Giới hoạt động cho rằng việc các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong các văn bản chính thức gần đây xác nhận rằng người Thượng ở Việt Nam là người bản địa "có ý nghĩa quan trọng", mặc dù chính quyền Việt Nam khăng khăng từ chối công nhận.
Người Thượng ở Tây Nguyên. Photo Facebook Nguoi Thuong vi Cong ly.
Việc xác nhận này diễn ra chỉ vài tháng sau khi các chuyên gia của nhóm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) nêu một số câu hỏi vì sao Hà Nội không công nhận sự tồn tại của người dân tộc bản địa ở Việt Nam và việc một số trường hợp các nhà hoạt động bản địa bị khởi tố vì truyền đạt thông tin liên quan đến quyền của người bản địa.
Từ vụ bạo động ở Đắk Lắk
Khi các nhóm các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc lên tiếng quan ngại về phiên tòa lưu động xét xử 100 người ở Đắk Lắk, ít hai lần trong cùng một thông cáo cáo chí họ đã gọi người Thượng là dân tộc bản địa (indigenous people).
"Các chuyên gia nhân quyền độc lập hôm nay bày tỏ tình trạng báo động về việc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lạm dụng luật chống khủng bố - có tính chất phân biệt đối xử - đối với các sắc dân bản địa người Thượng và các nhóm tôn giáo thiểu số theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên", nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc viết trong thông cáo ngày 28/8/2024.
"Phiên tòa của chính quyền Việt Nam dường như liên quan đến việc bắt giữ và giam giữ tùy tiện, bao gồm cả việc kích động lực lượng dân phòng thuộc một nhóm dân tộc đa số để truy lùng những nghi phạm được cho là người Thượng bản địa", vẫn theo lời các chuyên gia Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, trong thư tố giác ngày 14/6/2024, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng công nhận rằng hầu hết 100 người bị xét xử nói trên là "người Thượng bản địa (hay cũng được gọi là ‘người miền núi’, ‘người Thượng’, hay ‘người Degar’)".
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đề cập đến các cáo buộc bắt giữ và giam cầm "bất hợp pháp" liên quan đến vụ án, tra tấn và ngược đãi các nghi phạm người Thượng, những cái chết không rõ nguyên nhân khi bị giam giữ, cáo buộc khủng bố, hạn chế quyền tự do ngôn luận và tham gia truyền thông, phân biệt đối xử với người bản địa và đàn áp người Thượng vì lý do tôn giáo và tín ngưỡng.
Bà H’Biap Krong, một người Thượng sống lưu vong ở Châu Âu, một nhà bảo vệ nhân quyền cho người Thượng, nói với VOA hôm 25/10 rằng việc các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên tiếng xác nhận người Thượng là người bản địa có ý nghĩa rất quan trọng.
"Việc các chuyên gia nhân quyền dùng từ người Thượng bản địa trong thông cáo báo chí nhằm nhấn mạnh với nhà nước Việt Nam cũng như quốc tế biết rằng cộng đồng yếu thế này của người bản địa ở Việt Nam đang được quốc tế quan tâm ; sự tồn tại của họ được quốc tế công nhận ; nhấn định một điều rằng Việt Nam cần phải công tâm và công bằng trong việc đối nhân xử thế đối với người Thượng bản địa".
"Từ lúc các vụ xung đột xảy ra ở Tây Nguyên và rất nhiều người quan tâm đến vấn đề này và các báo cáo vi phạm được cung cấp thường xuyên, cộng đồng quốc tế và các cơ quan của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chú trọng hơn đến các vấn đề của người Thượng bản địa ở Việt Nam", bà Krong, người thường xuyên vận động tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc về quyền của người Thượng, nêu quan điểm cá nhân.
Trong thông cáo phát đi ngày 28/8, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lấy ví dụ về việc ngày 20/1/2024, một phiên tòa lưu động "đã kết án 100 người về các tội danh liên quan đến khủng bố" trong vụ tấn công vào hai trụ sở chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023, làm 9 người chết.
Các chuyên gia nhân quyền độc lập của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng "100 người này chủ yếu bị truy tố về tội khủng bố mơ hồ" bởi phiên tòa lưu động mà họ cho rằng "thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng và không độc lập trước ảnh hưởng chính trị".
Truyền thông Việt Nam nói rằng phiên toà xét xử 100 bị cáo trong vụ tấn công khủng bố ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023 "tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế".
Đến xác định ‘Người Thượng bản địa’
"Liên Hiệp Quốc ghi nhận rằng người Thượng ở Tây Nguyên là những sắc dân bản địa. Âm ỉ trước đến giờ họ vẫn thừa nhận điều ấy, nhưng bây giờ đây là lần đầu tiên họ chính thức dùng từ kép là ‘Người Thượng bản địa’", ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Virginia, Mỹ, nêu nhận định với VOA.
"Đây là điều mà chính quyền Việt Nam cấm kỵ, cho đến giờ này họ vẫn tuyên bố rằng ở Việt Nam không có cái gọi là người bản địa, Việt Nam chỉ thừa nhận những sắc dân thiểu số", ông Thắng nói thêm.
"Quyền của người bản địa rất đặc biệt", tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhận định. "Sắc dân thiểu số không gắn liền với đất đai của tổ tiên, trong khi người bản địa gắn liền với đất đai, văn hóa của họ gắn liền với rừng núi, sông hồ… Họ có những quyền đặc biệt được quốc tế công nhận, được Liên Hiệp Quốc công nhận. Ví dụ như quyền được hội ý khi có những chính sách ảnh hưởng đến văn hóa, đất đai… của họ, họ phải có quyền quyết định trong những chính sách, họ được quyền thụ hưởng những lợi nhuận rút ra từ đất đai của họ. Họ có những quyền tương đối tự trị trong việc bầu ra những người của họ để đại diện cho họ trong thể chế, chính quyền".
"Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận người Montagnard là người bản địa – đây là một lời khẳng định có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, nhấn mạnh quyền tồn tại và phát triển độc lập của cộng đồng Montagnard", ông Y Phic Hdok ở bang California, Mỹ, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý, nêu ý kiến với VOA. "Sự công nhận này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người Montagnard mà còn là lời kêu gọi toàn cầu để chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền của họ với tư cách là người bản địa".
Dù chính phủ Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về quyền của người bản địa (‘UNDRIP’) khi tuyên bố này được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 13/9/2007, nhưng nước này vẫn không công nhận người bản địa, và cũng chưa phê chuẩn Công ước 169 của Tổ chức Lao động Quốc tế về người bản địa và bộ lạc.
Trong thư phản hồi của chính quyền Việt Nam ngày 27/7/2023 cho thư tố giác của Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc ngày 6/9/2022, họ nói rằng Việt Nam "không có người bản địa", và cũng "không có cái gọi là người Thượng bản địa". Đồng thời, Hà Nội cho rằng "không ai bị bắt giữ tùy tiện hay trừng phạt vì thực hiện các quyền tự do hợp pháp, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tự do ngôn luận và quan điểm, tự do hội họp và lập hội".
"Người Thượng đã trải qua nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo, và bị tước đoạt đất đai", nhóm Người Thượng vì Công lý, tổ chức vệ quyền của người Thượng, cho biết trong một bài đăng trên Facebook gần đây. "Một số đã tìm cách chạy sang các nước láng giềng, như Thái Lan, để tránh sự đàn áp và tìm kiếm quyền tị nạn, nhưng tình hình của họ vẫn rất khó khăn".
Người Sedang làm lễ cầu mưa tại một buôn làng ở Kontum - Ảnh minh họa
Việt Nam gọi người Thượng là gì ?
Người Thượng là một thuật ngữ do chính quyền thực dân Pháp sử dụng, có nghĩa là "cư dân miền núi", để mô tả một nhóm khoảng 30 dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên của Việt Nam. Nhiều người trong số họ là người theo đạo Tin lành.
Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ lâu đã cảnh giác với sự can thiệp từ bên ngoài và có mâu thuẫn với nhiều chính phủ khác nhau, bao gồm cả chính quyền miền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn trước năm 1975 và chính quyền cộng sản Việt Nam sau đó.
Vào những năm 1960, nhiều người Thượng là thành viên của một nhóm tên là FULRO, vận động đòi quyền tự chủ cho người bản địa. Trong Chiến tranh Việt Nam, người Thượng đã giúp đỡ lực lượng Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn bộ đội Bắc Việt đưa hàng tiếp tế vào miền Nam Việt Nam.
Kể từ sau Chiến tranh Việt Nam năm 1975, chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách di cư, đưa hơn ba triệu người Kinh đến khu vực này, khiến cho có nhiều biến động về dân cư và sắc tộc.
Chính quyền cộng sản Việt Nam không dùng từ người Thượng, thay vào đó, họ sử dụng tên Đề Ga (Degar) để chỉ những người Thượng theo đạo Tin lành không được nhà nước thừa nhận ở khu vực Tây Nguyên.
Chính quyền Việt Nam cáo buộc rằng "Nhà nước Đề Ga" hay "Cộng hòa Đề Ga" là một tổ chức "phản động" của nhóm người lưu vong với mưu đồ ly khai khu vực Tây Nguyên thành một quốc gia riêng rẽ độc lập. Ngoài ra, chính quyền còn cáo buộc rằng nhóm tin lành Đề Ga là "tà đạo".
Truyền thông nhà nước cho rằng những đối tượng có "ý định xấu" đã lợi dụng khái niệm "người bản địa" để truyền bá thông tin sai lệch và kích động ly khai.
Vào tháng 11/2023 ở Gevena, trong phiên đối thoại với Ủy ban Công ước Xóa Phân biệt Chủng tộc (CERD), bà Chinhsung Chung, Chuyên gia Ủy ban CERD và Đồng báo cáo viên Quốc gia, chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam "không công nhận bất kỳ cộng đồng nào trong số 53 dân tộc thiểu số là người bản địa và không muốn tham gia vào các cuộc thảo luận cởi mở và toàn diện về việc công nhận người dân bản địa và các quyền cụ thể của họ" và bà đề nghị phái đoàn Việt Nam giải thích.
Đáp lại, Thứ trưởng Việt Nam Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trưởng phái đoàn của chính phủ Việt Nam, nói rằng ở Việt Nam "không có người bản địa".
"Chúng tôi không sử dụng từ ‘người bản địa’ mà chúng tôi dùng từ ‘người dân tộc thiểu số’, ông Y Thông phát biểu tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng các quyền dân sự chính trị của người dân tộc thiểu số "được bảo đảm và thúc đẩy".
Ông Thành Thanh Dải, một chuyên gia quan sát các hoạt động bảo vệ người thiểu số Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng việc chính phủ Việt Nam phủ nhận khái niệm dân tộc bản địa là "trái với quan điểm của Liên Hiệp Quốc và trái với thực tiễn của đất nước Việt Nam".
Nguồn : VOA, 26/10/2024
Hà Nội không coi ‘người Thượng’ là cư dân bản địa
Hoàng Mai, VNTB, 22/06/2023
Dân tộc bản địa (indigenous peoples) và người thiểu số (minorities). Chính quyền trung ương ở Hà Nội nói rằng người Thượng thuộc nhóm dân tộc thiểu số, so với người Kinh, tức người Việt. Bản đồ địa chính trị của các sắc dân cũng được Hà Nội ‘vẽ lại’, theo đó dù là dân tộc bản địa, bản xứ hay thiểu số, tất cả đất đai và quyền tự do lựa chọn chính trị đều chịu giới hạn bởi một đảng cầm quyền duy nhất là đảng cộng sản Việt Nam.
‘Người Thượng’ là cách gọi chung trước đây theo nghĩa người dân bản địa sống ở vùng đất cao nguyên.
Những vị được gọi là ‘dân cử’ hiện diện ở các phiên họp Quốc hội, dù là sắc tộc nào đi nữa thì đều phải buộc thỏa mãn một tiêu chí chung mang tính bắt buộc : đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam ; và lẽ đó nên các vị đại biểu của dân thật ra mang ý nghĩa là những quân cờ chính trị của đảng cầm quyền.
Một khi Hà Nội không nhìn nhận các sắc tộc theo ý nghĩa là "cư dân bản địa", nên những xáo trộn trong chuyện ‘đồng hóa’ đã tạo nên sự xung đột dai dẵng, đối kháng ngấm ngầm lẫn công khai.
So sánh là khiên cưỡng, nhưng trong chừng mực nào đó thì có lẽ Hà Nội cần tham khảo bài học của Canberra, khi Úc đang đứng trước bước ngoặt lịch sử với việc Thượng viện nước này chấp thuận đề xuất của chính phủ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trong khoảng thời gian 6 tháng tới về việc dành cho người bản địa quyền cùng tham gia quyết định chính sách của chính quyền.
Hiến pháp hiện hành ở Úc có hiệu lực từ năm 1901 và trong đó không hề đề cập gì đến cộng đồng người bản địa. Mãi đến năm 1967, các quyền con người cơ bản của người bản địa mới được luật pháp xác nhận. Hiện có khoảng 1 triệu người bản địa trong tổng số khoảng 26 triệu dân ở Úc.
Bản chất vấn đề ở đây là nỗ lực khắc phục tình trạng phân biệt đối xử đối với người bản địa, đánh giá đúng và coi trọng vai trò và ảnh hưởng lịch sử của người bản địa đối với sự hình thành và phát triển đến nay của quốc gia này.
Người bản địa, theo công ước quốc tế thì đó là những quần thể cư dân đặc biệt được bảo vệ theo luật pháp quốc tế hoặc quốc gia, là có một tập hợp các quyền cụ thể dựa trên các mối quan hệ lịch sử của họ vào một lãnh thổ đặc biệt, và bản sắc văn hóa, lịch sử của họ từ các quần thể khác.
Các luật được dựa trên kết luận rằng một số người dân bản địa rất dễ bị khai thác, ra bên lề và áp bức bởi các quốc gia được hình thành từ các quần thể thuộc địa, hoặc do chi phối chính trị, các nhóm dân tộc khác nhau.
Văn bản quốc tế nổi tiếng nhất về người bản địa là Công ước về Bộ lạc và Dân tộc Bản địa do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra vào năm 1989 còn được biết đến như Công ước ILO 169, hoặc dạng viết tắt C169.
Công ước này là tiền thân của Tuyên bố về Quyền của người Bản địa (Declaration on the Rights of Indigenous Peoples) do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua trong phiên thứ 61 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York vào ngày 13 tháng 9 năm 2007. Nó được ban hành để hướng dẫn các quốc gia thành viên có chính sách thích hợp để tôn trọng các quyền tập thể người bản địa, chẳng hạn như văn hóa, bản sắc, ngôn ngữ, tiếp cận việc làm, y tế, giáo dục, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Với quá trình Nam tiến của tiền nhân, diện tích bản đồ Việt Nam được mở rộng dần, và điều này cho thấy vấn đề ‘người bản địa’ là một thực tế cần chấp nhận, không nên tiếp tục ‘đánh tráo’ bằng các khái niệm của hô hào "đại đoàn kết dân tộc" ; vì ở đây còn là sự tôn trọng các tập tục văn hóa, đời sống tinh thần cùng những quyền con người nói chung của ‘người bản địa’.
Hoàng Mai
Nguồn : VNTB, 22/03/2023
****************************
Lynn Huỳnh, VNTB, 21/06/2023
"Quyền dân tộc tự quyết" là quyền tự mình định đoạt những công việc thuộc về vận mệnh của dân tộc mình, như lập ra một nhà nước dân tộc riêng, độc lập, hoặc cùng với các dân tộc khác thành lập một nhà nước nhiều dân tộc trên cơ sở bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Quyền dân tộc tự quyết được đặt trong quyền của các dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế và Việt Nam.
"Quyền dân tộc tự quyết" được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng như : Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa năm 1960 ; Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 ; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 ; Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc của Liên hợp quốc.
Khoản 2 Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận "phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và dân tộc tự quyết".
Như vậy, theo lập luận của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam thì khái niệm "dân tộc tự quyết" được nhắc đến trong Hiến chương Liên hợp quốc không phải là quyền đòi ly khai hay đòi độc lập của một hay nhiều nhóm sắc tộc, dân tộc thiểu số vốn đã là những thành phần trong một quốc gia – dân tộc thống nhất.
Vẫn theo đảng cộng sản Việt Nam, thì quyền dân tộc tự quyết ở đây chỉ thuộc về nhân dân theo nghĩa là tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định – chủ thể luật quốc tế.
Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế đã khẳng định "việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết".
Nguyên tắc dân tộc tự quyết bao hàm các nội dung sau : Được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang (hoặc đơn nhất) trên cơ sở tự nguyện ; Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế xã hội ; Tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài ;
Quyền các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự ; Tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý.
Tất cả các quyền nêu trên của mỗi dân tộc đều được các dân tộc và các quốc gia khác tôn trọng.
Như vậy, "quyền dân tộc tự quyết" được hiểu là việc một "quốc gia – dân tộc" hoàn toàn tự do trong việc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như lựa chọn thể chế chính trị, đường lối phát triển đất nước.
Khái niệm "quyền dân tộc thiểu số" được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (UDHR) năm 1948 : "Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội" (Điều 2) ;
Và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi : "Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ" (Điều 3).
Hai văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên là nền tảng, ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị mà quyền dân tộc thiểu số được coi là quyền cơ bản trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó, điều đó có nghĩa là người dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa như những người thuộc dân tộc đa số trong xã hội, hoàn toàn bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử.
Bên cạnh việc ghi nhận quyền của các dân tộc thiểu số, pháp luật quốc tế còn quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên Công ước phải bảo đảm cho các cá nhân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số quyền được hưởng nền văn hóa, ngôn ngữ trong các điều kiện đặc thù của mình.
Trong Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 ghi : "Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó ; các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này" (Điều 1).
"Như vậy, quyền dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của pháp luật quốc tế về quyền con người. Việc thúc đẩy và thường xuyên thực hiện quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ như là một phần gắn liền trong sự phát triển xã hội nói chung và khuôn khổ dân chủ, pháp luật nói riêng, góp phần vào việc tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia" – phía lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lập luận như vậy cho việc không chấp nhận "quyền tự trị" của nội hàm "quyền dân tộc tự quyết".
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 21/06/2023