Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau nhiều năm chờ đợi, tập đoàn kinh doanh bất động sản Vingroup của Việt Nam được ông Nguyễn Xuân Phúc giao phó một dự án liên doanh với Hoa Kỳ trị giá 9 tỷ 300 triệu USD.

hatang1

Hình minh họa. Hình chụp hôm 17/9/2018 : những căn nhà bên kênh Tẻ ở thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Tin được loan trên báo StraitsTimes của Singapore số ra ngày 22/6. Dự án phát triển vùng Cần Giờ, cách Sài Gòn 50 cây số về phía Nam, thành khu du lịch cao cấp là dự án lớn nhất trong tất cả 9 dự án mà Việt Nam đã chuẩn thuận.

Theo StraitsTimes, Vingroup là một trong hơn 12 tập đoàn đầu tư lớn được Nhà Nước giao nhiệm vụ thực hiện các dự án đầu tư trong 6 tháng đầu 2020, thời điểm mà Covid-19 khiến kinh tế Việt Nam bị suy thoái nghiêm trọng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng những dự án qui mô là cơ hội Việt Nam phải nắm bắt để có thể bù đắp những khoản thâm thủng trong tăng trưởng kinh tế thời gian qua.

Đó cũng là nhận định của tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam, qua bài phân tích của ông trên Saigon Times Online :

"Chính phủ chủ trương tăng cường đầu tư công như một giải pháp để giải quyết vấn đề kinh tế rơi vào trầm lắng do tác động của dịch Covid-19. Thứ hai, từ tình trạng đình đốn do Covid-19 thì tăng đầu tư công liệu có phải là giải pháp chính xác hay không. Cái thứ ba nữa, lúc này là lúc kinh tế khó khăn thì có lẽ phải dẹp bớt, gác lại những dự án không làm kinh tế nóng lên được như xây tượng đài, xây các nơi vui chơi giải trí để tập trung nguồn lực đầu tư công vào câu chuyện phát triển kinh tế"

Được biết 8 dự án được chấp thuận cùng với dự án ở Cần Giờ cũng là những công trình đầu tư triệu Đô. Đó là đường cao tốc ở Đồng Bằng Sông Cửu Long 208 triệu USD, khu công nghiệp Bình Phước ở Bình Dương 52 triệu USD, 3 sân golf ở các tỉnh miền Bắc tổng chi phí 130 triệu USD.

Báo mạng Nikkei Asian Review của Nhật hôm 22/6 cho hay công trình đầu tư liên doanh giữa doanh nghiệp Mỹ và tập đoàn tư nhân Vingroup của Việt Nam tại vùng Cần Giờ dự kiến hoàn thành năm 2031.

hatang2

Bãi biển Cần Giờ - SGGP

Báo StraitsTimes dẫn lời giới hoạt động môi trường rằng Covid-19 gây khủng hoảng kinh tế là nguyên cớ biện minh cho dự án ngàn tỷ ở Cần Giờ được chấp thuận mà không còn đặt nặng vấn đề nguồn không khí và nguồn nước của Sài Gòn sẽ bị ô nhiễm. Một ý kiến gây tranh cãi khác nữa là hệ lụy không nhỏ từ việc lấp biển, lấn biển khi thực hiện công trình này.

Tuy nhiên theo thạc sĩ Hồ Long Phi, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nước và Biến Đổi Khí Hậu, nguyên phó Ban Điều Phối Chống Ngập cho Sài Gòn, rủi ro ô nhiễm môi trường từ dự án phát triển Cần Giờ không lớn :

"Theo tôi chuyện ô nhiễm nước hay không khí ít nhiều thì có nhưng không tới mức đó. Khu Cần Giờ không quá lớn để tác động mạnh tới chất lượng môi trường thành phố Hồ Chí Minh. Hiện cái ô nhiễm chính của mình là nguồn khí thải từ các loại xe, nó là 10 thì dự án này chưa bù được 1, thêm một chút cũng không phải chuyện mang tính chất sống chết"

"Cái tôi lo là sự an toàn của chính bản thân dự án đó. Khi làm xong thì với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cộng thêm với điều kiện địa chất không tốt ở đó, hay nó bị lún chẳng hạn đi, thì nó trở thành một gánh nặng của đất nước".

Giới chuyên gia ước tính việc lấp biển trong xây dựng khu thị tứ Cần Giờ cần một lượng cát khổng lồ 138 triệu mét khối, đủ để có thể lấp đầy 36.000 hồ bơi kiểu Olympic. Vẫn lời thạc sĩ Hồ Long Phi :

"Qui mô nó như vậy thì phải cần khối lượng như vậy. Có những dự án bên Singapore đó, họ không có đất đai nên họ lấn biển còn ghê hơn nhiều, thậm chí hồi trước họ mua cát của Việt Nam về làm những dự án lấn ra biển. Ở Dubai họ cũng làm rất nhiều công trình lấn ra biển rất là đẹp nhưng phải có độ sinh lợi cao".

Về khía cạnh tập đoàn tư nhân được giao nhiệm vụ kết hợp cùng nhà đầu tư Mỹ để tiến hành dự án Cần Giờ, blogger Lưu Trọng Văn cho rằng đây là cơ hội tốt để thực hiện đến nơi đến chốn một dự án manh nha từ thời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt :

"Cần Giờ có rừng ngập mặn, là lá phổi, là hệ thống sinh quyền cho thành phố Sài Gòn. Cần giờ có đầy đủ phương tiện để phát triển thành một đô thị, một trung tâm du lịch và có thể sau này là kỹ nghệ của Sài Gòn".

"Dự án đã có từ lâu và cũng nhiều tập đoàn nhảy vào. Nếu yếu tố nước ngoài là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không có phản ứng của dư luận, nhưng nếu yếu tố nước ngoài là Trung Quốc thì chắc chắn sẽ có những phản ứng quyết liệt của dư luận. Chính phủ đã quyết định làm cây cầu Bình Khánh nối Sài Gòn với Cần Giờ. Trước đây có nhiều người phản đối, cho rằng cây cầu này sẽ tăng tốc độ phá hủy vùng sinh thái, vùng ngập mặn được bảo tồn của quốc gia và được thế giới công nhận. Nhưng quyết định làm cầu có nghĩa là dự án phát triển Cần Giờ bắt đầu khởi động, vấn đề là mức độ quyền kiểm soát tới đâu để bảo vệ vùng sinh quyển này".

"Các nhà đầu tư phải cải tạo đất sình lầy, dẫn đến chuyện đưa cát về để lấp sình lầy, tạo ra vùng biển sạch thì mới có yếu tố gọi là bất động sản hay yếu tố du lịch. Nếu qui hoạch tốt, làm tốt, rõ ràng đâu đó về vấn đề không được xâm lấn vùng ngập mặn, rồi là rừng bảo tồn sinh học và bảo vệ sinh thái ở đó, thì tôi nghĩ cái này vẫn là dự án tốt".

Cũng từng lên tiếng nhiều lần về dự án ông gọi là đầu tư tu hơn 9 tỷ, kết hợp với Mỹ của Vingroup, nguyên thứ trưởng Tài Nguyên & Môi Trường Đặng Hùng Võ cho biết có hai luồng ý kiến trái chiều, một cho rằng việc lấp biển tại bờ biển Cần Giờ là chấp nhận được, một thành phố du lịch tại bãi biển Cần Giờ được nhiều ý kiến ủng hô.

"Nhưng bên cạnh đấy thì nhiều ý kiến lo rằng dự án làm hỏng cả môi trường rừng, làm hỏng hệ sinh thái biển của Cần Giờ vì dự án lấp biển, lấn ra biển là chủ yếu.

"Quan điểm của tôi là những cái mà còn đang có ý kiến, thậm chí phản biện trái chiều thì cũng cần nghiên cứu kỹ, trong đó có chuyện cát lấp biển. Trong dự án đề xuất là lấy từ Đồng Bằng Sông Cửu Long thì tôi đã viết một bài là hãy dứt bỏ ý tưởng lấy cát của Đồng Bằng Sông Cửu Long vì nơi này hiện đang rơi vào tình trạng sụt lún, sạt lở rất nhiều. Để làm chuyện lấp biển tôi đề nghị chở cát từ miền Trung. Miền Trung thì rất nhiều nơi lâu nay đã bán cát cho Singapore mở rộng đảo của họ, thế thì cát từ miền Trung hoàn toàn phù hợp".

Chi phí tất nhiên cao hơn do phải vận chuyển cát từ miến Trung về, nhưng dù thế nào cũng không nên lấy cát từ Đồng Bằng Sông Cửu Long, là điều ông Đặng Hùng Võ cho hay ông từng đánh tiếng góp ý với Vingroup như vậy.

Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Singapore, các dự án lớn mà mạng StraitsTimes nêu ra, trong đó có dự án Cần Giờ do Vingroup đảm trách, và ngay cả dự án của SunGroup ở Sơn Trà hay Tam Đảo trước đây, cũng không thể bị gán cho là ảnh hưởng hay tác động đến môi trường khi không phá rừng mà chỉ xây đúng 5% rừng.

Vẫn theo lời ông, một khi đã hồ sơ hóa được việc không tác động đến môi trường, tập đoàn tư nhân Vingroup sẽ lời ăn lỗ chịu, thành công là điều bắt buộc vì không thể chọn lựa khác hơn.

Trong một tuyên bố gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Nay với quyết định được coi là bật đèn xanh cho tập đoàn Vingroup phát triển Cần Giờ, bên cạnh các dự án giao thông lớn từ Nam ra Bắc, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm kích hoạt lại nền kinh tế bị suy trầm bằng mọi cách.

Theo mạng StraitsTimes, vào khi IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế giảm mức tăng trưởng dự kiến của Việt Nam năm 2020 xuống 2.7%, thì nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn cố duy trì tỷ lệ tăng trưởng trên mức 5%.

Tháng trước, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi chính phủ tận dụng mọi nguồn lực để giữ mức tăng trưởng đã nhắm tới bất chấp tình cảnh khó khăn vì đại dịch toàn cầu.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 26/06/2020

Published in Diễn đàn