Công an Thành phố Hồ Chí Minh diễn tập phá sóng di động, trấn áp biểu tình bạo động đốt xe (RFA, 15/12/2019)
Sáng Chủ nhật 15/12/2019, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh huy động 4 ngàn người diễn tập chống biểu tình, khủng bố ở hai địa điểm là trung tâm quận 1 (gần tòa Tổng lãnh sự Mỹ) và phi trường Tân Sơn Nhất trong đó có tình huống đốt xe máy và ô tô ngay khu vực trung tâm trước sự chứng kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.
Diễn tập chống bạo động tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15/12/2019 - Courtesy of TTXVN
Theo video dài gần 5 phút do báo nhà nước đăng tải, hàng chục xe máy cầm cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ "Đề nghị xử lý nghiêm các sai phạm" xuất phát từ khu vực Ủy ban nhân dân quận 1 hướng về cổng Dinh Độc Lập vừa chạy vừa hò hét.
Hàng chục xe mô tô của Cảnh sát giao thông, xe máy chở cảnh sát đặc nhiệm hóa trang (mặc thường phục) chạy khóa đuôi, chặn đầu nhóm biểu tình khống chế những người biểu tình đưa lên xe bít bùng.
"Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt bố trí cán bộ, trinh sát đặc nhiệm áp sát đám đông diễu hành, biểu tình, phối hợp cùng lực lượng trinh sát Công an thành phố nắm tình hình, giám sát các đối tượng manh động, quá khích.
Sẵn sàng phối hợp với Công an thành phố trấn áp thông tin di động trên diện rộng, không để các đối tượng thực hiện live stream tình hình diễn biến tại hiện trường, kích động quần chúng tham gia biểu tình", giọng nữ dẫn chương trình cho biết.
"Lực lượng tác chiến điện tử của Bộ tư lệnh thành phố sử dụng các xe phá sóng để cắt sóng thông tin di động, live stream trên điện thoại, không cho các đội tượng sử dụng điện thoại di động để live stream", giọng nam dẫn chương trình vang lên trong clip báo Tuổi trẻ ghi lại về cuộc diễn tập lớn nhất năm 2019.
Ngoài ra, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh huy động ít nhất 2 xe vòi rồng xịt nước áp lực cao, cảnh sát cơ động, Thanh niên xung phong, cảnh sát hóa trang mặc thường phục, xe phá sóng di động… để trấn áp các tình huống giả định.
"Ngay sau khi ta cắt sóng thông tin di động, wifi thì từ hướng công viên 30-4 xuất hiện 2 thiết bị bay không người lái bay vào khu vực trước mục tiêu B để quay phim, chụp ảnh, phát tán trực tiếp lên mạng và rải truyền đơn.
Một thiết bị bay đã kịp rải truyền đơn có nội dung xấu. Ngay khi xuất hiện các thiết bị bay không người lái, các tổ chế áp thiết bị bay không người lái đã thực hiện khống chế các thiết bị bay này, thu hồi truyền đơn bàn giao cho công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra xử lý", một tình huống giả định đặt ra sáng 15/12/2019.
Một xe máy và một ô tô cũng bị đốt cháy ngay trước vòng xoay trước Diamond Plaza và Nhà thờ Đức Bà. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có mặt ngay lập tức và dập lửa.
heo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND, Phó ban chỉ đạo phòng chống khủng bố Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình an ninh thế giới phức tạp, nhiều vụ biểu tình quy mô lớn, đòi hỏi quyền lợi về dân sinh, dân chủ, môi trường, chính trị tại Hồng Kông, Pháp, Iran, Venezuela,…
Ông Châu dẫn một thống kê cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra khoảng 1.000 cuộc khủng bố ở 5 châu lục khiến hơn 4.800 người chết và hơn 5.000 người bị thương.
"Trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế nên luôn bị các thế lực thù địch xác định là địa bàn trọng tâm tổ chức các hoạt động chống phá, lợi dụng các sự kiện chính trị, sự việc phức tạp, môi trường để kích động, thậm chí phá hoại như tấn công trụ sở Công an phường 2, quận Tân Bình, Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
Buổi diễn tập nhằm nâng cao xử lý các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng khả năng phối hợp giữa công an, quân sự và các ban ngành, đoàn thể để giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tụ tập biểu tình trái pháp luật và khủng bố.
Ngoài ra buổi diễn tập còn để răn đe các đội tượng đang có ý định gây rối, kích động biểu tình", báo chí nhà nước dẫn lời cựu Thiếu tướng - phó Giám đốc CAThành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Cuộc diễn tập có thể xem là lớn nhất trong năm 2019 diễn ra khi các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ ở Hồng Kông kéo dài qua tháng thứ 6, được xem là niềm cảm hứng cho những cuộc biểu tình ở một số nước trên thế giới.
****************
Việt Nam : 4.000 người diễn tập chống ‘kích động trên mạng, bạo loạn ngoài đường’ (VOA, 13/12/2019)
Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức họp báo cho biết sẽ có 4.000 người thuộc các lực lượng an ninh tham gia diễn tập chống khủng bố vào ngày 15/12 với các tình huống giả định do các "thành phần xấu" gây ra như bắt cóc con tin, chiếm trụ sở cơ quan nhà nước, dùng xe máy tuần hành, gây rối…
Sẽ có nhiều lực lượng, gồm : Công an, Bộ tư lệnh, UBND thành phố, Cảng quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất... tham gia cuộc diễn tập vào ngày 15/12/2019.
Cuộc diễn tập được mô tả là có "quy mô lớn", với sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm : Công an, Bộ tư lệnh, UBND thành phố, Cảng quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất…
Báo chí trong nước dẫn lời Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nói trong buổi họp báo hôm 12/12 rằng cuộc diễn tập nhằm mục tiêu "đánh giá khả năng ứng phó của các ban ngành trên địa bàn".
Nội dung cuộc diễn tập sẽ căn cứ trên 4 tình huống giả định gồm : Các thành phần xấu lợi dụng không gian mạng để kích động, gây rối an ninh trật tự trên địa bàn thành phố ; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị gây rối an ninh trật tự ; hàng trăm người sử dụng xe cộ gây rối tại trung tâm thành phố, tấn công các cơ quan nhà nước ; một nhóm khủng bố lợi dụng tình hình phức tạp để tấn công các cơ quan nhà nước, bắt giữ con tin, đe dọa khủng bố bằng hóa chất, chất nổ.
Đây cũng là lần đầu tiên một số phương tiện, vũ khí chuyên dụng được các lực lượng công an và quân đội đưa vào diễn tập, theo VnExpress.
Cuộc diễn tập sẽ diễn ra từ 7 – 11 giờ sáng 15/12. Nhiều tuyết đường ở quận 1 và quận 3 sẽ bị hạn chế giao thông trong khoảng thời gian này.
VnExpress dẫn luật Việt Nam nói khung hình phạt cao nhất dành cho tội phạm khủng bố hay tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền là tử hình.
Kể từ tháng 8 năm ngoái, Việt Nam đã khởi tố, bắt giam 17 người liên quan đến vụ sử dụng chất nổ tấn công một trụ sở công an tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến 1 người bị thương và làm hư hỏng 6 xe gắn máy, cáo buộc họ là thành viên của "tổ chức khủng bố" và "phản động lưu vong" có tên "Triều Đại Việt".
Công an Việt Nam cũng thông tin trên báo chí rằng tổ chức này hiện đang "ráo riết móc nối, phát triển lực lượng, thành lập các căn cứ trong nước để cất giấu vũ khí, chế tạo thuốc nổ nhằm tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại", đồng thời thông qua các tiện ích trên không gian mạng, đặc biệt là YouTube, Facebook, để livestream, tuyên truyền nội dung "phá hoại tư tưởng, đánh trúng tâm lý, nhu cầu của một bộ phận người dân có bức xúc cá nhân và cần kíp về tài chính" để chiêu dụ thành viên.
Ngoài Đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất, Việt Nam không chấp nhận có đảng chính trị đối lập. Tất cả các tổ chức chính trị ngoài Đảng Cộng sản đều bị quy kết là "phản động" hoặc "tổ chức khủng bố".
Hơn một tuần sau cuộc tổng biểu tình phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, chỉ hai hôm trước khi kỷ niệm ‘Ngày báo chí cách mạng 21 tháng Sáu’ cùng năm, vài phát ngôn chính trị của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này.
Người biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng bị lực lượng an ninh giả dạng dân sự bắt - Ảnh minh họa
Từ Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đến Trần Đại Quang
Ngày 19/6/2018, bài báo "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" với nội dung ban đầu là "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này" - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là "do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo".
Vụ ‘khóa miệng’ trên là lần thứ ba trong vòng hơn một năm xảy đến đối với giới quan chức cao cấp ở Việt Nam - sau Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách "minh bạch hóa thông tin" và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là "rất nghiêm trọng" của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, bản giải trình của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã bị "thu hồi". Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của "kẻ bịt miệng" báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng lại.
Vì sao chính quyền lại ‘cần luật Biểu tình’ ?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đây là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là bộ trưởng công an, ông Quang đã được giao soạn thảo luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 phản đối luật Đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền tăng tiến vượt bậc, đến nỗi nghị trường quốc hội đang ồn ào yêu cầu ‘cần sớm ban hành luật Biểu tình’. Một lần nữa trong nhiều lần kể từ cuối năm 2011 khi thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng giao cho cơ quan chuyên đàn áp biểu tình là Bộ Công an soạn thảo luật Biểu tình, Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hùa theo ‘Chính phủ đang tích cực chuẩn bị luật Biểu tình’.
Khó mà nhớ được đây là lần thứ mấy quan chức Nguyễn Hạnh Phúc hứa hẹn ‘đang tích cực chuẩn bị’, trong vô số phát ngôn đậm đà đầu môi chót lưỡi của giới quan chức Việt Nam.
Vào tháng Năm năm 2016, sau những cuộc biểu tình "cá chết Formosa" lên đến gần chục ngàn người ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chưa kể những cuộc biểu tình của giới Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh, có người đã thuật lại lời than của một quan chức trong một cuộc họp "sơ kết" : "Đã kêu là phải ra luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần rần thế này thì lấy gì mà xử nó ?".
Còn vào lúc này, giới dư luận viên – vốn hung hăng nhất trong giọng điệu "ra luật để có cớ quậy à ?" cùng những chiến dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc – lại đang vội vã đánh tiếng : "Cần lắm luật Biểu tình".
Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý" – một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra đường trước đám đông phẫn uất. Có khả năng luận điểm này sẽ được đưa ra những cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới để "quyết".
Chẳng khó để hình dung, những lý do để lôi luật Biểu tình ra sẽ lại được tô vẽ : quyền biểu tình của người dân nằm trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982. Dù gì Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2013. Việc ban hành luật Biểu tình không chỉ đáp ứng lòng dân mà còn thỏa mãn được yêu cầu của quốc tế về cải cách luật pháp, biết đâu nhờ đó Hoa Kỳ và phương Tây sẽ mở lại kênh cho vay vốn ODA và IDA với lãi suất ưu đãi, chưa kể nhiều lợi ích khác như CPTPP, EVFTA, vũ khí sát thương, quy chế kinh tế thị trường đầy đủ…
Nhưng với người dân Việt, cái bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Vào tháng Năm năm 2016, bất chấp chính phủ có muốn ban hành luật Biểu tình hay không, người dân đã đổ ra đường biểu tình vì nạn cá chết miền Trung. Cũng như nguồn cơn của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng đồng thời khinh bỉ thói quỳ gối không biết mệt của chính quyền Hà Nội trước Bắc Kinh, tâm trạng và biểu cảm của dân còn muốn phản ứng và phản kháng với nhà cầm quyền vì cách hành xử quá chậm chạp và quá khuất tất mà không công bố được nguyên nhân cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung.
Còn đến tháng Mười năm 2018, cuộc tổng biểu tình ở Việt Nam đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia.
Đã quá muộn để chính thể độc trị ‘tích cực soạn thảo và ban hành luật Biểu tình’.
‘Âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’
Tầm mức xung đột nội bộ ngày càng leo thang. Nếu kẻ bị bịt miệng Trương Minh Tuấn mang cấp ủy viên trung ương đảng thì Đinh La Thăng vẫn còn là ủy viên bộ chính trị khi bị Ban Tuyên giáo trung ương ‘chặn họng’.
Còn giờ đây là Trần Đại Quang - nhân vật không chỉ là ủy viên bộ chính trị mà còn nằm trong ‘tứ trụ triều đình’ của chính thể độc đảng chuyên quyền ở Việt Nam. Xem ra số phận của ông Quang cũng bị các đồng chí của mình đối xử chẳng khác gì hai trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén ?
Tại Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018, người ta vẫn thấy Trần Đại Quang ngồi cạnh Nguyễn Phú Trọng trên bàn chủ tịch đoàn, thậm chí ông Quang còn dược giao điều hành phiên hai mạc của hội nghị này. Sau hội nghị này, ông Trọng chợt im lìm hẳn.
Cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần tham khảo : sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Chính trường Việt Nam đang lao vào thời kỳ của sự xung đột quan điểm giữa các phe phái về ‘âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’.
Có lẽ đó là nguồn cơn vì sao cuộc biểu tình ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã diễn ra suôn sẻ trong buổi sáng mà không bị công an đàn áp mạnh.
Và có thể đó cũng là nguồn cơn vì sao chỉ một tuần sau đó, cuộc biểu tình ngày Mười Bảy tháng Sáu đã bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh tái hiện cảnh đánh đập tra tấn người biểu tình như đã từng hành xử đối với cuộc biểu tình môi trường tháng Năm năm 2016, dã man đến mức nhiều người biểu tình bị hành hung đã lần đầu tiên phải thốt lên ‘Ác ôn cộng sản !’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/06/2018