Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Công an và Quân đội đã giữ 3 chức vụ đầu não trong guồng máy cai trị, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời ngày 19/07/2024. Hai lực lượng này được tuyên dương là "thanh kiếm và lá chắn" bảo vệ chế độ.
Ông Tô Lâm nói Công an Nhân dân là lá chắn bảo vệ chế độ
Trước hết, người thay ông Trọng làm Tổng bí thư là Đại tướng Công an Tô Lâm, sinh năm 1957 tại Hưng Yên. Ông Lâm là người được mô tả là giáo điều và bảo thủ nên đã được ông Trọng tin cậy khi còn sống. Thành tích nổi nhất của ông Tô Lâm được công nhận là chống tham nhũng khi ông giữ chức Bộ trưởng Công an. Tuy nhiên tham nhũng vẫn "trơ ra", như lời ông Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận khi còn sống.
Chức Chủ tịch nước được Quốc hội giao cho Đại tướng Quân đội, Lương Cường, ngày 21/10/2024. Ông Lương Cường, sinh năm 1957 tại Phú Thọ, được mô tả là người "trung dung", chưa có điều tiếng gì xấu và được lòng cấp dưới. Thông thường người giữ chức vụ này chỉ đóng vai "nghi lễ" trong các buổi lễ ngoại giao. Nhưng trường hợp ông Lương Cường thì khác vì ông là "người của Quân đội" và Quân đội có nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh, lãnh thổ và bảo vệ đảng.
Thủ tướng chính phủ nằm trong tay Thượng tướng Công an Phạm Minh Chính, sinh năm 1958 tại Thanh Hóa. Ông Chính có thời giữ chức Bí thư tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với Trung Quốc và có những "quan hệ đặc biệt với Bắc Kinh".
Trong Bộ Chính trị khóa đảng XIII còn có Đại tướng Phan Văn Giang, sinh năm 1960 tại Nam Định, giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Đại diện cho Công an là Đại tướng Lương Tam Quang, sinh năm 1965 tại Hưng Yên.
Phe Quân đội còn có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1962 tại Tiền Giang, đảm nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan tuyên truyền và bảo vệ tư tưởng, đường lối của đảng.
Riêng chức Chủ tịch quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn giữ là một đảng viên bình thường. Ông Mẫn sinh năm 1962 tại Hậu Giang, một cán bộ cần mẫn của miền Nam.
Như vậy, trong Bộ Chính trị hiện nay, Quân đội và Công an chiếm đa số tuyệt đối. Sự kiện nay phản ảnh mối quan tâm về an ninh của lớp người kế nhiệm thời ông Nguyễn Phú Trọng.
Tô Lâm và Trung Quốc
Ngay sau khi được bầu giữ chức Tổng bí thư ngày 3/8/2024, thay ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, tân Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã liền bay sang Bắc Kinh hội kiến với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình từ ngày 18 đến ngày 20/8/2024.
Chuyến thăm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình mô tả : "Có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao và ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc" (theo báo Chính phủ Việt Nam).
Họ Tập cho rằng : "Đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện".
Theo phía Việt Nam, họ Tập khẳng định : "Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc ; ủng hộ Việt Nam kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội".Về phần mình, ông Tô Lâm khẳng định : "Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc ; khẳng định mong muốn cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kế thừa và phát huy tốt truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước, định hướng quan hệ Việt - Trung bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài".
Đại tướng Lương Cường khi còn là "thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam" cũng đã sang thăm Trung Quốc và "hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ hôm 11/10 tại Bắc Kinh".
Lương Cường và Biển Đông - Tập Cận Bình nhìn khác
Tường thuật của phía Việt Nam cho biết : "Ông Lương Cường, tại buổi gặp, đã nhấn mạnh chuyến thăm này nhằm quán triệt và thực hiện "nhận thức chung" của đảng cộng sản hai nước, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai theo phương châm "16 chữ", tinh thần "4 tốt" và phương hướng "6 hơn", theo truyền thông Việt Nam".
Ông Lương Cường tân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Về Biển Đông, ông Lương Cường "đề nghị hai bên kiểm soát và giải quyết tốt các vấn đề khác biệt trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, hữu nghị, tập trung giữ ổn định tình hình trên biển, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982".
Tuy nhiên, phía Trung Quốc "không đề cập chuyện Biển Đông" với tướng Lương Cường. Thay váo đó, theo Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp với ông Lương Cường rằng : "Việc tuân thủ sự lãnh đạo của đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa là đặc điểm cốt lõi nhất của Trung Quốc và Việt Nam, là nền tảng chính trị vững chắc nhất để phát triển quan hệ song phương".
Ông Tập kêu gọi hai nước "tăng cường trao đổi tư tưởng và ý tưởng", tăng cường các cuộc thảo luận về lý thuyết và tăng cường công tác đào tạo cán bộ.
Ông Tập cũng kêu gọi hai bên hợp tác để cải thiện công tác "định hướng dư luận", nhằm củng cố sự ủng hộ của người dân".
Phía Việt Nam, tờ Hoàn Cầu Thời báo viết : "Ông Lương Cường nói rằng hai nước là "láng giềng xã hội chủ nghĩa, núi liền núi, sông liền sông", nên việc phát triển quan hệ với Trung Quốc "luôn là nhu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ hoạt động ngoại giao của Việt Nam".
Trong khi đó, Cổng thông tin điện tử của chính quyền thủ đô Bắc Kinh dẫn lời ông Tập nhấn mạnh : "Trong bối cảnh thế giới có những thay đổi nhanh chóng trong thế kỷ qua, Trung Quốc và Việt Nam phải duy trì đường hướng chính trị chung và kiên quyết nắm bắt quan hệ Trung-Việt từ góc độ chiến lược để đảm bảo quan hệ song phương tiếp tục phát triển đúng hướng".
Theo Tân Hoa Xã, tại cuộc gặp với ông Tập, ông Lương Cường nói : "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và cũng có giá trị to lớn đối với các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam và cộng đồng quốc tế".
Lời tán dương "tư tưởng Tập Cận Binh" có ý nghĩa gì trong mới quan hệ Việt-Trung bây giờ ?
Thứ nhất, nó phản ảnh "sự tương kính" của cá nhân ông Cường với họ Tập. Thứ hai, cũng cho thấy rõ Việt Nam đã "ngủ yên" trong "vòng tay của Trung Quốc".
Nên biết, từ lâu, Trung Quốc đã tự vẽ "hình Lưỡi Bò" giành 90% chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi ông Tập Cận Bình cũng "tự nhận" tùy tiện rằng : " Các đảo và bãi đá trên Biển Đông đã thuộc về nước này từ "thời cổ đại", và sẽ không cho phép bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền và các lợi ích của Trung Quốc ở biển Đông" !
Vậy, đối với Việt Nam, hai ông tướng Tô Lâm, đại diện cho Công an và Lương Cường, đại diện cho Quân đội có thể làm được gì để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ ?
Phạm Trần
(23/10/2024)
"Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ". Tạp chí Xây Dựng Đảng đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023.
Nữ thanh niên công an chụp ảnh selfie trong khuôn viên Học viện chính trị Công an Nhân dân - Ảnh minh họa
Theo Xây Dựng Đảng thì : "Đa số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức… Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người cộng sản "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", làm cho nhân dân bất bình, lo lắng".
Thừa nhận "một bộ phận không nhỏ" của báo Xây Dựng Đảng không mới mà chỉ lập lại những vấn đề đã được nêu lên từ Đại hội đảng thứ XI năm 2011. Tuy nhiên, chế độ độc đảng càng tồn tại, khuyết tật của cán bộ, đảng viên càng lan rộng sang tầng lớp thanh niên trong hai lực lượng Công an và Quân đội khiến đảng bối rối.
Lực lượng Công an, được mệnh danh là "thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc" của chế độ đã có những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" phức tạp.
Theo Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân cho biết : "Bên cạnh những mặt tích cực, còn một bộ phận nhỏ thanh niên công an có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đây được xem là những yếu tố tiềm ẩn, có thể sẽ dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Vì vậy, việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên Công an nhân dân góp phần đấu tranh phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ hiện nay là yêu cầu cấp thiết".
Tình hình khẩn trương, vì : "Tình trạng suy thoái đang hiện hữu trong thanh niên Công an nhân dân với một bộ phạn không nhỏ có biểu hiện giảm sút niềm tin ; thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện ; trung bình chủ nghĩa ; thích hưởng thụ ; ngại gian khổ, hy sinh ; thiếu trách nhiệm trước nhân dân ; vi phạm điều lệnh, thậm chí vi phạm pháp luật…" (Trường Cao đẳng an ninh nhân dân I, ngày 13/10/2023).
Vì vậy, phương châm "Còn Đảng thì còn mình" đã
phai nhạt trong tư tưởng của Công an, trong khi Quân đội cũng phải đối phó với tình trạng suy thoái tư tưởng và đạo đức, lối sống trong lớp quân nhân trẻ. Họ là thành phần được vinh danh là "lực lượng xung kích"", châm ngòi lửa", trong các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và xây dựng, kiến thiết đất nước" (Trường Cao đẳng an ninh nhân dân I, ngày 13/10/2023).
Xử lý nghiêm
Do đó, trong diễn văn tại Đại hội Đảng ủy Công an trung ương ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh giác : "Ở trong nước, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp ; các thế lực thù địch còn tiếp tục tranh thủ cơ hội này để chống phá chúng ta với các thủ đoạn thâm độc hơn, nguy hiểm hơn ; công tác bảo đảm an ninh, trật tự sẽ phải đối diện với nhiều thách thức lớn hơn".
Ông nói : "Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối ; nhất là hoạt động tình báo, gián điệp, thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, cài cắm nội gián, thực hiện hoạt động phá hoại, nhất là vào thời điểm chúng ta chuẩn bị cho đại hội các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng".
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam chỉ thị phải : "Xử lý thật nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Ông nói : "Các đồng chí cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ ; đấu tranh chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong lực lượng Công an nhân dân".
Nhiệm vụ năm 2024
Về nhiệm vụ trước mắt trong năm 2024 là năm đảng tổ chức các Hội nghị, báo cáo chuẩn bị cho Đại hội đảng XIV năm 2026, ông Nguyễn Phú Trọng nói : "Tôi đề nghị Đảng ủy Công an trung ương chủ động nắm chắc tình hình "trong - ngoài", đấu tranh vô hiệu hóa mọi hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ sớm, từ xa, tạo môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi nhất cho các công việc hệ trọng của Đảng, Nhà nước".
Vấn đề đặt ra là ai đang "chống phá đảng", hay đảng viên đang tranh giành, chống phá lẫn nhau trong cuôc chạy đua vào Trung ương đảng XIV ?
Chống bệnh thành tích
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng than phiền Quân đội "vẫn còn để xẩy ra vụ việc nghiêm trọng, vẫn còn tình trạng bệnh "thành tích", giấu giếm khuyết điểm ; xử lý một số vi phạm, vụ việc phức tạp, nhạy cảm chưa kịp thời, triệt để".
Người đứng đầu đảng không tiết lộ những hạn chế đã ảnh hưởng đến tình thần binh sĩ ra sao. Chỉ thấy ông yêu cầu : "Tiếp tục xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh. Vấn đề này chúng ta đã làm tốt rồi, nay cần làm tốt hơn nữa (trong đó, tôi nhấn mạnh, các đồng chí cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao ; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị)".
Ông Trọng còn lưu ý Quân đội phải tuyệt đối tránh "đùn đẩy trách nhiệm". Ông nói : Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm (tôi yêu cầu trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xẩy ra), bởi người cán bộ chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống xẩy ra. Muốn vậy, chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám" : "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới và sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn và thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung" (Diễn văn tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 03/07/2023).
Ngoài ra, trước yêu cầu "Quân đội là của dân nên phải đứng ngoài đảng", ông Trọng nói : "Tôi đề nghị tập thể Quân ủy Trung ương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ; kiên quyết khắc phục bằng được những hạn chế, khuyết điểm mà các đồng chí đã chỉ ra ; không để các thế lực xấu, thù địch, lợi dụng hạn chế, khuyết điểm để thổi phồng, xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Quân đội, thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa" Quân đội".
Nữ sinh lớp 12A1 trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2 (Nghệ An) đã chọn trang phục áo lính để lưu lại những thời khắc cuối cùng của đời học sinh
Thanh niên quân đội
Tuy nhiên, báo điện tử trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã cho biết : "Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thanh niên Quân đội tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch cũng còn những hạn chế nhất định : Các hình thức đấu tranh chưa thực sự phong phú, đa dạng ; kết quả đấu tranh chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực vốn có của cán bộ, đoàn viên thanh niên ; số lượng bài viết chuyên sâu chưa nhiều ; một số bài viết thiếu luận chứng, luận cứ khoa học nên chưa thực sự thuyết phục người đọc ; việc tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng chủ yếu tập trung ở một số cán bộ, đoàn viên chủ chốt…".
Do đó, báo của Đảng đã yêu cầu : "Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tích cực tuyên truyền cho thanh niên Quân đội về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, khả năng "tự đề kháng, tự miễn dịch" cho đoàn viên, thanh niên trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch…".
Đáng chú ý là trong những biện pháp bảo vệ tư tưởng cho giới trẻ trong Công an và Quân đội, Trung ương Đảng đã chỉ thị : "Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường bồi dưỡng những vấn đề cốt lõi về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thanh niên Quân đội có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, luôn kiên định, tin tưởng vào nền tảng tư tưởng của Đảng" (báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 04/01/2024).
Phan Văn Giang
Trong khi đó, trong bài viết trên Tạp chí Cộng sản cuối năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cũng không quên nói với binh sĩ : "Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, xuất hiện những vấn đề phức tạp mới. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Trên Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn các nhân tố gây mất ổn định ; tranh chấp chủ quyền biển, đảo, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng gia tăng ; xử lý quan hệ quốc tế, nhất là với các nước lớn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài câu kết với nhau tăng cường chống phá công khai và trực diện, với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự bổ sung, phát triển và ngày càng khó khăn, phức tạp hơn ; tỷ lệ cán bộ được rèn luyện qua chiến đấu ngày càng giảm" (Tạp chí Cộng sản, ngày 30/12/2023).
Bốn nguy cơ được đảng công bố năm 1994 gồm : "Tụt hậu về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch".
Như vậy, tình trạng "suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống" của "cán bộ đảng viên trẻ" trong Công an và Quân đội là mối lo hàng đầu của Đảng hiện nay, vì khi hai lực lượng này lung lay thì sự sống còn của chế độ bị đe dọa.
Phạm Trần
(08/01/2024)
Đảng cộng sản Việt Nam luôn duy trì vai trò trọng yếu của quân đội. Tuy nhiên, vai trò của quân đội có lúc rõ mạnh, lúc giảm bớt qua từng thời kỳ, là nhận định của chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á, Viện Yusof Ishak ISEAS ở Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, trong bài nghiên cứu gần đây của ông có tên "Tầm ảnh hưởng của quân đội lại tăng lên ở Việt Nam" sau Đại hội XIII.
Hai ông Lương Cường (trái), thượng tướng quân đội, và Tô Lâm, thượng tướng công an, được Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong hàm đại tướng ngày 29/01/2019 tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội
Trả lời cuộc phỏng vấn với RFA, trước hết tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích vị thế Quân đội nhân dân Việt Nam từ 2001 cho đến Đại hội XIII năm 2021.
Lê Hồng Hiệp : Thực tế, Quân đội nhân dân đã đóng một vai trò quan trọng trong môi trường chính trị Việt Nam, không những hiện tại mà từ trước tới nay, kể từ khi Đảng cộng sản lên nắm quyền", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói.
Trong lịch sử, từ năm 1945 và qua các kỳ Đại hội khác nhau của Đảng cộng sản Việt Nam, các đại diện của quân đội thường có một số ghế nhất định được dành sẵn trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như Bộ Chính trị.
Số đại biểu này thường là có số lượng lớn hơn trong giai đoạn chiến tranh hoặc trong giai đoạn căng thẳng an ninh quốc gia, ví dụ những năm 1980 chẳng hạn.
Nếu nhìn vào số Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Trung ương Đảng trước đây thì chúng ta thấy trước 2001, tức trước Đại hội IX, thông thường là ít nhất 2 đại biểu quân đội trong Bộ Chính trị. Nhưng có lẽ do sự thay đổi tình hình sau khi Việt Nam rút khỏi Campuchia, rồi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, rồi tiến hành tập trung đổi mới thời kỳ 1986 đến nay, thì vấn đề an ninh quốc gia hay quốc phòng giảm bớt.
Chính vì vậy tiếng nói cũng như mức độ đại diện của bên quân độ trong thượng tầng cấu trúc chính trị Việt Nam có sự giảm sút.
Từ 2001 đến nay thường là chỉ có một đại diện quân đội được bầu vào Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, điều này được duy trì mãi cho tới Đại hội XIII vừa rồi.
Thanh Trúc : Thưa Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, phải chăng ông muốn nói tới sự thay đổi sau Đại hội XIII, khi Thượng tướng Phan Văn Giang được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị kiêm chức Bộ trưởng Quốc phòng, và Đại tướng Lương Cường có nền tảng Tổng cục trưởng Tổng Cục Chính trị, cũng được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ? Phóng viên Thanh Trúc, đài Á Châu tự do nêu câu hỏi.
Lê Hồng Hiệp : Thượng tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường là dấu hiệu cho thấy có sự "Tái gia tăng ảnh hưởng của Quân đội trong thượng tầng cấu trúc chính trị của Việt Nam"
Theo tôi thì có hai lý do cơ bản.
Thứ nhất, căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng thời gian qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây, đã giúp làm tăng vai trò và tiếng nói của quân đội. Chúng ta đều biết bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc là là một trong những vấn đề nòng cốt trong tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy mỗi khi đất nước đối diện với các thách thức về quốc phòng về an ninh, hiện tại khi mà mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng thì tiếng nói và vai trò của quân đội sẽ gia tăng.
Thứ hai, trong thời gian qua thì quân đội cũng có những sự đóng góp càng ngày càng tăng vào việc phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua các khu vực kinh tế quốc phòng vùng biên giới xa xôi.
Thứ ba là thông qua các doanh nghiệp Nhà Nước do quân đội điều hành.
Đặc biệt ở đây tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Viettel, một tập đoàn lớn có sự đóng góp quan trọng cho phát triển trong lãnh vực công nghệ cao.
Báo chí cũng thường nhắc tới vai trò của Viettel là người đi đầu trong việc phát triển năng lực 5G chẳng hạn.
Đây là hai yếu tố có thể giúp cho vai trò của quân đội lên tới đỉnh điểm trong Đại hội XIII, khi mà không chỉ là hai tướng được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu tiên trong 20 năm, mà đại diện quân độ trong Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng từ 20 người của Đại hội XII đã tăng lên thành 23 trong Đại hội XIII lần này.
Thanh Trúc : Xin ông phân tích thêm về điều ông đã nói trong bài nghiên cứu, vào khi Hà Nội tỏ dấu hiệu quan ngại về tình hình Biển Đông và an ninh nói chung, thì với tỷ lệ 12,8%, là khối đại biểu lớn nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân đội nhân dânViệt Nam sẽ củng cố vai trò và tiếng nói ít nhất trong vòng 5 năm tới ? Phóng viên Thanh Trúc, đài Á Châu tự do nêu câu hỏi.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 30/11/2020
Lê Hồng Hiệp : Ở đây có hai xu hướng. Một mặt thì khi mà tiếng nói của quân đội lớn hơn, mạnh hơn trong các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì có thể có xu hướng ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn về mặt chính sách ứng phó với Trung Quốc.
Mặt khác, có thể do bản chất của quân đội là trực tiếp tham gia việc chống lại các mối đe dọa trên thực địa, nên họ có thể làm mọi cách để làm sao có thể ngăn ngừa xung đột xảy ra.
Tại vì bản thân quân đội, trong quá trình lịch sử, từng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc chiến tranh trước đây và cũng đã chịu nhiều tổn thất.
Thêm vào đó, hiện Việt Nam đang ưu tiên việc duy trì hòa bình, ổn định để phục vụ cho phát triển trong nước.
Điều này sẽ dẫn tới xu hướng là phía quân đội có thể ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn về mặt chính sách nhưng trên thực địa thì lại mềm dẻo, kiên trì, kềm chế để làm sao có thể ngăn ngừa căng thẳng hay khủng hoảng leo thang thành xung đột.
Điều này cũng dẫn tới chỉ trích từ một số nhà quan sát.
Tuy nhiên, theo tôi, trong bối cảnh hiện tại thì có thể hiểu được cách tiếp cận như vậy.
Trong thời gian tới, như tôi vừa nói, cách tiếp cận như vậy có thể tiếp tục được duy trì.
Chính vì vậy có sự mâu thuẫn nhất định trong quan điểm cũng như cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông của Việt Nam nói chung cũng như phía quân đội nói riêng.
Thanh Trúc : Từ điều ông vừa trình bày thì xin được hỏi tiếp khi nâng tầm mức ảnh hưởng của quân đội bên trong Bộ Chính trị cũng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì có gây trở ngại cho công cuộc cải tổ chính trị hay tiến trình đổi mới kinh tế mà Việt Nam vẫn nhắm tới ? Phóng viên Thanh Trúc, đài Á Châu tự do nêu câu hỏi.
Lê Hồng Hiệp : Từ năm 1986 đến nay thì chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam là ưu tiên đổi mới kinh tế theo hướng thị trường. Còn đổi mới chính trị thì rất dè dặt theo xu hướng không phải để thúc đẩy tự do hóa hay dân chủ hóa mà là để nâng cao hiệu quả của bộ máy chính trị.
Với sự gia tăng ảnh hưởng của quân đội thì tôi nghĩ cách thức đấy sẽ được duy trì trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, như tôi đề cập trong bài, do nhận thức về an ninh được đề cao, cũng có thể có xu hướng là một số chính sách kinh tế sẽ được thay đổi theo hướng an ninh hóa.
Có nghĩa rằng do những lo ngại về an ninh họ có thể đưa vào một số qui định để mà điều chỉnh các hoạt động kinh tế theo hướng đảm bảo an ninh quốc phòng.
Về mặt tổng thể thì điều này tôi nghĩ cũng hợp lý trong bối cảnh mà bên ngoài có thể lợi dụng hoạt động kinh tế đề thách thức hay phá hoại an ninh và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Tuy nhiên nếu chú trong quá mức vào mặt an ninh trong khi các mối đe dọa thực tế không lớn như người ta nghĩ, thì có thể dẫn đến tình trạng là các tư duy an ninh đấy sẽ chèn ép, hạn chế và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam về lâu về dài.
Tôi có thống kê trong Luật Đầu Tư 2020 thì cụm từ ‘quốc phòng’ được nhắc tới 12 lần, tức là gấp đôi so với Luật Đầu Tư 2014, nó phản ảnh cái tư duy an ninh hóa ngày càng tăng.
Trong hoạt động kinh tế, đặc biết các dụ án có đầu tư nước ngoài hay việc mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, Luật quy định hoạt động ấy không phương hại an ninh quốc gia, quốc phòng, cần được xem xét thông qua bởi bên quân đội cũng như bên an ninh.
Quy định này theo tôi hiểu cũng có một số phản ánh, phàn nàn của một số nhà đầu tư vì quá trình xin phép của họ bị trở ngại, bị ách tắc, gây trở ngại cho hoạt động đầu tư và hoạt động phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thanh Trúc : Việt Nam liệu có thể khắc phục những trở ngại vừa nêu mà có thể tránh gây ra tranh chấp, thưa Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp ?
Lê Hồng Hiệp : Để mà khắc phục thì Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các Nghị định, các Thông tư hướng dẫn, giúp định rõ thế nào gọi là các dự án kinh tế có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, khu vực đất đai nào cần phải xem xét, cần phải được sự phê duyệt từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Làm sao mà đơn giản hóa, minh bạch hóa để quá trình cấp phép nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Còn nếu vẫn còn có sự mù mờ, các địa phương không biết cách thế nào để mà phân oại các dự án, thì sự trì trệ về lâu dài sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư, làm chậm tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đấy là những tác động tương đối theo hướng không được tích cực trong vấn đề có sự gia tăng ảnh hưởng của quân đội cũng như cái tư duy an ninh ngày càng chiếm ưu thế lớn hơn.
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 04/05/2021
Loạn tướng. Phải gọi đúng thế.
Kết thúc chiến tranh, sau 1975, Việt Nam chỉ vỏn vẹn 36 tướng. Nay, quân đội đã tăng đến 415 tướng (3 đại tướng, 18 thượng tướng, 81 trung tướng, 313 thiếu tướng)(1).
Cộng thêm 205 tướng bên công an (2).
Chỉ tính 8 năm từ 2006 đến 2014, riêng quân đội đã có 231 sĩ quan cấp tướng được thụ phong, gồm 10 thượng tướng, 65 trung tướng và 157 thiếu tướng, gấp 20 lần số tướng trong kháng chiến chống Pháp và hơn 4 lần số tướng trong kháng chiến chống Mỹ.
Loạn tướng. Phải gọi đúng thế.
Chưa kể một lượng khá khủng "thiếu tướng chìm". Gọi nôm na là "đại tá nhô", tức sĩ quan cấp đại tá không được phong hàm tướng nhưng lại hưởng lương tướng (3).
Trong chiến tranh, tướng chỉ để phong cho những chỉ huy thực tài và có chiến công hiển hách. Thời bình, nhiều sĩ quan văn phòng, giáo dục, y tế, bán buôn… cũng đeo hàm tướng.
Loạn từ đấy.
Đến một quân nhân hàm vụ trưởng kinh tài, tức chuyên bấm bàn tính chia lương cho lính cũng tướng. Bác sĩ bệnh viện cũng tướng. Một lão giảng viên, trưởng khoa Mác Lê cũng tướng. Một cậu quân nhân chuyên chuyện bán buôn như ông cựu Chủ tịch tập đoàn viễn thông Viettel Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Thông tin truyền thông) cũng tướng. Một gã làm báo viết văn lăng nhăng như Hữu Ước cũng tướng, trung tướng mới tởm !
Tướng phong rất vớ vẩn. Phong vì cả nể. Không loại trừ khả năng chạy chọt. Dư luận, ngay cả trên báo chí chính thống cũng từng có thời đặt nghi vấn về "thị trường sao vạch" này.
Cực kỳ khôi hài, thậm chí là lố bịch khi vị đại tướng cựu Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh trước đây có lần tha thiết xin quốc hội đừng cắt giảm quân số tướng, vì "không phong tướng thì anh em rất tâm tư".
Rồi ngay chiều qua 6/11, khi quốc hội thảo luận sửa đổi luật công an nhân dân, thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch hội cựu chiến binh, cựu Thứ trưởng quốc phòng cũng "tâm tư" khi so bì định khung chuẩn cho tướng giữa ngành công an với quân đội :
"Việc phong hàm cho các đồng chí công an cũng là đáng mừng, nhưng nếu hai bên không công bằng thì sẽ thấy "tủi thân". Giờ ngồi họp như nhau, một bên tướng, một bên tá thì cũng không vui lắm… Làm thế này, bên quân đội buồn, tủi thân" (4).
Ý ông, muốn so việc qui định giám đốc công an tỉnh thành được phong hàm tướng, trong khi chỉ huy trưởng quân sự các tỉnh thành lại chỉ được hàm đại tá.
So bì "anh ít tôi nhiều, anh được sao tôi không" trong việc phong tướng giữa quân đội và công an, nhiều khi nghe cứ như chuyện tị nạnh của bọn trẻ nít.
Nhớ hồi ông Hữu Ước còn Tổng Biên tập báo công an, khi đó mới mang hàm đại tá. Khi nghe tin ông làm thủ tục "xin" hàm tướng, cũng có lời ra tiếng vào. Ông nghe được, cười rằng : nhiều người như tôi, thậm chí thua tôi, vẫn tướng. So với qui định khung, tôi thừa chuẩn, vậy tại sao lại không ? Họ tướng thì tôi cũng tướng chứ !
Đại loại thế, quá lâu rồi, tôi không nhớ chính xác từng câu chữ ông nói, nhưng cơ bản nội dung vậy.
Rồi ông lên tướng thật. Thiếu tướng, rồi trung tướng mới kinh !
Trước đây, hồi tôi còn ở công an. Nhớ qui định chỉ giám đốc công an Hà Nội với Sài Gòn mới được phong hàm tướng, cũng chỉ kịch trần thiếu tướng. Khi đó tướng ít lắm, nghe là giật mình. Ngay cấp Bộ cũng cực ít. Ông Lê Thế Tiệm, năm 1990 ra ngồi ghế Tổng cục trưởng cảnh sát cũng chỉ hàm đại tá. Giờ, tất tật giám đốc công an các tỉnh thành đa phần đều tướng. Có nơi như Hà Nội, Sài Gòn, đến mấy tướng.
Thế nên, dân tình nhạo "tướng nhiều như lợn con" cũng chẳng oan gì. Chưa bao giờ, cái danh "tướng" lại mỉa mai và ê chề đến thế.
Sửa luật, phải trên tinh thần dẹp tan loạn tướng này. Tướng là cấp hàm, không phải chức vụ. Luật, nên qui định đúng tinh thần đó. Không phải cứ bộ trưởng thì đại tướng, thứ trưởng thì thượng tướng, hay giám đốc công an tỉnh/thành thì thiếu tướng. Phong tướng, vì họ xứng hàm tướng, có tài năng và chiến công hiển hách. Không phải phong tướng vì họ là giám đốc, thứ, bộ trưởng…
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA, 07/11/2018 (truongduynhat's blog)
____________
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/12/141221_nguyendangquang_vn
(4) http://www.baogiaothong.vn/phong-tuong-cong-an-khong-cong-bang-quan-doi-se-tui-than-d277996.html