Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bồng bồng mẹ bế con sang,

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.

Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

(Ca dao Việt Nam)

"Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không ?"

Quốc văn giáo khoa thư Lớp Dự bị

(Thời Pháp Thuộc)

"… Có một điều người ta phải để ý và thận trọng khi nói tới cách mạng và đặc biệt khi "làm cách mạng vì cách mạng"… nhất là khi cách mạng không bắt nguồn từ truyền thống và tưduy của chính dân tộc mình". 

(Phạm Cao Dương)

giaoduc1

Giáo dục : Bao giờ được như… xưa ?

Tâm tình của người viết

Sau 44 năm người cộng sản gọi là "giải phóng miền Nam" (1975-2019), không ai có thể phủ nhận thành tựu trong Giáo dục là một trong những thành công quan trọng nhất và rõ rệt nhất, đồng thời cũng là một nét vàng son đáng trân quý trong nếp sống và sinh hoạt ở Miền Nam thời trước năm 1975. Có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân này là sự liên tục trong lịch sử trong quan niệm cũng như trong tổ chức và cách thức sinh hoạt của nền văn hóa này.

Nói như vậy không có nghĩa là trong chiều dài của hơn 20 năm lịch sử này (1954-1975), miền đất của tự do và nhân bản cuối cùng mà những người quốc gia còn giữ được, không trải qua xáo trộn. Cuộc chiến giữa quốc gia và cộng sản, dưới hình thức này hay hình thức khác luôn luôn tồn tại, tồn tại thường trực, tồn tại hàng ngày, đồng thời có những thời điểm người ta nói cả tới các chế độ độc tài hay quân phiệt và luôn cả cách mạng. Tuy nhiên, ngoại trừ những gì liên hệ tới chế độ chính trị, quân sự hay an ninh quốc gia, sinh hoạt của người dân vẫn luôn luôn diễn ra một cách bình thường, người nào việc nấy, người nào trách nhiệm nấy và được tôn trọng hay tôn trọng lẫn nhau. Sự liên tục lịch sử do đó đã có những nguyên do để tồn tại, tồn tại trong sinh hoạt hành chánh, tồn tại trong sinh hoạt tư pháp, trong văn chương và nghệ thuật và tồn tại đương nhiên trong sinh hoạt giáo dục.

Trong bài này tôi chỉ nói tới giáo dục và đặc biệt là giáo dục công lập. Đây không phải là một bài khảo cứu mà chỉ là một bài nhận định và những nhận định được nêu lên chỉ là căn bản, sơ khởi, nhằm mục tiêu gợi ý cho các nhà nghiên cứu và tất nhiên là không đầy đủ. Mỗi độc giả có thể có những nhận định riêng của mình. Một sự nghiên cứu kỹ càng, có phương pháp hơn và đầy đủ hơn là một điều cần thiết.

Nền tảng của giáo dục

Vì vậy tôi chỉ xin được trình bày năm đặc tính mà tôi gọi là cơ bản. Năm đặc tính này là :

Thứ nhất : giáo dục là của những người làm giáo dục

Thứ hai : Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia dân tộc và con người dựa trên những truyền thống cổ truyền

Thứ ba : Liên tục trong phạm vi nhân sự

Thứ tư : Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp và chương trình Hoàng Xuân Hãn thời Chính Phủ Trần Trọng Kim năm 1945 và Phan Huy Quát thời Chính phủ Bảo Đại sau đó

Thứ năm : Một xã hội tôn trọng sự học và tôn trọng người có học

Sau đây là các chi tiết :

1. Giáo dục là của những người làm giáo dục

Giáo dục công lập ở Việt Nam đã có từ lâu đời và tùy theo nhận định của các sử gia, định chế này đã tồn tại trên dưới mười thế kỷ. Mục đích của nó là để đào tạo nhân tài cho các chế độ, nói riêng, và cho đất nước, nói chung.

giaoduc2

Sĩ tử đứng chờ trong cuộc Thi Hội ở Nam Định thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ 20 - Ảnh minh họa

Các vua chúa Việt Nam thời nào cũng vậy, cũng coi trọng việc học. Có điều coi trọng thì coi trọng, các vua, nói riêng và các triều đình Việt Nam, nói chung, chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào sinh hoạt giảng dạy của các trường, hầu hết là các trường tư do tư nhân lập ra ở rải rác khắp trong nước. Sinh hoạt này hoàn toàn do các thầy ở các trường do các thầy đồ hay các danh sĩ trong vùng đảm trách, với sự đóng góp của người dân. giáo dục là của người dân và của những người làm giáo dục, và cho đến khi người Pháp sang, nó là của giới trí thức đương thời, đúng hơn là của các nhà Nho với tất cả những học thuyết, những nguyên tắc căn bản của giới này.

Sang thời Pháp thuộc, do nhu cầu, đồng thời cũng là sứ mạng truyền bá văn minh và văn hóa của họ, người Pháp đã lập ra một nền giáo dục mới, nhưng việc điều hành, việc soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo, được huấn luyện chuyên môn hay ít ra là lựa chọn nghề dạy học với tinh thần quí trọng kiến thức, yêu mến nghề dạy học và hạnh phúc với sứ mạng làm thầy, về phía người Pháp cũng như về phía người Việt. Người Pháp mở các trường Sư phạm để huấn luyện giáo chức chuyên nghiệp, lập ra các trường học thuộc đủ các cấp, có quy mô rộng lớn, có đủ tiêu chuẩn để ngay trong những ngày đầu tiên mới độc lập, thời Chính Phủ Trần Trọng Kim, đã có thể có ngay nột chương trình học riêng cho một nước Việt Nam mới, tồn tại lâu dài cho đến ngày nay vẫn còn và sẽ còn mãi mãi nếu người ta gìn giữ và bảo vệ nó.

giaoduc3

Giờ tan lớp ở một trường nội trú tiểu học thời Pháp thuộc - Ảnh minh họa

Đặc tính kể trên đã liên tục được tôn trọng trong suốt thời gian miền Nam tồn tại và luôn cả trước đó, từ thời Chính phủ quốc gia của cựu Hoàng Bảo Đại cho đến Đệ Nhất rồi Đệ Nhị Cộng Hòa. Chức vụ Bộ trưởng hay Tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng trong việc lựa chọn nhân sự điều hành trong bộ, ngoại trừ các chức vụ có tính cách chính trị như Đổng lý văn phòng, Chánh văn phòng, Bí thư tức Thư ký riêng của bộ trưởng… tất cả các chức vụ chỉ huy khác trong Bộ, từ Thứ trưởng, Tổng thư ký, Tổng giám đốc, Giám đốc cho tới các Hiệu trưởng các trường và đương nhiên là các giáo sư, giáo viên, đều là những nhà giáo chuyên nghiệp, không có đại diện đảng phái chính trị ở bên cạnh.

Lý do rất đơn giản : Vì họ là những người vô tư, biết việc, rành công việc và có kinh nghiệm, chưa kể tới sự yêu nghề. Chính trị đối với họ chỉ là nhất thời, tương lai của cả một dân tộc, hay ít ra là của những thế hệ tới, mới là chính và thực sự quan trọng.

Trong phạm vi Lập pháp thời Việt Nam Cộng Hòa, rõ hơn là ở Quốc hội, các chức vụ đứng đầu các ban hay tiểu ban giáo dục, dù là Thượng viện hay Hạ viện đều do các Nghị sĩ hay Dân biểu gốc nhà giáo phụ trách. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đã dừng lại trước ngưỡng cửa của học đường. Thầy cô giáo là nhân viên của Bộ giáo dục, do Bộ giáo dục bổ nhiệm, trực thuộc vị Hiệu trưởng của trường sở tại, hay các nha sở của Bộ giáo dục ở trung ương chứ không trực thuộc các Quận hay Tỉnh trưởng. Việc giảng dạy ở trong lớp là hoàn toàn tự do, nhất là ở bậc Đại học, chính quyền không hề theo dõi. Chưa hết, để cố vấn cho chính phủ, một Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục cũng được thành lập với đa số hội viên là các nhà giáo.

Về tên các trường, tất cả các trường Trung, Tiểu học đều được gọi bằng tên của các danh nhân hay anh hùng dân tộc thời trước, được mọi người từ lâu công nhận như : Trưng Vương, Ngô Quyền, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Gia Long, Petrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Lê Ngọc Hân, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… không hề có tên nào là của các lãnh tụ đương thời dù đó là Bảo Đại, Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, kể cả Trần Văn Hương gốc nhà giáo.

Tất nhiên với những tên trường hoàn toàn xa lạ, từ sau ngày 30/04/1975, như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… hay, tệ hơn nữa, là ngụy tạo, không có thật, đối với quảng đại quần chúng miền Nam là "ngoài giáo dục".

2. Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên những truyền thống đã có từ lâu đời

Nói tới ba nguyên tắc căn bản, đồng thời cũng là tôn chỉ và mục đích tối hậu của nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975, có người tỏ ý không thích ba nguyên tắc này. Lý do có lẽ, tôi chỉ đoán như vậy, là vì ba nguyên tắc này phần nào đã được người Cộng Sản Việt Nam nêu lên trong Đề Cương Văn Hóa 1943 của họ.

Ba nguyên tắc đó là : Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, sau này là Nhân Bản, Dân Tộc và Khoa Học trong khi trong Đề Cương Văn Hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam thì là Dân Tộc, Đại Chúng và Khoa Học.

Ở đây người viết không đi sâu vào khía cạnh này vì dù không thích, không đồng ý, ba nguyên tắc Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng này vẫn đã trở thành căn bản của nền giáo dục của miền Nam mà ai cũng biết. Chúng ta, những người Việt thời Việt Nam Cộng Hòa, đã giúp cho nền giáo dục này giữ được những truyền thống cơ bản của dân tộc và phát triển một cách vững vàng từng bước một để theo kịp với đà tiến triển của cả nhân loại mà không chạy theo những gì của thời thượng để trở thành lai căng, mất gốc, đồng thời cũng không bị gán cho là bảo thủ, lỗi thời… Tính cách liên tục lịch sử của nền giáo dục của miền Nam sở dĩ có được, phần nào là dựa trên những nguyên tắc này, đặc biệt là nguyên tắc Dân Tộc. Nó cho phép người ta đề cao và bảo tồn những truyền thống dân tộc trong học đường, dù đó là những truyền thống thuần túy Việt Nam hay những truyền thống của Khổng giáo và ở bất cớ thời nào, kể cả thời người ta đua nhau cổ võ cho phong trào toàn cầu hóa hay thế giới đại đồng trước kia.

Đôi câu đối được khắc trên cổng chính của một trong những trường trung học lớn nhất của miền Nam là trường Petrus Trương Vĩnh Ký sau đây là một trường hợp điển hình :

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt

Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Trong khi đó thì nguyên tắc khai phóng đã giúp người ta thường xuyên cởi mở, khoáng đạt để sẵn sàng đón nhận những gì mới mẻ từ bên trong, cũng như từ bên ngoài, từ đó theo kịp đà tiến bộ chung của cả nhân loại. Sinh hoạt giáo dục ở vùng quốc gia và ở miền Nam Việt Nam trong thời gian tồn tại mỗi ngày mỗi sinh động hơn, mỗi phong phú hơn và nhân bản hơn là nhờ nguyên tắc này thay vì trở nên nghèo nàn, sơ cứng, hay ít ra không hấp dẫn đối với những thế hệ mới.

Cuối cùng cũng nên nói sơ qua về nguyên tắc đại chúng. Nguyên tắc này tuy không được kể trong ba nguyên tắc căn bản của nền giáo dục của miền Nam nhưng vẫn được mọi người tôn trọng, trái với thực tế đã xảy ra trước năm 1975 ở miền Bắc và trên toàn quốc sau năm này. Lý do là vì khi nói tới nguyên tắc này, người ta nghĩ ngay tới hai chữ "dân chủ", từ đó đưa đến những nhận định quen thuộc là do dân, vì dân và cho dân. Ở đây là do đại chúng, của đại chúng và phục vụ đại chúng thay vì chỉ do một thiểu số cầm quyền và giàu có. Một trong những gì mà nền giáo dục của miền Nam đã đem lại cho đại chúng là tính miễn phí, hay gần như miễn phí từ tiểu học đến đại học và cũng ít ra là ở các trường công lập, bất kể đất nước còn đang ở trong tình trạng chiến tranh và nghèo nàn và ngân sách dành cho giáo dục là rất thấp so với các nước Á Châu khác. Người ta chỉ cần đậu xong bằng tú tài là có thể ghi danh hay thi vào các trường đại học hay cao đẳng. Học phí rất thấp, hầu như chỉ vừa đủ cho thủ tục hành chánh, giấy tờ. Sinh viên ra trường hầu như không nợ nần gì cả, chưa kể tới các trường đại học hay cao đẳng chuyên môn, sinh viên được cấp học bổng để sống và theo đuổi việc học toàn thời gian và sau khi ra trường khỏi phải trả nợ.

Các trường tư cũng được tự do, coi như để bổ khuyết cho khả năng giới hạn của các trường công do số học sinh mỗi ngày một đông, trường công không đáp ứng được đầy đủ. Sự thành công của các trường tư dựa trên sự tín nhiệm của các phụ huynh và có thể cả chính các học sinh lựa chọn căn cứ vào sự giảng dạy của các thày và kết quả của các kỳ thi. Trong phạm vi này các tôn giáo đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài các trường trung và tiểu học, tôn giáo lớn nào cũng có trường đại học : Công giáo có trường Đà Lạt, Phật giáo có trường Vạn Hạnh, Hòa hảo có trường Long Xuyên, Cao đài có trường Tây Ninh, chưa kể tới các trường Minh Đức, Cửu Long…

3. Liên tục trong phạm vi nhân sự

Nhân sự ở đây không ai khác hơn là các nhà giáo, căn bản là các nhà giáo chuyên nghiệp. Người viết muốn nói tới các nhà giáo tốt nghiệp từ các trường sư phạm, những người ngay từ thuở thiếu thời đã chọn nghề dạy học làm lý tưởng cho mình và chỉ sống bằng nghề dạy học, vui với nghề dạy học, hãnh diện với vai trò làm thầy, làm cô của mình, dù đó là Sư phạm cho bậc tiểu học, Cao đẳng Sư phạm hay Đại học Sư phạm cho bậc trung học. Một nghề bị coi là "bạc nghệ", là bị xếp sau so với các nghề khác :

Dưa leo ăn với cá kèo,

Cha mẹ anh nghèo, anh học "noọc-man".

Hai câu bề ngoài có vẻ tự ti, than vãn, nhưng không phải là không mang thâm ý ngược lại nếu người ta nghĩ tới trường hợp của không ít con em các nhà giàu được gửi sang Tây học và không mang được bằng cấp gì về cho cha mẹ, trừ bằng "nhảy đầm". Anh nghèo nhưng anh học giỏi và làm nên sự nghiệp.

Khởi đầu là các vị tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội hay các vị tốt nghiệp các trường đào tạo giáo viên tiểu học. Tất cả các vị này đã hành nghề trong suốt thời Pháp thuộc, đã âm thầm góp phần vào việc Việt hóa nền giáo dục quốc gia thời Bảo Đại – Trần Trọng Kim, rồi thời Chính phủ quốc gia. Sau này, khi đất nước bị qua phân, từ miền Bắc đã di cư vô Nam hay vẫn ở lại miền nam, các vị đã tiếp tục dạy ở các trường trong Nam khi các trường này được mở cửa trở lại sau một thời gian chiến tranh bị tạm đóng cửa, bên cạnh các trường được gọi là Bắc Việt di chuyển như Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục… không hề bị gián đoạn, kể cả trong thời kỳ chuyển tiếp từ Pháp thuộc sang độc lập.

Mặt khác, chính các giáo chức chuyên nghiệp này cũng là những giảng viên cơ bản trong các trường huấn luyện giáo chức thuộc thế hệ mới. Từ phong thái đến cách giảng dạy, từ cách vào lớp, cho phép học trò ngồi, tới cách viết bảng và xóa bảng, cách chấm bài hay phê bài, các vị này đã để toát ra một sự chừng mực và vô cùng thận trọng của những nhà sư phạm lành nghề và yêu nghề. Học đường do đó đã tránh được nạn chánh trị hóa, tránh được nạn cán bộ chánh trị xâm nhập như ở miền Bắc trước 1975 và trên cả nước sau đó.

Nhiều vị vào những lúc tình thế vô cùng tế nhị cũng vẫn giữ được thế vô tư và độc lập, nghiêm chỉnh của học đường và tư cách của nhà giáo. Cũng cần phải nói thêm là trong thời gian này nhiều vị xuất thân là cử, tú, kép, mền, luôn cả tiến sĩ của thời trước, những người tinh thâm Nho học, vẫn còn có mặt ở các học đường, đặc biệt là các Đại học Văn Khoa ở Sài Gòn và Huế như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác, Cử nhân Thẩm Quỳnh, Tú tài Kép Vũ Huy Chiểu… mà không ai là không quý trọng.

4. Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của Chương trình Pháp và Chương trình Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Quát dù có sửa đổi

Đây là một trong những đặc tính căn bản của nền giáo dục của miền Nam trong suốt thời kỳ nền giáo dục này tồn tại. Những gì người Pháp thiết lập không những không bị hủy bỏ, coi như tàn tích của chế độ thực dân, đế quốc mà còn được thận trọng giữ gìn, song song với việc bảo tồn truyền thống văn hóa cổ truyền và đạo đức của dân tộc. Người Việt ở miền Nam trong tinh thần cởi mở và tự do đã biết phân định những gì là kìm kẹp và những gì là hay đẹp mà một chế độ chính trị đem lại, thay vì cứ nhắm mắt đập bỏ để sau này hối hận. Các nhà làm giáo dục ở miền Nam đã tỏ ra vô cùng thận trọng trong mọi quyết định. Những gì gọi là cách mạng vội vã, nhất thời dường như không được chấp nhận. Họ chủ trương cải tổ để thích ứng với hoàn cảnh mới và cải tổ từ từ, kể cả khi thế lực và ảnh hưởng của người Mỹ, từ đó áp lực của họ đã trở nên rất mạnh.

Hệ thống giáo dục do người Pháp từ tiểu học cho đến đại học đã tồn tại dưới hình thức Việt hóa bắt đầu từ thời chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, với chương trình Hoàng Xuân Hãn, vị bộ trưởng giáo dục đương thời, sau này là Phan Huy Quát thời quốc gia Việt Nam mới được thành lập. Nó cho phép người ta, từ thầy đến trò, dễ dàng chuyển sang một nền giáo dục mới của một quốc gia độc lập không hề có chuyện trục trặc.

Ngay từ cuối niên học 1944-1945, trong rất nhiều khó khăn, từ giao thông, vận chuyển đến thông tin, liên lạc, người ta đã tổ chức được những kỳ thi ở bậc tiểu học bằng tiếng Việt mà không hề có chuyện than phiền, khiếu nại. Điều nên nhớ là Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại có vẻn vẹn bốn tháng hay hơn một trăm ngày, vô cùng ngắn ngủi, với những phương tiện giao thông và liên lạc hết sức nghèo nàn. Sau này khi gửi sinh viên ra ngoại quốc du học, miền Nam đã không gặp phải những khó khăn trong việc đối chiếu bằng cấp, hệ thống học, học trình và khả năng của các đương sự, không phải chỉ riêng cho những ai muốn sang du học bên Pháp mà luôn cả cho những ai muốn sang các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Nhật… vì đó là một hệ thống giống như các hệ thống khác thuộc thế giới tây phương, một hệ thống gần với hệ thống chung của quốc tế với 12 năm dành cho bậc tiểu học và bậc trung học.

Duy trì mối liên tục lịch sử cũng cho phép người ta sử dụng được các sách giáo khoa của người Pháp và những sách giáo khoa về lịch sử và văn chương Việt Nam do chính người Việt soạn thảo từ thời trước năm 1945 và sau đó là từ năm 1947 đến năm 1954 ở những vùng đất của người quốc gia. Điển hình là các sách toán và khoa học bằng tiếng Pháp, do các tác giả Pháp soạn và xuất bản ở bên Pháp nhưng đã được không những các thầy mà luôn cả các trò sử dụng làm tài liệu hay để tự học mà cho tới nay nhiều cựu học sinh các trường trung học miền Nam vẫn còn nhắc tới và nhắc tới như là những kỷ niệm đẹp.

Trong phạm vi văn chương, những sách của Dương Quảng Hàm, đặc biệt là hai cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển đã được dùng rất lâu dù cho nhiều sách giáo khoa khác đầy đủ hơn đã được soạn thảo. Cũng vậy, trong phạm vi sử học với cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Về nội dung, đặc biệt là trong văn học, người ta cũng thấy nền giáo dục của miền Nam vẫn giữ được tinh thần tự do, cởi mở. Các tác giả được đem dạy hay trích dẫn đã được lựa chọn căn cứ vào giá trị của các công trình của họ thay vì gốc gác và sự lựa chọn chế độ của họ, thay vì căn cứ vào chuyện họ ở miền Bắc hay ở miền Nam trong thời gian này.

Trường hợp của các tác giả gốc cộng sản như Thế Lữ, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… là những trường hợp điển hình.

Trong phạm vi thi cử, các kỳ thi được thiết lập từ thời Pháp hay có ở bên Pháp vẫn được duy trì, đặc biệt là hai kỳ thi tú tài. Ở bậc đại học hệ thống tổ chức cũng tương tự. Ảnh hưởng của người Mỹ chỉ được chấp nhận một cách từ từ với nhiều thận trọng, mặc dầu người Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc và nhân sự qua các chương trình viện trợ khiến cho nhiều người Mỹ đã tỏ vẻ bất bình. Hình thức thi trắc nghiệm áp dụng cho các kỳ thi tú tài chỉ được thực hiện rất trễ về sau này và dư luận đã đón nhận nó với những nhận định khác nhau, đặc biệt là danh xưng "Tú Tài ABC Khoanh" đã được dùng để chỉ các kỳ thi này. Tiếc rằng chỉ vài năm sau miền Nam đã không còn nữa.

Trong phạm vi tổ chức thi cử, người ta có thể thấy không riêng gì quan niệm, cách tổ chức, cách coi thi và chấm thi cũng như cách cho điểm, định kết quả và công bố kết quả hãy còn chịu ảnh hưởng nhiều của người Pháp mà còn luôn cả những thời quân chủ trước đó nữa. Quyền uy của các giám khảo, các chánh phó chủ khảo, các giám thị đã luôn luôn được tôn trọng và nhiều vị chủ khảo đã tỏ ra vô cùng can đảm giữ thế độc lập cho mình hay biết khôn ngoan né tránh cho mình và cho các đồng nghiệp của mình khi phải lãnh nhiệm vụ ở những vùng xa thủ đô Sài Gòn, an ninh và giao thông không bảo đảm. Nên nhớ là trong thời gian này hệ thống trung ương tập quyền vẫn còn tồn tại.

Việc ra đề thi, in đề thi và gửi đề thi về địa phương với tất cả sự bảo mật cần thiết là vô cùng khó khăn, tế nhị và phức tạp. Về phía chính quyền thì từ trung ương đến địa phương hầu như không hề có sự trực tiếp can thiệp. Báo chí, các cơ quan truyền thông vẫn luôn luôn hiện diện và sẵn sàng phanh phui mọi chuyện.

Những tướng tá đi học

Ngay cả trường hợp các thí sinh là những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay trong các lực lượng an ninh. Điển hình nhất là trường hợp của Đại tướng Cao Văn Viên. Tướng Viên lúc đó là Tổng Tham mưu trưởng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một người ham học nên mặc dù vô cùng bận rộn với quân vụ, ông vẫn ghi danh theo học trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ban Pháp văn. Trong kỳ thi cuối năm Chứng chỉ Văn chương và Văn minh Pháp, ông đã đậu kỳ thi viết nhưng bị đánh rớt phần vấn đáp. Đây là một trong những chứng chỉ tương đối khó, nhiều khi kết quả được công bố : không ai đậu, ngay từ phần thi viết. Tướng Viên đã đậu phần thi viết. Điều này chứng tỏ khả năng viết và sự hiểu biết của ông, ít ra là về môn học được hỏi trong phần này, vì bài làm của thí sinh luôn luôn bị rọc phách trước khi giao cho giám khảo chấm. Trong phần vấn đáp, thầy trò trực tiếp đối diện với nhau và vị giám khảo là người Việt, không phải người Pháp, còn trẻ, ở tuổi quân dịch. Ông đã bị chính vị giám khảo người Việt này đánh hỏng nhưng trong suốt thời gian sau đó mọi việc đều an lành, không có gì đáng tiếc xảy ra cả. Đây là một trong những điểm son rực rỡ cho cả hai phía, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn nói riêng và nền giáo dục của miền Nam nói chung thời trước năm 1975.

Tưởng cũng nên nói thêm là cũng trong thời gian này, Thiếu tướng Bùi Đình Đạm, Giám đốc Nha Động viên Bộ Quốc phòng cũng theo học Ban Sử ở trường này. Sang Mỹ, ông ghi tên học ở đại học Mỹ và đậu thêm bằng Cao học. Cũng vậy, chuyện chuẩn tướng chào chuẩn úy trước. Lý do là vị chuẩn tướng này đã theo học lớp văn hóa buổi tối để dự thi tú tài do sự khuyến khích của Tổng thống Ngô Đình Diệm và người chuẩn úy trước khi nhập ngũ là một giáo sư trung học dạy lớp buổi tối. Hai người gặp nhau một buổi sáng khi cùng đưa con đi học. Nhưng cũng chưa hết, trong thời gian này Trung tướng Nguyễn Bảo Trị cũng là được người ta biết tới như một ông "Tướng văn hóa".

Cuối cùng và vẫn chưa hết là trường hợp của một vị trung tá cũng thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trình một tiểu luận cao học ở ban Sử của trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Bình thường, khi đã được phép trình, thí sinh được kể như là đã đậu. Vị trung tá này đã bị đánh rớt. Lý do là ông đã không sửa lại tiểu luận của mình mặc dầu đã được khuyến cáo trước đó và để nguyên những lỗi lầm bị cho là căn bản. Cũng nên biết là trước khi trình vị trung tá này đã đặt tiệc trà ở phòng giáo sư ở ngay lầu dưới để sẽ ăn mừng cùng với bạn bè và gia đình sau khi được chấm đậu.

Người ta có thể trách cứ ban giám khảo là quá nghiêm khắc nếu không nói là nghiệt ngã, nhưng vì tiểu luận cao học cũng như luận án tiến sĩ thời này được trình trước công chúng, ai vào nghe cũng được, sau đó ai cũng có thể mở xem được. Người ta có thể đánh giá nhà trường căn cứ vào phần trình bày và phẩm chất của tiểu luận hay luận án mà thí sinh đệ trình. Có điều vì thí sinh này là một trung tá của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nên nhiều người tỏ ý lo ngại cho các giám khảo.

Cũng giống như Đại tướng Cao Văn Viên, ông có thể không làm gì, nhưng đàn em của ông thì sao ? Tướng Viên có thể không làm nhưng thuộc hạ của ông làm sao ông kiểm soát được ? Nên nhớ tướng Viên trước đó là Tư lệnh Lực lượng Nhảy dù. Lính của ông sống nay, chết mai, chuyện gì họ cũng có thể làm được. Nhưng cuối cùng thì mọi chuyện đều đâu vào đó, an lành, không có gì xảy ra cả. Đó là những điểm son của cả nền giáo dục của miền Nam lẫn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước khi miền đất được coi là tự do không còn nữa, người viết xin được nhắc lại.

5. Một xã hội tôn trọng sự học và những người có học

Đây là một trong những đặc tính cơ bản của văn hóa Việt Nam mà xã hội miền Nam nói chung và nền giáo dục miền Nam nói riêng thời trước năm 1975 được thừa hưởng. Đặc tính này đã được biểu lộ không riêng qua tinh thần "tôn sư trọng đạo" mà còn được coi như một giá trị và là một giá trị đứng đầu trong mọi giá trị. Sự học là một giá trị và giáo dục là một giá trị. Sự học hay giáo dục làm nên con người chứ không phải là những yếu tố khác, dù đó là quyền uy và tiền bạc.

Được xã hội tôn trọng nhưng ngược lại xã hội cũng trông đợi rất nhiều ở các thầy. Điển hình là chuyện "giáo sư mà cũng đi ăn phở". Câu chuyện này do Giáo sư Nguyễn Ngọc Cư kể lại. Giáo sư Nguyễn Ngọc Cư là một trong những vị cựu sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thời Pháp thuộc, một trong những vị giáo sư nổi tiếng là nghiêm túc còn lại của trường này. Ông dạy ở trường Thành Chung Nam Định, sau là Đại học Sư phạm Sài Gòn. Một trong những học trò cũ của ông sau này là Ngoại trưởng của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch.

Câu chuyện xảy ra khi giáo sư Cư xuống chấm thi ở Mỹ Tho khi mới từ Hà Nội di cư vào Nam hồi sau năm 1954 vào một buổi sáng khi các vị giám khảo rủ nhau đi ăn phở trước khi nhập trường và khi người dân quanh vùng nhìn thấy các thầy trong tiệm phở. Cũng nên nhớ là hồi đó các giáo sư trung học, nhất là các vị dạy ở cấp tú tài là rất hiếm và kỳ thi tú tài là một biến cố lớn ở trong vùng.

Cũng nên để ý là, khác với ở miền Bắc, nơi thầy cô thời trước gọi học trò bằng anh hay chị, trong Nam học trò được thầy gọi bằng trò và thường tự xưng là trò. Quan niệm chính danh ở đây được thấy rõ, từ đó sự trông đợi tư cách phải có của người thầy. Cho tới nay, người ta không rõ danh xưng em trong học đường Việt Nam về sau này đã được sử dụng từ bao giờ. Có thể từ thời có Phong trào Thanh niên Thể dục Thể thao của Hải quân Đại tá Ducoroy thời Thống chế Pétain ở bên Pháp và Đô Đốc Decoux ở Đông Dương, nhưng cũng có thể do ông Hồ Chí Minh thời năm 1945. Nói như vậy vì trong thư gửi các học sinh hồi đầu niên khóa 1945-1946, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng câu "Các em học sinh, các em hãy nghe lời tôi…" và tiếp theo bằng ba tiếng "lời của một người anh lớn"… mặc dù lúc đó ông đã 55 tuổi và thư là gửi cho những thiếu niên, những học sinh trung và tiểu học chỉ đáng tuổi cháu nội, cháu ngoại của ông.

Lối xưng hô này đã không được một số thầy cô trong Nam chấp nhận. Nhiều người vẫn ưa thích lối xưng hô cổ truyền hơn và ngay ở bậc đại học, nhiều sinh viên, đặc biệt là các nữ sinh viên, đã xưng con với các thầy của mình mặc dù thầy trò hơn nhau chỉ có vài tuổi. Một vị hiệu trưởng một trường nữ trung học lớn, nổi tiếng của Sài Gòn đã chỉnh học sinh của mình khi người này xưng em với bà : "Thưa Cô, Con chứ ! sao lại Thưa Cô, Em !". Tưởng ta cũng nên nhớ là, thầy và con, cô và con, từ cả hai vị thế, từ trách niệm đến bổn phận và cung cách đối xử khác nhau nhiều lắm.

Ngoài xã hội cũng vậy, các phụ huynh học sinh luôn luôn gọi các thầy cô của con mình bằng thầy và cô luôn, với tất cả mọi sự tin cậy khi đặt trách nhiệm dạy dỗ con mình vào tay họ, đặc biệt là các thầy cô tiểu học. Điều này giải thích tại sao sau năm 1975, các giáo viên từ miền Bắc vô Nam ưa dạy các học sinh gốc miền Nam hơn các học sinh mới từ miền Bắc theo chế độ mới vào.

Trở lại với thành ngữ "Tôn sư trọng đạo". Thành ngữ này thường được dùng như một phương châm dành cho các học sinh và phần nào luôn cả các phụ huynh tương tự như các câu "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thày", hay "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hoặc thành ngữ "quân sư phụ". Đối với một số không nhỏ các nhà giáo thành ngữ này cần được hiểu là bao gồm hai phần : phần thứ nhất là "tôn sư" và phần thứ hai là "trọng đạo". Tôn sư là dành cho học trò và trọng đạo là dành cho người thày theo đúng quan niệm chính danh của Khổng giáo. Thày phải ra thày trước khi đòi hỏi trò phải kính trọng thày. Đây là một vấn đề khác có tính cách chuyên môn và khá phức tạp. Tôi sẽ xin trở lại trong một bài khác.

Tạm thời kết luận

Bài này được viết vào lúc những tin tức về những tệ hại trong nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa chiếm một phần không nhỏ trong sinh hoạt truyền thông quốc tế cũng như quốc nội. Ngoài những tin tức, những bài nhận định có những hình ảnh của các kỳ thi đi kèm. Tất cả đã xảy ra hàng ngày và đã chiếm những phần quan trọng trong thời lượng phát thanh hay phát hình hay trên các trang báo, đặc biệt là vào những thời kỳ bãi trường hay khởi đầu của một niên học. Mọi chuyện đã liên tiếp xảy ra từ nhiều năm trước và người xem, người nghe có thể đoán trước và chờ đợi mỗi khi mùa hè và sau đó là mùa thu đến.

Nhiều người còn dùng hai chữ "phá sản" để hình dung tương lai của nền giáo dục này và nhiều người tỏ ý nuối tiếc quá khứ mà họ cho là rất đẹp của nền giáo dục ở miền Nam thời trước năm 1975.

Trong khi đó ở hải ngoại, giới trẻ Việt Nam, ở đây tôi chỉ nói tới những người xuất thân từ các học đường ở miền Nam, đã thành công rực rỡ và được các thầy cô và các cơ quan truyền thông khen ngợi, nếu không nói là ca tụng. Nhiều người không những vẫn tiếp tục làm nghề cũ, kể cả những ngành mà tiêu chuẩn quốc tế rất chính xác, rõ ràng mà họ học được ở các trường đại học hay cao đẳng ở Việt Nam. Rất nhiều người đã trở thành những chuyên viên cao cấp, những cố vấn, hay những giáo sư đại học bản xứ với những công trình nghiên cứu có giá trị cao và ở mức độ quốc tế. Ở đây, như đã nói trong phần mở đầu, người viết chỉ vắn tắt ghi nhận một số những dữ kiện căn bản. Nhiều công trình nghiên cứu qui mô hơn và kỹ càng hơn còn cần phải được thực hiện bởi nhiều người, trước khi người ta có thể khẳng định những nhận xét này.

Tuy nhiên có một điều người ta phải để ý và thận trọng khi nói tới cách mạng và đặc biệt khi làm "cách mạng vì cách mạng" và hệ quả của nó có thể làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của dân tộc, theo chiều hướng đi xuống, nhất là khi cách mạng không bắt nguồn từ truyền thống và tư duy của chính dân tộc mình. Người ta có thể xóa bỏ một chế độ chính trị bằng cách mạng, từ đó đoạn tuyệt với quá khứ nhưng người ta không thể theo đà đó mà làm cách mạng trong những phạm vi sinh hoạt khác, xóa bỏ và làm lại tất cả, trong đó có giáo dục. Cách Mạng Mỹ không làm như vậy, Cách Mạng Pháp cũng không làm như vậy… vẫn duy trì những truyền thống cũ. Nhận định này có thể bị coi là bảo thủ, nhưng đó là một sự thật và một sự thật bắt đầu bằng kinh nghiệm. Có điều vì bằng kinh nghiệm nên khi biết được sự thật thì đã quá muộn. Nhiều khi người ta phải từ bỏ cách mạng để trở về với truyền thống của cha ông vì cha ông của chúng ta cũng là người, cũng thông minh, cũng khôn ngoan, sáng suốt, cũng nhạy cảm như chính chúng ta, ngoại trừ các cụ sống ở thời của các cụ, mỗi cụ chỉ sống một thời gian ngắn, còn truyền thống thì có từ lâu đời.

Phải có lý do truyền thống mới được tôn theo, được duy trì và từ đó tồn tại. Lịch sử do đó đã luôn luôn liên tục vì không liên tục là đổ vỡ, là mất quân bình và xáo trộn, là thụt lùi hay ít ra là bất khả tiến bộ.

Khởi viết, tháng 9, 2006

Sửa lại trong Mùa Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ 2016

Cập nhật hóa và bổ khuyết, tháng Tư, 2019

Phạm Cao Dương

Published in Diễn đàn
mercredi, 07 novembre 2018 21:28

Ganh đua và Đố kỵ

Sau khi đọc bài "Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa", có độc giả đề nghị tôi nói rõ hơn về 2 chữ này. Vì vậy, tôi xin phép nói thêm như sau :

vnch1

Các em học sinh tiểu học (minh họa) - File photo

Trong nền giáo dục dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thế hệ chúng tôi được dạy phải nỗ lực tối đa trong việc học. Thầy cô luôn gợi mở sở trường của học trò. Điều đó có nghĩa, một học trò giỏi môn học này, không có nghĩa giỏi tất cả các môn khác.

Khi thấy bạn mình đạt điểm giỏi trong môn học nào đó, mình phải cố gắng giỏi hơn với một chút ganh (tỵ) đua (chen). Thầy cô dạy, nếu không có ganh đua, mãi mãi không bao giờ tiến bộ. Nhưng, sau một thời gian dài miệt mài, mình vẫn không vượt được bạn thì phải công nhận "nó" giỏi hơn mình và theo "nó" mà học. Thế mới có câu "học thầy không tày học bạn" là vậy.

Tính hào sảng, công tâm và khảng khái được thấm đẫm trong thế hệ chúng tôi. Có thể gọi là tính cao thượng cũng được, nếu quý độc giả thấy thích.

Thầy cô rất công bằng. Ví dụ, đứa giỏi về toán, ắt phải công nhận nó giỏi toán. Đứa giỏi về văn, tức phải công nhận nó giỏi văn. Không có sự ưu ái mù quáng theo cảm tính. Cũng không có kiểu "biếu quà lễ tết" như sau này. Do đó, thầy cô không bao giờ chịu sự chi phối bởi vật chất mà ngày nay phụ huynh gọi là "đền đáp công lao thầy cô" (!) Mỉa mai thay !

Ngẫm ra, chính cái lễ mễ như 20/11 góp tay rất lớn "đẩy" "đạo đức" làm nghề của thầy cô "lao dốc xuống vực sâu" !

Nhiều người lại ngỡ 20/11 là dịp vinh danh thầy cô ! Quan niệm "tôn sư trọng đạo" trở nên méo mó thảm hại ! Thảy đều là đạo đức giả ! Ngập tràn hiện nay !

Ngoài ra, trong nền giáo dục dưới chế độ cộng sản, học trò được dạy tính đố kỵ, mặc dù không nói thẳng, nhưng hãy nhìn hiện trạng cũng thấy rõ.

Ví dụ dễ thấy, khái niệm "vừa hồng vừa chuyên" trở nên tai hại khôn lường. Bởi khái niệm đó biến học trò trở thành "lãnh tụ".

Khi bản thân tự coi là "lãnh tụ", cùng với "fans hâm mộ" lủ khủ bao quanh, rồi "tâng bốc tới nóc" sẽ làm "lãnh tụ" càng cao ngạo...

Bỗng một hôm, "lãnh tụ" phát hiện có "đứa bạn" "tự nhiên" nổi trội quá, thế là "lãnh tụ" sợ mất vị trí, nên vội vàng "kết bè kéo cánh" quyết làm sao triệt hạ "thằng bạn" đó, bằng mọi giá, kể cả những trò "đấu tố", "vu khống" và tất cả các cách hạ đẳng nhất.

Việc "kéo bầy" thật dễ dàng, bởi "hàng lô hàng lốc" kẻ nịnh bợ vây quanh bấy lâu. "Thằng bạn" xấu số đó trở nên cô đơn, không chỉ trước bạn bè mà còn ngay cả trước những người gọi "là thầy, là cô"...

Thế là, "thằng bạn" đó chỉ có nước... hoặc là "chết dưới tay lãnh tụ" hoặc phải trở thành "tay sai". Đời sống hèn hạ buộc phải lên ngôi bởi "ai mà không sợ chết" (?!). Nhân cách làm người từ đó cũng tiêu vong !

Tính ganh đua chết đi và tính đố kỵ lên ngôi là như vậy ! Kéo theo, tính sáng tạo - vốn được sinh ra từ tự do tư tưởng (tính chất quan trọng bậc nhất đối với con người) - cũng lịm tắt cùng với xã hội thụt lùi là như thế !

Từ học đường, học trò bước ra xã hội với hình ảnh "lãnh tụ" hợp cùng sự huyễn hoặc "tài năng của mình" đã định hình từ lâu, từ đó, hễ một chút gì trái ý là "lãnh tụ" không tài nào chịu nổi ! Và...

...nhà tù cùng với 79, 88, 258 v.v... hiện diện như là một thứ "chân lý"...

Trên đây là "chuyện đời xưa, đời nay" dành cho các bạn trẻ hỏi tôi về "ganh đua và đố kỵ" tác dụng và tác hại ra sao !

Một thoáng ngậm ngùi cho nền giáo dục Nhân bản & Khai phóng...

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 06/11/2018

Published in Diễn đàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại nhắc đến ‘triết lý giáo dục’ của Việt Nam trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11, cũng như ông kêu gọi Đại biểu quốc hội góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi.

giaoduc1

Ảnh minh họa : Sinh viên Hà Nội trong "Ngày Trái Đất" 23/3/2013. AFP

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia giáo dục liên quan vấn đề vừa nêu.

"Giáo dục Việt Nam có triết lý của mình"

Cách nay tròn hai năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong vai trò phụ trách khối văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo, đã đăng đàn trước Quốc hội để chia sẻ ý kiến của ông về vấn đề giáo dục với lời khẳng định, và được truyền thông quốc nội trích dẫn nguyên văn "Triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế".

Đài RFA ghi nhận trong buổi trả lời chất vấn của Đại biểu quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại những gì ông đã nói trước đó và cho biết thêm Việt Nam cũng nói đầy đủ 5 trụ cột giáo dục của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) bao gồm học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình, học để thay đổi bản thân và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mạc Văn Trang, cựu viên chức làm việc hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục lên tiếng với RFA sau khi nghe phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào sáng ngày 1 tháng 11 vừa qua :

"Triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay không rõ ràng gì cả. Ông Vũ Đức Đam nói như thế, tức là ông ấy rất bối rối. Ông ấy cũng chẳng có một quan điểm rõ ràng. Ông nhặt được cái gì thì ông nói cái đó. Hiện tại người ta cứ nói linh tinh hết cả, chưa có một cái gì xác định".

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một giảng viên từng giảng dạy ở Việt Nam và bị Chính quyền Hà Nội cưỡng bức đi Pháp hồi hạ tuần tháng 6 năm 2017 nói với RFA rằng :

"Thật sự mà nói, nếu tóm gọn lại thì chắc là Việt Nam không có triết lý giáo dục. Và nếu như có thì triết lý giáo dục được cô đọng trong Bộ luật Giáo dục năm 2005 cũng như cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam về giáo dục".

"Nền giáo dục bị lạc hậu và lạc đường"

Căn cứ theo Luật Giáo Dục năm 2005 và các đề cương phát triển giáo dục của Việt Nam thì nền giáo dục hiện tại của Việt Nam chủ yếu lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đào tạo con người toàn diện về đạo đức lẫn trí tuệ ; nhưng phải trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Vào tháng 11 năm 2017, dư luận trong nước dậy sóng khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đăng đàn phát biểu về triết lý giáo dục của Việt Nam. Trong đó, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng triết lý giáo dục của Việt Nam mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra không phải là triết lý giáo dục.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng nêu lên quan điểm của ông về nền giáo dục Việt Nam là một "nền giáo dục không chỉ lạc hậu mà còn lạc đường" vì :

"Cái lạc đường của Việt Nam là chúng ta không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người. Giáo dục Việt Nam không phục vụ con người theo cái nghĩa con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo".

guaoduc2

Sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa Courtesy : Facebook

Tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc Hội vào ngày 1 tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Đại biểu quốc hội quan tâm đến giáo dục thì nên tham gia các hội thảo để đóng góp vào Luật Giáo dục sửa đổi.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng khẳng định với RFA rằng "những điều mà Nhà nước dự tính thay đổi trong giáo dục thì đều vô bổ, một khi họ vẫn giữ những ràng buộc quá nặng nề về chính trị, trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin. Điều này làm cản trở bước tiến của nhân loại và bước tiến của học sinh sinh viên tại Việt Nam".

Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tuyên bố :

"Nền giáo dục Việt Nam không có lối ra vì bị lạc đường. Sai thì còn có thể sửa, chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được".

Giải pháp nào cho nền giáo dục Việt Nam ?

Đài RFA nêu vấn đề với một số chuyên gia giáo dục, là những người có tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam và chúng tôi ghi nhận hầu hết họ cùng đồng quan điểm là Bộ Giáo Dục nên sử dụng chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, đó là chương trình giáo dục của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, được xây dựng từ thời Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945.

Tiến sĩ Mạc Văn Trang chia sẻ :

"Tôi từng viết một bài nói rằng triết lý giáo dục của Việt Nam nên kế thừa triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, cũng như tinh thần triết lý về văn hóa của Việt Nam là nên đưa ra triết lý dân tộc, nhân bản, khai phóng thì mới đúng bản chất của giáo dục".

Trong năm 2018, qua các trang mạng xã hội, rất nhiều ý kiến của phụ huynh cũng cho biết họ sẽ tìm kiếm bộ sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa trên mạng internet và sẽ tự dạy cho con em mình học theo theo bộ sách này, khi làn sóng phản đối bộ sách Tiếng Việt Lớp 1 Công nghệ Giáo dục rộ lên hồi đầu năm học mới, niên học 2018-2019. Không ít phụ huynh lên tiếng với RFA rằng tiếng mẹ đẻ mà còn không dạy đúng thì họ không thể nào tin tưởng con em của mình sẽ được học những điều hay lẽ phải để làm người.

Vào chiều ngày 3 tháng 11, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong buổi gặp mặt 55 học sinh tiêu biểu ngành giáo dục năm học 2017-2018, đã tuyên bố "Mặc dù nền giáo dục vẫn còn những hạn chế, xã hội còn nhiều mong muốn nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ".

Qua lời phát biểu vừa nêu, một số trí thức và các chuyên gia giáo dục mà Đài RFA có dịp trao đổi cùng nhận định Luật Giáo dục sửa đổi dù như thế nào thì giáo dục của Việt Nam vẫn mãi tụt hậu với tư tưởng quá lạc quan của ông của ông Nguyễn Phú Trọng.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 06/11/2018

Published in Diễn đàn

Văn hóa là cội rễ. Giáo dục là dưỡng chất. Quốc gia nào cũng cần hai yếu tố tối quan trọng này để phát triển. Việt Nam không là ngoại lệ.

bieton1

Hình minh họa. Sinh viên mặc áo dài trên đường phố Sài Gòn AP

Nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang bị chỉ trích mạnh mẽ và lên án dữ dội chưa từng thấy.

Trước 1975, bậc tiểu học và cả trung học hầu như chỉ có bộ sách giáo khoa cũ. Nó được "truyền lại" cho đàn em. Đặc biệt, những gia đình nghèo càng coi trọng "của gia truyền" này, bởi lý do đơn giản : Tiết kiệm. Đứa học trò nhà nào nghèo quá, có quyền mượn ở thư viện trường. Nhưng làm dơ, rách thì phải đền.

Đồng phục ? Nhà trường chỉ bán "phù hiệu", mua mấy cái cũng được, về tự may vào áo, phía bên trái ngực trên. Quần áo thì phụ huynh tự lo cho con em mình, với duy nhất yêu cầu (hầu hết là) "áo trắng, quần xanh đen". Đứa học trò nào nghèo quá, được quyền "thừa hưởng" quần áo cũ của "tiền bối" với duy nhất một yêu cầu : thay phù hiệu. Nếu học đúng trường mà anh chị từng học, khỏi thay, cứ y như vậy, bận đi học.

Thế hệ chúng tôi không được dạy những cái gọi là "cải cách". Không biết cách đánh vần "cờ lờ mờ vờ" hay "vờ tờ vờ" v.v... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đọc thông viết thạo. Môn Văn Chương, "điểm tám" trở thành tuyệt đối. Hy hữu lắm mới có đứa đạt "điểm chín", lúc đó phải nói, bài văn vô cùng độc đáo.

Chúng tôi cũng không phải "học thêm, học bớt". Hồi xưa chỉ có "học phụ đạo" - lớp học cho những đứa học trò nào vì bận phụ giúp gia đình hay học yếu quá, theo không kịp bạn bè. Thầy - Cô thấy thương, tự mở lớp giúp tụi nó. Không tốn tiền bạc gì hết.

Tiếng Việt vốn "đơn âm", nên chúng tôi không được dạy "tách tiếng" với những "tròn tròn vuông vuông tam giác". Tiếng Anh vì là "đa âm", nên Thầy - Cô nào cũng dạy "phải ráng nối âm (linking sound) nha em". Ví dụ "the voice of freedom" phải nối âm "c" vào âm "of" hoặc giả, không được phép đọc "bờ-ra-xin" để chỉ nước Ba Tây. Thầy - Cô dạy tiếng Anh (hay tiếng Pháp) không bao giờ mắng học trò bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh là "con vật này hay con thú kia". Thầy - Cô dạy các môn khác cũng như vậy.

Thời đó, tú tài đôi là "ngon" lắm rồi !

Chúng tôi được dạy mọi điều theo cách giản dị, dễ hiểu mà nhớ lâu. Ví dụ, hai chữ "trách nhiệm", thầy cô nào cũng giảng nghĩa thật đơn giản mà thấm thía đến kỳ lạ thông qua "hình tròn". Cô giáo vẽ lên bảng một hình tròn và nói nếu chỉ "khuyết một tí xíu" cũng là "không tròn trách nhiệm". Chúng tôi không được dạy "thiếu trách nhiệm". Biết thế nào là "thiếu với đủ" ? Trách nhiệm mà !

Ngoài xe cộ "chạy đầy đường", trước 1975, Sài Gòn vô cùng hiếm thấy các loại "giáo sư - tiến sĩ".

Mặc dù thời xưa ở miền Nam Việt Nam, ai cũng biết là đa đảng, nhưng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa không đào tạo "giáo sư - tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng".

Chính khách thời bấy giờ cạnh tranh gay gắt không thua gì các nước dân chủ bây giờ. Nền chính trị lúc đó, quả xác đáng gọi là "chính trường" như người miền Nam cũng thường gọi : thương trường, vận động trường, kịch trường, phim trường v.v... - nơi phải diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt của những tài năng trên các lãnh vực - biểu hiện của tự do đích thực.

Thế hệ những "thằng con nít" như chúng tôi được dạy như ông Trần Văn Huỳnh dạy con trai mình :

"...Có một lần, Thức bỏ nhà đi bụi suốt mấy tháng hè hồi lớp tám. Chính nhờ lời cha dạy, phải học để làm người có ích đã kéo Thức ra khỏi những tháng ngày hư hỏng, trở lại mái trường với một quyết tâm học cho giỏi để gia đình không phải lo lắng vì mình. Ba Thức nói rằng ông cũng không dạy anh yêu nước. Ông chỉ hướng cho con mình sống có nhân cách và có ích, đừng vì mình mà làm tổn thương người khác, thì tự nhiên trẻ con lớn lên sẽ sống có trách nhiệm với mình và đất nước...".

Trần Huỳnh Duy Thức đã ngưng tuyệt thực - một tin vui mà tôi chưa bao giờ thấy dư luận mừng như vậy. Có nên gọi bằng hai chữ "hiện tượng" ?

Tôi mãi mãi biết ơn nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 18/09/2018

Published in Diễn đàn