Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ở Việt Nam hiện có hai tổ chức nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi IELTS là Hội đồng Anh, và IELTS Australia Pty Ltd (Úc). Tuy nhiên số lượng địa điểm thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt hiện vẫn còn quá ít ỏi so với trước đây. "Hàng rào kỹ thuật" về phòng thi là điểm khó nhất mà hai đơn vị tổ chức thi IELTS đang đối mặt.

ngoaingu1

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi được tổ chức thi tại Việt Nam, theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xem ra đang giúp ‘nâng cấp’ hơn nữa về uy tín của bằng cấp này.

Ghi nhận của báo chí, thì lãnh đạo một trường đại học có liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong hồ sơ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để cấp phép liên kết dự thi của nhiều đơn vị, rắc rối nhất là địa điểm thi. Nơi tổ chức thi phải đảm bảo nhiều yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo ; trong đó cụ thể từng địa điểm đều phải được bộ cấp phép.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, những yêu cầu này nhìn chung không khó khăn lắm để đáp ứng, nhưng ở một số thành phố nhỏ hơn, các đơn vị liên kết phải mất nhiều thời gian để đáp ứng. Cụ thể, thông tư 11/2022/TT-BGDĐT quy định địa điểm phải có đủ phòng thi và các phòng chức năng ; phòng thi bảo đảm cách âm, có đủ ánh sáng, bàn, ghế, hệ thống camera giám sát, đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng.

Địa điểm thi cũng phải có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ, thiết bị cầm tay) ngăn chặn được việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép ; phải có nơi bảo quản đồ đạc thí sinh, có phòng làm việc của hội đồng thi, trực thi, giao nhận đề thi và bài thi ; có hòm, tủ hay két sắt có khóa chắc chắn để bảo quản đề thi bài thi, có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị bảo mật cho hệ thống, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng ; các thiết bị phụ trợ bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật nếu tổ chức thi trên máy vi tính…

Trong trường hợp tổ chức thi theo hình thức trực tuyến, các đơn vị phải có đủ phương tiện, thiết bị, thiết bị bảo mật, có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và chống gian lận hiệu quả, có phòng chấm thi bảo đảm an toàn và biệt lập, có camera giám sát được toàn bộ diễn biến trong quá trình chấm thi, dữ liệu camera, bảo đảm các yêu cầu an toàn, bảo mật và phòng chống cháy nổ…

Bình luận về quy định "phòng thi bảo đảm cách âm" dưới góc nhìn của một nhà thầu xây dựng, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng để đáp ứng phải tốn nhiều tiền trong xây dựng.

"Có đến 10 vật liệu trong sử dụng cho phòng cách âm tùy vào túi tiền nhà đầu tư : bông khoáng cách âm ; cao su non ; túi khí cách nhiệt ; thạch cao ; mít xốp dán tường ; tấm DURAflex xi măng chống ồn ; tấm gỗ tiêu âm ; tấm len gỗ tiêu âm ; tấm bông ép cách âm Polyester Fiber ; thảm trải sàn cách âm.

Đáp ứng các yêu cầu trên cho "phòng thi bảo đảm cách âm", tiết kiệm nhất là đơn vị tổ chức thuê những phòng dùng để hội thảo ở các khách sạn cấp 4, 5 sao. Thế nhưng khi thuê khách sạn dù có cao cấp đến đâu thì cũng khó cho các yêu cầu khác, như hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị bảo mật cho hệ thống…" – ông Huỳnh Ngọc Sơn diễn giải.

Còn ở góc nhìn là một giáo viên dạy ngoại ngữ, thầy giáo Đặng Trung Nghĩa, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phía chấp bút soạn thảo các quy định mang tính hành chính như nêu trên, "có lẽ họ nên đăng ký thi một lần cho biết".

Thầy giáo Đặng Trung Nghĩa mô tả, về cấu trúc đề thi, phần thi Nghe (Listening) và Đọc (Reading), mỗi phần có 40 câu hỏi và giống nhau cho cả hình thức Học thuật (IELTS Academic), và Tổng quát (IELTS General Training).

Tương tự, phần thi Nói của cả hai hình thức này cũng giống nhau với thời gian thi 11–14 phút, thí sinh sẽ trò chuyện trực tiếp với giám khảo để trả lời các câu hỏi trong ba phần của bài thi Nói IELTS. Giám khảo sẽ đánh giá điểm theo từng yếu tố : tính lưu loát và sự gắn kết của bài nói (Fluency and Coherence), vốn từ vựng (Lexical Resource), năng lực ngữ pháp (Grammatical Range and Accuracy) và cách phát âm (Pronunciation) để tính điểm tổng trung bình.

Đề thi Viết của hai hình thức thi sẽ khác nhau ở Task 1 : đối với dạng thi Học thuật, thí sinh sẽ viết một bài mô tả hoặc phân tích dữ liệu (bảng biểu, biểu đồ, đồ thị,..) còn với bài thi Tổng quát sẽ được yêu cầu viết một bức thư. Task 2 của cả hai dạng bài thi Viết sẽ yêu cầu thí sinh viết một bài luận không dưới 250 từ.

Điểm bài thi Writing được giám khảo tính trên Khả năng hoàn thành yếu tố trả lời đúng, đạt yêu cầu cho phần IELTS Writing Task 1 (Task Achievement) và Trả lời đầy đủ các yêu cầu của đề bài cho phần IELTS Writing Task 2 (Task Response), theo các tiêu chí về tính gắn kết giữa các câu, đoạn văn (Coherence and Cohesion), vốn từ vựng (Lexical Resource) và ngữ pháp (Grammatical Range and Accuracy).

"Tôi không hiểu với các quy trình thi lâu nay, giờ tại sao lại đưa ra các chuẩn buộc phía tổ chức thi phải tốn thêm tiền bạc cho đáp ứng về kiến trúc phòng thi, thiết bị phòng thi…, trong khi giám khảo mới là vấn đề chính yếu nhất, quan trọng nhất và cũng là nan đề nhất để thí sinh cần phải đáp ứng để có thể đạt được chứng chỉ ngoại ngữ này" – thầy giáo Đặng Trung Nghĩa thắc mắc.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 01/12/2022

Published in Diễn đàn