Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 20 février 2024 22:21

Bố của Lý Thông là ai ?

Thạch Sanh – Lý Thông là chuyện dân gian nổi tiếng của Nam Kỳ tạo ra thành ngữ "nồi Thạch Sanh" ăn hoài không hết và tính cách Lý Thông cướp công, phản bạn. Câu chuyện hay nhưng có thiếu sót chưa đặc tả vai trò quan trọng bố của Lý Thông. Thiếu đấng sinh thành dưỡng dục, nâng đỡ của bố đẻ, Lý Thông khó thể thành nhân vật điển hình. Câu chuyện lùm xùm về danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2023 đã bổ sung cho thiếu sót ấy. Người dân nay đã biết "Bố Lý Thông" là ai !

gao1

Ông Hồ Quang Cua và sản phẩm gạo chính hiệu ST25. Ảnh : HĐ

Dòng gạo ST của kỹ sư Hồ Quang Cua được nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, thử nghiệm trên nền đất Sóc Trăng từ hàng chục năm qua. Đến năm 2008, dòng ST19 bắt đầu gây tiếng vang về chất lượng thơm ngon và được nông dân Miền Tây hưởng ứng nhân rộng.

Từ năm 2019, gạo ST24 đã lần đầu tiên đưa Việt Nam đạt giải nhì cuộc thi gạo ngon thế giới. Năm 2021, dư luận vỡ òa khi ST25 đạt giải nhất thế giới. Thông tin này tác động mạnh thị trường gạo trong ngoài nước có tốt, có xấu. Giá gạo Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng tình trạng nháy, ăn cắp nhãn hiệu gạo ST24, 25 tràn lan đến mức Kỷ sư Hồ Quang Cua phải nhiều lần lên tiếng cầu cứu nhưng các Bộ, Ngành có liên quan như Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn án binh bất động.

Năm 2022, Việt Nam tổ chức cuộc thi gạo ngon lần thứ ba, do Cục Trồng trọt, Hiệp hội Lương thực và một số đơn vị phối hợp tổ chức, bất ngờ giống gạo ngon nổi tiếng thế giới TS24 lại chỉ đạt hạng nhì và giống gạo "từ trên trời rơi xuống" TBR39 của Tập đoàn Thaibinh Seed đoạt giải nhất quốc gia.

Nói TBR39 "từ trên trời rơi xuống" bởi vì nó chưa hề có mặt trên thị trường lúa gạo, chưa được sản xuất đại trà, thậm chí còn chưa được Bộ Nông nghiệp công nhận. Một loại gạo mà chỉ có "vua biết mặt, chúa biết tên", với người sản xuất và tiêu dùng thì hoàn toàn xa lạ. Sau khi được trao giải thưởng, ông Phạm Văn Hoàn - Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - xác nhận với báo chí là : "TBR39 là giống lúa mới, đã qua khảo nghiệm 3 năm tại vùng canh tác lúa tôm ở các tỉnh : Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… và ThaiBinh Seed đang làm thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận lưu hành. Đây là giống lúa mới được các nhà khoa học lai tạo thành công, ThaiBinh Seed mua bản quyền từ năm 2019 và tổ chức khảo nghiệm. "Do vậy, gạo TBR39 chưa kinh doanh lúa giống ra thị trường, cũng chưa được bán đại trà mà chỉ có một số lượng hạn chế từ các vùng khảo nghiệm mà doanh nghiệp bao tiêu của nông dân" (1).

Thời điểm ấy, báo chí đã từng lùm xùm nghi vấn về sự thiếu khách quan của cuộc thi và nguồn gốc từ trên trời của giống TBR39. Hồ Quang Cua cũng lên tiếng tố giác về sự giống nhau giữa TBR39 với gạo ST của ông. Trả lời báo chí, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng ban tổ chức vẫn còn lưu mẫu của đơn vị dự thi và chịu trách nhiệm về cuộc thi. Người dự thi được quyền nghi ngờ và người bị nghi ngờ được phép không phải trả lời gì cả.

"Việc nghi ngờ giống TBR39 của ThaiBinh Seed giống với ST24 không thuộc thẩm quyền của ban tổ chức mà thuộc thẩm quyền của đơn vị khác. Để đánh giá sự khác nhau giữa 2 giống gạo có tới 62 chỉ tiêu, và có thể dùng các mã vạch phân tử DNA. Điều này cũng không thuộc thẩm quyền của ban tổ chức" (2)

Điều mắc cười là dù đã được trao giải nhất quốc gia nhưng sau khi có chuyện lùm xùm thì cơ quan chức năng lại khẳng định "Hiện gạo TBR39 đang tiếp tục khảo nghiệm nhằm xác định tính khác biệt, đồng nhất, ổn định…, dự kiến tháng 12/2022 sẽ có kết quả khảo nghiệm cuối cùng để công bố chính thức. Trước thông tin nghi ngờ gạo ngon nhất Việt Nam lần thứ 3 giống ruột gạo ST24, ban tổ chức sẽ có phân tích xác định lại nguồn giống. Nếu như gạo TBR39 giống như gạo ST24 thì giống gạo này sẽ bị tước quyền về giống" (3).

Hơn một năm qua, kết quản khảo nghiệm này vẫn nằm trong bí mật. Cuối năm 2023 TBR39 của ThaiBinh Seed lại dự thi giải gạo ngon thế giới cùng với ST25 của ông Hồ Quang Cua, và Lộc Trời của tập đoàn Lộc Trời tạo thêm một lùm xùm mới.

Sau khi ban tổ chức công bố Việt Nam giành giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2023, kỹ sư Hồ Quang Cua công bố và báo chí thông tin ST25 một lần nữa đạt giải quán quân với hình ảnh trao nhận cúp long trọng. Thế nhưng ngày hôm sau, một số tờ báo lại thông tin ngược lại TBR39 của ThaiBinh Seed đạt giải gạo ngon thế giới.

Từ tiền lệ bất ngờ ấm ức của giải thưởng Gao ngon nhất Việt Nam năm 2022 vẫn còn âm ỉ, hai luồng thông tin trái chiều khuấy động dư luận nổi sóng với câu hỏi ai là Lý Thông trong cuộc tranh giải thưởng này ?

Tiếp theo đó tại họp báo Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, theo điều lệ cuộc thi gạo ngon quốc tế, từ năm 2022 đến nay, Ban tổ chức không trao giải cho giống nào cụ thể mà trao giải cho quốc gia. Cụ thể như năm 2022, gạo Campuchia đạt giải gạo ngon nhất thế giới và năm 2023 là gạo của Việt Nam, mà không trao cho một giống nào cụ thể.

"Dù là giống nào thì giải thưởng này cũng là thành tựu gạo Việt Nam, là niềm tự hào và đáng được tôn vinh. Do đó, Cục Trồng trọt sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trao phần thưởng cho các doanh nghiệp tham dự cuộc thi", ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh (4).

Tuyên bố chắc nịch từ lãnh đạo cơ quan chuyên ngành bề thế làm người ta phân vân, thắc mắc. Lẽ nào có cuộc thi thương hiệu sản phẩm lại trao cho quốc gia mà không xác định thương hiệu sản phẩm cụ thể nào ? Lẽ nào quan chức tầm cỡ như vậy lại dám vi phạm điều 331, thông tin sai sự thật gây thiệt hại đến quyền lợi ích của tổ chức cá nhân ? Vì sao và nhân danh cái gì ông Cục trưởng Việt Nam lại đi giải thích thể lệ của cuộc thi quốc tế mà ông không liên quan đến ban tổ chức.

Một số tờ báo phía Nam vào cuộc phỏng vấn trực tiếp The Rice Trader, đơn vị tổ chức cuộc thi. The Rice Trader đã ra Thông cáo báo chí lần thứ 3, minh định mạnh mẽ giải thưởng thuộc về giống gạo ST25, hai loại gạo còn lại của Việt Nam không qua được vòng loại, không có đóng góp gì cho cuộc thi. Dù nội dung rất thiện chí nhưng ngôn ngữ thẳng thắn của thông báo làm cho người đọc không khỏi ngậm ngùi cho cái gọi là danh dự quốc gia.

"Theo thông cáo báo chí phát hôm 23/11, chúng tôi đề cập việc nhiều bên ở Việt Nam cùng nhận mình chiến thắng giải gạo ngon nhất thế giới 2023. Chúng tôi cũng khẳng định Việt Nam là nước thắng cuộc duy nhất trong cuộc thi năm nay.

Chúng tôi đã mong tình hình sẽ được giải quyết êm đẹp và giải thưởng này sẽ trở thành chiến thắng chung của cả đất nước Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể thấy trên tin tức những tuyên bố rằng tất cả giống gạo dự thi đều thắng giải gạo ngon nhất thế giới. Việc nói tất cả giống gạo đến từ Việt Nam đều là gạo ngon nhất thế giới là phi logic và đi ngược lại tôn chỉ vinh danh những nỗ lực hướng đến thành công của chúng tôi.

Với tư cách người đưa ra ý tưởng hội thi gạo ngon nhất thế giới và là người đã bỏ công sức vào việc biến nó thành hiện thực, mục tiêu của chúng tôi luôn là công nhận sự xuất sắc trong lĩnh vực này và thúc đẩy tính trung thực.

Trước vấn đề không lường trước được phải đối mặt, chúng tôi thấy cần phải can thiệp để bảo vệ sự trong sạch của giải thưởng và khuyến khích sự xuất sắc của cá nhân mà chúng tôi rất trân trọng.

Do đó chúng tôi muốn nói rõ rằng hội thi năm nay có sự tham dự của 30 mẫu giống đến từ nhiều nước. Một số nước gửi nhiều hơn một mẫu giống. Chỉ có ba giống gạo vào được top 3 chung cuộc. Đó là một giống từ Campuchia, một giống từ Ấn Độ và một giống từ Việt Nam.

Giống gạo thắng giải được nhất trí chọn bởi tất cả đầu bếp tham gia hội thi. Họ được nếm thử sản phẩm từ từng loại gạo mà không biết nó là giống nào và đến từ công ty nào.

Giống gạo nhận được giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023 là gạo ST25 đến từ Việt Nam, được phát triển bởi Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí. Ngoài ST25, không giống gạo Việt Nam nào lọt vào top 3 chung cuộc và cũng không giống gạo nào ảnh hưởng đến kết quả hội thi.

ST25 là giống gạo được phát triển bởi đội ngũ do ông Hồ Quang Cua - nguyên phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - dẫn đầu. Năm 2019, giống ST25 của ông Cua là giống giành giải gạo ngon nhất thế giới đầu tiên cho Việt Nam và đây là thành tích to lớn cho đất nước.

Chúng tôi chân thành kêu gọi các bên tham gia hội thi tôn trọng quyết định được thống nhất bởi những đầu bếp tham gia cuộc thi.

Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ mọi tuyên bố không chính xác trên mạng xã hội và các nền tảng truyền thông đại chúng vì chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng ngành lúa gạo Việt Nam và giống gạo thắng giải" (5).

Chiều 30 và sáng mùng 5 tết Giáp Thìn, kỹ sư Hồ Quang Cua đăng liên tục hai stt nhắc lại chuyện này. Ông Cua hé lộ chi tiết đáng kinh tởm là "vào buổi xế ngày 30/11/2023, sau khi tôi được vinh danh và nhận cúp gạo ngon nhất thế giới 2023, phò mã Hoàn của ông Trần Mạnh Báo đến hỏi tôi xin mượn cúp để chụp hình làm kỉ niệm và tôi vui vẻ trao ngay. Thế là ngày hôm sau có hình của đoàn "Tập đoàn Thái Bình Seeds đang nhận giải" tung lên mạng (Hình dẫn chứng) và như có một sự chuẩn bị sẵn, tôi trở thành "Lý Thông" (6).

Bức xúc trước tấn tuồng Lý Thông thời đại, ông Hồ Quang Cua đã đặt vấn đề :

"Trên Facebook Phạm Hoàn đã tự thảo tin vào chiều ngày 30/11/2023 giống TBR39-1 đoạt giải nhất và chúc mừng. Sáng hôm sau Cục Trồng trọt họp báo công bố, dẫn đến sự lầm lẫn của Nhà nước.

Vậy có ai xử không ?

Đến nay cơ quan khảo nghiệm của Nhà nước đã xác định giống lúa xay xát ra gạo TBR39 (đã đoạt giải nhất hội thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ ba vào ngày 4/11/2022) không khác với giống lúa ST24.

gao2

Đại diện Công ty Thái Bình Seed nhận giải nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần III năm 2022. Ảnh : N.H

Có ai xử không ?

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho phép gạo TBR39 được dự thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ ba là tự vi phạm điều lệ dự thi mà mình công bố.

Có ai xử không ?

Việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và mạo danh nhận giải thưởng kéo dài từ 2022 đến nay mà tất cả chỉ im lặng thì làm sao phát huy nghiên cứu, sáng tạo và nếu không có quản lý Nhà nước thì xã hội sẽ ra sao ?" (7).

Câu hỏi của ông Hồ Quang Cua thật dễ mà cũng thật khó trả lời.

Quy định quyền và trách nhiệm, luật lệ xử phạt của nhà nước thì đâu có thiếu. Em gái Ngọc Trinh lái xe không phép còn bị đi tù. Ông cụ Lê Tùng Vân tu không đăng ký lãnh án 5 năm. Người đẹp Phương Hằng, Hàn Ni chửi lộn online cũng phải ra tòa. Câu chuyện Lý Thông làm điếm nhục quốc gia giữa thương trường quốc tế lẽ nào không có luật. Ấy nhưng đồng chí Lý Thông có cha có mẹ như thế nào ấy mới được trên ưu đãi như thế ấy. Nếu bố mẹ đẻ không phải quan to nhà mặt phố thì tất cũng có bố nuôi. Lôi chuyện này ra làm lớn bất quá mấy chú báo chí ất ơ đăng lời ông Cục Trưởng bị phạt tiền vì thông tin sai tôn chỉ mục đích hay chú bảo vệ của Hiệp hội Lương thực bị cho nghỉ việc vì để lọt hồ sơ qua cổng chính. Giống gạo TBR39 vẫn cứ là ngon nhất Việt Nam. Thái Bình Seed vẫn cứ là doanh nghiệp danh giá thương hiệu quốc gia. 

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 20/02/2024

1. https://nld.com.vn/kinh-te/thong-tin-bat-ngo-ve-gao-ngon-nhat-viet-nam-n...

2. https://vneconomy.vn/ban-to-chuc-phan-hoi-ve-lum-xum-giai-thuong-gao-ngon-nam-2022.htm

3. https://www.sggp.org.vn/lum-xum-o-cuoc-thi-gao-ngon-viet-nam-2022-doanh-nghiep-so-huu-gao-st25-chua-co-van-ban-khieu-nai-post657912.html

4. https://congthuong.vn/bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-thong-tin-chinh-thuc-ve-giai-thuong-gao-ngon-nhat-the-gioi-289110.html ?fbclid=IwAR1m8JIChye3-rKNYFyuKc6H1JtOGG-XbVA3fATWQ1ou-qedYAIYw7YwJnY

5. https://tuoitre.vn/don-vi-to-chuc-tuyen-bo-gao-st25-doat-giai-nhat-gao-ngon-nhat-the-gioi-nam-2023-20231205103608423.htm

6. https://www.facebook.com/hoquangcuaST/posts/pfbid0LshEVRAvaKMFT1pJHzX69h...

7. https://www.facebook.com/hoquangcuaST/posts/pfbid0LshEVRAvaKMFT1pJHzX69h...

Published in Diễn đàn

Học thuyết Mác sẽ để lại gì trên đất nước Việt Nam ? Có chút tương lai nào cho học thuyết đó ? Nói rộng ra, tương lai nào sau khi độc tài toàn trị chấm dứt ?

Giáo sư Đỗ Mạnh Tri

hat1

Tôi cứ nhìn hai bức ảnh trên trang FB của nhà báo Huynh Ngoc Chenh, cùng với lời bình của ông ("Cái này không phải do khác nhau vùng miền mà khác nhau do sống vớ cộng sản lâu hay mau. Giống như người Hoa lục với Hoa Hồng Kông. Tất cả đều do giáo dục mà ra") mà không khỏi có đôi chút băn khoăn.

Ngoài việc cầm bút, Huỳnh Ngọc Chênh còn có thời gian dài cầm phấn nên nhận định thượng dẫn hẳn rất khó sai nhưng tôi e rằng vẫn chưa đủ. Cùng với giáo dục, theo thiển ý, kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân – chắc chắn – cũng ảnh hưởng (ít nhiều) đến cách ứng xử của từng người.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu tâm sự :

"Xem những bức ảnh, tôi không suy luận không kết luận người Nam ý thức người Bắc tham lam, tôi chỉ thấy họ đói, họ đang đói. Cái đói làm họ sợ hơn sợ virus, nên chen lấn, giằng co nhau trước máy nhả gạo. Bạn không bao giờ hiểu được cảm giác đó, vì bạn nằm trong biên chế nhà nước, thế nào lương cũng không bị cắt. Bạn không thể nào hiểu nỗi lo ngày lo đêm trong cơn bĩ cực của người nghèo, nó đau đến mức nào, cả thể xác lẫn tinh thần, khi tài khoản tiết kiệm của bạn đủ tiền để mua cá mua thịt trữ đầy tủ lạnh và trả tiền internet cho việc tải về các bộ phim ưa thích… Tôi hiểu cái đói cái nghèo, không làm gì ra tiền nó kinh khủng tới mức nào. Không gì diễn tả nổi. Nó tàn phá mọi giá trị. Nền kinh tế đóng băng, nhiều trung lưu vỡ nợ, nhiều người nghèo đang đói, rất đói, khắp mọi miền Việt Nam… Tôi thương họ, như đã từng bất lực thương bố mẹ anh chị, thương mình những năm tám mươi".

Chuyện gì xẩy ra vào những năm 80, hay trước đó ?

Xin nghe thêm một câu chuyện nhỏ, từ một nhà văn khác :

"Sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh mùng 2 tháng 9, cả Hà Nội bừng sáng trong rừng khẩu hiệu và cờ hoa... Nơi các cửa hàng thịt cá mậu dịch người ta niêm yết trên bảng thông cáo : Các ô sổ phụ của phiếu thực phẩm tháng Chín bán cá bể, mỗi hộ được mua hai ký cá ngoài tiêu chuẩn để ăn mừng quốc khánh...

Cá bể chưa về. Thế mà có mấy người chầu chực sắp hàng từ năm giờ sáng. Trời vào thu rồi mà vẫn nóng, đám người chờ mua đông đặc không ra hàng lối gì. Mồ hôi, mồ kê nhễ nhại... vừa lúc đó, thốt nhiên bên kia đường bật lên tiếng reo lớn : "Cá về ! Cá về !

Lúc đó thì không còn hàng lối gì nữa, mọi người chen chúc xô đẩy nhau, ý ới gọi nhau. Từng lớp sóng người dồn lên rồi lại dạt xuống, khiến không còn chỗ cho những bà mậu dịch viên đổ hàng. Thế là lại phải giải thích cho mọi người lùi lại, nhường cho một khoảng trống. Có đến hai mươi phút sau cá mới được đổ xuống vỉa hè, chả cần thau chậu gì ráo. Và lũ ruồi đánh hơi mới tài làm sao ! Chỉ loáng một cái chúng đã kéo đến hàng đàn, bám đen lên đống cá. Tôi không đủ can đảm để giữ tư cách nữa, cứ thế mà chen đẩy theo sức lực của mình. Đứng trước tôi là một thằng bé, không hiểu bằng cách nào mà len lỏi tới trước được, nhưng cũng khổ cho nó, mỗi khi đợt xô đẩy dồn tới là nó lại bị đè ngã vào đống cá"… (1). 

Trận đói khốc liệt 1945 và nạn "đói góp" kéo dài đến vài thập niên, mãi cho đến Thời Kỳ Đổi Mới, khiến người dân miền Bắc phải chịu đựng mọi thiếu hụt lâu hơn dân chúng miền Nam và (chắc) vì thế nên tâm thức cũng bất an hơn – theo như suy luận của nhà văn Võ Đắc Danh :

"Người dân xứ tôi có lẽ chỉ chịu những cú đánh vào bao tử mới mười lăm năm nên chưa bị xoáy mòn nhân cách, chưa thành di chứng, sự hào phóng chưa biến mất bởi nó được tích lũy gần 300 năm ưu đãi của thiên nhiên. Đọc mấy câu ‘phán’ của anh Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tự hỏi, nếu cái chủ nghĩa xã hội quái thai còn kéo dài ở miền Nam cho tới bây giờ, liệu chúng ta có được bức ảnh người Sài Gòn xếp hàng trật tự với khoảng cách hai mét trước cái máy ATM gạo để chúng ta so sánh với người Hà Nội hay không ?"

Câu hỏi này lại khiến tôi lại trộm nghĩ thêm rằng nếu thay được những lời lẽ kỳ thị, hay miệt thị (giữa cơn đại dịch, và giữa lúc biển đảo đang mất dần dần) bằng ánh mắt bao dung, bằng ngôn từ hoà thuận, cùng với tấm lòng nhân ái thì quan hệ vùng miền Nam/Bắc – chắc chắn – sẽ tốt đẹp hơn, và cũng vững mạnh hơn (nhiều) khi đất trước đang đối diện với nạn ngoại xâm. Chả những thế, tự thâm tâm tôi còn thành thật tin rằng dân Việt hiện nay (thuộc bất cứ thế hệ nào, đang sinh sống bất cứ nơi nao) cũng đều vướng phải ít nhiều thương tật và cũng đều đáng thương hơn đáng trách.

hat2

Tôi sống tha hương gần hết đời mình nên kinh nghiệm về XHCN (xếp hàng cả ngày) không được phong phú lắm ; dù thế, chuyện xô đẩy hay chen lấn thì cũng chả lạ lùng gì. Chừng hơn mười năm trược – có hôm – tôi dừng xe trước một tiệm giò chả Việt Nam (nổi tiếng) ở miền Bắc California, rồi bảo đứa con gát út :

- Từ nay, con tự mua thức ăn lấy nhá.

Cháu đã đã học qua 5 năm tiếng Việt vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, đã được nuôi dậy cả chục năm trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều ngọng nghịu tiếng Anh nên cả nhà chỉ nói thuần tiếng Việt. Tôi tin là nó đã đủ khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ để có thể mua sắm lặt vặt cho chính bản thân. Vài phút sau, con bé bước ra khỏi tiệm tay không và mặt đỏ bừng bừng :

- Con ghét người Việt Nam, con không thích họ tí nào ! I hate Vietnamese, I don’t like them at all !

Vẻ giận dữ của cháu khiến tôi ái ngại :

- Chuyện gì vậy con ?

- Con đứng xếp hàng nhưng mấy người đến sau cứ chen lên trước nên đợi mãi cũng chả đến lượt mình.

Con tôi chào đời ở Hoa Kỳ nên không biết rằng khách hàng trong tiệm này, ông bà, cô dì, chú bác … phần lớn (cũng y như bố nó) đều là thuyền nhân. Họ đã bán tống bán tháo, hoặc "dâng hiến" hết cả tài sản để bỏ của chạy lấy người. Tất cả đâm xầm ra biển, xô đẩy chen lấn và sẵn sàng đạp lên nhau (nếu cần) với ước mong duy nhất là có thể dành được một chỗ trên một con thuyền ọp ẹp hay mong manh nào đó. Kẻ nhanh chân chưa chắc đã sống sót đến bờ nhưng người kẻ chậm lại thì chắc chết, chết chắc, vì tù tội và tán gia bại sản.

Kinh nghiệm hãi hùng này vẫn còn in đậm trong tâm trí và cách hành xử của rất nhiều người tị nạn cộng sản nên cứ thấy đám đông là là họ chen ngay (cứ như một phản xạ tự nhiên) dù chỉ để mua vài ổ bánh mì hay mấy cây chả lụa. Chính tôi cũng thế, cũng đã năm lần bẩy lượt – chứ chả ít ỏi gì – vượt đèn vàng hay len lách trên xa lộ một cách hoàn toàn vô thức (và vô cùng ngu xuẩn) dù chả có chuyện gì đến nỗi phải vội vàng đến thế.

Nhìn gương mặt đỏ au, và nghe giọng nói uất ức của con mà không dưng tôi chợt nhớ đến một câu nói (khó quên) của G.S Đỗ Mạnh Tri : "Rồi chế độ toàn trị sẽ chấm dứt tại Việt Nam. Nhưng người Việt Nam không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. Trong thực tại ấy, có Mác".

Mà di sản của Marx để lại, ở đất nước này, nào có phải chỉ giới hạn trong chuyện tranh dành hay chen lấn. Di lụy của CNXH còn là vô số những thứ "bệnh tật kinh niên" khác nữa : chèn ép, hiếp đáp, trù dập, phe cánh, chạy chọt, luồn lọt, lươn lẹo, lừa lọc, tham lam, gian xảo, trộm cắp, rình rập, soi mói, ti tiện, hèn hạ, huyênh hoang, hợm hĩnh, hung bạo, khoác lác, tục tằn, trơ trẽn, tráo trở, ích kỷ, dối trá, vô trách nhiệm, vô văn hoá, vô giáo dục, vô liêm sỷ …

Chúng ta chỉ cần vài thập niên để có thể tạo dựng lại một nền kinh tế lành mạnh và hiệu quả nhưng e sẽ mất đến đôi ba thế hệ mới loại bỏ dần được những thói hư (và tật xấu) vừa nêu. Vấn đề không chỉ đòi hỏi thời gian mà còn cần đến sự nhẫn nại, bao dung, và thông cảm (lẫn thương cảm) nữa. Nếu không thì dân tộc này vẫn sẽ tiếp tục bước hết từ bi kịch sang bi kịch khác – cho dù chế độ toàn trị và nguy cơ bị trị không còn.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 20/04/2020 (tuongnangtien's blog)

(1) Thế Giang. "Lộc Thánh". Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa : Người Việt, 1987. 119-123

Published in Diễn đàn