Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thời gian gần đây các nước Mỹ, Bắc Triều Tiên đến Nga liên tiếp thử các loại tên lửa siêu thanh đang khơi dậy nỗi lo về một cuộc chạy đua vũ khí hạng nặng mới. RFI Tiếng Việt điểm lại vài nét về bối cảnh và những thách thức xung quanh loại vũ khí hiện đại có thể đe dọa thế cân bằng hạt nhân trên thế giới.

tenlua01

Tên lửa siêu thanh Zircon của Nga trong lần bắn thử từ tầu chiến, ngày 07/10/2020 trên biển Bạch Hải, phía bắc Nga. Ảnh do bộ quốc phòng Nga công bố.  AP

Những nước nào đang phát triển tên lửa siêu thanh ?

Nga đã có bước tiến trước khá xa trong các loại vũ khí siêu thanh với nhiều loại tên lửa không chỉ có khả năng bay với tộc độ cao hơn 6.125km/giờ (Mach5) mà còn được điều khiển từ xa. Đó là loại tên lửa Zircon mà Moskva thông báo đã thử nghiệm thành công hôm 04/10 từ một tàu ngầm. Ngoài ra Nga còn phát triển loại tên lửa Kinjal, đã được trang bị cho không quân, hay loại tàu lượn siêu thanh Avangard mà sau khi được phóng đi có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, bay được với tốc độ 33 000 km/giờ (Mach27), có khả nang thay đổi bất ngờ hướng bay hay độ cao.

Trên thực tế Nga đã bắt đầu nghiên cứu tên lửa Zircon từ đầu thập niên 2010 và trong 5 năm qua đã tiến hành nhiều vụ thử. Nhưng đây là lần đầu tiên Nga cho phóng thử tên lửa Zircon từ tàu ngầm, một giai đoạn quan trọng trong phương diện tác chiến. Thông thường các loại vũ khí như vậy được triển khai trên các bệ phóng kín đáo và cơ động nhất có thể. Nga không có được trình độ cao trong các loại oanh tạc cơ tàng hình tầm hoạt động rộng để có thể mang tên lửa siêu thanh, vì thế họ chọn tàu ngầm. Chuyên gia về an ninh và vũ khí của Thụy Sĩ, Alexandre Vautravers giải thích.

Với Moskva, đó là cách để thể hiện thế thượng phong quân sự trên trường quốc tế. Đầu tư vào loại tên lửa siêu thanh, Nga đang chạy đua với các cường quốc thế giới khác. Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa các loại vũ khí chiến lược những năm qua vì một phần trang thiết bị quân sự của họ có công nghệ từ những năm 1990, đã lạc hậu. Chuyên gia Alexadre Vautravers nhấn mạnh.

Hoa Kỳ chưa có được các tên lửa siêu thanh trong kho vũ khí của mình nhưng đang nghiên cứu. DARPA, cơ quan nghiên cứu khoa học của quân đội Mỹ, tuần trước thông báo đã thử thành công tên lửa siêu thanh HAWC (Hypersonic Air-Breathing Weapon Concept) sử dụng nhiện liệu ô-xy lấy từ bầu khí quyển. Lầu Năm Góc cũng đang phát triển một loại tàu lượn siêu thanh ARRW. Tuy nhiên lần thử nghiệm đầu tiên trên thực địa hồi tháng Tư năm nay đã thất bại.

Trung Quốc có nhiều dự án, dường như họ trực tiếp học hỏi theo các chương trình của Nga, theo một nghiên cứu mới đây của một cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ. Trung Quốc đang nghiên cứu thử nghiệm một loại tàu lượn siêu thanh tầm hoạt động 2000 km bay với tốc độ trên Mach 5, thực hiện được những thao tác cực khó , theo nghiên cứu nói trên.

Pháp, Đức, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển các hệ thống siêu thanh. Iran, Israel và Hàn Quốc cũng đã bắt tay vào các nghiên cứu công nghệ này, vẫn theo cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ.

Tuần trước, Bắc Triều Tiên loan tin đã thử thành công tiên lửa siêu thanh, nếu như thông tin trên chính xác thì đó là một tiến bộ công nghệ lớn đối với nước này.

Tên lửa siêu thanh nguy hiểm thế nào ?

Các tên lửa siêu thanh không hẳn đã bay nhanh hơn tên lửa đạn đạo. Tên lửa đạn đạo được phóng lên với tốc độ cao vào không gian, bên ngoài tầng khí quyền không có lực cản nào. Sau đó tên lửa bay trở lại hướng mục tiêu vẫn ở tốc độ như phóng lên, chỉ có điểu khi trở lại bầu khí quyển vận tốc bị giảm chút ít.

Trái lại tên lửa siêu thanh bay ở độ cao thấp hơn, cũng được phóng lên với tốc độ cao nhưng bay trong bầu khí quyển nên tốc độ có bị hãm lại . Tốc độ của tên lửa bị chậm dần trong hành trình bay, cuối cùng đến mục tiêu có khi còn chậm hơn tên lửa đạn đạo.

Sự khác biệt lớn nhất ở đây là tên lửa siêu thanh điều khiển được giữa hành trình bay, điều này khiến cho khó dự báo được đường bay và khó đánh chặn được tên lửa siêu thanh. Các hệ thống phòng không chống tên lửa kiểu THAAD của Mỹ có thể đánh chặn được các đầu đạn ở tốc độ cao nhưng lại được thiết kế chỉ để bảo vệ một vùng hạn chế.

Trong trường hợp một tàu lượn siêu thanh, hệ thống phát hiện chống tên lửa dựa trên tính toán đo đạc nguồn nhiệt, nên có thể nhận biết được tên lửa quá muộn sau khi được phóng đi, các chuyên gia ở bộ quốc phòng Mỹ giải thích.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa có lý do gì phải lo lắng. Nhưng nếu Nga vừa chứng tỏ làm chủ hoàn toàn công nghệ siêu thanh thì điều này có thể sẽ làm thay đổi ván bài. Hiện tại các nỗ lực của Mỹ để triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa vẫn không giúp họ có được một hệ thống phòng "không đủ khả năng đánh chặn được tất cả các loại tên lửa hiện có". Hệ thống như vậy càng kém hiệu quả trước các tên lửa siêu thanh, nhanh hơn và điều khiển từ xa được. Chuyên gia Alexandre Vautravers nhận định.

Nguy cơ nào đối với cân bằng lực lượng hạt nhân ?

Lầu Năm Góc không thông báo chính thức ý định mua các tên lửa siêu thanh, đến lúc này chỉ tập trung chi phí cho nghiên cứu. Nhưng tập đoàn vũ khí Mỹ Lockhheed Martin đầu tuần này thông báo mở một nhà máy chế tạo tên lửa siêu thanh.

Các loại tên lửa do Trung Quốc và Nga phát triển có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong khi đó Washington bảo đảm chương trình siêu thanh của họ chủ yếu dành cho các loại tên lửa quy ước.

Nguy cơ, theo cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, đó là khả năng phản ứng thái quá của quân đội Mỹ, khi phát hiện ra tên lửa siêu thanh và họ không kịp nhận biết tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay tên lửa thông thường và rất có thể quân đội Mỹ không đợi phân biệt được mà đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Washington có thể phải lựa chọn : Hoặc tiếp tục tập trung hiện đại hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa, hoặc đặt ưu tiên phát triển các loại tên lửa siêu thanh. Sự lựa chọn này chứac hẳn sẽ làm khởi phát trở lại cuộc chạy đua vũ khí.

Theo ông Cameron Tracy, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, nên gộp các loại vũ khí siêu thanh vào trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hiện nay giữa Washington với Moskva và với cả Bắc Kinh nữa.

(Theo AFP)

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 06/10/2021

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Diễn đàn