Tại sao Nghiên cứu thủy sản 1 từ chối giám định cá tầm nhập từ Trung Quốc
Huy Đức, 13/04/2021
Nông dân tiếp tục điêu đứng vì hàng trăm tấn cá tầm chất lượng kém vẫn được được nhập từ Trung Quốc. Nhất là, từ ngày 23/3/2021, khi Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản 1 (NCTS 1) từ chối việc thu mẫu cá tầm tại cửa khẩu, dù trước đó Viện này đã nhiều lần giám định và cho biết những mẫu cá tầm được nhập từ Trung Quốc là không nằm trong danh mục được phép nhập từ Trung Quốc.
Việc nhập khẩu ồ ạt cá tầm Trung Quốc làm ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong nước
Quyết định khó hiểu này của Viện NCTS1 không biết bao giờ mới được đặt lên bàn Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Những trăn trở về một "nền nông nghiệp trách nhiệm" của ông Lê Minh Hoan làm sao có thể không bắt đầu từ những hành vi này của thuộc cấp.
Cho dù ngay cả khi có được "thương hiệu Mekong Delta" trong nông nghiệp như "giấc mơ" của ông Bộ trưởng thì việc chiếm lĩnh "thị trường Trung Quốc" vẫn là cần thiết thay vì nhìn nó bằng con mắt cực đoan. Tuy nhiên, việc trao đổi những mặt hàng, như cá tầm, đã có thỏa thuận giữa hai quốc gia là phải có điều kiện, chỉ loại cá tầm nào được nhập và nhập cá tầm phải kèm theo việc xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã (đơn phương) nhập cá tầm từ Trung Quốc chứ không đồng thời xuất sang cá sấu. Lại chỉ nhập những loại cá tầm không thuần chủng, chất lược thấp, không nằm trong danh mục được nhập. Giá cá tầm thuần chủng nuôi trong nước, vì thế, đã giảm từ 160 - 180 nghìn VND/kg xuống còn 110 nghìn VND/kg.
Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã cảnh báo về điều này và yêu cầu Viện NCTS1 cử người lấy mẫu tại cửa khẩu ; thế nhưng, không hiểu sao, Viện lại từ chối.
Xưa nay, khi có những khuất tất ở cửa khẩu, mọi con mắt thường đổ dồn vào các cơ quan như Hải Quan. Lần này, lạ thay, nó lại nằm ở một cơ quan mà lẽ ra phải sốt sắng thực thi hơn cả Hải quan, Cảnh sát.
Nguồn : osinhuyduc, 13/04/2021
**********************
Viết Đoàn, Chí Kiên, Thời Nay, 12/04/2021
Trong các số báo 1167 (ngày 22/3) và 1170 (ngày 1/4), Thời Nay đã có các bài viết liên quan những bất thường và sai phạm trong nhập khẩu cá tầm. Đến nay, dư luận đang đặt ra câu hỏi : Ai là người chịu trách nhiệm về những sai phạm trong nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc về Việt Nam ?
Thu hoạch cá tầm.
53 giấy phép Cites chưa sử dụng
Ngày 25/3/2021, chúng tôi đã nhận được Đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Thư, đại diện pháp luật của những pháp nhân là Công ty TNHH Thủy sản Sỹ Hưng (Công ty Sỹ Hưng) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy hải sản Thanh Tú (Công ty Thanh Tú), về việc làm rõ nội dung bài viết "Những bất thường trong nhập khẩu cá tầm" đăng trên báo Thời Nay (Ấn phẩm của Báo Nhân Dân) số 1167. Với nội dung đơn kiến nghị, bà Thư cho rằng : "Việc nhập khẩu cá tầm của Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú là đúng, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Theo đơn của bà Thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Theo tinh thần trong cuộc họp chỉ đạo về phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu : "Bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân"... Như vậy là ngoài các hoạt động hạn chế còn lại các hoạt động khác vẫn được hoạt động bình thường kể từ ngày 12/2/2020 Công điện 224/CĐ-TTg có hiệu lực.
Nội dung đơn của bà Thư cũng cho rằng : Chỉ thị 05/CT-TTg về việc dừng nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 28/1/2020 thì đến ngày 12/2/2020 Công điện số 224/CĐ-TTg có hiệu lực cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động xuất nhập khẩu trở lại (trong khi Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú đã được cấp và đang còn thời hạn trong thời điểm này). Như vậy, có thể hiểu bà Thư cho rằng hai công ty nêu trên vẫn bảo đảm hoạt động kinh doanh đúng quy định, việc nhập khẩu cá tầm được các cơ quan quản lý chuyên ngành khác như Cục Thú y, hải quan... giám sát đầy đủ cho phép nhập khẩu bình thường.
Thế nhưng, liên quan việc trình bày của doanh nghiệp về các vấn đề nhập khẩu cá tầm vi phạm Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/3/2021 Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường đã có Văn bản số 455/C05-P4 gửi Cơ quan quản lý Cites Việt Nam về việc "Nhập khẩu cá tầm trái Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ". Văn bản nêu rõ : "Qua các tài liệu thu thập được, cho thấy hoạt động nhập khẩu và làm thủ tục nhập khẩu các lô cá tầm Siberia của các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước trên là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đường hô hấp cấp chủng mới của virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, theo Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là văn bản ban hành để quản lý, chỉ đạo, đôn đốc cơ quan cấp dưới, không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc thực hiện trái Chỉ thị của Thủ tướng chỉ có thể xem xét xử lý cán bộ, công chức thuộc ngành Hải quan và Thú y theo Luật Cán bộ, công chức năm 2019".
Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có biện pháp chấn chỉnh các đơn vị, cá nhân liên quan trong hoạt động nhập khẩu cá tầm Siberia.
Trong đó, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường đã liệt kê ra bảy doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ thời điểm 28/1/2020 đến 23/7/2020 với tổng số 337 tấn cá tầm Siberia và chỉ riêng hai doanh nghiệp là Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú đã nhập khẩu 212 tấn (chiếm khoảng hai phần ba trong tổng số cá tầm nhập khẩu).
Kèm theo Đơn kiến nghị, bà Thư gửi cho chúng tôi Văn bản số 169/CTVN-THGP và Văn bản số 170/CTVN-THGP ngày 13/8/2020 của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam phúc đáp hồ sơ đề nghị cấp phép Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng. Trong đó, thể hiện Công ty Thanh Tú vẫn còn 40 giấy phép Cites (từ số 200139N/CITES-VN đến số 200178N/CITES-VN) và Công ty Sỹ Hưng còn 13 giấy phép Cites (từ số 193024N/CITES-VN, số 193041N/CITES-VN...) chưa được sử dụng tại trước thời điểm Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 có hiệu lực. Các giấy phép trên đã hết hạn nhưng chưa gửi trả cho Cơ quan quản lý Cites Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu là Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng còn đến 53 giấy phép Cites cần phải thu hồi nhưng đã không chuyển trả lại cho Cơ quan quản lý Cites Việt Nam.
Liệu có sự "tiếp tay" để doanh nghiệp sai phạm ?
Theo tài liệu chúng tôi có được, cả 53 giấy phép Cites đã cấp cho Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng cần phải thu lại, nhưng hai doanh nghiệp này đã thực hiện hết việc nhập khẩu cá tầm trước khi có văn bản đề nghị trả lại cho Cơ quan Cites Việt Nam. Ở đây cần đặt câu hỏi : Liệu có tình trạng cố tình vi phạm Chỉ thị 05/CT-TTg của Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng hay không ?
Tại Quyết định số 387/QĐ-TQLN-PCTT ngày 10/12/2020 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc giải quyết khiếu nại lần hai của Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú có đoạn nêu rõ : "Đến khoảng tháng 3/2020, hai công ty đến Cơ quan quản lý Cites Việt Nam nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép tiếp thì mới được chuyên viên của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đưa Văn bản số 17/TQVN ngày 6/2/2020 của Cơ quan quản lý Cites về việc tạm dừng nhận hồ sơ cấp phép Cites phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp virus Corona thì lúc này doanh nghiệp mới biết". Như vậy, rõ ràng hai doanh nghiệp này đã biết chủ trương tạm dừng nhận hồ sơ cấp phép và Chỉ thị 05/CT-TTg nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Theo nội dung Văn bản số 455/C05-P4 ngày 26/3/2021 của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường thì Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú nhập khẩu cá tầm đã vi phạm Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 18/8/2020, Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú đã cung cấp 53 giấy thông quan của cơ quan hải quan cho phép hai doanh nghiệp này nhập khẩu cá tầm theo 53 Giấy phép Cites do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã cấp trước ngày 28/1/2020. Quy trình Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú làm thủ tục nhập khẩu cá tầm thương phẩm từ Trung Quốc được các cơ quan chức năng (thú y, hải quan) làm thủ tục kiểm dịch, thông quan nhập khẩu bình thường.
Trước thực trạng của doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm Chỉ thị 05/CT-TTg, ngày 16/9/2020, Cơ quan quản lý Cites đã ban hành Quyết định số 195/QĐ-CTVN-THGP về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú. Cơ quan quản lý Cites cũng đã ngưng tiếp tục cấp phép, trả lại hồ sơ xin cấp phép, đồng thời có văn bản gửi cơ quan chức năng theo luật về việc xử lý vi phạm liên quan hoạt động nhập khẩu, cho phép nhập khẩu động vật hoang dã đã vi phạm lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, tại Quyết định số 387/QĐ-TCLN-PCTT do ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp ký đã hủy bỏ Quyết định số 195/QĐ-CTVN-THGP và đồng thời yêu cầu Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (nay là Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam) thu hồi hai Văn bản số 169/CTVN-THGP và Văn bản số 170/CTVN-THGP ngày 13/8/2020 của Cites Việt Nam về việc phúc đáp hồ sơ đề nghị cấp phép của Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng.
Thực tế, trước đó ngày 3/8/2020, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã có Văn bản số 75/CTVN gửi ông Nguyễn Quốc Trị nêu rõ về việc nhập khẩu, cho phép nhập khẩu cá tầm là vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05. Đồng thời, tạm dừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm các điều cấm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại văn bản này, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cũng nêu rõ : Thực hiện cấp phép cho các công ty có hồ sơ hợp pháp và hợp lệ theo quy định của pháp luật sau khi Cơ quan quản lý Cites Việt Nam và Trung Quốc có thỏa thuận thống nhất về việc trao đổi hàng hai chiều giữa hai nước đối với các loài thủy sản thuộc phụ lục Cites. Theo đó, Việt Nam cho phép nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc và Trung Quốc mở cửa cho phép nhập cá sấu sống từ Việt Nam theo đề nghị của Cơ quan quản lý Trung Quốc tại thư điện tử ngày 9/6/2020. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam đàm phán với Trung Quốc trong việc thông thương hàng hóa giữa hai nước. Việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm sống mà không thực hiện việc đàm phán theo đề nghị của cơ quan thẩm quyền quản lý Trung Quốc sẽ tước đi cơ hội đàm phán đánh đổi giữa hai quốc gia và đồng nghĩa cá sấu sống của Việt Nam không thể xuất sang Trung Quốc bởi rào cản kỹ thuật.
Thế nhưng, ngày 20/8/2020, Tổng cục Lâm nghiệp đã có Thông báo số 1159/TB-TCLN-VP về chỉ đạo của ông Trị, với nội dung : Cơ quan Cites Việt Nam xem xét, cấp giấy phép Cites cho Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng nếu hai công ty này nộp đủ hồ sơ theo quy định về cấp phép theo Điều 25 Nghị định 06/2019/NĐ-CP và đã sử dụng hết các giấy phép được cấp trước ngày 28/1/2020, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu trước ngày 23/7/2020... Đồng thời đã không đề cập đến việc trao đổi hàng hai chiều như đã trình bày của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam.
Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp vẫn ồ ạt nhập khẩu cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời là sự "tiếp tay" để cho các doanh nghiệp sai phạm trong nhập khẩu cá tầm thời gian vừa qua (?). Thực tế, trong tháng 1 và 2/2021, Công ty Sỹ Hưng đã nhập khẩu khoảng 140 tấn và Công ty Thanh Tú đã nhập khẩu 234,8 tấn cá tầm.
Viết Đoàn, Chí Kiên
Nguồn : Thời Nay (Ấn phẩm báo Nhan Dân), 12/04/2021