Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kỹ luật lãnh đạo có phải là giải pháp vụ Formosa ?

Kỹ luật lãnh đạo, những người "rước voi dày mả tổ" như Võ Kim Cự, hay những người đã ký giấy phép bừa bãi cho Formosa hoạt động là đúng. Nhưng chưa đủ.

Trưa nay nghe ông Vũ Cao Phan bàn vấn đề này trên BBC. Theo tôi, ông Phan vẫn chưa đi vào "cốt lõi" của vấn dề tranh chấp về bồi thường giữa dân các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Nghệ An…) với Formosa và nhà nước.

Việc người dân phản đối, đi kiện, do không đồng ý với số tiền ít ỏi, so với những thiệt hại lớn lao và lâu dài cho cá nhân, gia đình họ. Trong khi đó môi trường biển có thể bị ô nhiễm hàng vài chục năm.

Đi kiện bị ngăn cản. Người dân dĩ nhiên phải biểu tình phản đối.

Những vụ biểu tình dằn co, đưa đến việc công an đàn áp thô bạo, sau đó chụp mũ người dân những tộ trạng về chính trị, về hình sự.

Oan ức lại càng chồng lên oan ức.

Nguyên nhân do đâu ? Dĩ nhiên là do Formosa. Nhưng cách xử lý khủng hoảng của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới là đầu dây mối nhợ đem đến dân tình bất mãn.

Chính phủ ông Phúc đã dại dột ký kết với lãnh đạo Formosa để lấy 500 triệu tiền bồi thường. Con số 500 triệu là quá rẻ để Formosa phủi sạch mọi trách nhiệm về dân sự và hình sự đối với pháp luật Việt Nam.

Qua việc nhận tiền bồi thường, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cắt đứt mọi đường khiếu nại của người dân.

Có nơi người dân bất mãn vì mức đền bồi không tương xứng. Có nơi người dân bất mãn vì không được bồi thường.

Con đường để người dân đi tìm công lý là đệ đơn lên tòa. Nhưng vì đã "bảo kê" cho Formosa, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải tìm mọi cách ngăn cản không cho người dân đi kiện.

Vì vậy, người lý ra phải bị kỹ luật đầu tiên là ông Nguyễn Xuân Phúc, sau đó là các bộ trưởng liên quan.

Đâu là giải pháp cho người dân và nhà cầm quyền ?

Trên BBC hôm 14/04/2017 có bài tường thuật lại "chương trình Bàn tròn thượng tuần tháng Tư của BBC Việt ngữ", có sự tham gia của các "giáo sư, tiến sĩ" rất nặng ký của Việt Nam. Chủ đề chính là "giải pháp nào cho sự xung đột giữa người dân và chính quyền" trong vấn đề Formosa.

formosa1

Giải pháp nào cho sự xung đột giữa người dân và chính quyền trong vấn đề Formosa ?

Dĩ nhiên mọi thảo luận chung quanh vấn đề này là cần thiết. Ai cũng mong muốn tìm ra một giải pháp tốt đẹp cho cả ba bên : nhà nước, Formosa và người dân (tán gia bại sản) ở các tỉnh bị ô nhiễm.

Vấn đề là, nếu tôi nói sai thì xin mọi người chỉ dạy. Là không có ai đưa ra một giải pháp khả thi. Nếu không nói quá, hình nhưng không có người nào tham gia "bàn tròn" có nghiên cứu thấu đáo vấn đề tranh chấp giữa nhà cầm quyền và người dân về vụ ô nhiễm Formosa.

Nhà cầm quyền vừa qua "hình sự hóa" vấn đề, qua việc "truy tố vụ biểu tình ở Lộc Hà, Hà Tĩnh". Trước đó nhà cầm quyền cũng "chính trị hóa" các vụ biểu tình, bằng cách bịa ra các bài báo, các bản tin truyền hình… nội dung vu khống cho giáo dân, cho những người chăn chiên… biểu tình "chống chính quyền". Đặc biệt phía công an còn tung ra clip video cậu Nguyễn Văn Hóa thú nhận "tội trạng" việc "nhận ngàn đô" để viết bài xúi giục dân chúng.

Âm vang vụ Formosa đã loan truyền ra quốc tế. Ai cũng thấy mục tiêu của người dân biểu tình là đòi hỏi Formosa bồi thường tương xứng với thiệt hại mà nhà máy đã gây ra. Mặc dầu chủ yếu là giáo dân với các linh mục giáo xứ dẫn đầu biểu tình. Nhưng dân nào lại không là dân ? Người dân biểu tình để yêu cầu nhà nước thiết lập lại công lý. Ánh sáng công lý không phân biệt dân theo đạo hay dân không theo đạo.

Rõ ràng nhà nước không có thiện chí để giải quyết một "tranh chấp dân sự" mà muốn "bóp chết" cuộc tranh chấp này bằng quyền lực của mình, thể hiện qua các việc hình sự hóa và chính trị hóa.

Điều tệ hại hơn, nhà cầm quyền đã huy động đông đảo thành phần gọi là "cựu chiến binh", nói là để giữ "an ninh", mà thực chất là ngăn cản người dân tụ tập biểu tình. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã sử dụng biện pháp dùng một tầng lớp dân chúng này để chống lại dân một tầng lớp dân chúng khác. Đây là một chủ trương bỉ ổi nhằm "chia rẽ các khối dân tộc". Trên lý thuyết điều này "vi phạm luật hình sự".

Tất cả những điều "xốn mắt" đó không thấy "học giả" nào đề cập tới.

Về nội dung thảo luận bàn tròn, theo quan sát của tôi, điều thứ nhứt, quí học giả đã "bó lại thành chùm" những tranh chấp giữa người dân và nhà cầm quyền về vấn đề bồi thường. Trong khi đó, nếu có nghiên cứu (cho dầu rất sơ lược như tôi), thì cũng thấy rằng người dân khiếu kiện có nhiều lý do khác nhau.

Điều thứ hai, về vấn đề "kiện Formosa ra tòa án Việt Nam", hay trước tòa Đài loan (hay một tòa quốc tế). Theo tôi, các học giả đã nói bằng "tình cảm dạt dào" hơn là bằng phán đoán lý trí, dựa trên các yếu tố pháp lý.

Ở điểm thứ nhứt, xét lại vụ đân ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Quỳnh Lưu, Nghệ An bị ảnh hưởng ô nhiễm do chất thải Formosa, tháng tư năm 2016. Vào thời điểm ban giám đốc Formosa lên tiếng xin lỗi và cam kết bồi thường, ngày 30-6-2016, thì chỉ thấy nói tới 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mà không thấy đề cập đến tỉnh Nghệ An. Trên 100 nhà khoa học và 30 cơ quan của nhà nước làm công tác nghiên cứu, kết quả đưa ra không bao gồm tỉnh Nghệ An.

Việc khiếu kiện của dân Quỳnh Lưu, Nghệ An, vì vậy không thể "gộp chung" với các khiếu kiện khác của dân ở Hà tĩnh, Quảng Trị hay Huế…

Dân Quỳnh Lưu kiện là để, thứ nhứt, nhà nước nhìn nhận khu vực này cũng bị thiệt hại (do Formosa xả thải làm ô nhiễm). Thứ hai, Formosa phải bồi thường tương xứng.

Trong khi dân chúng các nơi (như Hà tĩnh…) biểu tình khiếu nại là do "bồi thường không tương xứng", hay "chưa được bồi thường".

Trái với ý kiến của học giả cho rằng "không thấy có giải pháp nào khác". Trong vụ Quỳnh Lưu, rõ ràng giải pháp là có. Vấn đề là nhà nước không có thiện chí giải quyết mà thôi.

Vì vậy, người dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) biểu tình là chính đáng. Cũng chính đáng như những người dân ở Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế... Mọi biện pháp nhằm bịt miệng người dân ở đây đều thể hiện bạo lực của cường quyền. Người dân Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Trị, Huế, cũng như ở các nơi, cần phải biểu lộ tình liên đới đoàn kết. Những đàn áp bạo lực của nhà cầm quyền cần phải được trả đũa bằng các cuộc đình công, bãi thị dài hạn. Các việc này chỉ chấm dứt khi việc bồi thường được giải quyết thỏa đáng.

Thứ hai, vấn đề kiện tụng. Câu hỏi là kiện ai ? kiện vì lý do gì ? và kiện ở đâu ?

Trường hợp người dân Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hiển nhiên họ không thể kiện Formosa, như ý kiến của các học giả, mà phải kiện các cơ quan, tổ chức đã bỏ sót Quỳnh Lưu trong danh sách các khu vực bị ô nhiễm.

Sau khi đã vào danh sách rồi. Nếu tiền bồi thường không tương xứng (với thiệt hại gây ra), dân Quỳnh Lưu có cùng hoàn cảnh với dân chúng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế...

Thứ hai, từ lâu tôi đã nói là không thể kiện Formosa ra tòa án Việt Nam. Bởi vì nhà nước Việt Nam (đại diện dân chúng Việt Nam) đã ký kết, đã đồng ý cho Formosa bồi thường (500 triệu đô la). Trách nhiệm của Formosa đối với nạn nhân Việt Nam bị ô nhiễm xem như là "chấm dứt".

Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền đại diện các nạn nhân để thuơng lượng với Formosa.

Thỏa thuận bồi thường giữa tập đoàn Formosa và chính phủ Nguyễn xuân Phúc không chỉ có giá trị pháp lý ở Việt Nam mà còn lan ra tầm quốc tế. Formosa sẽ được các công ước quốc tế (như WTO), các kết ước giữa Việt Nam và Formosa… bảo vệ.

Nội dung các kết ước này ra sao ? Ta cần phải biết tường tận mới có thể xúc tiến việc kiện tụng.

Nhưng qua các việc nhà nước cộng sản Việt Nam tìm mọi cách "bóp miệng nạn nhân", bằng các phương pháp "hình sự hóa" hay "chính trị hóa" các cuộc biểu tình của dân Nghệ An, Hà tĩnh… cho thấy Formosa đã "phủi mọi trách nhiệm pháp lý".

Vì vậy đề nghị của các học giả như nhà nước hãy để cho dân chúng kiện Formosa là không khả thi.

Nhà nước (nếu) đã ký kết nhìn nhận Formosa "hết trách nhiệm" sau khi bồi thường 500 triệu đô, thì người dân không thể kiện Formosa nữa.

Mặt khác, cũng không thể kiện Formosa ra trước tòa Đài loan. Một mặt, theo luật Việt Nam, Đài loan không có "tư cách pháp nhân" của một "quốc gia". Mặt khác, Formosa không chịu quyền "tài phán - jurisdiction" của Đài loan, vì xí nghiệp này đăng ký trụ sở ở Cayman (một thiên đường trốn thuế).

Vì vậy, tôi cũng viết từ lâu, những người dân Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Trị, Huế… muốn kiện để đòi bồi thường, đối tượng là "nhà nước" chớ không phải Formosa.

Dầu vậy không phải là không còn phương cách nào nữa để kiện Formosa.

Từ lâu tôi cũng viết là muốn kiện Formosa, ra tòa Việt Nam hay một tòa quốc tế, trước hết phải tìm cách vô hiệu hóa mọi ký kết bồi thường giữa nhà nước và Formosa (500 triệu). Mà muốn làm việc này, con đường độc đạo là phải qua các đại biểu quốc hội, sau đó là quốc hội.

Hiến pháp qui định, chỉ có quốc hội mới có thẩm quyền vô hiệu hóa các kết ước "quốc tế" của chính phủ.

Vì vậy, đề nghị của các học giả như "cho phép đân đi kiện Formosa trước tòa Việt Nam", theo tôi là không khả thi.

Ngay cả việc "đuổi Formosa khỏi Việt Nam" cũng không đơn giản. Khi còn ràng buộc pháp lý (do các kết ước còn hiệu lực), đuổi Formosa không căn cứ thì Việt Nam bồi thường (cho tới phá sản).

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. nhantuan.truong, 15/04/2017

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn