Ngày 2 tháng 6 năm 2022, mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh nhiều người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh lao ra đường khống chế, bắt giữ hai thanh niên cướp giật và giao cho công an.
Người dân khống chế 2 thanh niên giật điện thoại (Ảnh : A.X.).
Chuyện người dân rượt đuổi bọn cướp nhắc lại câu chuyện thương tâm xảy ra vào năm 2018, hai người trong một nhóm được mệnh danh là "hiệp sĩ đường phố" bị cướp tấn công và đâm chết khi các "hiệp sĩ đường phố" tìm cách khống chế nhóm cướp đang trộm xe của người dân. Ba hiệp sĩ trong nhóm này bị thương nặng.
Hình minh họa. Nhóm hiệp sĩ do anh Nguyễn Thanh Hải (bìa phải)l àm trưởng nhóm bắt đối tượng cướp tài sản - FB nhân vật trong bài về nhóm hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải cung cấp
Mới năm ngoái, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã tặng giấy khen và thưởng đột xuất cho hai công an và hai người dân tham gia bắt giữ kẻ cướp giật tài sản trên đường.
Một xã hội bất ổn ?
Trung tá Vũ Minh Trí, cựu cán bộ Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng) nói với RFA quan điểm của ông sáng 2 tháng 6 năm 2022 :
"Thực ra, trong một xã hội mà cầm một cái điện thoại, đeo một cái túi hàng hiệu hay đeo vàng bạc đá quý mà thấy lo lắng đến mức sợ bị cướp thì đó là một xã hội hết sức bất ổn. Nó không tốt về mặt trật tự an toàn xã hội. Có nghĩa rằng lực lượng an ninh chưa làm hết trách nhiệm.
Cách đây một số năm khi tôi còn đang giữ chức, tôi có đọc một số tài liệu thì tôi thấy lực lượng cảnh sát, lực lượng an ninh của Việt Nam, xét theo tỷ lệ dân số, thuộc hàng cao nhất thế giới. Tôi còn đọc một số liệu là trong một đợt, Công an thành phố Hà Nội trao quyết định tăng lương, thăng quân hàm cho 6.000 người. Có nghĩa là Hà Nội lực lượng công an lên đến vài vạn, tức là số lượng rất là nhiều.
Tại sao lại để cướp lộng hành ? Đây là một câu hỏi mà có nhiều câu trả lời. Có câu trả lời tôi ví dụ qua những việc trên đài báo, tôi nhận thấy lực lượng đấy có nghiệp vụ là kém ; tinh thần trách nhiệm là kém dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai, bản thân lực lượng ấy có một phần, thậm chí là một phần lớn có những hoạt động có tính chất tội phạm hoặc bản thân họ có mối liên hệ với trộm cướp hoặc dung túng tội phạm. Cho nên lực lượng đông như vậy nhưng mà không mạnh, không thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ để cho nhân dân có một cuộc sống hết sức bất an nói về mặt an toàn xã hội".
Những năm gần đây, hàng loạt tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an bị kỷ luật với nhiều vi phạm ; thậm chí có người đã bị đưa ra xét xử vì có hành vi tiếp tay cho tội phạm.
Có thể nêu tên một vài người như Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh - bị cách chức vào tháng 9 năm 2019 vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng và các quy định của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh vi phạm kỷ luật và pháp luật ; vi phạm trong công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của ngành công an.
Trung tướng Công an Bùi Văn Thành bị giáng chức xuống đại tá vào tháng 7 năm 2018 về những sai phạm trong quá trình công tác có liên quan đến vụ cựu sĩ quan Công an Phan Văn Anh Vũ – người đang thụ án tù trong một loạt các vụ án liên quan đến tiết lộ bí mật Nhà nước, làm trái quy định.
Mới đây, cựu trưởng Công an Quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội, đại tá Phùng Anh Lê bị truy tố tội nhận hối lộ về hành vi nhận tiền để chỉ đạo tha người đang bị tạm giam khi không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giam theo qui định của pháp luật.
Người dân không thể làm thay công an
Theo thống kê tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chiều 20 tháng 1 năm 2022 của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình cướp giật và trộm cắp tài sản trong xã hội chiếm tới 55% số các vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam. Về mặt phân công chức năng nhiệm vụ xã hội thì việc bắt cướp đã quy định rõ là giao cho lực lượng công quyền, mà cụ thể là lực lượng công an.
Trong các năm qua, tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã xuất hiện các câu lạc bộ hoặc đội nhóm "hiệp sĩ" chuyên đi truy bắt cướp trên đường phố. Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước cho phép thành lập các câu lạc bộ phòng chống tội phạm với nòng cốt là các "hiệp sĩ đường phố". Các "hiệp sĩ" này không nhận lương mà chỉ được hỗ trợ một số xe máy lớn, tổ chức huấn luyện võ thuật để bắt cướp, theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương.
Nhiều người dân cho rằng, việc người dân phải lao ra đường bắt cướp là vô lý, bởi người dân đóng thuế cho Nhà nước để chi trả lương cho lực lượng công an, cảnh sát. Họ được huấn luyện, được pháp luật bảo vệ. Nhà báo Trần Ngọc Tuấn nêu quan điểm của ông với RFA :
"Lực lượng công an, cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ an ninh. Họ ăn tiền thuế của nhân dân thì họ phải làm những việc đó. Tại sao không làm mà để người dân phải làm ?
Người dân có thể gặp những chuyện bất bình, gặp chuyện hành hung phụ nữ, trẻ em thì với bản năng tự vệ họ sẽ can thiệp. Nhưng đây không phải việc của người ta. Không nên khuyến khích. Nếu khuyến khích thì tôi cho là bất nhân bởi vì người dân không có được đào tạo, không có vũ khí. Đó là việc của lực lượng an ninh, lực lượng cảnh sát bảo vệ".
Luật Công an nhân dân quy định, công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn nói với RFA : "Người dân không có nhiệm vụ đi bắt cướp bởi người dân không phải là Lục Vân Tiên. Người dân không có vũ khí, người dân không được huấn luyện bắt cướp mà cướp ở Việt Nam thường có vũ khí".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 02/06/2022