Thiếu năng lực quản trị vẫn làm đảng viên quan chức
Thới Bình, VNTB, 19/04/2023
Cần thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong đầu tư công.
Ảnh minh họa Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh : VGP
Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản Thành phố quý 1-2023. Ở thông báo này có đoạn "yêu cầu xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà ; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công".
Câu hỏi đặt ra và cần phải có câu trả lời, đó là tại sao những vấn đề thuộc về hiểu biết, kỹ năng, chuyên môn – làm để ăn lương ; thuộc về quy định, điều kiện làm việc – tuân thủ kỷ luật nơi làm việc ; thuộc về đạo đức, trách nhiệm – đã là cán bộ, công chức thì việc làm tròn chức trách, làm hết sức mình với kỹ năng chuyên môn, yêu cầu tác vụ là điều đương nhiên ; thì ở thể chế chính trị của Việt Nam lại luôn phải viện đến, phải dựa vào từ nghị quyết này đến chỉ thị nọ ?
"Ngay cả việc đã thường xuyên xem xét đặt trách nhiệm "người đứng đầu" – không chỉ là đứng đầu đơn vị, tổ chức mà len lỏi vào các bộ phận chuyên môn – thì vẫn không kích hoạt được trách nhiệm, năng lực thực thi của (một bộ phận) bộ máy cán bộ, công chức để dẫn tới những ách tắc, suy giảm nói chung, vậy điều này cũng cần xem lại năng lực (chuyên môn), kỹ năng (quản lý) của người đứng đầu bộ phận ?
Và cả những cấp "đứng đầu" – xét về năng lực quản trị, điều hành rộng hơn, cao hơn" – một cựu tổng biên tập, tức cũng từng là ‘đảng viên quan chức’ ý kiến.
Cũng theo vị cựu tổng biên tập vốn ‘đi lên’ từ phóng viên kịch trường này, thì hãy nhìn từ lãnh đạo chính quyền đô thị đang đóng góp ngân sách nhiều nhất quốc gia, ngoài Chủ tịch UBND thành phố, thì các phó – với vai trò phụ trách lĩnh vực, hiện với Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi vị phó chủ tịch đã thật sự là một "tư lệnh ngành" – lĩnh vực mà mình phụ trách chưa ?
Những đảng viên chức sắc này được đào tạo, kinh qua và đi lên từ các lãnh địa chuyên môn, có sự am tường, kinh nghiệm và bản lĩnh để tham mưu, chỉ đạo, giúp sức cho vị trí chủ tịch ra sao ? Cũng như trước và sau đó, họ đã có những cách thức tiếp cận, kiểm tra, chỉ đạo cụ thể, nêu được giải pháp hữu hiệu cho các ban giám đốc sở, chủ tịch quận/huyện ở mức độ nào ?
Bởi nếu không làm rõ hàng loạt câu hỏi ở mức tối thiểu như trên thì các ‘thái tử đảng’, các ‘hạt giống đỏ’ sẽ lại luôn phải viện đến, phải dựa vào từ nghị quyết này đến chỉ thị nọ cho hành pháp công vụ lẫn hành pháp chính trị.
Trước mắt, cần phải gọi tên từng người một, chứ không thể cứ ban cán sự đảng, đảng đoàn hay ban thường vụ… ; và những ‘cán’ này như ông Trần Sỹ Thanh chẳng hạn, họ có nằm trong "cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm" hay không ?
Góp câu chuyện về năng lực quản trị của đảng viên chức sắc, một cựu trưởng văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh của một tờ báo chuyên trách về pháp luật, nhắc lại đời sống kinh tế những năm sau tháng tư, 1975, và ông có nhận xét rằng giữa tình thế ‘bo bo thay cơm’, người đứng đầu thành phố đã bắt đầu tháo gỡ những ràng buộc lỗi thời trong quản lý kinh tế. Bởi "tử lý cầu sinh".
Liên quan "tử lý cầu sinh", người ta có thể nhận ra ở vụ án hình sự đang diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn đã thực hiện sai quy định, quy trình đấu thầu, nhưng lại mang về kết quả đúng. Đó là hàng trăm bệnh nhân tim được điều trị kịp thời, bệnh viện không bị đóng cửa.
Còn nếu như bao công chức, lãnh đạo khác, ông hoàn toàn có thể đủng đỉnh chờ thực hiện quy trình đấu thầu tập trung, hậu quả của sự chờ đó đổ dồn vào người bệnh, vào bệnh viện, ông cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm gì. Nhưng với lương tâm của một thầy thuốc, trách nhiệm của một lãnh đạo đơn vị trước sự sống còn, tồn tại của đơn vị mình, ông đã không làm thế. Ông đã chấp nhận chọn con đường gây rủi ro về mình mà tạo được nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Chỉ có điều đáng tiếc duy nhất, đó là việc ông nhận quà cảm ơn 10 ngàn đô-la của doanh nghiệp. 10 ngàn đô la, tương đương hơn 200 triệu đồng. Nói quy về tội nhận hối lộ theo luật thì cũng đúng, mà xét theo hoàn cảnh, thói quen của người Việt về lệ (tệ) cảm ơn, cũng không sai…
"Nay liệu có nên nhìn thẳng vào những lỗi thời trong quản lý chính trị để mạnh dạn thay đổi mà không ngại bị chụp mũ theo các điều luật hình sự như 117, 331 hay điều luật 109 về tội lật đổ…" – vị nhà báo này bức xúc lên tiếng với ít nhiều dè dặt trong cách dùng câu từ.
Có cách gì giúp thay số cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm, nhũng nhiễu ?
RFA, 17/04/2023
Thay thế cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu, không dám làm là yêu cầu của cả thủ tướng lẫn chủ tịch thủ đô. Liệu có thực hiện được không với cơ chế hiện hành ?
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh : Hội đồng nhân dân Hà Nội
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mới đây có yêu cầu thay thế ngay những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà. Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh rà soát công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm.
Mới tháng trước, nhân buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng công an nhân dân, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn vững vàng, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của nhân dân, phải thực sự là điểm tựa bình yên của Nhân dân.
Liệu việc chỉ hô hào bằng lời của lãnh đạo có thể giúp trong sạch hóa và chuẩn hóa một đội ngũ công an, cán bộ, viên chức hay không ?
Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông với RFA sáng 17 tháng 4 :
"Thực ra mà nói thì cái này rất khó. Khó là vì định nghĩa thế nào là cán bộ trì trệ ? Bây giờ hành lang pháp lý không chặt chẽ. Nếu tôi làm mà sai thì ai chịu cho tôi ? Mà tôi không làm thì bảo là trì trệ.
Ở đây nó có hai vấn đề. Một là vấn đề con người. Con người rõ ràng có người tốt, người xấu. Đâu cũng thế thôi. Có những người tiêu cực, năng lực kém. Thứ hai là cơ chế. Người ta yếu kém là do năng lực hay là do cơ chế trói chân, trói tay người ta ?
Nếu ai nhũng nhiễu thì chỉ ra rồi xử lý, còn lỗi do cơ chế, cơ cấu thì phải bịt cái lỗi đó đi. Cái nào lỗi con người thì giáo dục, trừng phạt. Cái đó không khó, nếu muốn làm là làm được ngay. Còn nói thì rất dễ. Anh là nhà quản lý thì anh phải điều chỉnh bằng luật pháp chứ không phải điều chỉnh bằng hô khẩu hiệu hoặc đe dọa. Hơn nữa có thể anh lợi dụng sự nhập nhằng này để thanh trừng nội bộ, đưa người của anh vào. Đã gọi là nhà nước pháp quyền thì phải thể chế hóa mọi việc, phải xử lý bằng luật chứ không thể bằng cảm tính."
Thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy chỉ trong một năm rưỡi kể từ đầu nhiệm kỳ đại hội 13, đã có gần 50 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Trong đó, hơn 10 cán bộ bị khởi tố ; hai ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm bị khai trừ Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam gồm nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Còn trong năm năm nhiệm kỳ Đại hội 12 có 113 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Trong đó có bốn ủy viên, nguyên ủy viên Bộ chính trị (một người bị khởi tố hình sự) ; 27 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng ; 30 sĩ quan cấp tướng.
Cựu trung tá Vũ Minh Trí, cựu cán bộ của Tổng Cục 2, nói với RFA suy nghĩ của ông :
"Tôi thì tôi thấy rằng cái điều họ nêu ra (Thay thế cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu - NV) nó gần như là chân lý. Nó đúng 100%. Thế nhưng cái việc họ làm mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ rằng việc này là không làm được, bởi vì thứ nhất cái tiêu chuẩn đánh giá cán bộ là nó không rõ ràng, không chính xác. Và việc áp dụng những tiêu chuẩn đó vào trong thực tế thì nó không đúng.
Chúng ta thấy rằng ở cấp rất cao được cơ cấu chặt chẽ như thế, tự hào như thế, đích thân Tổng bí thư làm trưởng tiểu ban nhân sự mà kết quả như thế thì nói gì ở cấp phường xã huyện ?
Suy cho cùng, không thể khắc phục được tình trạng này bởi vì cả cái bộ máy này không phải là bộ máy của dân, do dân, vì dân. Gọi là dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra nhưng người dân không có quyền kiểm tra ; không có quyền giám sát và những vị trí quan trọng nhất thì người dân không trực tiếp bầu lên."
Công tác nhân sự Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam được cho là chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu với quy trình năm bước. Năm bước đó là hai lần trình Ban Thường vụ, hai lần trình Ban Chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt.
Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố sáng 16 tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố phải rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng.
Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu rằng : "Chúng tôi xử lý rất nhiều. Cán bộ yếu, thấy không phù hợp thì điều chuyển, yếu nữa thì cho nghỉ, thậm chí kỷ luật. Thành phố Hồ Chí Minh làm nghiêm, làm mạnh, chỉ là không ồn ào thôi. Nhưng bây giờ cũng thấy khó khăn, cũng đuối".
Dư luận xã hội lâu nay cho rằng, do Điều 4 Hiến Pháp quy định "Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" nên những người dân có trí, có tài không có cơ hội giữ những vị trí quan trọng trong Chính phủ hay Nhà nước. Mặc dù Hiến pháp có quy định người dân được bầu đại diện trực tiếp cho Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan Nhà nước.
Trong báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được công bố hôm 12 tháng 4 năm 2022, Hoa Kỳ đánh giá về quyền tự do chính trị ở Việt Nam rằng : "Công dân không thể lựa chọn Chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo quyền tự do biểu đạt và ý chí của người dân."
Báo cáo kết luận rằng, cuộc bầu Quốc hội khoá XV năm 2021 là không tự do cũng không công bằng, Chính phủ không cho phép các tổ chức NGO được giám sát.