Tiếng súng đã ngưng 45 năm. Hai cựu thù Việt Cộng - Mỹ trở thành đối tác tin cậy. Thế nhưng, người Việt với nhau vẫn chưa kết thúc được cuộc chiến.
Hai bên Quốc - Cộng vẫn chưa ngưng thái độ tấn công lẫn nhau. Bên thắng cuộc chưa thực tâm hòa giải.
‘Nã đạn’ vào nhau khi có thể
Khi tôi viết những dòng chữ này thì 45 năm trước hai phe Quốc gia - Cộng sản ở Việt Nam đã bước vào những trận cuối của cuộc chiến. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang ở trong những ngày cuối cùng của hơn 20 năm cố gắng xây dựng, ổn định. Người bác của tôi đã nằm xuống trong trận chiến cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại tỉnh Quảng Tín (Quảng Nam bây giờ).
Tuy nhiên, cuộc chiến hai bên, Quốc - Cộng với người Việt vẫn chưa kết thúc. Nó không diễn ra ở Huế, Cao nguyên Trung phần, Phước Long, hay Xuân Lộc… mà đang xảy ra trên không gian mạng, trong lòng người.
Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc với người Việt tại trung tâm thương mại Sapa, ở thành phố Praha, Cộng hòa Czech.
Một năm trước, tại buổi tiếp xúc với người Việt tại trung tâm thương mại Sapa, ở thành phố Praha, Cộng hòa Czech, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam nói : "Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm Chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên khỏi đầu ổng. Bà con có thấy hình ảnh đó không ? Đó là gì ? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn".
Ông Phúc phát biểu như ở nhà, vì đa phần người Việt tại Cộng hòa Czech thuộc con nhà có lý lịch ‘đỏ’. Họ được nhà cầm quyền Việt Nam cử đi học tập, xuất khẩu lao động tại Tiệp Khắc trong những năm 1980 của thế kỷ trước.
Lời phát biểu chân thật, không soạn trước của ông Phúc đã lột mặt nạ nhà cầm quyền Việt Nam nhiều năm qua đã cố gắng nhào nặn qua các mỹ từ : "Lắng nghe hơi thở kiều bào", "Khúc ruột ngàn dặm", "Người Việt tại nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc", "Đồng bào hải ngoại"…
Trong đó, Nghị quyết 36 cũng chỉ là sự bịp bợp của nhà cầm quyền để chiêu dụ người Việt ở nước ngoài mang tiền về đầu tư, sơn phết cho kiểu giả vờ của Đảng cộng sản.
Lời của ông Phúc còn cho thấy, trong nhận thức của quan chức cầm quyền Việt Nam vẫn xem người Việt phải rời bỏ quê hương vì cộng sản cưỡng chiếm miền Nam sau ngày 30/4/1975 là "phản động".
Quan chức hàng đầu quốc gia còn mặc định như vậy, thì chẳng lạ trên không gian mạng có đầy dẫy cá nhân, tổ chức luôn sẵn sàng tấn công bên kia khi có cơ hội. Bởi họ đã được nhà cầm quyền nhồi sọ, cấp kinh phí, hỗ trợ để phỉ báng những người một thời bên kia chiến tuyến. Hoặc có cảm tình với chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Đôi khi chỉ vì cái lý lịch đang sinh sống ở các nước dân chủ phương Tây.
Những ‘viên đạn’ ; "Ngụy quân - ngụy quyền", "Phản động", "Lưu vong", "Đu càng", "Đồ ba que", "Bám đít Mỹ", "Thờ Mỹ", "Nail tộc"… bắn không nhân nhượng, với mục đích gây sự tổn thương cao nhất. Cùng với đó những hình ảnh được photoshop một cách cẩu thả, vụng về. Gần đây có thêm từ "Tự nhục". Tất cả chỉ để nhục mạ, phỉ báng, tấn công những người Việt không cùng chung ý thức hệ cộng sản.
Bên thua cuộc không có được nhiều ‘vũ khí’ ngoài vài khẩu hiệu : "Đồ cộng sản", "Độc tài", "Hồ tộc", "Chư hầu Trung Quốc", "Bò đỏ", "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm", "Cộng sản nằm vùng"… vì chống cộng sản không theo ý họ, hoặc phê phán cộng sản không đủ mức.
Hai bên không bỏ lỡ các cơ hội để công kích lẫn nhau. Đó có thể là một trận thắng bóng đá của đội tuyển Việt Nam, thu hút đầu tư của Samsung, Intel, Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc…
Bên thua cười cợt vào những chính sách, quyết định không hợp lòng dân của nhà cầm quyền. Kiểu "Cộng sản có làm gì ra hồn". Chê nhà cầm quyền tạo ra bất công, điều hành đất nước kém cỏi, hoặc các khiếm khuyết xã hội đang có ở Việt Nam.
Bên thắng cuộc chi phối mọi mặt thành bại của Việt Nam, người thua nếu không khuất phục phải chọn cách lưu vong. Họ luyến tiếc về Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia của nhiều người Việt. Một chính thể dù có nhiều khó khăn trong hoàn cảnh chiến tranh vẫn cố gắng tôn trọng, tuân thủ các gia trị tự do, dân chủ, bình đẳng… Một nhà nước tiến bộ tại Châu Á cùng thời.
45 năm tiếng súng đã ngưng, nhiều người Việt vẫn chưa thể trở lại quê hương. Nơi họ đã sinh ra, nơi còn dòng tộc, có mồ mả cha mẹ, ông bà… Bởi nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không "hoan nghênh". Do họ còn có suy nghĩ, lời nói, hành động "không thân thiện", hoặc chống chính quyền cộng sản.
Có người bên thua cuộc nguyện không trở về quê hương đến khi nào Việt Nam vẫn còn dưới sự cai trị độc quyền của Đảng cộng sản. Quán tính cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn chưa chấm dứt !
Chưa thật tâm hòa giải
Cuộc chiến đẫm máu với Trung Quốc vào đầu năm 1979, kéo dài hơn 10 năm sau đó. Cuộc chiến này đã làm nhiều chục ngàn người bỏ mạng, thương tật. Nhiều làng mạc, thị xã, thành phố dọc sáu tỉnh biên giới với Trung Quốc bị san phẳng. Biên cương bị mất về tay láng giềng phương Bắc.
Mất mát cho Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam trong suốt nhiều năm qua chưa bao giờ chính thức có hành động kỷ niệm về cuộc chiến này. Họ còn quết tâm cấm đoán, đàn áp mọi hình thức người dân tự nguyện đứng ra tổ chức kỷ niệm, tưởng nhớ người Việt đã ngã xuống từ họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Bởi lo sợ mất lòng đồng chí phương Bắc.
Trong khi đó, cũng nhà cầm quyền ấy lại rất phô trương, không tiếc tiền bạc, công sức để mừng chiến thắng 30/4/1975 với người anh em mình. Cái ngày đã đẩy hàng chục triệu người Việt vào cảnh mất nước. Hàng triệu Việt người phải bỏ nước ra đi. Hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình giữa biển cả, trong rừng sâu, bị cướp, hiếp. Hàng trăm ngàn người Việt phải chịu "cải tạo", thực tế là đi tù không không bản án từ vài năm đến 17 năm như cố thiếu tướng Lê Minh Đảo.
Nhà cầm quyền Việt Nam thay vì làm lành đã cố khoét sâu thêm khoảng cách giữa người Việt với nhau. Nói về chiến thắng này, vào năm 2005, ông Võ Văn Kiệt, cố thủ tướng của Việt Nam đã có những lời rất nhân văn. "…Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...".
Nếu thực tâm hòa giải, nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay chấm dứt kỷ niệm một cách rình rang chiến thắng 30/1975 của phe mình.
Chưa kết thúc bởi cái lý lịch Quốc - Cộng vẫn còn
Hơn 5 năm trước khi tôi làm hồ sơ xin việc làm, phải có tờ khai lý lịch do Ủy ban Nhân dân xã ký và đóng dấu. Thông tin con ai, ở chỗ nào, đã từng phạm tội chưa… Thôi cũng được, để người ta biết về mình khi dữ liệu công dân chưa có như các nước phát triển.
Nhưng tôi còn phải khai rõ ba mẹ tôi trước ngày 30/4/1975, ở đâu, làm gì, theo phe nào. Thiếu phần này khó được nhà cầm quyền xác nhận. Tôi đi chứng lý lịch cho mình, nhưng phải khai những thứ vốn không phải của mình. Năm ngoái em gái tôi, khi tốt nghiệp đại học chuẩn bị hồ sơ đi xin việc cũng làm điều tương tự.
Cái lý lịch không quá ‘đen’ khi ba chỉ đi lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và cũng chỉ xác nhận nhân thân để xin việc nên tôi chưa bị làm khó.
Tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến, biết về người quen rất khó khăn trong việc xác nhận lý lịch trước khi ngồi vào chức cao hơn trong hệ thống nhà cầm quyền. Cửa ải vô cùng khó khăn xác nhận lý lịch để kết nạp vào Đảng cộng sản.
Một người thân của tôi mất gần ba năm, tốn không ít tiền trong việc tiệc tùng, phong bì cho cán bộ ở xã mới có được cái chứng nhận lý lịch để kết nạp đảng tại một cơ quan cấp tỉnh. Bởi cha ông, không theo cách mạng.
Tôi có người chị cùng họ không chứng được lý lịch để kết nạp đảng. Bởi cán bộ xã quyết không ‘làm sạch’ chức trung sĩ của ba chị trong thời chiến tranh Việt Nam và ông nội từng quan chức cấp thấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc, bởi nhiều người Việt vẫn đem những quan niệm thời chiến ra mạt sát, hạ nhục, công kích lẫn nhau. Bởi cái lý lịch Quốc - Cộng đang làm cho mọi người Việt không được bình đẳng như nhau. Chưa kết thúc bởi người Việt vẫn chưa hết chia rẽ vì cuộc chiến để ngồi lại với nhau như người một nhà để hướng về tương lai Việt Nam.
Võ Ngọc Ánh
(14/04/2020)
30/4, không chỉ là chuyện ‘quá khứ’
Mạnh Kim, VOA, 26/04/2019
Trong khi trong nước giăng ra cờ phướn "Mừng ngày giải phóng thống nhất đất nước" thì kiều bào tại nhiều nước lại mặc niệm "Ngày Quốc hận". Khi những câu chuyện "chiến thắng" của phía "bên này" được đắc ý tung ra thì "bên kia" người ta nhắc nhau những bi kịch không thể quên trong nhà tù cộng sản lẫn những giọt nước mắt cay xót của lớp lớp thuyền nhân. 44 năm sau ngày 30/4/1975, oán hận giờ còn được chất thêm, không chỉ với gánh nặng quá khứ...
The Vietnam War poster.
Trong bản "Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4" đưa ra ngày 4/4/2019, Ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam "chỉ đạo" :
- Tuyên truyền giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ; đường lối cách mạng Việt Nam, đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta ; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Nêu bật sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của quân và dân ta ; sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam ; sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta ; những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
- Tuyên truyền về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng của đất nước, của tỉnh và các đơn vị, địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay ; khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần "quyết thắng" và chủ động nắm bắt thời cơ trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Với bài Xuyên tạc lịch sử chính là phá hoại tương lai, báo Quân Đội Nhân Dân ngày 22/4/2019 đã nã phát đạn "chào mừng ngày thống nhất" theo chỉ đạo Tuyên giáo. Bài báo viết :
"Cứ đến dịp kỷ niệm 30/4 hằng năm, lại xuất hiện những cụm từ cũ rích, cố tình tô vẽ lại những quan điểm sai lầm. Gần đây, trên một trang xưng là của cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn nhắc lại những từ ngữ như "tháng Tư là tháng "vo gạo bằng nước mắt", "mùa quốc hận-tháng tư đen". Nhiều trang mạng viết coi cuộc kháng chiến thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào. Một số ít người tự cho mình là cấp tiến, tùy tiện phán xét quá khứ, cho rằng kỷ niệm ngày chiến thắng không phải là một việc "tử tế"… Sự dối trá, hèn hạ phỉ báng lịch sử, khơi gợi hận thù để lặp lại sai lầm, kích động mâu thuẫn… không chỉ là hành động vô luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất mà còn là sự phá hoại tương lai của dân tộc. Chúng ta phải kiên quyết lên án, xóa bỏ những tư tưởng ấy để "mở nền thái bình muôn thuở", "dập tắt chiến tranh muôn đời".
Bản "Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam" cùng với bài báo trên cho thấy, chiến tuyến "quốc-cộng" vẫn còn sờ sờ. Phân biệt "địch-ta" giữa những người mang chung dòng máu vẫn không hề biến mất. Lòng hận thù và nghi kỵ vẫn chưa nguôi. Thậm chí mới đây, trong buổi gặp kiều bào tại Cộng hòa Czech ngày 17/4/2019, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn nói :
"Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên cao thế này… Đó là gì ? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn" ! Ai "chân tay rã rời", trong số "kiều bào ta ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời" ?
44 năm qua, chưa có dịp 30/4 nào mà vấn đề hòa hợp-hòa giải được chính thức đặt ra. Bất luận nhai đi nhai lại rằng "Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận" – như được lặp lại lần nữa trong bài viết trên tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân ngày 22/03/2019, chưa thời điểm 30/4 nào mà những kẻ "chiến thắng" mời người "thua cuộc" trở về cùng ngồi trên một bàn với nghị trình và lộ trình xóa bỏ hận thù quá khứ để xây dựng tương lai chung. Chế độ cộng sản, từ 1975 đến nay, vẫn giương súng bắn vào "kẻ thù quá khứ", trong khi luôn tránh né nguồn gốc và nguyên nhân tại sao "bọn phản động và lưu vong người Việt" cứ mãi "khơi gợi hận thù". Những cái chết vùi thây trong trại "cải tạo" hay cảnh người ăn thịt người trong các chuyến vượt biên liệu có thể được xóa toẹt đi, khi mà, thậm chí một lời xin lỗi còn chưa được đưa ra ?
44 năm dẫn dắt đất nước "mở nền thái bình muôn thuở", "chế độ mới" đã thay thế "chế độ cũ" bằng gì ? Một nền chính trị "bát nháo, đảo chính triền miên" với hệ thống chính quyền "tham nhũng tận cùng", như cách mà hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa được hệ thống tuyên truyền cộng sản miêu tả, đã được thay bằng một chính thể tham nhũng tệ hại gấp bao nhiêu lần ? Chế độ mới không chỉ có một "gia đình trị" mà nhan nhản "gia đình trị". Nền chính trị "chế độ mới" chưa từng xảy ra đảo chính nhưng các cuộc thanh trừng chặt chém phe nhóm bây giờ đã trở thành "trò chơi vương quyền" ngày càng khốc liệt lôi kéo sự theo dõi hồi hộp trong hứng thú của "một bộ phận không ít người dân". Đằng sau bức màn nhung của cuộc chiến cung đình, người dân mặc tình đồn đoán ai lên, ai xuống ; thậm chí ai giết ai và kẻ nào chết vì bị đầu độc gì. Một nền chính trị như thế có thể được gọi là "ổn định" ?
"Cái gọi là "tự do báo chí của Việt Nam Cộng Hòa" như một số kẻ vẫn rêu rao thực chất chỉ là lừa bịp, giả dối" – báo Nhân Dân (trong bài Sự thật không thể chối cãi, số ra ngày 31/08/2018) viết. Tuy nhiên, hệ thống "báo chí cách mạng" của chế độ cộng sản có sự kiện nào tương tự "Ngày Ký giả đi ăn mày" như miền Nam trước 1975 để phản đối kiểm duyệt báo chí ? Chế độ mới không "lê máy chém đi khắp miền Nam" nhưng họ kéo máy ủi đi khắp tỉnh thành cả nước trong các vụ cưỡng chiếm đất đai. Chế độ mới đã thay nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa từng được đánh giá cao nhất nhì Đông Nam Á thành một môi trường giáo dục bệ rạc cùng tình trạng suy thoái đạo đức tuột xuống tận cùng… 44 năm đằng đẵng đã đạt được những "thành tích" như thế, trong tiếng vỗ tay tự huyễn và trong sự mỉa mai của người dân khi họ cười cợt với những "tự hào quá, Việt Nam !"…
30/4 bây giờ không chỉ là sự nhắc lại quá khứ. Nó còn là dịp nhìn lại quê hương hiện tại với sự tự vấn rằng "Việt Nam quê hương tôi" sẽ tiếp tục điêu tàn và tan hoang đến mức nào, để người dân lại nổi điên trước sự hỗn loạn giáo dục, để những tiếng than van vận nước nổi trôi trước sự thao túng của "người anh em" Trung Quốc lại cất lên không ngưng, để cơn tức giận lại nổ bùng trước sự chứng kiến các vụ lũ lượt tháo chạy ra nước ngoài của "cán bộ cộng sản" nhằm tránh "thụ hưởng" những "thành tựu" mà "Đảng quang vinh" của họ mang lại. "Hận thù 30-4" giờ đây không chỉ liên quan quá khứ và sự cần thiết của việc thể hiện cụ thể chuộc lỗi quá khứ. Oán ghét và mâu thuẫn bây giờ còn là vấn đề của hiện tại và sự cần thiết điều chỉnh để sửa sai hiện tại. 44 năm sau cuộc nội chiến ý thức hệ, chính quyền cộng sản giờ đã "thành công" trong việc tạo ra một cuộc chiến "ý thức hệ" khác, mỗi lúc mỗi âm ỉ gay gắt, giữa khao khát dân chủ của người dân và cái "mô hình" gọi là "dân chủ tập trung" của chế độ. Trong cuộc xung đột "nội chiến" mới này, không còn là cuộc đọ súng của hai miền Nam Bắc. Nó là cuộc đối đầu giữa người dân từ Bắc xuống Nam trên một quốc gia thống nhất, với một chế độ cai trị đang "rã rời chân tay" bởi sự dối trá và bao che dối trá của họ chưa bao giờ bị lật tẩy nhanh bằng lúc này.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 26/04/2019
***********************
Cộng thắng, thắng ai, thắng cái gì ?
Thiện Ý, VOA, 25/04/2019
Trong bài trước, trên diễn đàn này của Đài VOA, chúng tôi đã viết về "nỗi uất hận" của "Bên thua cuộc" là Việt quốc, qua tiêu đề "Quốc hận, hận ai, hận cái gì, hận để làm gì ?". Bài viết này chúng tôi viết về"nỗi vui mừng" của "Bên thắng cuộc" là Việt cộng với tiêu đề"Cộng thắng, thắng ai, thắng cái gì, thắng để làm gì ?". Đúng như nhận xét lúc sinh thời của Ông Võ Văn Kiệt, cố cựu Thủ tướng chính phủ Việt cộng, đại ý rằng : Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã là niềm vui, nhưng cũng là nỗi buồn của hàng triệu người Việt Nam.
Bộ đội cộng sản Bắc Việt cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tràn vào dinh Độc Lập ở Sài Gòn ngày 30 tháng Tư, 1975.
Vì vậy bên vui mừng Việt cộng (Đảng và Chính quyền cộng sản Việt Nam) đã coi ngày 30/4/1975 là ngày "Đại thắng" và hàng năm thường ăn mừng với hình thức và mức độ "hoành tráng" tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu tuyên truyền chính trị đòi hỏi ; song cường độ nhiệt thành dường như giảm dần theo thời gian. Vì sao vậy ? Qua bài này, người viết muốn trả lời phần nào cho câu hỏi này.
I. Cộng thắng : thắng ai, thắng cái gì, thắng để làm gì ?
Cộng thắng Quốc, cướp được chính quyền quốc gia ở nửa nước Miền Nam, để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
Đó là mục tiêu chiến lược được Đại Hội Toàn đảng Cộng sản Việt Nam (ngụy trang Đảng Lao Động Việt Nam) lần thứ III họp từ ngày 5 đến ngày 10/09/1960 ởHà Nội. Tham dự đại hội có tất cả là 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 50.000 đảng viên lúc bấy giờ. Ông Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch đảng, Lê Duẩn được bầu là Bí thư Thứ nhất. Nghị quyết của Đại Hội này đã hạ quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc làm hậu phương lớn để"giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
II. Việt cộng đã thực hiện các mục tiêu chiến lược thế nào để thắng ?
1. Việt cộng đã thành đạt hai mục tiêu thắng Việt quốc, cướp được chính quyền Quốc gia Nam Việt Nam
Thành quả này có được nhờ các yếu tố chủ quan và khách quan sau đây :
- Chủ quan (về phía Việt cộng) trong chiến tranh, Việt cộng đã huy động, tận dụng được nhân lực, tài lực nhân dân Miền Bắc và lôi kéo được một số ít nhân dân Miền Nam lao vào cuộc chiến, nhờ vững về tổ chức, giỏi về tuyên truyền lừa mị nhân dân và quốc tế, đi kèm bạo lực, khủng bố cưỡng bách tận tình.
Vững về tổ chức vì chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền trong một chế độ độc tài toàn trị cộng sản.Những người lãnh đạo chính quyền, quân đội cộng sản Bắc Việt hầu hết tập trung tâm lực vào cuộc chiến với quyết tâm chiến thắng. Việt cộng giỏi tuyên truyền lừa mị khi dùng chiêu bài "ngụy dân tộc" (từ thời kháng chiến chống Pháp) để phát động chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam dưới ngọn cờ "Chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc", để kích động lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của nhân dân. Đối với những người dân nào biết được ý đồ này, không tin vào những sự tuyên truyền dôi trá của Việt cộng, nhưng vẫn phải tham gia cuộc chiến, không thể có sự chọn lựa nào khác. Vì nếu không họ sẽ bị các công cụ bảo vệ" nền chuyên chính vô sản" như công an, quân đội, pháp trường nghiền nát hay bị chế độ tem phiếu hộ khẩu xiết chặt dạ dày… (*).
- Khách quan (về phía Việt quốc) do phải thực hiện một chế độ dân chủ pháp trị phôi thai trong khung cảnh chiến tranh nên có nhiều kẽ hở để Việt cộng lợi dụng dân chủ cài cấy người vào nội bộ chính quyền các cấp, dân sự cũng như quân sự và các tôn giáo, tổ chức dân sự lỏng lẻo. Đồng thời, tìm cách mê hoặc, lôi kéo tuổi trẻ, thanh niên, sinh viên học sinh vào các phong trào "chống Mỹ cứu nước" gây bất ổn triền miên xã hội Miền Nam.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận, là đã có nhiều vấn đề ngay trong các cấp lãnh đạo của chính quyền Miền Nam, liên quan đến quyền lực và sự dựa dẫm vào Hoa Kỳ. Đồng thời, mặt trận tuyên truyền cũng là nơi thể hiện sự yếu kém của chính quyền miền Nam, không củng cố và làm sáng tỏ đượcvai trò chính thống của chính quyền và "Chính nghĩa quốc gia, dân tộc, dân chủ" trong nhân dân và trên trường quốc tế ; nên đã bị "ngụy nghĩa cộng sản, phi dân tộc, phản dân chủ" giật mất chính nghĩa để biến thành "bên thua cuộc" một cách phi lý, bất công gây uất hận cho bên "Việt quốc" là thế.
- Nhận định : Cộng có thắng Quốc thật không ?
Sự thật, khách quan và công bình hơn, như chúng tôi đã trình bày trên diễn đàn này một số bài viết về thực chất chiến tranh Việt Nam. Rằng đó là cuộc chiến tranh giữa hai phe, bốn bên. Hai phe đó là phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa (chiến tranh ý thức hệ toàn cầu) ; với bốn bên Liên Xô và Trung quốc, bên Hoa Kỳ và đồng minh (ngoại chiến) ; bên Việt cộng và bên Việt quốc (nội chiến quốc-cộng). Cả hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, nhưng khác ý đồ, lợi ích của các bên tham chiến muốn thành đạt qua cuộc chiến thường gọi chung là cuộc "Chiến tranh Việt Nam". Cuộc chiến này đã chấm dứt vào ngày 30/4/1975, sau khi bên cộng sản Bắc Việt đánh bại hoàn toàn bên quốc gia Nam Việt, thôn tính được Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy theo ý nghĩa thông thường, phe xã hội chủ nghĩa đã thắng phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, thông qua cuộc chiền tranh cục bộ tại Việt nam, vì đã giành thêm lãnh địa toàn cõi Việt Nam cho phe xã hội chủ nghĩa. Hay nói cách khác một cách cụ thể là bên Liên Xô và Trung quốc đã thắng bên Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc chiến tranh cục bộ Việt Nam. Đồng thời, bên Việt cộng cũng đã thắng bên Việt quốc trong "cuộc chiến tranh quốc-cộng" tại Việt Nam ( thắng một giai đoạn của cuộc "Nội chiến ý thức thức hệ Quốc-Cộng", hai giai đoạn kia là "Tiền chiến tranh Quốc-Cộng" (1930-1954) và "hậu chiến tranh Quốc-Cộng" từ 1975 đến nay vẫn chưa kết thúc).
Thế nhưng như chúng tôi đã đưa ra nhận định nhiều lần, rằng đó chỉ là "chiến thắng biểu kiến" (coi vậy chứ không phải vậy). Vì chiến tranh Việt Nam đã kết thúc nhanh gọn, bị động và bất ngờ cho hai bên nội chiến Quốc-Cộng ; cùng với diễn biến các sự kiện vào những ngày tháng cuối cùng trước và sau khi khi kết thúc cuộc chiến một cách không bình thường, tựa hồ như một kịch bản tiền định… Vì nếu việc kết thúc chiến tranh Việt Nam quả là một "thắng lợi thật" của phe xã hội chủ nghĩa trong đó có "bên thắng cuộc" Việt cộng, thì tình hình Việt Nam và thế giới phải biến chuyển theo chiều hướng khác với thực tế kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975.
Thực tế hợp luận lý (logic) phải là phe xã hội chủ nghĩa, cụ thể là các cường quốc cộng sản hàng đầu như Liên Xô, Trung Quốc, phải tìm mọi cách và dồn mọi nỗ lực chi viện tối đa cho chế độ cộng sản Việt Nam vượt qua những khó khăn hậu chiến, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển đến cường thịnh. Ðể làm gì ? – Ðể phát huy thắng lợi Việt Nam nhằm lôi kéo, mời chào các nước nghèo đói, chậm tiến trong vùng hãy noi gương Việt Nam, lao vào "một cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng dân tộc…" để đạt mục tiêu lật đổ các chính quyền tư sản, xóa bỏ "các chế độ người bóc lột người" để thay thế bằng các chế độ "Xã hội chủ nghĩa" ; rằng hãy theo gương Việt Nam, để trong "Chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng" sẽ được trợ giúp tối đa về vũ khí, lương thực để đánh thắng các chính quyền "phản động" ; và sau chiến tranh cũng sẽ được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác viện trợ ồ ạt, vô điều kiện trong "tinh thần quốc tế vô sản", để cùng nhau thực hiện cuộc cách mạng vô sản toàn cầu, xây dựng thành công "xã hội xã hội chủ nghĩa" tại mỗi nước, tiến tới xã hội viên mãn toàn cầu : "Xã hội cộng sản" với đỉnh cao là "Thiên đường Cộng sản" trong viễn tưởng !
Thế nhưng thực tế trái ngược là, chỉ sau trên dưới 15 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc (1975-1991), Liên Xô và toàn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa quốc tế sụp đổ, chỉ còn sót lại bốn nước trong đó có Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sao ?
Nay thì thực tế ngày càng cho thêm dữ kiện đầy đủ để mọi người Việt Nam có thể đi đến thống nhất nhận định, rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất chỉ là cuộc nội chiến ý thức hệ do các cường quốc phát động và tiến hành trên đất nước Việt Nam, thông qua các cá nhân, tập đoàn bản xứ tri tình (Việt cộng) hay ngay tình (Việt quốc) làm công cụ, xô đẩy nhân dân Việt nam vào một cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn. Hậu quả bi thảm của cuộc chiến tranh này đất nước và dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, sau khi ý đồ và lợi ích chiến lược trong vùng của các cường quốc đã đạt được thông qua cuộc chiến Việt Nam.
Và vì vậy, cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, không phải là thắng lợi của phe này (Việt cộng) đối với phe kia (Việt quốc), mà chỉ vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc (chiến lược toàn cầu mới) đã để cho chiến tranh Việt Nam đi đến kết thúc. Chính dân tộc Việt Nam, nhân dân hai miền Bắc-Nam mới là nạn nhân và là bên thua cuộc hoàn toàn. Thiết tưởng đã 44 năm qua rồi, thời gian đã quá đủ cho cả Việt quốc và Việt cộng chẳng nên tiếp tục tự hào về cuộc chiến ấy nữa, khi trong cuộc nội chiến "nồi da xáo thịt" này, các bên đều bị ngoại bang sử dụng như những công cụ chiến lược một thời. Thực tế bây giờ là cả Việt quốc và Việt cộng cần cố gắng đẩy lùi quá khứ, hướng đến tương lai, để biết phải làm gì và cần làm gì hữu ích, có lợi nhất cho nhân dân và đất nước.
2. Mục tiêu Việt cộng xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa đạt thì sao ?
Đây là mục tiêu chiến lược thứ ba cũng là mục tiêu tối hậu mà Việt cộng vẫn chưa thành đạt, dù chiến tranh Việt Nam kết thúc đã 44 năm rồi (1975-2019).Việt cộng đã có một thời gian dài thử nghiệm mô hình xã hội chủ nghĩa của mình.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là Việt cộng xây dựng chủ nghĩa xã hội là vì cái gì, sao chưa thành đạt, bao giờ hay sẽ không bao giờ thành đạt ?
III. Thay lời kết
Chúng tôi dự định sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi trên qua một bài viết chi tiết khác dưới chủ đề : "44 năm Việt cộng xây dựng chủ nghĩa xã hội vì sự nghiệp cộng sản quốc tế, thành quả và triển vọng". Đồng thời đi kèm với bài viết tựa đề "44 năm Việt quốc chống cộng vì tự do dân chủ cho đất nước, thành quả và triển vọng".
Mục đích để bạn đọc so sánh thấy được trong giai đoạn cuối cùng của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam (hậu chiến tranh Quốc-Cộng ) Việt cộng hay Việt quốc bên nào sẽ thành đạt mục tiêu tối hậu của mình :
- Việt cộng có xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ?
- Việt quốc có thành đạt mục tiêu dân chủ hóa đất nước
- và Cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng sẽ có cơ may chấm dứt khi nào và như thế nào ?
Houston, 15/4/2019
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 25/04/2019
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp đã "ngụy dân tộc" nên đã phải tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập Mặt trận "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội" gọi tắt là Việt Minh (mặt nạ của Việt cộng).
Sau Hiệp định Genève 1954 Pháp ký với Việt Minh chia đôi đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam dấu mặt dưới cái tên Đảng Lao Động Việt Nam, ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa dưới bảng hiệu chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có từ sau "Cách mạng Tháng 8/1945"với chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng do Ông Hồ làm Chủ tịch, dựng lên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (20/12/1960), rồi Chính phủ Cách Mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam(1967) làm công cụ quân sự và chính trị thực hiện cái gọi là "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đật nước" dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản). Tất cả những cái ngụy trên đã lộ nguyên hình sau khi cộng sản Bắc Việt cướp được chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam vào ngày 30/4/1975.