Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Phạm Minh Chính khẳng định vai trò của các tập đoàn Nhà nước trong nền kinh tế trong năm 2024

RFA, 05/04/2024

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hôm 5/2 khẳng định vai trò quan trọng của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cho rằng những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong năm 2023 có sự đóng góp của các tập đoàn Nhà nước, đặc biệt là 19 tập đoàn lớn như xăng dầu, điện lực.

quocdoanh1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị với các tập đoàn Nhà nước hôm 5/2/2024 - Lao Động/Nhật Bắc

Truyền thông Nhà nước cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu điều này trong cuộc gặp với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tại hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Chính cho rằng, mặc dù 19 tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, nắm giữ phần lớn tổng vốn chủ sở hữu cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước.

Theo thống kê được đưa ra tại hội nghị, Việt Nam hiện có 829 đoàn nghiệp Nhà nước. 19 tập đoàn mà ông Chính gặp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nhưng lại nắm giữ số vốn lớn trong tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước được ước tính là hơn bốn triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ thuộc 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 904.000 tỷ đồng, tổng tài sản ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo này, tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp này là hơn 1,1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 53 ngàn tỷ đồng (không tính EVN).

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhìn nhận những vấn đề về giá điện và giá xăng dầu bất ổn trong thời gian qua và đề nghị điều chỉnh giá điện phù hợp thị trường, không giật cục.

Mới đây, Bộ Công thương đề nghị sẽ tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 để bù lỗ cho EVN dù đã hai lần tăng giá trong năm 2023. Theo báo cáo của EVN, trong năm 2023, tập đoàn này đã lỗ 17.000 tỷ đồng.

Nguồn : RFA, 05/02/2024

***********************

Doanh nghiệp có phải gánh trách nhiệm giải quyết việc Nhà nước ?

RFA, 02/02/2024

"Các doanh nghiệp lớn phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc, có giấc mơ lớn, phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước".

doanhnghiep1

Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh trước đây. AFP Photo

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Truyền thông và thông tin Nguyễn Mạnh Hùng khi gặp gỡ một số doanh nghiệp nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào ngày 30/1/2024.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 2/2 nói với RFA :

"Tất cả mọi người khi khởi nghiệp doanh nghiệp thì mong muốn của họ thứ nhất là làm giầu cho bản thân, sau đó thì họ phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước đó là mong muốn chung của tất cả mọi doanh nghiệp. Nhưng ở trên phương diện những nhà lãnh đạo quốc gia, thì họ phải có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất để cho người dân, cũng như các doanh nhân làm ăn một cách thuận lợi, đúng pháp luật đóng góp tốt nhất cho người dân và xã hội. Chính trị gia hay một nhà lãnh đạo quốc gia thì không được phép đòi hỏi doanh nghiệp phải làm điều này, điều kia cho đất nước".

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, tại Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tất cả những doanh nghiệp Nhà nước đều được hưởng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hoặc thông qua những nguồn viện trợ ODA, hay được ưu đãi về chính sách thuế và lĩnh vực kinh doanh Trong khi đó theo ông Đài, các doanh nghiệp tư nhân phải tự kinh doanh, tự vay vốn, đồng thời gặp không ít khó khăn từ phía các quan chức từ trung ương đến địa phương Ông Đài giải thích thêm :

"Các quan chức này tìm cách gây khó dễ cho doanh nghiệp, để làm sao các doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ đều phải nộp tiền bảo kê cho quan chức như công an kinh tế, an ninh kinh tế. Hay những doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải hối lộ cho hải quan để tất cả các thủ tục nhập hàng, xuất hàng được thuận lợi".

Nói chung theo ông Đài, tính từ đầu năm 1990 đến nay, khi các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam bắt đầu đóng góp cho nền kinh tế, thì hầu như họ không nhận được được sự giúp đỡ từ chính quyền, mà chính quyền gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp là chủ yếu.

Chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 2/2/2024 cho RFA biết thực tế khó khăn :

"Khẩu hiệu nói nghe cho vui tai, chứ nhà nước có 70 tập đoàn, năm sáu chục cú đấm thép làm ăn thì cứ lỗ lên lỗ xuống, lấy ngân sách là thuế của dân Còn thật sự Nhà nước chẳng có hỗ trợ cái gì cho doanh nghiệp tư nhân, không hề có thuế thì có thể tạm chấp nhận được, nhưng đặc biệt điện và năng lượng tăng giá liên tục thì lấy gì doanh nghiệp phát triển được. Doanh nghiệp chỉ có làm ăn bậy bạ mới khá nổi. Làm đúng thì doanh nghiệp ở Việt Nam trong vòng 4-5 năm nay chẳng làm được cái gì thì lấy đâu ra tiền bạc đóng góp, tạo ưu thế cho đất nước Doanh nghiệp bây giờ lo cho cuộc sống công nhân mình còn không xong, thì làm sao nghĩ đến chuyện lo cho ai ?".

Theo số liệu từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, được Thời báo Tài chính Việt Nam đăng tải hôm 29/1/2024, trong tháng 1 năm 2024, có 43,9 ngàn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14% ; và có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%. Tổng cộng trong tháng 1/2024 có 53,9 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy khi trả lời RFA hôm 2/2/2024 cho rằng, với một doanh nghiệp tư nhân bình thường, mục tiêu của nó là lợi nhuận. Theo ông Vũ, một doanh nghiệp có lợi nhuận ngày càng tăng tự bản thân nó là một đóng góp lớn cho đất nước. Lợi nhuận ngày càng tăng đi kèm với nó là nguồn thuế đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng tăng. Doanh nghiệp ngày càng giàu có nó không chỉ làm giàu cho các cá nhân chủ doanh nghiệp mà còn làm giàu cho đất nước.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ, khi một vài chủ doanh nghiệp giàu có thực hiện một số hoạt động đóng góp vô vị lợi cho xã hội điều đó nên được ghi nhận như là một hành động thiện nguyện và đáng khích lệ. Tuy nhiên ông Vũ cho rằng :

"Việc giải quyết những bài toán lớn của đất nước phải là trách nhiệm của những người cầm quyền của quốc gia. Họ là những người có quyền lực và có nguồn lực. Nguồn lực của quốc gia mới đủ lớn để giải quyết các bài toán của quốc gia. Để tạo thêm nguồn lực của quốc gia và để giải quyết những bài toán lớn của quốc gia nó đòi hỏi người cầm quyền không những có giấc mơ lớn mà nó đòi hỏi người cầm quyền có năng lực. Năng lực ở đây phải là tạo ra môi trường và cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp thăng hoa và người dân thăng tiến trong cuộc sống".

Thực tế theo ông Vũ cho thấy điều ngược lại. Người dân bị áp bức, đất đai bị tước đoạt, tiếng nói bị bóp nghẹt, giáo dục bị nhồi sọ, thông tin bị kiểm duyệt, doanh nghiệp thì bị nhũng nhiễu, thuế cao, giấy tờ phức tạp, luật pháp nhập nhằng, tham nhũng tràn lan. Ông Vũ nói tiếp :

"Những điều đó chỉ là một vài trong vô số điều đang kềm hãm sự thăng hoa và phát triển của dân tộc mà những người đang cầm quyền dẫn dắt đất nước đã cố tình áp đặt, nhằm giữ lấy chiếc ghế quyền lực cho chính mình, để đánh đổi lại là một xã hội bị kềm nén, ngột ngạt, mất niềm tin, và một quốc gia phát triển không có định hướng và chiến lược".

Theo ông Vũ, nói như vậy để thấy rằng những người cầm quyền đang lái con thuyền dân tộc mới là những người nên trang bị cho mình một giấc mơ lớn và là người phải giải quyết bài toán để đưa dân tộc đến một tầm cao vinh quang và thịnh vượng hơn, họ chứ không phải các doanh nghiệp.

Dưới một góc nhìn khác, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 2/2 nói với RFA :

"Thứ nhất doanh nghiệp trước tiên là phải làm đúng theo pháp luật, không trốn thuế. Thứ hai doanh nghiệp lớn nhỏ gì thì họ phải làm giàu cho bản thân họ, chứ không phải làm giàu cho ai khác. Đối với Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường có thể nói là vô định hình, khó xác định. Doanh nghiệp ở Việt Nam càng lớn thì sản phẩm của họ càng mập mờ, sự giàu có của họ mang tính tạm bợ. Bởi vì doanh nghiệp ở Việt Nam càng lớn thì hầu hết phụ thuộc nhà nước hai vấn đề quan trọng nhất, đó là đất đai và vốn liếng. Đất đai thì họ được hưởng quá nhiều lợi thế, vốn liếng thì dựa vào ngân hàng và phát hành trái phiếu".

Chính vì vậy, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, doanh nghiệp ở Việt Nam hầu hết giàu có từ bất động sản. Tuy nhiên ông Già cho rằng bất động sản ở Việt Nam đang sụp đổ theo hiệu ứng domino. Ông Già nói tiếp :

"Chính quyền Việt Nam đã xác định Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế không có thật và dựa vào đó nên doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoạt động trong môi trường vô định hình, có đất đai và huy động được vốn thì tung vào bất động sản. Khi bất động sản chết thì kéo theo hàng loạt tất cả các ngành nghề khác chết theo. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam đang yêu cầu Hoa Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường. Điều này gây ra nghịch lý, Việt Nam phải xác định lại có kinh tế thị trường hay không ? Và khi đã có kinh tế thị trường thì phải hoạt động đúng theo nó. Lúc đó mới nói đến chuyện doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật".

Vì vậy ông Già cho rằng, doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đều bị chính trị hóa và ông không ngạc nhiên khi ông Nguyễn Mạnh Hùng lồng ghép chuyện ‘doanh nghiệp lớn phải giải bài toán cho đất nước’. Theo ông Già, đó là một điều phi lý và không có logic. Bởi vì theo ông Già, bất cứ doanh nghiệp nào đều phải giải bài toán cho họ, còn giải bài toán cho đất nước là nhiệm vụ trách nhiệm của bất cứ nhà nước nào trên thế giới, chứ không phải là chuyện của doanh nghiệp.

Nguồn : RFA, 02/02/2024

Published in Việt Nam
dimanche, 25 juin 2017 12:35

Ngứa chân thì phải gãi… đầu

Và khi nghệ thuật "gãi" đã đạt đến trình độ thượng thừa thì biết đâu gãi chân lại khiến đầu tỉnh táo giống như nghệ thuật mát xa chân của mấy ông lang băm Tàu.

hoi0

Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp : "Tôi tin tưởng rằng bình minh đang đến với đất nước ta" - Ảnh minh họa (Zing)

Ngày 17/5/2017, trong hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, sau khi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu :

"So với hội nghị trước, tính gay gắt của hội nghị đã giảm đi rất nhiều… Trong 1 năm qua, Chính phủ và địa phương đã gãi đúng chỗ, chứ không phải ngứa trên đầu mà gãi dưới chân" [1].

Một tháng sau, ngày 19/6/2017 tại trụ sở Chính phủ diễn ra tại Hội thảo lấy ý kiến cơ quan, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bản dự thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đang trong giai đoạn lấy ý kiến để hoàn thiện.

Đánh giá chất lượng bản dự thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng : "Có những quy định còn bất cập tạo ra cơ chế xin - cho, cơ chế xét duyệt và cấp phát, thậm chí tạo điều kiện lợi dụng chính sách.

Tôi cảm giác có những điều cứ như đưa ra cho vui chứ không thực hiện được" [2].

Cũng tại Hội thảo, nhận xét về chủ trương mà Nghị định của Chính phủ hướng tới, ông Vương Đình Huệ cho rằng : "ngứa trên đầu mà lại gãi dưới chân thì không giải quyết được vấn đề gì".

Phát biểu của hai vị lãnh đạo Chính phủ cho thấy trong khi doanh nghiệp, doanh nhân được tạo điều kiện thông thoáng hơn, được "gãi đúng chỗ" thì nông nghiệp và nông thôn hình như vẫn là mảnh đất hoang, ngứa đến mấy thì cũng chưa bao giờ được gãi đúng chỗ, thậm chí "ngứa" trên đầu nhưng lại được "gãi" tận dưới chân !

Nghịch lý nằm ở chỗ, nếu lấy dân làm gốc, vấn đề của nông dân và nông thôn phải được xem là gốc tức là "chân", khi "ngứa" ở chân, đầu phải biết "gãi" ở chỗ nào.

Còn nếu "đầu" bị "ngứa" thì chẳng lẽ chân phải biết tự động "gãi" cho đầu ?

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và doanh nhân làm ăn không hề sai bởi bất kỳ thời đại nào "phi thương" thì "bất phú".

Vấn đề là khi được lắng nghe, khi được ưu đãi thì giới doanh nhân Việt Nam có thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước ?

Trong số 10 người giàu nhất thế giới có Bill Gates (Microsoft) ; Mark Zuckerberg (Facebook), Larry Ellison (Oracle), họ đều là đại diện cho những ngành công nghệ cao, đòi hỏi trí tuệ chứ không phải cơ bắp.

Việt Nam chưa có tỷ phú công nghiệp nặng, nông nghiệp hoặc lĩnh vực công nghệ cao được Forbes điểm danh, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến 60 triệu dân là nông nghiệp.

Do tâm lý "bóc ngắn cắn dài" khiến doanh nhân Việt ít hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư dài hạn và cần chiến lược lâu dài hay do cơ chế, chính sách không khuyến khích, do đội ngũ cán bộ hoạch định chiến lược được lựa chọn theo con đường "ngũ ệ" (ngoại lệ, hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) chưa đưa ra được "món ngon" hấp dẫn nhà đầu tư ?

Rõ ràng không thể trách doanh nhân bởi với họ lợi nhuận là yếu tố quyết định, nói như C. Mác "lợi nhuận lên đến 300% thì treo cổ người ta vẫn sẵn sàng làm".

Vậy chỉ còn xem lại chủ trương, chính sách.

Từ tháng 9 năm 1960, ta đã có định hướng :

- Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý.

- Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp.

- Ra sức phát triển công nghiệp nhẹ song song với việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…

- Ra sức phát triển công nghiệp trung ương, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương. (Hình thành các trung tâm công nghiệp như Hải Phòng, Quảng Ninh, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định…)

Hơn nửa thế kỷ sau Đại hội 3 của Đảng, nền công nghiệp và nông nghiệp chúng ta có gì ?

Thành tựu đáng ghi nhận là ngành Điện đã đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng cho sản xuất nhưng bao nhiêu phần trăm thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thủy điện được sản xuất trong nước ?

Hệ thống giao thông đường bộ, hàng không được cải thiện rõ rệt nhưng bao nhiêu dự án BOT không có bóng dáng các "nhóm lợi ích" ?

Công nghiệp ô tô sau bao nhiêu năm nội địa hóa được mấy phần trăm ?...

Trong nông nghiệp, mơ màng trên đỉnh vinh quang là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, hạt điều,… kèm theo sự ngộ nhận về cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh hướng sản xuất của nông dân khiến đất nước luôn trong tình trạng phải "giải cứu", hết dưa hấu đến thanh long, chuối, thịt lợn và nghe nói sắp tới là gà công nghiệp.

Việc nông dân chặt cây nọ trồng cây kia, việc cá, tôm hùm, thủy sản… chết hàng loạt, phân bón giả khiến lúa không trổ đòng không hoàn toàn lỗi do nông dân mà có trách nhiệm của Nhà nước.

Báo Giaoduc.net.vn ngày 17/6/2017 đã có bài "Không thể để trên 60 triệu nông dân nghèo thêm chỉ vì dùng phân bón giả" có nên xem là lời kêu cứu hộ 60 triệu nông dân Việt ?

Đội ngũ cán bộ chiến lược, những người được bồi dưỡng để trở thành chuyên gia hoạch định chính sách có thực là những người am hiểu lĩnh vực được phân công hay chủ yếu thuộc vào hàng "ngũ ệ" ?

Câu chuyện "cấp phép hát quốc ca" hay việc ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phải xin lỗi công dân vì "ký nhầm" công văn chỉ là một trong nhiều ví dụ về năng lực của đội ngũ (mà số lượng không hề nhỏ) mang danh là "chuyên gia" thuộc tất cả các lĩnh vực.

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sao không do ngành Nông nghiệp đề xuất, phải chăng Bộ Kế hoạch và Đầu tư am hiểu nông nghiệp hơn Bộ Nông nghiệp ?

Nếu am hiểu đến mức có thể soạn thảo chính sách nông nghiệp thì vì sao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại đánh giá dự thảo : "có những điều cứ như đưa ra cho vui chứ không thực hiện được" ?

Tương tự như vậy, chính sách "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" nhưng đội ngũ giáo viên phổ thông lại không do ngành Giáo dục quản lý có phải do khối Nội vụ, Tổ chức nắm chắc về giáo dục hơn Bộ Giáo dục ?

Câu nói của cổ nhân "sợ đứt tay nên không dùng dao sắc" chẳng bao giờ sai. Làm người đứng đầu mà tâm và tầm chưa tới thì chắc chắn cấp dưới không có người giỏi.

Chẳng ai "khôn" lại chọn người hơn mình làm nhân viên để họ vạch ra cái dốt của mình.

Cũng còn một lẽ khác, người thực sự có tài, có lòng tự trọng chẳng ai chịu khom lưng cho kẻ khác dẫm lên.

Dư luận từng biết câu châm ngôn hài hước về phòng chống tham nhũng : "gãi từ vai trở xuống", ý là khu vực đầu không cần gãi hay không được phép gãi ?

Cũng có thể có người cho rằng vai rất gần đầu nên gãi vai biết đâu trên đầu cũng bớt ngứa !

Và khi nghệ thuật "gãi" đã đạt đến trình độ thượng thừa thì biết đâu gãi chân lại khiến đầu tỉnh táo giống như nghệ thuật mát xa chân của mấy ông lang băm bên Tàu ?

Ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phản ánh tuyệt đối chính xác một thực tế đã được báo động từ khá lâu, đó là năng lực yếu kém của một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, chuyên gia chịu trách nhiệm hoạch định chính sách không riêng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn ở một số bộ, ngành khác.

Điều này diễn ra trong một thời gian quá dài, có lẽ cũng vài chục năm rồi.

Từ hiện tượng trái khoáy "ngứa đầu gãi chân" mà ông Vương Đình Huệ phê phán, người viết cho rằng theo chiều ngược lại, "ngứa chân" thì phải … "gãi đầu".

Khi nông nghiệp và nông thôn xuất hiện những bất cập thì không thể không "gãi" các bộ, ngành liên quan.

Suy rộng ra, vấn nạn tham nhũng, lãng phí, kết bè kéo cánh xuất hiện lúc này, lúc khác trong cơ quan công quyền, trong các tổ chức, đoàn thể thì trách nhiệm thuộc về bộ phận đầu não, nơi ban hành chủ trương, chính sách.

Tương tự như thế, hiện tượng công dân bị oan sai, bị tù tội nhiều năm chưa được xét xử trách nhiệm thuộc về các quan tư pháp cấp cao nhất là Viện Kiểm sát và Tòa án Tối cao.

Trong khi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng rất năng động, nói và làm nhiều việc thì cấp dưới làm gì ?

gai1

HÌnh minh họa từ petrotimes.vn

Chỉ cần nghe chất vấn của đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng, với tổng Thanh tra Chính phủ là có thể hình dung phần nào hiệu quả công việc mà họ nhận trước nhân dân.

Ngày 7/6/2017, đoàn giám sát Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giám sát hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 đối với Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong nửa năm cơ quan điều tra thành phố này không khởi tố một vụ án nào liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Cũng tại thành phố này công dân bị tạm giam ba bốn năm chưa kết án được xem là bình thường, thậm chí có vụ việc cả nguyên đơn, bị đơn đều đã qua đời, vụ án kéo dài tới 23 năm chưa xử xong [3] ?

Suy cho cùng, khi mà đội ngũ công bộc của dân còn làm việc theo kiểu "ngứa trên đầu gãi dưới chân" thì chuyện người dân đòi hỏi "ngứa chân phải gãi đầu" không phải là không có lý.

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 22/06/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-chinh-phu-da-gai-dung-cho-ngua-cua-doanh-nghiep-373353.html

[2] http://dantri.com.vn/su-kien/pho-thu-tuong-ngua-tren-dau-ma-gai-duoi-chan-thi-giai-quyet-duoc-gi-2017061919434266.htm

[3] http://thanhnien.vn/thoi-su/khong-khoi-to-vu-an-san-xuat-buon-ban-hang-gia-nao-843164.html

Published in Diễn đàn