Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong bối cảnh lượng người đến mua sắm ở các trung tâm thương mại (Trung tâm thương mại) thưa thớt và bị sụt giảm vì dịch bệnh Covid-19, các đơn vị kinh doanh đang mong đợi chủ cho thuê mặt bằng hỗ trợ, chia sẻ.

lamnguy1

Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall có thời điểm vắng bóng khách tham quan. Ảnh : Lê Toàn

Cân nhắc bài toán cộng sinh

Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean (Vitajean), chủ các cửa hàng quần áo thời trang V-SixtyFour, cho biết nhà cho thuê mặt bằng bán lẻ Trung tâm thương mại Diamond ở trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định áp dụng giảm 50% giá thuê mặt bằng cho cửa hàng V-SixtyFour. Việc giảm giá này của trung tâm Diamond được áp dụng trong tháng 2 rồi, thời điểm mà toàn thị trường rơi vào khó khăn do dịch bệnh từ Covid-19 xảy ra khiến doanh số bán hàng tại cửa hàng của Vitajean ở các Trung tâm thương mại bị sụt giảm mạnh.

Theo người đứng đầu Vitajean, hầu hết các nhà kinh doanh tại các Trung tâm thương mại hiện đều rơi vào tình cảnh rất khó khăn do người mua sụt giảm mạnh vì ngại đến nơi đông người. Việc hỗ trợ từ các đơn vị quản lý trung tâm thương mại trong lúc này được xem là một sự chia sẻ, thấu hiểu cùng nhau vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh khó lường. Bởi lẽ chi phí thuê mặt bằng ở các Trung tâm thương mại hiện chiếm rất cao, riêng ngành thời trang là từ 20-25% tổng doanh thu (trung bình khoảng 22%).

Theo quản lý của một đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch Covid-19 lượng khách đến Trung tâm thương mại giảm 65-70%, siêu thị giảm từ 40-50% so với thời điếm dịch bệnh chưa bùng phát. Trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm, gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng ngày càng cao, trở thành một thách thức lớn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính cũng như sự tồn tại của nhiều khách thuê. Vì vậy, sự hỗ trợ của chủ đầu tư vào thời điểm này được cho là rất quan trọng.

Trước tình hình đó, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Retail, chủ đầu tư các Trung tâm thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh như Moonlight Plaza (quận Thủ Đức) và Saigon Mia (huyện Bình Chánh), hay ở Vũng Tàu là Trung tâm thương mại Vung Tau Melody cũng đã chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ xem xét từng trường hợp để quyết định mức giảm trong khoảng từ 20% đến 40% giá thuê, thậm chí có thể nhiều hơn. Thời gian hỗ trợ sẽ được sắp xếp tùy thuộc vào diễn biễn dịch bệnh.

Chia sẻ về việc giảm giá thuê, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Retail, cho rằng trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, không thể vì muốn đảm bảo doanh thu mà bỏ mặc doanh nghiệp. Vì vậy Hưng Thịnh sẵn sàng chấp nhận giảm doanh thu từ việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng, nhằm giúp các đối tác trong đại dịch này.

"Đây là hành động nhỏ nhưng thiết thực của tập đoàn để cùng đối tác vững tâm, ổn định kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19", ông Bình nói và cho biết là đơn vị quản lý và cho thuê, ông nắm rất rõ tình hình kinh doanh của các đơn vị thuê hiện nay, có nhiều trường hợp doanh thu sụt giảm hơn 50% thậm chí là nhiều hơn nữa, nên chắc chắn là rất khó khăn và cần sự chia sẻ của đơn vị đồng hành.

lamnguy2

Tình hình vắng khách tham quan cũng xảy ra ở Trung tâm thương mại Crescent Mall, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Lê Toàn

Tuy nhiên không phải chủ cho thuê mặt bằng nào cũng có quyết định nhanh hoặc cùng chia sẻ như nhà điều hành của Trung tâm thương mại Diamond, hay tại Hưng Thịnh Retail,...

Theo ông Phan Văn Việt, V-SixtyFour hiện có mở kinh doanh ở hầu hết các trung tâm mua sắm lớn trên cả nước với doanh số bán hàng kể từ khi dịch bệnh xảy ra đã bị sụt giảm đến 80%. Và Diamond là Trung tâm thương mại đầu tiên mà cửa hàng V-SixtyFour được đơn vị cho thuê mặt bằng giảm giá ngay khi Vitajean có đơn kiến nghị.

Một số Trung tâm thương mại khác như Vincom, Aeon, Lotte,... đến thời điểm hiện tại chưa có câu trả lời chính thức nhưng theo ông Việt họ cũng đang xem xét. Bởi lẽ không giống như Diamond đứng riêng lẻ một mình, những trung tâm bán lẻ như Vincom, Aeon, Lotte,... có cả chuỗi kinh doanh nên khi quyết định điều chỉnh hay hỗ trợ giá thuê mặt bằng trong thời điểm này cũng cần phải cân nhắc kỹ, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến doanh số của chủ cho thuê.

Kỳ vọng và đề xuất của V-SixtyFour là được hỗ trợ 50% mức giá thuê, nhưng theo ông Việt, còn tùy vào tính toán của nhà cho thuê mà mức hỗ trợ và chia sẻ khó khăn trong thời điểm này sẽ khác nhau, nên khó đạt được như đề nghị. Ngay cả tại Trung tâm thương mại Diamond, do diện tích cửa hàng V-SixtyFour thuê khá lớn và trước đây kinh doanh hiệu quả nên đơn vị cho thuê chấp nhận mức hỗ trợ cao. Nhưng có thể ở những cửa hàng khác chưa chắc được mức hỗ trợ như thương hiệu quần áo thời trang này, ông Việt chia sẻ.

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Thái Bình cho rằng một số Trung tâm thương mại với vị trí đắc địa luôn khiến nhiều thương hiệu phải "xếp hàng" để được vào kinh doanh thì lúc này có thể nhà quản lý Trung tâm thương mại sẽ phải nghĩ đến họ. Đây cũng có thể là giai đoạn thích hợp để các đơn vị cho thuê mặt bằng xem xét cần thay đổi đơn vị thuê có tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu nổi tiếng và tiềm năng hơn. Tuy nhiên, việc thay thế đối tác thuê trong bối cảnh thị trường ế ấm giữa mùa dịch cũng không phải dễ.

lamnguy3

Trung tâm thương mại Parkson Hùng Vương cũng vắng bóng khách tham quan. Ảnh : Lê Toàn

Tiềm ẩn nguy cơ nếu giữ giá thuê như cũ

Chuyên gia bán lẻ Hoàng Tùng cho rằng ở trong nước vốn dĩ không nhiều Trung tâm thương mại có sức hút kéo được lượng khách lớn đến tham quan mua sắm mỗi ngày thì tình hình dịch bệnh từ Covid-19 đang xảy ra khiến lượng khách càng thưa vắng hơn. Trên thực tế nhiều Trung tâm thương mại có thời điểm lượng khách đến tham quan mua sắm còn ít hơn lượng nhân viên bán hàng. Điều này theo ông Tùng chắc chắn đã và đang ảnh hưởng nhiều đến hầu hết các nhà kinh doanh tại các trung tâm mua sắm. Do đó hơn bao giờ hết ngay trong lúc này các doanh nghiệp kinh doanh, nhà bán lẻ rất cần đến sự chia sẻ khó khăn của các đơn vị quản lý và cho thuê mặt bằng.

Đối với những nhà kinh doanh, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh thì việc sụt giảm kinh doanh trong 1-2 tháng đầu sẽ không là vấn đề, nhưng với những nhà kinh doanh yếu về tài chính thì khác.

Theo ông Tùng, bản chất kinh doanh Trung tâm thương mại là "win-win", tức cả đơn vị cho thuê và người thuê mặt bằng đều phải cùng thắng. Cho nên trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn này, nếu nhà quản lý và cho thuê mặt bằng không có chính sách hỗ trợ cùng chia sẻ khó khăn với các đơn vị kinh doanh của mình mà chỉ nghỉ đến việc bảo toàn đồng tiền cho thuê mặt bằng thì nguy cơ sẽ bị thiệt nhiều hơn.

Bởi lẽ theo ông Tùng, một khi các nhà kinh doanh không còn sức chịu đựng phải rút khỏi trung tâm thì mặt bằng những gian hàng đó sẽ bị khuyết. Một vài mặt bằng bỏ trống vốn dĩ đã tạo ra cái nhìn không mấy "đẹp" trong con mắt khách tham quan mua sắm. Nếu trường hợp có nhiều đơn vị kinh doanh cùng đóng cửa thì nguy cơ trung tâm thương mại đó sẽ khó khăn nhiều hơn. Khi đó, nhà quản lý kinh doanh mặt bằng không chỉ thất thu với các đơn vị ngưng hoạt động mà còn thiếu sức hút với người tiêu dùng do không có nhiều thương hiệu và sản phẩm. Những đơn vị còn lại cũng kinh doanh trong tình trạng ế ẩm thì Trung tâm thương mại cũng ko thể duy trì được lâu.

Hung Lê

Nguồn : TBKTSG, 06/03/2020

Additional Info

  • Author Hùng Lê
Published in Diễn đàn