Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cấm công chức nhận quà là một trong những quy định trong Nghị Định 59/2019/NĐ-CP do Thủ tướng Việt Nam ký ban hành ngày 1/7/2019, cũng là một trong các biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng mà chính quyền Việt Nam đang áp dụng. Liệu hình thức này có hiệu quả không khi tham nhũng đã thực sự bén rễ sâu trong đội ngũ quan chức từ cấp cao đến cấp thấp tại Việt Nam ?

qua1

Ảnh minh họa việc tặng quà. AFP

Hôm 1/7/2019, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, chính thức có hiệu lực vào ngày 16/8/2019. Trong đó có quy định chi tiết về việc tặng quà và nhận quà tặng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

Ngay khi nghị định 59 được ban hành, nhiều người cho rằng đây là động thái siết chặt kỷ cương của Chính phủ Việt Nam, là vũ khí mới để ngăn chặn tình trạng sân sau, lợi ích nhóm đồng thời là công cụ để dựa vào đó xử lý những vi phạm của các quan chức có những hành vi liên quan đến góp vốn, bố trí vợ, chồng, con cái vào những vị trí do mình trực tiếp quản lý… Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét về nghị định này :

"Thật ra, quy định theo Nghị định số 59 thì cấm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn nhận quà trực tiếp và cả gián tiếp. Điều này được xem là yếu tố tích cực trong "cuộc chiến" chống tham nhũng".

Với Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 59 để chống tham nhũng thực sự là chuyện nực cười, vì theo ông tham những nó muôn hình vạn trạng, đâu chỉ có chuyện nhận quà. Ông nói :

"Hiện giờ cần phải có những nghiên cứu tham nhũng tại Việt Nam để có một bức tranh rõ ràng về những kiểu tham nhũng. Quà biếu chỉ là cái mẫu con con trên chóp tảng băng chìm khổng lồ về tham nhũng".

Trong một lần trò chuyện với RFA về chuyện tham nhũng của các quan chức Việt Nam, nhà báo Đường Văn Thái, người từng làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã nhận định rằng, các quan chức kiếm tiền quá dễ bằng tham nhũng. Ông nêu ví dụ : Khi một dự án được ký thì bên tư vấn họ sẵn sàng đẩy giá lên và người có quyền quyết định phê duyệt dự án sẽ được hưởng phần trăm của dự án. Đó là tham nhũng bằng tiền mặt. Ông phân tích tiếp, khi các dự án bất động sản phát triển ồ ạt thì họ không tham nhũng bằng tiền mặt nữa mà họ tham những bằng những mét vuông đất.

Rồi các nhóm lợi ích lại vẽ ra một viễn cảnh cho dự án đó để những người đầu cơ về bất động sản nhào vào mua. Đây lại là tham nhũng về chính sách.

Vậy việc hưởng phần trăm trên các dự án có được coi là "quà tặng, biếu" của doanh nghiệp cho quan chức ? Quy định mới có hiệu lực này xem ra chỉ là cách để Chính phủ xoa dịu lòng dân khi quá nhiều vụ án tham nhũng bị phanh phui và hàng loạt quan chức bị vào tù.

Có chống được tham nhũng ?

Năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp với nhắc nhở "đánh chuột đừng để vỡ bình". Điều ông Trọng muốn nói là chống tham nhũng nhưng không gây thiệt hại cho chính đảng cộng sản. Thực tế chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian qua đã đưa nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức cao cấp trong chính quyền ra vành móng ngựa, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm hay cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng…

qua2

Một người đàn ông cầm những thỏi vàng trong tay. Reuters

Nhưng theo Nhà báo Trần Quang Thành, một nhà báo từng bị tạt acid do viết những bài chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam đã từng trả lời RFA trong một phỏng vấn về đề tài tham nhũng, thì lại cho rằng :

"Ông Trọng chỉ cho vào lò những đối tượng ông muốn triệt hạ, chứ những đối tượng mà ông nâng niu thì không. Cho nên việc kiên quyết chống tham nhũng của ông thực chất là triệt những kẻ có thể cản trở ông về quyền lực. Ông Trọng bảo "không có vùng cấm", ai chả nói thế nhưng hành động thì mới quan trọng, nó chứng minh cho lời nói".

Dù nhận xét việc cấm nhận quà trực tiếp và gián tiếp là một trong những biện pháp chống tham nhũng như đã nói ở trên, nhưng Luật sư Đặng Đình Mạnh vẫn e rằng trước bối cảnh khá buồn về tình trạng tham nhũng tràn lan như hiện nay, khi cán bộ, công chức đều "cá mè một lứa" với nhau, sẽ dẫn đến tình trạng nể nang, xuê xoa ... vô hiệu hóa các quy định luật pháp về chống tham nhũng.

Nhà báo Nguyễn An Dân từ trong nước nhận định công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn 1, dùng chống tham nhũng để giữ đảng ; Giai đoạn 2, dùng chống tham nhũng để giữ nước. Ông dẫn chứng : Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) là ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘bảo vệ chế độ’, tức việc chống tham nhũng từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 chủ yếu là để bảo vệ đảng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 là ‘lấy lợi ích của quốc gia dân tộc, của nhân dân, của đảng làm trọng tâm’.

Trong khi đó, giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng hiện nay thể hiện quyết tâm mang lại sự trong sạch cho guồng máy điều hành đất nước.

Tháng 8 năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật về Phòng chống tham nhũng. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian tới.

Rất nhiều cách mà Chính phủ Việt Nam đưa ra để chống tham nhũng trong thời gian qua, nhưng theo Tiến Sĩ nguyễn Quang A, với cách làm như bây giờ thì không thể chống tham nhũng được ở Việt Nam. Ông cho rằng, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, bắt buộc phải có một nền tư pháp độc lập, không nhất thiết phải có tam quyền phân lập. Ông nêu ra ba điều cần phải có để chống tham nhũng trong chế độ độc đảng như hiện nay :

"Thứ nhất là tất cả mọi người - không trừ một ai - đều phải tuân thủ luật pháp ; thứ hai là phải có một nền tư pháp thật sự độc lập và mạnh. Chỉ khi có nền tư pháp thật sự độc lập thì lúc đó mới có thể trị tội bất kỳ ai vi phạm. Rule of Law mà không gắn với tư pháp độc lập thì hoàn toàn vô nghĩa ; thứ ba là phải có tự do báo chí".

Ông cho rằng thực sự chống tham nhũng không cần phải đi liền với dân chủ, bởi ba điều trên chưa tạo nên dân chủ nhưng có thể giảm tham nhũng một cách triệt để.

Một số nhà quan sát chính trị tại Việt Nam cho rằng việc xử và bỏ tù các quan chức cấp cao nhà nước vì lý do tham nhũng thực ra là chuyện thanh trừng nội bộ. Một khi đảng cộng sản còn độc quyền cai trị thì nạn tham nhũng không thể chấm dứt. Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận :

"Với một cái đảng cộng sản "ngồi xổm" trên pháp luật 80 năm qua đã thành nếp rồi. Bất kể một ai mà "chui" được vào hệ thống này đều chỉ muốn "ngồi xổm" để kiếm tiền mà thôi thì làm sao mà chống tham nhũng được. Không thể !"

Ngày 29/1/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công thì Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, tụt 10 hạng so với năm 2017.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/08/2019

Published in Diễn đàn