Nói hai thứ chống này giống nhau vì lẽ, nó đòi hỏi tâm huyết, trí tuệ và đặc biệt là sự hi sinh. Nếu chỉ thiếu một trong ba yếu tố này thì việc chống chỉ mang tính hình thức hoặc mượn việc chống để mưu sự cá nhân.
Chống tham nhũng, lò ông Trọng rực lửa nhưng chưa đủ cháy
Sở dĩ phải nói như vậy vì hai lý do : Lò ông Trọng rực lửa nhưng vẫn chưa đủ cháy và cho đến thời điểm hiện nay, những cán bộ kiểm dịch Việt Nam hiện rõ gương mặt của kẻ ăn không ngồi rồi, ăn hại chứ không làm gì cho ra trò trống.
Ở vấn đề thứ nhất, chống tham nhũng, lò ông Trọng rực lửa nhưng chưa đủ cháy, vì sao ? Vì ông đã đốt khá nhiều thanh củi tham nhũng cộm cán, điều đó cho thấy ngọn lửa chống tham nhũng trong lò không nhỏ. Nhưng bên cạnh đó, hàng trăm gương mặt tham nhũng, có liên quan đến BOT, liên quan đến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và nhiều biệt phủ lấn chiếm rừng phòng hộ… Những kẻ chủ mưu vẫn ung dung, lớn tiếng. Và sự lớn tiếng này phải chăng đã có sự bảo bọc, che chở từ một cấp cao nào đó ? Cái cấp cao nào đó có liên quan gì đến việc miễn cháy trong lò ông Trọng ?
Và đến đây, người ta buộc lòng phải hỏi liệu cuộc đốt lò của ông có thực sự tiêu diệt những kẻ tham nhũng bằng ngọn lửa công lý, công bằng xã hội và làm sạch bộ máy công quyền ? Hay đây chỉ là động thái đánh vào đối phương ? Nó chỉ cho thấy ngay trong nội bộ đảng Cộng sản cũng đã chia ra làm nhiều bè phái và kẻ mạnh thì được mượn danh công lý để tiêu diệt công lý, kẻ yếu thì chết một cách tức tưởi hoặc nhục nhã ?
Đương nhiên, cái chết tức tưởi hay nhục nhã đều xứng đáng với những kẻ mang tâm hồn đen tối, sâu mọt trước nỗi thống khổ của nhân dân, trước hàng triệu con người vẫn còn lây lất kiếm từng bữa cơm và trong mỗi hạt gạo họ nấu cơm đều gánh tiền thuế. Nhưng nếu tiêu diệt một nửa sâu mọt thì nửa còn lại vẫn cứ là sâu mọt, chúng không thể biến thành chim chóc để ca hát. Tiêu diệt đối phương để hệ thống mình mạnh lên và thả sức hoành hành vì không có đối trọng là một lựa chọn hoàn toàn không dựa trên lương tri công chính.
Nói như vậy để thấy rằng trong ba yêu cầu diệt tham nhũng gồm tâm huyết, trí tuệ và sự hi sinh, công cuộc chống tham nhũng vẫn thiếu một thứ gì đó rất quan trọng để làm sạch hệ thống công quyền. Và lý lẽ nếu diệt hết tham nhũng thì lấy ai phục vụ đất nước là một thứ lý luận cùn. Bởi trí thức Việt Nam không thiếu, người tâm huyết với đất nước không ít và hơn nữa nếu như chấp nhận chỉ để đủ người trong hệ thống mà bỏ qua các tội lỗi cộm cán như tham nhũng, cửa quyền là một lựa chọn không lành mạnh, thậm chí không có tương lai.
Điều đó cũng giống như chống dịch trong một quốc gia theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Nếu như chống dịch mà chỉ ngồi chơi xơi nước và đợi kết quả rồi phán xàm thì chắc chắn dịch sẽ hoành hành. Rõ nét nhất là đại dịch tả châu Phi ở heo và đại dịch A/H5N6 hoành hành ở gia cầm. Mặc dù cả nước nhốn nháo, nhiều trường hợp bị nhiễm dịch gồm trẻ em và người lớn nhưng thử đến các khu chợ từ miền Bắc vào miền Trung đều có chung một không khí : người mua hoang mang, người bán than thở.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ kiểm dịch, cán bộ y tế Việt Nam có con số khổng lồ, và khi cần huy động, họ sẽ có những cơ quan liên ngành hỗ trợ nhằm chống dịch và trấn an nhân dân. Thay vì đợi dịch đến mới cho thiêu hủy tài sản của nhân dân thì ngay từ lúc mới xuất hiện dịch, cục phòng chống dịch và cục thú y phải đứng ra thanh lọc tất cả các nguồn heo, gà từ nước ngoài nhập vào Việt Nam. Điều này hoàn toàn không khó, chỉ cần kiểm định, kiểm dịch ngay tại đầu vào ở các cửa khẩu thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Thử hỏi, trong lúc dịch xảy ra, các cục, chi cục thú ý và kiểm dịch đang ở đâu ? Có bao nhiêu cán bộ, chuyên viên của các cục này có mặt tại các cửa khẩu ?
Lực lượng chức năng vừa tiến hành tiêu hủy 226 con lợn bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Vấn đề thứ hai, để tránh tình trạng tổn thất kinh tế và tránh hoang mang trong nhân dân thì cục kiểm dịch và các chi cục phải vào cuộc để tránh tình trạng heo không bị dịch cũng chịu chung số phận với heo bị dịch và nhà buôn đi từ thua lỗ đến phá sản. Thử nghĩ, suốt nhiều năm, nhiều tháng ngồi chơi xơi nước theo cung cách cán bộ nhà nước xã hội chủ nghĩa, khi có sự cố thì chịu khó huy động nhau và kêu gọi liên ngành cùng ra tay bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nhà buôn. Việc có gì khó đâu ! Chỉ cần mỗi sáng, cắt hai cán bộ kiểm dịch, trang bị đầy đủ dụng cụ kiểm dịch, sau đó kêu gọi bảo vệ chợ và công an cấp tương đương cùng hỗ trợ. Tất cả thịt heo hay gà muốn vào chợ thì phải có con dấu kiểm dịch, phải qua kiểm dịch tại chỗ. Như vậy thì người mua không bị hoang mang mà người bán cũng không đến nỗi ế ẩm, than trời kêu đất như hiện tại.
Thử nghĩ, tại cửa khẩu có kiểm dịch, tại các đường vào tỉnh, huyện có kiểm dịch, nguồn thịt vào chợ được kiểm dịch chặt chẽ thì dịch nào lọt vào được ? Đương nhiên không thể nói rằng làm như vậy là ngăn chặn được dịch một cách tuyệt đối, nhưng chí ít nó cũng giải quyết được ba vấn đề : Giúp cho việc mua, bán trong các chợ được xác tín ; Tránh được tình trạng hoang mang và khủng hoảng kinh tế xâu chuỗi ; Và quan trọng nhất là giải quyết được bệnh mòn đũng quần vì ngồi lên la hết quán cà phê tới quán nhậu rồi lại ghế văn phòng của cán bộ nhà nước, tạo được thiện cảm của nhân dân và tự tạo tinh thần trách nhiệm của một người ăn ương từ thuế của dân.
Nhưng không, không hề có động thái nào cho thấy các ban, ngành nhà nước thể hiện quyết tâm hay trách nhiệm với nhân dân. Bài cũ dở đi dở lại đến nhàm chán vẫn không thôi, đó là đợi tỉnh nào có người bị mắc dịch thì công bố dịch ở tỉnh đó, gia súc, gia cầm nơi có dịch vẫn chuyển đi như chốn không người, khi có dịch thì thả sức đốt, phá tài sản của nhân dân. Ví dụ ở xã A có một chuồng lợn bị dịch thì lợn cả xã đó bỉ bị thiêu hủy không cần xét nghiệm hay kiểm dịch gì. Chủ nuôi lợn khóc lên khóc xuống vẫn không thoát. Muốn thoát thì phải hối lộ cho cán bộ thú ý và kiểm dịch.
Thử hỏi, với một bộ máy cán bộ và cơ chế hoạt động kiểu như vậy thì không gọi là ăn hại thì gọi bằng gì ? Và cái thói quen chây lười, nhũng nhiễu, ham ăn của giới cán bộ không chừng đã lấp mất tư duy cũng như kĩ năng nghề nghiệp của họ. Không chừng bây giờ, có lệnh tổng thanh tra, kiểm dịch, cho họ đi chốt chặn để kiểm dịch, họ không biết kiểm cái gì và kiểm làm sao. Họ lại kêu cứu cấp trên đào tạo, tập huấn và cho hưởng chi phí đào tạo, tập huấn (mức tiền ngoài lương cơ bản). Khi đào tạo, tập huấn cho họ xong, mất một núi tiền ngân sách, họ có thể làm tàm tạm thì dịch đã hoành hoành khắp nơi hoặc dịch đã tạm lắng xuống, đã hết mùa dịch… !
Chuyện cán bộ vô trách nhiệm, mất phẩm chất, tham lam, hống hách ở Việt Nam cứ như chuyện bước ra đường mà không gặp rác, không gặp phân là ngày quá lạ, quá đặc biệt vậy ! Và chuyện chống tham nhũng, chống dịch, xin đừng lên đồng như một kiểu câu view thời loạn mà hãy làm thật, làm mạnh và dứt khoát.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 16/03/2019 (VietTuSaiGon's blog)