt các nước phương Tây, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi đặt vấn đề an ninh chế độ lên trên các vấn đề kinh doanh của họ cũng như dân chủ, nhân quyền nói chung… Trong bối cảnh tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị và thách thức sự kiên nhẫn của người dân mô hình chuyên chế đã quay lại Việt Nam và, câu hỏi đặt ra là liệu giới lãnh đạo có tránh được vết xe đổ mà các "đồng minh" ý thức hệ đang sa vào ?
Huỳnh Trần
Nguồn : RFA, 06/06/2024
Chú thích :
Thời kỳ mạ vàng được đặt tên theo một cuốn tiểu thuyết "Thời đại mạ vàng : Câu chuyện ngày nay" (The Gilded Age : A Tale of Today, 1873) của nhà văn Mỹ Mark Twain (1835 – 1910)
Tham khảo :
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Gilded_Age;
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Loạn_12_sứ_quân;
[4] https://daidoanket.vn/nha-lanh-dao-nikita-khrushchyov-da-bi-lat-do-nhu-the-nao-10141220.html;
[5] https://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20230117-b%C3%AD-mật-về-bệnh-tật-của-các-sa-hoàng-đỏ-lênin-stalin-brejnev;
[6] https://en.wikipedia.org/wiki/Mikhail_Gorbachev;
[7] Snegovaya, Maria; Petrov, Kirill (2022). "Những cái bóng dài của Liên Xô: mối quan hệ nomenklatura của giới tinh hoa Putin". Các vấn đề hậu Xô Viết.38 (4): 329–348. doi:10.1080/1060586X.2022.2062657. ISSN 1060-586X. S2CID 246185307;
[8] https://www.youtube.com/watch?v=ISHnuoujijw /RFA/Truyền thông quốc tế: ông Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư
[9] https://the88project.org/about-us/;
[10] https://nghiencuuquocte.org/2021/03/10/con-duong-chinh-tri-cua-nguyen-phu-trong;
[11] Https://en.wikipedia.org/wiki/Nomenklatura;
[12] https://archive.org/details/nomenklaturasovi0000vosl_l7v8/page/n7/mode/2up/ Nomenklatura: the Soviet ruling class
Đại hội 13 sắp tới có đặt vấn đề ‘chỉnh đốn đảng song hành với cải cách hệ thống chính trị’ để có ‘một nhà nước mạnh’. Đây được cho là một ‘điểm mới’ trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, như ông Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị Báo cáo Viên của đảng, rằng ‘không có chuyện đảng mạnh nhà nước yếu và ngược lại’…
Tấm biển quảng bá cho Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019 - Reuters
Đây là chủ đề có phạm vi rộng và phức tạp nên bài viết dưới đây giới hạn về sự vận động của nhà nước trong chế độ đảng cộng sản toàn trị đang thay đổi như thế nào, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường.
Tha hoá quyền lực, tham nhũng nghiêm trọng và các hiện tượng tiêu cực khác của quan chức đã và đang tạo ra khủng hoảng niềm tin, bất ổn thể chế và xã hội. Chỉnh đốn đảng là giải pháp bắt buộc để duy trì chế độ bởi vậy khó có thể tạo ra ‘nhà nước mạnh’ về thực chất. Có thể khẳng định rằng Việt Nam không thể quay lại với cơ chế kế hoạch hoá tập trung, nghĩa là phải tiếp tục cải cách sao cho thể chế chính trị phù hợp với kinh tế thị trường. Quan niệm khác nhau về ‘nhà nước mạnh’ được trình bày như một gợi ý thay cho kết luận.
Nhằm tránh sụp đổ chế độ như Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, Đảng cộng sản Việt Nam đã thực hiện đường lối đổi mới xã hội, trong đó có chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường. Đặc trưng chủ yếu của quá trình này là Đảng không được người dân bầu lên nên tính chính danh được đổi bằng quyền kinh tế, cụ thể hơn, quyền bầu được đổi bằng quyền sở hữu tài sản. Nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin khiến Đảng cộng sản vẫn duy trì chế độ sở hữu toàn dân, đối nghịch với sở hữu tư nhân của kinh tế thị trường. Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối cho nên nhà nước, chính phủ, quốc hội là sự phân công, phân nhiệm lãnh đạo trong khi kinh tế thị trường đòi hỏi chế tam quyền phân lập : lập pháp, tư pháp và hành pháp…
Cần lưu ý rằng, về phương diện kinh tế, thị trường đã giải phóng các nguồn lực, không chỉ cứu sự sụp đổ của chế độ mà còn thúc đẩy tăng trưởng. Từ góc độ chính sách, Đảng cho đó là do sự lãnh đạo ‘sáng suốt’ của mình. Tuy nhiên, đó không phải là lời giải khoa học cho câu hỏi cơ bản là Đảng lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào trong quá trình chuyển đổi từ hơn 30 năm nay.
Hãy từ cách tiếp cận trên để quan sát vận động của nhà nước dưới chế độ đảng toàn trị không khó để nhận thấy mâu thuẫn giữa bản chất chế độ và thị trường có thể dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó xu hướng ‘ly khai’ giữa ba nhánh của nhà nước, nghĩa là phân tách ngày càng rõ của ‘việc phân quyền’, ngày càng rõ rệt, và làm lung lay ‘sự lãnh đạo thống nhất’ của Đảng. Thực tế chỉ ra rằng chính phủ, cơ quan hành pháp, điều hành kinh tế luôn bị ràng buộc, một bên, bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và, bên kia, bởi các công cụ thị trường. Ranh giới mong manh một khi bị phá vỡ sẽ tạo nên bất ổn không chỉ kinh tế vĩ mô, mà cả thể chế.
Từ nhiệm kỳ Đại hội 12 chính sách kinh tế thực dụng được thực thi, theo tôi, là sự lựa chọn thích nghi, nhưng không thể là giải pháp lâu dài. Kinh tế thị trường có sức cám dỗ mạnh mẽ đối với quyền lực, đòi hỏi một cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu ở tất cả các cấp, trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn bất ổn đã cho thấy, thiếu cơ chế giám sát cần thiết khiến các quan chức, khi ‘gần gũi, trực tiếp’ với thị trường luôn có ưu thế và cơ hội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn’ để chiếm đoạt giá trị, lợi ích, tài sản trong môi trường thiếu hoặc luật pháp mâu thuẫn, chồng chéo. Các nhóm lợi ích hình thành và lan rộng, chi phối chính sách, tạo ra phe cánh và mạng lưới bảo trợ chính trị. Đây là quá trình mà Đảng nhận định là các biểu hiện ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’, hay cụ thể hơn là ‘sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên’.
Thừa nhận sự tha hoá quyền lực đang diễn ra nghiêm trọng, ‘đe doạ sự tồn vong của chế độ’, Đảng đang nỗ lực tự kiểm soát quyền lực, trước hết là phát động và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Dù số lượng quan chức tha hoá bị trừng phạt có thể là ‘không giới hạn’ và ‘không có vùng cấm, thì giải pháp này cũng chỉ là ‘phần ngọn’, khi Đảng coi đó là cách ‘ta tự đánh ta’ hay ‘tự lấy đá ghè chân mình’. Bởi vậy, chống tham nhũng luôn khó khăn, phức tạp, tốn kém công sức và chi phí.
Thứ đến, Đảng chỉnh đốn tổ chức và cán bộ khi cho rằng công tác này có ý nghĩa quyết định. Một triết lý cai trị, rằng Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia khu vực Đông Á, ‘vốn có truyền thống’ tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất, trung ương kiểm soát chặt chẽ địa phương, khác biệt với chế độ tam quyền phân lập và dân chủ ở phương Tây. Khi đó, quyền lực cần được kiểm soát bởi ‘một hạt nhân trung tâm’ và "đức trị" sẽ là chiến lược được ưu tiên, trong đó phẩm chất ‘sự gương mẫu, liêm chính’ của quan chức được đề cao. Bởi vậy, Đảng cần tạo ra ‘cơ chế trọng và chọn người tài’.
200 ủy viên Trung ương đảng chụp hình nhân bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP
Cái triết lý trên, theo GS F. Fukuyama, có cội nguồn từ kiểu nhà nước phong kiến tập quyền, điển hình là Trung Quốc ‘giữ truyền thống’, đang vận dụng cho chế độ đảng cộng sản toàn trị. Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng, dõi theo với chính sách ‘dò đá qua sông’. Các nước Đông Á, Đông Nam Á khác đã chuyển đổi sang chế độ dân chủ từ nhiều thập kỷ trước. Ngoài ra, chế độ đảng toàn trị chỉ duy trì chế độ trách nhiệm giải trình nội bộ, thiếu công khai, minh bạch và việc kiểm soát quyền lực sẽ tuỳ thuộc vào vai trò của lãnh tụ, không phải chỉ uy tín và năng lực, mà trước hết là quyền lực của ông ta ‘tuyệt đối’ đến đâu. ‘Nguỵ vương’ luôn là vấn đề thách thức cho chế độ tập quyền, thậm chí có thể dẫn đến độc tài.
Triết gia chính trị người Anh ở thế kỷ 17, Thomas Hobbes đã khái lược mô hình nhà nước mạnh, được gọi là "chuyên chế Leviathan", trái ngược với ‘vô chính phủ, nhằm kiểm soát tình trạng hỗn loạn : ‘tất cả chống lại tất cả’, đảm bảo an ninh và loại bỏ những bất công xã hội.
D. Acemoglu và J. Robinson, đồng tác giả của cuốn "Tại sao các Quốc gia Thất bại", đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, đã nghiên cứu thực tế thể chế của các quốc gia và khái quát một số mô hình nhà nước khác, trong đó Đan Mạch là điển hình của nhà nước mạnh hiện đại khi sự vận hành của nó đảm bảo được ‘sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực nhà nước và xã hội’ dựa trên nền tảng tự do và dân chủ.
Theo hai nhà khoa học trên, Trung Quốc có kiểu nhà nước Leviathan chuyên chế điển hình. Nước này có lịch sử phát triển giằng co giữa hai luồng tư duy cai trị : giữa Pháp gia, áp đặt kiểm soát lên người dân, và Nho giáo vốn chú trọng vào đạo lý vua tôi. Tuy nhiên, kiểu nhà nước ‘không bị ràng buộc’ này không bao giờ có thể bảo vệ người dân trước sự tuỳ tiện chuyên chế của chính nó và sự thành công về kinh tế nhất định có giới hạn. Bởi vậy, Trung Quốc sẽ bị sa lầy vì không thể phát triển thành một nền dân chủ.
Những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay đang chứng minh cho nhận định này. Cả thế giới đang phải đối phó với một Trung Quốc chuyên chế, trỗi dậy sau nhiều thập kỷ ‘giấu mình chờ thời’ để tăng trưởng kinh tế.
Suy cho cùng mục đích cải cách chính trị là biến quốc gia trở thành những xã hội thịnh vượng, ổn định, được quản trị tốt, thượng tôn luật pháp, dân chủ và tự do, tuy nhiên làm thế nào đạt được sự biến đổi đó luôn là câu hỏi nan giải.
Liệu bài học từ Trung Quốc có được thảo luận tại Đại hội 13 ? Tương đồng về ý thức hệ và thiếu truyền thống dân chủ Việt Nam liệu có ‘phép màu’ cải cách để tạo ra sự khác biệt ?
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
"Sự khắc khổ và thanh thản toát ra từ nơi làm việc của ông Hồ Chí Minh cho thấy tinh thần lao động, sự bình tĩnh, kiên trì, quyết tâm phục vụ các kế hoạch của Nhà nước". Trên đây là những dòng cảm tưởng được thủ tướng Pháp Édouard Philippe ghi vào sổ lưu niệm ở Khu di tích Phủ chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến công du Việt Nam tháng 11/2018.
Ông Hồ Chí Minh tại Paris năm 1946.Flickr
Nhận xét này đã làm dấy lên một số ý kiến chỉ trích tại Pháp. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, nhà sử học Stéphane Courtois nhắc nhở về tính cách nhân vật Hồ Chí Minh (tất nhiên là dưới góc nhìn của phía Pháp - ND).
Là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), ông Stéphane Courtois giảng dạy tại Viện đại học Công giáo (ICES) và phụ trách tạp chí mang tên Chủ nghĩa cộng sản. Gần đây ông đã xuất bản tác phẩm "Lênin, người sáng tạo ra chủ nghĩa toàn trị" (Nhà xuất bản Perrin, 2017) và chủ biên công trình biên khảo "Chủ nghĩa cộng sản : 1917, cuộc cách mạng bôn-sê-vích" (Vendémiaire, 2017).
Le Figaro : Ông Hồ Chí Minh là người như thế nào ?
Stéphane Courtois : Huyền thoại về các nhà cách mạng, đặc biệt từ năm 1968, coi nhân vật được gọi là "Bác Hồ" như một nhà lãnh đạo chống chính sách thuộc địa, của một dân tộc nhỏ bé đã đánh bại thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Đành rằng chống thực dân, nhưng Hồ Chí Minh trước hết là một người cộng sản thuần túy và cứng rắn theo kiểu Stalin ; và là người đã lập nên một chế độ toàn trị, gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người Việt Nam.
Le Figaro : Các giai đoạn chính yếu trong sự nghiệp của ông Hồ là gì ?
Stéphane Courtois : Hồ Chí Minh đã tham gia Đại hội Tours năm 1920, Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời từ đây. Sau đó ông đến Moskva, rồi trở thành một cán bộ quan trọng của Quốc Dân Đảng ở Đông Dương. Trong cuộc sống hoạt động bí mật, ông thường sang Trung Quốc.
Hồ Chí Minh là một trong những người sáng lập ra Đảng cộng sản Đông Dương năm 1930, và tổ chức chính trị quân sự mang tên Việt Minh năm 1941. Ông Hồ đã truy lùng và thanh toán tất cả những ai bị nghi ngờ là chống lại ông : từ các trí thức trốt-kít người Việt cho đến những người quốc gia không cộng sản, cả người Công giáo lẫn Phật giáo.
Trong chiến tranh Đông Dương, sau khi bí mật tiếp xúc tại Moskva với Stalin và Mao Trạch Đông vào cuối năm 1949, Hồ Chí Minh có được sự ủng hộ tích cực của hai nhà độc tài này. Sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 và Hiệp định Genève, chỉ trong vài tháng đã có gần một triệu người dân miền Bắc phải chạy trốn vào phía Nam vĩ tuyến 17. Hồ Chí Minh trở thành người lãnh đạo Bắc Việt cho đến khi qua đời năm 1969.
Le Figaro : Tù binh Pháp được Việt Minh đối xử ra sao ?
Stéphane Courtois : Đa số bị chết vì đối xử tệ hại và vì tra tấn. Những người cai quản bỏ đói họ, buộc họ phải dự những buổi học tập nhằm tẩy não. Việt Minh có hai mục tiêu. Một mặt, bắt tù binh tham gia các chương trình tuyên truyền, trong đó họ phải thú tội. Mặt khác, lôi kéo họ quay lại tham gia hàng ngũ cộng sản (Ở Nga, Beria đã áp dụng phương pháp này từ 1930 đến 1940 đối với các sĩ quan Ba Lan bị Hồng quân bắt, nhưng thất bại). Đừng quên rằng Georges Boudarel, nhà hoạt động cộng sản Pháp, cũng từng là một trong những người đã tra tấn tù binh Pháp tại trại tù nối tiếng 113 tại Láng Kiều (Hà Giang, gần biên giới Trung Quốc).
Le Figaro : Chế độ mà ông Hồ Chí Minh thành lập có những đặc tính gì ?
Stéphane Courtois : Thủ tướng Édouard Philippe đã sử dụng từ "Nhà nước" để chỉ chế độ do Hồ Chí Minh thiết lập. Từ này không chính xác. Đó là một Nhà nước Đảng trị, và như vậy là khác hoàn toàn. Đảng chiếm lấy độc quyền về chính trị, ý thức hệ và kinh tế. Đảng nô lệ hóa dân tộc mình. Tuyên truyền, tập hợp vào đội ngũ là cơ sở của chế độ. Đối với ông ấy, trấn áp hàng loạt là một phương thức để cai trị.
Người cộng sản Bắc Việt đặc biệt cứng nhắc và giáo điều. Một cuộc thanh trừng nghiêm khắc đã diễn ra trong Đảng vào đầu thập niên 50. Ông Hồ Chí Minh từ chối việc "phi Stalin hóa" từ năm 1956. Ông ta chưa bao giờ tuân thủ Hiệp định Genève mà ông đã ký kết, trong đó quy định tổ chức bầu cử tự do tại Bắc Việt và tôn trọng sự độc lập của miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra Hà Nội còn đào tạo một số cán bộ cộng sản Cam Bốt, mà sau đó trở thành Khmer Đỏ. Vào cuối những năm 70, sự tuyệt vọng của những người Việt Nam bị cầm tù trong đất nước của chính mình dâng cao cho tới nỗi, nhiều người bất chấp mọi hiểm nguy, đã vượt biển bằng những chiếc thuyền mong manh. Dư luận phương Tây ngỡ ngàng phát hiện những "boat people" (thuyền nhân).
Le Figaro : Nếu vậy, ông nghĩ gì về câu mà thủ tướng Édouard Philippe đã viết trong sổ lưu niệm ở Khu di tích Hồ Chí Minh ?
Stéphane Courtois : Đó là một cách nhìn không hay đối với 47.000 lính Pháp tử trận ở Đông Dương. Cũng tương tự như thế đối với việc Việt Minh giam hãm những đồng bào của mình. Có một sự tương phản nổi bật giữa những từ ngữ êm ái của ông Édouard Philippe, và thực tế bạo lực toàn trị của chính quyền do Hồ Chí Minh thành lập.
Để giải thích những từ của thủ tướng Pháp, chúng ta có sự chọn lựa giữa ý muốn làm vui lòng chủ nhà, hoặc không hiểu biết lịch sử, hoặc cả hai. Chúng ta đang được lãnh đạo bởi một thế hệ đứng ngoài lịch sử, nếu có thể nói như thế. Những nhà lãnh đạo trẻ tuổi này hầu như không biết đến thế giới trước thời bức tường Berlin sụp đổ như thế nào, và dường như không cảm thấy thực sự có liên quan đến những thảm kịch lịch sử, trong đó nước Pháp có tham gia.