Tháng 10/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương di dời Dinh Tỉnh trưởng, bằng cách nâng công trình kiến trúc này lên đỉnh đồi cao hơn vị trí hiện hữu 28 mét và xây dựng tổ hợp khách sạn, thương mại trên toàn khu Đồi Dinh.
Theo Quyết định số 47 ngày 8/12/2017 cũng của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt, thì Dinh Tỉnh trưởng được xếp vào danh sách biệt thự nhóm 1 - là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, có giá trị điển hình về kiến trúc. Việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc nhóm 1 không được làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, công năng.
Quyết định này là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và những người bảo vệ di sản viện dẫn nhằm bảo vệ nguyên trạng khu vực Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng - được xem là một "viên ngọc xanh" còn sót lại trong "rừng bê tông" đang lan rộng ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Đáng tiếc là UBND tỉnh Lâm Đồng đã có động thái mới : xem xét lại chủ trương và sửa đổi Quyết định số 47 của chính mình về phân loại bảo tồn biệt thự. Như vậy, số phận của Dinh Tỉnh trưởng và Đồi Dinh đang đứng trước nguy cơ bị biến đổi hoàn toàn !
Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp quy hoạch và xây dựng nhiều đô thị ở Việt Nam theo kiểu phương Tây. Dinh Tỉnh trưởng là công trình công sở quan trọng nhất tại đô thị - tỉnh lỵ của một tỉnh. Khảo sát một số Dinh Tỉnh trưởng còn lại ở phía Nam như Dinh Xã Tây (trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), Dinh Tỉnh trưởng ở Bến Tre, Gò Công, Quảng Trị hay Đà Lạt... có thể nhận thấy đây là những công trình trung tâm của khu vực trung tâm đô thị. Do mỗi đô thị có cảnh quan tự nhiên, địa hình và yếu tố văn hóa khác nhau nên khu trung tâm thường mang những đặc trưng riêng. Ngày nay, khu vực trung tâm đô thị luôn được xem là "khu vực di sản" vì đã tích lũy trong nó giá trị lịch sử, giá trị văn hóa - xã hội, giá trị khoa học. Chính vì vậy, hầu hết quốc gia đều xem trọng việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm các đô thị. Việc tích lũy giá trị lịch sử - văn hóa khu vực trung tâm đô thị cũng là tích lũy giá trị kinh tế (bao gồm đất đai, thương mại, dịch vụ). Không có ba giá trị kể trên thì khu vực này không có chức năng trung tâm để có giá trị kinh tế cao.
"Hiện đại hóa" đô thị bằng cách thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, hủy hoại di sản đô thị chính là sự phá hủy "nguồn vốn xã hội" đã được tích lũy lâu dài.
Một đô thị đặc sắc về quy hoạch và kiến trúc như Đà Lạt, việc bảo tồn toàn bộ khu vực trung tâm (và phải chỉnh trang vì hiện nay rất nhếch nhác, xô bồ do quản lý yếu kém), bảo tồn từng công trình cụ thể như rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, các dãy nhà phố hay Đồi Dinh, hồ Xuân Hương... chính là bảo toàn nguồn vốn văn hóa một cách an toàn và bền vững, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.
Khu vực di sản được các nhà đầu tư xem là "đất vàng". Lợi ích của nhà đầu tư là "tiền tươi thóc thật", ngay và luôn, còn lợi ích của cộng đồng là lâu dài, bền vững, giá trị vật chất kinh tế cùng với giá trị văn hóa tinh thần. Chọn lựa, ưu tiên giá trị và lợi ích nào thể hiện tâm và tầm của chính quyền, thể hiện quan điểm quản lý và phát triển đô thị hướng đến mục tiêu nào, từ đó chính quyền và nhà quản lý "ra đề bài" cho nhà đầu tư thực hiện. Nếu chính quyền không nhìn thấy giá trị di sản hoặc cố tình bỏ qua giá trị này mà chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế từ "đất vàng", tất yếu dẫn đến việc nhà đầu tư sẽ tận dụng từng mét vuông đất và sẽ hủy hoại di sản và giá trị di sản.
Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28 mét so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ. Tuy nhiên, công trình cổ bị đẩy lên chơ vơ giữa đỉnh đồi, ra khỏi rừng cây cao xanh ngát và thoáng đãng quanh năm, bị vây quanh bởi tổ hợp khách sạn, khu thương mại dày đặc thì giá trị kiến trúc của Dinh Tỉnh trưởng, giá trị cảnh quan "viên ngọc xanh" Đồi Dinh chẳng còn gì.
Với những di tích chưa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa như trường hợp Khu Hòa Bình và nhiều công trình ở trung tâm Đà Lạt, cần thấy rằng đó là do nhà quản lý chậm trễ trong nhận thức và hành xử. Giá trị của di sản đô thị là khách quan, vì vậy việc định vị và tái định vị giá trị di sản của khu vực này và những công trình ở đó cần khẩn trương thực hiện. Nhưng trước khi các di sản có được sự công nhận bằng văn bản hành chính thì việc quy hoạch khu vực này tác động thế nào đến các công trình cổ xưa ở đây là điều chính quyền phải cẩn trọng xem xét.
Thành phố Đà Lạt đang hướng đến việc tạo nên thương hiệu là một "đô thị di sản". Bản sắc của Đà Lạt nằm ở hệ thống di sản đô thị độc đáo, "hồn vía" của Đà Lạt được hình thành và lưu giữ từ mối liên hệ chặt chẽ của các đặc trưng : thành phố ngàn hoa, thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, nghệ thuật, thành phố của quy hoạch và công trình kiến trúc đặc sắc, thành phố trung tâm cao nguyên. Đó là những "ADN" cần được "bảo tồn để Đà Lạt vẫn là chính nó ! Dinh Tỉnh trưởng, cảnh quan Đồi Dinh và những công trình kiến trúc đặc sắc đã trở thành một "dấu chỉ" tạo nên thương hiệu của Đà Lạt, thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế - du lịch bền vững.
Nguyễn Thị Hậu
Nguồn : Doanh Nhân, 13/11/2021