Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chuyến đi Bắc Kinh của ông Trần Đại Quang, tham dự buổi lễ khai mạc "sáng kiến một vành đai, một con đường" của Tập Cận Bình, tuần qua cho ta thấy Việt Nam đã chia sẻ "vận mệnh chung" một cách cụ thể với Trung Quốc.

Chia sẻ cái gì ?

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam "chia sẻ" cái gì với (hay từ) Trung Quốc ?

fomosa1

Tập Cận Bình, Tổng tư lệnh lực lượng "một vành đai một con đường"

Một thí dụ "minh họa" : hai bên ăn cơm chung mâm. Mâm cơm là đại dự án "một vành đai một con đường". Ăn cá thì Việt Nam ăn xương. Ăn trái cây Việt Nam ăn vỏ.

Formosa Hà Tĩnh là "trái sầu riêng" mà Việt Nam chỉ ăn vỏ. Người dân các tỉnh bị ô nhiễm (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…) sắp tới sẽ ôm mối "sầu riêng", sống chung với ô nhiễm suốt đời.

Trái với dự đoán của nhiều người, không phải Hải Phòng, Hà Tĩnh mới là chặn đầu, mới là một "bộ phận" của đại dự án "vành đai, con đường" của Tập Cận Bình. (Hải phòng thuộc dự án "hai hành lang, một vành đai", kết nối để các tỉnh lục địa Hoa Nam mở đường ra biển).

Trần Đại Quang qua tới Bắc Kinh bị thiên triều "ngắt véo" chịu không nỗi phải "bật đèn xanh". Cuộc càn quét thấy mấy ngày qua chỉ là "sơ khởi".

Nghe giọng điệu của đài truyền hình Nghệ An, các văn công đã sử dụng từ "phản động" dành cho những người dân tụ tập biểu tình phản đối. Những bài viết, những bài nói giọng điệu đẫm ướt hận thù, khích động người dân lên án các linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam.

Có người đã bị bắt. Có người đang bị truy nã.

Những người (cầm đầu) chống đối Formosa từ nay sẽ qui vào các tội : "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" (điều 88), "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…" (điều 258), "phá rối trật tự công cộng" (điều 245), "tội chống người thi hành công vụ" (điều 245).

Những người dân chống đối Formosa là nạn nhân trực tiếp Formosa (vụ xả thải gây ô nhiễm biển). Những người mất công ăn việc làm, cả làng bị bệnh. Những người này nay lại trở thành "tù chính trị".

"Cộng hòa Formosa"

Formosa đã trở thành một quốc gia (như danh xưng "cộng hòa Formosa" mà nhiều người đã viết trên facebook).

formosa2

Tổng quan lãnh thổ "cộng hòa Formosa" Hà Tĩnh - Ảnh minh họa 

Chống Formosa trở thành "tuyên truyền chống nhà nước". Đụng chạm tới quyền lợi của Formosa trở thành "xâm phạm lợi ích của nhà nước", v.v..

Nhà nước cộng sản Việt Nam đã nhượng 3.000 héc ta đất Hà tĩnh cho tập đoàn Formosa. Với "dân số" là công nhân đến từ Trung Quốc, trên 17.000 người đàn ông. Đủ thành lập một "quốc gia".

Mục tiêu của đại dự án "một vành đai, một con đường", như báo chí nước ngoài đã phân tích, là nhằm tiêu thụ sắt, xi măng, vật liệu xây dựng... thặng dư của Trung Quốc.

Quá trình xây dựng hạ tầng cơ sở của Trung Quốc

Xét lại lịch sử phát triển hạ tầng cơ sở của Trung Quốc để có một cái nhìn tổng quát.

Trong 3 thập niên, ta thấy Trung Quốc trong một thời gian rất ngắn đã kiến thiết và xây dựng hàng trăm ngàn cây số đường sắt, cùng với đường xa lộ, vô số cầu cống… kết nối chằng chịt như mạng nhện các tỉnh Trung Quốc. Không chỉ ở các vùng phát triển ven biển, mà còn ở các tỉnh kẹt sâu trong lục địa. Nhiều làng xã cũ kỹ bị xóa bỏ, thế vào đó là những thị trấn lớn, "hiện đại" với vô số cao ốc đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng. Nhiều thành phố lớn ven biển, như Thượng Hải, Quảng Châu… hóa thân trở thành những đô thị lớn nhứt và "hiện đại" nhứt thế giới.

Để có khả năng xây dựng, trong một thời gian kỷ lục như vậy, hẵn nhiên Trung Quốc phải có hàng trăm lò luyện thép, nhà máy xi măng, các cơ sở khai thác cát, đá… cũng như một đoàn cơ khí xe ủi, xe cán, tàu bè vận chuyển… cùng với một đội ngũ hàng trăm ngàn, (thậm chí hàng triệu) nhân công.

Nếu tính nhân công hoạt động ở các nhà máy thép, xi măng v.v… cho việc xây dựng, con số phải tính hàng chục triệu người.

Công cuộc "hiện đại hóa" Trung Quốc đã đến thời kỳ "bảo hòa".

Lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết ra sao với số thép, xi măng, cát đá, đoàn cơ khí cũng như đội ngũ công nhân đông đảo như vậy ?

Người ta nói cách phát triển của Trung Quốc là "phát triển nóng". Cái nguy hiểm của việc phát triển là khi xã hội không còn nhu cầu (xây dựng) nữa, khủng hoảng (kinh tế, xã hội, chính trị) có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Trung Quốc sẽ bước vào khủng hoảng nếu không có một dự án nào để tiếp nối. Hàng chục triệu người thất nghiệp một lượt. Kinh tế phụ thuộc ngành xây dựng sụp đổ. Dĩ nhiên kéo theo toàn bộ kinh tế sụp đổ.

OBOR và AIIB

Dự án "một vành đai, một con đường" (OBOR-One belt One Road) đi song song với sự thành hình của Ngân hàng phát triển hạ tầng (AIIB-Asian Infrastructure Investment Bank).

Bước đầu, Trung Quốc có tham vọng xây dựng cơ sở hạ tầng các nước chung quanh Biển Đông. Một công hai chuyện : dùng kinh tế khẳng định chủ quyền đường 9 đoạn ở Biển Đông. Các nước như Phi, Mã Lai, Indo, Thái Lan, Pakistan… đều đồng thuận đứng vào dự án. Trung Quốc hứa cho các nước này "mượn tiền". Nhiều kế hoạch xây dựng cảng biển, đường sắt, đường xa lộ… ở các nước đã thành hình.

Tương lai phát triển của Trung Quốc được bảo đảm. Trung Quốc vừa xuất cảng được thép, xi măng... thặng dư vừa "xuất khẩu" được công nhân dư thừa. Trung Quốc đồng thời khẳng định chủ quyền ở Biển Đông (cũng như khẳng định quyền của Trung Quốc về cái gọi là con đường tơ lụa trên biển).

Dĩ nhiên, khi Mỹ quay lưng với Châu Á (Thái Bình Dương) thì Trung Quốc muốn làm gì thì làm, không ai cấm cản được.

Còn Việt Nam ? Dĩ nhiên Việt Nam không được hưởng "lợi ích" như các nước khác (Mã Lai, Thái lan, Pakistan…) bởi vì chơi với Việt Nam, Trung Quốc nắm dao đàng cán.

Hà Tĩnh vừa là cảng biển, vừa là đầu đường (mở về phía tây), với bình phong Formosa. Thép thặng dư của Trung Quốc sẽ nhập vào đây để "xào nấu lại", sau đó đóng nhãn "ma dze in dziệt nam" (để được giảm thuế đối với một số nước).

Như đã nói, cùng Trung Quốc chung mâm, ăn cá thì Việt Nam chỉ ăn xương. Vụ xả thải làm ô nhiễm trên 200 cây số biển năm ngoái chỉ là mở đầu. Mặc dầu là khúc xương khó nuốt.

Trần Đại Quang đến Bắc Kinh, mặc dầu được tiếp đón như hàng "quốc khách", nhưng phía sau thì lãnh đạo Trung Quốc cho báo chí chửi ông Quang không tiếc lời.

Những gì cần ký thì ông Trọng lú đã ký rồi. Ông Quang không thể không phục tòng.

Đầu năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc diện kiến Tập Cận Bình. Hai bên đọc tuyên bố chung : "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời... có chế độ chính trị tương đồng... có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung… ".

Tuyên bố này khẳng định lại 16 chữ vàng "sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan", đúng như nội dung của Hội nghị Thành Đô 1991 do các ông Phạm Văn Đồng cùng với Nguyễn Văn Linh và Đổ Mười ký kết với lãnh đạo Trung Quốc.

Rốt cục ông Quang đứng về phía Tập Cận Bình bảo vệ quyền lợi của thiên triều, vì vậy phải bật "đèn xanh" cho ông Tố Lâm chỉ huy "mặt trận" Nghệ An, đánh (chết mẹ) bọn "phản động đội lốt tôn giáo" để bảo vệ "chủ quyền" cũng như lợi ích của nhà nước Formosa.

Nhà nước cộng sản Việt Nam bề mặt áp dụng các điều 88, (lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…), điều 258 (phá rối trật tự công cộng), điều 245 (tội chống người thi hành công vụ)... nhưng thực chất bảo vệ "lợi ích nhà nước Formosa", bảo vệ "trật tự cho quốc gia Formosa". Còn "công vụ" ở dây dĩ nhiên là "công vụ của nhà nước Formosa".

Thời kỳ lệ thuộc bắt đầu từ hội nghị Thành Đô. Trọng lú đã tái khẳng định. Thì phải phục tòng thôi. Biết sao bây giờ ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. nhantuan.truong, 17/05/2017

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn