Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngay khi thông tin nghi can bắt cóc bé trai tại Hà Nội, đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng, được xác định là một cán bộ thuộc Đội tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Vĩnh Phúc, tờ Giao Thông điện tử đã loan tin ngay trong ngày 15 tháng 8 năm 2023. Tuy nhiên, hàng loạt tờ báo lớn khác thuộc hệ thống truyền thông Nhà nước đều không đưa tin thủ phạm là ai. Thậm chí có báo còn dẫn lời của Thiếu tướng Công an Nguyễn Thanh Tùng khẳng định rằng, có nhiều thông tin đăng tải nhưng đều là "không chính thống".

congan1

Người thân đón cháu bé bị bắt cóc về nhà. Photo : Báo Chính Phủ

Giấu đầu, lòi đuôi

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu nhận định của ông với RFA về những diễn biến vừa qua :

"Thứ nhất, ông thiếu tướng công an nói vậy là không đúng. Thứ hai, việc công an nói dối quanh co ban đầu rồi lòi ra sự thật về sau là đã có tiền lệ rồi chứ chẳng phải là chuyện hy hữu gì. Nói chung là người ta cứ muốn che đậy mặc dù sự thật rất khó che đậy. Trước sau cũng lòi ra, không đơn giản như họ nghĩ. Do đó, tôi cho đây là cách ứng xử kém thông minh của ngành công an lâu nay".

Ông Đào, một người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :

"Cách nói của ông thiếu tướng công an này ở một khía cạnh nào đó là phủ nhận các chính sách của Nhà nước, bởi như chúng ta biết, toàn bộ các cơ quan truyền thông trong nước đều của Nhà nước. Không có bất cứ cơ quan truyền thông nào của tư nhân hết.

Tất cả họ đều nhận ngân sách Nhà nước và chịu sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo Trung ương. Họ là cánh tay của Đảng, làm theo đường lối của Đảng. Bây giờ ông thiếu tướng này nói thông tin ‘không chính thống’, khác gì nói Đảng và Nhà nước cũng không chính thống ! ?"

Chuyện công an đưa ra những thông tin lấp liếm ban đầu rồi cuối cùng sự thật lòi ra không là chuyện lạ. Có thể nêu một ví dụ cụ thể : Ngày 30 tháng 7 năm 2017, Facebook của nhà báo Huy Đức xuất hiện dòng trạng thái "Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ !". Cùng ngày, báo chí Nhà nước đưa phát biểu của Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm rằng : "Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì".

Nhưng chỉ một ngày sau, ngày 31 tháng 7 năm 2017, hàng loạt tờ báo của Nhà nước đồng loạt đưa tin "Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú" với thông tin do công an cung cấp.

Tương tự câu chuyện một công an bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc vừa xảy ra ở Hà Nội hôm 15 tháng 8 năm 2023, một ngày sau những thanh minh trên báo của thiếu tướng công an Hà Nội, cư dân mạng xã hội lan truyền hai văn bản chính thức xác minh nghi phạm là công an.

Một văn bản được Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra ký ngày 15 tháng 8 năm 2023 gửi Giám đốc công an tỉnh Vĩnh Phúc, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, yêu cầu tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng uý Nguyễn Đức Trung, cán bộ đội Tham mưu, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh.

Một văn bản là quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng uý Nguyễn Đức Trung, cán bộ đội Tham mưu, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, do Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc ký cùng ngày 15 tháng 8 năm 2023.

Một ngày sau, chính Công an Thành phố Hà Nội xác nhận kẻ bắt cóc bé trai là cán bộ đội tham mưu, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc, mang cấp bậc thượng úy Nguyễn Đức Trung.

Công an biến chất : nở rộ…

Chuyện công an bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc nhắc nhớ lại câu chuyện được truyền thông Nhà nước đăng tải đầu năm 2020 về sự việc tương tự rằng, do không có tiền thanh toán nợ nần, một cựu công an tên Nguyễn Quốc Toàn, từng công tác tại Công an huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đã cấu kết đồng bọn bắt cóc một nữ sinh ở thành phố Trà Vinh rồi điện thoại cho gia đình đòi năm tỷ đồng tiền chuộc. Hoặc mới đây, tuy không phải chuyện bắt cóc nhưng liên quan đến hành vi "tha hóa" của công an khiến người dân bất bình đó là chuyện ba công an trộm dê của dân.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 16 tháng 8 năm 2023 :

"Chỉ mới năm tuần sau sự kiện ba công an Hà Nội bắn trộm dê của dân, đến vụ án hình sự "Chuyến bay giải cứu" đưa hàng loạt sĩ quan công an, thậm chí đến cả phó giám đốc công an ra tòa vì lừa đảo, nhận hối lộ mới kết thúc hai tuần qua… Chưa kể đến ông Nguyễn Đức Chung, nguyên là tướng công an phải ra tòa 3, 4 lần vì nhiều lần tham nhũng, thì nay lại đến một thượng úy công an ra tay bắt cóc cháu bé ngay tại Hà Nội đòi tiền chuộc đến 15 tỷ đồng ! ? Khiến công chúng hết sức thất vọng và hoang mang về lực lượng công an. Điều đó cũng cho thấy những lời dạy, những bài học được cho là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh đều vô dụng. Đạo đức của một phần lực lượng công an đã rơi đến tận đáy. Họ thiếu đi những tấm gương gương mẫu, có thật để mà răn giữ mình.

"Thượng bất chính, hạ tắc loạn", một khi mà hình ảnh người đứng đầu lực lượng công an nghiễm nhiên thưởng thức những bữa tiệc bò dát vàng đầy xa hoa đối lập với hoàn cảnh đang còn rất khó khăn của đất nước mà bị xử lý. Và cũng ông ấy, chỉ trong vài năm đưa ra hàng loạt quy định sửa đổi Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân… Cái sau đá cái trước gây tốn kém ngân sách quốc gia và thời gian của nhân dân… mà vẫn không bị truy trách nhiệm thì khó mà trách thuộc cấp của ngành công an được".

Ông Đào, một người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :

"Tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm bởi từ trước đến nay công an là ‘thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ Đảng và Nhà nước. Họ có rất nhiều quyền và thậm chí họ thực thi những quyền trái với hiến pháp quy định. Tôi chỉ ngạc nhiên khi một người dân bình thường dám phạm tội như vậy, chứ công an thì tôi không ngạc nhiên".

Với những tội phạm là công an ở mọi lĩnh vực với cấp bậc thuộc hàng tướng như trung tướng Phan Văn Vĩnh, trung tướng Bùi Văn Thành, thượng tướng Trần Việt Tân, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, trung tướng Phan Hữu Tuấn… người dân có quyền tự hỏi, liệu trong số công an đang đứng nhan nhản ngoài đường, ngồi trong các trụ sở công an, kể cả từ cấp bộ đến địa phương, còn những công an nào là tội phạm chưa bị lộ ?

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 16/08/2023

Additional Info

  • Author Diễm Thi
Published in Diễn đàn