Những ngày bão lũ gây khó khăn cho người dân Việt Nam nói chung, tất cả tấm lòng yêu thương đồng bào gần như được thống nhất khi mọi suy nghĩ chỉ hướng về những người hoạn nạn. Thế nhưng nếu chú ý, người ta sẽ nhận thấy là Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam không ngừng lợi dụng thời điểm này để đẩy mạnh chia rẽ khối người Việt Cộng hòa và người Việt Cộng sản. Bên cạnh đó, Những nhà thiết kế tư duy của Đảng Cộng sản cũng không quên giới thiệu công ơn và tinh thần hy sinh của Đảng và các cơ quan cứu nạn của nhà nước như quân đội.
Nhóm thiện nguyện mang những nhu yếu phẩm do mọi người quyên góp, hỗ trợ cho người dân vùng bị ngập lụt. Ảnh : NVCC.
Trong những dòng chảy công khai của truyền thông mạng xã hội, vẫn có một dòng chảy bí mật khác mà người miền Nam nói chung, hay là người Việt có tinh thần Cộng hòa ở trong nước nói riêng, im lặng chuyển cho nhau xem cùng sự ngao ngán và khinh bỉ. Sự lợi dụng chia rẽ của chế độ cộng sản trở nên đồi bại hơn bao giờ hết, vào lúc mà tất cả mọi người chỉ có tình thương trong hoạn nạn.
Chẳng hạn như tin nhắn trong một group có nhiều thành viên người Bắc, nói bão lụt cũng không nên quá lo bởi "lũ Nam kỳ sẽ ủng hộ cho chúng ta tiền bạc, vật chất thôi, các bác đừng lo lắng". Đây là một trong những tin nhắn được chụp lại và gửi cho rất nhiều group của người miền Nam, và nhận được những lời bình luận cay đắng. Chưa bao giờ người miền Nam nhận ra rõ ràng, sau 1975, một nửa đất nước vẫn còn là một vùng chiếm đóng và bị lợi dụng, đục khoét không thương tiếc. Thậm chí công dân của vùng đất này vẫn chưa bao giờ có được một tâm trạng bình an và bình đẳng, nếu không quỳ gối trước chủ nghĩa cộng sản.
Một tin nhắn khác đem lại những nụ cười chịu đựng của người miền Nam, khi nói rằng đây là lúc người miền Nam phải chuyển tài vật ra để cứu trợ cho miền Bắc, để trả ơn cho miền bắc đã chuyển cho miền Nam trong thời Covid. Nhắc đến dịch Covid, Là nhắc đến bao nhiêu nỗi ám ảnh của người miền Nam về chuyện đây là nơi duy nhất bị kiểm soát bởi quân đội và thiết quân luật. Mục đích thì dù được Chính quyền giải thích bằng rất nhiều danh từ đẹp đẽ, nhưng ai cũng hiểu là quân đội được đặt trong tư thế sẳn sàng trấn áp nếu như có bất kỳ sự bất mãn nào của số đông người miền Nam với cách giam nhốt và bỏ đói trong đại dịch.
Sài Gòn, thủ đô của "thế lực thù địch" dù đã bị cưỡng chiếm ngót nửa thế kỷ, nhưng sự thống nhất địa lý và lý tưởng giải phóng dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không giải thích được cách áp đặt, cống nạp đến hơn 80% tiền của làm ra mỗi năm để nộp về cho Hà Nội từ hơn 2 thập niên qua. Trong khi mọi nguồn lực được xây dựng cho những thành phố và tỉnh lỵ nghèo khó ở miền Bắc, thì miền Nam dù cật lực làm ra tiền nuôi cả nước vẫn không được bồi đắp cơ sở hạ tầng hay xây dựng mới gì đáng kể.
Vậy thì người miền Nam phải mang ơn gì của người miền Bắc ? Dĩ nhiên, khi xoáy sâu vào câu hỏi này, tức cũng đang mắc mưu Ban Tuyên giáo cộng sản. Bởi mục đích chính là họ luôn luôn làm cho Nam Bắc định kiến và kỳ thị lẫn nhau. Điều rất dễ hiểu. Bởi một quốc gia thống nhất về tình dân tộc và tinh thần bao dung thì không có chế độ cai trị độc tài nào có thể tồn tại được. Sự chia rẽ dân tộc chính là chất liệu đang nuôi sống chế độ cộng sản Việt Nam.
Có rất nhiều ví dụ như ở trên trong giai đoạn bão lũ. Nhưng chỉ kể đến đó thôi, cũng đã đủ cho thấy chiêu bài kích động và gây thù hằn giữa 2 miền là một trong những cách kiểm soát tư tưởng cốt lõi của Hà Nội. Những ngôn từ mang tính khiêu khích và gây chia rẽ, hằn thù và được khẩu ngữ hóa ở mọi nơi như ba que, đu càng, khát nước… được phát tán khắp nơi trên không gian mạng chứ không phải riêng lẻ ở một group hay diễn đàn nào.
Cái cách mà Hà Nội đang áp dụng để hủy hoại sức sống thống nhất tinh thần của một dân tộc, là chiêu bài được đàn anh Trung Quốc viết thành sách giáo khoa kiểm soát và thao túng tư duy của người ở Đại lục đối với Hồng Kông và Đài Loan.
Một dư luận viên cấp cao, được yêu cầu ẩn danh, tham dự những buổi tập huấn về các phương thức làm hỗn loạn đời sống, không gian mạng, đã kể rằng có thể gói gọn 5 tiêu chí của Ban Tuyên giáo đối với người Việt và dư luận hiện nay, đó là:
1. Kiểm soát truyền thông : Bên cạnh các phương tiện truyền thông lề Đảng như báo chí, truyền hình, và internet luôn bị kiểm duyệt nội dung và chỉ cho phép những thông tin có lợi cho chế độ, thì bất kỳ phản ứng ngược nào trên mạng đề bị tấn công qua hai lớp : đấu tố dư luận, và chỉ điểm cho cơ quan công an.
2. Giáo dục và tuyên truyền : Để nhà nước có tính chính danh, ngoài giáo dục cưỡng bức ở trường, các trang và tin tức ca ngợi về lịch sử, nhân sự của Đảng phải luôn được nhắc đến trong mọi địa bàn, và qua đó truy tìm những tư tưởng khác biệt để dồn sự tấn công bằng ngôn từ, hay tạo phong trào tố giác.
3. Đàn áp và kiểm soát các tổ chức xã hội : Để giữ độc quyền cai trị của Đảng, nhiệm vụ của dư luận viên là phải luôn phỉ báng, chê bai, thậm chí bóp méo hình ảnh hay phát biểu của các tổ chức xã hội, tôn giáo, và các nhóm cộng đồng có khả năng thách thức quyền lực của chế độ. Điều này giúp ngăn chặn sự hình thành của các phong trào đối lập, gán ghép cho họ những ngôn từ đơn giản như phản động, vô ơn, ba que…
4. Giám sát và theo dõi : Phân công phỉ báng các trang, status có nội dung độc lập, phát hiện các cá nhân có khả năng phản biện để báo cáo, chọn phương pháp đàn áp.
5. Tuyên truyền qua văn hóa và nghệ thuật : Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa là một trường hợp không khác Hồng Kông và Đài Loan. Hơn 49 năm qua, chính thể này đủ sức tạo cho mình một nền văn hóa mạnh và bền vững mãi mãi, bất chấp các luận điệu tuyên truyền và xuyên tạc của Nhà nước đương thời. Do đó phải tìm cách tấn công vàp văn hóa, sỉ nhục nhân sự miền Nam, đồng thời cố gắng mở rộng công tác ca ngợi con người và những giá trị của văn hóa cộng sản, đó là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng mà Ban Tuyên giáo muốn truyền đạt xuống cho các dư luận viên.
Đã hai tuần kể từ khi cơn bão Yagi ập xuống và đi qua, thiệt hại vật chất được tính bằng tiền nhưng thiệt hại về tinh thần và sự chia rẽ của con người Việt Nam dưới bàn tay uốn nắn của chế độ cộng sản thì không thể tính nổi. Một mặt khích động lòng yêu quê hương của người Việt tự do hải ngoại, mộtc mặt tạo phong trào để người miền Nam với tâm tính thuần hậu và yêu con người ra sức giúp đỡ người hoạn nạn, nhưng bên cạnh đó chê bai, tạo chia rẽ… vẫn là những tiêu chỉ quan trọng mà Ban Tuyên giáo thúc đẩy dư luận viên phải lên tiếng mỗi ngày. Tiền thì Mặt trận Tổ quốc thu nhận được ngày càng nhiều nhưng cũng không quên hun đúc sự thù hằn trong lòng dân tộc giữa người miền Bắc và người miền Nam. Đó là món lợi chia để trị quan trọng nhất mà Đảng cộng sản đã gieo và thu về mỗi ngày.
Nam Việt
Nguồn : RFA, 19/09/2024
Từ thiện và phẩm giá người vùng lụt
Huỳnh Nhơn, RFA, 31/10/2020
Đây sẽ là một bài viết không có nhiều con số từ các nghiên cứu chính thức về bản chất của cứu trợ, công tác xã hội, tính bền vững của cứu trợ xã hội và phẩm giá của người được cứu trợ.
Một người dân vùng lũ nhận tiền từ người tình nguyện ở Quảng Bình hôm 23/10/2020 Reuters
Vì tôi sẽ nói về cảm xúc của mình khi nhìn những đôi tay xòe ra, ánh mắt van vỉ, cử chỉ xin xỏ và thái độ nằn nì của khá nhiều người dân miền Trung, các vùng ngập lụt bão lũ, thể hiện qua các video live stream mà nhóm của ca sĩ Thủy Tiên đang trực tiếp đến phát tiền.
Tôi sẽ ăn gạch đá đủ cho bài viết này.
- Người ta đang đói còn đòi giữ thể diện à ? Mất não.
- Người miền Trung chất phác như vậy thôi, không lẽ phải mặc đồ đẹp lên nhận tiền cứu trợ à ?
- Nhà cửa tài sản cả đời người ta trôi hết mất rồi, quá khổ nên mới vậy. Thớt có cho được ngàn nào hay ngồi đó cào phím ?
- ĐHS (x hiểu sao) giờ này vẫn có thằng sân si dòm ngó từng cái chuyện nhỏ của người ta. Giỏi thì đi làm phụ chị Thủy Tiên đi không ai mượn làm thánh phán nha cha nội.
Đại loại phản ứng của đại đa số người đọc Việt Nam sẽ là như vậy.
…
Trên các video của ca sĩ Thủy Tiên, hôm qua đã bắt đầu có náo loạn. Người dân được phát tiền theo phiếu nhưng vẫn có nhiều người chen hàng, kéo theo người khác, trình bày kể khổ. Cô cũng dễ dàng rút thêm tiền đưa một số người có vẻ ngoài đáng thương. Trước đó, một ông cụ ở Hà Tĩnh vay ngân hàng 200 triệu đồng và bị nước cuốn mất gia súc cũng nằn nì xin thêm tiền, ngoài số 10 triệu Thủy Tiên phát cho mỗi hộ. Nghe xong ông cụ trình bày và hỏi vài câu với người dân địa phương, cô quay người rút ngay 200 triệu đồng đưa lập tức.
"Chị Thủy Tiên tốt lắm. Cứ thấy người già là chị cho thêm tiền à" - fans của Thủy Tiên bắt đầu bùng nổ comments (cmt).
Vài lời cảnh báo, lo ngại sự cảm tính trong hành động này chìm nghỉm trong đại dương tung hô "Chị Thủy Tiên đúng là tiên giáng trần cứu giúp dân miền Trung" "Chị là Phật sống chị ơi". Sự rộng lượng của dân mạng nhanh chóng lây qua chồng cô-cựu danh thủ Công Vinh : "Bàn thắng lớn nhất trong đời của Công Vinh chính là Thủy Tiên".
Và vô số cmts bộc phát : "Chị ơi xin ghé nhà em, xóm em, đau lòng lắm, không còn gì ăn, sắp chết đói, 12 ngày rồi không một đoàn nào cứu trợ"…
Và cũng rất nhanh, có những cmts an ủi : "Bạn ơi chờ đi thế nào chị Tiên cũng đến mà".
Rồi cũng bắt đầu có những cmts : "Gia đình tôi ở đây đóng đủ hết tiền mà xã không phát phiếu nhận tiền, thật sự không công bằng".
Thực tế, ngay sau đó tại vài nơi Thủy Tiên đi phát tiền đã có những người dân sau khi nhận tiền thì quay lại thắc mắc tại sao người ít người nhiều.
Những người có chuyên môn về hoạt động xã hội đã lo lắng tình trạng này.
Phạm Trường Sơn, Giám đốc các chương trình NPO của Trung tâm LIN (một tổ chức phi chính phủ) viết một status được nhiều người trong nghề đồng tình.
"VÀI CÂN NHẮC KHI TRAO QUÀ TỪ THIỆN (hoạt động sau cứu trợ khẩn cấp)
Từ thiện là công việc của nhân đạo cần sự tử tế và bao dung, công việc sẽ chắc chắn nhiều nhóm làm hậu thiên tai. Số lượng hay chất lượng của món quà chỉ là phần nhỏ mà tấm lòng người trao mới là phần quan trọng. Vì vậy cần tránh :
1. Quy tụ một số đông người ở Ủy ban xã và mang tới một đống quà để bà con xếp hàng phát. Việc làm này hoàn toàn không đúng vì nó không thể hiện có giao tiếp và rất cao thấp. ĐÂY LÀ BỐ THÍ.
Cần làm : khi quy tụ nhiều người cần tổ chức như 1 buổi họp mặt bà con như hội chợ mua sắm, nếu được có văn nghệ phục vụ và phân nhiều quầy để bà con nhận nhiều loại quà. Nếu cẩn thận thì tìm hiểu trước xem bà con cần gì và chuẩn bị quà phù hợp.
2. Khi đến từng nhà trao thì không nên thực hiện cho nhanh để đi trao tiếp nhà khác vì ĐÓ LÀ ĐI CHO CÓ LỆ.
Cần làm : dành 5/10 phút vào nhà ngồi trò chuyện, hỏi thăm bà con. Xin phép được chụp hình hay quay phim và lễ phép trao chút tấm lòng, nhấn mạnh là quà này của nhiều người nhờ mình trao tặng lại và chúc sức khỏe bà con.
3. Cần dẹp bỏ THÁI ĐỘ BỀ TRÊN cao thấp hay trịch thượng xem mình là thánh nhân đến trao quà từ thiện. Việc như vậy rất thường xảy ra ở cả những người đi làm từ thiện nhiều hay ít gặp phải.
Cần làm : từ thiện sử dụng thêm lý trí và lòng bao dung, nếu tặng trẻ em, người già cần cúi chút người xuống để mình bằng với họ và nâng hai tay trao món quà của mình cũng là tấm lòng thành của nhiều người gởi gắm.
Nho nhỏ thế nhưng thực hành rất khó khăn, tuy nhiên khi đã làm được như vậy, bảo đảm người nhận và người trao đều cảm thấy ấm lòng".
Chúng tôi từng đến khá nhiều ngôi nhà nuôi những người già bán vé số. Thoạt nhìn, ai cũng đáng thương đến tức tim. Cái gì họ cũng cần, cái gì cũng thiếu. Nhưng lân la qua lại một thời gian dài, cộng với tìm hiểu thêm ở những người xung quanh, chúng tôi vỡ ra một sự thật. Ngôi nhà bẩn thỉu, gãy vỡ từng được một người hảo tâm đề nghị sơn sửa cho sạch sẽ, nhưng chính các cụ không đồng ý. Tặng áo quần đã mặc qua nhưng còn mới đến 80%, các cụ không mặc. Tặng xe lăn, các cụ không dùng. Thậm chí chính quyền đã đề nghị mua lại chính ngôi nhà các cụ đang ở chung rồi giao cho họ quản lý, các cụ không đồng ý nốt. Vì khi mặc quần áo trông khổ sở, sống trong ngôi nhà tăm tối, chống nạng hay lê lết đi trên đôi tay hay chiếc ghế thì các cụ mới bán được nhiều vé số nhất, hay được nhiều nhóm từ thiện tặng nhất, mỗi lần tặng nhiều quà nhất. Đấy mới là nguồn lợi lâu dài và lớn nhất của các cụ.
Người dân ở Mỹ Thượng Lộc, Quảng Bình nhận hàng cứu trợ hôm 26/10/2020 Reuters
Tôi từng đi tặng quà đêm Giáng sinh với các bạn trẻ trong nhà thờ. Trước khi đi trao quà, chúng tôi được dạy kỹ : Phải tìm đến những người vô gia cư, người lang thang vỉa hè thật sự. Khi trao, phải giữ cơ thể bằng độ cao với họ (ví dụ họ đứng thì mình đứng, họ đang ngồi hay nằm thì mình phải ngồi hẳn xuống), xin chào, tự giới thiệu và trao quà bằng hai tay. Trao xong phải gửi một lời chúc chân thành.
Khó thực hiện như thế lắm. Chúng tôi đi trao quà trong khi dòng thanh niên bằng tuổi lên quần áo lộng lẫy đi chơi. Khi tìm đến một người vô gia cư, ngồi xuống với họ là đối mặt với hàng chục, hàng trăm ánh mắt tò mò từ dòng người nhìn ngó. Mình cũng là thanh niên như họ thôi, không khỏi có chút e ngại, ngượng ngùng.
Nhưng sau khi gặp ba bốn người, tôi hiểu vì sao các tu sĩ dặn kỹ như vậy. Vì chỉ khi ngồi xuống ngang bằng với những người vô gia cư rách rưới nhem nhuốc, nhìn thẳng vào mắt họ và cuối cùng cũng có thể nói ra một câu chúc chân thành từ đáy lòng, chúng tôi đã thấu được thêm một tầng ý nghĩa của câu nói có trong kinh của tất cả các đạo "Chúng ta đều là anh chị em".
Hôm qua ca sĩ Phương Thanh có một status gây bão dư luận.
Cô viết : "Sáng nay Chanh đi từ thiện 1 làng bị cô lập ở miền núi. Nhiều người dân trên bờ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ không nằm trong vùng lũ cũng canh me, đồn : đoàn Thủy Tiên tới cho tiền kìa 10 triệu.Toàn canh me 10 triệu. Không bị lũ lụt lắm cũng canh me tiền. Vô tình tính tham của con người cũng bắt đầu trỗi dậy.
Tiền đi trước có lợi trước, nhưng về hậu sẽ gây ra nhiễu loạn vì ai cũng nhắm vào tiền và đồ nhu yếu phẩm bị vứt bỏ (tấm lòng của biết bao người mua ngày thức làm đêm cực khổ). Người đang cần thì không có, người không cần thì bị phát dư thừa xong đem vứt bỏ".
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (báo Thanh Niên) cũng viết trên facebook :
"Mình đi phát quà từng nhà, theo khảo sát trước, mỗi nhà 500 ngàn. Định mức này do người tài trợ yêu cầu.
Phát cho ai phải ghi vào biên nhận, có họ tên, địa chỉ, số CMND, số điện thoại từng người.
Đang phát, tự nhiên mọi người bỏ chạy rần rật. Vừa chạy vừa la : Thủy Tiên, Thủy Tiên !
Chờ mãi rồi họ cũng về, mặt mày rạng rỡ, xòe tiền ra bảo : 3 triệu".
Nên nghĩ gì đây ?
***
Trong một nghiên cứu năm 2015 của Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam mang tên "Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện", 75% người được hỏi nói một trong những động cơ khiến họ làm từ thiện là để tích đức, tạo phúc cho chính mình và con cháu. Động cơ này khiến người làm từ thiện không cần biết về hoàn cảnh hay tương lai của người được nhận từ thiện. Và sẽ có cuộc tranh giành từ thiện, "từ thiện du lịch", "từ thiện úp phây", "từ thiện quảng cáo", "từ thiện giải nghiệp"… chỉ làm hèn đớn người nhận từ thiện. Những người gặp hoàn cảnh khó khăn đang vô thức tự nguyện và bị biến thành ăn mày.
Sự không may mắn có thể đến với bất cứ ai trong chúng ta bất cứ khi nào. Nhưng nếu người được giúp đỡ có cảm nhận về sự thua thiệt vật chất càng sâu (dù vô thức), thì người trao tặng càng phải chân thành, trân trọng hơn để tránh cứa lên vết thương tinh thần đó.
Trao con cá hay cần câu đều quý giá, nhưng quý giá và bền vững hơn hết là khơi được sự tự tin vào chính bản thân của người đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Có như vậy họ mới có thể quật cường thực hiện tâm niệm "sau cơn mưa trời lại sáng".
Dân miền Trung có một câu tục ngữ nói về từ thiện rất chính xác : "Được mùa thì siêng hơn nhác, mất mùa thì nhác lại hơn siêng". Nhác là lười biếng. Ý nghĩa câu này là khi mất mùa, thiên tai thì những người lười biếng sẵn có cuộc sống khổ sở rách rưới sẽ được bố thí nhiều hơn những nhà chăm chỉ làm ăn, bình thường khá giả, sáng sủa hơn.
Do vậy, khi tình hình khẩn cấp không còn, việc cứu trợ phải được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp, theo chiều sâu. Nếu không nó hoàn toàn trở thành phát chẩn. Nhưng tương lai của phát chẩn thì chỉ là sự tăng cấp của những căn nhà lụp xụp, những tấm lưng còng rạp, gương mặt khổ sở, hoàn cảnh bi đát.
Và sự xuống cấp thảm thương của ý thức xã hội.
Huỳnh Nhơn
Nguồn : RFA, 31/10/2020
**********************
Diễm Thi, VNTB, 31/10/2020
Báo Quảng Bình online vào tối 29/10/2020 đăng thông tin cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thu tiền lại của người dân sau khi ca sĩ Thủy Tiên phát là có thật, nhưng là để "đảm bảo sự công bằng, hài hòa và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm".
Sáng ngày 29/10/2020, một facebooker đã bức xúc viết trên Facebook sau khi bị thôn thu lại tiền : "Nhà mình ngập lụt được Thủy Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi".
Ngay tối hôm đó tác giả Kỳ Sơn đã thanh minh cho hành động của thôn Ngọa Cương qua bài viết " Cần hiểu rõ bản chất hoạt động thu tiền cứu trợ ở thôn Ngọa Cương, Quảng Bình" (1).
Trong đó Kỳ Sơn đã chỉ ra rằng việc thu lại tiền là nhăm "đảm bảo sự công bằng, hài hòa và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, những năm trước đây, ban cán sự và người dân thôn Ngọa Cương đã bàn bạc, đi đến thống nhất chủ trương, khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hóa thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại".
"Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng".
Lần này, với số tiền ủng hộ của ca sĩ Thủy Tiên, ban cán sự thôn cũng thực hiện như những năm trước đây".
Kỳ Sơn cho rằng "do chưa nắm bắt, tìm hiểu kỹ thông tin, chủ tài khoản Facebook "Nguyen Thi Hang Nguyen" đã vội vàng đăng tải thông tin nên gây hiểu nhầm, phản ứng trong dư luận và cộng đồng mạng".
Sau khi được ban cán sự thôn giải thích cặn kẽ vào lúc 14g30 cùng ngày, chủ tài khoản Facebook "Nguyen Thi Hang Nguyen" đã gỡ bỏ thông tin đăng tải và đăng thông tin đính chính".
Ngày 30/10/2020, bà Nguyễn Thị Tĩnh – chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) – cho biết vừa yêu cầu Ban cán sự thôn Ngọa Cương trả lại toàn bộ số tiền hơn 400 triệu mà thôn đã thu của những hộ dân trong thôn ngay sau khi chuyện lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Bà Tĩnh khẳng định ngay sau khi nắm sự việc xã này đã chỉ đạo thôn trả lại ngay. "Việc cán bộ thôn tự ý thu lại tiền nhu thế là không được, dù bất cứ lý do gì", bà Tĩnh nói (2).
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Trạch Đậu Xuân Thủy cho hay sau khi nhận tiền hỗ trợ thì một số người tự nguyện gửi lại số tiền cho thôn để phân chia cho những người khác cũng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Theo ông Đậu Xuân Thuỷ, thôn Ngọa Cương có 170 hộ nhưng chỉ có 69 hộ được nhận tiền hỗ trợ nên người dân có tinh thần san sẻ, nhường nhau (3).
Ông Hoàng Anh Dũng – Bí thư xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình) thì nguyên nhân dẫn đến sự việc cán bộ thôn thu lại tiền của người dân là các hộ dân bị ngập lụt đến cư trú tại những hộ không bị ngập. Cán bộ thôn và người dân thôn Ngọa Cương đã bàn bạc, thống nhất khi có hoạt động cứu trợ bão lũ, đối với hàng hóa người dân được sử dụng, còn tiền mặt thôn sẽ thu lại (4).
Cũng theo ông Hoàng Anh Dũng thì do thôn này có hơn 150 hộ dân nhưng có 69 hộ dân bị ngập lụt.
Như vậy giữa ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của huyện và ông Bí thư xã Cảnh Hóa đã không khớp nhau về số hộ dân thật có trong thôn là 170 hay 150 hộ dân.
Việc cứu trợ cho 69 hộ dân bị ngập chỉ có thể được thực hiện sau khi cán bộ Thôn báo danh sách cho các đoàn từ thiện mà ở đây cụ thể là đoàn từ thiện của Thủy Tiên. Chỉ có 69 hộ bị ngập thì 69 hộ đó được cứu trợ là điều hợp lý.
Nếu nói là tình làng nghĩa xóm, thì hộ không ngập đón hộ bị ngập đến ở tạm vài ba ngày thì trong khi nhà cửa tài sản của họ bị cuốn trôi và hư hại thì không ai nỡ đòi tiền ăn tiền ở như khi lưu trú ở khách sạn ?
Việc trả ơn cho nhau giữa những người ờ nhờ và người cho ở nhờ phải dựa trên tinh thần tự nguyện và tự thỏa thuận giữa hai bên chứ cán bộ thôn không thể và không có quyền can thiệp bằng cách thu lại tiền để chia cho đồng đều cả thôn.
Tác giả Kỳ Sơn cho biết thôn Ngọa Cương thường bị ngập úng và thiệt hại khá nặng khi có lũ lụt vì đây là một trong những thôn có địa thế trũng thấp của xã Cảnh Hóa. Hàng năm, khi có thiên tai xảy ra, nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đến cứu trợ.
Vậy cán bộ thôn đã làm gì để giảm thiểu thiệt hại cho người dân khi đã biết lũ lụt sẽ diễn ra hàng năm ngoài việc cứ xong lũ thì lại loan tin rằng "để sớm khắc phục hậu quả thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, ổn định cuộc sống, sinh hoạt, người dân Quảng Bình rất cần sự chung tay giúp đỡ, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm".
Những nghi ngờ về sự minh bạch của việc thu lạị sau đó lại phân chia theo ý của thôn lại được tác giả Kỳ Sơn nhanh nhẩu quy kết rằng có thể làm cơ sở "để các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá, làm ảnh hưởng đến hoạt động thiện nguyện và uy tín của cấp uỷ, chính quyền các cấp".
Người Việt với nhau vẫn mang tâm thế lá lành đùm lá rách, thấy người lâm hoạn nạn không ai nỡ làm ngơ, nhưng cứ cái kiểu góp tiền thì người dân bị thôn xóm thu lại, góp quà thì trưởng thôn trưởng xã không cho phát vì không có giấy phép thì đến một lúc nào đó thì sẽ không ai còn muốn làm nữa.
Việc cứ mỗi lần lũ lụt lại cứu trợ là phát sinh từ lòng tương thân tương ái, nhưng vô hình trung lại làm cho những cấp uỷ, chính quyền các cấp trở thành vô trách nhiệm trong việc ngăn ngừa thiên tai, nhân tai. Khi có thiệt hại gì đã có các đoàn từ thiện cứu giúp khắc phục thiệt hại là xong chuyện. Rồi lại chờ đến mùa lũ năm sau, mọi chuyện lại lặp lại y như vậy.
Quảng Bình trong những năm qua đã chi mạnh tay cho các công trình tượng đại to vật vã ngốn đến hàng trăm tỷ ngân sách nhưng vẫn thất bại trong việc phòng chống lũ cho dân hết năm này đến năm khác.
Tỉnh nghèo chuyên nhận gạo cứu đói Quảng Bình có quảng trường 120 tỷ ở chưa bàn giao đã hư hỏng (2) ; tượng đài bác hồ 78,8 tỷ mới hoàn thành ngay trong đại dịch Covid (3) ; cổng chào 13,7 tỷ để chào mừng đại hội đảng (4) ; trong khi lũ lụt hoành hành đảng viên Quảng Bình vẫn thản nhiên tiến hành đại hội Đảng ; trước đó nếu không có Facebook có lẽ Quảng Bình đã chi 2,2 tỷ mua cặp da cho đảng viên về dự Đại hội đảng (5).
69 hộ dân, mỗi hội nhận 6 triệu đồng, vị chi là 414 triệu vẫn chưa bằng cái số lẻ 13,7 tỷ được dùng xây cho cái cổng chào vô bổ ở ngay trên cửa ngỏ vào tỉnh nghèo chơi sang Quảng Bình.
Ca sĩ Thủy Tiên đã công khai tuyên bố, tiền từ thiện dành cho bà con không ai cần phải nộp lại. Có người lên tiếng trên mạng xã hội trách rằng người dân thôn Ngọa Cương vì dân trí thấp, thậm chí cả vì ngu mới chịu nộp lại tiền như vậy.
Nhưng có lẽ khi có các đoàn thiện nguyện ở đó thì người dân đồng ý không nộp lại. Khi chỉ còn người trong thôn, trong xóm với nhau thì áp lực từ mọi phía sẽ khiến cho họ khó mà không phải nộp lại tiền cho quan xóm, qua thôn, quan xã cho yên chuyện. Hãy cứ nhìn vào hai dòng trạng thái của người đã đưa tin lên mạng xã hội thì có thể thấy cô ấy cũng đã bị áp lực để phải lên tiếng xin lỗi công khai như thế nào.
Vì vậy, từ việc thu lại tiền một cách công khai này, có lẽ ca sĩ Thủy Tiên cũng như tất cả các đoàn thiện nguyện khác nên xem xét lại việc phát tiền cho bà con vùng lũ.
Thay vì đưa tiền mặt thì nên nghĩ đến việc giúp đỡ bằng hiện vật hay những công trình có giá trị sử dụng bền vững, hạn chế thiệt hại lũ lụt trong tương lại như xây nhà chống lũ, xây nhà tránh bão lũ chung cho cả cộng đồng có dự trữ lương thực, thuốc men, máy phát điện, vật dụng neo chống nhà…
Đã tới lúc chúng ta phải suy nghĩ lại cách làm từ thiện của chính mình và hướng về những ý tưởng từ thiện bền vững. Và hơn hết, bắt đầu từ việc trồng lại rừng, khôi phục thảm thực vật, và giảm thiểu bê tông hóa sau đó tiến tới xóa bỏ các đâp thủy điện để chuyển sang sử dụng năng lượng xanh như địện mặt trời hay điện gió.
Cứ mãi làm thiện nguyện bằng cách phát tiền lặp đi lặp lại mỗi mùa bão lũ thì bài toán ngập lụt sẽ chẳng có ai nào thèm giải quyết.
Diễm Thi
Nguồn : VNTB, 31/10/2020
Ghi chú :
(2) https://tuoitre.vn/xa-da-yeu-cau-thon-tra-lai-tien-dan-duoc-ca-si-thuy-tien-ho-tro/20201030150951356.htm
(6) https://dantri.com.vn/chinh-tri/quang-binh-xay-tuong-dai-bac-ho-gan-79-ty-dong/20181212135329053.htm
(8) https://tuoitre.vn/bi-thu-quang-binh-dung-ngay-viec-chi-2-2-ti-mua-cap-da/20200827171447895.htm
**********************
Quảng Bình : Huyện yêu cầu cán bộ trả lại hơn 400 triệu đồng tiền cứu trợ của Thủy Tiên cho dân
RFA, 30/10/2020
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào ngày 30/10 cho hay, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa trả lại tiền cho người dân sau khi sự việc bị đưa ầm ĩ trên mạng xã hội.
Người dân vùng lũ nhận tiền và thực phẩm cứu trợ ở xã Mỹ Thượng Lộc, tỉnh Quảng Bình hôm 26/10/2020 -Reuters
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trong cùng ngày dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Anh như vừa nêu. Ông cũng cho biết thêm nguyên nhân vì sao cán bộ thu tiền của dân, huyện sẽ cho làm rõ ngay và xử lý sau.
Trước đó vào ngày 28/10, ca sĩ Thủy Tiên và chồng là cựu ngôi sao bóng đá Lê Công Vinh đã về xã Cảnh Hóa đại diện các nhà hảo tâm trao tiền mặt cho đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ.
Xã Cảnh Hóa có 703 hộ nhận hỗ trợ, mỗi hộ được 6 triệu đồng ; riêng thôn Ngọa Cương có 69 hộ được nhận hỗ trợ tổng cộng là 414 triệu đồng.
Sau khi người dân thôn Ngọa Cương nhận số tiền nói trên thì Ban cán sự thôn đã đến thu lại toàn bộ số tiền trên, nói là để chia đều cho 170 hộ của thôn.
Ông Đậu Xuân Thủy - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Trạch nói với VTC News rằng, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh việc cán bộ thôn Ngọa Cương thu lại tiền cứu trợ của dân, huyện yêu cầu xã Cảnh Hóa về làm việc với thôn để trả lại số tiền đã thu của người dân.
"Toàn bộ thôn Ngọa Cương có 170 hộ nhưng chỉ có 69 hộ bị ảnh hưởng mưa lũ. Ý của thôn là thu lại số tiền cứu trợ của 69 hộ để chia đều cho 170 hộ.
Hiện Ban cán sự thôn Ngọa Cương cùng với lãnh đạo xã Cảnh Hóa gọi người dân lên để trả lại số tiền đã thu", ông Thủy nói.
Trong video phát trực tiếp vào chiều 29/10/2020, ca sĩ Thủy Tiên cho biết đã nhận được thông tin về việc có nơi thu tiền lại của người dân và sẽ xác minh làm rõ để lấy lại tiền cho người dân.
Thủy Tiên cũng căn dặn nhiều lần với người dân là bà con phải giữ tiền và "không được đưa số tiền này cho ai" nếu không cô sẽ thu lại.
Nguồn : RFA, 30/10/2020
********************
Thiên tai và các… nghị quyết !
Trân Văn, VOA, 30/10/2020
Bão Molave ở Hội An, ngày 28/10/2020. Photo Reuters via mạng xã hội
Bão Molave vừa qua, nhiều nơi ở miền Trung tan hoang, cư dân chưa hoàn hồn thì lũ quét, sạt lở xảy ra dồn dập. Ba vụ sạt lở xảy ra trong 24 giờ ở tỉnh Quảng Nam (một ở xã Trà Leng, một ở xã Trà Vân cùng thuộc huyện Nam Trà My, một ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) đã chôn sống vài chục người (1). Chưa kể khoảng 200 công nhân đang thi công Thủy điện Đăk Mi 2 bị lũ cô lập ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam (2)…
***
Quảng Nam là một trong những tỉnh dẫn đầu Việt Nam về số lượng các dự án thủy điện. Tính đến 2016, tại Quảng Nam có 10 dự án thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt và 32 dự án thủy điện do chính quyền tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Đó cũng là lý do Quảng Nam nổi tiếng vì hạn hán vào mùa khô do thủy điện tích nước, động đất liên tục ở những huyện liền kề Thủy điện Sông Tranh 2...
Tháng 9 năm 2016, Thủy điện Sông Bung 2 vỡ cống dẫn dòng, hai công nhân thiệt mạng, một ngôi làng ở xã La Ê, huyện Nam Giang bị xóa sổ và nghe tin này, vài ngàn dân ở hai xã Đại Sơn, Đại Lãnh, huyện Đại Lộc vội vàng chạy lên núi lánh nạn vì đã từng suýt chết khi Thủy điện A Vương, Thủy điện Đăk Mi xả lũ… Sau tai nạn ấy, một số lãnh đạo cấp huyện ở Quảng Nam đề nghị cảnh giác với thủy điện vì… mất nhiều, được ít (3) !
Chẳng phải đến lúc ấy các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương mới nhìn ra thủy điện là phong tràomất nhiều, được ít.Trước đó ba năm, sau khi thẩm tra các công trình thủy điện, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Việt Nam đã cảnh báophong trào xây dựng thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường cả về chất lượng lẫn hủy diệt rừng (4).
Song chẳng cảnh báo, khuyến cáo nào ngăn được thủy điện. Oán thán về thủy điện do lũ lụt, hạn hán càng ngày càng trầm trọng nên tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Việt Namyêu cầu gia tăng kiểm soát quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện,loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường, đời sống dân chúng, buộc chủ đầu tư trồng rừng thay thế (5)…
Tuy nhiên chỉ đạo vừa kể giống như… chiếu lệ ! Ngay trong năm 2017, chính quyền nhiều địa phương tiếp tục đề nghị… bổ sung nhiều dự án vào quy hoạch thủy điện và Quảng Nam tiếp tục đi tiên phong. Giữa năm 2017, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam nhất trí… bổ sungbốn dự án vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ ở Nam Trà My dù nhiều đại biểu không tán thành vì không cần thiết và chưa tính kỹ về tác hại (6)...
Vị trí ba vụ sạt lở đất vừa xảy ra ở huyện Nam Trà My và huyện Phước Sơn đều nằm trong khu vực bị tác động của các dự án thủy điện mà chính quyền tỉnh quảng Nam đề nghị và HĐND tỉnh Quảng Nam… nhất trí bổ sung cách nay hơn ba năm vì… quy mô nhỏ, chẳng mất bao nhiêu rừng nên ảnh hưởng đến tự nhiên và môi trường sinh thái không đáng kể !
***
Tuy mưa bão, lũ lụt, hạn hán luôn song hành với sinh hoạt của nhiều thế hệ người Việt nhưng chưa bao giờ lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ, sông, bờ biển tại Việt Nam lại nhiều và trầm trọng như 20 năm vừa qua. Đây là khoảng thời gian tương ứng với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa để khẳng định sự ưu việt của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cách nay hai năm, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn loan báo, từ 2000 – 2015, ở Việt Nam có 250 vụ lũ quét, sạt lở. Vào thời điểm đó, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, chỉ khảo sát 10 tỉnh vùng núi ở miền Bắc Việt Nam, đã xác định được 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất, trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt đất lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.
Chuyên gia nhiều ngành từng cảnh báo nhiều lần, lũ lụt, lũ quét, sạt lở không đơn thuần do mưa bão. Đó là hệ quả của đốn trụi rừng ở những khu vực có độ dốc lớn nên trời mưa, nước dồn vào sông, suối nhanh, nhiều hơn, đất bị phong hóa trầm trọng hơn và mức độ liên kết trong kết cấu suy giảm. Thủy điện chỉ là một trong những nguyên nhân. Cho phép tận thu đủ loại tài nguyên (khoáng sản, cát sông, cát biển…), di dân thiếu viễn kiến và phóng tay phê duyệt đủ loại dự án, kể cả dự án giao thông bất chấp khoa học và hậu quả khiến cấu trúc địa chất biến dạng nên sạt lở xảy ra khắp nơi, cả ở đồng bằng, khu vực ven sông, ven biển.
***
Ngoài Nam Trà My, Phước Sơn, các huyệnBắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Quế Sơn ở Quảng Nam,Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninhở Quảng Bình,Hướng Hóa, Cam Lộ, Đăkrong, Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh ở Quảng Trị,A Lưới, Phong Điền, Hương Thủy, Nam Đông, Hương Trà ở Thừa Thiên – Huế,Trà Bồng, Ba Tơ, Đức Phổ, Minh Long, Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa ở Quảng Ngãi,Sa Thầy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Kon Plong, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đăk Tô, thành phố Kon Tum, Đắk Hàở Kon Tum cũng vừa được cảnh báo :Nguy cơ xảy ra sạt lở đang ở mức rất cao (7).
Bão Molave vừa qua, bão Yoni – trận bão thứ mười trong năm nay sắp sửa đổ vào, giống như mọi năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ chờ đểchỉ đạo – triển khai… tìm kiếm - cứu nạn.Trong hai thập niên vừa qua, chủ trươngcông nghiệp hóa – hiện đại hóa theo các… nghị quyết, chiến lược phát triển của… Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng để xây dựngkinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra được bao nhiêu ngàn tỉ và chi phí khắc phục đủ loại hậu quả, cộng với đủ loại thiệt hại cả về tính mạng lẫn tài sản của thường dân do lũ lụt, lũ quét, sạt lở ngốn hết bao nhiêu ngàn tỉ ? Có tương xứng hay không ?
Năm 2012, một số chuyên gia củaViện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" để xác lập hai loại bản đồ : Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai.Sau tám năm, họ chỉ mới lập đượcBản đồ hiện trạng trượt lở đất đai tại 22 tỉnh, thành phố và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai ở 15 tỉnh miền Bắc Việt Nam (8). Những chuyên gia này đã từng đề cập nhiều lần về việc xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ, hệ thống quan trắc nhưng chẳng đến đâu vì… thiếu tiền.
Các chuyên gia địa chất cũng đã từng đề cập đến việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mà theo ước đoán của họ, trị giá khoảng vài trăm triệu Mỹ kim song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng… không bận tâm, dẫu chi tiêu cho hệ thống này chẳng thấm vào đâu so với các khoản đã chi cho hệ thống… cổng chào, tượng đài, nhà hát, quảng trường ! Loạt bài doTin tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hồi đầu năm ngoái về thực trạng sạt lở ở Việt Nam cho thấy… không màng là trở ngại lớn nhất đối với phòng ngừa thảm họa (9). Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã lưu ý, ngay cả khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc tự động mà không màng thì… vô nghĩa.
Hai vụ sạt lở ở lưu vực Rào Trăng (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) chính là ví dụ minh họa mới nhất cho… không màng. Giữa năm ngoái, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã từng cảnh báo, nguy cơ sạt lở ở lưu vực Rào Trăng rất cao (10) nhưng không ai màng nên không có giải pháp phòng ngừa, kế hoạch hành động nếu xảy ra thảm họa. Đó là lý do sau khi xảy ra sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương (Phó Tư lệnh một quân khu, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai, Phó Chủ tịch tỉnh…) mới dẫn nhau đi xem xét… hiện trường và có thêm 23 người uổng mạng vì một vụ sạt lở khác !
Mưa bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở ở miền Trung đã kéo dài cả tháng, dẫu thực tế chỉ ra, sự hiện diện của vô số công trình thủy điện khiến hậu quả của thiên tai càng ngày càng trầm trọng nhưng không viên chức hữu trách nào bận tâm. Thậm chí ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, còn thản nhiên bảo rằng :Thủy điện nhỏ vẫn tồn tại trong quy hoạch với những hình hài mới vì hồi tháng 2 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết (Nghị quyết số 55-NQ/TW) về phát triển nhanh và bền vững của ngành điện đã xác định… "phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng" để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (11) !
Cho đến giờ này, dù muốn, ráng tìm cũng không thể thấy chỗ để bấu víu mà hy vọng rằng tiến trình phát triển ở Việt Nam sẽ thật sự bền vững vì dựa trên kiến thức, thành tựu khoa học – kỹ thuật và sự hợp lý, hợp tình như thiên hạ. Mọi thứ, kể cả giải quyết những vấn nạn liên quan tới môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của thiên tai vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các… nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng. Xứ sở tan hoang, dân chúng điêu linh đến mức nào cũng không thể ngăn các… nghị quyết !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/10/2020
Chú thích
(1) https://vneconomy.vn/ba-vu-sat-lo-dat-nghiem-trong-o-quang-nam/20201029152708963.htm
(3) https://nongnghiep.vn/tinh-ngheo-cong-42-thuy-dien-mat-nhieu-duoc-it-d179960.html
(4) http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/638768/quy-hoach-xd-thuy-dien-van-de-nong-la-hai-hoa-loi-ich
(6) https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-them-thuy-dien-nen-chang-65573.html
(8) http://www.monre.gov.vn/Pages/15-tinh-mien-nui-phia-bac-da-co-ban-do-canh-bao-truot-lo-dat-da.aspx
(11) https://congthuong.vn/van-de-thuy-dien-nho-phai-duoc-nhin-nhan-ro-rang-146202.html
**********************
Qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 30/10/2020
Trận lũ lịch sử và tình người trong hoạn nạn
Một trận lũ được gọi là lịch sử, nhấn chìm mọi làng mạc, mọi thứ có thể ở hạ lưu các con sông. Đời sống người dân vô cùng gian nan và khổ sở, tính mạng bị đe dọa từng ngày, từng giờ. Công lao xây đắp, vun vén của hàng vạn gia đình ở Miền Trung đã phút chốc trôi theo dòng nước, trâu bò lợn gà chết, hoa màu, cây cối bị hư hỏng, nhà cửa, tài sản bị ngâm trong dòng nước lũ đục ngầu.
Tất cả đã xảy ra trong vòng hai tuần từ đầu/10/2020.
Những tiếng kêu ai oán đã vang khắp miền trung với hàng trăm người chết và mất tích, hàng vạn ngôi nhà chìm trong lũ lụt, người dân sống cheo leo trên các mái nhà, các gác xép và nước dâng lên từng giờ. Những tiếng kêu cứu thất thanh trong đêm đã vẽ nên nỗi kinh hoàng của trận lụt lịch sử tại đây.
Những thông tin về thời tiết bất lợi, bão gió chồng bão gió, lũ chồng lũ liên tục đổ về Miền Trung làm cho những người ít quan tâm nhất cũng không thể vô cảm với những gì đã xảy ra ở Miền Trung những ngày qua.
Và một chiến dịch cứu trợ khẩn cấp cho người dân Miền Trung đã tự phát được hình thành và lan rộng khắp đất nước. Chính lúc này, tình yêu thương đồng bào, đồng loại của người dân Việt Nam được phát huy đến mức tối đa.
Những giáo xứ, giáo họ thuộc giáo hội Công giáo Việt Nam đã hầu như lập tức tổ chức các đợt cứu trợ, quyên góp cho đồng bào miên Trung đang ngày đêm dầm mưa và ngập lụt. Hội đồng Giám mục Việt Nam ngay từ rất sớm đã ra lời kêu gọi cùng chung tay giúp đồng bào Miền Trung qua cơn hoạn nạn. Giáo phận Hà Tĩnh đã phát đi văn bản kêu gọi hỗ trợ giúp đồng bào bị nạn.
Văn bản ghi rõ : "Thiên tai, bão lũ dường như đã thành thông lệ đau buồn thường niên đối với người dân Miền Trung. Những năm gần đây, ngoài thiên tai, còn có "nhân tai" là hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên, chặt phá rừng, xây dựng những đập thủy điện, hồ chứa nước đầu nguồn và xả lũ một cách vô trách nhiệm… đã chất thêm sự khốn khổ lên dân nghèo nơi đây. Trong những ngày này, chúng ta lại một lần nữa xót xa nhìn cảnh Miền Trung tan tác, ai oán vì mưa lũ.
Cho dù vì nguyên nhân nào đi nữa, những người dân nghèo của Miền Trung giờ này cũng đang chờ đợi những tấm lòng hướng về họ, những bàn tay nhân ái chìa ra giúp họ trong cơn khốn quẫn này. Chúng tôi xin được làm cánh tay nối dài của Quý vị để chuyển sự trợ giúp đến những người dân nghèo khổ Miền Trung, không phân biệt địa giới hay tôn giáo".
Và khắp nơi, các giáo xứ, giáo họ đã hưởng ứng lời kêu gọi này của chủ chăn Giáo phận và Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Hình ảnh những Giám mục của Hội đồng Giám mục Việt Nam dù tuổi đã cao vẫn xông vào nơi lũ lụt đi cứu trợ giữa miền sông nước mênh mông, như một tấm gương yêu thương, bác ái cho các tín hữu noi theo cách sống theo Đấng Kito với những anh em của mình.
Hình ảnh những hoàn cảnh neo đơn được đến cứu trợ và giúp đỡ đã gây xúc động mạnh từ chuyến cứu trợ của Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã là nguồn động lực và cảm hứng cho nhiều giáo dân, giáo xứ tiếp sức đồng bào vùng lũ.
Những chuyến hàng cứu trợ đổ về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã liên tục lên đường, bất chấp nguy hiểm, chẳng ngại gian lao… miền là họ hành động để người dân Miền Trung sớm thoát được cơn nguy hiểm và đói khổ.
Các linh mục khu vực bị lũ lụt, đã phát huy hết mọi khả năng của mình, để cứu giúp không chỉ giáo dân mình, mà còn tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận và phân phối các hàng cứu trợ đi những nơi cần thiết nhất theo nhu cầu, hoàn cảnh của từng nơi mà qua hệ thống Ban Hành giáo, qua các giáo dân họ đã nắm được.
Những chuyến hàng cứu trợ với nước ngọt, với lương khô, với những nhu yếu phẩm cần thiết nhất của các Linh mục quản xứ Tam Tòa, Diên Trường, Hướng Phương… đến những nơi bất kể người công giáo hay ngoài công giáo đã là hình ảnh đẹp đẽ về tình yêu thương và sự đoàn kết của người dân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng ngay trong hoạn nạn.
Không chỉ việc cứu trợ được phát động trong Giáo hội Công giáo, cả xã hội đã bước vào cuộc chạy đua với lũ lụt bằng những biện pháp có thể và cần thiết không phân biệt công việc, nghề nghiệp, hoàn cảnh hoặc bất cứ điều gì ngăn cản.
Những cô ca sĩ, người mẫu, MC, những văn nghệ sĩ, các nhà sư, những người buôn bán lớn nhỏ, những người nội trợ… hầu hết mọi thành phần xã hội đã cùng đau nỗi đau của người dân Miền Trung trong lũ lụt, lo nỗi lo cho tính mạng và tài sản của họ.
Cô ca sĩ Thủy Tiên, một cô ca sĩ với thân hình bé nhỏ, những ngay lập tức đã kêu gọi và kết quả thật không ngờ. Chỉ mấy ngày bão lụt cô đã huy động được 150 tỷ đồng, tương đương hơn 6 triệu đola Mỹ. Một con số không thể nghĩ đến với một cá nhân đi kêu gọi quyên góp, hỗ trợ.
Cuộc cứu trợ được phát động không chỉ ở các thành phố, mà từ miền núi đến thôn quê, từ vùng không bị lũ lụt tới những vùng lũ lụt ít hơn.
Và những chuyến cứu trợ, viếng thăm đã thật sự động viên, giúp đỡ, an ủi nhiều nạn nhân trong bão lụt lần này.
Ở chiều ngược lại, nhà nước đã làm gì ?
Chúng tôi gọi điện thoại đến các nạn nhân trận lũ lụt vừa qua ở Quảng Bình, để tìm hiểu về những điều gì đã xảy ra trong trận lũ vừa qua. Linh mục Pet. Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa, thành viên Ban Bác ái Giáo phận Hà Tĩnh cho chúng tôi biết :
"Trận lũ lụt này là trận lũ lịch sử, tôi chưa bao giờ thấy trận lũ lớn như vậy ở vùng này. Nhiều vùng bị ngập đến mức không còn gì, trâu bò lợn gà chết ngổn ngang, mức độ thiệt hại hết sức lớn so với trận lũ trước đây.
Khu lưu vực sông Gianh, các hộ buôn bán bị ngập nhiều nhưng nước rút nhanh hơn. Phía Lệ Thủy và Quảng Ninh bị ngập lụt nhiều nhất.
Nguyên nhân là lượng mưa quá lớn, rừng đầu nguồn bị chặt phá hết, nên nước ngập rất nhanh và rất sâu.
Chúng tôi hết sức ngạc nhiên với tinh thần của người dân khắp nơi đối với những nạn nhân lũ lụt tại Miên Trung. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã hết mình đến cứu trợ bất chấp những khó khăn.
Nhưng, điều đáng buồn là các sự điều hành, giúp đỡ đoàn cứu trợ đến với người dân đã không tốt, do vậy nếu chính quyền có chương trình điều phối những đoàn cứu trợ về thông tin hoặc chủ động về thuyền bè chở hàng cứu trợ thì sẽ tốt hơn cho người dân.
Tôi thấy qua việc này, nhà cầm quyền đã bỏ lơ và phó mặc người dân tự cứu giúp nhau mà không có trách nhiệm".
Điều mà linh mục Pet. Trần Văn Thành vừa nói không có gì sai. Ngay khi bão lụt đã nhấn chìm các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình thì Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ cùng với các lãnh đạo khác của đảng và nhà nước vẫn tưng bừng tham dự đại hội đảng các tỉnh. Nguyễn Phú Trọng vẫn tham dự Đại hội đảng bộ Hà Nội và nói những lời "tự sướng" mà không hề chú ý hàng trăm người, có cả tướng, tá, binh sĩ đã bỏ mạng tại Miền Trung và hàng triệu dân lành đang ngâm da ngâm xương trong bão lũ.
Thậm tệ hơn, kể từ đó cho đến nay, Nguyễn Phú Trọng hầu như không hề ra mặt nói một lời động viên tinh thần hoặc thăm hỏi những người dân lành của ông ta có trách nhiệm trong vai trò chủ tịch nước. Thậm chí, chỉ đến khi Mặt trận Tổ quốc phát động cứu trợ cho Miền Trung vào ngày 17/10, nghĩa là 11 ngày sau khi lũ lụt tại Miền Trung, ông ta chỉ nhắn gửi lời thăm hỏi mà chẳng biết có thật hay không, đến đồng bào Miền Trung.
Thế rồi, Mặt trận Tổ Quốc kêu gọi không mấy người hưởng ứng, dù ai cũng biết cái cách của Mặt Trận đi kêu gọi như thế nào. Sau màn mấy ông cán bộ bỏ bì thư, thì báo chí tuyên truyền chuyện em bé đập lợn đất lấy tiền cứu trợ bão lụt, rồi chuyện bà già gần trăm tuổi mang mấy ón ăn đi cứu trợ, truyền hình, báo chí kích động lấy nước mắt thiên hạ. Rồi đến đoàn thể vác sổ đi từng nhà, cơ quan trừ lương cán bộ để ủng hộ dù muốn hay không…
Thế nhưng, cả đợt kêu gọi bằng mọi cách như vậy, huy động cả hệ thống chính trị, tuyên giáo vào cuộc vẫn chỉ thu được mấy chục tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ mình cô ca sĩ Thủy Tiên, đã được sự ủng hộ đến 150 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, từ các mạnh thường quân khắp nơi trong cả nước.
Và vậy là một chiến dịch được tung ra rằng Thủy Tiên làm vậy có vi phạm Nghị định 64/2008, một cái nghị định mà chục năm có lẻ chẳng ai quan tâm. Chỉ vì nó được chế tạo ra, nhằm dồn tất cả mọi mối cứu trợ vào một mối là các cơ quan nhà nước.
Thế rồi, báo chí công bố việc Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có công văn hỏa tốc yêu cầu các nguồn tiền, hàng cứu trợ phải đưa về Ủy ban huyện để phân bổ.
Nhưng, những bài học về việc cứu trợ qua cơ quan, tổ chức nhà nước đâu có ít để người dân không rút kinh nghiệm cho mình.
Vậy là các lãnh đạo Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ và nhiều quan chức khác thay vì lo lắng cho sự mất lòng tin của mình, lại đi lo lắng cho cô ca sĩ Thủy Tiên khó quản lý được một số tiền lớn như vậy, và khuyên cô này nên… nộp lại cho mặt trận để rồi vẫn được giữ tên của mình.
Mặt khác, thậm chí khi chính phủ đã cấp cho mỗi tỉnh bị bão lụt 100 tỷ đồng tiền ngân sách, nghĩa là cũng tiền dân, rồi hàng ngàn tấn gạo và lương khô… nhưng, cho đến chiều ngày 28/10/2020, khi chúng tôi gọi điện hỏi thăm, thì hầu hết dân chúng không hề được một chút tiền, hàng cứu trợ nào từ chính phủ.
Chỉ có ở Giáo xứ Diên Trường, khi được hỏi, thì linh mục quản xứ cho biết chiều nay, một thôn đông đúc được 4 suất cứu trợ bão lụt, báo hại những người dân quê khốn khổ lại mất đoàn kết vì ai ăn ai nhịn.
Lòng tin và hành động
Trong khi kêu goi cứu trợ Miền Trung từ những người dân vốn đã mỏi mòn và cạn kiệt, chỉ còn có lòng cảm thông và chia sẻ với nhau, còn đời sống mỗi người đang hết sức chật vật và gian nan sau những năm tháng dài dịch bệnh đe dọa.
Ngược lại, những dòng người cứu trợ đổ về Miền Trung đã nhiều khi gặp phải những cuộc hạch sách và gây khó của chính quyền địa phương, của những người không mấy thiện cảm với việc cứu trợ "ngoài nhà nước". Và hẳn nhiên, ai cũng biết những người này là ai.
Trong khi đó, nhà cầm quyền vẫn tưng bừng mở đại hội, hoa hòe và cờ xí khắp mọi nơi trên đất nước, các tỉnh, các huyện, xã và nơi nơi đổ không biết bao nhiêu tiền dân cứ như đốt lá rừng không hề thương tiếc.
Câu hỏi được người dân đặt ra là : Tại sao không bớt đi vài phần nhỏ trong số cờ hoa, những cuộc văn nghệ chào mừng, các cổng chào và bao nhiêu thứ để tiêu tiền cho đại hội đảng từ quà tặng đến xe cộ… mà cứu lấy người dân ?
Nhưng, đảng đã bỏ ngoài tai tất cả. Tất cả đang lao vào cuộc đấu đá giành ghế chiếm chức và nơi nơi hể hả "thành công rực rỡ".
Điều mà người ta nhìn nhận ra sau vụ lũ lụt vừa qua, đó là lòng tin vào chính quyền, vào các cơ quan nhà nước, những cánh tay nối dài của đảng cộng sản như Mặt trận, Hội chữ thập đỏ, các cơ quan chính quyền… đã chạm tận đáy. Nhận thấy điều đó không khó khăn lắm. Chỉ cần nhìn từng đoàn cứu trợ dồn dập đến Miền Trung, từng khoản đóng góp đổ vào những nhân vật đứng ra nhận cứu trợ cho đồng bào, và những đồng tiền eo uột qua các cơ quan nhà nước, các tổ chức của đảng… thì chúng ta thấy rõ điều này.
Và điều nhìn rõ ràng hơn, đó là hành động của chính quyền, của nhà nước đã vô cảm như thế nào.
Và điều đó, đã chứng minh câu nói của người xưa : Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau.
Ngày 29/10/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 30/10/2020 (nguyenhuuvinh's blog)