Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 13 décembre 2023 21:21

Có nên đưa dao vào danh mục vũ khí ?

Bộ Công an mới đây đề xuất bổ sung các loại dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ. Theo định nghĩa được Bộ này đưa ra, dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi từ 20cm trở lên, hoặc dao có chiều dài lưỡi dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.

dao1

Ảnh minh họa một cửa hàng bán dao ở Nhật hôm 24/11/2022 - AFP

Cũng theo lý giải của Bộ Công an, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày, khi phát sinh mâu thuẫn thì tội phạm sẵn sàng sử dụng để tấn công nạn nhân. Thế nhưng, do luật hiện hành không quy định dao là vũ khí nên hành vi sử dụng dao chỉ bị xử lý khi kẻ đó phạm tội giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… chứ không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí.

Dư luận xã hội băn khoăn bởi trong thực tế, dao là công cụ được người dân sử dụng trong đời sống hằng ngày. Nếu quy định dao là vũ khí thô sơ sẽ phát sinh nhiều rắc rối, chẳng hạn như việc sản xuất dao sẽ thành sản xuất vũ khí, mua bán dao sẽ thành mua bán vũ khí ; nông dân cầm dao phay, mác đi chặt cây, phát nương rẫy có thể bị quy tội sử dụng vũ khí trái phép. Hơn nữa, nếu việc đưa dao vào danh sách vũ khí được thành luật thì việc quản lý cũng không đơn giản.

Cựu Đại úy công an Nguyễn Doãn Tú chia sẻ suy nghĩ của ông :

"Trong vấn đề huấn luyện võ thuật đối với lực lượng công an cũng có huấn luyện về dao, một loại vũ khí sát thương. Nhưng xét về thực tế trong xã hội thì chỉ có vũ khí quân dụng là súng ống, đạn dược, vật liệu nổ là vũ khí nóng. Còn dao, kiếm các loại gọi là hàng lạnh.

Nếu xét về mặt sát thương đối với con người thì nó cũng khủng khiếp lắm, nhưng đối với xã hội thì công an không thể quản lý mặt hàng này được vì nó phục vụ đời sống người dân. Người dân được phép sử dụng và vận chuyển buôn bán vì nó thiết yếu cho cuộc sống".

Báo Thanh Niên hôm 8/12 dẫn lời Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng rằng, việc quản lý đối với dao như hiện nay là phù hợp, vì dùng dao sai mục đích thì đã có chế tài : cầm dao đến nơi công cộng và gây rối thì bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng ; cầm dao gây tổn hại sức khỏe người khác thì bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người…

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA sáng 13/12 :

"Nếu nói là vũ khí giết người thì rất nhiều thứ có thể dùng để tước đi tính mạng của con người hoặc gây hại cho con người. Tôi chưa nghiên cứu kỹ định nghĩa về vũ khí sát thương ở các nước khác như thế nào. Nhưng nếu lâu nay chưa đưa vào luật và các nước khác cũng vậy, thì Việt Nam cũng không nên đưa vào bởi vì Việt Nam nên theo thông lệ của quốc tế.

Không thể tự mình thấy nó nguy hiểm rồi quy nó là vũ khí, rồi ai cầm đi ngoài đường hay để trong cốp xe bị quy vào tội ‘tàng trữ vũ khí’. Như thế xã hội sẽ hết sức ngột ngạt. Về mặt luật pháp thì không thể đùa được. Tất cả những cái gì đưa ra đều phải có căn cứ khoa học, căn cứ thực tế rõ ràng chứ định nghĩa một cách tràn lan như vậy tôi thấy không phù hợp".

Theo ông Trí, dao chỉ được coi là vũ khí khi tội phạm dùng dao để gây án. Nếu coi dao là vũ khí thì rất nhiều vật dụng khác cũng bị coi là vũ khí. Ông nhắc lại "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của ông Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch nước vào ngày 19/12/1946, trong đó có đoạn : "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm : dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định với RFA :

"Trong thực tế cuộc sống, dao chỉ là dụng cụ thường dùng trong nhà bếp cho công việc nội trợ mà thôi. Cũng thế với hàng loạt dụng cụ khác hỗ trợ cho giải trí, thể thao, lao động, như : Gậy chơi bóng, gậy sắt cời than, búa, cuốc, xẻng… Tất cả đều có thể trở thành vũ khí hay không là tùy mục đích người sử dụng. Trong trường hợp là vũ khí, còn phải phân biệt là để tấn công hay để tự vệ.

Với cách nhìn dao như một vũ khí, Bộ công an không thoát được bệnh nghề nghiệp cố hữu của họ, là nhìn đâu cũng thấy tội phạm và nhìn dụng cụ gì cũng thấy là vũ khí. Cách nhìn này đi ngược với các nguyên tắc pháp luật về suy đoán vô tội vốn có tính ràng buộc với các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó bao gồm cơ quan công an. Chưa kể, rất phiền phức nếu xác định dao là vũ khí còn phát thêm việc quản lý hành chính đối với vũ khí là dao. Người dân có sử dụng, sở hữu dao phải khai báo số lượng, đặc điểm.

Không chừng công an còn cấp mã số định danh cho dao. Thế nên, tôi cho rằng đề xuất của Bộ Công an xác định dao là vũ khí là không cần thiết".

Với đề xuất coi dao là một trong các loại vũ khí ngoài kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu..., Bộ Công an cho rằng cần sửa đổi quy định để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Thống kê của Bộ này cho thấy, trong năm năm qua, toàn quốc bắt giữ gần 49.000 người sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao. Trong đó, số vụ sử dụng dao và phương tiện tương tự dao chiếm gần 59%, vũ khí thô sơ chiếm gần 30%, súng tự chế chiếm hơn 6%.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 13/12/2023

Additional Info

  • Author Diễm Thi
Published in Diễn đàn