Tin truyền thông cho hay, sáng ngày 2/7/2019, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, tiến hành khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải tại Hà Nội, với cáo buộc "trốn thuế". Nhưng cơ quan điều tra lại thu giữ hồ sơ liên quan đến Blogger Trương Duy Nhất.
Trang Tuổi Trẻ Online hôm 2/7 loan tin rằng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải về hành vi được coi là "giúp sức cho người bán đất trốn thuế".
Luật sư Trần Vũ Hải. Photo Facebook Vu Hai Tran
Sau khi đọc bản tin trên, chúng tôi liên tưởng đến thân phận của các luật sư trong các chế độ xã hội chủ nghĩa thiết lập trên nền tảng chủ nghĩa cộng sản nói chung, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. Từ sự liên tưởng này, chúng tôi so sánh thân phận của giới luật sư với thân phận người dân thường trong chế độ hiện nay tại Việt Nam, để thấy rằng quyền an toàn cá nhân về mặt pháp lý cũng như thực tế đều không được bảo đảm, chỉ khác nhau đôi chút. Đồng thời, thân phận của luật sư cũng như người dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa (duy vật) có khi còn tệ hại hơn nhiều so với các chế độ độc tài các kiểu từng có trong lịch sử hình thành các chế độ chính trị của loài người trên nền tảng duy thần,duy tâm, như giáo chủ chuyên chế, quân chủ chuyên chế, độc tài phát-xít, độc tài quân phiệt…Thật vậy,
1. Thân phận luật sư và người dân thường trong chế độ độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa, quyền an toàn cá nhân về pháp lý cũng như thực tế đều không được bảo đảm, chỉ khác nhau đôi chút.
Chẳng hạn với giới luật sư, nhà cầm quyền Việt Nam thận trọng hơn, chuẩn bị cẩn thận hơn dân thường về mặt pháp lý, cũng như thực tế, mỗi khi muốn trấn áp một luật sư có các hoạt động bất lợi, không phù hợp với chế độ.
Thật vậy, đối với dân thường, nhà cầm quyền có thể bắt bớ, giam cầm, bạo hành dễ dàng, vì nghĩ rằng người dân ít am tường luật pháp hay liệt ý chí phản kháng, luôn lo sợ không giám khiếu nại kêu oan do lâu ngày sống bị áp chế dưới chế độ "công an trị", nên thường câm lăng chịu đựng, với tâm trạng an phận, "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Nhưng với luật sư thì không dễ dàng, nên cần thận trọng chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý cũng như bạo hành trấn áp trên thực tế.
Về mặt pháp lý, như muốn khởi tố một luật sư nhân quyền được công luận biết đến, như luật sư Trần Vũ Hải (do có nhiều thành tích bào chữa, hỗ trợ pháp lý cho dân oan, thấp cổ bé miệng… để bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị nhà cầm quyền xâm hại…) thì nhà cầm quyền phải dàn dựng cẩn thận, có bài bản như là do vi phạm pháp luật là "giúp sức cho người bán đất trốn thuế".. Thế nhưng khi khám xét chỗ ở và nơi làm việc của Luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải tại Hà Nội, cơ quan điều tra lại thu giữ hồ sơ liên quan đến Blogger Trương Duy Nhất, một nhà bất đồng chính kiến đang được luật sư Trần Vũ Hải nhận bảo vệ pháp lý. Sự thể này đã khiến công luật nghi ngờ việc nhà cầm quyền Việt Nam khởi tố Luật sự Trần Vũ Hải về tội trốn thuế một cách gượng ép, thiếu cơ sở pháp lý, chỉ là sự dàn dựng để có cớ thực hiện ý đồ đàn áp chính trị. Sự nghi ngờ này đã trở thành sự thật, khi mới đây, ngày 11/7 cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an chính thức thông báo từ chối cho phép Luật sư Trần Vũ Hải làm luật sư bào chữa cho nhà báo-blogger Trương Duy Nhất với lý do đang bị khởi tố tội trốn thuế, dù luật sư Hải đã nộp đơn xin biện hộ từ 3 tháng trước không được trả lời.
Như vậy là nhà cầm quyền Việt Nam đã cố tình và có dự mưu thực hiện ý đồ khủng bố, trấn áp một luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải là người từng tham gia bào chữa trong rất nhiều vụ án được xem là "nhạy cảm" ở Việt Nam, như vụ dân oan mất đất ở Văn Giang, vụ Đồng Tâm, Thủ Thiêm, vụ Cù Huy Hà Vũ… và gần đây là vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng. Việc nhà cầm quyền Việt Nam không cho ls. Trần Vũ Hải bào chữa cho nhà bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất, một người đã đào thoát qua Thái Lan xin tỵ nạn chính trị thì bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đem về nước xét tội, là hành động bắt cóc một người trên đất nước một quốc gia khác, đã bị công luận lên án là đã vi phạm trắng trợn tư pháp và công pháp quốc tế. Đồng thời, việc tịch thu tài liệu hồ sơ nhiệm cách của luật sư không liên quan đến tối danh bị truy tố, là xâm phạm thô bạo quyền hành nghề của luật sư(bí mật nghề nghiệp) trong tương quan với thân chủ. Công luận bất bình và coi hành động này của nhà cầm quyền Việt Nam có chủ đích khủng bố, đe dọa, ngăn chặn, loại trừ một luật sư có nhiều thành tích bảo vệ pháp lý và nhân quyền cho nhiều người dân oan và các nhà bất đồng chính kiến bị bắt cầm tù bao lâu nay.
Về mặt trấn áp, bạo hành thực tế, như các vụ công an bạo hành người dân thường công khai ngoài đường phố gây thương tích hay đánh đập, tra tấn đến vong mạng trong nhà giam, xảy ra nhiều hơn các vụ việc xẩy ra cho các luật sư. Thực tế, chưa thấy có luật sư nào bị bắt cầm tù, tra tấn đến vong mạng như các thường dân. Nếu có hành hung gây thương tích nặng nhẹ cho một luật sư trên đường phố (như luật sư Võ An Đông và một số luật sư khác trong quá khứ xa gần…) thì công an thường giả dạng thường dân hay dùng côn đồ tấn công bất ngờ gây thương tích cho nạn nhân để nhà cầm quyền dễ phủi tay không chịu trách nhiệm.
2. Thân phận của luật sư cũng như người dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa (duy vật) có khi còn tệ hại hơn nhiều so với các chế độ độc tài các kiểu có trong lịch sử hình thành các chế độ chính trị của loài người. Vì sao ?
Vì chế độ xã hội chủ nghĩa là thể chế chính trị ra đời sau các chế độ độc tài hay hay chuyên chính như : giáo chủ chuyên chính, quân chủ chuyên chính, độc tài phát-xít, độc tài quân phiệt…nên đã tổng hợp được tất cả những tệ hại của các chế độ độc tài này để thành một chế độ "Độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa" (hay cộng sản chủ nghĩa).
Vì là chế độ độc tài toàn trị nên chế độ xã hội chủ nghĩa thể hiện sự cai trị độc đoán, độc tôn, độc quyền trên mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, giáo dục …Và do đó dẫn đến các hệ quả tệ hại hơn nhiều so với các chế độ độc tài các kiểu hình thành trước nó.
Riêng với giới luật sư, một nghề nghiệp hình thành từ Phương Tây sau cuộc cách mạnh nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789.lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, thiết lập nền cộng hòa Pháp quốc. Theo tiến trình thời gian nghề luật sư hình thành ở nhiều nước có chế độ dân chủ pháp trị, với nguyên tắc tam quyền phận lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) độc lập nhưng không biệt lập mà tác động qua lại để quân bình quyền lực cai trị, thực thi và bảo vệ các quyền dân chủ, dân sinh, dân quyền. Luật sư trở thành một định chế pháp lý. Theo đó, luật sư đóng vai trò phụ tá công lý làm nhiệm vụ bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp chính đáng cho những công dân nhờ cậy (thân chủ) hay tự nguyện, trước các cơ quan có thẩm quyền (như Tòa án,cơ quan chính quyền, các diễn đàn pháp lý…). Khi thực thi năng quyền này, luật sư chỉ căn cứ và tuân thủ pháp luật, độc lập, không chịu sự chỉ đạo và áp lực của bất cứ thế lực nào. Có lẽ chính vai trò này mà luật sư thường trở thành kẻ thù của các chế độ độc tài, nên không được các nhà cầm quyền trong các chế độ độc tài các kiểu ưa thích.
Chẳng thế mà Đại đếNapoléon Bonaparte của Pháp (1769 - 1821) đã từng tuyên bố(nhưng không dám làm, vì biết không thể làm được), rằng "nếu ta có thể cắt được hết lưỡi của các tên luật sư (vì dám chống lại ông ta) thì ta cũng sẽ làm ngay". Vì Năm 1799, Napoléon đã tổ chức một cuộc đảo chính và tự đưa mình trở thành vị Tổng tài thứ nhất ; 5 năm sau đó ép Thượng viện Pháp tấn phong ông là Hoàng đế Pháp quốc. Giới luật sư là thành phần chống đối hàng đầu vì Napoléon đã tái lập đế chế quân chủ đã bị cuộc cách mạng 1789 tiêu hủy, trở thành nhà độc tài với câu tuyến bố bất hủ, rằng "Luật là ta, Ta là luật" (Loi, c'est moi. Moi, c'est la loi") với ý nghĩa tương tự "Đảng ta là luật, luật là Đảng ta" trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên có khác, nếu Napoléon là một nhà độc tài, nhưng trong thời gian là Hoàng đế của người Pháp (1804-1815) Ông đã thực hiện được cuộc cải cách pháp luật theo hướng dân chủ. Bộ luật Napoléon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới. Trong khi "Đảng ta" trong chế độ độc tài đảng trị, cai trị toàn cõi đất nước gần nửa Thế Kỷ qua, trước đòi hỏi của nhân dân và xu thế thời đại, vẫn chỉ thực hiện "cải cách luật pháp" một cách chậm chạp, theo hướng cố bảo vệ chế độ độc tài để kéo dài quyền thống trị độc tôn. Tất nhiên, "Đảng ta" cũng không ưa thích gì giới luật sư và nếu có thể bịt miệng, bỏ tù được tất cả những tên luật sư nào dám "thề bảo vệ công lý" cũng là ước muốn khó đạt của "Đảng ta". Một điều "Đảng ta" hơn hẳn đại đế Napoléon và giống chế độ quân chủ chuyên chế thời vua Louis 16 Pháp quốc bị cuộc cách mạng dân quyền 1789 giật sập. Nghĩa là công an Việt Nam bí mật bắt cóc người chống đối chế độ(như nhà báo Trương Duy Nhất và nhiều nạn nhân khác…), không thông báo cho thân nhân, giống như là "chế độ mật chỉ" của nhà vua Pháp quốc bắt những người chống đối giam vào ngục Bastile, một biểu tưởng của chế độ vương quyền chuyên chế Pháp. Đến khi nhà ngục này bị cách mạng phá bỏ mới hay nhiều người đột nhiên mất tích nhiều năm, nay mới biết bị nhà vua ra "mật chỉ" bắt nhốt vào đây và nhiều người đã chết…
Tựu chung, thân phận của các luật sư cũng như nhân dân trong các chế độ độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa như Việt Nam nhìn chung đều giống nhau về an toàn pháp lý cũng như thực tế, đều mang thân phận như "cá nằm trên thớt". Có khác chăng, như về pháp lý, muốn khởi tố một luật sư nhân quyền được công luận biết đến, như luật sư Trần Vũ Hải, thì nhà cầm quyền phải dàn dựng cẩn thận, có bài bản như là do vi phạm pháp luật là "giúp sức cho người bán đất trốn thuế".để che đây ý đồ đàn áp chính trị. Về mặt trấn áp thực tế, như các vụ công an bạo hành người dân thường công khai ngoài đường phố gây thương tích hay đánh đập, tra tấn đến vong mạng trong nhà giam, thì thường xảy ra nhiều hơn cho người dân và chưa có trường hợp nào xẩy ra cho các luật sư.
Houston, ngày 12/07/2019
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 12/07/2019
Hôm 23/11, Báo Pháp luật trong nước dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp tường thuật rằng luật sư Võ An Đôn (*) có gửi thư khiếu nại về việc Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên ra quyết định xóa tên ông khỏi đoàn luật sư vào tháng 11/2017 và một quyết định của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam liên quan đến việc giải quyết khiếu nại đối với ông vào tháng 5/2018. Báo Tuổi trẻ online đưa tin, Bộ Tư pháp đã bác toàn bộ nội dung khiếu nại của luật sư này.
Luật sư Võ An Đôn.
Mọi người còn nhớ, cách đây đúng một năm, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đưa ra quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn (27/11/2017), chỉ vài ngày trước phiên xử phúc thẩm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (30/11/2017) mà ông nhận bào chữa. với hai lý do cơ bản là luật sư Đôn "đã trả lời phỏng vấn của các báo đài nước ngoài và nói xấu luật sư…".
Đứng trước sự kiện trên, chúng tôi nghĩ đến : (1) Vai trò của luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2) Hiệu quả và ý nghĩa việc đi kiện Bộ trưởng Tư pháp, người đã đưa ra quyết định bác đơn khiếu nại của luật sư Đôn.
I. Vai trò của Luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Năm 1989, khi còn ở Việt Nam, theo yêu cầu của Hội Luật Gia Thành phố Hồ Chí Minh, để góp ý với Đại Hội VII của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã viết một bài tham luận "Vai trò của luật sư trong nền dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa". Khoảng 2 năm sau, một nữ nhân viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tìm gặp trao cho tôi 30 đồng (thời bấy giờ) tiền nhuận bút về bài viết này mới được đăng tải. Tôi thắc mắc hỏi "Bài này tôi viết cách đây 2 năm gửi cho Hội Luật gia thành phố, sao giờ này báo cho đăng tải ?". Nữ nhân viên trả lời "Khi nhân được bài viết này bên Hội Luật gia chuyển qua, Ban biên tập thấy hay giữ lại, không đăng tải. Vì lúc đó "Đảng" chưa có quan điểm về pháp quyền". Nữ nhân viên này còn nói "Lãnh đạo muốn mời anh cộng tác viết bài cho báo được không ?". Tôi trả lời "cộng tác thường xuyên thì không được. Vì tôi bận lo sinh kế. Nhưng nếu có cảm hứng với đề tài nào tôi sẽ viết gửi đến quý báo…". Nói thế, nhưng sau đó cho đến khi rời Việt Nam 1992, tôi không viết thêm bài nào nữa.
Thực ra, khi dùng tiêu đề trên, chỉ là cách "viết lách", hay "viết lái" để né tránh một đề tài nhậy cảm với chế độ, chứ làm gì có "dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa". Tôi đã dùng cụm từ này một cách cưỡng ép. Vì "chế độ xã hội chủ nghĩa" là một "chế độ độc tài toàn trị" được ngụy biện bằng cái gọi là "dân chủ tập trung". Nghĩa là một thứ dân chủ tập trung trong tay đảng cộng sản Việt Nam, để sau đó ban phát "dân chủ" cho những người dân nào chấp nhận quyền lãnh đạo độc tôn, ngoan ngoãn thi hành các chủ trương chính sách của "Đảng ta" bất kể đúng sai, lợi hại cho dân cho nước, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của "Đảng ta".
Khi đảng cộng sản Việt Nam đưa ra quan điểm về "nhà nước pháp quyền" (cai trị bằng pháp luật), kêu gọi nhân dân sống theo khẩu hiệu tuyên truyền "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật (của Đảng)" chỉ là biến tướng của "nhà nước nghị quyền" (cai trị bằng nghị quyết của đảng). Bằng cách đưa các nghị quyết của đảng, cho một Quốc hội công cụ của đảng, để "luật hóa" thành cái mà chúng tôi gọi là "nghị luật".
Sự biến tướng này, chẳng qua, đảng cộng sản Việt Nam muốn chuẩn bị cho một bộ mặt "ngụy dân chủ" cho phù hợp thời kỳ "Mở cửa" làm ăn với các nước dân chủ tư bản ; sau khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thất bại hoàn toàn (1975-1985) dù "Đổi mới" cũng không cứu vãn được (1985-1995), đảnh "mở toang cửa" đón "Đế quốc Mỹ" và các nước "Tư bản không rãy chết mà phồn vinh" tràn vào đầu tư, cứu nguy chế độ (sau khi Mỹ bỏ cấm vấn, cho thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995).
Thế nhưng trên thực tế trước sau cai trị bằng "nghị quyết" hay "Nghị luật" vẫn không làm thay đổi bản chất chế độ độc tài toàn trị "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" đâu. Tất cả vẫn chỉ là công cụ chuyên chính của nhà cầm quyền, theo đúng luật điểm Marxist-Leninist, rằng "luật pháp chỉ là công cụ pháp lý của giai cấp thống trị để trấn áp giai cấp bị trị là nhân dân" mà thôi.
Thành ra, luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đối với nhà đương quyền, cũng không có vai trò nào khác hơn là công cụ pháp lý trang trí cho bộ mặt tư pháp Việt Nam sao cho, về hình thức gần giống với tư pháp của các nước có chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường tự do. Vì thế, "đoàn luật sư" hiện nay cũng chỉ là hậu thân của "Đoàn Bào chữa viên nhân dân" trong thời kỳ kinh tế chỉ huy bao cấp đều là những công đoàn do nhà nước tổ chức và lãnh đạo. Có khác chăng, bào chữa viên nhân dân trước đây không được đào tạo bài bàn về năng lực như luật sư sau này ; điều kiện trước hết phải là công nhân viên (công chức), có kiến thức, kinh nghiệm về việc thực thi các chủ trương, chính sách liên quan đến pháp luật của nhà nước.
Luật sư sau này đòi hỏi tốt nghiệp văn bằng cử nhân luật (**), thời gian tập sự 3 năm tương tự như quy chế luật sư đoàn dưới chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam trước 1975. Thế nhưng, khác với Luật sư đoàn Việt Nam Cộng hòa, là một đoàn thể nghề nghiệp tư nhân, độc lập tuyệt đối với chính quyền về tổ chức, điều hành và hoạt động nghiệp vụ theo Quy chế Luật sư đoàn và trong khuôn khổ pháp luật. Trong khi Đoàn luật sư dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay, luôn có chi bộ đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là một thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam để quản lý các đoàn thể quần chúng.
Nhớ lại, một năm trước đây, khi Quốc hội khóa 14 họp vào tháng 6/2017, trong lập pháp đã "cải lùi" hệ thống tư pháp Việt Nam khi giữ lại trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nơi Điều 19, Khoản 3 Bộ luật Hình sự 2015, buộc luật sư phải tố cáo những điều thân chủ tiết lộ riêng với mình ; và khi Đoàn luật sư Phú Yên ra quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn, chúng tôi đã lên tiếng bằng hai bài viết được VOA cho đăng tải trên diễn đàn này nhan đề" Luật Sư Đoàn có phải là công cụ của Đảng ?" (13/09/2017) và "Luật sư Đoàn mà cũng thế ư ?" (28/11/2017). Nội dung hai bài này, chúng tôi đã trình bầy chi tiết về vai trò của luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay tại Việt Nam, khác với luật sư trong chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa trước đây ở Miền Nam nói riêng và các quốc gia dân chủ trong thế giới văn minh ngày nay nói chung.
II. Hiệu quả và ý nghĩa việc luật sư Võ An Đôn kiện Bộ trưởng tư pháp
1. Hiệu quả
Sự thể hôm 23/11/2018 vừa qua, Luật sư nhân quyền Võ An Đôn nói với VOA rằng ông sẽ kiện người đứng đầu Bộ Tư pháp sau khi bộ này bác đơn khiếu nại của ông về việc ông bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên. Lý do kiện theo luật sư Đôn là vì "Vừa qua Bộ Tư pháp có trả lời nói rằng họ giữ nguyên kết quả giải quyết khiếu nại của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên về việc bác đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại của tôi, với lý do đưa ra hết sức mơ hồ, cho rằng tôi nói xấu các luật sư, cũng như trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài. Họ chỉ nói chung chung, không chỉ rõ cái nào. Như vậy là không đúng quy định của pháp luật, cũng như các văn bản hướng dẫn kỷ luật luật sư".
Mặc dầu chưa kiện, nhưng ai cũng biết có đi kiện, thì hiệu quả đâu lại hoàn đấy thôi. Vì ai cũng biết tư pháp trong chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là một chế độ độc tài toàn trị, Đảng lãnh đạo tất cả, làm gì có độc lập theo nguyên tắc tam quyền phân lập như trong các chế độ dân chủ pháp trị. Chi bộ đảng ở Đoàn luật sư Phú Yên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đảng bộ Bộ Tư pháp đã quyết định thế thì nhất định phải thế thôi. "Sợi chỉ đỏ" là sự lãnh đạo của "Đảng ta" luôn xuyên suốt mà. Đúng là "con kiến mà kiện củ khoai". Luật sư Nguyễn An Đôn cũng biết thế nên đã nói "Sắp tới tôi sẽ khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra tòa án tỉnh Phú Yên, khởi kiện ông về quyết định của ông. Tôi không hy vọng rằng việc khởi kiện này đem lại kết quả dù các cơ quan này ra quyết định sai trái". Biết vậy nhưng luật sư Đôn vẫn kiện vì sao ?
2. Ý nghĩa của việc đi kiện của luật sư Võ An Đôn
Biết rằng kiện không có hiệu quả, cũng như luật sư có cãi trước tòa cũng không làm thay đổi được bản án tiền định của Tòa, nhưng các luật sư vẫn cãi, cũng như luật sư Đôn vẫn kiện. Theo nhận định của chúng tôi, việc đi kiện không hiệu quả, nhưng sẽ có được những nghĩa sau đây :
- Một là dịp để tố cáo trước công luận thế giới, về một quyết định trái chiều với thế giới văn minh. Vì trong thế giới ngày này, việc tước quyền hành nghề luật sư chỉ vì người luật sư ấy có lời nói, bài viết thể hiện quyền tự do tư tưởng, ngôn luân như luật sư Đôn là điều không thể chấp nhận được.
- Hai là sự tước quyền luật sư ấy lại do một đoàn thể mang tính công đoàn (do nhà nước thành lập, chỉ đạo từ tổ chức đến chế tài các hoạt động của luật sư đều do đảng và nhà cầm quyền quyết định), cũng là trái với tính tư nhân, độc lập với chính quyền của các đoàn luật sư. Việc tổ chức, điều hành và hoạt động nghề nghiệp và các biện pháp chế tài đều theo Quy chế Luật sư Đoàn. Vì thế việc Bộ trưởng Tư pháp ra quyết định chung thẩm khiếu nại của luật sư Đôn cũng là trái chiều, gây bất bình và phẫn nộ trong công luận quốc tế. Vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm thô bạo quyền hành nghề luật sư của luật sư Võ An Đôn ; một nghề nghiệp cao quý mà các nước dân chủ văn minh coi là đóng vai trò "phụ tá công lý", cùng Tòa án bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Luật sư mà bị trấn áp như thế thì công luận quốc tế sẽ nghĩ sao về việc thực thi các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền đối với thân phận những người dân thấp cổ, bé miệng đây ?
- Ba là việc đi kiện hiện tại không đem lại hiệu quả gì cho bản thân luật sư Võ An Đôn, cũng như các nhà đấu tranh cho dân chủ hiện tại không đem lại tự do dân chủ ngay cho nhân dân, còn bị bắt cầm tù. Thế nhưng ít nhiều đã góp phần tăng tốc tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam. Dẫu rằng "Một con én không làm nên Mùa xuân dân tộc" (khi đất nước thoát ách độc tài đảng trị, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc thật sự), nhưng "Những xác én sẽ góp phần làm nên Mùa Xuân Dân Tộc". Vì mỗi xác én sẽ có tác dụng làm chậm lại tốc độ quay của bánh xe lịch sử theo chiều hướng tiêu cực có hại cho nhân dân và đất nước. Cho đến một lúc lượng xác én thừa đủ làm ngừng bánh xe lịch sử để khởi động theo chiều hướng tích cực có lợi cho dân cho nước. Đúng theo quy luật "lượng đổi, chất đổi" phải không ạ, thưa Ngài Tổng Bí kiêm Quốc trưởng Nguyễn Phú trọng và mấy triệu đảng viên cộng sản đang nắm quyền thống trị, độc quyền "đè đầu cưỡi cổ nhân dân", độc quyền áp bức, bóc lột bao năm qua ?
III. Kết luận
Từ lâu ai cũng biết, để đáp ứng với yêu cầu "mở cửa" làm ăn với thế giới văn minh, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chỉ coi luật sư như những công cụ pháp lý phục vụ cho ý đồ chính trị, và Đoàn luật sự chỉ là một công đoàn trá hình được điều hành và hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy người ta không ngạc nhiên mà chỉ phẫn nộ trước việc người đứng đầu cơ quan tư pháp cộng sản Việt Nam vừa ra quyết định bác đơn khiếu nại của luật sư Võ An Đôn về quyết định của Ban chủ nhiệm đoàn luật sư Phú Yên tước quyền hành nghề của đương sự.
Là một luật sư từng hành nghề trong ngành tư pháp chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam trước 30/04/1975 và nay đang được sống tại Hoa Kỳ, một nước có tiếng là dân chủ bậc nhất trên thế giới, người viết không khỏi phẫn nộ và xin bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ những áp bức, bất công và hiểm nguy khi hành nghề với luật sư Võ An Đôn và các luật sư đồng nghiệp đang hành nghề trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay tại Việt Nam.
Chúng tôi ước mong rằng, đất nước Việt Nam ta sớm chuyển đổi hòa bình, tịnh tiến từ chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị hiện nay qua chế độ dân chủ pháp trị, để quyền hành nghề độc lập, tự do của giới luật sư cũng như các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam phải được nhà cầm quyền tôn trọng, bảo vệ và hành xử trọn vẹn như trong các nước dân chủ, văn minh trên thế giới ngày nay.
Houston, ngày 23/11/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 30/11/2018
Chú thích :
(*) Trong bài này, chúng tôi không dùng cụm từ"cựu luật sư Võ An Đôn" mà luôn viết "luật sư Võ An Đôn". Vì chúng tôi quan niệm "luật sư" là danh vị nghề nghiệp sẽ đi kèm với tên người hành nghề cho đến chết. Dù người này đang hành nghề, hay đã về hưu, đều được gọi là "luật sư X… hay Luật sư Y…" ; tương tự như danh vị nghề y, thường gọi "Bác sĩ X…hay Bác sĩ Y…" ; chứ không ai gọi "Cựu Bác sĩ X... hay Cựu Bác sĩ Y…".
Danh vị nghề nghiệp này chỉ bị mất khi bị có quyết định của tổ chức nghề nghiệp độc lập với chính quyền (như Hội Đồng Điều hành luật sư Đoàn Sài Gòn trước đây chẳng hạn) căn cứ trên vi phạm nghiêm trọng được ghi rõ trong Quy chế Luật sư Đoàn. Trường hợp của luật sư Võ An Đôn, không mất tư cách luật sư, dù sau này phải về làm ruộng, vì là một quyết định của một tổ chức luật sư đoàn nhà nước, tước quyền vì lý do chính trị, phi lý, bất công đối với một luật sư có thành tích đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền.
(**) Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam vào ngày 30/04/1975, cộng sản Bắc Việt đã đóng cửa các Trường Luật ở Miền Nam. Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn trên "đường Duy Tân, cây dài bóng mát" bị đổi thành Trường Đại học Kinh tế. Sau khi đưa cả nước "tiến nhanh, chết nhanh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội", đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải "Mở cửa" mời đón tư bản nước ngoài vào đầu tư.
Để thích dụng, Phân khoa Luật được mở ra ở Sài Gòn có cơ sở ở Bình Triệu. Khoa trưởng đầu tiên là cựu sinh viên Luật khoa Sài Gòn Triệu Quốc Mạnh, từng làm Biện lý Tòa Sơ Thẩm Gia Định, hoạt động nằm vùng và được kết nạp vào đảng cộng sản Việt Nam trong bí mật. Dường như ông đã mất chức sau đó vì bị coi là mất quan điểm, lập trường giai cấp, khi mời một số đông những đồng môn tốt nghiệp cử nhân tiến sĩ, luật sư hành nghề lâu năm vào Ban giảng Huấn. Trước đó, Triệu Quốc Mạnh từng giữ chức Trưởng đoàn bào chữa viên nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Trưởng đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khi mới thành lập. Khi được điều qua làm Khoa trưởng Luật khoa Sài Gòn, Nguyễn Đăng Trừng, một đồng môn luật khoa Sài Gòn cũng hoạt động nằm vùng cho cộng sản trong thời chiến tranh, đang là Phó đoàn Luật sư được đôn lên làm Trưởng đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thay Triệu Quốc Mạnh. Mấy năm trước đây đã mất chức, bị khai trừ khỏi đảng vì mất quan điểm lập trưởng cộng sản…