Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ở một góc nhìn cá nhân nào đó, Việt Nam là một sự ô trọc về mặt đạo đức.

Một bài viết của Facebooker Nguyễn Thị Mỹ Dung vào cuối năm 2017 với tiêu đề ‘Sự ô trọc của hòn đảo’ cho biết : Đảo Phú Quốc nằm trong chính sách khu bảo tồn quốc gia dường như chỉ là danh xưng để thu hút khách du lịch. Để xây các khu resort nghỉ dưỡng bên bờ biển, chủ đầu tư cắt xẻ các con đường núi.

Và có vẻ chưa dừng tại đó, hòn đảo ngọc bích này trong mắt tác giả trở nên ‘xôi thịt’ bởi các công trình hiện đại, là công trình nước, căn hộ theo mốt phương Tây. Và vì không gian bị chiếm chỗ, nên ‘loài chim ăn trái Hornbills - hồng hoàng’ bay xao xác, đậu bất an trên những cành cây vắt qua đường nhựa. Hình ảnh người bán cò đập đầu cò, mổ thịt chúng, giao cho khách là hình ảnh đặc trưng tại Phú Quốc.

otroc1

Đảo ngọc Phú Quốc đang thay từ vẻ đẹp hoang sơ thành nơi của những căn hộ, biệt thự, và trung tâm thương mại.

Sự trăn trở của tác giả dừng lại về cái gọi là ‘miếng ăn’. ‘tập đoàn lớn như VinGroup, SunGroup đã cạo trắng vùng rừng và biển, khiến đất nước tồi tàn đi từ ý thức đến hình ảnh’. Và để rồi chẳng mấy chốc, ‘con thú bỏ đi hết, rừng và biển cũng khô cạn như lòng người vậy.’

Vingroup hay Sungroup đã và đang được vinh danh vì làm ăn giỏi, người viết không hề bài trừ hay phủ định sạch trơn. Tuy nhiên, những việc làm mà hai doanh nghiệp đã và đang tiến hành tại đảo ngọc Phú Quốc đã và đang cho thấy sự bán rẻ các giá trị thuộc về văn hóa phát triển doanh nghiệp bền vững trong việc tìm kiếm nguồn lợi tối đa, bằng sự xóa sổ thiên nhiên, để đem những ‘mì ăn liền’ từ phương Tây về ngự trị. 

Từ Sapa, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc, đều mang một dáng dấp chung về những căn biệt thự chia lô, những trung tâm thương mại và những cáp treo liên tục lập kỷ lục. Cái quý giá nhất mà Việt Nam được ban tặng là ‘rừng vàng, biển bạc’ giờ đây được đổi chác với giá cực rẻ : trung tâm thương mại, căn hộ, và cáp treo.

Không ai nói thì ai cũng biết thế hệ sau sẽ không còn những cánh rừng nguyên sinh ; những bãi biển nguyên sơ ; những ngôi chùa cổ kính ; những ngọn núi hùng vĩ ; những hang động kỳ bí ; …bởi tất cả bị xóa sổ từng ngày, từng giờ bằng chính sách phát triển kinh tế không kiểm soát.

Đến 50 năm sau, tức năm 2068 – liệu khi nhìn lại đất nước này, nó sẽ còn gì ngoài những đồi và biển đầy ô trọc. Sự ô trọc của lòng tham, của chính sách thiển cận, của những biệt đãi nhóm chính sách, và cũng chính từ một xã hội chưa thực sự làm chủ.

Chưa làm chủ trên nền tảng đạo đức vụn vỡ

Nếu lối thoát của nền chính trị Việt Nam với sự 'đổi mới và đi lên' trong thực tế là một nhà tư tưởng. Thì sự xóa bỏ 'ô trọc' bằng cách đưa người dân làm chủ những vấn đề lớn xoay quanh mình là thiết lập lại một nền tảng đạo đức - vốn đã bị phá vỡ trước đó. Nền tảng đạo đức xuất phát từ xã hội và vì xã hội, thay vì thể chế và vì thể chế.

Nhưng làm sao để có thể thiết lập nền tảng đạo đức ở những tiếng nói lớn - vốn dư đầy về quyền lẫn tiền ? Những tiếng nói ngạo nghễ ? Có lẽ xuất phát từ phương châm tẩy chay.

Có một thời điểm, người Việt Nam đã thực hiện hoạt động tẩy chay sản phẩm của công ty Vedan, công ty mà hàng chục năm hưởng thuế ưu đãi, làm lợi trên thị trường dân số đông và đầu độc chết dòng sông Thị Vải. Hoạt động tẩy chay là một hình thức đấu tranh bất tuân dân sự, buộc doanh nghiệp hay cộng đồng lớn có liên quan phải lắng nghe tiếng nói đạo đức trở lại. Buộc họ phải cam kết lại tính đạo đức, và thiết lập lại một nền tảng có đạo đức.

Cộng đồng càng có sức ảnh hưởng, nhóm cộng đồng càng mạnh thì càng phải có tính xã hội và đạo đức bên trong nó - quan trọng là cần phát huy nó theo hướng tích cực, chống lại nhóm lợi ích, chủ nghĩa thân hữu để giành lại lợi quyền cơ bản cho cộng đồng. 

Vingroup hay Sungroup lớn lên từ chính sách có phần thân hữu tại Việt Nam, nhưng nó tồn tại được là nhờ vào sự tiêu thụ của thị trường nội địa. Ví như Vingroup, gần như Trung tâm thương mại Vincom, nhà máy xe Vinfast, hay bệnh viện Vinmec sống là nhờ vào số dân đông Việt Nam. Một biệt thự hay trung tâm phá nát thiên nhiên sẽ làm sao tồn tại được khi mà người dùng bỏ mặt. Hay đúng hơn, người dùng sẽ tẩy chay sự ô trọc của các doanh nghiệp có phần ăn xổi ở thì này.

Sự tẩy chay sẽ có sức ảnh hưởng lớn, nhất là trong bối cảnh mà các doanh nghiệp Thái đang thâu tóm các doanh nghiệp Việt ; những chuỗi thương mại nước ngoài như 7 Eleven, Shop go, Circle K... hiện diện bên cạnh Vinmart ; các dòng xe cắt thuế theo lộ trình đang len lỏi trong thì trường trong bối cảnh Vinfast đã và đang tiến hành các hoạt động ban đầu để sản xuất oto.

Tiếng nói người dùng/cộng đồng lớn mạnh sẽ có tác động lớn đến sự định hình nền tảng đạo đức doanh nghiệp ; xóa bỏ sự trọc phú, ô trọc - chỉ biết làm lợi cho mình mà quên đi giá trị cộng đồng. Chính cộng đồng vốn bị tổn hại từ hoạt động doanh nghiệp nếu biết ứng xử phù hợp, thì sẽ trở thành yếu tố buộc doanh nghiệp phải thay đổi văn hóa - đạo đức của mình.

Vấn đề là : cộng đồng có chịu làm ? Và sẽ làm ở mức độ nào ? Bởi nếu chỉ cho rằng, Vingroup/Sungroup là một doanh nghiệp quá lớn, hoặc như vẫn nhân danh 'Ủng hộ hàng Việt Nam là yêu nước' thì chính các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thực hiện các hành vi cư xử thiếu phù hợp nhằm tối đa hóa lợi nhuận của mình, hay lợi dụng các giá trị đạo đức cộng đồng để thực hiện các hành vi ô trọc/thiếu đạo đức như đã nêu ở trên.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 15/03/2018

Published in Diễn đàn