Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chục năm gần đây, nghi thức phóng sinh được tổ chức nhiều và rầm rộ. Sau một buổi cầu siêu người ta thường tổ chức phóng sinh. Phóng sinh cá hay phóng sinh chim. Từng thau cá hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn con được khuân ra bờ sông đổ xuống dòng nước. Không ít những con cá rớt khỏi thau dãy đành đạch trên đất và bị dẫm bẹp bởi bàn chân người phóng sinh !

phongsinh1

Phóng sinh phải đạt được mục đích cuối cùng là cứu sinh mạng con vật khỏi bị giam cầm, hành hạ, giết chết - Ảnh : Internet

Cứu cánh của việc phóng sinh là gì ?

Cứu cánh, theo nghĩa từ Hán Việt, có nghĩa là mục đích cuối cùng (lâu nay rất nhiều người đã nhầm lẫn khi dùng từ này). Tùy theo nhận thức cá nhân mà việc phóng sinh có thể có các cứu cánh khác nhau. Theo một số người, đó là cầu lộc, cầu an. Theo một số khác là cứu những sinh mạng đang bị giam cầm, bị hành hạ hay có thể bị làm thịt. Theo một số khác nữa là rũ bỏ khỏi lòng mình các ác niệm để từ đó tiến xa hơn trên con đường tu tập tự giải thoát… Theo tôi, cứu cánh cứu sinh mạng là cứu cánh được nhiều người đồng ý với nhau nhất cho việc phóng sinh.

Trong đời thường, việc phóng sinh được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy hoàn cảnh. Thí dụ người có từ tâm bắt gặp chú chim non rơi xuống đất thì chăm sóc rồi thả lên trời rộng… Từ xưa, nhằm xiển dương tinh thần đó, các tín đồ đạo Phật kêu gọi và tiến hành nghi thức phóng sinh trong những ngày lễ đạo…

Khoảng đầu thập niên 1960, vào những ngày rằm lớn, tôi theo mẹ tôi ra chợ Vườn Chuối (Sài Gòn) dặn chị bán cá chừa lại không bán một thau cá, rộng chừng một chục con cá sống (rộng : thả cá vào nước để giữ sống một khoảng thời gian). Tan chợ, chị mang thau tới nhà, mẹ tôi nhờ chú taxi chở qua khu Thủ Thiêm ra sau nhà một người quen thả xuống sông Sài Gòn. Sau đó mẹ và tôi dùng buổi chay với dì cùng các con của dì, dặn dò đám con nít chúng tôi thương yêu loài vật, không giết bướm, giết chim, không hành hạ chó mèo…

Chục năm gần đây, nghi thức phóng sinh được tổ chức nhiều và rầm rộ. Sau một buổi cầu siêu người ta thường tổ chức phóng sinh. Phóng sinh cá hay phóng sinh chim. Từng thau cá hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn con được khuân ra bờ sông đổ xuống dòng nước. Không ít những con cá rớt khỏi thau dãy đành đạch trên đất và bị dẫm bẹp bởi bàn chân người phóng sinh ! Cá được trút xuống nước thì lờ đờ sát mé… Chim thì quặt quẹo, vừa được thả ra tung cánh bay đã rớt xuống, nhảy lò cò hay lết vào bất cứ góc nào… Cách không xa, những người lưới cá, bắt chim chực sẵn ! Cảm nhận bao trùm của tôi là xót thương những sinh linh được phóng sinh kiểu đó, và rờn rợn trong lòng về sự dã man đối với loài vật !

Phương tiện có phục vụ cứu cánh ?

Như vậy, nếu xem việc thả cá thả chim của nghi thức phóng sinh là phương tiện, thì phương tiện đó có hữu hiệu nhằm đạt được cứu cánh của việc phóng sinh ?

Nếu xem cứu sinh mạng là cứu cánh của phóng sinh thì nghi thức phóng sinh như trên không phải là phương tiện hữu hiệu. Chẳng những vậy, nó còn phản lại cứu cánh tốt đẹp kia. Nhiều người đã lên tiếng về tình trạng bi thảm của những con vật được phóng sinh. Nhu cầu phóng sinh có tính hình thức đó đã tự phát tạo nên một thứ "công nghiệp phóng sinh", và công nghiệp này khiến bao nhiêu sinh linh chim cá bị đánh bắt, sanh cầm, liên tiếp được thả ra rồi bắt lại và cuối cùng chết vì kiệt sức ! 

Nếu xem rũ bỏ khỏi lòng mình các ác niệm để tiến xa hơn trên con đường tu tập tự giải thoát là cứu cánh của phóng sinh thì phương tiện đó cũng phản lại cứu cánh. Người có sẵn từ tâm không chịu nổi cảnh hành hạ, đày đọa loài vật như thế. Người chứng kiến cảnh đó nhiều lần e cũng sẽ dần dần rời xa lòng nhân từ mà dần dần chai mòn trước cảnh loài vật bị hành hạ !

Tại sao cái phương tiện phản lại cứu cánh đó cứ được tiếp tục dùng ?

Phải chăng vì người ta còn mù mờ về cứu cánh ? Phải chăng vì về thực chất thì cái cứu cánh đó đã được thay đổi rồi, cho dù người ta còn bám vào nó về mặt danh nghĩa ? Phải chăng vì người ta không muốn đổi thói quen, đã dùng một phương tiện rồi là dùng hoài vì ngại dùng phương tiện khác ?

Ngày xưa khi con người còn săn bắt hái lượm, hay còn sống dựa hoàn toàn vào nền kinh tế nông nghiệp sơ khai, con vật bị săn, bị bẫy hay bị nuôi và giam cầm chờ giết mổ trong những điều kiện đau đớn. Những nhà từ bi lớn, những bậc tu hành đau xót cảnh giam cầm đày đọa nên thuyết giảng tình thương và thói quen phóng sinh.

Ngàn năm, trăm năm đã qua, thế giới văn minh lên, khoa học tiến bộ đo được các phản xạ và phản ứng của não bộ, biết rằng con vật như chó, heo, trâu, bò, chim… cũng biết cảm nhận sự đau đớn, và cả sự thương tâm, dù ở mức độ ít hơn con người. Do đó các nước phương Tây đã phát động phong trào bảo vệ động vật và có cả luật lệ trừng phạt người có hành vi gây đau đớn cho loài vật.

Thời thế thay đổi, cuộc sống thay đổi, cứu cánh cũng thay đổi, và do đó phương tiện cũng cần thay đổi theo. Cứu cánh đã thay đổi mà phương tiện vẫn còn cũ kỹ thì phương tiện phản cứu cánh, phương tiện biến thành vật cản trên con đường tiến về cứu cánh. Điều này đúng không chỉ trong lãnh vực phóng sinh.

Nghi thức phóng sinh như nói trên, nên tiếp tục nhưng cần tiến hành một cách văn minh hơn trong tình yêu quý loài vật.

Các quán bán thịt rừng, thịt thú cấm săn bắt còn khá nhiều. Trên các tuyến đường lớn, thỉnh thoảng thấy những người bày bán sóc, nhím ; về đồng bằng sông Cửu Long thì thấy các chợ chim, chợ cò thản nhiên mời gọi khách… Việt Nam nên lập các dự án, tổ chức các chương trình giáo dục về bảo vệ thú hoang dã, về thú trong Sách đỏ, nên tổ chức các phong trào không ăn thịt rừng, thịt chim cò, thịt thú cấm săn bắn, tẩy chay hay thậm chí cấm đoán các chợ thú rừng, chợ chim cò…

Trong thế giới hiện đại, các hoạt động săn bắt của loài người, cùng với nhu cầu lớn và kỹ thuật cao, tàn sát sinh vật ở mức độ khủng khiếp gây tuyệt chủng nhiều loài. Những hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm trên diện rộng, tàn phá môi trường sống của nhiều loài, nhiều quần thể. Trong chục năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến hay bị đe dọa bởi những "sự kiện môi trường", những thảm họa môi trường lớn. Trước kia có Vedan xả thải đầu độc sông Thị Vải, gần đây có Formosa hủy hoại bờ biển 4 tỉnh miền Trung, có bùn đỏ Tây Nguyên cùng với những sự cố từ các nhà máy trong nước. Việt Nam cần có chương trình và dự án bảo vệ môi trường ở cấp độ quốc gia. Không được để xảy ra các đại thảm họa môi trường như trong việc Formosa tàn phá môi sinh, thảm sát sinh vật biển trên một vùng rộng lớn. Nếu đã xảy ra thì cần tích cực minh bạch thông tin, thảo luận và hợp tác rộng rãi với dân chúng, hợp tác với quốc tế cùng nhau tìm biện pháp cứu chữa môi trường sau thảm họa. Người Việt sẽ thảo luận với nhau trong tầm nhìn và tấm lòng rộng lớn rằng bảo vệ môi trường không chỉ cho con người mà cho tất cả các loài sinh vật cùng sống chung trong môi trường thiên nhiên, trong vũ trụ này.

Nên chăng xem những chương trình, những dự án nói trên như là các phương tiện mới nhằm phục vụ cứu cánh mới tiếp theo tinh thần phóng sinh năm xưa. Những dự án này, chương trình này, một khi được vạch ra nghiêm túc và tiến hành nghiêm túc sẽ nâng cao dân trí hơn, đưa dân tộc ta tiến về hướng văn minh hiện đại một cách toàn diện hơn.

Lê Học Lãnh Vân 

Nguồn : Một Thế Giới, 17/02/2017

**********************

Điều tra vụ thả cá ngoại lai xuống Sông Hồng (RFA, 17/02/2017)

phongsinh2

Người dân thả cá được cho là cá Chim Trắng xuống sông Hồng hôm 5/2/2017. Screen shot

Bộ Tài nguyên và môi trường hôm nay vừa có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra vụ phóng sinh sinh vật ngoại lai xuống sông Hồng ở Hà Nội hôm 5 tháng 2 vừa qua.

Báo chí trong nước đưa tin hôm 5 tháng 2 vừa qua, một số người dân và nhà sư đã cho phóng sinh một lượng lớn cá chim trắng xuống bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng. Đây là loại cá được nhập về từ Nam Mỹ. Loại cá này có tập tính là săn môi theo đàn, ăn tạp, khá hung dữ.

Dư luận gần đây tỏ ra lo lắng về sự xuất hiện của loài cá này ở sông Hồng vì cho rằng chúng có thể ăn các loài cá và sinh vật khác trong hồ. Tuy nhiên cho đến lúc này báo cáo của chi cục Thủy sản Hà Nội vẫn chưa xác định chắc chắn vè nguồn gốc, chủng loại cũng như khối lượng cá được phóng sinh.

Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị Bộ Công an điều tra xác định thông tin và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương xác minh, kiểm tra mọi vấn đề liên quan việc nuôi tôm hùm đỏ ở tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là một sinh vật ngoại lai bị cho sẽ là mối đe dọa cho các loại tôm đang thả nuôi ở Việt Nam.

Additional Info

  • Author Lê Học Lãnh Vân
Published in Diễn đàn