Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong nền chính trị độc đảng của Việt Nam, ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Phú Trọng nổi lên như những đại diện cho những cách hành xử chính trị khác hẳn nhau.

doituong0

Hai ông Nguyễn Phú Trọng và Đinh La Thăng đại diện cho hai cách hành xử chính trị khác hẳn nhau. ẢNh : BBC

Ông Đinh La Thăng thể hiện hình ảnh của mình trên báo chí như một người dám nghĩ, dám làm và dám kiểm tra.

Những người đánh giá cao ông Thăng kể rằng thời gian ông làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, các lãnh đạo, cán bộ ban ngành, quận huyện rất lo ngại, có người kể lại là họ phải vác giò lên trên cổ để chạy và làm việc.

Vì đi đâu ông Thăng cũng có một quyển sổ, sau khi hỏi về công việc xong, việc nào chưa xong ông hỏi bao giờ có thể xong và ghi rõ lời hứa vào quyển sổ của mình.

Khi đến ngày hẹn, hoặc ông đích thân hỏi, hoặc cho dưới quyền của mình hỏi, giục, và khiển trách. Cách làm đó một cách tự nhiên làm công việc chạy hay ít nhất cũng làm cho người dân thấy như vậy.

Dĩ nhiên không ai tin hết vào những chuyện kể lại như trên. Tuy nhiên những chuyện này phần nào giống với cách mà ông Thăng thể hiện trên báo chí từ nhiều năm nay. Nên có lẽ đó cũng là cách thức mà ông Thăng, hay dạng lãnh đạo giống như ông mà một tiêu biểu khác là ông Nguyễn Tấn Dũng, tiếp cận với công việc, chính trị, với người dân.

Đó là bộc trực, dám nghĩ, dám làm, dám thể hiện để làm hài lòng dân chúng. Và dĩ nhiên những cái dám đó cũng sẽ dẫn đến cái phải dám chịu trách nhiệm, vì đã dám làm và thể hiện thì trách nhiệm được ghi lại trên mặt báo, không giấu đi đâu được.

Những câu chuyện như tham nhũng, sai phạm khi lãnh đạo và quản lý là những cái lý hiện giờ người ta đưa ra để bắt ông ấy.

Ở một nước như Việt Nam, khi tham nhũng, hối lộ đã đi vào từng ngóc ngách và hơi thở của cuộc sống thì chuyện bắt ai đó vì tội tham nhũng hay liên quan là rất đơn giản.

Khi công an dừng xe lại người dân sẵn sàng đưa tiền, khi đi làm giấy tờ nhà đất, người dân cũng kẹp tiền, khi khai báo hải quan, khi xin trường học cho con…Đó là những vụ việc tham nhũng, hối lộ hằng ngày, hằng giờ, và tất cả các bên đều có thể bị bắt nếu người ta muốn bắt.

Những điều nói trên không nhằm bênh vực cho ông Thăng hay hạ thấp sự nguy hại và vô đạo đức của tham nhũng. Người viết không có lý do chính trị, đạo đức hay tình cảm gì để làm điều đó.

Ai mị dân hơn ?

Ông Thăng nằm trong guồng máy độc đảng, ông tạo ra luật chơi, ông thi hành luật chơi đó rất tốt cho đến khi ông mắc một số sai lầm trong luật chơi đó và ông ấy bị bắt.

Nhiều người nói ông Thăng bị bắt mặc dầu ông ấy mị dân, dân túy bằng những chiêu thức đánh bóng tên tuổi của mình. Thật ra ông Thăng bị bắt bởi một hay những người còn mị dân, dân túy hơn ông ấy nhiều, hay ít nhất là đã mị đúng chỗ, đúng nơi trong tình hình Việt Nam hiện tại.

Những người bắt ông đã vận dụng câu chuyện chống tham nhũng một cách thuần thục và thuyết phục.

Nhiều người gán cho Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam những tên ghép không được nhã nhặn và nghĩ về ông ấy như vậy.

Tuy nhiên nếu thật sự nghiêm túc, chúng ta có thể thấy ông Nguyễn Phú Trọng là một chính trị gia đúng nghĩa, lão luyện, và trong chừng mực định nghĩa giành cho chính trị gia, là một người làm chính trị chuyên nghiệp.

Khác với những người lãnh đạo hiện thời, ông Trọng tạo cho mọi người thấy ông là một người không tham nhũng, ít nhất là tiền bạc.

Có người nói ông Trọng tham nhũng cái còn quan trọng hơn nhiều, đó là quyền lực, bằng sự tham quyền cố vị của mình.

Điều này đúng nhưng trong tình hình hiện nay, tham nhũng quyền lực dễ được người dân Việt cảm thông hơn những biệt phủ, những tài sản tỷ đô ở nước ngoài mà những bài báo, trang mạng đưa tin hằng giờ về ông này bà khác.

Đó có thể phần nào do căn bản và công việc xây dựng, tổ chức đảng của ông Trọng đã giúp ông ít phải va chạm và nhúng chàm với thực tế tham nhũng một cách nghiệt ngã tại Việt Nam.

Quan điểm chính trị và hành xử của ông Trọng nhất quán và rõ ràng : chống tham nhũng, điều này thì quá dân túy rồi còn gì, trong xã hội mà tham nhũng đã thành bệnh kinh niên như trên đã nói thì ai mà không muốn hết bệnh ; và xây dựng đảng vững mạnh, điều này thì người nào có quyền lợi gắn bó mật thiết với Đảng mà không ủng hộ ?

Do đó một cách hết sức tự nhiên thông điệp chính trị của ông Trọng được nhiều người hưởng ứng, từ người dân đến những giai tầng biết đảng vững mạnh quan trọng như thế nào đối với quyền lợi và quyền lực của họ.

Có người nói chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng cũng chỉ là một phiên bản của chiến dịch Đả hổ diệt ruồi mà ông Tập Cận Bình đang tiến hành bên Trung Quốc.

Điều này không hẳn đúng vì việc sử dụng chiêu thức chống tham nhũng để xộ khám các đối thủ chính trị hiện tại hay quá khứ là một việc không mới trên thế giới và lịch sử.

Mặt khác nếu điều này có đúng đi nữa thì càng thấy ông Trọng học hỏi và áp dụng nhanh.

Trong các lãnh đạo Việt Nam hiện nay, ai là người nói không với tham nhũng thuyết phục hơn ông Trọng ?

Chọn đúng đối tượng

Ông Trọng chọn đúng thông điệp, và gửi đến đúng đối tượng.

Ông vừa dân túy đối với mấy chục triệu người dân Việt, vừa rất khôn ngoan chính trị đối với hàng ngũ lãnh đạo quanh ông.

Trong một xã hội mà lá phiếu bầu cử trên tay mấy chục triệu người dân ai cũng biết là vô giá trị thì sự ủng hộ của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy của các cơ quan công an, an ninh và truyền thông quan trọng hơn rất nhiều vài tấm hình hay câu nói nức lòng dân nổi trôi trên các trang báo và mạng xã hội.

Trái khoáy là mặc dầu luôn tuyên bố không chấp nhận những lãnh đạo có tham vọng quyền lực, ông Trọng là đại diện tiêu biểu nhất của tham vọng quyền lực. Khi mà không ít lãnh đạo khác ăn không chỗ này thì chỗ kia, ông Trọng đã cho thấy ông đặt tham vọng quyền lực và chính trị của mình cao hơn, ít nhất là cao hơn các biệt phủ và tỷ đô.

Dĩ nhiên, là người làm chính trị tại một nước tên là Việt Nam, ông Trọng biết phải thực hành chiến dịch của mình một cách "hợp lý", tức chỉ chống những trường hợp tham nhũng nào cần thiết để ông củng cố được quyền lực của mình.

Và đó là quyền lực của một chế độ độc tài một đảng, không có phản biện, không có tự do báo chí, không có dân chủ, pháp quyền, những phương thức và định chế thật sự để chống tham nhũng.

Tham nhũng do đó chỉ rót từ bên này sang bên khác, không bao giờ hết, Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục độc tôn lãnh đạo, tiếp tục tham nhũng, và người dân và nước Việt tiếp tục lầm than trong những dự án tàn hại môi trường và cuộc sống nhưng không có bất cứ quyền quyết định nào.

Lê Trung Tĩnh

Nguồn : BBC, 12/12/2017

Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh là thành viên nhóm Nghiên cứu Biển Đông và thường viết về chủ đề tranh chấp biển đảo, chính trị Việt Nam và Trung Quốc. Ông hiện cư trú tại Gloucestershire, Anh Quốc. 

Published in Diễn đàn