Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ việc dân oan Thủ Thiêm kéo dài suốt 20 năm qua, có thể xem là hệ lụy của cơ chế "Đảng cử dân bầu".

bunhin0

Vụ Thủ Thiêm : Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri quận 2

Lỗi hệ thống ?

Dân quận 2, Sài Gòn hỏi bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh : "Hai nhiệm kỳ Đại biểu quốc hội ở Thủ Thiêm, bao nhiêu lời bà đã hứa, bao nhiêu cảnh khổ bà đã nghe, đã chứng kiến ? Bà có giải quyết cho dân được không ? Nếu không, nghỉ đi cho người khác làm".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm rất bản lĩnh : "Cô bác giận, bức xúc, nói nặng đến đâu tôi cũng nghe được. Chỉ lo cho sức khỏe cô bác, giận quá cũng mệt lắm..".. Bà hứa khéo thay cho việc trả lời có từ chức hay không : "Vấn đề Thủ Thiêm còn bức xúc, cô bác còn nêu ý kiến thì chúng tôi còn chỉ đạo rà soát, chúng tôi sẽ không dừng lại. Không phải chúng tôi ray rứt rồi để đó, nghe ý kiến rồi để đó, còn một ý kiến phán ánh chúng tôi còn đeo bám, chúng tôi hứa như vậy".

Bà Tâm dùng từ "chúng tôi" là xác đáng, vì ở đây lỗi không phải chỉ mình bà.

Trong danh sách trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu cử ngày 22 tháng 5 năm 2011 tại Đơn vị bầu cử số 7 : quận 2, quận 9, quận Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh gồm có các ông bà sau : 1. Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; 2. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy ; 3. Bà Nguyễn Đoàn Thùy Trang, Phó Tổng Biên tập, Bí thư chi bộ báo Khoa học phổ thông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong danh sách trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XI tại Đơn vị bầu cử số 7 : quận 2, quận 9, quận Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh gồm có các ông bà sau : 1. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; 2. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (từ tháng 8-2016, ông Khuê giữ chức vụ phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) ; 3. Bà Trịnh Ngọc Thúy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (hiện nay bà Thúy là phó chánh tòa Thành phố Hồ Chí Minh)

Như vậy, "đầu vụ" trách nhiệm với dân oan Thủ Thiêm là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người 2 nhiệm kỳ liên tiếp là đại biểu cho cử tri quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Các "liên đới" như phó chánh tòa Huỳnh Ngọc Ánh, phó tổng biên tập Nguyễn Đoàn Thùy Trang, giám đốc sở Phan Nguyễn Như Khuê, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng ủy tòa án Trịnh Ngọc Thúy không thể thoái thác trách nhiệm.

Các ông bà nghị kể tên ở trên vì sao đã "mũ ni che tai" suốt nhiệm kỳ làm Đại biểu quốc hội là điều cần truy xét. Bởi với nghiệp vụ chuyên môn sâu về pháp lý như ông Huỳnh Ngọc Ánh, bà Trịnh Ngọc Thúy thì hồ sơ dân oan Thủ Thiêm là trong tầm tay giải quyết. Còn bà Nguyễn Đoàn Thùy Trang trên cương vị đứng đầu một tờ báo, bà đã thiếu dũng khí và phụ lòng tin của cử tri khi không lên tiếng cho những khuất tất mà người dân Thủ Thiêm phải gánh chịu.

Tin rằng bà Nguyễn Đoàn Thùy Trang còn nhớ, năm 2015, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải được báo chí ca ngợi hết lời vì chỉ mất 30 phút tiếp dân đã giải quyết được vụ khiếu kiện đất đai ròng rã gần 10 năm của ông Lê Văn Lâm ở quận 12. Năm sau, ông Lê Thanh Hải lại xuất hiện tươi tắn trên nhiều tờ báo, khi cũng chỉ vài mươi phút, đã giải quyết xong vụ khiếu kiện kéo dài 25 năm của ông Võ Văn Khuyến ở quận 6… Thế nhưng vì sao ở Thủ Thiêm khi ấy Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải lại im lặng ?

Người dân không có cơ hội nào cho lá phiếu cử tri

Công tâm mà nói lỗi ở đây không hoàn toàn thuộc về các ông, bà nghị. Người dân chỉ được chọn lá phiếu cử tri trên danh sách mà Đảng cấp trên đưa ra với tên gọi là ‘hiệp thương’. Các ông, bà được Đảng tín nhiệm cử ra cho người dân chọn bầu giống như kiểu so bó đũa chọn cột cờ. Nôm na, dân thì đi bầu theo danh sách Đảng cử ra, và lẽ ấy nên người ta gọi là cơ chế Đảng cử, dân bầu

Do đó ngay cả khi cử tri chọn đúng, thì quyền lực thực tế của các ông, bà nghị này vẫn lệ thuộc vào sự liêm chính đến đâu của ông, bà Bí thư Đảng cấp trên – với Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ Thủ Thiêm là Bí thư Lê Thanh Hải, Bí thư Đinh La Thăng.

Bà Dương Thu Hương, nguyên phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng chia sẻ rằng : "Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất ?. Thế rồi Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình, mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu là một Đại biểu quốc hội, vừa là đảng viên vừa là Đại biểu quốc hội thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử tri, mà phải thực hiện vai trò đảng viên của mình. Và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri…".

Gần 8 năm trước ở dịp Quốc khánh năm 2010, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn của tờ Tuần Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nguyên Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc [http ://bit.ly/2IvYfZB]. Ông Nguyễn Anh Tuấn hỏi : - Vậy ai chịu trách nhiệm xây dựng thể chế, thiết chế này ? Để chậm trễ như vậy ai chịu trách nhiệm ? Nguyễn Đình Lộc trả lời : - Khi nói đến thể chế là phải Quốc hội. Nhưng Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chẳng hạn muốn sửa Hiến pháp phải chờ Đại hội Đảng quyết. Đảng quyết rồi mới thành quyết định của Quốc hội.

Xem ra thì với vụ Thủ Thiêm đang được thổi bùng lên hiện nay cũng đến từ quyết định của Đảng. Ngay cả sắp tới đây Bộ Luật Lao động với chế độ nghỉ hưu sẽ như thế nào, lương bổng ra sao, những ai sẽ được cơ cấu vào ghế quan chức cấp cao… cũng lệ thuộc hoàn toàn vào nghị quyết được Hội nghị Trung ương 7 khóa XI ban hành.

Nói thêm về cách chọn "ai sẽ làm quan" của Đảng. Trong vụ việc sai phạm của bà cựu phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh vừa bị Ban bí thư cách hết các chức vụ trong Đảng, vào sáng ngày 10-5, Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai thông báo đã xử lý kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Võ Thanh Nhuận, trưởng phòng đầu tư (thuộc Văn phòng UBND tỉnh).

Ông Nhuận bị kỷ luật do đã tham mưu cho bà Thanh ký văn bản trái thẩm quyền cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng (doanh nghiệp của chồng bà Thanh) làm dự án khu dân cư - dịch vụ thương mại xã Phước Tân (Thành phố Biên Hòa). Ông Nhuận còn tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai ký văn bản gia hạn hoạt động bến thủy trái pháp luật của Công ty Cường Hưng.

Lỗi của thầy dùi ? Vậy trình độ đọc – hiểu của một người ở tầm phó bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Đồng Nai lẽ nào tệ đến vậy ? Đây cũng là một hệ lụy của Đảng cử, dân bầu.

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 15/05/2018

Published in Diễn đàn