Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tiếp tục bơm thêm cả trăm ngàn tỷ, Thành phố Hồ Chí Minh có hết ngập trong năm năm tới ?

Kế hoạch giảm ngập nước 2021-2025 vừa được Sở Xây Dựng trình qua Ủy ban nhân dân, cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh cần thêm 100.000 tỉ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước cho thành phố. Đây là vấn đề nội tại của một thành phố bị bê tông hóa nhanh chóng mà chuyện giải quyết không dễ do vướng lỗi qui hoạch.

bomtien1

Xe hơi và xe máy đi qua một đoạn đường ngập nước do triều cường và mưa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/10/2014 - AFP

Với chi phí dự trù 100.000 tỉ, tương đương 4,3 tỉ USD, trong năm năm tới, thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt mục tiêu xóa ngập cho 18 trục đường chính, hoàn thành bảy dự án trọng điểm về chống ngập, bổ sung 96km hệ thống thoát nước và hoàn thành các hệ thống nhà máy xử lý nước thải.

Tin mới nhất từ Sở Xây dựng chuyển qua Ủy ban nhân dân thành phố cho thấy, với 100.000 tỉ đồng này, hơn 38.000 tỉ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752, gọi là tổng thể hệ thống thoát nước của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Bên cạnh đó, các dự án thuộc quy hoạch 1547, thuộc qui hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, là hơn 20.600 tỉ đồng, chưa kể các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỉ đồng và các công trình khác hơn 1.700 tỉ đồng.

Năm 2021, Sở Xây dựng cho biết thành phố sẽ thực hiện 12 dự án chống ngập ; trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường.

Tất cả những con số và chi tiết trên cũng là nội dung đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chính thức phê duyệt tại "Đề án chống ngập và xử lý nước thải" giai đoạn 2020-2025, cũng như kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030.

Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều dự án chống ngập cùng hàng chục ngàn tỉ đồng đã được chi vào công tác này nhưng đến giờ thì vẫn chưa thể thoát ngập.

Mới đây nhất là trận mưa lớn ngày 25/5 đã khiến đường Ung Văn Khiêm, Quận Bình Thạnh bị ngập nước, sự đi lại của người dân bị ngưng trệ trong cả 8 tiếng liền.

Một cư dân thành phố, không muốn nêu tên, vốn là công chức Nha Lục lộ & Cầu cống trước 1975, chia sẻ với RFA qua email về tình trạng nước ngập xảy ra ngày càng nhiều :

"Mấy chục năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất nhiều về vấn đề xây dựng các khu dân cư và kinh doanh địa ốc, trong lúc đã xem nhẹ việc qui hoạch thế nào cho hợp lý và bảo vệ được cho thành phố không bị ngập. Các khu dân cư, khu công nghiệp mọc lên mà không để ý đến vấn đề trở ngại đối với chuyện thoát nước ra khỏi thành phố như thế nào"

"Ví dụ đầu tiên là khu Phú Mỹ Hưng ở Quận 7 là vùng trũng, nơi mà nguyên thủy của Sài Gòn là nước ở các vùng cao tụ về đấy rồi ra sông, ra biển Vũng Tàu. Thế nhưng cả 600 hectares và sau đó là 2.000 hectares của Nam Sài Gòn mà xây dựng như thế thì nó chặn hết đường thoát nước của thành phố".

Đó là nguyên nhân chính gây ngập chứ không phải do hệ thống ống cống cũ thời Pháp xây cho Sài Gòn trước đây, là khẳng định tiếp của vị thính giả này :

"Dưới khu vực Phú Mỹ Hưng có những túi nước di chuyển liên tục để đưa nước ra biển thì đã bị ngăn chặn lại vì quá trình xây dựng và gây ngập úng cả khu vực. Nặng nhất hiện nay là bên Quận 6 và Quận 7, nguyên nhân chính là xây dựng mà không nghiên cứu vấn đề thoát nước"

"Cũng trong xây dựng, người ta đã lấp rất nhiều kinh rạch thoát nước nên cũng gây ngập úng. Dù cho bây giờ thành phố có mở lớn ra thế nào đi nữa cũng không thoát khỏi cảnh ngập. Hậu quả nó quá lớn muốn khắc phục cũng không phải dễ"

bomtien2

Xe máy và xe hơi đi qua đoạn đường ngập nước ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/10/2014. AFP

Vậy thì trước giờ các biện pháp giải quyết ở Thành phố Hồ Chí Minh là như thế nào ? Câu hỏi được vị thính giả trả lời :

"Tôi thấy thành phố có nhiều giải pháp, nhưng toàn những giải pháp mang tính ngắn hạn. Ví dụ con đường Hùng Vương ở Quận 6 nhiều khi ngập cà chiếc xe Honda luôn, người ta nâng mặt đường lên cả hơn thước cũng không giải quyết được. Thành phố cũng có chủ trương tạo nhiều ao hồ để chứa nước trong các khu dân cư đã và đang phát triển. Tạo ao hồ như thế sẽ lấy rất nhiều đất. Cái thứ ba là bơm nước, chẳng hạn như đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Bình Thạnh, tôi nhớ không lầm là 12 tỷ cũng không giải quyết được chuyện thoát nước cho đường Nguyễn Hữu Cảnh chứ đừng nói là của thành phố. Còn chuyện cải tạo hệ thống cống thì nó kéo dài triền miên, không bao giờ đúng tiến độ. Bởi như tôi nói, tất cả liên quan đến việc xây dựng thiếu qui hoạch, thế thôi".

Theo nguồn tin từ Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Sở Xây Dựng Thành phố Hồ Chí Minh, được các báo trong nước trích dẫn lại, tính tới năm 2020, thành phố đã chi gần 26.000 tỉ đồng cho công tác chống ngập trong năm năm qua, nhưng đến nay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 22 điểm ngập thường xuyên.

Nguyên viện trưởng Viên Nghiên Cứu Nước và Biến Đổi Khí Hậu, nguyên phó Ban Điều Phối Chống Ngập Thành phố Hồ Chí Minh, thạc sĩ Hồ Long Phi, cho rằng các dự án thoát nước, ngăn triều và xử lý nước thải diễn ra chậm nhưng không phải là không có kết quả :

"Nếu giở lại những số liệu cũ những năm 2007, 2008, lúc những điểm ngập của thành phố cao nhất là 150 điểm mà lại nằm ở trung tâm như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Quận 3, Quận 5, Quận 10, Chợ Lớn… rất là nhiều"

"Sau đó thực hiện đề án 2001, lúc đó có vốn viện trợ từ phía Nhật rồi Ngân Hàng Thế Giới rồi ADB Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, vân vân, tổng cộng hơn 1 tỷ Đô, đã cải tạo được kinh Thị Nghè, làm trạm bơm, làm cống ngăn triều".

Hiệu quả từ những việc như vậy đã khá rõ, khi mưa quá lớn thì vùng trung tâm mới bị ngập lụt. Tuy nhiên qua đó thì tình trạng ngập úng lại lan ra những nơi khác :

"Bây giờ những điểm ngập lại xuất hiện ở Gò Vấp, ở Quận 12, ở Thủ Đức, Bình Chánh, Quận 7 Nhà Bè tức những nơi chưa được đầu tư".

Lý do chưa được đầu tư, thạc sĩ Hồ Long Phi giải thích tiếp, là vì sau khi hết vốn vay ưu đãi thì mỗi năm thành phố chỉ có thể bỏ ra vài ba ngàn tỷ gì đó thôi :

"Suốt thời gian ròng rã từ 2012 đến bây giờ, 10 năm mà chỉ đầu tư chắp vá là những cái nhỏ chứ không có tiền làm các dự án lớn. Tất cả những đầu tư thời gian đó là như vậy, không thể nói là không có kết quả. Chỉ có điều nó quá chậm so với mức độ đô thị hóa".

bomtien3

Hình chụp từ trên cao Thành phố Hồ Chí Minh hôm 19/10/2018 : Nhà ở bên kênh Xuyên Tâm. AFP

Vẫn lời thạc sĩ Hồ Long Phi, tiến trình đô thị hóa đang mở rộng tới Thủ Đức, lấn lên Bình Dương, từ Quận 12 ra tới Hóc Môn mà đề án của Sở Xây Dựng là muốn giải quyết một phần hiện tượng ngập úng chứ chưa thể làm hết được : 

"Điều mà tôi băn khoăn ở đây là số vốn quá lớn để giải ngân trong năm năm. Mình hình dung giai đoạn đầu là bỏ ra tổng cộng hơn hai tỷ USD thời mà nó đã kéo dài từ 2003 cho tới giờ là 20 năm, bây giờ gấp đôi số tiền đó thì thời gian giải ngân khó là năm năm mà có thể phải dài hơn. Nếu giải ngân được phân nửa số đó cũng đã là giỏi. Tôi thì tôi tin nó sẽ có hiệu quả bởi vì đó là những giải pháp đã được kiểm nghiệm trên thế giới. Thế giới làm sao thì mình làm vậy nhưng mình làm chậm hơn người ta".

Đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, ngoài lũ tràn khi mưa lớn, Thành phố Hồ Chí Minh lại có đặc điểm triều cường, và bê tông hóa tới đâu thì ngập lụt tới đó khiến tình hình trở thành nan giải :

"Vì sao không thể chống ngập dù vừa rồi có một công ty cơ khí Hà Nội đã vào và làm những cái máy bơm rất lớn, bơm xong thì chỗ khác nó ập vào"

"Đứng về mặt thủy lợi mà nói, cuốn sách của Giáo sư Tiến sĩ Văn Thế Châu đang công tác bên Mỹ, viết rằng ‘ngập lụt ở đô thị là vấn đề lớn liên quan đến quá trình phát triển không phù hợp’. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ và trong 5 năm tới cũng chưa thể giải quyết nếu chưa xác đinh được khu nào để ngập nước và trữ nước, phải giảm mức độ bê tông hóa để đất có thể cấn nước".

Đây là những điều mà báo chí hay sách vở thường bỏ qua khi đề cập về phát triển đô thị chóng vánh ở Việt Nam, giáo sư Vũ Trong Hồng nói.

Lãnh đạo thành phố, cả Chính phủ, ông nhấn mạnh, nên tham vấn các chuyên gia là những người am hiểu, cẩn trọng trước vấn đề đô thị hóa. Không phải chỉ loay hoay bơm nước, hút nước, thông cống, đắp mô…khi mà chi phí quá cao và ngân sách có thể không đáp ứng nỗi, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng kết luận.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 27/05/2021

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn