Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mùa vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang năm 2019 được xem như là khởi sắc và nhộn nhịp với giá cả tăng gấp ba và có gần 400 thương lái Trung Quốc tranh mua trong những ngày đầu vụ.

nongsan1

Nông dân Lục Ngạn, Bắc Giang trong mùa vụ vải thiều năm 2019. Courtesy : Ảnh chụp màn hình sggp.org.vn

Vấn đề đặt ra là sự khởi sắc này sẽ được bền vững hay lại cũng giống nhiều nông sản khác của Việt Nam trong những năm qua khi vẫn lệ thuộc phần lớn vào xuất khẩu qua Trung Quốc ?

Tin vui vải thiều Lục Ngạn

Báo mạng congthuong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương Việt Nam, hồi trung tuần tháng 5 loan tải thông tin mùa vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang năm 2019 tuy sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 50% so với vụ mùa năm trước, nhưng giá thành có thể sẽ đạt kỷ lục cao gấp 3 lần.

Trái vải thiều Lục Ngạn có màu đỏ tươi khi chín với hạt nhỏ, cùi dày, ngọt thanh, không chỉ là là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang mà còn là sản vật của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á chính thức xác nhận nằm trong Top 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục của khu vực Đông Nam Á, đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mùa vải năm 2018 là một mùa vụ bội thu ở Lục Ngạn. Truyền thông trong nước dẫn số liệu do Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cung cấp rằng tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ hồi năm ngoái đạt xấp xỉ 216 ngàn tấn, với giá bình quân 16 ngàn đồng/kg, thu về gần 6 tỷ đồng. Trong đó, vải tươi tiêu thụ ở thị trường trong nước chiếm 55% và 45% xuất khẩu sang các nước ở Châu Á, Châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Australia…Đặc biệt vải thiều Lục Ngạn xuất sang Trung Quốc chiếm 88,7% tổng sản lượng xuất khẩu trong năm 2018.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang ghi nhận có gần 180 thương nhân Trung Quốc phối hợp với thương nhân Việt Nam thu mua vải thiều mùa vải năm 2018 và mùa vụ năm 2019 số lượng thương nhân Trung Quốc tăng lên gần 400 người.

Ông Nghĩa, một chủ vựa trái cây ở Lục Ngạn cho biết tình hình thương lái Trung Quốc đến mua vải mùa vụ năm 2019 :

"Thương lái Trung Quốc thì năm nào cũng vậy. Năm nay chiếm đa số. Bây giờ còn xuất hiện thương lái Thái Lan nhập số lượng nhiều. Giá cả thì coi như trực tiếp với nông dân. Thương lái vào tận vườn để đặt hàng với nông dân luôn. Nói chung nguồn hàng năm nay hơi ít nên xuất đi rất dễ".

Ông Nghĩa còn xác định với RFA rằng bên cạnh yếu tố do bị mất mùa, sản lượng thấp thì trái vải thiều Lục Ngạn còn có những sản phẩm được sản xuất theo phương pháp trồng hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế nên nông dân bán được giá cao.

Truyền thông trong nước ghi nhận sản lượng vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ ở mức "cực khủng" là nhờ xuất sang Trung Quốc lẫn chính ngạch và tiểu ngạch.

Nhưng vẫn bấp bênh

Mặc dù vậy, không chỉ trái vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang mà còn nhiều trái cây và nông sản khác ở khắp tỉnh thành Việt Nam như thanh long, chuối, dưa hấu, ớt, khoai lang…mà người nông dân một nắng hai sương chăm chút với mong cầu được mùa, được giá thì lại bị lệ thuộc vào nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc.

Trung Quốc được ghi nhận là thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam nhiều nhất, chủ yếu bằng đường tiểu ngạch nên mang nhiều rủi ro và thiếu bền vững.

Trong năm 2018, hàng vạn nông dân khóc ròng vì trái vải thiều đầu vụ bị rớt giá và trái thanh long chín đỏ ngoài ruộng nhưng không bán được do thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua. Và sau đây là chia sẻ của hai nông dân ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ với RFA về nông sản khoai lang và chuối mà họ bỏ vốn và công sức vào rất nhiều ; thế nhưng :

"Trung Quốc vô mua, ban đầu cho giá cao rồi từ từ rút lại. Nông dân mở đất trồng khoai lang ồ ạt. Trồng xong rồi bị thương lái Trung Quốc ép giá, xuống giá. Nông dân bị lỗ nhiều lắm".

"Trung Quốc vô đây nói cứ trồng đi, 2 năm 3 vụ thì cỡ nào cũng thu hết, mua với giá cao. Nhưng khi mình trồng cho đến khi thu hoạch chuối, giá cả như năm nay thì có hơn 2000 đồng/kg. Thương lái ép nhà vườn. Dù chuối của mình đẹp bán theo giá thị trường được 3.300/kg thì bị thương lái ép còn có 2.500 đồng/kg. Không biết nói sao nữa, nhưng tóm lại Trung Quốc không thu mua thì nhà vườn chết".

Trước sự bế tắc và nan giải của nông dân trong tình huống bị tồn ứ do không bán được hàng, cộng đồng xã hội kêu gọi các phong trào "giải cứu" nông sản cho nông dân, tuy nhiên giới chuyên gia trong nước cho rằng các cuộc "giải cứu" như thế chỉ là muối bỏ biển, mà hãy để thị trường điều tiết.

Do kinh tế thị trường

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, một phóng viên phụ trách chương trình truyền hình nông thôn ở khu vực miền Tây Nam Bộ cho biết một số nông dân trở thành "nạn nhân" của các thương lái Trung Quốc là do mang tính tự phát. Người phóng viên không muốn nêu tên cho biết thêm qua công việc, ông có cơ hội tiếp xúc được với nhiều thành phần bao gồm chính quyền, nông dân, giới chuyên gia và ông đưa ra nhận xét cá nhân rằng :

"Nông dân Việt Nam được Nhà nước lo cho nhiều lắm. Có cả một Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ nông dân, rồi Sở Nông nghiệp lo cho nông dân…Nói chung là nông dân được hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên người nông dân chỉ biết được hỗ trợ vậy thôi chứ họ không thể quyết định được thị trường. Cho nên có những lúc được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nhưng họ vẫn thua, vẫn bị lỗ. Ngược lại có khi Nhà nước không giúp chi hết, nhưng họ vẫn lời. Yếu tố thị trường quyết định hết. Ngay cả những người nông dân giúp đỡ nhau nhưng họ không quyết định được thị trường".

nongsan2

Nông dân 9X Võ Văn Tiếng bên cánh đồng lúa hữu cơ ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Courtesy : Ảnh chụp màn hình Truyền Hình Đồng Tháp

Một ghi nhận đáng chú ý mà người phóng viên này nêu lên là người nông dân Việt Nam hiện nay có xu hướng tìm tòi, học hỏi những giải pháp sản xuất đạt tiêu chuẩn quy định của quốc gia và quốc tế (như VietGAP, GlobalGAP) để có sản phẩm với giá trị cao, mang lại lợi ích kinh tế hiệu quả và bền vững, đồng thời còn bảo vệ môi trường. Người phóng viên nhấn mạnh :

"Ví dụ trái cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap, tức là không bao giờ được tưới thuốc trừ sâu và không dùng phân hóa học. Trồng cam theo kiểu dùng phân thuốc hóa học ví dụ thu hoạch được 100 trái, trong khi trồng theo kiểu VietGab thì thu hoạch được 10 trái. Người nông dân bây giờ đứng trước chọn lựa trồng đạt 100 trái để xuất khẩu qua Trung Quốc hay chọn trồng đạt 10 trái để xuất qua Châu Âu (EU) và Mỹ ? Và họ quyết định chọn bán qua thị trường Mỹ và EU, không chọn bán qua Trung Quốc nữa vì không chắc chắn, 50% ăn và 50% thua".

Trong những tháng đầu năm 2019, truyền thông quốc nội cho biết Trung Quốc chỉ nhập chính ngạch 8 loại nông sản Việt, bao gồm xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long và dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho thấy Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 11, 6% với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, báo giới còn dẫn nguồn dự báo từ Thường trực Ban chỉ đạo Phát triển Thị trường Nông sản, thuộc Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn rằng nông sản của Việt Nam xuất qua thị trường Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức, do bị tác động bởi một số chính sách thuế và các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nông sản Việt xuất sang các thị trường tiềm năng như EU và Mỹ cũng không dễ dàng dù đã ký kết tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Châu Á-Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như có thể sắp ký kết Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA), được dự kiến diễn ra trong mùa hè năm nay. Một trong những lý do chính yếu là nông sản Việt chưa đạt chuẩn chất lượng theo quy định của các thị trường này. Điển hình, hồi đầu tháng 6, Bộ Công Thương thông báo Liên Minh Châu Âu-EU từ chối hoặc cho giám sát 17 lô hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam, do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hay một tháng trước đó, Cục Bảo vệ thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cũng ra thông báo Nhật Bản sẽ kiểm tra các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ kiểm tra 100% các lô hàng của những công ty xuất khẩu nông sản Việt Nam vi phạm vượt mức thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Nhật.

Khó khăn trong tiêu thụ

Ông Trần Dũng, chủ một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo hữu cơ cho biết Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể xuất khẩu qua các thị trường "khó tánh" như Nhật Bản, EU và Mỹ. Tuy nhiên, theo như ông biết không ít nhà nhập khẩu đến từ những thị trường đó vào Việt Nam tìm kiếm nông sản để mua trực tiếp nhưng đều từ chối vì hầu hết nông sản sản xuất tại Việt Nam không đáp ứng được đủ tiêu chuẩn khi qua máy kiểm tra chất lượng của họ.

Nhận xét về khâu xuất khẩu nông sản của Việt Nam, ông Trần Dũng nhìn nhận vẫn còn nhiều trở ngại cho người nông dân :

"Ngay cả việc xuất khẩy, tuy bây giờ cũng tốt hơn, nhưng cũng còn vấn đề là người nông dân phải qua nhiều kênh thì sản phẩm của họ mới được đi ra tới thị trường quốc tế, chứ không giống như nông dân ở một số nước có khả năng đàm phán trực tiếp để họ xuất hàng luôn. Rất ít nông dân Việt Nam có trình độ và khả năng để làm như vậy. Và nhiều khi người nông dân Việt Nam muốn xuất khẩu trực tiếp nhưng không biết xuất hàng đi đâu nên phải nhờ cậy vào thương lái. Về bản chất thì thương lái thu mua rồi bán qua cho công ty xuất khẩu. Rồi bản thân công ty xuất khẩu ít nhất cũng phải qua 2 nấc trung gian thì mới xuất hàng ra được nước ngoài".

Chủ doanh nghiệp Trần Dũng và một vài doanh nhân trong lãnh vực sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam mà RFA có dịp tiếp xúc chia sẻ rằng tuy nông dân và doanh nghiệp rất nỗ lực trong khâu sản xuất lẫn tìm kiếm thị trường đầu ra, nhưng công tác xúc tiến thương mại của Chính phủ Việt Nam hầu như không có.

Từ Sài Gòn, ông Lê Công Giàu, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh lý giải về nhận định của giới doanh nhân vừa nêu :

"Ở Việt Nam, người ta hiểu về chuyện xúc tiến thương mại, đầu tư tuy so với lúc tôi còn làm làm trong lãnh vực này thì họ hiểu được khá hơn. Nhưng trong thực tế, việc Nhà nước đứng ra hỗ trợ cho người sản xuất thì rất hạn chế. Và các bộ phận có trách nhiệm làm công việc này, như Phòng Thương mại hay Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư của Trung ương thì hiện nay họ làm vẫn kém hiệu quả. Nguyên nhân chính vì họ xuất phát từ một tổ chức của Nhà nước hoặc là tổ chức không phải của Nhà nước nhưng do Nhà nước chỉ đạo nên họ làm công việc xúc tiến thương mại theo kiểu của nhân viên công chức. Do đó, hiện nay công tác đó gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của người dân.

Nói tóm lại Việt Nam chưa có một nền kinh tế thị trường thật sự, chỉ mới mở ra cho một số phạm vi, một số lĩnh vực, cho nên người nông dân sản xuất ra san phẩm nhưng không biết được ai sẽ là người tiêu thụ và tiêu thụ như thế nào. Hiện nay Trung Quốc mua hàng của Việt Nam thì chỉ mua những mặt hàng có lợi và thậm chí đẩy giá cao để mua cho nhanh. Thế nhưng mua bán như thế thì rất nguy hiểm cho người sản xuất".

Liên quan yếu tố đầu vào, Doanh nhân Trần Dũng cho rằng phần lớn vật tư nông nghiệp nhập từ Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng rất nhiều cho chất lượng nông sản của Việt Nam. Ông Trần Dũng còn khẳng định :

"Nói chung bây giờ Nhà nước cũng có những chính sách gọi là hỗ trợ nhưng thực sự thì tư duy về làm nông nghiệp vẫn còn kém quá. Cả tư duy và trình độ của cán bộ khuyến nông cũng quá kém. Tức là bản thân chuyên gia kỷ thuật làm việc trong cơ quan Nhà nước truyền đạt xuống cho nông dân cũng còn kém thì làm sao có thể giúp cho người nông dân làm ra sản phẩm đạt chất lượng, chứ chưa nói về sản phẩm hữu cơ".

Giấc mơ xanh

Trở lại với chia sẻ của ông Nghĩa, chủ vựa thu mua vải thiều ở Lúc Ngạn, Bắc Giang rằng vụ vải năm nay được giá cao một phần nhờ vào đạt chuẩn xuất khẩu. Nhận xét này được chứng thực tại Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn năm 2019, được tổ chức ở Hà Nội vào đầu tháng 6 nhằm quảng bá đặc sản này đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Báo congthuong.vn cho biết các sản phẩm tham dự sự kiện này là những loại vải thiều có chất lượng cao nhất, được các hộ nông dân và hợp tác xã ở Lục Ngạn trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, được lựa chọn, đóng gói và dán tem nhãn xuất xứ nguồn gốc.

Đài RFA ghi nhận để đạt được những thành quả trong sản xuất nông sản sạch và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường thế giới, người nông dân Việt Nam đã và đang phải trả giá cho quyết định sống còn của họ.

Chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp của một nông dân 9X, ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã thuyết phục ba mẹ của anh trồng lúa sạch, sau khi anh giải ngũ bộ đội và đọc được quyển sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm", của tác giả Masanobu Fukuoka. Với quyết tâm trồng lúa không có phân thuốc hóa học của cậu con trai tên Võ Văn Tiếng, ông Võ Văn Hào đồng ý cho con được toại nguyện. Trong một phóng sự do Đài Truyền hình Đồng Tháp thực hiện hồi năm 2016, ông Võ Văn Hào chia sẻ :

"Lúc mới làm vụ đầu, nói thiệt là tui và bà nhà ăn ngủ không yên vì chưa biết cách thức con làm ra sao. Rồi mình cũng hồi hộp sợ con làm bị lỗ. Mình là nông dân mà, lỗ thì làm lại cũng 2, 3 mùa mới có thể trả nợ được".

Miệt mài với hoài bão "ước mơ xanh", anh Võ Văn Tiếng thu hoạch sau mỗi vụ lúa dù ít hơn đến 1/10 sản lượng so với các hộ nông dân láng giềng sử dụng phân thuốc hóa học, nhưng sản phẩm gạo do anh chăm chỉ sản xuất ra với thương hiệu "Gạo Tâm Việt" được người tiêu dùng đón nhận và bán với giá cao xấp xỉ gấp 3 lần mặt hàng gạo bán lẻ trên thị trường nội địa.

Nông dân trẻ tuổi Võ Văn Tiếng còn tự thân đi tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở các thành phố lớn như Sài Gòn và tham gia những hội chợ trong nước và trong khu vực. Anh Võ Văn Tiếng chia sẻ với Đài Truyền hình Đồng Tháp trong chương trình về nông thôn mới :

"Em về đây làm thì có nhiều người theo đổi theo em. Ví dụ như miếng đất kế bên và miếng đất đằng kia, mỗi vụ lúa thì họ xịt rất nhiều phân tuốc hóa học. Vụ trước thì họ xịt gần 10 cử thuốc từ lúc mới xạ cho tới lúc thu hoạch. Nhưng hiện tại họ xịt chỉ năm cử thuốc thôi, giảm khoảng 50%. Họ nghe theo chia sẻ kinh nghiệm của em thì họ giảm phân thuốc hóa học nhiều lắm. Và xung quanh đây cũng có rất nhiều người tự thay đổi. Chưa đạt được ý nguyện nhưng đó cũng là sự thay đổi của người nông dân".

Trong phóng sự do Đài Truyền hình Đồng Tháp thực hiện còn ghi nhận có rất nhiều bạn trẻ sinh viên, nông dân khắp nơi nối kết với anh Võ Văn Tiếng qua mạng xã hội và đến tận huyện Hồng Ngự để học hỏi kỹ thuật trồng lúa sạch của anh với tâm nguyện vì một nền nông nghiệp sạch của Việt Nam và vươn tầm thế giới.

Cùng trong lãnh vực sản xuất gạo hữu cơ, Doanh nhân Trần Dũng cho RFA biết các công ty sản xuất và kinh doanh gạo hữu cơ như công ty của ông hay của Nông dân Võ Văn Tiếng phải đối mặt với thách thức trong khâu tiêu thụ vì người tiêu dùng nội địa thường chuộng "ngon và rẻ", nhưng với mong muốn góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng vì sản phẩm "xanh và sạch" thì người nông dân và doanh nghiệp sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng. Còn "giấc mơ xanh" của họ được loan tỏa trong quốc nội lẫn quốc ngoại nhanh chóng hay không thì tùy thuộc vào tầm vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 19/06/2019

******************

Biện pháp giảm diện tích trồng lúa mà hiệu quả kinh tế vẫn cao (RFA, 19/06/2019)

Giảm diện tích trồng lúa

Tại phiên thảo luận về "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra hôm 18/6, Bà Phạm Hoàng Vân chuyên gia đại diện của Ngân hàng Thế giới cho rằng, sản lượng nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung tăng lên chủ yếu nhờ vào mở rộng sản xuất, tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên cũng như sử dụng khá nhiều phân bón hóa chất ảnh hưởng đến môi trường.

Do đó, đại diện Ngân hàng Thế giới đề nghị giảm diện tích trồng lúa để giảm tác động ảnh hưởng về môi trường. Thay vào đó thúc đẩy sản xuất các loại gạo có giá trị chất lượng cao.

nongsan3

Công tác dọn ruộng nước trước khi gieo mạ - Ảnh minh họa. AFP

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ cho chúng tôi biết ông hoàn toàn đồng ý với đề nghị này.

"Theo tôi ở điều kiện hiện nay thì điều đó hoàn toàn hợp lý bởi thứ nhất nguồn nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ đang có khuynh hướng ngày càng ít đi và đặt biệt là trong mùa khô thì việc sản xuất lúa nhiều sẽ tiêu thụ nhiều nước sẽ dễ xảy ra xâm ngập mặn nhiều hơn và tại những vùng sản xuất lúa nhiều thì người nông dân sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu nhiều dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Hiện tại nguồn nước đang ở mức đáng ngại nên nông dân đang chuyển sang nguồn nước ngầm thì điều này làm cho nguồn nước ngầm giảm đáng kể và hệ quả mang lại là khu vực đồng bằng sẽ bị chìm đi vì lún".

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia kinh tế phát triển, cựu giáo sư Đại học Kinh Tế Saigon, đã từng làm cố vấn kinh tế cho nhiều Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp tại Phi Châu và Á Châu có ý kiến thêm về điều này.

"Không chỉ đề nghị của Ngân hàng Thế giới mà còn của các chuyên gia Nông nghiệp của Việt Nam cũng như Quốc tế, họ thấy dĩ nhiên người nông dân chỉ trồng một thứ nông phẩm không thì khó có thể sống lâu sống dài vì phải đầu tư. Bao giờ cũng vậy trong các chính sách phát triển nông nghiệp không phải chỉ có tăng diện tích mà thôi mà phải tăng lợi tức của người nông dân, có mùa thì mình trồng lúa gạo, có mùa trồng nông phẩm khác hay những đặc sản của miền đó, nếu cộng lại cả năm thì lợi tức của người nông dân sẽ cao hơn nhiều".

Gạo xuất khẩu cao, nông dân vẫn khó khăn

Báo cáo của Bộ Công thương vào cuối năm 2018 cho thấy Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018 đạt gần 5 triệu tấn gạo, mang về giá trị lên tới khoảng 2.46 tỷ USD.

Tiến sĩ Ngô Tấn Lực, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Tiền Giang cho rằng, việc xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới để làm gì trong khi đời sống người nông dân vẫn còn quá nhiều khó khăn.

"Vì mình chưa có những công nghệ sinh học, chưa tác động mạnh mà vẫn còn làm theo giống cũ, truyền thống nên một tấn lúa gạo của mình mà xuất khẩu sang Châu Âu nhiều khi còn thua nữa tấn về giá trị của Campuchia nữa, thì thấy rằng lúa của Việt Nam mình chưa được tuyển chọn tốt. Công nghệ tác động vào đó chưa nhiều, người nông dân làm công nhận về năng suất rất cao nhưng giá trị trên một diện tích thì vẫn còn thấp lắm".

nongsan4

Công tác cấy mạ trên ruộng nước - Ảnh minh họa AFP

Đồng ý với điều này Tiến sĩ Đinh Xuân Quân có so sánh :

"Các vị phải xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mới mua được một chiếc xe hơi, vì vậy lúc nào người ta cũng có chính sách kinh tế dựa vào vừa công nghiệp vừa nông nghiệp chứ không chỉ có xuất khẩu gạo mà thôi. Việt Nam xuất khẩu rất là nhiều ví dụ như là hải sản nó còn cao hơn gạo rất là nhiều thì ai có lợi, cả Việt Nam có lợi chứ không chỉ có gạo, gạo chỉ là một phần trong nhiều nông phẩm khác. Nếu chúng ta bớt xuất khẩu gạo và tăng xuất khẩu các loại nông phẩm khác có giá trị cao thì khi đó GDP nông nghiệp của chúng ta cao hơn nhiều không".

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng có ý kiến nên xem lại việc sản xuất lúa gạo. Theo ông thì mục tiêu cuối cùng nhắm tới là quyền lợi của người nông dân, sức khỏe và môi trường.

"Nếu chạy theo như vậy mình đang khai thác cận kiệt tài nguyên về đất và nước tại Đồng bằng sông Cửu Long để bán ra nước ngoài mà giá bán lại không cao cho nên việc đứng nhất nhì thế giới nó không có ý nghĩa gì hết trong khi người nông dân vẫn tiếp tục nghèo".

Tại phiên thảo luận hôm 18 tháng 6, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở khu vực nông thôn. Do đó, ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cần đảm bảo tăng giá trị, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, thay đổi sử dụng đất, sản xuất, giá trị xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.

Hướng giải quyết tương lai

Giải pháp mà Ngân hàng thế giới cũng như các chuyên gia nông nghiệp đưa ra cũng không có gì mới lắm tức ngoài việc giảm diện tích trồng lúa, phần đất còn lại tăng cường trồng các loại nông sản có giá trị cao thích ứng với biến đổi khí hậu và đồng thời chính sách của nhà nước cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này tăng chất lượng đời sống nông dân.

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân chỉ ra bất cập khi Bộ Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích nông dân chỉ trồng lúa.

"Nếu bộ NN cứ khuyến khích nông dân làm lúa thì chỉ có các công ty quốc doanh, các công ty xuất nhập khẩu, phân bón hay là thuốc rầy… thì mới có lợi vì họ được độc quyền".

Một biện pháp nêu ra lâu nay được tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhắc lại :

"Thay vì sản xuất 3 vụ lúa một năm thì có thể giảm còn 2 vụ thôi còn vụ còn lại nên để cho nước lũ đi vào đem theo phù sa bồi dưỡng lại cho đất đai, rửa sạch đồng ruộng hoặc tận dụng để sử dụng cho mùa vụ khác ít sử dụng nước hơn thì điều này sẽ hợp lý hơn.

Theo tiền sĩ Lê Anh Tuấn thì có nhiều mô hình canh tác khác nhau ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, những vùng ngập lũ thì người nông dân có thể phát triển mô hình lúa cá, tức là xung quanh ruộng lúa có những mương có thể thả cá. Cá có thể lên ruộng lúa để ăn sâu bệnh, chất thải của cá trở lại làm phân bón cho cây lúa giúp người nông dân bớt sử dụng thuốc trừ sâu hơn.

Đối với vùng bị nhiễm mặn thì mùa mưa trồng lúa, mùa khô thì có thể nuôi tôm thì nó cũng giống như mô hình lúa cá. Điều này phù hợp với mô hình hệ sinh thái đảm bảo được sự phát triển nông nghiệp bền vững hơn.

Published in Diễn đàn