Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau dấu hiệu đầu tiên về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị "đánh hội đồng" vào nửa cuối năm 2017, vụ "Lê Tấn Hùng chi khống 13,3 tỉ đồng" là dấu hiệu thứ hai và rõ hơn hẳn về một vòng vây không còn là vô hình đang dần siết lấy cựu ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Thanh Hải.

lth1

Lê Thanh Hải, hàng sau bên trái, trong một đại hội năm 2011, Hà Nội. Ảnh : VOA

Từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết trên báo nhà nước mang tựa đề "Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì ?", cho rằng "Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để "trùm mền", động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc Thành phố Hồ Chí Minh đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm".

Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ "đặc biệt" giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự "bảo kê" của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.

Còn Lê Tấn Hùng – Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn MTV (SAGRI) – lại là em ruột của ông Lê Thanh Hải.

Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, ông Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.

Lực lượng Thanh niên xung phong lại là "cái nôi cách mạng" để từ đó "đi lên" của ông Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được "bảo kê 100%" bởi ông Lê Thanh Hải.

Vào đầu tháng Ba năm 2018, báo chí nhà nước bất chợt thông tin "Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Tấn Hùng, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Quyết định kỷ luật có hiệu lực kể từ ngày 5/3… Theo văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Tấn Hùng đã có hành vi vi phạm về nguyên tắc kế toán được quy định tại Khoản 4, Điều 6, luật Kế toán năm 2003…".

Tuy nhiên, các tờ báo nhà nước không cho cho biết, hoặc đã không được biết về "hành vi vi phạm về nguyên tắc kế toán" là hành vi gì.

Nhưng không hiếm người hiểu là cựu bí thư Lê Thanh Hải đã chính thức bị "sờ gáy", cho dù hình thức kỷ luật đối với ông Lê Tấn Hùng chỉ là "khiển trách" – một mức độ mà có thể cho phép ông Hùng vẫn tiếp tục tại vị hoặc "hạ cánh an toàn".

Song đến giữa tháng Tư năm 2018, độ rủi ro đối với người em trai của cựu bí thư Lê Thanh Hải đã tăng đột biến.

Ngày 13/4/2018, một số tờ báo nhà nước giật tít "Ông Lê Tấn Hùng ký và chi khống 13,3 tỉ đồng bằng cách nào ?".

Theo đó, nội dung quan trọng nhất của Kết luận Thanh tra đã được "bật đèn xanh" để phổ biến :

"Chỉ trong vòng 1 tháng (từ tháng 10/2016 đến 11/2016), ông lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Nam Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…) có tổng giá trị hơn 13,3 tỉ đồng với Công ty thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế và Công ty du lịch Thanh niên xung phong.

Các hợp đồng trên đã được 2 công ty du lịch tổ chức thực hiện và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn tài chính và tất toán công nợ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an Thành phố xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do Tổng công ty tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Thanh tra Thành phố kết luận việc SAGRI không thực hiện các chuyến đi học tập nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí hơn 13,3 tỉ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Kế toán năm 2003.

Thanh tra Thành phố cũng nhận thấy SAGRI có dấu hiệu cấu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật. Trách nhiệm này thuộc về Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng SAGRI.

Thanh tra Thành phố kiến nghị giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nói trên của tổng công ty này với hai đơn vị du lịch liên quan".

Vụ việc "Lê Tấn Hùng chi khống 13,3 tỉ đồng" đang có triển vọng sang thẳng cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, số phận của ông Lê Tấn Hùng có thể coi như "xong" và chỉ còn chờ ngày bị truy tố và ra tòa lãnh án.

Sau "đánh vòng ngoài" sẽ là "đánh vòng trong". Nếu đến nay đã có 2 trong số 3 người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị "lên thớt", thì "thòng lọng" siết cựu bí thư Lê Thanh Hải có lẽ cũng chẳng khác mấy.

Chiến thuật trên đang khá tương hợp với đồn đoán trước tết nguyên đán 2018 về "từ sau Tết đến Hội nghị trung ương 7, Lê Thanh Hải sẽ bị "đánh".

Ông Lê Thanh Hải từng được một số dư luận đồn đoán là "một trong những người giàu nhất Việt Nam".

Nhưng ai "đánh" ? Và "đánh" để làm gì ?

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 13/04/2018

Published in Diễn đàn