Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 03 juin 2018 15:54

Con buôn giáo dục

Gọi là "con buôn giáo dục" vì "giáo dục" được ông bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận đó cũng chỉ là thứ "hàng hóa" được mua bán mà thôi.

giaoduc1

Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ nói : Giá dịch vụ đào tạo' là theo... Luật giá

Sao lại muốn thay "học phí" vốn đầy đủ, chính xác, tồn tại bao đời bằng cụm từ dài dòng và khập khiễng "giá dịch vụ đào tạo". Thì ra giờ là buôn bán giáo dục đây". Ông thầy giáo môn văn đã nghỉ hưu Phạm Hồng Phước nhận xét chua chát khi thấy báo chí đưa tin hôm 30/5, tại nghị trường khi trình bày về dự luật sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, ông Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng : "Giá dịch vụ đào tạo' là theo... Luật giá" (1).

Đúng là trong xã hội kim tiền thì cái gì cũng được định bằng giá. Ngay cả ghế ở Quốc hội cũng được đồn đoán là có thể "chạy" bằng cả bạc triệu đô-la kia mà (2).

Giờ là mùa thi : thi vào lớp 10, thi "2 trong 1" vừa tốt nghiệp phổ thông lớp 12, vừa vào đại học nên sẽ lắm chuyện "thi không ăn ớt thế mà cay". Nay với tuyên bố giữa chốn nghị trường của ngài bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tôi lại nhớ đến bốn câu thơ cũng của Tú Xương, nó 'cay thời, cay thế' lắm :

"Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang :

Đứa thì mua tước, đứa mua quan

Phen này ông quyết đi buôn lọng

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng".

Xem ra chốn quan trường, chức tước, danh vị thời nay vẫn là thứ hàng hóa được mặc cả bằng tiền rồi khoác chiếc áo mỹ miều mà bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng người đồng liêu là bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể viện dẫn, là họ đang làm theo Luật giá.

Gọi ông Phùng Xuân Nhạ là con buôn giáo dục còn là vì ngành giáo dục do nhà nước cấp ngân sách từ tiền thu thuế mà dân chúng đóng, chiếm tỷ lệ rất cao trong ngân sách nhà nước, thì thay vì tận lực phục vụ, ông Phùng Xuân Nhạ lại chuyển sang làm dịch vụ.

Con buôn cùng phường với ông Nhạ có lẽ còn là với những ai thay vì xã hội hóa giáo dục thật sự, lại chấp nhận phình bộ máy quản lý giáo dục ra, không ngừng nghĩ ra những dự án tiêu tiền rồi không đủ ngân sách bèn tăng thu học phí. Học trường công mà đóng học phí giống như phí chồng phí, người dân muốn được giáo dục phải đóng học phí 2 lần : đóng thuế và đóng học phí.

Không biết nếu có sinh viên nào đó lễ phép hỏi vầy thì không biết ông bộ trưởng sẽ trả lời thế nào : "Nếu đổi tên thành "Giá dịch vụ đào tạo" và theo đúng như ý nghĩa của cái tên ấy, thì tức là bọn cháu đi học bây giờ là đang sử dụng dịch vụ đào tạo cũng giống như hầu hết tất cả các loại hình dịch vụ khác đúng không ạ ? Và khi đi học cháu có thể coi giảng viên như là nhân viên dịch vụ, và nhân viên dịch vụ luôn phải coi khách hàng là thượng đế ? Và tức là nhân viên có vấn đề thì chúng cháu phản ánh ngay với cả quản lý tức là hiệu trưởng và quản lý sẽ trực chỉnh đốn nhân viên của mình ?".

Nói đi thì cũng nên nói lại, cần vỗ tay khen ngợi ông Phùng Xuân Nhạ đã dũng cảm khi nhìn nhận trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì "giáo viên có chữ thì bán chữ, phụ huynh có tiền thì mua về cho con em mình". Các vụ bạo lực cơ bắp giữa phụ huynh với thầy cô giáo cũng vì "tôi trả tiền phải có món hàng như ý". Mối quan hệ này hình thành như một siêu thị để mua và bán theo cơ chế thị trường. Và lẽ tất yếu làm hỏng quan hệ giữa phụ huynh với giáo viên và nhà trường.

Đã là món hàng hóa có thể mua bán, làm dịch vụ thì sự chờ đợi đến 100 năm để trồng người dường như là quá đỗi ngớ ngẩn.

Nhiều người bạn của tôi đang là thầy cô giáo đã nói rằng nếu nghĩ "giáo dục" là "dịch vụ" thì những người "bán cháo phổi" nghèo "rớt mồng tơi" so với ai đó làm nghề bó chổi đót. "Chị Dậu, lão Hạc và thầy giáo - Ai khổ hơn ai ?". Nhớ mấy năm trước có ông bạn dạy văn đã ra câu đố như vậy.

Nghèo như chị Dậu thì không bàn cãi rồi, tài sản của chị có giá trị nhất là cái nón rách chị dùng đi mưa đi nắng. Nếu kết nạp Đảng, chị không phải lo về việc kê khai tài sản. Con thì một đống, chồng thì ốm yếu, thêm chú em chồng chết rồi vẫn để nợ sưu cho chị Dậu, phải bán con, bán chó, bán cả sữa... Tận cùng của sự bất hạnh. Ai là người khổ nhất ? Chị Dậu chứ ai.

Lão Hạc của Nam Cao thì vợ mất sớm, con trai duy nhất cũng bỏ lão mà đi, chỉ có con chó làm bạn cũng rời xa lão. Cả cuộc đời sống trong cô đơn cùng cực. Cuối cùng chọn cái chết thương tâm để giải thoát cuộc đời. Tận cùng của nỗi cô đơn,cô đơn đến khi chết. Ai khổ nhất ? Lão chứ ai.

Còn thầy giáo tốt nghiệp đại học hạng ưu, năm đầu tiên thử việc chỉ hưởng 85% lương. Sau 5 năm được hưởng lương bậc 2 (hệ số 2,67). Lương chính được 2.981.000 đồng/tháng cộng phụ cấp ưu đãi 969.000 đồng. Tổng cộng thầy giáo được 3.860.000 đồng. Số tiền này khấu trừ 9,5% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ tiền công đoàn phí, đảng phí, quỹ tổ chuyên môn… thầy giáo thực lãnh khoảng 3,5 triệu đồng. Trả tiền nhà trọ 1,5 triệu, tiền đổ xăng tiện tặn 600 ngàn. Số tiền còn lại là 1,4 triệu tiền chia đều 30 ngày, mỗi ngày được 46 ngàn đồng - Làm gì với số tiền này ? Chỉ thầy giáo biết. Ai là người khổ nhất ? Thầy chứ ai.

Cô giáo thì còn có thể bắt chước chị Dậu lấy sữa để bán, chứ còn thầy giáo thì có gì bán ngoài chữ và lương tâm. Nhưng cả hai thứ đó đều rẻ rúng lắm, mấy lại ai bán lương tâm bao giờ !

Xem ra chỉ có những phường buôn giáo dục như ngài bộ trưởng là sung sướng nhất.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 03/06/2018

(1) https://tuoitre.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-gia-dich-vu-dao-tao-la-theo-luat-gia-20180530133042299.htm

(2) https://tuoitre.vn/chau-thi-thu-nga-xin-khai-ve-1-5-trieu-usd-chay-dai-bieu-quoc-hoi-20171005145006013.htm

Published in Diễn đàn