Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiến pháp Việt Nam nghiêm cấm việc tuyển dụng lao động trẻ em dưới độ tuổi tối thiểu. Độ tuổi lao động tối thiểu là 15 tuổi.

doivui1

Cái đói nghèo khiến chị Phạm Thị Ngọc Thủy (38 tuổi) phải cho ba cậu con trai học hành không đến nơi đến chốn để theo mẹ đi thu gom rác. Ảnh minh họa

Vậy là trẻ dưới 15 chỉ có thể kiếm ăn trên đường phố bằng đủ mọi nghề như bán vé số, bán hàng rong, hát rong, xiếc lửa, đánh giày…, thậm chí là ăn xin.

Văn chương chữ nghĩa nói rằng bất kể một đứa trẻ nào sinh ra trên đời đều có quyền được sống, được nuôi dưỡng, và được lớn lên một cách lành mạnh. Thế nhưng, thật không phải ai cũng có thể nhận được những đặc ân đó của cuộc sống, ngoài xã hội vẫn còn những đứa trẻ cơ nhỡ, thay vì được đi học, đi chơi với bạn bè thì các em lại phải vất vả mưu sinh trên khắp các vỉa hè, đường phố.

Đến đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM cứ vào mỗi buổi tối, tấp nập đông đúc dòng người xe qua lại. Ngay tại cây đèn giao thông giao lộ, các hàng quán ăn, những bé trai được sắp đặt ở khắp nơi, những đứa trẻ này không quá 10 tuổi biểu diễn màn phun lửa dầu hôi để mưu sinh kiếm tiền. 21 giờ khuya, đường đã lên đèn từ lâu và các em biểu diễn với lửa.

Khi đèn chuyển đỏ, các em vội chạy ra thật nhanh để biểu diễn xin tiền mọi người khi xe dừng. Một đứa làm, còn đứa kia nhìn cây đèn để biết khi nào nó chuyển sang màu xanh, rồi nhìn ngó xem có xe chạy ngang không mà biết né.

Đó là quy trình mưu sinh mỗi ngày, em tiếp tục chấm 2 cây bông gòn cầm bên tay phải vào dầu hôi, châm lửa. Lửa phừng lên sáng trưng, người chờ đèn xung quanh vẫn không mấy ai để ý, chỉ nhìn lên xem đèn đã chuyển sang màu xanh chưa và vội phóng xe đi.

Có lẽ, hình ảnh những đứa trẻ bán vé số, ăn xin, buôn gánh bán bưng ở các hè phố đã trở thành một điều thật hiển nhiên, khiến cho chúng ta dần phớt lờ đi những câu chuyện bi thương đằng sau đó. Biết bươn chải đỡ đần ba mẹ là điều đáng khen, nhưng bắt trẻ phải va chạm, vào đời lao động từ sớm để kiếm tiền thì đó lại là một chuyện khác.

Một lát cắt khác. Đèn đỏ, dòng xe cộ dừng lại, một bé gái tầm 6-7 tuổi, tay cầm chiếc nón lá rách len lỏi vào từng khoảng hở rồi chìa ra cái nón để xin tiền. Khuôn mặt khắc khổ che mất nét hồn nhiên của tuổi thơ. Thấy ánh mắt van lơn của bé, có người cho 2.000 đồng, có người cho 5.000-10.000 đồng nhưng cũng có người lặng im, quay đầu đi nơi khác.

Một người đàn ông trung niên làm nghề lái xe ôm gần chỗ bé gái xin tiền cho hay, bé gái này cùng mẹ xuất hiện tại đây đã lâu. Cứ khoảng 6g sáng, người phụ nữ trạc 35 tuổi dẫn bé gái ra đứng tại giao lộ này đến trưa. Có người thương tình cho chút tiền, cũng có người cho thức ăn. Đến trưa, sau khi được nghỉ mệt một tí, bé gái lại cầm nón ra đứng dưới chốt đèn, tiếp tục xin tiền cho đến tối muộn mới về.

Những đứa trẻ như bé gái kể trên vẫn còn quá nhỏ để nhận thức được những hành vi ứng xử, khi không được giáo dục đàng hoàng sẽ tiềm ẩn những rủi ro và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách sau này. Câu chuyện về "quyền trẻ em" còn quá xa vời với các em.

Không nên trách cứ họ, bởi một lẽ là họ quá nghèo, và chế độ an sinh cho kẻ khốn khó như họ chỉ là mỹ từ trong các bài phát biểu của giới chính khách.

Người dân ở khu vực phường 14 quận Bình Thạnh đã quen thuộc với hình ảnh bà mẹ chở các con trên chiếc xe kéo đầy rác mỗi ngày. Hơn chục năm qua, bà Thủy làm nghề này, những đứa con của bà thì cũng đã theo mẹ được 2 năm nay. Đứa lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi. Cả xe và thùng đều do chủ của một cơ sở vệ sinh tư nhân giao cho. Mấy mẹ con thường làm việc vào buổi sáng. Xe rác dừng lại ở các dãy phòng trọ, khu chung cư… thì không ai bảo ai, mọi người tự chia ra các hướng để nhặt rác chất lên thùng.

Đời vui khi có con mưu sinh cùng mẹ…

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 03/10/2022

Additional Info

  • Author Phạm Lê Đoan
Published in Diễn đàn