Giận cá chém ... lư hương
Mặc Lâm, VOA, 20/02/2019
Câu chuyện UBND Quận 1 cho người câu chiếc lư hương đặt trước tượng đài Trần Hưng Đạo ngày càng thu hút cư dân mạng nhiều hơn mặc dù sự việc xảy ra đã vài ngày trước. Vấn đề chiếc lư hương được mang ra mổ xẻ bởi các facebooker nổi tiếng cho thấy sự quan tâm đối với anh hùng dân tộc ngàn đời nay vẫn là tâm điểm của người dân dù nghèo hèn hay sang cả, họ cùng tâm trạng xem những công thần vì dân vì nước là người đáng được tôn kính. Riêng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thì sự tôn kính đã vượt qua khỏi chừng mực và người dân tôn ông lên bậc Nhân thần vì đã ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông giữ vững non sông trước giặc phương Bắc.
Tượng Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn. (Hình : Dennis Jarvis)
Vấn đề là tại sao UBND Quận 1 lại không hiểu được nguyên lý đơn giản bất biến ấy mà hành động như những kẻ ngoại lai, giống như Việt Nam không phải là đất nước của họ và hành vi "tẩu tán" chiếc lư hương như một sự thách thức với người dân cả nước ?
Dễ thấy nhất cho câu trả lời này là họ sợ. Sợ mất lòng người bạn vàng Trung Quốc vì nếu để cho những cuộc thắp hương xảy ra vào ngày 17 tháng 2 không khác gì chính quyền chấp nhận kẻ bị Đức Trần Hưng Đạo đánh tan tác cũng chính là quân xâm lược các tỉnh biên giới vào năm 1979 vì vậy bất kể tổ tiên, nòi giống họ bứng cho bằng được biểu tượng thiêng liêng của người Việt thay vì tốn công đàn áp.
Và nhóm người làm cho nỗi sợ của họ ngày một tăng thêm là Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tác nhân làm cho chính quyền mờ cả lương tri đến nỗi cho câu đi chiếc lư hương trước tượng đài gây công phẫn cho dư luận trong nhiều ngày nay.
Người dân Sài gòn biết rõ từ gần chục năm nay vào những dịp có yếu tố Trung Quốc, những ngày lịch sử như ngày mất Hoàng Sa 19/1, hay ngày mất Gạc Ma 14/3… nhất là ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc 17 tháng 2 năm 1979 thì tại tượng đài Trần Hưng Đạo luôn có sự hiện diện của thành viên Câu lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đến để phát biểu những ưu tư của người dân đối với vận nước. Họ thắp hương, đưa hình ảnh này lên phương tiện internet nhằm thúc đẩy những ai chưa quan tâm tới nguy cơ Trung Quốc và hầu như năm nào họ cũng gặp khó khăn trên đoạn đường tưởng ngắn nhưng đầy chông gai hiểm trở.
Chính quyển thành phố thấy rõ sự nguy hiểm mà Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đang tạo ra cho chế độ. Họ lên tiếng thay cho nhiều triệu người sống trong nước nhưng hoàn toàn ngây thơ trước họa diệt vong từ Trung Quốc. Họ thách thức sự cai trị của chính quyền bằng chính kinh nghiệm của họ vốn là những chuyên gia về biểu tình, về tuyên truyền dân vận và nhất là thấu hiểu cặn kẽ cách thức mà cộng sản hành động. Họ đang dấn thân như đã từng dấn thân chống chế độ Sài gòn hơn 45 năm về trước và từng thành công trong lần đó để lần này họ dùng chính những chiếc huy chương của Đảng đã trao để tranh đấu với chính quyền hiện tại.
Lê Hiếu Đằng tuy đã mất nhưng tinh thần của ông vẫn được bạn bè kế tục. Họ đang từng bước lật bộ mặt thật của những người từng xem là đồng chí và không tiếc hy sinh cho sự nghiệp quang vinh của Đảng nhưng đến khi nhận ra sự thật thì họ đủ dũng khí đễ tự sửa sai và cách thức sửa sai sòng phẳng nhất là tranh đấu.
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng có lẽ là một tổ chức xã hội dân sự duy nhất làm cho chính quyền lo sợ. Tuy nhiên một điều cũng hiển nhiên không kém là Câu lạc bộ này không được dân Sài gòn ủng hộ nhiệt tình hay ít ra có lời tán dương những điều họ đang làm. Đó là vì người dân Sài gòn vẫn còn căm giận những con người làm cách mạng ấy. Rất nhiểu người cho rằng chính Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Kha Lương Ngãi, Lê Công Giàu hay Hồ Ngọc Nhuận là tội đồ của miền Nam khi cật lực phá nát nền đệ nhị cộng hòa bằng những cuộc biểu tình chống chính phủ.
Tuy nhiên, giữa hai lằn đạn, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vẫn âm thầm hoạt động khiến chính quyền khó có biện pháp nào hoàn hảo tuy nhóm người này là chiếc gai trong mắt của người cộng sản Việt Nam.
UBND thành phố không thể đàn áp Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng mặc dù họ vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và công khai tổ chức những buổi mít tinh chống chính quyền hay ít ra là những kiến nghị yêu cầu chính quyền hành xử đúng mực. Họ công khai hành động và thu nhận thành viên trên phạm vi toàn quốc.
Những bài phát biểu hùng hồn của họ liên tục được mang đến cho dân chúng qua các đài phát thanh ngoại quốc hay không gian mạng đã làm chính quyền tức tối nhưng không tìm ra giải pháp trừ khử hay ít ra ngăn chận. Nếu bắt họ và kết tội như những nhà bất đồng chính kiến khác thì hóa ra nhà nước vắt chanh bỏ vỏ hay sao ? Hơn nữa họ không chiến đấu đơn độc mà họ là một tập thể có tổ chức và từng chiến đấu dưới lá cờ của người Cộng sản tức là họ biết dựa vào sức mạnh tập thể để hành động.
Giận lắm thì chính quyền cũng chỉ âm thầm đặt người gác trước cửa nhà của từng thành viên trong Câu lạc bộ chứ chưa tìm ra biện pháp nào hữu hiệu mà không mang tiếng đàn áp những người từng là đồng chí của mình.
Vì giận quá hóa mất khôn khi nghĩ rằng thủ tiêu chiếc lư trước tượng đài Trần Hưng Đạo thì cái Câu lạc bộ dễ ghét kia lấy đâu ra nơi mà... cắm nhang ? Vậy là họ "quyết". Cái quyết đó đã làm cho UBND Quận 1 nhận phải hậu quả của ngày hôm nay khi toàn dân cả nước, đồng tình hay không đồng tình đối với Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cùng lên tiếng cáo buộc chính quyền đã bị Trung Quốc chỉ đạo làm một việc hèn mọn không thể hèn mọn hơn.
Rõ ràng là giận cá chém tượng đài.
Nhưng lần này thì chính quyền thành phố hố to, cái thớt lư hương ấy làm bằng đồng cho nên con dao chém nó đã văng vào mặt kẻ cầm dao lẫn kẻ mượn dao chém thớt.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 20/02/2019
********************
Cướp ấn đền Trần và cẩu lư hương Thánh Trần
Viết từ Sài Gòn, RFA, 19/02/2019
Những năm 2000, đền Trần ở Lào Cai, ngay thị xã Lào Cai, bên bờ sông Nậm Thi có bức tượng Đức Thánh Trần oai nghi đứng chống gươm nhìn sang phía Trung Quốc, đền thờ của Ngài ngự trên ngọn đồi cao, tượng của Ngài đứng trước đền. Sau 20 năm, quay trở lại Lào Cai, điều làm tôi hãi hùng nhất là đền Mẫu và Đền Trần - hai ngôi đền lớn nhất Lào Cai đã hoàn toàn thay đổi, tượng Đức Thánh Trần bị bứng đi mất, thay vào đó là một tiểu viên với 12 con giáp Tí Sửu Dần Mão Thìn… nền chân tượng đã bị ủi thấp xuống chừng 20 mét so với nền cũ. Tiểu viên 12 con giáp cũng là nơi các đôi nam nữ du khách Trung Quốc cõng nhau, ôm nhau chụp hình nhiều nhất…
Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Trong lúc du lịch khai thác triệt để vào các ngôi đền liên quan đến Trần Hưng Đạo, như lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định, lễ phát lộc đền Trần ở Lào Cai và Hưng Yên, lễ khai lộc đền Trần ở các quận trong thành phố Sài Gòn và hầu hết các đền Trần ở các tỉnh trên cả nước. Đùng một cái, câu chuyện cẩu bát nhang trước tượng Trần Hưng Đạo ở quận 1, Sài Gòn khiến tôi nghĩ đến ngay hai vấn đề : Trung Quốc đã thao túng Sài Gòn và ; Kĩ nghệ du lịch bẩn đã vào tận đền thờ.
Ở vấn đề thứ nhất, Trung Quốc đã thao túng Sài Gòn. Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như vậy bởi tôi liên tưởng đến đền Trần Lào Cai. Thời bức tượng Thánh Trần bị bứng đi ở đến Trần Lào Cai là thời ông Giàng Seo Phử làm Bí thư tỉnh ủy Lào Cai. Thời đó, ông Phử còn hơn cả một ông vua xứ Lào Cai. Ông xây biệt thự trong khu phố khá yên tĩnh nhưng phồn thịnh của Lào Cai. Nhà ông Phử xây trong khuôn viên một khu vườn cổ, bên hông trường trung học Lào Cai, diện tích chừng 1500 mét vuông, được "dồn điền đổi thửa" từ rất nhiều ngôi nhà trên phố. Cái giếng cổ đóng ngay vị trí phòng khách của ông Phử, ông cho lấp và mời một thầy địa lý bên Tàu sang bấm độn, giếng phải lấp 2 lần, lấp xong, lại đào lên và trục sạch đất đen sau đó yểm Châu sa thần sa lại lấp thêm lần nữa. (Tôi biết chuyện này vì lúc đó tôi lang thang ra Lào Cai, làm thợ hồ ngay trong công trình này).
Nhưng vấn đề không phải là lấp giếng mà cửa chính phòng khách nhà ông Phử nhìn sang ngọn đồi có đài truyền hình Lào Cai đặt angten, ông thầy địa lý người Trung Quốc cầm la bàn nhắm hướng, thấy cột angten (cách nhà ông Phử chừng 3 km nằm ngay tim phòng khách, vậy là ông Phử bốc điện thoại, gọi một cú, đài truyền hình Lào Cai phải dời cột ang ten sang quả đồi khác. Cùng lúc ông Phử xây nhà thì khu chợ quốc tế và cửa khẩu quốc tế Việt – Trung đang được xây dựng, mối quan hệ Việt – Trung đang rất gần gũi trên đất Lào Cai nhờ sự chỉ đạo và hợp tác với Trung Quốc của ông Phử.
Chợ và cửa khẩu xây xong thì tượng Đức Thánh Trần trên đền Trần Lào Cai bị biến mất và thay vào đó là tiểu viên 12 con giáp. Cũng từ đó đến nay, trên đất Lào Cai, nói đến đền Trần, người ta nghĩ ngay đến chuyện một ông thánh cho lộc và đến xin lộc chứ chẳng mấy ai quan tâm đến yếu tố lịch sử hay giá trị lịch sử của ngôi đền. Đền được hoạt động như một điện thờ và có một nhóm hầu đồng phía sau đền. Cũng sau vụ tượng Thánh Trần biến mất, ông Phử được điều ra trung ương và tiếp tục thăng quan tiến chức như diều gặp gió… Cho đến ngày ông chết !
Và nói một cách nghiêm túc thì dường như việc làm cho tượng Thánh Trần biến mất cũng đồng nghĩa với một mốc thời gian mới, người Trung Quốc có mặt, mua bán, hoạt động kinh doanh và thao túng toàn bộ thành phố Lào Cai, có vẻ như họ mới là chủ nhân thật sự của thành phố này. Và điều đó cũng cho thấy rằng cái mốc thời gian tượng thánh Trần bị bứng đi như một tín hiệu rằng người Trung Quốc đã chính thức làm bá chủ từ đó.
Và kéo theo sau việc di dời tượng là việc mở rộng du lịch "tâm linh" bằng cách biến các điểm thờ phụng thiêng liêng về Đức Thánh Trần thành nơi cho lộc, ban lộc và nhanh chóng đẩy những điểm thờ phụng thành chỗ ồn ào, nhặng xị, lộn xộn, bừa bãi, phức tạp… Phong trào xin lộc đền Trần đến thời điểm này đã mở rộng qui mô trên cả nước. Xét về mặt ngoại giao và sử chính trị, có chiến thắng nào dành cho người Trung Quốc lớn hơn việc biến nơi thờ phụng một vị anh hùng đánh đuổi giặc Tàu thành nơi hoạt động mê tín di đoan và lộn xộn ? !
Gần đây, việc cẩu bát nhang ở trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại quận 1, Sài Gòn lại một lần nữa khiến tôi sởn gai ốc vì một Lào Cai khác đang hiện hình ở Sài Gòn ! Việc chiêm bái và hầu hết những buổi tưởng niệm Trường Sa – Hoàng Sa hay chiến tranh biên giới 1979 của giới trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn đều diễn ra trước chân tượng đài Trần Hưng Đạo là dễ hiểu, bởi có ai chống Tàu, đánh Tàu và nuôi tinh thần, ý chí chống ngoại xâm phương Bắc cho hậu thế một cách sâu sắc như ngài ? !
Nhìn bên ngoài, người ta dể nhầm tưởng rằng việc di dời lư hương từ chân tượng về đền Trần ở quận 1 chỉ đơn giản là nhằm tránh các nhóm biểu tình tụ tập trước tượng đài và là hành vi chính trị bẩn của phía nhà cầm quyền đối với giới hoạt động dân chủ, hoạt động chống Trung Quốc xâm lược… Nhằm dễ quản lý hơn và đưa vào chương trình du lịch tâm linh tại ngôi đền này… Nhưng thực chất, việc biến nơi từng nghi ngút hương khói trở thành công viên đi dạo và các đôi nam nữ cũng có thể ngồi tình tứ trước bức tượng không nhang cũng là một kiểu hô biến bức tượng để thay vào đó một tiểu viên 12 con giáp như Lào Cai từng làm. Một khi bứng lư hương được để mở công viên, thì người ta cũng có thể nói rằng nơi công viên có một bức tượng sẽ làm giảm đi vẻ thơ mộng của công viên và mất đi vẻ tôn nghiêm của tượng đài, thôi thì qui về một mối ở sân đền, coi như xong.
Nhưng, có một vấn đề khác, đó là ai đã đứng sau những cái quyết định bứng lư hương ? Và một khi nơi thờ phụng, không khí thiêng liêng của thần tượng chống Tàu, đánh Tàu bị hô biến thành chỗ hoạt động công cộng, điều đó cũng đồng nghĩa với ý nghĩa lịch sử của thần tượng bị xóa mất. Bài học Lào Cai là một điển hình. Và mối nguy xin lộc, cầu lộc đền Trần đang hình thành tại thành phố Sài Gòn, thay vì Thánh Trần là biểu tượng của lòng yêu nước và giữ nước thì bây giờ Thánh Trần lại trở thành một ông thần cho lộc, chuyên đáp ứng tâm lý tham lam và ham hố, bất chấp và giành giật của con dân Việt. Thánh trần bị hô biến từ biểu tượng yêu nước sang biểu tượng lòng tham.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 19/02/2019 (VietTuSaiGon's blog)
*******************
Đức Thánh Trần đột nhiên cần… trang nghiêm ?
Trân Văn, VOA, 19/02/2019
Hai thành ngữ "lợi bất cập hại" và "họa vô đơn chí" giờ cùng ứng vào việc dời đỉnh đặt ở chân tượng Trần Hưng Đạo, tọa lạc trước Bến Bạch Đằng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, đi nơi khác, đúng vào ngày 17 tháng 2 năm 2019.
Tượng Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn. (Hình : Dennis Jarvis)
Nếu trong ngày 17 tháng 2, chỉ có ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị công chúng xúm vào nguyền rủa trên mạng xã hội thì hôm sau, 18 tháng 2, có thêm bà Trần Kim Yến, Bí thư quận 1 "đưa đầu chịu báng".
Cứ theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì việc dời đỉnh đặt ở chân tượng Trần Hưng Đạo là chủ trương riêng của quận ủy và chính quyền quận 1, không dính dáng gì tới thành ủy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và tất nhiên ông Nhân… vô can.
Cho dù bà Yến khẳng định, việc dời đỉnh đúng vào ngày 17 tháng 2 – thời điểm nhiều người cư trú ở Thành phố Hồ Chí Minh dự tính sẽ đến nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo, thắp hương tri ân liệt sĩ và tưởng niệm đồng bào uổng tử trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược cách nay 40 năm - là "bình thường" (vì theo kế hoạch chỉnh trang các khu vực công cộng ở quận 1) và "hợp lý" (vì chỉ nên đặt đỉnh ở đình, đền, chùa, miếu), song hành động mà bà Yến khăng khăng là "bình thường và hợp lý" (1) này đã biến toàn bộ nỗ lực "rửa mặt" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (sắp đặt để hệ thống truyền thông chính thống đồng loạt lên tiếng về cuộc chiến ở biên giới Việt – Trung cách nay 40 năm, tổ chức một hội thảo cấp quốc gia về cuộc chiến…) thành… công cốc ! Sự nghi ngại và bất bình của công chúng đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không những không giảm mà còn cao hơn.
Chưa kể lập luận của bà Yến còn tạo ra tiền đề và việc dời đỉnh ở chân tượng Trần Hưng Đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh còn tạo ra tiền lệ để công chúng đòi dời hết đỉnh đặt trước tượng những lãnh tụ như : Hồ Chí Minh (2), Nguyễn Văn Cừ (3), Trường Chinh (4),… đi nơi khác.
***
Trong tâm thức của người Việt, đỉnh – nơi dâng hương có tính công cộng - là vật thiêng chẳng khác gì bát hương trên bàn thờ gia đình – chỗ trú ngụ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những thân nhân đã khuất. Khấn vái, cắm vào đỉnh hay vào bát hương một thẻ nhang không chỉ đơn thuần là bày tỏ sự tôn kính, nỗi nhớ mong mà còn nhằm tạo lập, gìn giữ mối liên kết giữa hữu hình với vô hình.
Bởi xúc phạm, đập phá bát hương có thể dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, kể cả an ninh, trật tự của cả một khu vực, nên tháng 5 năm 2015, sau khi có hàng trăm bát hương ở Nghĩa trang Kha Lâm (Kiến An, Hải Phòng) và kế đó là Nghĩa trang Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) bị đập nát, nhiều luật sư, cựu thẩm phán cùng cho rằng, cần khởi tố, điều tra hành vi "xâm phạm mồ mả" để an dân (5).
Không phải tự nhiên mà đỉnh hay bát hương chưa bao giờ là đối tượng cần được "chỉnh trang". Đặc biệt là đỉnh trước tượng một nhân vật như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) không đơn thuần là đỉnh. Với cha ông người Việt, Trần Hưng Đạo không chỉ là Anh hùng dân tộc, ông còn là một "Thượng đẳng Phúc thần" phù hộ cho sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ quốc gia, dân tộc, trừ tà, sát quỉ (6).
Thờ Đức Thánh Trần là tín ngưỡng dân gian. Một khảo luận của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2004, cho biết, riêng Việt Nam hiện có khoảng 1.000 cơ sở tín ngưỡng thờ "Đức Thánh Trần" (7). Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ có ở Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… mà còn ở cả bên ngoài Việt Nam.
***
Đỉnh mới bị dời khỏi chân tượng Trần Hưng Đạo đối diện Bến Bạch Đằng, Thành phố Hồ Chí Minh đã nằm ở đó từ giữa thập niên 1960. Ai cũng biết lý do chính dẫn tới dời đỉnh không phải do "chưa đúng vị trí, chưa trang nghiêm" mà vì còn đỉnh thì còn người đổ đến thắp hương, tri ân liệt sĩ, tưởng niệm đồng bào uổng tử ở biên giới Việt Trung hồi 1979, ở Hoàng Sa 1974, ở Trường Sa 1988.
Dưới mắt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, tri ân liệt sĩ nguy hại cho "di sản qúy báu là sự tương đồng ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với đặc trưng là một đảng cộng sản lãnh đạo", nền tảng của "mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc", "chi phối cách ứng xử của cả hai", bởi giới lãnh đạo Việt Nam cần có "một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác" (8).
Tương tự, những buổi thắp hương tưởng niệm đồng bào sẽ khiến "khuynh hướng ghét Trung Quốc, ngại nói điều tích cực về Trung Quốc" trở thành "phổ biến" và "nguy hiểm" vì "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vẫn phải bảo vệ… thành quả cách mạng, giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc" (9). "Thành quả cách mạng" là tối thượng, không thể có ngoại lệ, kể cả đó là Đức Thánh Trần !
Bảo vệ "thành quả cách mạng" bất chấp luân thường, bất kể đạo lý, làm lấy được, nói lấy được sẽ còn được trong bao lâu ? Chưa biết ! Chỉ biết lợi rõ ràng là bất cập hại và họa chắc chắn không chỉ đổ vào đầu bà Trần Kim Yến, ông Nguyễn Thiện Nhân. Thêm lần này, không biết bà Yến và những người như bà đã thấm thế nào là mặt trái của "Ăn cơm chúa, múa tối ngày" hay chưa ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/02/2019
Chú thích :
(5) http://danviet.vn/tin-tuc/dap-pha-bat-huong-o-ha-noi-hai-phong-som-khoi-to-de-ran-de-580914.html
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tín_ngưỡng_Đức_Thánh_Trần
(8) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm
*************************
Bài học đau điếng của nhân dân trong sự kiện 17/02
Mạnh Kim, VOA, 19/02/2019
Kể cả những cú đấm tàn bạo nhất vào mặt người biểu tình cũng không đau bằng việc chiếc lư hương ở tượng đài Đức Thánh Trần (bến Bạch Đằng, quận 1, Sài Gòn) bị dời đi ngay trong dịp tưởng niệm sự kiện 17/02 (Trung Quốc xâm chiếm Bắc Việt Nam). Hành động cực kỳ vô văn hóa, thất kính với tiền nhân và vô lễ với nhân dân này lại xảy ra ngay trong bối cảnh mà cụm từ "sòng phẳng với lịch sử" được nhắc đi nhắc lại như một trong những động thái cần làm để giải oan lịch sử và gỡ được lời nguyền "hèn nhục" trong quan hệ ngoại giao quái đản giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhân dân đã bị mắc lỡm. Hèn vẫn hèn và nhục vẫn nhục !
Tượng Đức Thánh Trần tại Công trường Mê Linh Sài Gòn.
Lời nguyền "hèn nhục" vẫn ám nặng trong kịch bản "tưởng nhớ sự kiện 17/02". Nội dung lớn nhất của kịch bản là chỉ đạo báo chí làm mạnh sự kiện tưởng niệm với các "tuyến bài" chủ yếu vạch trần tội ác Trung Quốc và tính chính nghĩa Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Chẳng có cái gì gọi là báo chí được "cởi trói" ở đây cả. Đừng đánh giá cao "sự cởi mở" của Ban Tuyên giáo Trung ương. Báo chí không hề được cởi trói. Họ tiếp tục bị trói khi được yêu cầu thực hiện "nhiệm vụ chính trị tuyên truyền" với nội dung bài vở được chỉ định từ cách đây vài tháng. Lực lượng truyền thông đã được xua ra để diễn một vở kịch chính trị tuyên truyền nhằm phục vụ chính trị đối ngoại. Thậm chí cách thức thể hiện cũng được chỉ định. Cơ quan truyền thông trung ương VTV chỉ được phép dùng từ "đối phương", "lính bên kia biên giới"... chứ không được đề cập trực tiếp đến "Trung Quốc". "Ban tổ chức" cũng yêu cầu siết chặt "công tác an ninh", hay chính xác hơn, là tăng cường rình rập, theo dõi và ngăn chặn các cuộc thắp hương tưởng niệm của người dân. Những nhân vật nằm trong danh sách "đối tượng nguy hiểm" lâu nay lại được lệnh giám sát nhất cử nhất động…
Và không như đợt tưởng niệm sự kiện Mậu Thân (21/01/2018), khi "một cầu truyền hình cảm xúc kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được diễn ra tại ba điểm cầu… cùng sự tham gia biểu diễn của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên với 14 tiết mục nghệ thuật… với sự tham dự của các bà mẹ, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo trung ương và thành phố nhiều thời kỳ"… nơi người ta nghe "những chứng nhân… kể chuyện một thời lửa đạn"… đợt tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới Trung-Việt không hề có một chương trình ca nhạc "hào hùng" nào. Đặc biệt, không có bất kỳ chương trình đi thắp hương nào của các cấp lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương. Nhang khói chỉ được thắp trên mặt báo. Không có phát biểu nào của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân… Một sự kiện đau thương trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn lại được ca hát "tự hào" nhưng với cuộc chiến trước ngoại xâm thì ánh đèn không được rọi đến.
Điều bất ngờ "tuyệt đối" nhất khiến người dân phẫn nộ tột độ là việc ra lệnh dời lư hương tại tượng Đức Thánh Trần. Nói về lý do dời lư hương, bí thư quận ủy Q.1 (Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Kim Yến cho biết, việc chuyển dâng hương ở tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là chương trình nằm trong kế hoạch chỉnh trang Q.1 sau Tết. "Một số người cho rằng việc làm này nhạy cảm nhưng tôi nghĩ đó là việc làm bình thường và được nhiều bà con ủng hộ" - bà Yến nói. Ngay lập tức, phản ứng dư luận là rất dữ dội. Bà Yến trở thành tấm bia để người dân công kích và thậm chí phỉ nhổ. Tuy nhiên, vụ này có thể bà Yến không tự quyết. Còn có vai trò Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công an thành phố, Tuyên giáo thành phố và Bí thư thành phố Nguyễn Thiện Nhân. Cũng không loại trừ khả năng quyết định này đến từ Trung ương. Với những gì diễn ra, có thể thấy toàn bộ câu chuyện tưởng niệm sự kiện 17/02 đã được xây dựng kịch bản từ trước và các ban ngành địa phương theo đó thực hiện. Ý đồ kịch bản và chi tiết kịch bản không thuộc quyền địa phương. Nó chắc chắn không phải là kết quả của một cá nhân. Một viên chức địa phương tép riêu như Trần Kim Yến càng không.
Nhân dân lại bị tát một gáo nước lạnh vào mặt. Nhân dân lại bị đấm một cú vào đầu. Đau điếng ! Nhân dân lại được "ăn" một cú lừa. Bài học "đừng nghe những gì cộng sản nói" không mới. Nhân dân vẫn bị lừa thường xuyên. Có điều đây là lần đầu tiên người ta lừa cả Đức Thánh Trần. Chính quyền cộng sản ăn cướp của dân thì còn lạ gì nhưng chính quyền lần này ăn cướp cả bàn thờ và ăn cướp cả lịch sử. Bài học này sẽ luôn là bài học lớn nhất và là bài học đau nhất mà nhân dân nhận được từ chính quyền.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 19/02/2019
*************
UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo là "bình thường và hợp lý" (RFA, 18/02/2019)
Ngày 18/02/2019, bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng giải thích với báo giới về những hình ảnh xe cẩu của công nhân môi trường di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng ngay ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Xe rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/2/2019 - Courtesy of FB, RFA edit
Chia sẻ thêm với báo chí, bà Yến cho biết có một số ý kiến cho rằng việc di dời là "nhạy cảm". Tuy nhiên, theo Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ Quận 1, đây là việc bình thường và hợp lý. Việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân.
"Khu vực tượng đài chỉ là nơi tham quan, trong khuôn viên này mà đặt lư hương thì không phù hợp. Việc thờ phụng nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc bình thường và hợp lý", mạng báo Dân Trí dẫn lời bà Yến cho biết.
Bà này cũng nói là khi đến Tết Nguyên đán chính quyền quận 1 đều cho trang trí, trồng hoa ở khu vực công cộng để người dân thưởng lãm, và sau đó sẽ trồng hoa mới, sẵn dịp này quận cho di dời lư hương vào đền Đức Thánh Trần để tiện việc thờ cúng.
Trước đó, một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook vào sáng 17/2 cho thấy một nhóm người mặc đồ công nhân vệ sinh môi trường dùng xe rác chắn trước tượng đài Trần Hưng Đạo đồng thời dùng xe cẩu di dời lư hương đi nơi khác.
Một số người dân cho rằng việc làm này của chính quyền thành phố ngay đúng ngày 17/2 nhằm ngăn chặn các cuộc tưởng niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Sự việc này vô tình trùng hợp với một công văn đóng dấu "MẬT" lan truyền trên mạng được cho là của đảng ủy khối cơ sở bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu "vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật 17/2/2019".
Luật sư Lê Công Định cũng chia sẻ đường dẫn bài viết về câu trả lời của Bí thư Quận ủy Quận 1 trên báo chí nhà nước và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của sự lên tiếng này.
"Bí thư Quận ủy có quyền đại diện chính quyền giải quyết và trả lời trước dân vấn đề này từ khi nào ? Đây là vấn đề của chính quyền hay của đảng ? Quy định nào trong Hiến pháp cho phép điều đó ?
Hay phải chăng vì chính quyền đương nhiên là của đảng, nên cách thức đảng lãnh đạo chính quyền thời nay trực tiếp đến mức không cần giữ gìn phép nước như trước nữa, cứ ngồi xổm lên Hiến pháp điều hành chính quyền luôn ?" - Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân.
Tượng đài Trần Hưng Đạo được cố nhà báo, điêu khắc gia Phạm Thông hoàn thành vào năm 1967 tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn để làm biểu trưng cho Thánh tổ của binh chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Lư hương cùng với pho tượng đã có từ năm 1967 cho đến nay.
***********************
Về đâu, 17/02/2019
Tuấn Khanh, RFA, 17/02/2019)
Những ngày 17/02 luôn đầy biến động. 40 năm trước, cũng ngày này, người Việt ôm nhau chạy ngược xuôi trước đạo quân xâm lược của Trung Quốc. Trẻ nhỏ cũng bị giết, người già cũng bị chết. Đất nước đau thương trong họa cộng sản xâm lược.
Xe rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/2/2019 - Courtesy blogger Tuấn Khanh
17/02 hôm nay, năm 2019 cũng không bình yên. Người Việt nắm tay nhau, cố sống sót trong tình hữu nghị cộng sản Việt-Trung, nhìn quê hương tan rã. Nhìn người yêu nước bị giam hãm và tổ tiên bị phỉ báng ngay trước mắt mình trong ngày tưởng niệm.
Khó ai tin được là nhà cầm quyền hôm nay lại có thể dùng một loại kế sách bệnh hoạn, đển mức dùng xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Rồi ai đó đã ra lệnh dùng xe cẩu, mang lư hương lớn trước tượng đài đi nơi khác, vì sợ sẽ có người dân nào đó đến cắm vài nén nhang, tưởng nhớ những người Việt đã chết vì đất nước, sợ có ai nuôi trong mình sự thật về kẻ xâm lược mà quê hương ngàn năm vẫn chưa bao giờ thấy bình yên.
Nhiều ngày trước, một lượng lớn các barie, hàng rào kẽm gai… được đặt thêm ở gần chung quanh tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sài gòn. Nhiều ngày trước đó, danh sách những người cần bị gác nhà, chặn cửa, ngăn chận đi lại… thậm chí có phương án bắt giữ đã được lập ra, nhằm đối phó với việc người dân muốn tưởng niệm 40 năm, ngày Trung Quốc mang 600.000 quân xâm lược Việt Nam. Đồng bộ với các hoạt động này, là báo chí nhà nước được cho phép mặc áo yêu nước, lớn giọng tố cáo Bắc Kinh xâm lược, khiến không ít người bỡ ngỡ : "Vậy là chính quyền đã quay về với nhân dân ?"
Các thùng rác trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/2/2019 Courtesy blogger Tuấn Khanh
Giới thạo tin nói rằng phía ngoại giao Trung Quốc cũng xông xáo khắp nơi để vận động Hà Nội hạ nhiệt. Không biết diễn biến như thế nào nhưng dân chúng theo dõi báo chí thấy rõ những bước chuyển của truyền thông nhà nước, Đầu tuần thì dữ dội, gọi là Trung Quốc xâm lược, ngày kế thì chuyển sang mềm mỏng, gọi là quân bành trướng, tiếp nữa thì chỉ tập trung phân tích sự anh hùng của Việt Nam trong sự lãnh đạo của Đảng. Cái kết đắng là vào ngày 15-2, một phóng sự dài của VTV nói về chiến tranh biên giới đã hoàn toàn né cái tên Trung Quốc, mà chỉ dùng cách nói như là "chúng ta bị tấn công, chúng ta kiên cường, chúng ta phản công…". Bài thuốc hạ nhiệt mạnh và tốt nhất, là từ đêm 16/2, an ninh mật vụ của nhà cầm quyền đã bao vây chặt nhà từng người bị coi nguy hiểm vì yêu nước.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể anh bị công an khu vực thăm hỏi liên tục, dù đã có người gác trước cổng. Nhà báo Sương Quỳnh thì rạng sáng ngày 16/2, tù lúc 2 giờ, chị đã có người gác nhà để ngăn chị đi thắp hương tưởng niệm. Công việc này chu đáo đến mức, công an thuyết phục được hàng xóm cho họ vào đó làm trạm gác.
Lần theo bản công văn "mật" số 695-CV/ĐUK thuộc Đảng Bộ ở Sài Gòn về việc cảnh báo sẽ có những người tổ chức thương tiếc cho hơn 100.000 dân thường thiệt mạng trong 27 ngày chiến cuộc, và con số bộ đội thương vong còn giấu kín đến ngày hôm nay, được biết các nhân vật ấy, dù chỉ còn đủ sức thắp một nén hương cũng bị bao vây.
Ông Huỳnh Kim Báu, thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho biết ông đi xe vào Sài Gòn từ sáng sớm ngày 17 tháng 2, nhưng rồi bị cảnh sát giao thông đột ngột nhảy ra chặn xe ở gần đoạn Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng. Hai bên công khai ý định của mình, riêng phần công an thì nhất quyết buộc ông quay lại. "Ai ra lệnh ngăn cản tưởng niệm, kẻ đó phản quốc", ông Báu chỉ nói được vậy, khi phải quay về.
Tương tự như ông Báu, ông Kha Lương Ngãi, cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng bị an ninh kè theo suốt con đường và đến nơi cần bày tỏ thái độ, ông được biết "cấp trên" của các an ninh đó dứt khoát yêu cầu ông không được tham gia tưởng niệm vì tình hình "nhạy cảm". Cũng còn nói được vài câu trước khi phải quay về, ông Ngãi hỏi 2 nhân viên an ninh rằng "đây là ngày toàn dân nhớ ơn, mấy cháu không nhớ ơn à ?". Hai nhân viên an ninh này ngần ngừ rồi cũng nói "cháu cũng nhớ ơn".
Những người như ông Báu, ông Ngãi, bà Sương Quỳnh… đều bị an ninh vây nhà đến tận tối ngày 17/02 với nén hương lạnh chưa thắp được và những bài báo của nhà nước còn vương vãi dưới chân kêu gọi phải nhớ rõ kẻ thù xâm lược. Ở tượng đài Đức Thánh Trần, người đã trở thành huyền thoại vì đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược Việt Nam, đêm đó, vẫn còn những chiếc xe rác và kẽm gai bao vây. Và trên trang facebook của nhà báo Trung Dũng, tôi vẫn còn đọc thấy câu thơ
"Bị nhiều vết tẩy xóa
Tấm bản đồ rất đau
Lịch sử ai bôi bẩn
Bằng những bệt mực Tàu".
Tôi chẳng có ai là người thân trong cuộc chiến 1979, thậm chí chỉ nghe kể lại như một cuốn phim trắng đen mơ hồ về đất nước mình. Nhưng tôi lớn lên với một thân thể lành lặn, và không phải là một công dân nô lệ Trung Quốc, chính vì vậy, tôi biết ơn những người Việt vô danh ấy đã cho tôi một cơ hội.
Nhưng tôi cũng không thể đến thắp cho ai đó một nén nhang, dù là biểu trưng. Tương tự như những người vừa kể, những đứa trẻ đầy thanh xuân cũng ngồi trước cửa nhà tôi và làm công việc những chiếc xe rác và kẽm gai. Chúng cũng như tôi, được những người đã ngã xuống trên đất nước chia đều một cơ hội.
Ngày đã qua, những nén nhang vẫn lạnh. Tôi tự hỏi những linh hồn mang nặng nỗi niềm với quê hương ấy về đâu, kể từ năm 1979. Họ sẽ về đâu khi quê hương không còn có thể là nơi chốn dung thân của mình, và bị cai trị bởi những kẻ phản bội ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 17/02/2019
**********************
Tượng đài, lư hương và thùng rác
Cánh Cò, RFA, 17/02/2019
Đó là ba vật thể bỗng dưng… biết khóc. Khóc vì đau, khóc vì ức và khóc vì… sung sướng.
Tượng đài là tác phẩm của điêu khắc gia Phạm Thông nay đã qua đời, miêu tả Đức Trần Hưng Đạo đang đứng chỉ tay xuống sông Sài Gòn với gương mặt khắc khổ nhưng đầy khí phách của một tướng lãnh tài năng, đức độ. Trần Hưng Đạo là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam khi ông ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, chứng tỏ cho quân Tàu thấy rằng muốn xâm chiếm Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Ông uy nghi đứng đó, mặc định với dân Việt rằng lời thề chiến thắng sẽ không bao giờ phai nhạt. Thấy hình ảnh Hưng Đạo Đại vương người Việt tự động nạp vào ý tưởng của mình năng lực chống ngoại xâm bởi tấm gương trung liệt và chiến thắng kiêu hùng của ông vẫn được cả nước tôn thờ.
Tấm bảng báo thi công đặt dưới chân tượng đài.
Dưới chân tượng đài là chiếc lư hương bằng đồng rất lớn, được dùng cắm nhang của người dân để bày tỏ tôn kính vị danh tướng. Bất kể giờ giấc nào, ai muốn tỏ lòng thành đều có thể đến đây thắp nén nhang đơn sơ và chia sẻ với Đức Thánh Trần những gì mà họ tâm đắc.
Còn vật thể thứ ba chỉ xuất hiện vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 2019 là hai chiếc thùng rác nằm án ngữ trước mặt tượng đài như đe dọa, cản trở người tới thắp nhang vào ngày này, ngày mà quân Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía bắc vào năm 1979. Sáng hôm nay đúng 40 năm, người dân có tâm nguyện tạp trung trước tượng đài để bày tỏ niềm uất hận trước giặc phương Bắc.
Sáng hôm nay có lẽ tượng đài Đức thánh Trần sẽ đau lòng lắm khi chiếc lư hương dưới chân ngài bị một toán công nhân đem xe cẩu tới cẩu đi và đặt vào đó hai thùng rác bẩn thỉu, như châm chọc lòng tôn thờ ngài của người dân.
Người Việt không làm như thế, chỉ có bọn Hán gian mới đủ can đảm làm một việc táng tận lương tâm.
Bọn chúng là ai người dân đều biết, bởi hôm nay là thế kỷ 21 chứ không phải là thế kỷ 13 như thời Đức thánh Trần chiến thắng quân Nguyên. Nếu Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Đại vương cần nhiều ngày tháng để phổ biến trong đạo quân của ngài thì văn bản ngày nay chỉ cần một cái nhấp chuột là đi khắp thế giới.
Tiếc thay văn bản xuất hiện nhanh như điện trên mạng xã hội hai ngày trước lại là một văn bản được ký bởi Nguyễn Duy Vũ, Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 15 tháng 2 có nội dung quan trọng như sau :
"Vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực Tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1) trong ngày Chủ nhật 17 tháng 2 năm 2019 ; đồng thời kịp phát thời phát hiện, thu gom, giao chính quyền, cơ quan chức năng các tờ tiền có viết, vẽ kêu gọi biểu tình, các băng rôn, khẩu hiệu có nội dung xấu về chính trị.
Giao Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối theo dõi, tổng hợp báo cáo cho Ban Thường vụ Đảng ủy khối thực hiện công văn này".
Nguyễn Duy Vũ là phó của Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành phố, vì vậy mọi tội danh đối xử với danh tướng, tổ tiên ông này đều chịu trách nhiệm khi hạ lệnh cho bọn sai nha làm những việc như trên.
Trước đó một ngày toàn bộ những thành viên thuộc câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đều bị canh giữ tại nhà không được ra ngoài vào ngày kỷ niệm. Những người đấu tranhh khác cũng gặp trường hợp tương tự và câu chuyện tập trung tại tượng đài Trần Hưng Đạo xem như bất thành vì sức mạnh của chính quyền thành phố được hâm nóng bằng chỉ thị từ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, số 175 Hai Bà Trưng, cách tượng đài Trần Hưng Đạo không bao xa có thể nghe rõ tiếng đả đảo Trung Quốc xâm lược từ người thắp hương tưởng niệm.
Canh giữ nhưng không tin tưởng lắm nên câu lư hương đi nơi khác và án ngữ bằng thùng rác là ý tưởng không thể tưởng tượng được. Nó chỉ có thể được tư duy bởi những cái đầu đã mọc đuôi sam, nhận chỉ thị chống người yêu nước bằng mọi giá kể cả cái giá cả gia tộc bị nguyền rủa miễn sao được vỗ về và nuôi nấng bằng vinh hoa phú quý.
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chắc chắn phải buồn lắm vì sự phản phúc của bọn Hán gian, chiếc lư hương nếu biết khóc thì tiếng uất ức của nó chắc người tiền kiếp cũng động lòng, chỉ sung sướng và hãnh diện nhất là hai chiếc thùng rác, bỗng dưng đổi đời được ngồi ngang với danh tướng và vênh mặt với những ai còn tơ tưởng đến việc thắp nhang kỷ niệm ngày 17 tháng 2.
Hai chiếc thùng rác còn hãnh diện ở một điểm khác khi người ta nguyển rủa Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Duy Vũ thì chúng được ăn theo, trở nên nổi tiếng như hai nhân vật đã nổi tiếng trước chúng cho dù là tiếng xấu đi chăng nữa
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 17/02/2019 (canhco's blog)
*******************
Ai rước Hoa Vi dày mã tổ ? Ai dời lư hương phụ tiền nhân ?
Kalynh Ngo, Người Việt, 17/02/2019
Trước và ngay trong ngày tưởng niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, hai sự việc đã diễn ra làm cho người dân Việt Nam cả nước sôi sục niềm căm phẫn.
Logo Huawei bên ngoài trung tâm nghiên cứu của công tu ở Ottawa, Canada. (Hình : REUTERS/Chris Wattie.)
Đón rước Hoa Vi (Huawei)
40 năm sau, khi chỉ còn ba ngày nữa là ngày người dân Việt Nam gọi là "Quốc tang" (1979 – 2019) – có thông tin nói rằng Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam đang có những hành động chuẩn bị "rước" Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc về trong cuộc đua cung cấp mạng hạ tầng 5G ở Việt Nam.
Tin này cũng được trang kinh tế Nikkei của Nhật Bản đưa tin hôm 13 tháng Hai vừa qua. Theo đó, Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi, phụ trách khu vực Việt Nam, ông Phạm Quân (Fine Fan) nói ông tin rằng Hoa Vi sẽ thắng thầu việc cung cấp loại công nghệ 5G cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam.
"Chúng tôi tự tin mở rộng thị trường tại Việt Nam. Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã cho Huawei làm ‘bài tập’ vào tháng trước. Huawei cũng đã đàm phán với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam về việc thử nghiệm 5G vào cuối năm nay. Chúng tôi không thể bị đánh bại về chất lượng hoặc giá bán. Huawei sẽ cung cấp công nghệ và giải pháp tốt hơn, cùng với trợ giúp tài chính cho các nhà khai thác địa phương để triển khai 5G tại Việt Nam", ông Phạm Quân trả lời tờ Nikkei Asian Reviews.
Triển lãm mạng viễn thông Huawei 5G Bangkok, Thái Lan. (Hình : REUTERS/Athit Perawongmetha.)
Vấn đề đáng nói ở đây là chính phủ của các quốc gia phát triển khác như Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand, Ấn Độ, Đức… đều đang có những quyết định cấm cửa sự hiện diện của Hoa Vi trong đất nước của họ.
Lý do là các quốc gia này tình nghi rằng, dù Hoa Vi là công ty tư nhân nhưng thực chất có liên hệ mật thiết với nhà nước của Đảng cộng sản Trung Quốc. Do đó, khả năng Đảng cộng sản Trung Quốc lợi dụng việc Hoa Vi cung cấp trang thiết bị cho các nước để cài đặt các thiết bị do thám là rất cao.
Sự lo ngại này không phải không có cơ sở.
Tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi được sáng lập bởi ông Nhậm Chính Phi sau khi ông rời quân ngũ. Ông Nhậm Chính Phi là người gốc Chiết Giang, từng là Đại biểu của Quân Giải phóng dự Đại hội Đảng Toàn quốc, được xem là người có ảnh hưởng đặc biệt và có tiếng nói "nặng ký" trong chính trường Trung Quốc.
Tháng Tám, 2018 chính phủ Úc chính thức cấm Hoa Vi cung cấp các thiết bị viễn thông cho nước này với lý do là Hoa Vi có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, không bảo đảm về an ninh quốc gia.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông do hai hãng Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất vì lo ngại thiết bị của Huawei sẽ là công cụ cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Thế nhưng, Việt Nam thì khác. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn "đặt niềm tin" và sẵn sàng "bắt tay" với Đảng cộng sản Trung Quốc để phát triển hạ tầng viễn thông 5G.
Mặc dù chưa có kết quả chính thức từ cuộc đấu thầu, nhưng người dân Việt Nam nhìn thấy được cái bóng ma Huawei và mối đe dọa an ninh quốc gia ngay trước mắt.
Giáo sư Dũng Hoàng bình luận trên trang cá nhân của ông :
"Huawei đang bị tẩy chay vì lo ngại các rủi ro gián điệp và tấn công mạng. Nhưng Huawei vẫn "tự tin sẽ thắng thầu cung cấp thiết bị 5G ở Việt Nam". Đằng sau thái độ tự tin này là gì ? Và liệu cuộc đấu thầu sắp tới có chịu tác động của "16 chữ vàng" hay không ?"
Facebooker Trịnh Sơn nói thẳng :
"Khi cả thế giới tẩy chay Huawei 5G thì anh Việt nhà ta lại rần rần rộ rộ rước voi về dày mã tổ".
Tổng Giám Đốc Tập Đoàn Công Nghệ Viễn Thông Hoa Vi ông Phạm Quân trả lởi phỏng vấn với Zing vào tháng Giêng, 2019 khẳng định hồ sơ bảo mật của Hoa Vi là "sạch sẽ, tại Việt Nam và trên toàn thế giới" và tất cả các sản phẩm mà Huawei cung cấp là "hoàn toàn đáng tin cậy".
Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc không còn dừng lại ở kinh tế, thương mại mà rất nhiều các chuyên gia nhận định rằng lĩnh vực an ninh mạng đang là một mối nguy rất lớn. Hơn thế nữa, các nhà quan sát còn nói rằng Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực ở Việt Nam vốn là bản copy từ Luật An ninh mạng của Trung Quốc.
"Cẩu" lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo
Cứ ngỡ đâu khi 40 năm sau, một lần hiếm hoi truyền thông được "bật đèn xanh" để nói thẳng, nói mạnh, nói nhiều về sự thật của cuộc chiến thì lịch sử đã được trả về đúng hình hài của nó.
Nhưng, không phải thế.
Mà là tệ hơn thế.
Sáng ngày 17 tháng Hai, một chiếc xe cẩu rất điềm nhiêm "cẩu" đi cái lư hương bên dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn. Chưa hết, xung quanh tượng là những bao cát, xe rác, thùng rác được "huy động" làm "lực lượng cản trở".
Bao cát và xe rác được huy động quanh tượng Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. (Hình : Facebook Huy Tran.)
Đây là một hành động mà đối với dư luận là "không thể ngờ được" ; "không thể hình dung được".
Lý giải điều này, nhà hoạt động Trần Bang cho biết :
"Cả ngàn tờ báo Việt Nam thì cũng một người chỉ huy. Họ nghĩ rằng nếu không cho báo chí nói thì mạng xã hội cũng nói. Như thế thì có hại cho họ hơn. Để cho báo chí nói thì họ mới dẫn dắt và gài được, như đã gài ông Phạm Hồng Tung nói là lịch sự nếu viết lại thì phải bàn với ‘bạn’ Trung Quốc. Bạn nói thế nào thì ta phải nói như thế.
Cách của họ là họ dẫn dụ, đưa ra những cái chi tiết mà cái nào dân cũng biết. Nó đưa ra rất nhiều thông tin thật vì những cái đó nếu báo Đảng không đưa thì người dân cũng đưa.
Đến cái chìa khoá, cái quyết định, cái bản lề thì họ dẫn theo ý của họ. Nó đều có mưu đồ cả, không có gì là thực tâm trong vấn đề báo chí vừa rồi".
Hình ảnh chiếc lư hương đang bị cẩu đi. (Hình : Facebook Dương Lâm.)
Nói về hành động "cẩu" lư hương và chặn tượng đài bằng những xe rác, ông Trần Bang nói rằng : "Chỉ có những tư tưởng u tối, vô ơn bạc nghĩa mới dẫn đến hành động ngu tối như thế".
"Có một nghìn cách ngăn chặn lịch sự hơn mà sẽ không bị chửi như thế", ông Trần Bang nói.
Nhà báo tự do Quang Hữu Minh nhận định hành động này là "chiêu bài vừa giữ nước vừa giữ Đảng".
"Thì hồi đó ông Hồ Chí Minh quan hệ với Trung Quốc để có viện trợ và phát triển Đảng, nhưng vẫn ngả về Mỹ và Liên Xô khi cần. Bây giờ cũng thế thôi. Truyền Thông chống Trung Quốc để nhân dân và Mỹ yên tâm. Nhưng chính các quan lại không nói về Trung Quốc để còn hợp tác hai Đảng", ông Quang Hữu Minh nói.
Từ nhiều năm nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn ngăn cản, bắt bớ người dân tưởng niệm vào các ngày như Hải chiến Hoàng Sa 19 tháng Giêng, Chiến tranh biên giới 17 tháng Hai, 1979 ; trận Gạc Ma 14 tháng Ba, 1988. Có rất nhiều người bị canh giữ từ vài ngày trước. Ai thoát được để đến nơi tổ chức tưởng niệm thì luôn bị ngăn cản, cướp vòng hoa, bắt về đồn công an… Năm nay, thêm một bước, chiếc lư hương của Đức Trần Hưng Đạo bị "cẩu" ngay trong buổi sáng 17 tháng Hai.
Hình ảnh cho thấy chiếc lư hương không còn dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo. (Hình : Facebook Huỳnh Ngọc Chênh.)
Năm 1939, Đức Quốc xã tấn công Ba Lan mở đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có khoảng 60 triệu người chết trên thế giới.
Năm 1970, Thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức Willy Brandt quì gối trước tượng đài tưởng niệm nạn nhân Ba lan đã chết vì quân Đức trong lần thăm Ba lan và ký hiệp định bình thường hóa quan hệ hai nước.
40 năm trước, hơn 40 phụ nữ và trẻ em, có những bé mới 8 tháng tuổi ở Tổng Chúp (Cao Bằng) bị sát hại bằng búa và lưỡi lê, thi thể vùi dưới giếng. Họ là những người không kịp chạy đi khi quân Trung Quốc tràn sang tấn công.
40 năm sau, đế chế viễn thông của quốc gia đó được mời vào góp phần "đe dọa an ninh quốc gia", như lời các chuyên gia nhận định. Còn chiếc lư hương của bậc tiền nhân ba lần đánh thắng quân Nguyên bị "cẩu" đi đúng ngày "Quốc tang" của dân tộc.
Một nhà hoạt động xã hội nói rằng : "Trung thực với lịch sử không phải là nguyên nhân gây thêm hận thù và cản trở sự phát triển sau chiến tranh. Không dám gọi tên một đảng cầm quyền đất nước đã đưa quân đánh chiếmtàn sát đồng bào và tổ quốc mình là hèn nhát".
Kalynh Ngo
Nguồn : Người Việt, 17/02/2019
*********************
Sài Gòn 17 tháng 2 : Kẻ nào chỉ đạo dời lư hương sẽ bị nguyền rủa muôn đời !
Trúc Giang, VNTB, 17/02/2019
Sáng Chủ nhật 17/02/2019, một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Nhiều người cho rằng chuyện ‘di dời’ chiếc lư hương sang bên kia đường là nhằm mục đích phá buổi tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược 17/02/1979.
Một nhóm người trong sắc áo là công ty dịch vụ môi trường quận 1, đã cho xe cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn.
Chiều ngày thứ bảy 16/2, người viết có mặt ở khu tượng Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng, không hề thấy cảnh giăng dây sửa chữa gì cả tại đây. Như vậy phía công ty dịch vụ môi trường không thể viện cớ ‘chọn ngày nghỉ để đường vắng’ cho việc sửa chữa, tu bổ khoản công viên nhỏ xíu quanh tượng đài.
Trong tâm thức người miền Nam thường rất kỵ chuyện dời bàn thờ ông bà, nhất là vẫn còn trong tháng Giêng. Người miền Nam quan niệm động mồ động mả tổ tiên sẽ khiến con cháu làm ăn thất bại, không ngóc đầu lên nổi, do vậy cũng không thấy tục cải táng ở đất Nam bộ. Chiếc lư hương là vật tượng trưng cho phần linh thiêng trên bàn thờ.
Tết Mậu Tuất 2018 ở khu Lăng Ông Bà Chiểu, mấy chiếc lư bằng xi măng phía trước chánh điện đã được thay bằng ba chiếc lư bằng đồng rất lớn. Những người quản lý nơi đây cho biết đây là lư đồng cúng tế của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, kèm yêu cầu không gắn danh tính người phụng cúng. Lễ khai ấn Lăng Ông Bà Chiểu năm đó, theo lịch ban đầu sẽ có mặt của ông Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên ngày hôm ấy chỉ có Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
Ông chủ tịch đã thấp nhang, khấn vái với vẻ ngoài đầy thành kính và… khiêm cung. Cánh an ninh ‘bỏ nhỏ’ với nhóm phóng viên truyền hình, với lời rất nhẹ nhàng, rằng ‘anh Tư nói xin đừng ghi hình ảnh’. Sau nghi thức cúng tế và làm lễ khai ấn, ông chủ tịch cùng đoàn tùy tùng rời Lăng trong lặng lẽ.
Trước đó vài năm, ở chùa Vĩnh Nghiêm cũng có chiếc lư đồng lớn do ông Trần Đại Quang phụng cúng. Bảng khắc tên danh tánh này sau đó được tháo gỡ.
Nhắc những chuyện cũ để thấy rằng có lẽ tâm thức của những quan chức từ cấp trung ương tới thành phố, họ đều tin vào một đấng bề trên phù trợ. Chiếc lư đồng phụng cúng là một sự thể hiện mà họ muốnn được bề trên đó ghi nhận tấm lòng thành ‘đầy vật chất’ đó. Gọi là ‘đầy vật chất’, vì giá gia công đúc đồng thô hiện là 500 ngàn đồng/ ký lô. Một chiếc lư nặng phải đến đơn vị gần cả tấn, và còn đòi hỏi tay nghề nghệ nhân chạm khắc.
Sinh tiền, chắc chắn ông Trần Đại Quang rất hiểu ý nghĩa của chiếc lư phụng cúng chùa Vĩnh Nghiêm. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không khác gì, nhưng có phần ‘giấu mình’ hơn. Ông Nguyễn Thành Phong cẩn kính trước bàn thờ vị danh tướng nổi tiếng cứng rắn với mọi tham nhũng, với ‘quân pháp bất vị thân’ của đất Gia Định, chắc hẳn ông Phong cũng ước muốn được cái dũng khí lẫm liệt ấy.
Vậy thì vì sao cả hai vị lãnh đạo cao nhất, nhì của Thành phố Hồ Chí Minh lại bỗng nhiên nhụt chí và công khai với bàn dân thiên hạ là họ đang sợ Trung Quốc ? Phải chăng thời cơ chưa thuận tiện, vì trong bộ máy công quyền ở Sài Gòn đã bị cài cắm quá nhiều tay chân của Chu Vĩnh Khang từ thời đế chế Lê Thanh Hải ?
Bài viết này muốn chia sẻ góc nhìn tâm linh từ chuyện chiếc lư nơi bàn thờ tổ tiên. Chắc chắn những ai đã đạp đổ bàn thờ ông bà, sẽ muôn đời bị nguyền rủa.
********************
Kỷ niệm 17/02 : "Nhà cầm quyền nghiêng về chiêu trò hơn là thực tâm với đất nước"
Trần Bang, RFA, 15/02/2019
Năm 2019 có một sự kiện rất đặc biệt, là Hà Nội đã cho phép báo chí, dư luận được lên tiếng tố cáo cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979. Những chồng tư liệu, tin tức về cuộc chiến này tưởng chừng bị xếp xó trong mối hữu nghị quái gỡ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nay lại được tung ra để cho dân chúng nhẹ lòng vào thời điểm kỷ niệm 40 của cuộc chiến.
Nhân 40 năm sự kiện đau thương và bi hùng này, nhà tranh đấu và cựu chiến binh Trần Bang đã bày tỏ vài suy nghĩ của ông.
Nhưng điều đó, không có nghĩa là mọi thứ dễ dãi. Trước một tuần ngày 17/02/2019, tất cả các phương án chặn người, gác nhà… của giới an ninh toàn quốc đã được bàn thảo và lên lịch. Có nghĩa là sẽ không có ai được tự do xuống đường tuần hành kỷ niệm ngày này, hoặc sẽ có danh sách dài những người bị giữ chặt để không tham gia được được một cuộc họp mặt, biểu tình nào đó được tổ chức trong vòng kiểm soát.
Nhân 40 năm sự kiện đau thương và bi hùng này, nhà tranh đấu và cựu chiến binh Trần Bang đã bày tỏ vài suy nghĩ của ông.
******************
Tuấn Khanh : Năm nay, có không ít người bất ngờ trước việc ban Tuyên giáo Trung Ương bật đèn xanh, cho phép nói và chỉ trích Trung Quốc về cuộc chiến tranh biên giới 17/02/1979, anh nghĩ sao về điều này ?
Trần Bang :Nhà cầm quyền làm gì thì cũng thường có lý do ẩn sau bề mặt. Lần này, tôi nghĩ có vài nguyên nhân. Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Việt Trung là một dịp quan trọng khó có thể làm ngơ, mà vốn trước đây giới Xã hội dân sự đã lên tiếng rất nhiều, đòi hỏi lịch sử phải công bằng trong ghi nhận trong cuộc chiến phía Bắc lẫn biên giới Tây Nam. Chống Polpot ở Tây Nam, nhìn rõ sự kiện, cũng là chống Trung Quốc thôi. Sau khi yểm trợ cho Khmer Đỏ thất bại thì Trung Quốc mới mở thêm mặt trận chiến tranh phía Bắc Việt Nam. Nhân 40 năm kỷ niệm thì lại càng không thể bịt miệng nhân dân được nữa.
Nhìn về hướng tích cực thì có không ít người tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược vẫn còn nằm trong bộ máy chính quyền, thậm chí là có chức quyền. Họ cũng không thể nào chịu được việc mình bị bỏ quên, mà chỉ nghe suốt ngày tuyên truyền về các cuộc chiến chống Mỹ, chống Pháp. Họ cũng muốn được nói đến sự kiện xâm lược này.
Một điều nữa, tôi nghĩ rất gần với thời sự, là trong cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Kim Jong-un tại Việt Nam, việc phát lên một thông điệp không gần gũi với Trung Quốc là một cách Hà Nội giới thiệu mình với Mỹ, trong bối cảnh biển Đông ngày càng căng thẳng. Cơ hội này cũng là một cách để giới bình luận có thể suy đoán về một bước đi ngoại giao mới của Việt Nam, trong việc giữ gìn ổn định trên biển Đông.
Tuấn Khanh : Nhưng đây có là một cách lợi dụng sức mạnh dư luận quần chúng của Hà Nội, vốn là có tiếng giỏi cách thao túng dư luận xã hội và lợi dụng truyền thông cho những mục đích khác của mình ?
Trần Bang :Tôi cũng nghĩ vậy. Bởi vì, đảng Cộng sản Việt Nam có tiếng là ma lanh. Họ tận dụng mọi sức mạnh để bảo vệ sức mạnh độc tài của họ. Đây cũng là cách mà họ lợi dụng quần chúng, lợi dụng báo chí. Ai cũng biết báo chí trong nước hiện nay chỉ là cái loa của nhà cầm quyền. Việc chủ trương cho phép báo chí nói mạnh và nói nhiều về sự kiện chiến tranh biên giới 1979 cũng chỉ là một cách xoa dịu sự tức giận của quần chúng vốn đã kìm nén lâu nay về việc nhà cầm quyền luôn đàn áp các tiếng nói đòi phải minh bạch lịch sử, minh bạch kẻ thù đã xâm lược với các thế hệ người Việt. Vừa lấy lòng được quần chúng, vừa nói được ý mình muốn trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Việt Trung, thì họ sẽ làm ngay. Mà lâu nay, mọi thứ vẫn vậy chứ không có gì mới mẻ.
Tuấn Khanh : Có người nói rằng, cho phép nói thật về lịch sử, về giặc Trung Quốc xâm lược không quan trọng bằng phải có chương trình trả tự do cho những người yêu nước, xuống đường chống trung Quốc và bị bỏ tù, thậm chí là phải có cách nói tử tế và chính danh về cuộc chiến 1979 trong sách giáo khoa lịch sử ?
Trần Bang :Tôi vẫn thấy câu chuyện này còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Lúc này, tôi nghĩ nhà cầm quyền đang nghiêng về chiêu trò nhiều hơn là chuyện thực tâm với đất nước, con người.
Tôi tin là trong bộ máy cầm quyền, vẫn có những người nghĩ đến chuyện phải trả tự do cho những ai chống Trung Quốc xâm lược mà lại bị cầm tù quá oan tức như hiện nay. Nhưng đây là một câu chuyện dài và phức tạp vì lâu nay các vụ án xử người yêu nước, nhà cầm quyền Cộng sản không bao giờ có đủ dũng khí để gọi tên án chống Trung Quốc, mà chỉ xử về tội tụ tập rối, kiểu gắp lửa bỏ tay người, mánh khóe chụp mũ, đổi tội danh. Trong số 20 người đi tù ở Đồng Nai vừa rồi, vì đã xuống đường biểu tình chống luật đặc khu giao đất 99 năm cho Trung Quốc, có bao giờ quan tòa hay Viện kiểm sát dám gọi tên là tội biểu tình chống Trung Quốc đâu ?
Còn trong sách giáo khoa, họ cũng đã nhỏ giọt thông tin, nhưng chắc là sẽ còn lâu lắm mới có đủ những lượng thông tin tương ứng và xác đáng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Tuấn Khanh : Là một sinh viên được động viên, trở thành quân nhân trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Anh và những người đã đổ máu cho đất nước nghĩ gì về thái độ và hành động của nhà cầm quyền cộng sản hôm nay ?
Trần Bang :Tôi hay ai đã trãi qua một phần của cuộc chiến 1979 đều thất đó là một điều bất công. Dù có cho báo chí nói nhiều, nói mạnh một lần như lúc này cũng là bất công với hiện thực. Nhà cầm quyền chỉ vì quyền lãnh đạo mà đi theo một loại chủ thuyết, ôm chân giặc Tàu.
Tôi đã viết rằng số người hy sinh ở chiến trường Campuchia – họ vẫn nói úp mở là chiến trường K – và những số người hy sinh ở chiến trường phía Bắc, kể cả dân binh và những người trực chiến, cộng lại còn lớn hơn cả hơn số người chết vì chống Pháp hay chống Mỹ. Đó là tôi không tính chuyện nội chiến Bắc Nam. Thì với con số người chết như vậy mà chỉ hô hào chống Mỹ, chống Pháp rồi để cho có ít dòng – lại mới chỉ đưa vào vài năm gần đây - trong sách giáo khoa lịch sử là điều không thể chấp nhận được. Tôi luôn luôn phản đối và đòi sự công bằng về lịch sử, về những mất mát của dân tộc Việt Nam.
Tuấn Khanh thực hiện
Nguồn : RFA, 15/02/2019 (tuankhanh's blog)