Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thả nổi lãi suất vay trong thời điểm hiện tại là không phù hợp vì nó không đảm bảo được sự phát triển bền vững, ổn định của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu quan điểm liên quan tới nội dung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép bỏ trần lãi suất vay vốn.

dn1

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Ảnh : TPO

PV : Thưa ông, từ ngày 15/3/2017, các tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Riêng 5 lĩnh vực : phát triển nông nghiệp, nông thôn ; kinh doanh hàng xuất khẩu ; doanh nghiệp nhỏ và vừa ; công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao được áp dụng với với mức lãi suất cho vay tương đối thấp, khoảng 5,5%- 6%/năm.

Ông bình luận như thế nào về quyết định trên ?

Bùi Kiến Thành : Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/3/2017, quy định cho các tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng là một chủ trương dễ dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế với nhau. Ở đây cần làm rõ hai vấn đề : tính hợp lý và tính pháp lý.

Thứ nhất, về tính hợp lý. Phải khẳng định chủ trương trên đi ngược với chức năng, vai trò của một Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương có trách nhiệm cung ứng đủ lưu lượng tiền tệ cần thiết cho nền kinh tế phát triển ổn định, với một mức lãi suất hợp lý mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Việt Nam không phải là ngoại lệ, lãi suất phải được duy trì ở mức hợp lý, không thể tạo cơ hội cho ngân hàng thương mại đẩy lên mức bao nhiêu cũng được.

Ở đây, cần làm rõ khái niệm ‘’lãi suất thỏa thuận’’. Khi muốn "thỏa thuận" thì các bên liên quan phải cân sức, cân lượng. Trong khi đó, có tồn tại mối quan hệ như vậy giữa doanh nghiệp và ngân hàng hay không ? Phải nói thẳng, doanh nghiệp khó có sự cân bằng quyền lực để có thể ngồi lại thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng đặc biệt trong bối cảnh phương thức kinh doanh chưa theo chuẩn mực quốc tế của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Như vậy, nhiều khả năng, mức lãi suất thỏa thuận hoàn toàn phụ thuộc vào quyền quyết định của phía cho vay và có thể bị đẩy lên tới 10%, 20% thậm chí cao hơn nữa, không khác nào ngân hàng đang buộc doanh nghiệp phải đi vay nặng lãi. Quan trọng hơn, với mức lãi suất như vậy, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại, nền kinh tế sẽ lâm vào suy thoái khủng hoảng.

Thứ hai, về tính pháp lý. Ngân hàng nhà nước hoạt động theo Luật Ngân hàng và Luật Dân sự. Luật Dân sự quy định Các ngân hàng thương mại không được phép cho vay trên 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước. Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Chiếu theo luật, các ngân hàng thương mại không được cho vay với lãi suất quá 12%/năm, chứ không thể được cho vay với mức lãi suất thỏa thuận như tinh thần của thông tư nói trên. Như vậy, việc bỏ trần lãi suất, cho vay bất kỳ, vay theo mức thỏa thuận là trái với quy định của pháp luật hiện hành, là mối nguy hại đối với doanh nghiệp.

Tại một số quốc gia trên thế giới, nhằm đưa ra giải pháp kiểm soát tình trạng vay nặng lãi họ có quy định rất rõ về giới hạn mức trần lãi suất cho vay nặng lãi. Cho vay nặng lãi vượt quá mức quy định ngân hàng còn có thể còn bị truy tố hình sự.

PV : Vậy theo ông, mục tiêu điều chỉnh dòng vốn đi đúng vào các lĩnh vực ưu tiên như mục tiêu của quyết định này liệu có thực tế hay không và vì sao ?

Bùi Kiến Thành : Không nên nói mục tiêu trên có thực tế hay không mà hãy bàn xem chủ trương trên có khả thi hay không ?

Thông tư 39/2016/TT-NHNN áp đặt điều kiện là các khoản vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên : phát triển nông nghiệp, nông thôn ; kinh doanh hàng xuất khẩu ; doanh nghiệp nhỏ và vừa ; công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 5,5 – 6%. Sẽ nảy sinh hai câu hỏi :

Một là, ngoại trừ lĩnh vực cho vay xuất khẩu, nhóm doanh nghiệp còn lại sẽ tổ chức kinh doanh thế nào nếu chỉ được vay ngắn hạn với lãi suất thấp ? Trong khi, muốn vay dài hạn cho các chiến lược kinh doanh dài hơi, doanh nghiệp lại buộc phải vay với ‘’lãi suất thỏa thuận’’.

Hai là, nguồn tiền cho các khoản vay với lãi suất như vậy được lấy từ đâu ? Hiện tại, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 -3 tháng ở các ngân hàng ở mức xấp xỉ 4,5%, kỳ hạn 6- 9 tháng là 5,5%, cộng với chi phí vận hành theo thông lệ khoảng 1,5% -2%, mức lãi suất cho vay tối thiểu cũng phải trên 6%. Đó là chưa tính tới việc liệu nguồn tiền huy động được từ các khoản vay kỳ hạn dưới 1 năm có đủ cung ứng nếu các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên thực sự mặn mà với các khoản vay này hay không ?

Như vậy, khả năng hợp lý nhất là : Ngân hàng Trung ương ứng tiền thanh khoản cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 1-2%, sau đó ngân hàng thương mại cho lại các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vay lại với lãi suất 5-6%. Đây là trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Trung ương, được pháp luật cho phép phát hành tiền tệ cần thiết, đảm bảo lưu lượng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động, như tất cả các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều làm.

PV : Nhiều người lo ngại, những kỳ vọng điều chỉnh dòng vốn chưa chắc đã thành hiện thực trong khi thực tế là doanh nghiệp sẽ phải đối diện với mức lãi suất cao, chi phí sản xuất bị đẩy cao, không còn sức cạnh tranh với nhau (do những ưu đãi cho vay đang nằm trong quyền các ngân hàng thương mại) và đương nhiên không có sức cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, nơi các doanh nghiệp được vay với lãi suất từ 2-5%. Ông đồng tình ở mức độ nào với những lo ngại trên ? Xin ông phân tích cụ thể.

Bùi Kiến Thành : Rõ ràng Việt Nam hiện đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, để hội nhập được bắt buộc doanh nghiệp Việt phải nâng cao được sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Không riêng những mặt hàng xuất khẩu, kể cả với những sản phẩm tiêu thụ trong nước nếu chi phí sản xuất quá cao, doanh nghiệp không thể cạnh tranh được với sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài nhập về nhưng giá thành lại rẻ hơn.

Nguy cơ doanh nghiệp Việt bị mất cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu là hiện hữu do hàng sản xuất ra không thể cạnh tranh trên thị trường bởi yếu tố chi phí và giá thành.

Khi chính sách tiền tệ chưa bảo đảm được lưu lượng để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tiếp đó là việc không tiếp cận được nguồn tiền do lãi suất quá cao, nếu có tiếp cận được thì chi phí ngất ngưởng… Như vậy, khi hội nhập, doanh nghiệp Việt muốn giữ được chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng đã khó chưa nói tới khả năng đứng độc lập để cạnh tranh được với các nước trong khu vực, cũng như cạnh tranh với thế giới.

Do đó, bài toán mà Việt Nam phải giải quyết là : Tính toán lại mức lãi suất vay để lãi suất cho các doanh nghiệp trong nước vay vốn không cao hơn mức lãi suất vay vốn so với các nước trong khu vực (mức lãi suất cho vay của các nước là từ 2-5%, Việt Nam là 7-11%) để tất cả các thành phần kinh tế khác cùng có thể tham gia vào nền sản xuất được. Cũng không vì lý do tập trung ưu tiên 5 lĩnh vực kia mà bỏ rơi các thành phần kinh tế khác, sẽ rất nguy hiểm.

Vì vậy, bỏ trần lãi suất phải được xem là cả một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ cần xem xét, nghiên cứu kỹ. Thả nổi lãi suất vay trong thời điểm hiện tại là không phù hợp vì nó không đảm bảo được sự phát triển bền vững, ổn định của một nền kinh tế.

PV : Vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm ở các ngân hàng thương mại đã từng làm đau đầu các nhà quản lý. Khi ngân hàng thương mại được toàn quyền, liệu có thể tin tưởng việc cho vay được thực hiện với các dự án có tiềm năng chứ không phải là các dự án thân hữu hay không ?

Và thưa ông, nếu lo ngại tiền sẽ bị đổ vào các dự án nhà nước hay các dự án bất động sản (do yếu tố thân hữu và do chỉ các dự án đó mới chấp nhận được mức lãi suất thả nổi), điều đó có hợp lý hay không và vì sao ?

Bùi Kiến Thành : Chưa cần bàn tới sở hữu chéo ngân hàng, chỉ cần thấy khi ngân hàng có toàn quyền, tức là không còn chịu sự kiểm soát của trần lãi suất, khả năng ngân hàng áp đặt một mức lãi suất cao, gây khó cho doanh nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, ngân hàng có thể "sống khỏe" dựa trên nguồn lợi thu được từ các hoạt động cho vay nặng lãi còn doanh nghiệp sẽ bị bóp chết do không tiếp cận được với nguồn vốn. Khi doanh nghiệp không tồn tại được cũng đồng nghĩa với cả nền kinh tế bị hủy diệt theo. Nhưng nếu doanh nghiệp bị hủy diệt, ai sẽ trả nợ cho ngân hàng ? liệu ngân hàng có còn tồn tại được hay không ? Doanh nghiệp chết vì lãi suất quá cao sẽ tạo ra một làn "sóng thần" mới nợ xấu làm dổ vở hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, bỏ trần lãi suất mà không kiểm soát được còn là cơ hội để dòng tiền đổ dồn vào những lĩnh vực không hợp lý như bất động sản hay các dự án nhà nước. Đã có rất nhiều dự án được đầu tư khủng nhưng lại đắp chiều để đấy.

Do đó, ngay cả khi không có yếu tố sở hữu chéo, yếu tố thân hữu, sân sau thì vai trò của Chính phủ vẫn phải đưa ra những rào cản pháp lý như thế nào, hạn chế dòng tiền với những lĩnh vực nào cũng phải được quy định rất cụ thể.

Nói cách khác, ngoài vấn đề thị trường thì vấn đề quản lý như thế nào để không xảy ra những bất cập là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Trách nhiệm của nhà nước là phải có những biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

PV : Từ lâu, các chuyên gia kinh tế tâm huyết vẫn luôn luôn kiên định quan điểm, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý, tương tự các nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới. Vậy làm sao Việt Nam thực hiện được điều này ? Ở các nền kinh tế, mục tiêu này được thực hiện bằng các biện pháp tài chính tiền tệ như thế nào ?

Bùi Kiến Thành : Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 lần đầu tiên quy định Ngân hàng nhà nước là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam. Tuy nhiên vai trò, chức năng của Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng Trung ương đang bị trộn lẫn vào nhau, không được quy định rõ ràng. Chính vì vai trò, nhiệm vụ không được quy định rõ nên quyền hạn của Ngân hàng nhà nước với tư cách là Ngân hàng Trung ương cũng chưa được nhận định thông suốt.

Đến giờ, cần có Ngân hàng Trung ương, thay vì Ngân hàng nhà nước như hiện nay. Tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng việc giải quyết thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, là nhiệm vụ và cũng là quyền hạn của Ngân hàng Trung ương.

Vì ngân hàng trung ương có quyền phát hành tiền tệ, có nguồn tín dụng không phải trả lãi suất cho ai cả nên Ngân hàng Trung ương có thể cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp để ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý.

Tất nhiên, Ngân hàng Trung ương phải điều tiết lưu lượng tiền tệ cho phù hợp với mục đích tăng trưởng, phải luôn luôn cảnh giác. Không để lưu lượng tiền quá nhiều có thể gây lạm phát, và cũng không để lưu lượng quá ít để có thể gây thiểu phát. Cả hai đều có hại cho nền kinh tế.

Việc này tất cả các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều làm để ổn định lưu lượng tín dụng và lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng thương mại không huy động được vốn với lãi suất thấp để cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý, thì lúc đó nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương phải giải quyết việc này, chứ không thể nào để cho doanh nghiệp chết và nền kinh tế lâm vào khủng hoảng suy thoái được.

PV : Xin cảm ơn ông đã trả lời báo Đất Việt !

Vũ Lan (thực hiện)

Nguồn : Đất Việt, 23/02/2017

Published in Diễn đàn