Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 07 novembre 2023 00:43

Cuộc di cư của chữ nghĩa

Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi, chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm. Chuyến đi gian nan của nguời di cư thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy.

Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất ? Hình như chẳng còn ai tâm trí đâu để lưu tâm tới điều đó. Chữ được di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường ? Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa ?

Phải đợi đến sau ngày 30 tháng tư 1975, người ta mới có thể biết được sự còn mất này một phần nhờ so sánh chữ nghĩa giữa hai miền. Hình như cũng ít ai để ý đến cái mất, cái còn của chữ nghĩa, vì có quá nhiều cái mất cái được được lớn hơn. Cái mất lớn hơn đó để người khác lo, người viết lạm bàn về số phận chữ nghĩa người di cư sau 1954 và nếu có dịp về chữ nghĩa của người di tản.

dicu1

Cuộc di cư người ở miền Bắc năm 1954 vào miền Nam

 

Phần 1

Chữ mòn theo thời gian

 

Cho dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị sói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự sói mòn của thời gian. Chữ nghĩa như một vật dùng một lần thì còn ngon, nhưng dùng nhiều lần thì mòn hay cùn đi. Như cái kéo cắt mãi cũng phải cùn. Dao băm mãi cũng lụt đi. Khen đi khen lại đâm nhàm tai. Yêu nhau lắm, cắn nhau đau, hay ít ra cũng chán. đùa dai hoài đâm nhạt như nước ốc.

Hình như chữ nghĩa dị ứng với cái lập đi lập lại.

Tất cả những ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều : Thời gian và sự đi lập lại có thể làm sói mòn, hoen rỉ chữ nghĩa. Tâm lý con người lại ưa chuộng cái mới, cái lạ. Như trong tình yêu, dùng chữ đó với nhau lần đầu, trọng lượng của chữ nặng lắm, thấm thía lắm, cảm động lắm. Dùng lần thứ hai thấy nhẹ đi rồi. Phải tăng cường độ nghĩa bằng những chữ lắm, nhất, số một. Có khi cả bằng tay chân vẫn chưa đủ. Tăng lời thề... Hình như vẫn hụt.

Trong văn chương, ta cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Nhất là trong lãnh vực thơ. Thơ là khơi nguồn cho sáng tạo chữ mới, văn ảnh mới, biểu tượng mới. Còn nhớ, hồi thơ Nguyên Sa xuất hiện đúng lúc khi mà cuộc di cư đã hoàn tất. Chữ nghĩa thơ của ông còn nóng hổi, thơm phức như bánh mì mới ra lò. Nhiều cô cậu, ghi ghi chép chép để dùng lại :

Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc.

Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường.

Chữ nghĩa đó được truyền tay, đến người cuối cùng có thể chỉ là chiếc bánh mì nguội. Cứng như đá. Thật ra, thơ đó có một vài văn ảnh mới. Mới với người đọc thôi. Nguyên Sa đã gợi nguồn cảm hứng từ người tình là cô Nga (sau này là bà Trần Bích Lan). Có thể lúc mà thơ đó mới ra lò, đối với ông, thơ văn đó chả có ấn tượng gì nữa.

Nhưng mới người cũ ta. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ suốt đời mang cái nghiệp phải sáng tạo cái mới. Sáng tạo không ngừng.

Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cành báo về cái hữu hạn của nó. Sự sợ hãi của Nguyễn Du phải chăng cũng từ đấy mà ra ?

Chữ có thế vắn số nên có nhiều chữ đã trở thành chữ cổ ít ai nhắc tới. Còn nhớ, hồi mới di cư dzô Nam, người Bắc sửng sốt nhất, nghe lạ tai nhất là chữ Mã Tà. Mã tà thời tây gọi là Hiến Binh, sau này trong Nam gọi là Cảnh sát, ngoài Bắc gọi là Công An. Không biết vì lý do gì, chữ Mã tà sau khoảng hai năm gì đó, không còn nghe ai nói nữa.

Cũng vậy, theo sách vở, chữ manh nghĩa là nhỏ mọn. Người đời chỉ còn nhớ váng vất khi nó đi với chữ khác như mong manh, tan manh, chiếu manh, manh áo, manh mún. Một chữ khác như chữ Khem, nghĩa là kiêng cữ. Nếu nó không cặp bạn với chữ Kiêng thì người ta không còn nhận ra nó như Kiêng khem ra nắng, ra gió. Chữ khác như chữ Lụn, nghĩa là hết, người ta cũng chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi : Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, lụn năm, lụn ngày, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt. Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ cổ trên.

Nhưng có chết đi mới có sống lại, cái chết đi ung mầm ra cái mới. Nhờ vậy mà chữ nghĩa thay đổi và tiến bộ, mỗi ngày một đa dạng, một phong phú và chuẩn xác hơn. Thời gian đã là một nhẽ, cộng thêm dụng ý của người sử dụng chữ làm chữ nghĩa sống dở, chết dở. Từ nay, chữ có thêm nghĩa. Chữ và nghĩa. Chữ dùng giống nhau, nhưng nghĩa thì mỗi người hiểu một nghĩa. Rầy rà từ đấy mà ra.

dicu2

Tháp cổ Babel – Tranh Peter Bruegel 

Huyền thọai về việc xây tháp cổ Babel phải chăng là một bằng cớ báo trước về sự sa đà của ngôn ngữ, chữ nghĩa và đến cả số phận của nó nữa.

Số phận chữ nghĩa, cái sống, cái chết của nó là sống mòn, chết mòn, chết từ từ. Mỗi ngày của nó là một bước ngắn lại. Cả làng, cả nước đang dùng, vậy mà không đâu biến đi đằng nào..

Từ mòn đến là hay, nó gợi lên văn ảnh của một đồ vật mới đầu bóng loáng, sáng choang, mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn người ta. Ai ai cũng mê, cũng nói, cũng dùng. Chữ trở thành thời thượng. Càng được dùng, càng nhiều người nhắc đi nhắc lại, càng phổ biến thì cái nguy cơ mất lúc nào không hay. Chữ vẫn đó, mà nghĩa đã mất dần.

Cái xe chở chữ, lúc chở chữ này, lúc khác chở chữ khác, hoặc dán nhãn hiệu khác. Nó đã chở như thế bao nhiêu chuyến, đã thay hình đổi dạng bao nhiêu lần ?

Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn ? Cái nào mòn trước, cái nào mòn sau ? Chữ là cái chuyên chở nghĩa và một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ. Chẳng hạn, chữ cái và con. Chữ chỉ có hai, nhưng nghĩa thì nhiều lắm nên nghĩa lúc thế này, lúc thế khác. Cũng là con, nhưng con dao, con với cái, nhỏ con, con dại cái mang, con đĩ, cỏn con. Nhưng cũng không thiếu trường hợp cả hai đều mệnh yểu.

Chữ càng mòn nhanh nếu nó chuyên chở nhiều nội dung, ý hướng của người dùng. Tất cả tuỳ thuộc vào ý hướng người sử dụng.. Nhưng làm sao nắm bắt được ý hướng đó. Dĩ nhiên khó lắm. Vấn đề nay đã lây lan sang một chủ đề triết lý là : sự ngộ nhận, sự thông cảm hay sự bất lực trong việc tìm hiểu tha nhân mà các triết gia hiện sinh thường đề cập tới. Vì có dụng ý chữ nghĩa đôi lúc trở thành gian dối, lừa phỉnh và trong chính trị trở thành tuyên truyền. Một thứ bạo lực ngôn ngữ, một thứ vũ khí như con dao, khẩu súng. Chẳng hạn chử Việt gian thời Việt Minh, hay chữ tay sai Cộng Sản thời bây giờ.

Với cái nhìn nhân bản thì chữ nghĩa có một cuộc sống, có dòng sinh mệnh, có thể mất, có thể còn, trôi nổi như đời sống một người. Nhiều chữ nay đã chết, nằm chôn vùi trong nghĩa địa của các Bảo tàng hay sách cổ. Nói ra cũng ngậm ngùi.

Xin trích dẫn một số chữ nghĩa làm bằng chứng về sự mất còn này. Trong lời mở đầu báo Nam Kỳ địa phận, số đầu tiên, năm 1907 có những câu như sau : "Bổn báo kỉnh cáo, tòa báo đã ước ao cho con nhà Annam, đua nhau tấn tài, tấn đức, thông phần đạo, ngoan việc đời… Tờ báo có ý khai đàng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho mọi bề, việc đạo việc đời đều thông thuộc".

Xin trích dẫn một đoạn khác :

"Lời rao cần kíp. Bổn báo gửi cho mỗi người hai số nhựt trình đầu hết mà xem thử, như ai bằng lòng mua thì đem ba đồng bạc đến mượn cha Sở mua dùm"… Trong một trả lời bạn đọc, chúng ta nghe thử lời rao sau đây : "Bổn báo có nhận được một mandat của một ông nào đó không đề tên, không đề địa chỉ, nhưng yêu cầu gửi báo.

Tức cười thật. Nhưng 25 năm sau, trong tờ L'Impartial viết vào ngày 20/11/1929, ta thấy lối viết đã nhẹ nhàng thông thoát hơn : "Sự giải phóng người Annam về phương diện thương mại và kỹ thuật chỉ là một huyền thoại".

Bạn đọc thấy có nhiều chữ được sử dụng cách nay một thế kỷ đã không còn được dùng nữa như "bổn báo kỉnh cáo, nhựt trình, con nhà Annam, tấn tài tấn đức, khia đằng văn minh". Nhưng có nhiều chữ vẫn được dùng cho đến ngày nay như chữ "Cha Sở" và nhất là những chữ khá chuyên môn cách nay 70 năm như "giải phóng, phương diện thương mại và kỹ thuật, huyền thoại" vẫn còn được dùng. Nhất là chữ "huyền thoại" mà người viết có cảm tưởng là nó chỉ được dùng sau này trong Triết học Tây Phương mà thôi. Hóa ra nó đã có một nguồn gốc lâu đời đến thế.

Trong những chữ bị mòn, mất đi… ở trên. Vấn đề là tìm hiểu xem, tại sao chúng không còn được dùng nữa.

Sự mất còn của một chữ trước hết là thói quen, rồi sự xói mòn, sự được dùng ít hay dùng nhiều, tính địa phương, sự sáng tạo của các nhà văn, nhà báo, dụng ý chính trị và cuối cùng là các cuộc di dân. Và đặc biệt nhất là cuộc di cư năm 1954 cũng là mục tiêu của bài viết này.

dicu3

Một triệu người di cư chuyên chở theo cả một nếp sống văn hóa, phong tục, tôn giáo, cách làm ăn, cách suy nghĩ sinh sống, tính nết và cuối cùng cách ăn cách nói. Chữ nghĩa đã làm một cuộc di cư không tiền khoáng hậu trong lịch sử của người Việt từ Bắc vào Nam. Ảnh minh họa Một gốc đường ở Sài Gòn năm 1970

 

Phần 2

Cuộc di cư của chữ nghĩa

Cuộc di cư năm 1954 không phải chỉ là vấn đề chính trị của một tập thể người chọn lựa một thể chế chính trị. Điều đó đúng nhưng không đủ. Một triệu người di cư chuyên chở theo cả một nếp sống văn hóa, phong tục, tôn giáo, cách làm ăn, cách suy nghĩ sinh sống, tính nết và cuối cùng cách ăn cách nói. Chữ nghĩa đã làm một cuộc di cư không tiền khoáng hậu trong lịch sử của người Việt từ Bắc vào Nam.

Khi lần đầu tiên tiếp xúc lại với chữ nghĩa miền Bắc sau 20 năm xa cách. Người viết có cái cảm giác sung sướng đến ngạc nhiên, đến bỡ ngỡ vì nhớ lại những chữ nghĩa tưởng chừng đã quên nay nhớ lại. Sau bao năm xa cách, hình như bắt lại được mình, nối lại được dĩ vãng thân thuộc, gần gũi. Chẳng hạn, lúc đọc nhà văn miền Bắc Vũ thư Hiên trong cuốn Miền Thơ ấu và nhất là cuốn Chuyện ở tỉnh lỵ, hay Tô Hoài trong O chuột (1942), Nhà nghèo (1944) và nhất là Cát bụi chân ai (1992), Nguyên Hồng, trong Cửa Biển, Nguyễn Tuân người Lái đò trên sông Đà, Nam Cao với Chí Phèo, Đôi mắt. Nguyễn Khải với Mùa lạc. Lê Lựu với Một thời xa vắng. Và gần đây thôi Nguyễn khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma. Họ, những nhà văn, đã làm sống lại từ trong mồ nhiều chữ mà người viết đã nghe, hoặc chính mình đã dùng và nay đã quên, đã không dùng nữa. Người viết cảm động như một khám phá, như một sưởi ấm lại ký vãng đã quên. Chẳng hạn thay vì nói, "ông ấy bệnh nặng, sắp chết", hay "ông ấy đang hấp hối, đã cấm khẩu, tay bắt chuồn chuồn". Nhưng hạ một câu : "Ông ấy sinh thì rồi thì đã quá". Và cứ như thế dàn trải ra khắp các cuốn sách quê hương cũ tìm về, dấu chân kỷ niệm và niềm thơ ấu sống lại.

Chữ nghĩa như có hồn được vực dậy, thổi thêm sinh khí. Phần lớn những thứ chữ này có vào thời tiền chiến và gần như bị đoạn tuyệt với Tự lực Văn đoàn. Tự lực Văn đoàn chẳng những đoạn tuyệt với phong tục, nếp sống cũ mà cả với chữ nghĩa cũ nữa. Như vậy, song song với nhóm Tự lực Văn đoàn, vẫn còn sót lại một dòng văn học ngược chiều với nhóm Văn Hóa Ngày nay và cứ thế nó kéo dài đến bây giờ. Và một lần nữa, nó lại phải đương đầu với những nhà văn trẻ, thế hệ sau 1975, thế hệ sau cởi trói hay sau nữa Hậu Hiện đại.

Cũng một cách thức tương tự, người ta tìm thấy ở miền Nam với Nhóm Sáng Tạo đổi mới nội dung, giải phóng chữ nghĩa bằng cách sử dụng những từ có vóc dáng triết lý thời thượng. Bên cạnh đó có một dòng chảy văn học chữ nghĩa như khe suối nguồn, lau lách, rỉ giỏ giữ lại cội nguồn, giữ lại bản sắc của mình với Sơn Nam, Bình nguyên Lộc và đặc biệt nhất là nhà văn lê Xuyên.

Đây là một hiện tượng văn học có vóc dáng và đáng nể.

Nhưng chuyện phải đến đã đến. Càng đọc các nhà văn miền Bắc, càng thấy chữ nghĩa mất nhiều lắm. Đếm không hết, nói mấy cũng không đủ.

Luật của đa số

Người ta thường nghe hói đến :

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Coi vậy mà đúng lắm. Người mới đến phải vào khuôn, phải thích ứng, phải hội nhập. Sức ép của đa số buộc người mới tới vứt lại hành lý mang theo. Ngôn ngữ, tiếng nói phải vứt dầu tiên vì nó khác người ta quá. Tiếng nói là cái phải điều chỉnh đầu tiên. Phải vặn lại đinh ốc hàm đưới, điều chỉnh lưỡi, điều chỉnh tần số âm thanh ở tai, nhất là một thảo trình mới cho bộ óc. Càng ít, càng thiểu số, càng vào nhanh, càng giống khuôn đúc…

Cái mà còn giữ lại cuối cùng là giọng nói.

Thoạt đầu là các chữ chửi của dân miền Bắc vốn là sắc thái văn hóa bản địa. Đặc thù và cá biệt. Ai chửi hay và chửi có bài bản, có nghệ thuật, có vần điệu, ví von, có tay nghề bằng người miền Bắc. Chửi hay như thế nên có kẻ làm nghề chửi thuê kiếm ăn. Chẳng hạn, trong chuyện Chí Phèo của Nam Cao, Chí Phèo chửi để lấy tiền uống rượu đến tay sừng sỏ trong làng như lão Bá cũng chào thua. Có những chữ nghĩa thuộc loại anh chị, kế thừa một truyền thống mở mồm ra địt mẹ, địt bố, chửi có tay nghề ở miền quê nghênh ngang lên tầu há mồm, coi ai chẳng ra gì.

Vậy mà vào đến miền Nam gặp anh Hai ở cầu Ba Cẳng hay bến Tầu Sàigòn, chị Ba Cầu Muối, chị Năm chợ cá Trần Quốc Toản đành tắt tiếng. Các chị chữ nghĩa miền Bắc vẫn có thói quen đứng dạng háng, tốc váy, hoặc vỗ đồ bồm bộp đứng xo ro một góc khi nhìn thấy những thằng cha bự tổ trảng, cởi trần, cười thì mồm vàng choé những răng vàng. Không im tiếng sao được. Đâu đây nghe tiếng : Thằng nào ngon ra đây, Đù má thằng nào vừa mới địt đây. Tiếng chửi thề của tay anh chị miền Nam không có lời đáp trả. 

Tiếng chửi tục biết thân, biết phận tan hàng 

Tất cả những tiếng chửi tục đủ loại đã có một thời khét tiếng tỉ như Tiên sư bố, tiên sư cha, tổ sư cha, bú cặc, bú buồi, địt nọ địt kia, liếm, sờ, chui. Không bao giờ được nghe nữa. Chả bù với ở miền Bắc, nhớ lại các anh chị chữ nghĩa này chửi ra rả cả ngày, cả đêm không ai dám đụng đến.

Trong suốt 20 năm sống ở miền Nam, sống chung đụng với dân miền Bắc, người viết chưa nghe, dù một lần địt nọ, địt kia nữa. Cùng lắm, nghe chửi trên Tivi vào những dịp tết.

Thứ đến các chữ liên quan đến bộ phận sinh dục, các hành vi liên quan đến chuyện sinh lý, bài tiết, đến chuyện ăn nằm giữa hai vợ chồng. Người Bắc có văn hóa cao, tránh cái thô tục không cần thiết nên đã có trăm cách, trăm lối diễn tả xa xôi, bóng gió được coi là tao nhã. Vào trong Nam dẹp hết tất tần tật. Cái nào ra cái nấy phân minh, đơn giản và vắn gọn. Đi cầu là đi cầu. Đụ là đụ. Không bầy đặt hoa hòe, hoa sói. Cái đơn giản, cái thực tiễn không hàm ngụ, không gợi ý đôi khi lại thanh tao gấp mấy lần cái thanh tao thứ thiệt.

Khi viết chữ C. nửa chừng, chữ L. nửa chừng, tưởng rằng kín đáo, tưởng rằng thanh tao đã là cách để cái đầu làm việc, cái đầu nghĩ bậy. Chữ là thế, nghĩa lại khác. C viết tắt. L. viết tắt thì tha hồ hồ cái đầu lùng bùng nghĩ bậy.

Tính chơn chớt, thật thà, có sao nói dậy đánh văng chữ nghĩa miền Bắc

Bên cạnh chửi tục, người Bắc còn có lối nói mát, nói mỉa, nói xéo, chê bai cũng độc địa lắm. Chửi cha không bằng pha tiếng là vì vậy. Những lối nói này sử dụng trong những liên hệ, tương quan gần như người quen thuộc, người làng, người hàng xóm, bạn bè. Nó có nhiều cấp độ từ chê bai, khinh bỉ, trách móc, coi thường giận hờn, bực bội... Nó chứa chất chút gì độc ác, bơi móc từ tính nết chi li từng cử chỉ, gia cảnh, cái nghèo, cái đói, cái bần tiện, rạch ròi từng cái dốt nát, cái ngu xuẩn, cái kém cỏi, cái độc ác của mỗi người.

Tỉ dụ nói mỉa mai : Cái mặt nó vác lên, trông nó đú đởn, ăn cơm hớt ấy, cho chó ăn. Thường sự mỉa mai nhắm vào sự nghèo khổ, sự ăn uống, vào tính nết, về phái tính và sự đe dọa.

Về nghèo khổ : Dân miền Bắc túng quẫn nên lấy cái ăn, cái uống làm đầu. Lúc giận rủa nhau cũng mang cái ăn uống ra mà nhiếc móc nhau kể cũng không lấy làm lạ. Tỉ dụ diếc móc người ta như : nghèo rớt mồng tơi, nghèo lõ đít, thí cho nó tý tiền, cứ gọi là đói vàng mặt, đói dã họng. Nghe những chữ diếc móc trên đôi khi đau lòng còn quá chửi. Vì thế, người đời mới sợ tiếng diếc móc đến cầm bát cơm lên ăn không nổi… Vì thế có tâm trạng khác nhau : Khi nghe chửi, ta thấy tức giận, khi bị diếc móc, ta cảm thấy nhục. Từ tâm trạng đó kéo ra hai lối phản ứng. Khi bị chửi, ta chửi lại hoặc muốn đánh trả lại, ăn miếng trả miếng trong tương quan bình đẳng và rất có thể tương quan bất bình đẳng, kẻ yếu chửi kẻ mạnh. Nhưng khi bị diếc móc, bị xỉ nhục thì tương quan lệch, kẻ trên-kẻ dưới, nên nạn nhân hầu như không có đòn để đỡ, vì yếu thế không dám đáp trả, cam chịu ẩn nhẫn và cùng lắm nuôi hận trả thù. Cho nên, về mặt tâm lý, bị diếc móc vẫn đau hơn bị chửi. Thông thường những người có văn hóa, những người có địa vị, ở trên người khác có giáo dục thường ít chửi mà nói diếc, nói móc, nhẹ hơn là nói bóng, nói gió…

Về tính nết : Phải quen biết, phải qua lại mới biết nhau, biết từ chân tơ kẽ tóc, đến lúc giận hờn thì mang tính xấu người khác ra rủa. Chẳng hạn rủa : mắt ông viền cải tây rồi, đồ thông manh, trông vậy mà đáo để ra phết, đồ ông mãnh, cứ giãy... lên như đĩa phải vôi, nhanh nhẩu đoảng, lanh cha lanh chanh. Tất cả những lối nói trên đều dựa vào một sự vật, vào một biểu tượng cụ thể có thật để gợi lên một ý tưởng xấu. Biến cái cụ thể thành một ý niệm trừu tượng

Cả một nếp sống văn hóa, truyền thừa, kinh qua kinh nghiệm mới nhận ra cái tế vi, cái dị biệt mà biên giới nghĩa chỉ cần xảy chân một cái là dùng sai, hiểu sai. Xử lý đúng chỗ, đúng trường hợp hẳn không phải là dễ. Đồ thông manh thì nặng hơn mắt ông viền cải tây. Đồ cám hấp thì nặng hơn đồ dở hơi. Đồ láu cá láu tôm thì nặng hơn đồ ông mãnh. Nói không đâu vào đâu thì khác nói chua như dấm. Cân nhắc vụ việc, đánh giá từng trường hợp, xử lý người – việc – rồi dùng từ... thích đáng. Tất cả đòi hỏi sự khôn ngoan, tính toán và chải đời. Đó là thứ văn hóa chửi mà không ăn mòn bát mòn đĩa ở miền Bắc không hiểu thấu đáo được.

Vào đến miền Nam sau này, người dân miền Nam với nếp sống giản dị đã trấn áp người miền Bắc, quy kết là khôn ranh. Bỏ đi Tám. Đù má, nói gì thì nói mẹ nó đi cho rồi, vòng vo tam quốc hoài, mệt quá. Vậy là phải dẹp cái thói xỏ xiên, văn hoa chữ nghĩa. Người miền Bắc di cư chỉ có mỗi một con đường trong lối sống và cư xử mới là dẹp bỏ tất cả những từ chửi bới, diếc móc ở trên. Vì thế, mấy ai còn nhớ đến những lối diếc móc trên.

Về phái tính : Người phụ nữ miền Bắc vốn là nạn nhân của nhiều thứ, của đủ thứ đến cái gì xấu đích thị là của phụ nữ. Đến cái gì khen thì thật sự cái đó có lợi cho đàn ông. Khen tứ đức tam tòng là lời khen chết người, buộc chặt, trói chân người phụ nữ thành tên nô lệ không công. Khen tiết hạnh khả phong là lời khen trớ chêu nửa khóc, nửa cười. Khen trinh tiết làm đầu là một lối khen họan, khen thiến không hơn không kém, chẳng khác gì hoạn quan. Nói tách bạch ra, con C… là chúa, là vua.

Nhưng những lời nguyền rủa quả không thiếu mà có thừa.

Tôi muốn đứng ra, nghểnh cao cổ, hò hét bênh đàn bà cũng không được. Vì tìm đến nửa ngày cũng không kiếm đâu ra chữ để chửi bọn đàn ông. Thử xem nào : đồ đàn ông đĩ ngựa. Nghe không ổn. Đồ lẳng lơ. Cũng không nghe ra tai. Cuối cùng tìm ra được vài chữ đáng đời : Đồ súc sinh và một chữ dấm da dấm dớ : Đồ cha căng chú kiết. Thật đến là tức, tự nhiên xổ ra được một lô chữ cho hạ hỏa : đồ du côn du kề, đồ ăn mày ăn xin, đồ gì nữa nào… đồ lính tráng.

Cái may của phụ nữ miền Bắc là vào đến trong Nam, họ đã không bao giờ còn bị ai diếc móc như thế nữa.

Than vãn hay dọa nạt

Đã nói thì phải nói hết. Bên cạnh đó, ở mức độ chừng mực vừa phải dễ dung nhận được là các lối nói than vãn, hăm đe. Trong lối nói này, người ta tỏ ra một oai quyền, một sự khôn ngoan dà dặn, một sự từng trải, sự hiểu đời, cái hơn người. Chẳng hạn : Các người đừng có vội tí ta tí toét, cứ ỉm đi, cứ im thin thít, thời buổi nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, hơi đâu mà, có dỗi hơi, kêu giời kêu đất, tôi vội vàng mát mẻ nói, đừng có bắt bí nhau, liệu cái thần hồn, bà truyền đời cho mà biết, cứ tẩn cho nó một trận đến lòi tù và ra, vả vào miệng cho tôi, cái giống nhà mày, không có tao thì cả họ này ăn bùn, nó bôi tro trát chấu vào mặt, mấy đứa kia thì đáng vật một nhát cho chết, nó lo xanh mắt và thức suốt đêm, hừ ngỡ là gì, hóa ra hắn nằm vạ, giận cá chém thớt, bà truyền đời báo danh cho mày biết, tôi biết tỏng tòng tong trong bụng ông nghĩ gì, chớ nói gở nó vận vào mình, e xúi quẩy đấy.

Người miền Nam nghe những câu trên là sùng rồi : rắc rối tổ mẹ, cái gì mà ví von qua không hiểu. Qua nói thiệt, qua có sao nói dzậy. Còn mấy cha nội, nói dzậy mà không phải dzậy. Có ngon ra đây, kiểu gì qua cũng chơi ráo trọi. Kiểu gì nó cũng chơi thì né đi cho được việc, dở sách thánh hiền ra đã có câu thánh dậy : tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Phong kiến qua lối xưng hô bị dẹp bỏ

Có lẽ không ở đâu, không ở nước nào cách xưng hô lại phức tạp lầy nhầy như miền Bắc. Mới đây, trong một chương trình Vidéo, người viết thấy một cô ca sĩ trẻ được người điều khiển chương trình phỏng vấn. Lúc phải trả lời, cô lúng ba, lúng búng, vì không biết phải xưng bằng anh, chú, bác hay nhà văn với người điều khiển chương trình. Bác có vẻ già quá, anh thì có vẻ hơi xỗ xàng. Ông thì xa lạ. Cậu tớ thì xấc quá. Trong cái cách học ăn, học nói của người Bắc thì bài học vỡ lòng là học cách xưng hô. Trẻ con nào mà không được bố mẹ dạy phải xưng hô tùy theo tuổi đã đành, theo quan hệ họ hàng, theo chức vụ và theo xã giao nữa. Những tiếng thầy bu, thầy u, thầy đẻ, thầy me, cậu mợ, đằng ấy, cậu tớ, người nhớn, con nọi, con kia, huynh, đệ, quan bác, thằng cu, con đĩ, mẹ đĩ nhà tôi, nhà con, ông mãnh, thằng trời đánh thánh vật, thằng chết băm chết bằm tùy trường hợp mà dùng. Nhưng bắt chước người Tầu, ta còn có chữ gia phụ, gia mẫu, gia huynh, chỉ bực bề trên hay xá đệ, xá muội chỉ bực dưới. Bấy nhiêu lối xưng hô vào đến miền đất mới như lạc lõng, thi nhau bị "cáp duồn" hết. Không ai nói nữa. Do sức ép hay do tự mình cảm thấy lỗi thời, thấy dởm, thấy cầu kỳ, thấy rắc rối, thấy "không giống ai" thấy cần phải bỏ. Có lẽ thấy cái không giống ai là lý do của sự ra đi không trở lại của các cách xưng hô trên.

Các chữ dùng để gọi, xưng danh quan tước chức sắc cũng nhiều lắm. Cũng phiền lắm. Nhiêu khê lắm. Không xưng đúng danh phận, có thể bị trách, bị giận, bị trù ếm nữa. Nhiều không đếm xuể. Hầu hết, việc hài chức vụ có dụng ý, tâng bốc nịnh nọt. Nó đã dần biến mất khi vào đến trong Nam. Nó biểu tỏ một xã hội phong kiến, đẳng cấp, trên dưới không thích hợp ở miền Nam. Người dân miền Nam cũng là di dân, có cái may mắn không thừa hưởng di sản của một xã hội phong kiến, hủ lậu. Xã hội đó lo kiếm miếng ăn, làm giầu, không nghĩ đến chữ nghĩa thánh hiền, cũng chẳng bận tâm đến kẻ trên người dưới... Xã hội vừa ổn định, chưa mọc ra những mầm mống của thứ ổn định kiểu trên đè dưới, quan lại, thứ dân, giai cấp thống trị. Làng xã mở toang, không hàng rào vây kín… Xã hội cũng mở toang mọi phía mà dân là chính, dân là chủ. Sự xưng hô vì thế giản tiện và tùy tiện, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ba má thì là ba má. Khi cần gọi chung là ông già bà già. Nội việc xưng hô cũng thấy miền Nam đuợc cởi trói nhiều theo tinh thần tự do, dân chủ. Người Bắc từ xa tới, lẽ nào không thấy cái hay đó. Lẽ nào không theo, tự ý theo. Để gọi một người ở, người trong Nam chỉ gọi chung chung là người làm, vừa giản dị, vừa không có khinh miệt, rẻ rúng. Vì thế, nếu còn ai gọi cụ đốc thì thay vì là một trân trọng, nó đã biến thành trò cười, mai mỉa. Hóa cho nên, chữ nghĩa có cái thời của nó, thời để sống và thời để chết.

Cách làm ăn có khác, chữ nghĩa cũng đổi khác

Cũng là xứ nông nghiệp, nhưng cách làm ruộng, cách sinh sống cũng khác miền Bắc nhiều lắm. Chữ nghĩa cũng vì thế cũng đổi theo. Rất nhiều chữ, từ miền Bắc, vào Nam không ai dùng nữa, vì đời sống kinh tế, xã hội đã thay đổi.

Nghề hàng xáo (xay giã gạo trong Nam không có nghề này), ruộng chân nhất đẳng, nhị đẳng, ruộng mật điền (ruộng tốt nhất), gian buồng, khóa dãy, rau muống lợn, đi đong gạo, dậm lại mái nhà, hòm gian (hòm to để đựng đồ trong nhà), nhà pha (nhà tù), nhà giây thép (bưu điện), xe hòm (xe hơi sang trọng), ngày con nước, đi lưới, cái niêu, nồi đất, chỉnh dầu, rổ rá, dao quay, dao nhựa, một bồ, vuông thóc, giây lạt, dùi đục, cái cũi, đóng cũi, cái cưa xẻ, cái gáo, cái chum, cái lọ độc bình, cái phên nứa, bát chiết yêu, đi bể (biển), tậu 3 mẫu ruộng, vác thúng, đèn măng xông, cái lồng ấp, cái hỏa lò than. Chữ sau đây cũng xưa lắm rồi, nhưng đến là hay : nhà xí. Nay thì nguời ta văn minh hơn gọi là nhà vệ sinh, trong Nam gọi là nhà cầu, siêu đun nước, cái áo quan, cái nhị tẩu (tẩu hút thuốc phiện), khay đèn, quạt lông, tràng biên (thân thế một người), đèn ló, cái mả, cái sập, cái phản, quần nái (quần dệt bằng một thứ hàng tơ tầm sợi thô, nhuộm den), cái bình phong, con thò lò, đỉa phải vôi, giọng kẻ bể, cái trõng che, cót lúa, một bồ, vuông thóc, gạch bát tràng, gạch lát bổ cau (lát xiên và dựng nghiêng viên gạch) gạch vồ, cái mả, rồi có cải mả, đề lao, cái lọ. Tỉ dụ : sách hai cái lọ đi kín nước. Chữ kín nước nghe thật hay, nhưng cũng ít được ai dùng tới nữa. Cái màn. Rồi từ đó thay vì nói đi ngủ, người ta còn nói vào màn. Thợ ngõa.

Người miền Bắc chân lấm tay bùn, làm ăn vất vả. Miền Nam, ruộng thẳng cánh cò bay, làm chơi ăn thiệt. Đi mút mùa lệ thủy không thấy nhà thấy cửa, nhất là không thấy tháp chuông nhà thờ, không thấy đình, thấy chùa. Cái nhìn về con người, về đời sống, về cách sinh hoạt làm ăn của người Bắc đã đổi khác. Chẳng mấy chốc cái ngậm ngùi lúc ra đi nay quên hết. Cứ gì chữ nghĩa bỏ quên, đất lề quê thói, phong tục, tập quán, đạo nghĩa cứ thế mà rơi rụng dần dần. Thay vì so đo, khép kín, bảo thủ, giữ lời ăn tiếng nói, giữ phép nhà bắt đầu buông thả. Thay vì chiếu trên, chiếu dưới, có phép có tắc... nay ăn nói thả dàn, chả kiêng nể gì nữa. Con gái, con đứa nay tụm năm tụm ba đàn đúm, hát xướng, thích thì ra rặng trâm bầu tán tỉnh, mọi chuyện hạ hồi phân giải.

Thành trì cuối cùng : văn minh miệt vườn đối đấu với văn hóa miền Bắc

Người miền Nam, chữ nghĩa chỉ vừa đủ dùng, nếu không nói là còn sơ sài lắm so với miền Bắc. Nó là thứ văn minh miệt vườn không đủ để ba hoa trên trường văn trận bút. Cái điều đó đã được nhà học giả Phạm Quỳnh nhận xét một cách khá bất công trong cuốn Một Tháng ở Nam Kỳ :

"Chữ Quốc ngữ thì đã thông dụng lắm rồi, đàn bà con trẻ thường biết đọc, biết viết cả… Nhưng đến văn Quốc Ngữ thì xem ra cái trình độ Quốc Văn đại để hãy còn kém".

Nhận xét đó, có lẽ người trong Nam chả bao giờ quên và thành kiến đó người Bắc cũng chả bao giờ thay đổi. Cho đến giờ phút này, cái văn minh miệt vườn đó, cộng với 20 năm văn học miền Nam đến sau 75 vẫn chưa được nhìn nhận.

Thành ngữ hay lối nói miền Bắc là vốn liếng ngôn ngữ của một dân tộc. Nó tích lũy, thải loại kết tinh những đặc thù, những sắc cạnh của ngôn ngữ, của vốn liếng hiểu biết truyền thừa. Nó không thừa, không thiếu, nó vừa đủ. Nó được sử dụng trong đời sống hằng ngày như kim chỉ Nam, nó đưa ra những tiêu chỉ đời sống, phán xét, nhận định phải trái tốt xấu. Nó là thứ ngôn ngữ đã được đãi lọc, được truyền thừa của sự khôn ngoan, thu gọn lại. Phải là người địa phương, nhuần nhuyễn sắc thái văn hóa bản địa mới có thể sử dụng đúng cách, đúng trường hợp. Người ngoại cuộc, nhất là người ngoại quốc, dù có ở lâu năm tại đất nước đó, chưa dễ giầu gì nắm bắt được tình ý, nội dung hàm ẩn của những thành ngữ đó.

Miền Bắc, cái nôi văn hóa lâu đời cả nước giầu dân tộc tính nhờ những lối nói, lối viết đó. Nó chuyên chở cả thời kỳ 1000 năm thủ đô Hà Nội, văn hóa Thăng Long, văn hóa cho cả nước với không biết bao tên tuổi lẫy lừng. Nó không phải tự cao rao, quảng cáo vô bằng. Người và chứng tích văn học còn đầy ra đấy. Viết ngàn trang giấy cũng chưa đủ.

Vậy mà lên khỏi tầu há mồm, cập bến Nhà Rồng... Tất cả những thứ đó đổ xuống sông hết. Bài chiếu Lý Công Uẩn dời đô không lẽ mang ra dọa... Lý Thường Kiệt, bà huyện Thanh Quan cất đi cho rồi vì chóa mắt với xe cộ chậy hà rầm... đường phố rộng thênh thang, tấp nập người qua lại, xe gắn máy ba bánh nổ bành bạch điếc con ráy. Xe thổ mộ lách cách vui tai thong thả dời chợ Bến Thành đi Ngã Ba ông Tạ, hay đi chợ Bà Chiểu. Chú lái xe thổ mộ ngồi nghiêng bên thành cán xe ngựa thông chân xuống đất, mồm kêu toóc toóc như dục chú ngựa ráng tý nữa, ráng tý nữa đi cưng. Hoa trái bầy la liệt mua một chục ê hề đủ loại. Bà bán hàng ra giá mua một chục có đầu, nghĩa là chục có thể 11, 12 đến 13 trái tùy theo thỏa thuận. Nội thế thôi, mua bán kiểu kỳ cục Nam Kỳ cũng thấy đủ sướng rồi. Thật đến là kỳ lạ cái xứ Nam Kỳ. Chẳng ai bảo ai, ngay cả đám sĩ phu Bắc Hà, đám trí thức thành thị cũng rứa. Quên hết chơn, hết chọi... Câu chuyện văn hóa ngàn năm chẳng chống đỡ nổi một ngày.

Người Hà nội, người di cư có văn hóa cao, hoặc các nhà văn thường sử dụng chúng một cách nhuẩn nhuyễn trong lúc giao tiếp, viết lách. Nói văn hay chữ tốt, nói có văn hóa đương nhiên phải biết sử dụng thành ngữ đó, lối viết đó như một thuật ngử, nói ít hiểu nhiều. Miền Bắc có những nhà văn tiêu biểu sử dụng vốn liếng các thuật ngữ này như Trần Tiêu, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Khắc Trường. Đọc họ cũng lý thú lắm.

Vậy mà chữ nghĩa đó vào đến trong Nam đã bị gạt, thải loại không chừa một chữ nào.

Không muốn nghe, nghe thì gạt đi, muốn nói cũng không được… Nói ra thì nó đớ đờ đờ. Có duyên, được kính nể ở ngoài Bắc, trong Nam trở thành vô duyên, không ngửi được. Đã thế, chữ nghĩa đễ có cơ tồn tại, nếu nó được các nhà văn dùng… thì đỡ biết mấy. Chính các nhà văn di cư vào Nam như nhóm Sáng Tạo cũng quăng thùng rác không thương tiếc. Chúng bơ vơ, lạc lõng, đầu đường, góc nhà, góc phố, nơi từng nhóm người rồi biến dạng. Không có đám ma. Không kèn không trống. Cái này không phải hoàn toàn lỗi người bản địa mà chính tại người dân du nhập không muốn giữ. Hình như có một thói quen xấu, có mới nới cũ… Ít ai muốn nhắc nhở, bàn, viết về những chói sáng văn học miền Bắc.

Có lẽ cái mất lớn nhất của dân di cư là mất lối nói, lối viết, nếp sống văn hóa thành ngữ đã bị biến dạng. Nếu còn một thứ văn hóa gì là thứ văn hóa chảy. Chảy tuốt luốt. Với cái độ nóng trung bình 35 độ, cái gì cũng có thể chảy được. Bù vào chỗ đó, họ phải đi tìm một hướng viết mới, mới có nghĩa là khác với tiền chiến, khác với Tự lực Văn đoàn. Mới thực sự thì chưa biết là thế nào, chưa biết hình thù nó ra sao, nhưng điều rõ rệt là dứt bỏ truyền thống, cái cũ, trong đó có các thuật ngữ cũ của miền Bắc… Họ không thích ngồi lau đồ đồng, đánh bóng chữ cũ mà đùa cợt mầu mè, son phấn với chữ nghĩa cho là mới, kêu rổn rảng, lặp đi lặp lại đến lập dịõ. Chữ nghĩa đó mà phần đông họ nói để họ nghe hoặc dành cho một thiểu số trí thức thành thị vốn chẳng đại diện cho cái gì, ngay cả cho chính họ. Chữ nghĩa đó gặp lần đầu thấy lạ thì muốn làm quen. Quen rồi thì chán ngấy muốn lỉnh, vì chẳng nói được điều gì. Chính ở chỗ đó, chữ nghĩa văn minh miệt vườn trở thành nhu cầu tinh thần của đa số dân miền Nam. Cả cái văn hóa miền Bắc đưa vào bị cháy rụi chỉ còn trơ lại ít cột kèo đen thui. Không ai đếm xỉa đến nữa.

Phần người viết, bắt gặp lại nó thấy gần gũi như người bạn cố tri lâu ngày gặp lại. Tự nhiên chẳng khác gì thấy người bạn đầy những tính tốt mà trước đây đã không lưu ý tới. Phải nói nó hay lắm, đượm mầu sắc dân tộc, quê hương, xứ sở

Thay lời kết luận

Nhà văn trước hết là người sử dụng ngôn ngữ như một người đầu bếp dùng rau cỏ, thịt thà, gia vị nấu món ăn. Làm văn không nhất thiết là sáng tạo từ mới, chữ mới. Chùi đồ đồng, đồ cổ không nhất thiết là nhai lại. Bởi vì, cùng một từ, một chữ được dùng đúng trong từng cảnh huống, nó vẫn có chỗ đắc địa. Rất tiếc là trong tất cả các nhà văn miền Bắc di cư vào Nam đã tự mình cắt cái đuôi quá khứ mở ra một lối viết mới. Hay cũng có, mà dở cũng không thiếu. Tuy không vay mượn vốn cũ, vay mượn cái cũ của người làm cái mới của mình thì tự nó vẫn là vay mượn, vẫn là cái cũ, vẫn là đi chùi đồ cũ. Cho đến nay, những suy tư, những trăn trở hiện sinh về sự tồn tại, về ý nghĩa đời sống của các nhà văn ấy, sau 54, xét ra cũng chẳng có đất sống nữa. Chẳng nói đâu xa, lối viết, lối suy nghĩ của trí thức thành thị, trưởng giả vay mượn, đượm không khí phòng trà với cà phê, thuốc lá, ánh đèn mầu, tiếng nhạc xập xình tự nó đã không có đất đứng nữa sau biến cố Phật giáo 63.

Từ đó, chiến cuộc leo thang, lối viết hưởng thụ, suy tư trưởng giả về ý nghĩa đời người, về cái đáng sống hay dư thừa nhường chỗ cho lối viết nhập cuộc, dấn thân. Các nhà văn thời buổi 54-55 một lần nữa trượt dốc, bơ vơ, lạc lõng trong cuộc đu giây chữ nghĩa.

Cuộc di cư năm 1954 đáng nhẽ là một cuộc hành trình chữ nghĩa, tiếp nối cái sợi giây văn hóa nối dài hai miền, tự nó đánh mất đi khúc ruột liền sản sinh ra một thứ văn chương không gốc. Lẽ dĩ nhiên, cạnh đó, nhiều trào lưu tư tưởng, văn học cũng góp vào các dòng chảy chung đó. Người viết gợi lại những chữ nghĩa của thời xa xưa miền bắc, có những chữ tự nó cũng không còn được dùng nữa ở miền Bắc. Điều đó thật tự nhiên và dễ hiểu. Nhưng phần đông, chúng vẫn là cái vốn liếng văn hóa của đất nước, của dân tộc nói chung vượt lên trên những đối lực chính trị vốn lúc nào cũng là kẻ thù của văn hóa. Nghĩ như thế mới thấy vai trò và sứ mệnh nhà văn quan trọng đến bực nào.

Bài viết này, đã hẳn chưa đầy đủ, vì còn rất nhiều chữ bị bỏ quên chưa được nhắc tới, lại chưa hệ thống hóa đúng mức, nhưng trong chừng mực của một bài báo, thiết tưởng cũng là một hoài niệm của những người di cư nay di tản ra xứ người để có dịp nhâm nhi, dịp nhớ lại và hồi tưởng về một dĩ vãng đã qua. Và có lẽ đó là mục dích chính của bài nầy theo cái nghĩa : Vang bóng một thời của chữ nghĩa.

Nguyễn Văn Lục

Nguồn : Đàn Chim Việt, 07/11/2023

Published in Diễn đàn