Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia được báo Tuổi trẻ trích dẫn vào ngày 5 tháng tư, thì chỉ trong thời gian 3 tháng đầu năm 2017 đã có 390 ngư dân Việt Nam được Indonesia trả tự do sau một thời gian bị giam giữ vì đánh trộm cá. Và hiện nay còn 379 người vẫn bị giam giữ.

ca1

Một lính hải quân Indonesia nhắm bắn chìm một tàu cá Việt Nam bị bắt giữ do đánh cá trộm vùng đảo Anarmas, tỉnh Riau vào ngày 5 tháng 12 năm 2014. AFP photo

Bị bắt ở Indonesia

Chuyện ngư dân Việt Nam bị bắt tại các quốc gia láng giềng vì xâm phạm hải phận và đánh trộm cá tại các quốc gia đó diễn ra ít nhất hơn 10 năm nay. Một người biết rõ chuyện này cho biết các ngư dân bị bắt ở Indonesia phải trải qua các qui trình làm thủ tục như sau :

"Qui trình là bắt vô thì cảng nào giữ, cảng đó sẽ làm giấy tờ. Ngày xưa làm khoảng từ hai đến 4 tháng, bây giờ đông quá thì làm khoảng từ 4 đến sáu tháng. Ra tòa thì khoảng 3 đến 4 lần. Bây giờ theo luật mới thì tài công ở khoảng 4 đến 6 tháng, nếu tốn tiền cho tòa thì ở khoảng 4 tháng, rồi sang đảo khác ở, và thụ án 4 tháng nữa. Chứ ngày bị bắt vô thì không tính. Họ tính từ lúc anh ra đảo khác để ở trong tù, và ở 4 tháng. 4 tháng xong rồi sứ quán lãnh về".

Nguồn tin của chúng tôi cho biết là trước đây tất cả các tàu đánh cá nước ngoài bị bắt sẽ được giao về cho hải quân Indonesia quản lý, nhưng hiện nay với số lượng quá đông, các tàu bị bắt có thể bị hải quân, hoặc cơ quan hải giám, hoặc cảnh sát biển Indonesia quản lý để làm thủ tục giam giữ và trục xuất.

Có nhiều tàu Việt Nam khi biết mình bị phát hiện thì bỏ chạy vào bên trong hải phận Việt Nam, nhưng đôi khi bị tàu hải quân Indonesia đuổi theo và bắt giữ, vì họ đã dùng radar hoặc trực thăng để chụp hình vị trí của các tàu Việt Nam trong vùng biển Indonesia trước đó.

Các tàu đánh cá thường đi đánh bắt theo nhóm, và phía Indonesia thường bắt giữ những chiếc có giá trị cao, còn những chiếc nhỏ hơn thì để tháo chạy.

Về tình trạng các trại giam, các nguồn tin mà chúng tôi có đều khẳng định là những ngư dân Việt Nam bị bắt giữ đều được Indonesia đối xử đàng hoàng, tuy nhiên có những trường hợp bị trừng phạt bằng đòn roi, nhất là trong các trại giam của hải quân, vì vô kỷ luật, gây ồn ào do uống rượu say.

Nguồn tin của Đài chúng tôi cũng cho biết trước đây Indonesia bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam rồi đem bán đấu giá cho các công ty Indonesia, sau đó các chủ tàu đánh cá Việt Nam sẽ tìm cách mua lại. Để làm việc này, các chủ tàu đánh cá thường tự đi thuê các phiên dịch viên nói tiếng Anh, sang Indonesia để mua lại tàu, cũng như thăm nuôi thân nhân của mình bị bắt giam, và thường những người là thuyền trưởng, tài công cũng là người thân trong gia đình hay dòng họ.

Từ đó, các công ty Indonesia cũng thiết lập quan hệ với những người môi giới Việt Nam, để có thể thông báo cho chủ tàu bên Việt Nam sang mua lại tàu của mình.

Theo nguồn tin của chúng tôi, thì dường như chính quyền Indonesia tổ chức việc đấu giá này để tạo điều kiện cho người Indonesia mua được phương tiện đánh cá giá rẻ, nhưng cách này đã không thành công vì các phương tiện này lại trở về với chủ cũ. Vì lý do đó, trong thời gian gần đây chính phủ Indonesia đưa ra một phương cách mới là hủy các tàu đánh cá bắt được hòng ngăn cản làm sóng xâm nhập của ngư dân nước ngoài vào đánh trộm cá.

Biển Việt Nam hết cá

ca2

Tàu cá của ngư dân vùng biển Đại Lãnh. AFP photo

Trong danh sách 10 chủ tàu hoặc thuyền trưởng đã từng bị bắt ở Indonesia mà chúng tôi có được, thì có nhiều người bị bắt đến hai, ba lần. Tuy hiện nay Indonesia có biện pháp cứng rắn để đối phó với nạn đánh cá trộm, số tàu thuyền Việt Nam bị bắt theo quan sát của chúng tôi vẫn gia tăng, vì lý do là biển Việt Nam đã hết cá.

"Nếu đánh ở Việt Nam ba tháng thì không biết là đủ tiền dầu hay không, chứ đừng nói tiền bạn tiền bè, tiền ăn tiền uống. Không có ai đánh ở Việt Nam mà có cá cả. Biển Việt Nam mình cạn kiệt rồi".

Một chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng, vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, từng bị bắt giam ở đảo Natuna, Indonesia, cũng đồng ý với quan sát này. Anh nói là nếu đi đánh cá trộm ở Indonesia thì khoảng 10 chuyến có thể lấy lại vốn đầu tư đóng tàu :

"Giá trị tài sản của một cặp tàu cào đủ sức cào thì khoảng mười mấy tỉ, một cặp tàu cào để đánh bắt. Mình đánh vùng biển bên đó trong một tháng sẽ kiếm được khoảng 1 tỉ, có khi hơn, có khi dưới".

Trong thời gian qua, với căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng lên, chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ cho ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ nhằm mục đích tìm kiếm lợi tức lẫn bảo vệ chủ quyền quốc gia, như theo nguồn tin của chúng tôi thì biện pháp này không thành công, ít nhất đối với ngư dân khu vực phía Nam :

"Phước Tĩnh, Kiên Giang mình có nhiều chủ tàu phất lên là đều nhờ Indo hết. Có phải là họ đánh ở Việt Nam đâu, mấy cái chương trình hỗ trợ Hoàng Sa Trường Sa họ đâu có thèm đi, vì không có cá. Anh có hỗ trợ họ 100 triệu 1 lần, họ cũng không đi, vì hết cá rồi".

Người thuyền trưởng ở đồng bằng sông Cửu Long bổ túc thêm là không phải vùng Hoàng Sa Trường Sa không có cá, nhưng đó là vùng biển sâu, phù hợp với truyền thống của ngư dân vùng Quảng Ngãi Quảng Nam, chứ không phải loại cá vùng biển cạn như ngư dân vùng duyên hải đồng bằng Cửu Long và vùng Phước Tĩnh, Vũng Tàu vẫn làm.

Trong bản tin của báo Tuổi trẻ ngày 5 tháng tư, có trích lời một thuyền viên nói rằng anh không biết là đi đánh trộm cá ở Indonesia. Tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi thì những người làm nghề bạn, tức là thuyền viên được thuê chứ không có tàu, thì họ chỉ muốn đi đánh cá ở Indonesia mà thôi.

Chủ quyền quốc gia hay nguồn tài nguyên

Trong một bài báo ấn hành ngày 1 tháng tư, của trang tin Diplomat chuyên đưa những tin tức vùng châu Á Thái Bình Dương, tác giả Edyta Roszko cho rằng việc gia tăng các vụ đánh bắt cá trộm trong vùng biển Đông gia tăng nhanh chóng, và điều đó khẳng định rằng tranh chấp biển Đông, ngoài chuyện chủ quyền quốc gia và nguồn lợi dầu khí dưới lòng đất đáy biển, nay lại có thêm nguồn lợi hải sản.

Người chủ tàu vùng đồng bằng Cửu Long cho biết :

"Mình đang đánh trộm cá chính nhất là của Mã Lai với Indo. Còn Thái Lan thì kỹ thuật đánh bắt của họ hơn mình cho nên ngư trường Thái Lan còn cạn kiệt hơn của mình nữa. Thái Lan còn qua đây ăn cắp cá của mình. Thỉnh thoảng gặp tàu cào của Trung Quốc đi ăn cắp cá của Indo. Trung Quốc vẫn đóng tàu lớn để đi qua Indo đánh trộm cá".

Theo nguồn tin của chúng tôi, thì Trung Quốc là quốc gia hỗ trợ cho ngư dân của mình đi đánh trộm cá bằng cách cho tàu hải giám của họ theo hộ tống. Và đã có trường hợp các tàu này đã can thiệp, tấn công các tàu cảnh sát biển của Indonesia để giải cứu các tàu đánh cá của Trung Quốc bị bắt. Tuy nhiên về phương diện chính thức, Trung Quốc luôn bảo rằng vùng biển Natuna giàu hải sản của Indonesia là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc.

Hiện nay đứng trước biện pháp cứng rắn của chính phủ Indonesia, có nhiều chủ tàu Việt Nam cũng thối chí, nhưng theo nguồn tin của chúng tôi thì vẫn có những người tiếp tục đi đánh cá ở Indonesia, chấp nhận rủi ro vì lợi nhuận cao, và hơn nữa, đôi khi tàu của họ vẫn được đem ra bán đấu giá chứ không bị hủy, thậm chí là các thuyền viên có thể chỉ bị giữ có hai tháng mà thôi.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 07/04/2017

*************************

Nhiều người Việt Nam bị bắt hoặc tử vong ở nước ngoài (RFA, 07/04/2017)

INDONESIA-VIETNAM-FISHING

Một tàu cá Việt Nam bị bắt giữ và bắn chìm bởi cảnh sát biển Indonesia vì đánh bắt trộm hải sản. Ảnh chụp hôm 5/12/2014. AFP photo

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6 tháng tư cho biết Malaysia tiến hành bắt giữ 2 tàu cá và 28 ngư dân hôm 2 tháng 4 vừa qua.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói cụ thể việc bắt giữ xảy ra trong tình huống nào mà chỉ thông báo là đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có công hàm đề nghị các cơ quan chức năng Malaysia cung cấp thông tin chính thức về vụ việc này.

Đây không phải là lần đầu tiên, các ngư dân Việt Nam bị Malaysia bắt giữ. Hôm 8 tháng 3 lực lượng cảnh sát biển của Malaysia cũng đã bắt giữ 3 ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của nước này.

Ngoài Malaysia, nhiều ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản xa bờ cũng bị bắt giữ ở Indonesia hay Papua New Guinea. Mới đây, đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết Indonesia từ đầu năm đến nay đã trả tự do cho 390 ngư dân Việt Nam.

Cũng tin liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay cho biết cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Nhật Bản và Singapore đang tìm hiểu thông tin về những trường hợp người Việt bị bắt và tử vong ở nước ngoài.

Cụ thể, vào ngày 7 tháng 4, cơ quan cảnh sát tỉnh Osaka, Nhật Bản xác nhận với Tổng Lãnh sự Việt Nam rằng cơ quan này đã bắt giữ 7 người là công dân Việt Nam. Phía cảnh sát tỉnh Osaka đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc này.

Trong khi đó, tại Singapore, hôm 29 tháng 3 một người Việt Nam đã tử vong khi rơi từ một căn phòng ở tầng 15 của khách sạn Hotel Boss xuống. Cảnh sát Singapore cho biết đây là một vụ tự tử và không có dấu hiệu hình sự liên quan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đang phối hợp với nước sở tại để tìm hiểu thêm thông tin, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các công dân Việt Nam có liên quan.

 RFA tiếng Việt

Published in Diễn đàn