Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cướp lộc, 'phóng sinh' cá dữ, chen nhau mua vàng Thần tài : Khi niềm tin u mê chi phối con người

Hồ Hùng, Một Thế Giới, 09/02/2017

Những đoàn người chen chúc giành lộc, rồi xếp hàng rồng rắn, thậm chí cãi tranh nhau chí chóe để mua cho bằng được miếng vàng Thần tài cầu may, hay hớn hở mua cá dữ phóng sinh... Than ôi !

cuoploc1

Háo hức tranh giành lộc ở lễ chùa

Vào ngày Thần tài (mùng 10 tháng giêng), trong clip mà báo Tuổi Trẻ đăng tải, trong đoàn người xếp hàng chờ mua "lộc" là miếng vàng Thần tài, người ta thấy có cả một quân nhân, đeo quân hàm, mặc quân phục, cười toe toét, thản nhiên xếp hàng chờ mua "lộc". Mà ngày Thần tài nhằm ngày thứ hai, ngày làm việc đầu tuần. Bao nhiêu người đã bỏ hết công ăn việc làm, bỏ nhiệm sở, gia đình… cả buổi sáng, sang trưa để đi hứng nắng, hít bụi chờ mua "niềm tin" như vậy ?

Rồi những ngày qua, báo chí thông tin, người ta chở hàng tấn cá mua từ nơi này, đổ sang nơi khác để… phóng sinh, mong được phước. Trong số đó, có cả cá chim trắng, rất nguy hại cho môi trường vì khả năng sinh sản khá nhanh và bản năng hung bạo của nó. Trước đó, ở An Giang, người ta phóng sinh cả… rắn độc.

Không ai và luật pháp nào cấm mơ ước, cấm tin tưởng và tín ngưỡng. Nhưng một đất nước mà nhiều con người chỉ tin vào lộc trời, vào thánh thần để hy vọng đổi đời, thay vì dốc tâm làm việc, thì đất nước, con người ấy sẽ về đâu ?

Chuyện ngụ ngôn kể rằng, có chú chim chiền chiện làm tổ trên một cánh đồng lúa mì non. Ngày ngày trôi qua, khi những thân lúa đã vươn cao thì bầy chim con mới nở ngày nào, đã lớn nhanh như thổi. Rồi một ngày, khi những ngọn lúa chín vàng, bác nông phu và những người con đi ra đồng.

"Lúa này bây giờ gặt được rồi đây", bác nông phu nói, "chúng ta phải kêu cả những người hàng xóm và bạn bè đến giúp cho chúng ta thu hoạch". Bầy chim chiền chiện con nghe vậy hết sức sợ hãi, vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy hiểm nếu không kịp dời tổ trước khi thợ gặt đến.

Khi chim chiền chiện mẹ kiếm ăn trở về, lũ chim con kể lại cho mẹ những gì chúng nghe được. "Đừng sợ, các con ạ", chiền chiện mẹ nói, "nếu bác nông phu bảo rằng ông ấy sẽ kêu hàng xóm và bạn bè của ông ấy đến giúp, thì đám lúa này cũng còn một thời gian nữa họ mới gặt được".

Vài ngày sau, khi lúa đã quá chín, và khi có gió lay động thân lúa, một loạt các hạt lúa rào rào rơi xuống đầu lũ chiền chiện con. "Nếu không gặt gấp đám lúa này, chúng ta sẽ thất thoát đến cả nửa vụ mùa. Chúng ta không thể chờ đợi bạn bè được nữa. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu tự gặt lấy", bác nông phu nói.

Khi lũ chiền chiện con kể lại với mẹ những gì chúng nghe ngày hôm nay, mẹ chúng bảo : "Thế thì mình phải dọn tổ đi ngay. Khi người ta đã quyết định tự mình làm mà không trông nhờ vào ai khác nữa, thì chắc chắn là họ chẳng trì hoãn gì nữa đâu". Và đến khi mặt trời mọc sáng hôm sau, lúc bác nông phu và những người con ra đồng gặt lúa, họ chỉ gặp một cái tổ rỗng không.

Điều mà câu chuyện ngụ ngôn này muốn nói, là trong cuộc sống, khi đã quyết định tự mình làm việc gì, đừng quá trông mong vào sự giúp đỡ người khác. Tự lo cho mình là tốt nhất.

Nhờ cậy và tin tưởng vào bạn bè còn chưa chắc gì, hà cớ gì chúng ta cứ tin vào những miếng vàng Thần tài, những miếng lộc ở lễ chùa mà những ngày qua người ta tranh nhau cướp. Báo chí đăng tải, người ta chen lấn, giẫm đạp, thậm chí "móc mặt", đè nghiến nhau chỉ vì những miếng lộc tại lễ chùa như vậy.

Tương lai chúng ta giàu hay nghèo, lộc nhiều hay ít là do chính chúng ta quyết định, bằng chính trí óc và sức lao động của mình, chứ không bằng những miếng lộc, những miếng vàng Thần tài, những loại động vật được bắt rồi mua lại thả đi để mang danh "phóng sinh" ấy, chắc chắn vậy !

Cũng trong ngày Thần tài, trên thị trường vé số ở cả nước, các số 39, 79 liên quan đến Thần tài và được dân chơi số đề gọi là số "Thần tài", cũng được săn lùng ráo riết. Một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày thường vé số chỉ 10.000đ nhưng vào ngày Thần tài, chị ta phải bỏ ra 30.000đ để mua tấm vé có số đuôi 79. Và kết quả xổ số miền Bắc, miền Nam cuối giờ ngày 6.2 đó, không có giải đặc biệt của đài nào mang 2 con số cuối là 39 hay 79, như những gì mà dân chơi số mơ ước về sự đổi đời bằng con số Thần tài ! Rốt cuộc, chỉ có các công ty kinh doanh vàng và các công ty xổ số, các tay cơ hội… bỏ túi khẳm tiền.

Phó giáo sư Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từng lắc đầu ngao ngán khi nói về việc người miền Tây ào ạt mua vé số để cầu may : "Cả vùng mà người dân chỉ biết phó mặc tương lai mình vào sự may rủi của tờ vé số, thì họ sẽ về đâu ?".

Cũng như chuyện ngày Thần tài, người dân và cả cán bộ công chức cứ đổ xô chen lấn đi mua vàng để cầu cho cả năm có vàng vào nhà hay may mắn gì đó, là một điều hết sức viển vông. Vậy mà đám đông lại hùa nhau đi chen lấn, xô đẩy mua. Rồi đến vé số… Niềm tin, hay sự tin tưởng mê muội vào thần thánh và những điều viển vông, có nguy cơ đưa cả dân tộc này ngày càng tụt hậu.

Một dân tộc được dẫn dắt bởi thần thánh chưa hẳn là một dân tộc thất bại, bởi họ có niềm tin, và làm theo những điều đúng đắn mà tôn giáo thờ phụng thần thánh ấy răn dạy, để sống và làm việc cho tốt. Đạo nào cũng hướng tín đồ của mình về những điều hay lẽ phải, như có hiếu với cha mẹ, anh em, bạn bè, giúp đỡ người nghèo, chú tâm làm việc...

Nhưng không đạo nào dạy tín đồ mình phải bỏ hết tất cả, suốt ngày chỉ lo thắp hương cúng bái hay đọc kinh, cầu nguyện. Tin tưởng quá đến mức u mê nên đánh mất cả chính mình, gia đình, công việc vì thần thánh, mới là con đường dẫn đến thất bại !

Hồ Hùng

Nguồn : Một Thế Giới, 09/02/2017

*****************

Lễ chùa và quà Tết

Lương Duy Cường, Người Lao Động, 09/02/2017

Trong một động thái tích cực, chiều 8/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức được xác định "đi lễ chùa trong giờ làm việc" vào sáng 7/2.

cuoploc2

Lễ chùa và quà Tết

Những người "đi lễ chùa trong giờ làm việc" được xác định là công chức của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương), có cả giám đốc trung tâm này.

Cùng ngày 8/2, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội chỉ đạo tập thể Phòng Quản lý hồ sơ và cá nhân liên quan giải trình rõ nội dung thông tin báo chí nêu về việc cán bộ của cơ quan này đi lễ chùa trong giờ làm việc trước đó.

Nêu ra để thấy tình trạng công chức bỏ giờ công, việc công đi lễ chùa dù năm nào cũng có người vi phạm, cũng xử lý nhưng vẫn không chấm dứt. Điều này không chỉ vi phạm kỷ luật lao động ; Luật Cán bộ, công chức ; Luật Viên chức mà đặc biệt còn vi phạm những nội dung trong Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 cũng như Công điện ngày 2/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thực tế, không chỉ công chức, viên chức ở 2 đơn vị nêu trên vi phạm mà còn nhiều nơi khác nữa.

Trong một diễn biến khác, cũng chiều 8/2, lãnh đạo Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ đã ký báo cáo tình hình tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết nguyên đán 2017. Theo đó, qua báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 91 thì chưa phát hiện trường hợp sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định, lãng phí ; tặng quà, nhận quà không đúng quy định. Văn bản nói rõ đây là báo cáo qua tổng hợp từ "báo cáo chưa đầy đủ" và kết quả là "chưa phát hiện" chứ không khẳng định là "không có" vi phạm.

Nói như vậy là đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Thế là đúng, vì mới qua Tết vài ngày thì khó tổng kết tình hình cho đúng thực chất. Vả lại, việc "tặng quà, nhận quà" nếu đã theo cái nghĩa không lành mạnh là hối lộ, đút lót… thì vốn nó đã không minh bạch nên người tặng và cả người nhận đều tìm cách giấu, dại gì công khai giữa bàn dân thiên hạ để rơi vào vòng kiểm soát khi Chính phủ đã tuyên bố sẽ quyết liệt trị.

Nhưng như vậy cũng đã có tín hiệu để kỳ vọng vào quyết tâm của Chính phủ là xây dựng Chính phủ liêm chính. Về hình thức, dân chúng đã thấy vừa qua không còn tình trạng xe xếp hàng lũ lượt trước nhà một số quan chức để "chúc Tết" như trước và ít nhất cũng đã có 2 thành viên Chính phủ tuyên bố công khai trên báo chí là "Tết này tôi không nhận quà của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào".

Bỏ việc công đi lễ chùa hay tặng - nhận quà không đúng quy định trong các dịp lễ, Tết thì nhiều người biết nhưng xử lý triệt để quả là điều khó. Với các chế định pháp luật cũng như những chỉ đạo liên tục của Thủ tướng mà tình trạng bỏ việc công đi lễ chùa còn khó trị như thế thì để trị dứt điểm việc tặng - nhận quà không đúng quy định trong các dịp lễ, Tết hẳn còn khó gấp vạn lần.

Lương Duy Cường

Nguồn : Người Lao Động, 09/02/2017

************************

Ồ ạt phóng sinh cá ra sông : Chưa có chế tài quy định

Xuân Lực , Dân Việt, 09/02/2017

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện không có quy định nào cấm phóng sinh cá xuống ao, hồ hay ra sông.

cuoploc3

Người dân đổ về bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tham dự lễ phóng sinh ngày 5/2 (ảnh : L.A.D)

Trước thông tin hơn 10 tấn cá được phóng sinh trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) hôm 5.2 (tức mùng 9 tháng Giêng), sư thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Linh Ứng (nhà chùa tổ chức lễ phóng sinh) cho biết, lễ phóng sinh có khoảng 1.000 người tham dự nhưng không có chuyện 8 xe chở cá rồi phóng sinh. Nhà chùa không mua cá về phóng sinh, cá do người dân mang tới thả. Tổng trọng lượng chỉ khoảng vài chục cân.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 9/2, trao đổi với PV, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sau khi nắm được thông tin phản ánh, tại lễ phóng sinh, nhiều cá được thả xuống sông Hồng, sở đã giao Chị Cục thủy sản kiểm tra.

"Tôi đã giao Chi cục thủy sản sang làm việc với xã và nhà chùa. Mọi năm người dân chỉ thả một vài con cá chép, năm nay không hiểu sao năm nay họ thả nhiều như vậy", ông Mỹ nói.

Về công tác quản lý thả cá xuống ao, hồ, sông, suối ở Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện không có quy định nào cấm thả người dân thả cá, phóng sinh cá xuống ao, hồ hay sông. Tuy nhiên, nếu thả với số lượng lớn, sở sẽ kiểm tra.

"Khi thả phóng sinh, người ta thường thả cá chép nên sẽ làm mất cân bằng sinh thái. Thả cá chép ở ao, hồ có thể gây mất cân bằng ở tầng mặt nước vì cá chép ăn ở phần đáy. Còn thả ở sông Hồng thì không ảnh hướng lắm vì diện tích nước lớn. Hiện chưa có quy định nào cấm người dân thả cá cả nên cái này chỉ khuyến cáo thôi.

Thành phố hằng năm vẫn thực hiện việc tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc tái tạo dựa trên cơ sở cân đối các loài. Chi cục thủy sản sẽ mua cá giống thả xuống sông Hồng, các hồ lớn để tái tạo nguồn lợi thủy sản", ông Đăng nói.

Xuân Lực

Nguồn : Dân Việt, 09/02/2017

******************

Mê tín "đời mới"

Lưu Nhi Dũ, 07/02/2017

Hôm mùng 10 tháng giêng, ngày vía Thần Tài, trên mạng lan truyền một video cảnh đoàn người rồng rắn xếp hàng chờ mua vàng lấy hên, trong đó có quay cận cảnh một phụ nữ ở Hà Nội mắng xối xả nhân viên một tiệm vàng vì phải chờ đợi quá lâu.

Hên đâu không thấy, ngay hôm sau, giá vàng đâm đầu đi xuống, lỗ chỏng gọng !

cuoploc4

Vía Thần Tài - Ảnh minh họa

Vía Thần Tài là chuyện của người Trung Quốc. Trước năm 1975, người Hoa ở Chợ Lớn thường cúng vía này, sau đó lan sang những người Việt làm nghề kinh doanh, còn giờ đây nó lan cả nước, thành mê tín. Ngày Thần Tài nảy sinh lắm việc mê tín, như cúng bái, mua vàng, thậm chí vé số đuôi 39, 79 - được xem là những số thần tài - bị "cháy" từ hôm trước !

Đó là chuyện mê tín "đời mới" ! Ngay cả chuyện ngày đầu tiên ngân hàng làm việc trở lại sau Tết, tại Hà Nội và nhiều địa phương, nhiều người rồng rắn xếp hàng để tìm cách giao dịch, gửi tiền vào tài khoản để lấy hên, cũng là một kiểu mê tín "đời mới" ! Chuyện tranh nhau cướp lộc mà mấy ngày qua mạng xã hội sôi sục, ầm ĩ cũng vậy, biểu hiện thái độ mê tín mông lung, vô bổ.

Ngay cả chuyện ngày nay người ta đi lễ đền, chùa để cầu lợi với hy vọng được buôn may bán đắt, trở nên giàu có... cũng là dạng "mê tín đời mới", tính thực dụng rất cao chứ không còn ý nghĩa tâm linh nào cả. Việc xin ấn đền Trần, chẳng hạn, cũng chẳng phải vì tâm linh, vì tấm lòng thành kính nào đó mà vì lợi danh của chính mình, của gia đình mình. Vụ lợi nên bất thiêng.

Một vị khách nước ngoài trố mắt ngạc nhiên khi biết chùa Hương trẩy hội đến 3 tháng ròng rã, thu hút gần 1,5 triệu khách hành hương, thu về khoảng 100 tỉ đồng ! Họ còn rất ngạc nhiên khi thấy nước ta có nhiều chùa quá lớn.

Trong tác phẩm "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX" của thiền sư Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, xuất bản năm 1952, tác giả kêu gọi tăng sĩ phật tử nên lao động tự nuôi sống mình bằng các nghề làm ruộng, công nghệ, giáo dục, y tế ; học và thực hành Phật giáo nhân gian, giúp dân, giúp người. Lời kêu gọi ấy cho đến nay vẫn rất thời sự, khi mà giờ đây những cơ sở tôn giáo hoành tráng ở những vị trí đắc địa ; những đền thờ nguy nga, tráng lệ đã làm cho niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng cũng rất khác so với trước đây.

Đi quá, bước qua khỏi niềm tin, đó là sự mê tín. Chuyện tranh cướp lộc ở đền Gióng, chùa Hương, chuyện mê mẩn thần linh (điều mà chính Khổng Tử cũng khuyên "kính quỷ thần nhi viễn chi") là biểu hiện của sự thiếu tự tin khi cậy vào thế lực siêu nhiên để cầu lợi ích về vật chất.

Đi chùa, viếng đền mà vụ lợi thì bất minh. Chỉ nên đến đó để tự nhìn lại mình, hướng thiện, cầu an, để tâm được tịnh. Bên cạnh đó, nên quy hoạch lại hệ thống lễ hội, không nên nâng tầm nhiều lễ hội địa phương lên tầm quốc gia, không kéo dài thời gian lễ hội, đặc biệt là không được thương mại hóa lễ hội. Phải biến lễ hội thành hoạt động văn hóa đích thực, chùa chiền là nơi thờ Phật chứ không phải là nơi cầu danh, cầu lợi. Còn về tài lộc, hãy tin vào bàn tay, khối óc của chính mình.

Lưu Nhi Dũ

Nguồn : Người Lao Động, 07/02/2017

Published in Diễn đàn

Sự lạm dụng niềm tin thần linh ở người dân, ở một bộ phận cán bộ, đã trở thành hiện tượng không thể chấp nhận cả về khía cạnh tâm linh, cả về khía cạnh xã hội.

Năm nào báo chí cũng đưa tin về "lễ hội" ở ngoài Bắc, làng này và làng khác, nay đã trở thành hội có số đông người tham gia, kể cả ở bên ngoài làng. Kích thước và mức độ của hội cũng mở rộng, phần vì hiệu ứng truyền thông, phần vì sự tò mò của nhiều người đã khiến cho hội làng trở nên "không biên giới".

thanlinh1

Dù đã thắt chặt an toàn, người dân vẫn ra sức tranh cướp để cầu may tại mùa lễ hội năm nay. Ảnh : Trần Thường.

Báo chí giới thiệu tục quê là một mặt, mặt khác lại đưa tin về các cảnh "cướp", "tranh lộc" nhìn qua rất phản cảm, nhận được nhiều sự phê phán của công luận.

Đứng trước tình trạng đó, cần hiểu rõ hơn về tục "cướp lộc" ở một số hội làng. Lấy thí dụ về hội Gióng/Dóng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội để làm mẫu phân tích.

Hội này diễn ra vào tháng tư âm lịch, chính hội là vào ngày 9 tháng 4. Ngày ấy, sau các cảnh rước kiệu 28 vị nữ tướng thì có cảnh múa của ông Hiệu Quân trên một chiếc chiếu nhằm diễn tả sự vần vũ của vũ trụ, sự đánh giặc Ân của Thánh Gióng. (Độc giả cần sự mô tả thì xem thêm một số cuốn sách của Cao Huy Đỉnh "Người anh hùng làng Dóng", luận văn tốt nghiệp của người viết bài này có tên "Làng Phù Đổng" năm 1983...).

Sau màn múa của ông Hiệu Quân, người dự hội xông vào "cướp" chiếu mà ông này đứng trên để múa, họ xé và tước chiếu thành nhiều mảnh, sợi chiếu. Ai nấy cố giành một sợi và buộc vào cổ tay, gọi là lấy "khước" (chỉ sự may mắn vì có "lộc" của Thánh Gióng).

Ở một số hội làng khác cũng có tục cướp lộc. Như thế, có thể coi đây chỉ là số ít, còn đa phần các hội làng cổ truyền ở ngoài Bắc không có tục này.

Khoảng gần chục năm nay, do nhiều nguyên nhân, cảnh tranh giành lộc diễn ra ở hầu hết các hội lớn, đặc biệt là đêm 14 tháng Giêng tại "Đền Trần". Hình ảnh xấu xí này đã trở thành "gương phản chiếu" và giờ đây có nguy cơ lan rộng ra các hội khác.

Người chịu trách nhiệm không ai khác là chính quyền sở tại, nơi các hội diễn ra. Nhưng mặt khác, trách nhiệm cũng thuộc về người dân. Sự lạm dụng niềm tin thần linh ở người dân, ở một bộ phận cán bộ, đã trở thành hiện tượng không thể chấp nhận cả về khía cạnh tâm linh, cả về khía cạnh xã hội.

Lễ hội có sức sống tự thân của nó và chỉ những người làm chủ lễ hội đó mới có quyền quyết định sự sống còn, tồn vong của nó mà thôi.

Tuy nhiên, với những hành vi lệch chuẩn thì cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý để tránh những hiệu ứng xã hội lệch lạc. Phải chấn chỉnh cả hai đối tượng : người dự lễ hội không được tùy tiện, không thể vì cá nhân mà coi thường cộng đồng. Họ cần được trang bị kỹ năng hành xử trong lễ hội. Còn nhà quản lý thì có ở cơ sở và ở cấp trên ; cần có cơ chế, có sự giám sát để chống sự cả nể, vụ lợi. Nhất là với những thứ đang sống động như lễ hội, nhà quản lý phải biết cách chắt lọc, hướng dẫn, quy định.

Chúng ta tôn trọng niềm tin thần linh của mọi người, nhưng chúng ta cướng quyết phê phán và lên án các hành vi lạm dụng, sai lệch và không còn phù hợp với bối cảnh mới.

Nguyễn Quốc Tuấn

Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội

Nguồn : VietnamNet, 04/02/2017

Published in Diễn đàn